ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
33/2012/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng,
ngày 29 tháng 6 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI
THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật
Thủy sản ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị
định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/03/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai
thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
Theo đề nghị
của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy định về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký. Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên
quan tổ chức triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban
ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Sóc Trăng và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ NN&PTNT;
- Công báo;
- Lưu: HC, KT.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thành Trí
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Kèm theo Quyết định số 33
/2012/QĐ-UBND ngày 29tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy định này quy định
về quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các
vùng nước thuộc tỉnh Sóc Trăng đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân có hoạt động
liên quan đến khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh
Sóc Trăng.
Điều
2. Nguyên tắc chung
1.
Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải kết
hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường, hài hòa lợi ích
các ngành, các địa phương.
2. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản là
yêu cầu cấp thiết trước mắt và lâu dài, là sự nghiệp của toàn xã hội, là quyền
và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức và toàn dân.
3. Hoạt động khai thác
thủy sản phải kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng; bảo vệ chủ quyền và lợi
ích quốc gia trên vùng biển và các vùng nước tự nhiên khác; tuân theo những quy
định tại quy chế này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Chủ động phòng,
tránh và giảm tác hại của thiên nhiên; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện
hoạt động thủy sản trên biển, sông và các vùng nước tự nhiên khác trên địa bàn
tỉnh.
Điều
3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này,
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Nguồn lợi thủy sản: Là tài nguyên sinh
vật trong các vùng nước tự nhiên, có giá trị kinh tế, khoa học để phát triển
nghề khai thác thủy sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.
2. Khai thác thủy sản: Là việc
khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển, sông và các vùng nước tự nhiên khác.
3. Tái tạo nguồn lợi thủy sản: Là quá
trình tự phục hồi hoặc hoạt động làm phục hồi, gia tăng nguồn lợi thủy sản.
4. Tàu cá: Là tàu, thuyền và các cấu trúc
nổi khác chuyên dùng cho khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản.
5. Chủ tàu cá: Là các tổ chức, cá nhân sở
hữu, quản lý và sử dụng tàu cá.
6. Vùng cấm khai thác có thời hạn: Là các
vùng nước cấm một số loại nghề hoạt động đánh bắt làm tổn hại đối với loài thủy
sản là đối tượng cần duy trì sinh trưởng trong một thời gian nhất định để sinh
sản hoặc tự sinh trưởng đến cỡ khai thác có hiệu quả cao nhất.
7. Vùng cấm khai thác: Là các vùng nước cấm
tất cả các loại nghề hoạt động khai thác thủy sản bao gồm những khu vực được
Nhà nước quy hoạch để nuôi trồng thủy sản, xây dựng khu bảo tồn đa dạng sinh học,
khu bảo tồn loài thủy sản.
8. Thủy sinh vật ngoại lai: Là loài thủy
sinh vật được di nhập từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
9. Thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại:
Là loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ lấn chiếm nơi sinh sống hoặc có nguy
cơ gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại
nơi chúng xuất hiện và phát triển.
10. Thủy sinh vật ngoại lai xâm hại: Là
loài thủy sinh vật ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các
loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và
phát triển.
11. Đồng
quản lý: Là một phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền
hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi.
Chương II
QUẢN LÝ KHAI THÁC THỦY SẢN
Điều 4. Đăng kiểm tàu cá
1. Các loại tàu cá dưới đây thuộc diện phải đăng
kiểm:
a) Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ
20 mã lực trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét
trở lên;
b) Bè cá và các cấu trúc nổi khác phục vụ hoạt động
thủy sản trên sông, biển có tổng dung tích từ 50 m3 trở lên.
2. Các trang thiết bị lắp đặt trên tàu thuộc diện
phải đăng kiểm:
a) Các trang thiết bị an toàn hàng hải và an
toàn sinh mạng.
b) Các trang thiết bị khai thác thủy sản.
c) Các trang thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an
toàn.
Điều 5. Đăng ký tàu cá
1. Tất cả các loại tàu cá đều phải đăng ký.
2. Tàu cá chỉ được đăng ký tại một cơ quan đăng
ký, nơi chủ tàu cá đặt trụ sở hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
3. Các loại tàu cá dưới đây được cấp giấy chứng
nhận đăng ký tàu cá:
a) Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ
20 mã lực trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét
trở lên.
b) Bè cá và các cấu trúc nổi khác phục vụ hoạt động
thuỷ sản trên hồ, sông, biển có tổng dung tích từ 50 m3 trở lên.
4. Các loại tàu cá khác, trừ các loại tàu cá nêu
tại Khoản 3 Điều này, sau khi đăng ký, cơ quan đăng ký vào sổ đăng ký tàu cá để
quản lý.
5. Điều kiện đăng ký tàu cá:
a) Tàu cá có nguồn gốc hợp pháp; có văn bản chấp
thuận đóng mới, cải hoán tàu cá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định của
pháp luật.
6. Tàu cá được đăng ký lại khi chuyển quyền sở hữu,
thay đổi tính năng kỹ thuật hoặc chủ tàu cá thay đổi trụ sở, chuyển nơi đăng ký
hộ khẩu sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
7. Chủ tàu cá phải khai báo để xoá đăng ký tàu
cá trong những trường hợp: Tàu cá bị mất tích, chìm đắm hoặc hủy bỏ.
Điều 6. Đăng ký thuyền viên
Tàu cá được đăng ký ở cơ quan Đăng ký tàu cá nào
thì cơ quan Đăng ký tàu cá đó thực hiện việc đăng ký thuyền viên và cấp sổ danh
bạ thuyền viên cho tàu cá.
Điều 7. Đảm bảo an toàn đối
với tàu cá
1. Tàu cá khi hoạt động phải thực hiện các quy định:
a) Có đủ các trang thiết bị an toàn.
b) Có đủ biên chế trên tàu với các chức danh.
c) Có đủ các loại giấy tờ của tàu và người đi
trên tàu.
d) Chỉ được hoạt động theo đúng nội dung ghi
trong giấy phép hoặc đã đăng ký.
e) Nghiêm chỉnh thực hiện các quy tắc an toàn
giao thông đường thủy nội địa, an toàn hàng hải.
2. Tàu cá thuộc diện đăng kiểm chỉ được hoạt động
khi đã được đăng kiểm, đăng ký tàu cá, thuyền viên và được Chi cục Khai thác và
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp các loại giấy tờ theo quy định.
3. Đối với các tàu cá không thuộc diện bắt buộc
phải đăng kiểm thì chủ tàu cá tự chịu trách nhiệm về an toàn kỹ thuật của tàu
cá.
Điều 8. Trách nhiệm của chủ
tàu cá, thuyền trưởng và người lái tàu cá trong việc đảm bảo an toàn
1. Chủ tàu cá có trách nhiệm:
a) Đảm bảo trên tàu cá có đủ các trang thiết bị
an toàn theo quy định:
- Đối với tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm thực
hiện theo Phụ lục I kèm theo Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 của Bộ
Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Đối với tàu cá không thuộc diện phải đăng kiểm,
khi hoạt động, tối thiểu phải có các trang thiết bị an toàn: Đèn tín hiệu, phao
cứu sinh, chống đắm, chống thủng, phòng cháy, chữa cháy.
b) Đảm bảo tàu cá hoạt động trong vùng biển và
thời hạn được ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
c) Đảm bảo trên tàu cá khi hoạt động có đủ số lượng
thuyền viên đăng ký trong sổ danh bạ thuyền viên và không được vượt quá số người
ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
d) Yêu cầu thuyền trưởng, người lái tàu cá điều
động tàu ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc gọi tàu về nơi tránh, trú bão an toàn ngay
khi nhận được thông tin cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp
đến vùng biển tàu đang hoạt động.
2. Thuyền trưởng và người lái tàu cá có trách
nhiệm :
a) Trước khi rời bến kiểm tra các loại giấy tờ của
tàu cá và thuyền viên, bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá hoặc Giấy xác
nhận đã đăng ký tàu cá;
- Giấy phép khai thác thủy sản;
- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (đối với
tàu cá theo quy định phải có);
- Sổ danh bạ thuyền viên (đối với tàu cá theo
quy định phải có);
- Các văn bằng, chứng chỉ về thuyền viên và giấy
tờ tùy thân.
b) Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới, phải liên
lạc thường xuyên và thông báo về vị trí của tàu, số người trên tàu với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng, Đài thông tin duyên hải nơi
xuất phát và nơi gần nhất.
c) Cho tàu cá hoạt động trong vùng biển và trong
thời hạn được ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá.
d) Khi tàu gặp nạn phải tổ chức khắc phục, trường
hợp có nguy cơ đe dọa đến an toàn của tàu và thuyền viên phải kịp thời thông
báo cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn, cơ quan đăng ký tàu cá.
e) Trường hợp bất khả kháng, phải dỡ bỏ các thiết
bị, vật dụng có ảnh hưởng đến an toàn của tàu cá, để kịp đưa tàu cá đến nơi an
toàn.
Điều 9. Định hướng phát triển
tàu cá và nghề khai thác
1. Việc phát triển tàu cá phải phù hợp với quy
hoạch phát triển ngành thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh.
2. Không chấp thuận cho đóng mới hoặc không đăng
ký đối với các tàu cá nhập tỉnh trong các trường hợp sau:
- Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính dưới
90 mã lực làm nghề lưới kéo đơn, kéo đôi (giã cào đơn, giã cào đôi).
- Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính dưới
30 mã lực làm các nghề khác.
3. Trước khi đóng mới, cải hoán tàu cá, chủ tàu
phải xin phép và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản chấp
thuận.
4. Cấm phát triển các nghề kết hợp ánh sáng hoạt
động tại tuyến bờ và tuyến lộng; các nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy
biển.
Điều 10. Quản lý dịch vụ
khai thác thủy sản
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ (bao gồm
cả nguyên vật liệu để chế tạo ngư cụ) và trang thiết bị khai thác thủy sản phải
có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về
ngành nghề sản xuất hoặc kinh doanh ngư cụ và trang thiết bị khai thác thủy sản
do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
b) Có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.
c) Nhà xưởng, kho chứa, trang thiết bị, hệ thống
xử lý nước thải, chất thải rắn và khí thải của cơ sở sản xuất phải đảm bảo tiêu
chuẩn bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
d) Cơ sở sản xuất phải có ít nhất một kỹ thuật
viên có bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành khai thác hoặc cơ khí thủy sản.
e) Phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa
đã công bố; thực hiện ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật.
g) Chỉ được sản xuất, kinh doanh các loại ngư cụ,
trang thiết bị, khai thác thủy sản không thuộc danh mục cấm sử dụng do Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
2. Tổ chức, cá nhân hành nghề đóng mới, cải hoán
tàu cá đối với loại tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm (trừ cơ sở đóng tàu thuộc
ngành công nghiệp hoặc quốc phòng) phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Địa điểm xây dựng của cơ sở phải theo quy hoạch
của địa phương.
b) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về hành
nghề đóng mới, cải hoán tàu cá do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
c) Cơ sở có biển hiệu, địa chỉ rõ ràng.
d) Nhà xưởng, trang thiết bị phải phù hợp yêu cầu
kỹ thuật theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hệ thống xử
lý nước thải và chất thải rắn của cơ sở phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường
theo quy định của pháp luật.
e) Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật có trình độ
trung cấp trở lên về chuyên ngành vỏ tàu, một nhân viên kỹ thuật có trình độ
trung cấp trở lên về động lực.
Chương III
BẢO VỆ VÀ TÁI TẠO NGUỒN
LỢI THỦY SẢN
Điều 11. Bảo vệ nguồn lợi
thủy sản
1. Nghiêm cấm các hoạt động sau làm hủy hoại nguồn
lợi thủy sản, khai thác thủy sản tận diệt, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển
và duy trì loài, giống của các loài thủy sản:
a) Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử
dụng trái phép các loại chất nổ, điện, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện,
hóa chất hoặc chất độc để khai thác thủy sản trong vùng biển, sông, ao, đồng ruộng
và các vùng nước trên địa bàn tỉnh.
b) Bắt cá con các loại; câu nhấp bắt cá bố mẹ
trong thời kỳ sinh sản và giữ con.
c) Sử dụng lưới mùng (đáy mùng, đăng mé, cào sò
huyết, nò, đó, lưới túi, xúc...) và các loại ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ
hơn quy định tại Phụ lục 2, Phụ lục 3 kèm theo Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày
20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
d) Khai thác các đối tượng thủy sản tại các khu
vực cấm khai thác hoặc các khu vực cấm khai thác có thời hạn trong năm theo quy
định tại Thông tư số 89/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn ban hành danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn
trong năm.
e) Khai thác các đối tượng thủy sản bị cấm khai
thác hoặc bị cấm khai thác có thời hạn tại các vùng nước; khai thác các loài thủy
sản có kích thước tối thiểu nhỏ hơn quy định tại Phụ lục 5, Phụ lục 6, Phụ lục
7 kèm theo Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 02/2006/TT-BTS
ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
hướng dẫn thi hành Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về
điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.
g) Khai thác, tiêu thụ, chế biến, vận chuyển các
loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ, bảo tồn và phát triển
theo quy định của Công ước CITES và các loài thuộc danh mục bảo vệ của Sách đỏ.
2. Nhà nước khuyến khích các cộng đồng ngư dân
được ủy quyền cho khai thác thủy sản trong các vùng nước ven bờ, vùng nước nội
địa, đầm phá tự quy định và bảo vệ các khu vực nhỏ để làm nơi sinh sản, sinh
trưởng, dự trữ nguồn lợi thủy sản.
Điều 12. Bảo vệ môi trường
sống của các loài thủy sản
1. Nghiêm cấm các hoạt động sau làm hủy hoại,
phá vỡ cân bằng sinh thái gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các loài thủy
sản:
a) Phá hoại các bãi san hô, rừng ngập mặn, các rạn
đá, các bãi thực vật ngầm dưới nước và các sinh cảnh đặc biệt khác.
b) Xây dựng mới, phá bỏ, thay đổi các công trình
liên quan đến thủy vực vùng nước khi chưa được cấp phép của cấp có thẩm quyền
làm thiệt hại đến môi trường sống của các loài thủy sản.
c) Thực hiện việc cải tạo và xử lý ao, vuông
nuôi thủy sản bằng hình thức bơm, thải bùn hoặc nguồn nước chưa qua xử lý trực
tiếp ra hệ thống kênh, mương, sông rạch công cộng và sử dụng các chất độc hại
(ngoài danh mục được cấp thẩm quyền cho phép) để cải tạo ao, vuông nuôi thủy sản.
d) Lấn, chiếm, xâm hại các khu bảo tồn vùng nước
nội địa; khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và công bố; vi phạm các quy định
trong quy chế quản lý khu bảo tồn sinh thái.
2. Mọi hoạt động có tác động, ảnh hưởng đến môi
trường sống của các loài thủy sản như: Thăm dò dầu khí, khoáng sản, trục vớt
xác tàu, xử lý tràn dầu, chất thải công nghiệp,... phải có biện pháp tốt nhất để
xử lý không gây tác hại ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản và phải
được phép của cơ quan có thẩm quyền.
3. Các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động
tại Khoản 2 Điều này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tổn thất về môi trường
và nguồn lợi thủy sản do mình gây ra để xử lý, khắc phục, tái tạo môi trường và
phát triển nguồn lợi thủy sản.
Điều 13. Quản lý thủy sinh
vật ngoại lai
1. Trách nhiệm của chủ sở hữu trong việc quản lý
loài thủy sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại được quy định tại Điều 7 và 8
Thông tư số 53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định về quản lý thủy sinh vật ngoại lai tại Việt Nam.
2. Đối với các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm
hại được quản lý theo quy định tại Điều 10, 11 và 12 Thông tư số
53/2009/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
quy định về quản lý thủy sinh vật ngoại lai tại Việt Nam.
Điều 14. Tái tạo nguồn lợi
thủy sản
1. Ngày 01/4 hàng năm là ngày thả giống thủy sản
về tự nhiên để phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng
các chương trình, dự án thả giống phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản bị suy
giảm ở các vùng nước tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố
có trách nhiệm phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch
và tổ chức thực hiện thả giống phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các vùng
nước thuộc địa bàn quản lý.
4. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia thả
giống thủy sản về tự nhiên để phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Điều 15. Đồng quản lý và
các hình thức hợp tác trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
1. Khuyến khích cộng đồng ngư dân, chính quyền địa
phương cấp xã tổ chức quản lý các hoạt động nghề cá tại các vùng nước nội địa,
vùng nước ven bờ với sự tham gia của cộng đồng; gắn trách nhiệm và quyền lợi của
người dân trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.
Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng ngư dân thành lập Hợp tác xã, tổ nhóm, hội
và phối hợp chính quyền địa phương quản lý việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi
thủy sản trên vùng nước nội địa, vùng biển xa bờ và ven bờ.
2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng
đối với việc quản lý nguồn lợi thủy sản ở vùng nước nội địa và vùng biển ven bờ.
3. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố căn cứ các quy hoạch đã được phê duyệt tiến hành giao
quyền sử dụng mặt nước cho cộng đồng ngư dân để thực hiện các mô hình đồng quản
lý trong khai thác, nuôi trồng thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy
sản, gắn kết sinh kế cộng đồng ở vùng nước nội địa và vùng nước ven bờ; ưu tiên
phát triển các mô hình gắn kết phát triển thủy sản và du lịch, bảo vệ hệ sinh
thái và môi trường.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
1. Xây dựng quy hoạch phát triển thủy sản, kế hoạch
phát triển tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp nhằm khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn
lợi thủy sản theo hướng bền vững; phối hợp với cơ quan, cá nhân, tổ chức trong
nước và nước ngoài có liên quan điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên địa
bàn tỉnh.
2. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính
sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp khai thác ven bờ, nghề cấm khai
thác sang các nghề khác; hướng dẫn và nhân rộng các mô hình tổ đoàn kết sản xuất
trên biển, hướng dẫn thực hiện mô hình đồng quản lý đối với vùng biển ven bờ có
sự tham gia quản lý của cộng đồng.
3. Phối hợp các Sở ngành liên quan và UBND các
huyện, thị xã ven biển, Bộ đội Biên phòng, Công an trong quản lý các hoạt động
khai thác thủy sản, thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực
thủy sản; tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện hoạt động thủy sản; tuyên truyền
phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi
thủy sản.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những
vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 17. Trách nhiệm của
các sở, ban ngành cấp tỉnh
Trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của mình
phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật thủy sản; thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân
(trong và ngoài nước) thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển
và vùng nước nội địa.
Điều 18. Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố
1. Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển nghề
khai thác thủy sản của tỉnh, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch
chi tiết cho địa phương.
2. Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tổ chức quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa
bàn.
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
tổ chức quản lý chặt chẽ các nghề khai thác thủy sản trên địa bàn; trong đó,
chú trọng sử dụng ngư cụ cố định trên sông, rạch như dớn, chà rạo, đăng bãi,
đáy các loại… không để phát sinh số lượng đơn vị nghề; tuyên truyền, vận động
các hộ sử dụng các loại ngư cụ cố định tuân thủ nghiêm về đảm bảo an toàn giao
thông đường thủy nội địa trong quá trình hoạt động khai thác, thực hiện nghiêm
các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
4. Chỉ đạo các cơ quan phối hợp Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về
khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn theo đúng thẩm quyền và quy
định của pháp luật.