ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
3328/QĐ-UBND
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 7 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN, KIỂM SOÁT ĐỘNG VẬT HOANG
DÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi
hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản
lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản
lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh,
nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật
hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
Căn cứ Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân
dân thành phố về ban hành Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện
Chương trình hành động của Thành ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo
Nghị Quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa X;
Căn cứ Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2011 của Ủy ban nhân
dân thành phố về ban hành Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội
và ngân sách thành phố năm 2011;
Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân
dân thành phố về ban hành Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng
nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số
855/TTr-SNN-KHTC ngày 15 tháng 6 năm 2011 về phê duyệt Chương trình phát triển,
kiểm soát động vật hoang dã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển, kiểm soát động vật
hoang dã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2.
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan, đơn vị,
các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để triển khai Chương trình phát triển,
kiểm soát động vật hoang dã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015, đồng
thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân thành
phố xem xét quyết định.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám
đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Ủy ban nhân
dân các quận, huyện, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm và Thủ trưởng các đơn vị
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Tín
|
CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN, KIỂM SOÁT ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3328/QĐ-UBND ngày 31 tháng 7 năm
2011 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. THỰC TRẠNG
QUẢN LÝ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘNG VẬT HOANG DÃ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
1. Tình
hình gây nuôi và tiêu thụ động vật hoang dã
1.1. Tình hình gây nuôi
Trong những năm vừa qua, việc
gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố đã thực hiện đúng theo các
quy định, quản lý của nhà nước. Phong trào nuôi động vật hoang dã từ năm 2006 đến
nay liên tục tăng cả về số hộ, số lượng con và số loài.
Việc gây nuôi động vật hoang
dã vừa đảm bảo mục đích phát triển kinh tế cho người nuôi, vừa đảm bảo mục đích bảo tồn động vật hoang dã. Ngoài ra việc
gây nuôi động vật hoang dã còn góp phần phát triển kinh tế - du lịch và nghiên
cứu giáo dục. Động vật hoang dã gây nuôi trên địa bàn thành phố đều có nguồn gốc
rõ ràng có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Quyết định
số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10 tháng 10 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về việc ban hành Quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản.
Hầu hết các trại nuôi đảm bảo
an toàn về chuồng trại, đảm bảo các điều kiện về môi trường, vệ sinh thú y, có
hệ thống nước thải.
Hiện nay chủng loài động vật
hoang dã nuôi thuần dưỡng ở thành phố khá phong phú, gồm chồn hương, rắn các loại,
trăn, nhím, khỉ đuôi dài, cá sấu, rùa các loại, gấu, heo rừng lai… So với năm
2005, số lượng một số loài động vật hoang dã được gây nuôi trên địa bàn thành
phố năm 2010 đã tăng nhanh, như: chồn hương tăng nhanh từ 5 con lên 410 con, rắn
các loại tăng từ 3.000 con lên 28.562 con, trăn các loại tăng từ 1.000 con lên
14.021 con, nhím tăng từ 1.000 con lên 4.311 con, cá sấu tăng từ 50.000 con lên
186.050 con, rùa các loại tăng từ 3.000 con lên 10.457 con. Riêng loài gấu giảm
đi chỉ còn 324 con và loài heo rừng giảm chỉ còn 563 con.
Tổng số hộ và tổ chức gây
nuôi động vật hoang dã đến năm 2010 là 358 hộ và tổ chức, tăng 76,35% so với
năm 2005. Trong đó, tăng nhiều nhất là số hộ và tổ chức gây nuôi nhím, rùa, kỳ
đà, cá sấu… Số hộ và tổ chức gây nuôi gấu đã giảm còn 79 hộ.
1.2. Tình hình tiêu thụ
các sản phẩm từ gây nuôi động vật hoang dã
1.2.1. Tiêu thụ nội địa
Nhu cầu tiêu thụ động vật
hoang dã và các sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhu cầu về
con giống gây nuôi ở thị trường trong nước tương đối ổn định.
Các cơ sở gây nuôi động vật
hoang dã trên địa bàn thành phố đã có kinh nghiệm trong đầu tư nhân giống. Vì vậy,
ngoài việc cung cấp thực phẩm, sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã, còn cung
cấp giống cho thành phố và các tỉnh trong cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế
cao. Các giống cung cấp phổ biến cho các tỉnh là cá sấu, trăn, rắn, kỳ đà, rùa,
nhím… Hàng năm, thành phố cung cấp cho các tỉnh, thành trong nước khoảng
100.000 con giống các loại.
1.2.2. Xuất khẩu
Một số loài động vật hoang dã
gây nuôi trên địa bàn thành phố đã bước đầu có thị trường tiêu thụ, được cơ
quan quản lý Cites cấp phép như cá sấu, trăn, bò sát lưỡng cư… Trong đó, cá sấu
xuất khẩu da và thịt, trăn xuất khẩu da, các loài bò sát lưỡng cư chủ yếu xuất
khẩu với mục đích nghiên cứu khoa học.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm cá
sấu và trăn cao nhất là năm 2008, đạt khoảng 16 triệu USD. Giá trị xuất khẩu
năm 2009, 2010 có giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Giá trị
xuất khẩu các loài bò sát lưỡng cư tương đối ổn định qua các năm, đạt khoảng
450.000USD/năm.
2. Tình
hình mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã
Ủy ban nhân dân thành phố đã
chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng như công an, quân đội,
quản lý thị trường và các quận, huyện nội thành, tích cực kiểm tra, đấu tranh với
các hành vi vi phạm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ buôn bán trái
phép. Trong giai đoạn 2006 - 2010 tại thành phố, Chi Cục Kiểm lâm đã phát hiện
và xử lý 546 vụ vi phạm hành chính về động vật hoang dã, trong đó:
- 235 vụ mua bán động vật
hoang dã trái phép chiếm 43,04%, trong đó có 41 vụ là tái phạm một đến nhiều lần.
- 230 vụ vận chuyển trái phép
động vật hoang dã chiếm 42,12%.
- 13 vụ nuôi nhốt động vật
hoang dã trái phép chiếm 2,38%, trong đó có 02 vụ là tái phạm.
- 49 vụ quảng cáo kinh doanh
các món ăn chế biến từ động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên chiếm 8,97%.
- 07 vụ mua, bán, vận chuyển
động vật hoang dã thiếu thủ tục, chiếm 1,46 %.
Huyện Củ Chi là nơi xảy ra vi
phạm nhiều nhất chiếm 18,86%, gồm các hành vi vi phạm như mua, bán, cất giữ
trái phép, vận chuyển trái phép; huyện Cần Giờ chiếm 14,28% với các hành vi đào
bắt, vận chuyển trái phép Địa Sâm; quận 12 chiếm 12,08% với điểm nóng là khu
Trung Mỹ Tây; quận 1 chiếm 6,95% với điểm nóng là khu vực đường Nguyễn Thị Minh
Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Viết Chánh…
Các ngành chức năng thường
xuyên tuyên truyền giáo dục và phát hiện bắt giữ, tuy nhiên vẫn còn nhà hàng,
quán ăn có bán các món ăn chế biến từ động vật hoang dã trái phép (tê tê, kỳ
đà, rắn, rùa, cua đinh, chim…) do lợi nhuận cao và sở thích tiêu dùng của một số
bộ phận dân cư. Hiện tượng mua bán động vật hoang dã vẫn còn xảy ra ở một số
nơi trên địa bàn với mức độ ngày càng tinh vi hơn như khu vực phường Linh Trung
quận Thủ Đức, khu vực phường 13 quận Bình Thạnh, khu vực phường Trung Mỹ Tây Quận
12, khu vực cầu Móng Quận 1, khu vực Xuân Thới Sơn Hóc Môn, khu vực An Lạc quận
Bình Tân, khu vực gần cầu Cây Điệp (tỉnh lộ 9) Bình Mỹ Củ Chi, dọc tỉnh lộ 10
(nối giữa quận Bình Tân và huyện Bình Chánh), trên đường Bình Long (quận Bình
Tân), đường Lê Văn Khương (khu vực giáp ranh giữa quận 12 và huyện Củ Chi), đường
Lê Hồng Phong (quận 10)…
3. Công
tác cứu hộ và tái thả động vật hoang dã về rừng
Từ khi đi vào hoạt động đến
nay, dù quy mô Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi nhỏ, diện tích khoảng 4.000
m2 nhưng đã góp phần vào công tác tuyên truyền giáo dục, cứu hộ động vật hoang
dã, Trạm đã trở thành một trung tâm cứu hộ động vật hoang dã của cả khu vực
phía Nam:
- Đã cứu hộ được 20 loài thú,
14 loài chim, 27 loài bò sát với tổng số 1.881 con các loại, gồm 24 loài quý hiếm,
37 loài thông thường, trong đó có những loài cực kỳ quý hiếm như: đồi mồi, rùa
da, vượn đen má trắng, báo hoa mai, gấu, rắn hổ chúa, cu ly, rái cá… Trong đó,
Trạm đã nhận cứu hộ 33 loài, 166 con (147 con quý hiếm) cho các tỉnh Bình
Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Định,
Hậu Giang, Bến Tre, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khánh Hòa.
- Đã tiến hành tái thả 1.133
cá thể các loại (trong đó 20 loài quý hiếm và 21 loài thông thường) sau cứu hộ
khỏe mạnh về môi trường tự nhiên tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Cúc
Phương, Vườn quốc gia U Minh Hạ, Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, Vườn quốc gia U
Minh Thượng, Vườn quốc gia Núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu dự trữ
sinh quyển Cà Mau...
- Đã đón tiếp 634 đoàn khách
nước ngoài với 4.507 lượt người, 100 đoàn khách trong nước với 1.817 lượt người
đến thăm quan, tìm hiểu và học tập tại trạm.
- Đã tổ chức nói chuyện chuyên
đề về bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã, đa dạng sinh học cho 52 lượt, mỗi lượt
50 cháu học sinh các trường trung học Quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.
- Đã tạo điều kiện cho sinh
viên đại học và sau đại học (trong đó có 3 sinh viên nước ngoài) vào học tập,
nghiên cứu thực tế.
- Phối hợp với tổ chức phi
chính phủ tổ chức các sự kiện tìm hiểu và bảo vệ, phát triển động vật hoang dã.
4. Công
tác quản lý nhà nước
Chi Cục Kiểm lâm đã phối hợp
chặt chẽ với các cơ quan chức năng thực hiện tốt các quy định của nhà nước về
quản lý động vật hoang dã. Tuyên truyền giáo dục hơn 1.000 người, cho làm cam kết
không mua, bán, cất giữ, vận chuyển động vật hoang dã; phát hơn 10.000 tờ bướm
về quản lý bảo động vật hoang dã; mở các lớp tập huấn quản lý bảo vệ phát triển
động vật hoang dã cho cán bộ ủy ban dân các quận huyện và các chủ trại nuôi…)
nên đã hạn chế việc săn bắt mua, bán động vật hoang dã trái phép.
Thường xuyên kiểm tra hướng dẫn
cho 310 tổ chức, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp, hoạt động
có hiệu quả cao, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, có sản phẩm để phục
vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần bảo tồn và phát triển động vật
hoang dã.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan chức năng thực hiện công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các hành
vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ động vật rừng.
5. Đánh
giá
5.1. Mặt làm được
- Việc gây nuôi động vật
hoang dã ở thành phố đã đem lại lợi ích cho các hộ nuôi, góp phần quan trọng
trong việc thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của
Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố.
- Đã hướng dẫn người dân gây
nuôi thực hiện và theo đúng quy định pháp luật, khuyến khích và tạo điều kiện
thuận lợi để người dân gây nuôi, phát triển động vật hoang dã theo đúng quy định
pháp luật, bước đầu tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập. Đa số người gây nuôi,
kinh doanh động vật hoang dã đã tuân thủ đúng các quy định của Pháp luật.
- Có sự phối hợp chặt chẽ của
các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh các hành vi
vi phạm về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý động vật hoang dã, nhất là các
lực lượng công an và quản lý thị trường; xóa bỏ được một số địa điểm mua bán,
kinh doanh động vật hoang dã trái phép.
- Mặc dù quy mô của Trung tâm
cứu hộ động vật hoang dã thành phố còn nhỏ nhưng bước đầu có những hoạt động
tuyên truyền, giáo dục và cứu hộ có hiệu quả.
5.2. Mặt hạn chế khó khăn
- Kỹ thuật nhân giống động vật
hoang dã khó khăn do có sự khác biệt giữa điều kiện gây nuôi và điều kiện tự
nhiên, một số loài có nguy cơ cận huyết, thái hóa giống.
- Chưa có thị trường ổn định
cho người gây nuôi nhất là cá sấu và trăn do phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất
khẩu. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ động vật hoang dã và sản phẩm động vật
hoang dã có đặc thù riêng phụ thuộc vào thị hiếu người tiêu dùng, do vậy đôi
khi do phát triển nhanh, số lượng nhiều dẫn đến sản phẩm không được tiêu thụ hết.
- Do lợi nhuận cao của việc
buôn bán động vật hoang dã nên các đối tượng vẫn thực hiện hành vi buôn bán, vận
chuyển trái phép động vật hoang dã.
- Trạm cứu hộ động vật hoang
dã còn thiếu nhiều trang thiết bị như xe chuyên chở động vật hoang dã, lò thiêu
xác động vật hoang dã bị chết, một số dụng cụ và thuốc chuyên dùng, chỗ làm việc
cho cán bộ, nhân viên Trạm, tài liệu khoa học kỹ thuật; diện tích hiện tại của
Trạm nhỏ, hẹp.
- Chưa có hướng dẫn cụ thể thực
hiện Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế về quản lý gấu
nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành các tiêu chuẩn ngành
về các quy phạm kỹ thuật nuôi từng loài động vật hoang dã.
II. NỘI
DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN, KIỀM SOÁT ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
1. Mục
tiêu
1.1. Mục tiêu chung
Nâng cao năng lực quản lý nhà
nước đối với việc gây nuôi và kinh doanh động vật hoang dã, đảm bảo các cơ sở
gây nuôi đáp ứng đủ các điều kiện an toàn cho con người và môi trường; hạn chế
thấp nhất các vụ vi phạm trong quản lý, bảo vệ và phát triển động vật hoang dã
trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- 100% các doanh nghiệp, tổ
chức, các cơ sở gây nuôi, vận chuyển, kinh doanh chế biến và xuất khẩu các sản
phẩm từ động vật hoang dã trên địa bàn thành phố nắm rõ các quy định của nhà nước
về quy định quản lý và gây nuôi động vật hoang dã.
- Tất cả các cơ sở gây nuôi,
kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn thành phố đảm bảo các điều kiện về an
toàn chuồng trại, môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
- Phát hiện, xử lý nghiêm và
xóa bỏ hoàn toàn các địa điểm, các trường hợp kinh doanh động vật hoang dã trái
phép.
2. Nhiệm
vụ
- Đánh giá tình hình mua, bán
vận chuyển động vật hoang dã (hợp pháp và không hợp pháp) ở thành phố; thực hiện
các giải pháp quản lý tốt nhất để bảo vệ và phát triển động vật hoang dã.
- Đánh giá thực trạng nghề
nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn thành phố về các mặt
nguồn giống, vốn, thị trường, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, thông tin, tiếp
thị… Đề xuất các giải pháp để kiểm soát và quản lý gây nuôi động vật rừng có hiệu
quả trên địa bàn thành phố.
- Tăng cường hiệu lực và hiệu
quả quản lý của các đơn vị chức năng để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển trái
phép động vật hoang dã, quản lý tốt các trại nuôi động vật hoang dã, góp phần
thiết thực vào thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
- Nghiên cứu xây dựng và hướng
dẫn thực hiện các quy trình, kỹ thuật chuồng trại và gây nuôi kiểm soát dịch bệnh
các loài động vật hoang dã.
3. Các
giải pháp chủ yếu
3.1. Tăng cường công
tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, với mục đích chủ yếu:
- Nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã cho cán bộ, công chức ở
các cơ quan chức năng.
- Nâng cao nhận thức của tổ
chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, chế biến, người tiêu dùng về vai trò và tác
dụng to lớn của đa dạng sinh học từ động vật hoang dã đối với đời sống con người
cũng như các tác hại của việc lạm dụng và tàn sát động vật hoang dã; đảm bảo động
vật hoang dã tiêu thụ, vận chuyển đều có nguồn gốc do gây nuôi hợp pháp.
3.2. Xây dựng các mô
hình điểm nuôi, sinh sản phát triển các loài động vật hoang dã cho các trại
nuôi, các hộ gia đình trên địa bàn thành phố, cụ thể:
- Quản lý hoạt động gây nuôi
gấu.
- Xây dựng mô hình điểm trình
diễn gây nuôi bền vững loài trăn theo quy chuẩn, quy phạm của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Quyết định số 4110/QĐ-BNN-KHCN ngày 31 tháng 12 năm
2006.
- Xây dựng mô hình điểm trình
diễn gây nuôi bền vững một số loài bò sát lưỡng cư. Từ đó, xây dựng quy chuẩn,
quy phạm đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
- Đề xuất mô hình gây nuôi an
toàn, đảm bảo môi trường, bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm, tái thả động vật
hoang dã quý hiếm (vượn, mèo rừng…) về môi trường tự nhiên.
3.3. Nâng cao năng lực
kiểm tra, kiểm soát, cứu hộ động vật hoang dã, thường xuyên tổ chức đào tạo tập
huấn và bổ sung thiết bị, phương tiện cho lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức
năng nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, cứu hộ động vật hoang dã, bao
gồm:
- Nâng cao kiến thức về pháp
luật và kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Kiểm lâm và các cơ quan chức năng
liên quan.
- Tổ chức tăng cường kiểm
tra, kiểm soát, từng bước xóa bỏ các điểm nóng xảy ra vi phạm nhiều trong thời
gian qua. Lập được danh mục, địa chỉ cụ thể về gây nuôi động vật hoang dã phát
triển, các nơi có buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
- Tổ chức tăng cường kiểm tra
định kỳ và đột xuất các trại gây nuôi động vật hoang dã theo quy định của Nhà
nước.
- Đầu tư thiết bị, phương tiện
và nhân lực để cứu hộ và kiểm soát dịch bệnh động vật hoang dã.
3.4. Tổ chức rà soát
các văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu kiến nghị sửa đổi, bổ sung.
Đẩy mạnh cộng tác rà soát
nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ và phát triển động
vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, để kiến nghị bổ sung, sửa đổi và xây dựng
mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài
nguyên động thực vật hoang dã, nhằm hoàn thiện khung pháp lý để tăng cường tính
đồng bộ và hiệu quả của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong bảo vệ và
phát triển động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học.
III. CÁC
CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN CHỦ YẾU:
1.
Chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ Kiểm lâm và cán
bộ thuộc các cơ quan chức năng liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ
biến thông tin về quản lý động vật hoang dã
Mục tiêu:
- Nâng cao trình độ của cán bộ
Kiểm lâm và cán bộ thuộc các cơ quan chức năng liên quan trong việc thực hiện
chương trình kiểm soát động vật hoang dã.
- Nâng cao nhận thức của tổ
chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, chế biến và người tiêu dùng về quy định quản
lý của Nhà nước về động vật hoang dã; vai trò, tác dụng to lớn của động vật
hoang dã nói riêng và đa dạng sinh học nói chung đối với đời sống con người
cũng như các tác hại của việc lạm dụng, tàn sát động vật hoang dã, hướng tới việc
bảo vệ và phát triển động vật hoang dã một cách hợp lý, ổn định trong xã hội.
Nội dung:
- Xây dựng tài liệu đào tạo tập
huấn, tuyên truyền về các quy định quản lý nhà nước về động vật hoang dã, vai
trò của động vật hoang dã trong bảo tồn đa dạng sinh học, đời sống xã hội, quy
trình gây nuôi động vật hoang dã.
- Xây dựng các chương trình
đào tạo tập huấn và tuyên truyền về quản lý động vật hoang dã.
Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
Cơ quan thực hiện: Chi Cục Kiểm
lâm phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các sở, ngành liên quan.
2.
Chương trình rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy
phạm pháp luật
Mục tiêu: Hệ thống hóa các
văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên động
vật hoang dã; đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản để phù hợp với công tác quản
lý động vật hoang dã trên địa bàn thành phố.
Nội dung:
- Hệ thống hóa các văn bản
quy phạm pháp luật của Trung ương và thành phố về quản lý động vật hoang dã.
- Xây dựng đề xuất các quy
chuẩn về chuồng trại, con giống, đặc tính sinh sản, vệ sinh môi trường… của các
loài gây nuôi; đề xuất ban hành danh mục những loài động vật hoang dã được phép
gây nuôi để tránh việc bị khai thác tận diệt, tránh nguy cơ tuyệt chủng; soạn
thảo các cẩm nang về quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên động thực vật
hoang dã như Cẩm nang về gây nuôi nhím, gây nuôi heo rừng, gây nuôi cá sấu,
trăn, chồn hương…
Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
Cơ quan thực hiện: Chi Cục Kiểm
lâm phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các sở, ngành liên quan.
3. Dự
án xây dựng mô hình trình diễn gây nuôi bền vững loài trăn; các loài bò sát -
lưỡng cư
Mục tiêu: Xây dựng mô hình
trình diễn các trại gây nuôi bền vững loài trăn; các loài bò sát - lưỡng cư với
ưu điểm là khả năng thích nghi môi trường nuôi nhốt rất tốt, kháng bệnh cao,
sinh sản nhiều, có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, thị trường ổn định
và có giá trị thương phẩm cao.
Nội dung:
- Xây dựng quy trình gây
nuôi, sinh sản, phòng, chống dịch bệnh cho việc gây nuôi loài trăn và các loài
bò sát - lưỡng cư.
- Xây dựng quy định đảm bảo
điều kiện an toàn cho con người, môi trường trong việc gây nuôi loài trăn và
các loài bò sát - lưỡng cư.
- Xây dựng hệ thống tiêu thụ
sản phẩm do gây nuôi loài trăn và các loài bò sát - lưỡng cư.
Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
Cơ quan thực hiện: Chi Cục Kiểm
lâm phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các sở, ngành liên quan, một số
trang trại điểm.
4.
Chương trình tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện quy định gây
nuôi và kinh doanh động vật hoang dã trên địa bàn thành phố
Mục tiêu: Hạn chế tối đa các
vi phạm về mua, bán trái phép động vật hoang dã, quản lý chặt chẽ hoạt động
nuôi gấu và động vật hoang dã.
Nội dung: Triển khai thực hiện
các đợt trọng tâm kiểm tra, kiểm soát mua bán vận chuyển trái phép động vật
hoang dã trên địa bàn huyện Củ Chi, quận 12, quận 1, quận Tân Phú và huyện Bình
Chánh...; các trại nuôi của các doanh nghiệp, cơ sở hộ gia đình (kết hợp công
nghệ quản lý GIS); kiểm đếm số con, số loài, đối chiếu hồ sơ sổ sách, đánh giá
tỷ lệ sinh sản, tỷ lệ ấp nở, đánh giá mức độ an toàn của chuồng trại đối với
con người và môi trường; tập huấn các kiến thức, kỹ năng chuyên môn, các văn bản
quy phạm pháp luật liên quan cho từng đơn vị; kiểm tra định kỳ theo kế hoạch từng
năm về các trại nuôi; tiến hành kiểm tra chip điện tử, dịch bệnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
Cơ quan thực hiện: Chi Cục Kiểm
lâm phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các sở, ngành liên quan.
5.
Chương trình Nâng cao năng lực của trạm cứu hộ động vật hoang dã, tổ chức kiểm
soát dịch bệnh
Mục tiêu: Nâng cao năng lực cứu
hộ động vật hoang dã, nâng cao tỷ lệ tái thả động vật hoang dã về tự nhiên.
Nội dung:
- Tăng chất lượng cứu hộ động
vật hoang dã, giảm tỷ lệ chết, nâng cao tỷ lệ tái thả động vật về môi trường tự
nhiên.
- Nghiên cứu, áp dụng các biện
pháp phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật hoang dã tại Trung tâm cứu hộ.
- Bổ sung các trang thiết bị
cần thiết trong việc cứu hộ động vật hoang dã.
- Nâng cao năng lực của cán bộ,
công chức trong việc chữa trị, cứu hộ động vật hoang dã.
- Xây dựng quy trình tiếp nhận,
phân loại, cứu chữa và tái thả về rừng động vật hoang dã sau khi cứu hộ.
Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
Cơ quan thực hiện: Chi Cục Kiểm
lâm phối hợp Ủy ban nhân dân các quận huyện, các sở, ngành liên quan.
6. Dự
trù kinh phí thực hiện giai đoạn 2011-2015: dự tính 2.918,1 triệu đồng; nguồn sự
nghiệp chi thường xuyên được giao theo dự toán hàng năm của Chi cục Kiểm
lâm.(Chi tiết cụ thể theo biểu đính kèm)
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
1. Thời
gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2015.
2.
Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển cá sấu trên địa thành
phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
là cơ quan thường trực nghiên cứu, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố sau
khi Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình phát triển
cá sấu trên địa bàn thành phố có hiệu lực.
3.
Một số nhiệm vụ cụ thể:
3.1. Giao Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn:
3.1.1. Chủ trì phối hợp
với các sở, ngành, quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này, tổng
hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm.
3.1.2. Chỉ đạo Chi Cục
Kiểm lâm:
- Tổ chức quản lý gây nuôi,
phát triển động vật hoang dã theo đúng các quy định tại Luật Bảo vệ và phát triển
rừng năm 2004; Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ
về quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Nghị định số
82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất
khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi
sinh trưởng và trồng, cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp,
quý, hiếm.
- Cung cấp tài liệu, hướng dẫn
kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về kỹ thuật nhân giống, gây nuôi
phát triển các loài động vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát.
- Hướng dẫn việc kinh doanh,
vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang
dã có nguồn gốc gây nuôi phải có đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp
pháp theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.
- Rà soát, lập danh sách những
đối tượng đã nhiều lần vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển động vật
hoang dã để phối hợp với các ngành, chính quyền các địa phương có biện pháp quản
lý và đấu tranh ngăn chặn thường xuyên.
- Tổ chức cứu hộ các cá thể động
vật hoang dã đã bị xử lý tịch thu, đảm bảo động vật hoang dã khoẻ mạnh trước
khi thả vể môi trường tự nhiên. Động vật hoang dã đã bị xử lý tịch thu nhưng
không thể thả về môi trường tự nhiên thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp
luật.
- Rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ
sung và đề xuất xây dựng các văn bản pháp quy quản lý động vật hoang dã phù hợp
với điều kiện thành phố.
3.2. Giao Sở Công
Thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc:
- Tăng cường phối hợp Chi Cục
Kiểm lâm tổ chức kiểm tra, kiểm soát các quán ăn, nhà hàng, các chợ, các địa điểm
kinh doanh, các trục đường giao thông, sân bay, bến cảng, các khu dân cư để
phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về
mua, bán, vận chuyển, gây nuôi, chế biến trái phép động vật hoang dã.
- Chủ trì phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại,
mở rộng thị trường tiêu thụ động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã
theo quy định.
3.3. Giao Công an
thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp Chi Cục Kiểm
lâm tổ chức kiểm tra, kiểm soát các quán ăn, nhà hàng, các chợ, các địa điểm
kinh doanh, các trục đường giao thông, sân bay, bến cảng, các khu dân cư để
phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về
mua, bán, vận chuyển, gây nuôi, chế biến trái phép động vật hoang dã.
3.4. Giao Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở
ngành lập dự toán kinh phí thực hiện các dự án liên quan đến chương trình phát
triển, kiểm soát động vật hoang dã; thẩm định, tổng hợp và bố trí kinh phí thực
hiện các chương trình, dự án đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
3.5. Giao Sở Khoa học
và Công nghệ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, thẩm định
các quy chuẩn về chuồng trại, kỹ thuật nuôi các loài động vật hoang dã.
3.6. Giao Sở Thông tin
và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài của thành phố có các chuyên trang,
chuyên mục, các tiểu phẩm văn nghệ… với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù
hợp để tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân thành phố về chủ trương phát triển,
kiểm soát động vật hoang dã trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.
3.7. Giao Hội Nông dân
phối hợp tuyên truyền cho nông dân về kỹ thuật gây nuôi kinh doanh động vật
hoang dã có nguồn gốc hợp pháp.
3.8. Giao Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các quận, huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Thực hiện công tác quản lý
nhà nước theo sự phân công, phân cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền không để
xảy ra tình trạng mua bán trái phép động vật hoang dã diễn ra trên địa bàn quận,
huyện quản lý;
- Phối hợp với Sở, ngành
chuyên môn của thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với trại nuôi
động vật hoang dã đúng quy định pháp luật.
3.9. Các doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn thành phố phải tuân thủ
các quy định của nhà nước về gây nuôi, kinh doanh hợp pháp; tham gia thực hiện
các chương trình, dự án do thành phố ban hành./.