ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3354/QĐ-UBND
|
Hưng
Yên, ngày 29 tháng 12 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT HỢP PHẦN QUY HOẠCH CHI TIẾT LƯỚI ĐIỆN TRUNG VÀ HẠ ÁP SAU CÁC
TRẠM 110KV (HỢP PHẦN II) THUỘC ĐỀ ÁN “ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC TỈNH HƯNG
YÊN GIAI ĐOẠN 2016-2025, CÓ XÉT ĐẾN NĂM 2035”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Điện lực số
28/2004/QH11 ngày 03/12/2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
ngày 20/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP
ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Thông tư số 43/2013/TT-BCT
ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục,
thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực;
Căn cứ quyết định số 4016/QĐ-BCT
ngày 23/10/2017 của Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Điện
lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016- 2025, có xét đến
năm 2035 - Hợp phần Quy hoạch phát triển hệ thống
điện 110kV;
Căn cứ Quyết định số 691/QĐ-UBND
ngày 04/4/2016 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt đề cương và dự toán Đề
án xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2025, có
xét đến năm 2035;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công
Thương tại Tờ trình số 2218/TTr-SCT ngày 22/12/2017,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt
Hợp phần Quy hoạch chi tiết lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV (Hợp phần
II) thuộc đề án Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn
2016-2025, có xét đến năm 2035 với các nội dung chính sau:
I. Mục
tiêu, định hướng phát triển lưới điện
II. Mục tiêu
a. Mục tiêu chung
Mục tiêu của quy hoạch phát triển điện
lực tỉnh Hưng Yên là đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa, tính đồng bộ giữa
phát triển nguồn và lưới điện nhằm cung cấp cho phụ tải với chất lượng tốt nhất,
tin cậy, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quy hoạch đòi hỏi phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, độ
tin cậy, tính kinh tế trong công tác thiết kế, xây dựng, vận
hành, bảo vệ, bảo dưỡng hệ thống; phải phù hợp với hiện tại và định hướng phát
triển lâu dài.
b. Mục tiêu cụ thể
- Phát triển đồng bộ lưới điện truyền
tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của
địa phương với tốc độ tăng trưởng GRDP trong giai đoạn 2016-2020 là 7,5-8%/năm,
giai đoạn 2021-2025 là 7%/năm, giai đoạn 2026-2030 là 6%/năm,
giai đoạn 2031-2035 là 4,5%/năm.
- Đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin
cậy đảm bảo phát triển kinh tế chính trị và an sinh xã hội của địa phương; hoàn
thiện hệ thống lưới điện; giảm bán kính cấp điện và giảm tổn thất điện năng,
nâng cao chất lượng điện áp.
- Tập trung phát triển lưới điện 22kV
tại khu vực thành phố Hưng Yên, thị trấn và các khu công nghiệp, khu đô thị mới. Riêng đối với khu vực thành phố Hưng Yên, sẽ chuyển
dần cấp điện áp 35kV về vận hành ở cấp điện áp 22kV và tiến
hành ngầm hóa phần đường dây trung áp, hạ áp. Đối với lưới điện tại khu đô thị
mới, thị trấn khuyến khích thực hiện ngầm hóa.
1.2. Định hướng phát triển lưới điện
- Phát triển lưới điện phân phối phải
gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của từng địa phương
trong vùng, đảm bảo chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được
nâng cao.
- Phát triển lưới điện phân phối phù
hợp với lưới điện truyền tải 220kV và 110kV; hoàn thiện mạng lưới điện khu vực
nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện, giảm thiểu
tổn thất điện năng.
- Từng bước hiện đại hóa lưới điện, cải
tạo, nâng cấp các thiết bị đóng cắt, bảo vệ và tự động hóa của lưới điện,
nghiên cứu sử dụng các thiết bị FACTS, SVC để nâng cao giới
hạn truyền tải; từng bước hiện đại hóa hệ thống điều khiển
lưới điện.
2. Nội dung Hợp phần Quy hoạch chi
tiết lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV
2.1. Các tiêu chuẩn thiết kế
2.1.1. Tiêu chuẩn thiết kế lưới
điện trung áp
a. Cấu trúc lưới điện
- Lưới trung áp được thiết kế mạch
vòng, vận hành hở. Mạch vòng được cấp điện từ 2 trạm 110kV,
từ 2 thanh cái phân đoạn của 1 trạm 110kV có 2 máy biến áp hoặc từ 2 thanh cái
trạm biến áp 110kV. Đối với khu vực có mật độ phụ tải thấp, khu vực phụ tải
phát triển đơn lẻ hoặc không yêu cầu cấp điện đặc biệt lưới điện được thiết kế
hình tia.
- Các đường trục trung áp ở chế độ
làm việc bình thường mang tải từ (60÷70)% công suất so với công suất mang tải cực
đại cho phép để đảm bảo an toàn cấp điện khi sự cố.
- Để đảm bảo độ tin cậy, cần tăng cường
lắp đặt các thiết bị đóng lại (Recloser) trên các tuyến trung áp quan trọng và
các nhánh nhằm phân đoạn sự cố. Tăng cường bổ sung cầu dao phân đoạn ở đầu các
nhánh rẽ để phân đoạn lưới điện nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
- Tăng cường phân đoạn sự cố các đường
trục, các nhánh rẽ lớn bằng các thiết bị Recloser, LBS, PS, LBFCO, FCO..khu vực
thành phố trang bị hệ thống thiết bị bảo vệ, điều khiển hiện đại.
b. Tiết diện dây dẫn
- Cáp ngầm trung áp xây dựng mới đường
trục sử dụng cáp có tiết diện ≥240mm2, các nhánh rẽ có khả năng phát
triển phụ tải sử dụng cáp điện có tiết diện từ 7÷120mm2.
Cáp ngầm sử dụng cáp khô 3 pha, cách điện XLPE có đặc tính chống thấm dọc và
ngang.
- Đường dây trên không có tiết diện
đường trục ≥ 120mm2, tiết diện đường nhánh có khả năng phát triển phụ
tải ≥ 70mm2. Nhánh đường dây cấp điện cho phụ tải cụ thể căn cứ vào
công suất phụ tải để lựa chọn tiết diện
dây dẫn cho phù hợp.
c. Gam máy biến áp phụ tải
- Đối với trạm biến áp công cộng,
công suất trạm được tính toán theo nguyên tắc đủ khả năng
cung cấp điện cho các phụ tải dân sinh trong vòng bán kính đã được quy định.
- Công suất trạm: Được lựa chọn phù hợp
mật độ phụ tải với hệ số mang tải từ 65% trở lên. Máy biến áp 3 pha sử dụng các
gam công suất 100÷2.000kVA. Ba máy biến
áp 1 pha, sử dụng các gam công suất 3x25÷3x50kVA.
- Đối với các khách hàng là tổ chức,
cá nhân có sử dụng trạm biến áp riêng, gam công suất máy
được thiết kế lắp đặt theo công suất phụ tải và đặc tính kỹ thuật công nghệ của dây
chuyền sản xuất và phải đảm bảo cosφ ≥ 0,9. Trường hợp cosφ <
0,9, bên mua phải lắp đặt thiết bị bù công suất phản kháng hoặc mua thêm công
suất phản kháng trên hệ thống điện của bên bán để nâng công suất cosφ đạt
từ 0,9 trở lên.
d. Tiêu chuẩn về tổn thất điện áp
khi thiết kế
Các đường dây trung áp thiết kế sao
cho tổn thất điện áp lớn nhất ≤ 5% ở chế độ vận hành bình thường và ≤ 10% ở
chế độ sau sự cố.
2.1.2. Tiêu chuẩn thiết kế lưới
điện hạ áp
- Áp dụng hệ thống hạ áp 220/380V 3
pha 4 dây trung tính nối đất trực tiếp.
- Lưới hạ áp được xây dựng theo cấu
trúc mạch vòng vận hành hở, trong đó mỗi lộ ra hạ áp được liên kết với một
nhánh khác tại tủ hạ áp để dự phòng cho trường hợp sự cố. Trong điều kiện bình
thường, tải mỗi nhánh bằng 50% tải định mức dây dẫn để có
thể hỗ trợ nhánh khác trong trường hợp sự cố.
- Đường dây trên không hạ áp sử dụng
cáp vặn xoắn ABC hoặc cáp bọc, đường trục dây pha có tiết diện ≥ 120mm, đường
nhánh dây pha có tiết diện ≥ 50mm2.
- Đường cáp ngầm hạ áp sử dụng cáp ngầm
đường trục dây pha có tiết diện ≥ 120mm2, đường nhánh dây pha có tiết
diện ≥ 50mm2.
- Nhánh đường dây cấp điện cho phụ tải
cụ thể căn cứ vào công suất phụ tải để lựa chọn tiết diện dây dẫn cho phù hợp.
- Bán kính cấp điện lưới hạ áp ≤ 300m
đối với khu vực thành thị và ≤ 500m đối với khu vực nông
thôn.
- Đồng thời với việc xây dựng mới các
trạm biến áp phân phối, xây dựng mới các đường trục, đường nhánh tới các hộ
tiêu thụ, kết hợp ngầm hóa đường dây trung áp, hạ áp trên các tuyến phô, khu đô thị, thị trấn để cải thiện mỹ quan đô thị, giảm bán kính
cấp điện và tổn thất kỹ thuật lưới hạ áp sao cho tổn thất
điện áp ≤ 5% trong trường hợp vận hành bình thường và ≤ 10% trong trường hợp sự
cố.
- Đường dây hạ áp ngầm được đặt trong
ống nhựa gân xoắn chịu lực HDPE xuất phát từ trạm hạ áp đi ngâm trên vỉa hè hoặc
sát bó vỉa hè đường dọc trước nhà của hộ phụ tải. Trên trục
chính lắp tủ phân phối hạ áp đặt trên nền gạch, mỗi tủ được
sử dụng cho từ 8÷12 hộ sử dụng điện 1 pha và từ 2÷4 hộ 3 pha tùy theo loại tủ.
- Dây dẫn vào hộ sử dụng điện cho mục
đích sinh hoạt dùng cáp có tiết diện ≥ 4mm2, chiều dài từ công tơ vào nhà dân không quá 30m.
2.2. Quy hoạch phát triển chi tiết
lưới điện trung, hạ áp sau các trạm biến áp 110kV giai đoạn 2016-2025, có xét đến
năm 2035
Khối lượng xây dựng mới lưới điện
trung và hạ áp toàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2025 như
sau:
a. Lưới điện phân phối trung áp
- Giai đoạn 2016-2020:
+ Xây dựng mới 318 trạm biến áp 35(22)/0,4
kV với tổng công suất 124.870 kVA;
+ Xây dựng mới 528 trạm biến áp 22/0,4kV với tổng công suất 387.940 kVA;
+ Cải tạo nâng công suất 191 trạm biến áp với tổng công suất 46.715 kVA.
+ Xây dựng mới 258 km đường dây 35
kV; 373 km đường dây 22 kV; cải tạo 307 km đường dây trung áp;
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Xây dựng mới 313 trạm biến áp
35(22)/0,4 kV với tổng công suất 132.660 kVA;
+ Xây dựng mới 606 trạm biến áp 22/0,4 kV với tổng công suất 488.560 kVA;
+ Cải tạo nâng công suất 66 trạm biến áp với tổng công suất tăng thêm 18.955 kVA;
+ Xây dựng mới 146 km đường dây 35
kV; 339 km đường dây 22 kV; cải tạo 152 km đường dây trung áp;
b. Lưới điện phân phối hạ
áp và công tơ
- Giai đoạn 2016-2020:
+ Xây dựng mới 2.397 km; cải tạo 639
km đường dây hạ áp;
+ Lắp mới 36.968 công tơ 1 pha.
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Xây dựng mới 1.974 km; cải tạo 509
km đường dây hạ áp;
+ Lắp mới 30.957 công tơ 1 pha.
3. Cơ chế và nguồn vốn đầu tư xây
dựng lưới điện
3.1. Cơ chế huy động vốn đầu tư
- Tổng công ty Điện lực Miền Bắc,
Công ty Điện lực Hưng Yên đầu tư lưới điện 110kV, lưới điện
trung áp, hạ áp đến công tơ;
- Đối với khách hàng là khu công nghiệp,
khu du lịch, khu đô thị, khu chung cư, khu dân cư,... ngành Điện sẽ đầu tư đến
chân hàng rào công trình;
- Lưới hạ áp được huy động một phần từ
các nguồn vốn hợp pháp khác;
- Đường dây ra sau công tơ cấp điện đến
tùng hộ do vốn của khách hàng đầu tư.
3.2. Tổng hợp vốn đầu tư
Theo tính toán tổng vốn đầu tư cho việc
xây dựng và cải tạo lưới điện trung và hạ áp tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 là
5.482,7 tỷ đồng.
Trong đó:
- Vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới
điện trung áp là: 3.164,6 tỷ đồng;
- Vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới
điện hạ áp là: 2.318,1 tỷ đồng;
4. Nhu cầu cầu sử dụng đất
4.1. Nhu cầu sử dụng đất cho các
công trình trạm biến áp
Theo phương án phát triển điện lực đã
lựa chọn, tổng nhu cầu sử dụng đất cho nhu cầu xây dựng mới các công trình trạm
biến áp giai đoạn 2016-2025 là 15.382m2, trong
đó giai đoạn 2016-2020 là 7.404m2, giai đoạn 2021-2025 là 7.978m2.
4.2. Nhu cầu sử dụng đất cho các
công trình đường dây
- Đường dây trung áp: Theo phương án phát triển điện lực đã lựa chọn, tổng nhu cầu sử dụng đất cho các tuyến đường dây trung áp giai đoạn
2016-2025 là 6.843.520m2, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 3.879.670m2
và giai đoạn 2021-2025 là 2.963.850m2. Nhu cầu
chiếm đất vĩnh viễn cho các vị trí móng cột là: 146.697m2.
- Đường dây hạ áp: Theo phương án phát triển điện lực đã lựa chọn, tổng nhu cầu sử dụng đất
cho các tuyến đường dây hạ áp giai đoạn 2016-2025 là 4.244.417m2,
trong đó giai đoạn 2016-2020 là 2.348.142m2 và giai đoạn 2021-2025 là 1.896.275m2. Nhu cầu chiếm đất vĩnh viễn cho các vị
trí móng cột là: 137.219m2.
5. Giải pháp quản lý, thực hiện
quy hoạch
5.1. Quản lý quy hoạch
- Sở Công Thương chủ trì, thực hiện
chức năng quản lý nhà nước về Quy hoạch phát triển các công trình điện trên địa
bàn theo Luật Điện lực, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công Thương và
các văn bản hiện hành;
- Sở Tài nguyên và Môi trường bố trí
dự trữ quỹ đất và tiến hành thủ tục bổ sung quy hoạch sử dụng đất đối với phần
đất để xây dựng các công trình lưới điện trung, hạ áp đến năm 2025 đã được phê
duyệt;
- Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị
có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển lưới điện ở
các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung
được cấp thẩm quyền phê duyệt.
5.2. Thực hiện quy hoạch
- UBND các huyện, thành phố: Quản lý
và tổ chức thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, bố trí quỹ đất cho các
công trình điện theo quy hoạch.
- Công ty Điện lực Hưng Yên căn cứ
vào nội dung quy hoạch được duyệt, cân đối nguồn vốn và đưa vào kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện quy hoạch;
- Sở Công Thương có trách nhiệm theo
dõi, kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện quy hoạch. Phối hợp với
Công ty Điện lực Hưng Yên tiến hành các thủ tục công bố Quy
hoạch phát triển điện lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2025,
có xét đến năm 2035 (Hợp phần II: Quy hoạch chi tiết lưới điện trung và hạ áp
sau các trạm 110kV) theo quy định hiện hành.
Quá trình thực hiện có vướng mắc,
giao Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý.
Điều 2. Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn
phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương,
Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên
và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc Công ty Điện lực
Hưng Yên và thủ trưởng các cơ quan, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi
hành.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Báo Hưng Yên Đài PT-TH tỉnh;
- Lưu: VT, CV: KT2BT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Minh Quang
|