ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 29/2006/QĐ-UBND
|
Đồng Hới, ngày 23
tháng 6 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày
8/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thủy
sản thời kỳ 1999 - 2010;
Căn cứ Quyết định số: 41/2001/QĐ-UB ngày
13/12/2001 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt quy hoạch phát triển
ngành thủy sản tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2001 - 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản tại Tờ
trình số: 116/STS ngày 30 tháng 5 năm 2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt và ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển thủy sản giai
đoạn 2006 - 2010.
Điều 2. Giao
cho Sở Thủy sản chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các
huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban,
ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 3;
- Bộ Thủy sản, Bộ KH
- ĐT; B/c
- T. vụ
Tỉnh ủy; B/c
- TT HĐND tỉnh; B/c
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Lưu VT, KTTH, CVNN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH
Nguyễn
Hữu Hoài
|
CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT
TRIỂN THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Kèm
theo Quyết định số 29/2006/QĐ-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2006 của UBND tỉnh Quảng
Bình)
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV
tiếp tục xác định Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, để đẩy mạnh phát
triển ngành thủy sản trong thời gian tới, UBND tỉnh ban hành Chương trình phát
triển thủy sản giai đoạn 2006 - 2010.
Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn
2006 - 2010 được xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm Chương trình nuôi và
chế biến thủy sản xuất khẩu giai đoạn 2001-2005 và triển khai thực hiện các
chương trình phát triển thủy sản của Chính phủ nhằm quản lý, sử dụng và phát
huy tiềm năng lợi thế về thủy sản của địa phương; phát triển thủy sản hiệu quả
và bền vững; thực hiện công nghiệp hóa,, hiện đại hóa,, tham gia tiến trình hội
nhập kinh tế quốc tế.
Phần thứ nhất
TÌNH
HÌNH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2001 - 2005
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001 - 2005
1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu
Tổng giá trị sản xuất thủy sản năm 2005 là
325,3 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm 5,3%; trong đó:
+ Giá trị sản xuất khai thác: 152,8 tỷ đồng,
tăng bình quân 3,5%/năm.
+ Giá trị sản xuất nuôi trồng: 65,5 tỷ đồng,
tăng bình quân 26,5%/năm.
+ Giá trị sản xuất chế biến: 107 tỷ đồng,
tăng bình quân 0,5%/năm.
Tổng sản lượng thủy sản năm 2005: 30.730 tấn,
đạt 123% so mục tiêu kế hoạch 5 năm (2001 - 2005) và tăng 60% so với năm 2000,
tốc độ tăng bình quân hàng năm 9,9%. Trong đó:
+ Thủy sản khai thác năm 2005 đạt 26.100 tấn,
đạt 124,3% so kế hoạch 5 năm và tăng 52% so với năm 2000, tăng bình quân hàng
năm 8,7%.
+ Thủy sản nuôi trồng năm 2005 đạt 4.630 tấn,
đạt 115,8% so kế hoạch 5 năm và tăng 2,3 lần so với năm 2000, tăng bình quân
hàng năm 18,4%.
+ Tỷ trọng sản lượng khai thác so với tổng
sản lượng giảm từ 89,6% năm 2000 xuống 85% năm 2005. Tỷ trọng sản lượng nuôi
trồng tăng từ 10,4% năm 2000 lên 15% năm 2005.
Sản lượng thủy sản chế biến xuất khẩu năm
2005 đạt 1.852 tấn, giá trị chế biến thủy sản xuất khẩu 8 triệu USD. Kim ngạch
xuất khẩu đạt 2,7 triệu USD trên kế hoạch 7 triệu USD, đạt 38,65%.
Tổng mức đầu tư XDCB và phát triển sản xuất
2001-2005 đạt: 407,482 tỷ đồng, bằng 92% so mục tiêu KH 5 năm, gấp 2 lần so với
giai đoạn 1996 - 2000; trong đó: đầu tư khai thác thủy sản 132,67 tỷ đồng, đầu
tư nuôi trồng thủy sản 163,812 tỷ đồng, đầu tư sản xuất chế biến và dịch vụ 111
tỷ đồng. Trong tổng mức đầu tư, nguồn vốn ngân sách 103,69 tỷ đồng, chiếm 25,4%,
gấp 4,5 lần so với giai đoạn 1996 - 2000.
2. Kết quả thực hiện Chương trình nuôi và chế
biến thủy sản xuất khẩu giai đoạn 2001 - 2005
Chương trình nuôi và chế biến thủy sản xuất
khẩu giai đoạn 2001 - 2005 đã triển khai thực hiện có hiệu quả. Các chỉ tiêu cơ
bản đạt và vượt so với mục tiêu đề ra. Sản lượng thủy sản nuôi vượt 15,7% so
với mục tiêu chương trình (MTCT), trong đó sản lượng tôm nuôi đạt 1.524 tấn,
tăng 7,3 lần so với năm 2000 và vượt 17,2% so với MTCT (MTCT 1.300 tấn). Diện
tích nuôi trồng thủy sản 2.978 ha, đạt 106,3% so mục tiêu kế hoạch 5 năm (MTCT
2.900 ha). Trong đó, diện tích nuôi nước lợ 1.336 ha, tăng 11,3% so KH 5 năm,
diện tích nuôi nước ngọt 1.642 ha, tăng 2,6% so kế hoạch 5 năm. Nuôi cá lồng bè
1.450 lồng. Năng lực CBTSXK và dịch vụ hậu cần nghề cá tăng nhanh.
Đã góp phần tạo thêm việc làm cho gần 1 vạn
lao động, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho một bộ phận nhân dân vùng nông
thôn; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, tạo được
tiền đề để phát triển thủy sản phát triển trong những năm tiếp theo.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện
còn gặp khá nhiều khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, điều kiện kinh tế
của tỉnh còn hạn chế, dân còn nghèo và kỹ thuật nuôi và chế biến thủy sản còn
thấp. Xuất phát từ một ngành kinh tế sản xuất nhỏ, manh mún và lạc hậu trong
hoàn cảnh thiếu về cán bộ quản lý và kỹ thuật giỏi; sự phối hợp lãnh đạo, chỉ
đạo giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, triệt để nên kết quả thực hiện
chương trình còn hạn chế.
II. ĐÁNH GIÁ TÌNH
HÌNH KHAI THÁC, NUÔI, CHẾ BIẾN VÀ XUẤT KHẨU
1. Khai thác thủy sản
Hoạt động khai thác thủy sản đã đạt được sự
tăng trưởng khá, cơ cấu nghề nghiệp đánh bắt đã chuyển đổi sang các nghề khai
thác khơi và khai thác hải sản xuất khẩu.
Tổng số tàu cá toàn tỉnh hiện có 3.450 chiếc,
với tổng công suất đẩy trên 100.000 cv, tăng 16% so với mục tiêu kế hoạch 5
năm. So với năm 2000 số phương tiện chỉ tăng 9,7% trong lúc đó công suất tăng
48,6%, tăng bình quân hàng năm trên 8,2%. Công suất tăng, hoạt động khai thác
đã chuyển dịch mạnh theo hướng đánh bắt xa bờ; đội tàu đánh bắt xa bờ hiện có
trên 1.200 chiếc, chiếm 34% tổng số tàu cá.
Đội tàu cá có công suất trên 60 cv đã được
trang bị máy dò cá, máy định vị vệ tinh và thông tin liên lạc tầm xa...vv, hoạt
động ở các ngư trường xa bờ với các nghề vây khơi, rê khơi, câu khơi và đã tổ
chức sản xuất có hiệu quả.
Đội tàu nhỏ, loại dưới 20 cv đánh bắt vùng
ven bờ giảm mạnh, hiện tại còn 950 chiếc, chiếm 29% tổng số tàu thuyền, giảm
300 chiếc so năm 2000; đánh bắt chủ yếu bằng các nghề: giã tôm, mành lùi, rê 3
lớp, rê đáy, te giã ruốc, câu... chủ yếu tập trung ở các địa phương vùng bãi
ngang ven biển.
Về cơ cấu sản xuất được chuyển mạnh sang đánh
bắt sản phẩm có giá trị cao và cho chế biến xuất khẩu, tỷ trọng sản lượng xuất
khẩu tăng dần từ 29% năm 2000 lên 34% năm 2005.
Các cơ sở dịch vụ hậu cần như cảng cá, bến
cá, cơ khí nghề cá đã được đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho
khai thác hải sản; hoạt động thương mại thu mua sản phẩm và cung ứng vật tư,
ngư cụ, nhiên liệu phục vụ cho khai thác hải sản từng bước được hoàn thiện và
hoạt động ngày càng có hiệu quả.
Tuy đã chú trọng khai thác xuất khẩu nhưng
những năm gần đây sản lượng mực ống và tôm biển giảm, nên giá trị sản xuất khai
thác tăng chậm. Số lượng tàu đánh bắt vùng gần bờ còn lớn; việc chuyển đổi cơ
cấu nghề nghiệp, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong đánh bắt còn
chậm.
Đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển, nhưng số
tàu thuộc dự án vay vốn tín dụng đầu tư đánh bắt xa bờ được đầu tư từ 1997-
1999 đa số hiệu quả thấp. Đầu tư cho các dự án này thiếu chọn lọc, việc củng cố
các HTX đánh cá xa bờ chậm được thực hiện, các địa phương thiếu sự quan tâm chỉ
đạo, kiểm soát và hỗ trợ sau đầu tư đối với các HTX thủy sản.
Đa số lao động trên các tàu cá chưa được đào
tạo nghề; đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và kỹ thuật viên còn thiếu so với
nhu cầu. Công tác bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch, an toàn vệ sinh thực phẩm
thủy sản trên tàu cá chưa được chú trọng đúng mức.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều
hạn chế, tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt hải sản vẫn còn xảy
ra ở một số địa phương.
Đánh bắt thủy sản phát triển mạnh, sản lượng
tăng nhanh nhưng hiệu quả sản xuất chưa cao. Công tác quản lý Nhà nước đối với
lĩnh vực này còn hạn chế, đặc biệt đối với các huyện trọng điểm về nghề cá
không có kỹ sư khai thác thủy sản để theo dõi, quản lý và triển khai chỉ đạo
sản xuất.
2. Nuôi trồng thủy sản
Lĩnh vực nuôi thủy sản đã đạt được những
thành tựu quan trọng và tăng trưởng khá nhanh về cả diện tích, năng suất và sản
lượng; đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, phát
triển theo hướng sản xuất hàng hóa và đa dạng đối tượng, hình thức nuôi.
Kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật của người nuôi
đã tăng lên rõ rệt, công nghệ sinh học trong nuôi tôm đã được ứng dụng, nhiều
đối tượng và phương thức nuôi mới đã được áp dụng đạt hiệu quả. Phong trào nuôi
phát triển, thúc đẩy phát triển dịch vụ con giống và cung ứng thức ăn, thuốc
thú y thủy sản.
Về nuôi tôm sú, so với năm 2000 diện tích
nuôi năm 2005 tăng 1,85 lần, năng suất tăng gấp 4 lần (từ 0,34 tấn/ha lên 1,36
tấn/ha). Sản lượng tôm nuôi 1.524 tấn, tăng 7,3 lần so với năm 2000, tốc độ
tăng bình quân 41%/năm.
Nuôi tôm trên cát được đầu tư phát triển từ
năm 2002, đến 2005 diện tích nuôi đạt 60 ha, năng suất tôm nuôi bình quân đạt 4
tấn/ha, cao nhất đạt 9 tấn/ha. Nuôi tôm trên vùng đất cát góp phần khai thác
tiềm năng, giải quyết thêm việc làm và tạo ra nguyên liệu cung cấp cho chế biến
xuất khẩu. Nhưng do suất đầu tư lớn và đòi hỏi trình độ quản lý, kỹ thuật nuôi
cao nên việc phát triển còn hạn chế.
Tình hình đầu tư nuôi tôm xuất khẩu trên địa
bàn toàn tỉnh nhìn chung phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế khá. Điển
hình các địa phương có phong trào mạnh như xã Quảng Phong (Quảng Trạch), xã Hàm
Ninh (Quảng Ninh), khu nuôi tôm công nghiệp Phúc - Thuận... Nhiều cá nhân, đơn
vị nuôi đạt năng suất, hiệu quả cao.
Nuôi cá đang có xu hướng phát triển khá cả về
năng suất và sản lượng, năng suất nuôi cá ao tăng từ 1,35 tấn/ha lên 2,45
tấn/ha, sản lượng cá nuôi tăng 2,1 lần so năm 2000, tăng 26,3% so chỉ tiêu KH 5
năm.
Nuôi cá - lúa đang được đầu tư phát triển,
năm 2005 đã đưa vào nuôi trên 500 ha, năng suất bình quân đạt 0,5 tấn/ha. Một
số địa phương đã triển khai thực hiện phát triển nuôi cá - lúa có hiệu quả, như
Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Phương thức nuôi xen canh, xen vụ, nuôi ghép
đã được chú trọng với nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế như: rô phi
đơn tính, cá chim trắng, cá chình, cá chẽm, ốc hương, cua biển.... Nuôi cá lồng
nước ngọt có xu hướng ổn định, năng suất bình quân 0,3 tấn/lồng.
Hoạt động khoa học công nghệ và khuyến ngư đã
góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu nuôi, các đối tượng nuôi mới có
giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá chẽm, cá
chình, ốc hương, baba..., đã được chuyển giao và nuôi đạt hiệu quả. Đã tổ chức
nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nuôi tôm trên vùng đất cát, vùng đất độ mặn
thấp, vùng đất nhiễm phèn; sinh sản cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, tôm càng
xanh....
Dịch vụ nuôi thủy sản đã được đẩy mạnh, hoạt
động sản xuất và cung cấp con giống đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất.
Năm 2005 đã sản xuất 100 triệu tôm giống đáp ứng được 40% nhu cầu; 55 triệu cá
bột, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu nuôi cá nước ngọt.
Tuy nhiên, tiềm năng phát triển nuôi thủy sản
còn lớn, nhưng chưa được khai thác tốt; năng suất, hiệu quả nuôi chưa ổn định; kết
cấu hạ tầng phát triển nuôi thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư thiếu đồng bộ
đặc biệt là các công trình thủy lợi, điện. Dịch bệnh trong nuôi thủy sản vẫn
còn xảy ra, chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Công tác quản lý giống thủy sản còn nhiều yếu
kém; hiệu suất sử dụng còn thấp, các trại sản xuất giống tôm mới phát huy được
30- 40% công suất thiết kế.
Đầu tư nuôi tôm trên cát và nuôi tôm công
nghiệp, nhất là khu nuôi tôm của các doanh nghiệp Nhà nước, suất đầu tư lớn,
hiệu quả thấp. Ngoài tôm sú là đối tượng nuôi chủ lực, các đối tượng khác chưa
thật sự trở thành hàng hóa, sản lượng ít và phân tán.
3. Chế biến và xuất khẩu thủy sản
Năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu từng
bước được đầu tư, nâng cấp, đến nay toàn tỉnh đã có 3 Nhà máy với công suất
2.500 tấn/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2000; một số đơn vị đạt tiêu chuẩn sản
xuất HACCP, tiêu chuẩn xuất khẩu hàng vào thị trường EU, Mỹ.
Việc mở rộng mặt hàng, nâng cao chất lượng
sản phẩm đã được chú trọng, một số sản phẩm có chất lượng cao như mực Sashimi,
mực ống cắt khoanh, mực khô lột da cao cấp, sản phẩm tôm đông rời trên dây
chuyền công nghệ IQF đã được chế biến phục vụ xuất khẩu.
Chế biến thủy sản tiêu dùng nội địa đã được
chú ý phát triển, sản lượng và chất lượng các mặt hàng được duy trì và mở rộng,
huy động được nội lực trong dân đầu tư vào sản xuất, giải quyết tốt đầu ra cho
đánh bắt, đáp ứng được yêu cầu an ninh thực phẩm thủy sản. Một số mặt hàng đã
đăng ký sở hữu, nhãn hiệu hàng hóa,, từng bước xây dựng được thị trường như
nước mắm Quy Đức, Bảo Ninh.
Tuy vậy, thị trường xuất khẩu thủy sản còn
hạn chế, giá bán thấp, khả năng cạnh tranh yếu. Ngoài các thị trường truyền
thống: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung quốc, thì các thị trường EU, Mỹ và
thị trường khu vực chưa được khai thác tốt.
Hoạt động thu mua nguyên liệu, thiếu sự liên
kết hợp tác giữa doanh nghiệp với người sản xuất nguyên liệu và giữa các doanh
nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu
chủ yếu vẫn là từ lĩnh vực khai thác, nguyên liệu từ nuôi thủy sản chỉ có tôm
sú, sản phẩm có tính thời vụ và chưa ổn định.
Nhìn chung, năng lực chế biến thủy sản xuất
khẩu còn yếu, chậm được củng cố, phát triển. Các doanh nghiệp chế biến xuất
khẩu của tỉnh còn yếu kém nhiều mặt cả trình độ quản lý, kỹ thuật, cả về thị
trường và makerting Việc đầu tư chưa tính đến xu hướng phát triển của thị
trường và không được thẩm định chặt chẽ về công nghệ; việc huy động vốn lưu
động cho hoạt động sản xuất còn nhiều khó khăn.
Mặt hàng thủy sản chế biến còn nhỏ lẻ, manh mún.
Về cơ cấu sản phẩm còn nhiều yếu kém, chưa xây dựng được mặt hàng chủ lực của
địa phương.
Hoạt động chế biến thủy sản tiêu dùng nội địa
phát triển chậm, chưa được quan tâm đúng mức; chưa xây dựng được thương hiệu
nổi tiếng cho sản phẩm thủy sản của tỉnh nên hạn chế sự phát triển và sức hấp
dẫn trên thương trường.
III. ĐÁNH GIÁ TỔNG
QUÁT
1. Đánh giá chung
1.1. Từ 2001-2005, hoạt động thủy sản đã đạt
được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực:
Khai thác hải sản có bước phát triển khá và
ổn định, cơ cấu nghề nghiệp được chuyển dịch đúng hướng, đã đẩy mạnh khai thác
vùng biển khơi và khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao và cho xuất
khẩu.
Nuôi thủy sản có sự phát triển khá nhanh cả
diện tích, năng suất và sản lượng; nhất là nuôi tôm sú xuất khẩu đã có bước
phát triển vượt bậc và trở thành sản phẩm hàng hóa có khối lượng lớn, cung cấp
nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Nhiều đối tượng nuôi mới được nghiên cứu
ứng dụng và chuyển giao công nghệ thành công mở ra khả năng phát triển cho
những năm sắp tới.
Năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu được chú
trọng đầu tư phát triển, công nghệ kỹ thuật, chất lượng sản phẩm từng bước được
nâng lên, bước đầu chúng ta đã có những mặt hàng chất lượng cao đáp ứng được
thị hiếu của khách hàng.
Cơ sở hạ tầng nghề cá được quan tâm đầu tư
phát triển như cảng cá, khu dịch vụ hậu cần và neo đậu trú bão, cơ sở hạ tầng
cho nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất giống, dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, sản
xuất đá lạnh…, góp phần phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản.
1.2. Tồn tại, hạn chế:
Đánh bắt xa bờ có phát triển, nhưng các dự án
vay vốn tín dụng đầu tư đánh bắt xa bờ từ 1997 - 1999 đa số hiệu quả thấp, chậm
được củng cố. Công tác tổng kết thực tiễn, nhân rộng điển hình trong đánh bắt
chưa được chú ý đúng mức; tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt hải
sản vẫn còn, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều hạn chế.
Nuôi trồng thủy sản tuy được phát triển nhanh
nhưng chưa mạnh; tiềm năng cho phát triển còn lớn chưa được khai thác, năng
suất, hiệu quả nuôi chưa ổn định; công tác tổ chức sản xuất, quản lý và kiểm
dịch giống thủy sản nhất là tôm giống còn nhiều khó khăn lúng túng; chưa đa
dạng hóa đối tượng nuôi nhằm phát triển nghề nuôi theo hướng hiệu quả bền vững.
Hoạt động chế biến và xuất khẩu thủy sản còn
nhiều yếu kém, thị trường xuất khẩu khó khăn, công tác xúc tiến thương mại còn
lúng túng, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt thấp. Sản phẩm xuất khẩu
đơn điệu, chưa tạo được mặt hàng chủ lực có lợi thế của địa phương. Chất lượng
sản phẩm thiếu ổn định, các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm giá trị gia tăng
còn ít, sản phẩm phục vụ tiêu dùng chưa được coi trọng, chưa xây dựng được mặt
hàng chủ lực và chưa có khả năng tiếp cận đến người tiêu dùng cũng như chưa xây
dựng được chiến lược sản phẩm trên cơ sở khả năng và lợi thế của địa phương.
Công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học
công nghệ và hoạt động khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất
lượng sản phẩm tuy có nhiều cố gắng, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu và còn
nhiều hạn chế.
Công tác quy hoạch ngành, nhất là quy hoạch
chi tiết các vùng nuôi, các cơ sở chế biến chưa được quan tâm đúng mức, tầm
nhìn quy hoạch còn hạn chế; công tác chuẩn bị đầu tư, chuyển đổi cơ cấu sản
xuất còn chậm. Hạ tầng phát triển nuôi trồng thủy sản đầu tư không đồng bộ,
công tác đầu tư thủy lợi, điện lưới phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa được chú
trọng.
2. Nguyên nhân
2.1. Nguyên nhân đạt được kết quả
Nhờ có chủ trương, chính sách sát đúng và cụ
thể của Đảng và Nhà nước, và chủ trương xây dựng và ban hành Chương trình phát
triển nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu của Thường vụ Tỉnh ủy với các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; có cơ chế, chính sách khuyến khích thích hợp;
có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá, là đòn
bẩy kích thích các thành phần kinh tế huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển
sản xuất.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn
thể đã quan tâm công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao công
nghệ, xây dựng các mô hình, tăng cường tập huấn tạo điều kiện cho người lao
động tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ mới từng bước nâng cao trình độ kỹ
thuật trong sản xuất kinh doanh.
Đã tranh thủ được các nguồn lực cho đầu tư
phát triển, ngoài nguồn vốn ngân sách đã khuyến khích và huy động được nội lực
của cộng đồng, lồng ghép các chương trình dự án, tận dụng được sự hỗ trợ cả về
KHKT và kinh phí của các Viện nghiên cứu thủy sản, Trường đại học thủy sản, các
Trung tâm của Bộ trong việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.
Chương trình nuôi và chế biến thủy sản xuất
khẩu đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức của các huyện, thành phố, nhiều
địa phương đã có Nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình nuôi và chế biến
thủy sản xuất khẩu, ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất
thủy sản.
2.2. Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế
Do đặc điểm Quảng Bình thời tiết khí hậu khắc
nghiệt, nắng hạn và mưa, rét không thuận lợi cho đầu tư phát triển sản xuất
thủy sản. Điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, nhân dân còn nghèo, khả năng
huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Dân trí còn thấp, khả
năng tiếp cận tiến bộ KHKT để phát triển sản xuất còn hạn chế.
Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật ngành thủy
sản từ tỉnh đến xã còn yếu và thiếu; tỉnh đã có chủ trương phân cấp mạnh cho
huyện, nhưng ở cấp huyện không đủ cán bộ chuyên môn để quản lý theo dõi và chỉ
đạo sản xuất.
Công tác quản lý cũng như việc tổ chức sản
xuất trong hoạt động khai thác, nuôi và chế biến thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu.
Năng lực quản lý, kinh doanh, tiếp thị của
các doanh nghiệp kinh doanh thủy sản còn yếu. Thị trường xuất khẩu thủy sản
diễn biến phức tạp và còn nhiều khó khăn.
Sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa các cấp,
các ngành chưa chặt chẽ, một số địa phương chưa thực sự quan tâm tổ chức triển
khai thực hiện Chương trình một cách quyết liệt.
Phần thứ hai
CHƯƠNG
TRÌNH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2006-2010
I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH
PHÁT TRIỂN THỦY SẢN THỜI GIAN TỚI
1. Những thuận lợi
Tiềm năng về thủy sản của tỉnh ta còn lớn,
lực lượng lao động đông đảo, nông - ngư dân đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm
trong sản xuất là cơ sở và thế mạnh để tỉnh ta đầu tư thúc đẩy ngành thủy sản
phát triển.
Những kết quả của Chương trình phát triển
nuôi và chế biến thủy sản xuất khẩu giai đoạn 2001 - 2005. Các tiến bộ khoa học
kỹ thuật trong khai thác, nuôi và chế biến thủy sản không ngừng được nghiên cứu
và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả
sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản và sự phát triển ngành thủy sản
thời gian qua là cơ sở quan trọng, tiền đề để đẩy mạnh phát triển thủy sản giai
đoạn 2006 - 2010.
Nhà nước đã và đang có nhiều chủ trương,
chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất thủy sản. Hội nhập kinh tế
khu vực và quốc tế (AFTA, WTO) sẽ tạo nhiều cơ hội đẩy mạnh thương mại và thu
hút đầu tư. Thị trường xuất khẩu thủy sản sẽ được mở rộng thêm: khối EU, Bắc
Mỹ, Trung Đông, Châu phi... và các nước trong khu vực ASEAN, sẽ tạo điều kiện
để hàng thủy sản Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
2. Khó khăn
Quảng Bình nằm trong khu vực thời tiết, khí
hậu có những biến động phức tạp như mưa, rét kéo dài vào mùa đông; nắng nóng và
hạn hán vào mùa hè, thường xuyên bị ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới...vv
gây bất lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản.
Kết cấu hạ tầng nghề cá còn yếu và chưa đồng
bộ. Các nguồn vốn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển. Trình độ quản
lý, kỹ thuật, tiếp thị, quan hệ quốc tế…vv của cán bộ ngành thủy sản còn thiếu
và yếu.
Nguồn lợi thủy sản vùng lộng đang suy giảm; Hiệp
định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc đã chi phối và có ảnh
hưởng đến hoạt động đánh bắt hải sản ngư trường khơi. Nghề cá Quảng Bình vẫn
trong tình trạng sản xuất nhỏ, ngư dân thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, dân trí
thấp sẽ là hạn chế lớn cho việc đẩy mạnh CNH, HĐH nghề cá trong tiến trình hội
nhập.
Thị trường thủy sản thế giới ngày càng khắt
khe với nhiều "rào cản kỹ thuật", tranh chấp thương mại luôn là vấn
đề lớn, thường xuyên xảy ra. Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thủy sản từ sản
xuất nguyên liệu đến chế biến còn nhiều yếu kém.
Trong bối cảnh gia nhập WTO, cơ hội lớn,
nhưng thách thức cũng không nhỏ, đặc biệt đối với ngành thủy sản và các ngành
thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn những ngành không chỉ có sản xuất hàng
hóa,, mà còn gắn chặt với cuộc sống hàng ngày của người dân.
II. PHƯƠNG HƯỚNG
Phương hướng phát triển thủy sản đã
được Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIV xác định:
“Khai thác tiềm năng kinh tế biển,
phát huy thế mạnh về biển, đầm phá, ao hồ, sông ngòi để phát triển thủy sản,
tiếp tục xây dựng thủy sản thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh
đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Đầu tư nâng cấp, cải tạo
cơ sở hạ tầng như cảng cá Sông Gianh, cảng cá Nhật Lệ, khu dịch vụ hậu cần nghề
cá và neo đậu tránh bão Hòn La, mở rộng diện tích nuôi trồng, chuyển nhanh nuôi
quảng canh sang thâm canh và bán thâm canh, đi đôi với củng cố, tăng cường đánh
bắt xa bờ; chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Đổi mới công nghệ, nâng cao công suất,
chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm các cơ sở chế biến thủy sản hiện có; xây dựng
và thực hiện chiến lược sản phẩm thủy sản xuất khẩu, tạo mặt hàng chủ lực, có
khả năng cạnh tranh. Có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư
nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản xuất khẩu; khôi phục và phát triển nghề
chế biến truyền thống, phục vụ tiêu dùng nội địa.”
Từ nay đến 2010, phấn đấu giữ mức tăng
trưởng cao, ổn định; đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá
và hội nhập kinh tế quốc tế.
III. MỤC TIÊU VÀ
NHIỆM VỤ
1. Mục tiêu đến năm 2010
1.1. Tổng giá trị sản xuất thủy sản: 528,8
tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng bình quân hàng năm 10,2%. Trong đó:
- Giá trị sản xuất khai thác: 177,5 tỷ
đồng, tăng bình quân 3%/năm.
- Giá trị sản xuất nuôi trồng: 111 tỷ
đồng, tăng bình quân 11,1%/ năm.
- Giá trị sản xuất chế biến: 240,3 tỷ
đồng, tăng bình quân 17,6%/năm
1.2. Giá trị sản phẩm chế biến xuất
khẩu 20 triệu USD, tăng bình quân hàng năm 20,1%.
1.3. Tổng sản lượng thủy sản: 39.000
tấn, tăng bình quân hàng năm 4,9%. Trong đó:
+ Thủy sản khai thác 30.000 tấn, tăng
bình quân hàng năm 2,8%.
+ Thủy sản nuôi trồng 9.000 tấn, tăng
bình quân hàng năm 14,2%.
1.4. Sản lượng chế biến thủy sản: 4.700
tấn, trong đó:
+ Sản phẩm chế biến xuất khẩu 3.500
tấn, tăng bình quân hàng năm 13,6%.
+ Sản phẩm chế biến nội địa 1.200 tấn,
tăng bình quân hàng năm 13%.
+ Sản phẩm nước mắm 2 triệu lít, tăng
bình quân hàng năm 4,1%.
1.5. Tạo thêm việc làm cho 5.500 –
6.000 lao động.
2. Nhiệm vụ cụ thể
2.1. Về khai thác
Chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp sản
xuất theo hướng phát triển khai thác xa bờ, tổ chức đánh bắt gần bờ hợp lý; giải
quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật, quản lý để nâng cao hiệu quả sản xuất. Áp dụng quy
tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm trong khai thác.
Đẩy mạnh khai thác các đối tượng có
giá trị xuất khẩu, đưa tỷ trọng sản phẩm có giá trị xuất khẩu lên 38 - 40%
trong sản lượng đánh bắt; tăng giá trị sản xuất khai thác.
Đầu tư nâng cao năng lực phương tiện,
đủ điều kiện chịu đựng được sóng gió cấp 5-6 để khai thác khơi phù hợp với ngư
trường Vịnh Bắc Bộ và biển Miền Trung. Cơ cấu lại năng lực phương tiện đến năm
2010 có 3.300 tàu cá, giảm 4,4% so với 2005 chủ yếu giảm các phương tiện nhỏ; nâng
tổng công suất từ 100.000 CV lên 125.000 CV, tăng 25% so với 2005; phát triển
cỡ tàu 45 CV trở lên đạt 1.600-1.650 chiếc chiếm từ 45-50%, được trang bị đầy
đủ các thiết bị hàng hải như máy định vị, dò cá và thông tin liên lạc tầm xa
đối với tàu cá xa bờ; không phát triển loại tàu dưới 30 CV.
Cơ cấu năng lực tàu cá đến năm 2010
như sau:
Cỡ tàu
|
Loại < 20 cv
|
21 - 45 cv
|
46 - 90 cv
|
90 - 149 cv
|
Trên 150 cv
|
Số lượng
|
700
|
1.000
|
1.340
|
200
|
60
|
Chú trọng đầu tư phát triển nghề lưới vây
khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp mành chụp chiếm 60-65% cơ cấu nghề khai thác
của tỉnh; giảm các nghề lộng như mành đèn, mành chà, giã kéo còn 20-25%; xóa bỏ
các nghề khai thác ven bờ mang tính hủy diệt và dùng chất nổ, xung điện.... Cơ
cấu lại nghề nghiệp khai thác, trên mỗi tàu kiêm 2-3 nghề để sản xuất quanh
năm.
Vùng bãi ngang, cồn bãi: Quy hoạch sắp xếp
hợp lý hoạt động khai thác hải sản ven bờ; đầu tư phù hợp các nghề khai thác
đặc sản như rê rập, bóng lờ mực nang, mực lá, ghẹ, ốc hương và ngao biển.
Nghiên cứu lập các dự án chuyển đổi sản xuất thủy sản từ hoạt động đánh bắt
sang nuôi trồng thủy sản như: nuôi tôm, cá chẽm, ốc hương, vẹm xanh và nuôi
lồng biển.
Các nghề khai thác chủ lực đến năm 2010 như
sau:
Họ nghề
|
Vây
|
Mành
|
Chụp
|
Giã
|
Câu
|
Rê
|
Cố định
|
Số lượng ( Tàu)
|
100
|
1.200
|
300
|
100
|
700
|
750
|
150
|
Sản lượng (Tấn)
|
5.000
|
12.000
|
3.000
|
2.400
|
2.800
|
4.500
|
300
|
2.2. Về bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Quy hoạch và sắp xếp lại hoạt động khai thác
theo hướng bền vững; điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác hợp lý. Quy định vùng cấm
khai thác, khai thác có thời hạn đối với các loài thủy sản quý như tôm hùm, tôm
biển, sò huyết, yến sào, điệp, cá chình, hàu. Hạn chế khai thác nguồn lợi cá
nổi nhỏ vùng ven bờ như: cá trích, cá nục, cá lầm, cá cơm....
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai
thác thủy sản, xử lý triệt để chấm dứt các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
dùng chất nổ, chất độc, xung điện khai thác thủy sản; sử dụng các loại ngư cụ
có mắt lưới nhỏ hơn quy định; khai thác, vận chuyển buôn bán trái phép san hô; khai
thác các loài thủy sản quí hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng: rùa biển, tôm hùm
mang trứng, tôm hùm non....
Xây dựng khu bảo tồn biển Hòn la - Đảo Yến; khôi
phục môi trường và quản lý, bảo vệ hệ sinh thái cỏ biển, rạn san hô, dãy rạn
ngầm từ Nam Đồng Hới đến Mũi Lay. Khoanh vùng bảo vệ các đối tượng quý, hiếm: tôm
hùm, sò huyết, hàu sông và các vùng rạn San hô.
Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thả
bổ sung giống các loài thủy sản vào các thủy vực ven biển và các hồ nước ngọt
như: tôm sú, tôm hùm, cá chình, cá chép, cá lóc, cá thát lát....
Thực hiện quan trắc, giám sát và đánh giá tác
động của các loại phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất, các chất xử lý môi trường
nuôi đối với các nguồn nước tự nhiên.
Nâng cao năng lực tổ chức bảo vệ nguồn lợi thủy
sản (con người, cơ sở vật chất kỹ thuật). Xây dựng các mô hình tổ chức quản lý
ven biển phù hợp với tập quán, truyền thống của ngư dân địa phương. Phát huy và
nâng cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong hoạt động quản lý, bảo
vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh.
2.3. Về nuôi trồng thủy sản
Phát triển mạnh nuôi thủy sản theo hướng sản
xuất hàng hóa. Trong đó, tôm sú, tôm thẻ là đối tượng chủ lực, đến cá rô phi
đơn tính, điêu hồng sau đó là các đối tượng nuôi truyền thống và các loài đặc
sản, nhuyễn thể. Xác định nuôi là khâu đột phá quan trọng để chuyển dịch cơ cấu
sản xuất thủy sản. Đầu tư mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng.
Thực hiện đa dạng hóa nghề nuôi, phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.
Đến năm 2010, diện tích nuôi đạt 4.800 ha,
trong đó: 1.700 ha nuôi mặn lợ, 1.100 ha nuôi cá ao hồ nhỏ và 1.800 ha nuôi cá
lúa và 200 ha nuôi mặt nước lớn.
a. Nuôi thủy sản nước lợ.
+ Nuôi tôm:
Chú trọng phát triển đối tượng nuôi chủ lực
là tôm sú, tôm thẻ đảm bảo chất lượng sản phẩm “sạch” đủ tiêu chuẩn cho chế
biến xuất khẩu, đảm bảo ổn định khối lượng và có hiệu quả đối với sản phẩm tôm
nuôi của địa phương.
Mục tiêu đến 2010: diện tích 1.600 ha, sản
lượng 3.500 tấn, gồm:
TT
|
Tôm nuôi
|
Diện tích (ha)
|
Năng suất
(tấn/ha)
|
Sản lượng (tấn)
|
1
|
Tôm sú (1 vụ/năm)
|
1.400
|
1,5
|
2.100
|
2
|
Tôm thẻ (2 vụ/năm)
|
200
|
6,0
|
1.200
|
|
Trong đó: Nuôi trên cát
|
100
|
8,0
|
800
|
3
|
Tôm rảo (xen vụ)
|
300
|
0,67
|
200
|
+ Nuôi cá:
Phát triển cá rô phi đơn tính, điêu hồng trở
thành đối tượng nuôi chính sau tôm, cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất
khẩu. Đồng thời, chú trọng phát triển một số đối tượng có giá trị kinh tế cao
như: cá mú, cá hồng, cá chẽm...vv.
Đến năm 2010 diện tích 200 hecta, đạt 700
tấn.
+ Nuôi đặc sản:
Giảm dần diện tích nuôi chuyên canh cua, phát
triển nuôi cua theo hướng nuôi xen vụ trong ao nuôi tôm, nhằm nâng cao hiệu quả
nuôi thủy sản.
Diện tích nuôi xen canh 200 ha, sản lượng đạt
100 tấn.
Xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ
nuôi các đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao như ốc hương, nghêu, hàu,
vẹm xanh...
Đến 2010 diện tích nuôi 50 ha, sản lượng đạt
100 tấn.
b. Nuôi nước ngọt.
Đẩy mạnh phát triển nuôi cá rô phi đơn tính
cho chế biến xuất khẩu. Duy trì các đối tượng nuôi truyền thống như: cá chép,
cá mè, trê phi, trắm cỏ, cá chim trắng. Nghiên cứu di nhập và phát triển các
đối tượng nuôi mới như: cá lóc môi trề, cá lăng …vv có giá trị kinh tế cao; chú
trọng phát triển nuôi đặc sản, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi; đồng thời áp
dụng các tiến bộ kỹ thuật phát triển nuôi bán thâm canh, thâm canh, tăng năng
suất, chất lượng và hiệu quả.
+ Nuôi cá ao hồ nhỏ:
Đẩy mạnh phong trào nuôi cá rô phi đơn tính
bằng các chính sách hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, xây dựng các vùng nuôi tập
trung tạo sản phẩm hàng hóa phục vụ chế biến xuất khẩu.
Đến 2010 diện tích nuôi 1.100 ha ao hồ nhỏ,
sản lượng 2.700 tấn
+ Nuôi cá - lúa:
Phát triển mạnh hình thức nuôi cá - lúa, tôm
- lúa, tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao ứng dụng công nghệ nuôi
mới đến người dân. Hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi thủy sản ở miền núi,
vùng sâu vùng xa; phát triển kinh tế VAC, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một
đơn vị diện tích canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Đến 2010 diện tích nuôi 1.800 ha, sản lượng
1.000 tấn.
+ Nuôi mặt nước lớn:
Từng bước phát triển nuôi thủy sản ở các hồ
thủy lợi, thủy điện có mặt nước lớn, giao cho cộng đồng thôn xã hoặc các cá
nhân, đơn vị quản lý kinh doanh; tận dụng và phát huy năng suất sinh học của
loại hình nuôi này.
Đến 2010 nuôi 200 ha, sản lượng đạt 100 tấn
cá các loại.
+ Nuôi đặc sản:
Một số đối tượng như baba, ếch... cần được
chú trọng đầu tư phát triển; chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp
trong, ngoài tỉnh để cung cấp con giống và tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là một
hướng đi mới tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các vùng có diện tích
đất canh tác ít... đồng thời là nguồn sản phẩm cho xuất khẩu.
Đến 2010 diện tích nuôi đạt 30 ha, sản lượng
60 tấn.
c. Nuôi lồng.
+ Phát triển đa dạng hóa đối tượng nuôi lồng
nước ngọt, chú trọng phát triển các đối tượng nuôi có giá trị xuất khẩu như cá
rô phi đơn tính, các đối tượng nuôi truyền thống như cá chép, mè vinh, trắm cỏ...
Đến 2010 đạt 1.850 lồng, sản lượng 640 tấn.
+ Nuôi lồng biển là một hướng đi mới, thời
gian tới cần phát triển nuôi lồng biển với các đối tượng có giá trị kinh tế như
cá mú, cá hồng, cá dò, cá chẽm, tôm hùm...vv.
Đến 2010, nuôi 50 lồng, sản lượng 100 tấn.
2.4. Chế biến thủy sản và xuất khẩu
Củng cố sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị
công nghệ chế biến thủy sản; nâng cao chất lượng, xây dựng sản phẩm chủ lực,
phát triển thị trường, mở rộng hợp tác kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh
doanh.
a. Đối với chế biến thủy sản xuất khẩu.
Xây dựng chiến lược sản xuất sản phẩm xuất
khẩu để có kế hoạch đầu tư sản xuất nguyên liệu, đổi mới công nghệ, nâng cao
chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và chủ động về
thị trường tiêu thụ. Chú trọng đầu tư sản xuất các mặt hàng chủ lực có lợi thế
của địa phương bao gồm: mực đông, tôm đông IQF (tôm sú, thẻ), mực khô và cá
đông các loại.
Phấn đấu tăng bình quân hàng năm 13,6% về sản
lượng và 20% về giá trị chế biến thủy sản xuất khẩu.
Cơ cấu sản phẩm chế biến xuất khẩu đến 2010
như sau:
Chỉ tiêu
|
ĐVT
|
Tổng
|
Mực đông
|
Tôm đông
|
Cá đông
|
Mực khô
|
Khác
|
Sản lượng
|
Tấn
|
3.500
|
1.000
|
1.100
|
800
|
300
|
300
|
Tỷ trọng
|
%
|
100
|
28
|
32
|
22
|
9
|
9
|
Giá trị
|
Tr.USD
|
20
|
6,47
|
6,0
|
2
|
4,9
|
0,63
|
Tỷ trọng
|
%
|
100
|
32,5
|
30,0
|
10,0
|
24,5
|
3,0
|
Nâng cao năng lực sản xuất của các đơn vị chế
biến thủy sản hiện có; áp dụng quản lý chất lượng sản phẩm theo các hệ thống
tiêu chuẩn HACCP, GMP, đảm bảo chất lượng VSATTP. Sắp xếp và điều chỉnh lại các
cơ sở chế biến thủy sản một cách hợp lý, khuyến khích đầu tư sử dụng công nghệ
mới.
Đẩy mạnh hợp tác liên kết, liên danh với các
doanh nghiệp trong tỉnh và trong nước để nâng cao năng lực hoạt động của các
doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp có thị
trường xuất khẩu thủy sản đầu tư phát triển chế biến thủy sản xuất khẩu tại
Quảng Bình.
Phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành và các
địa phương, cơ sở liên quan để tổ chức phát triển sản xuất, tăng nguồn nguyên
liệu cho xuất khẩu và có chính sách phù hợp thúc đẩy sự liên kết hợp tác giữa
các nhà máy với người sản xuất.
b. Về chế biến sản phẩm thủy sản truyền thống
Chú trọng đầu tư phát triển chế biến sản phẩm
thủy sản phục vụ tiêu dùng, phấn đấu đến năm 2010, đạt 2 triệu lít nước mắm,
200 tấn khô các loại, 1000 tấn các loại mắm, ruốc và sản phẩm tẩm, ướp gia vị,
chả cá...vv.
Phối hợp thực hiện Chương trình phát triển
TTCN & NNNT đến năm 2010, sự hỗ trợ về vốn của trung ương, của các Chính
phủ và tổ chức phi chính phủ (NGO), của Dự án Phân cấp giảm nghèo (DPPR), Dự án
Cải thiện sinh kế...vv để phát triển và xây dựng làng nghề chế biến thủy sản ở
Cảnh Dương, Bảo Ninh, Đức Trạch, Nhân Trạch, Ngư Thủy nhằm chế biến các sản
phẩm: nước mắm, ruốc, mắm mịn, mắm thính, cá khô, ruốc khô, mực khô...vv.
Khai thác lợi thế của địa phương, xây dựng
một số thương hiệu thực phẩm thủy sản: nước mắm Bảo Ninh, Cảnh Dương, tôm chua
Đồng Hới...vv, mực tẩm gia vị, chả cá …vv phục vụ nhu cầu du lịch và tiêu dùng.
Nâng cao chất lượng các sản phẩm thủy sản chế
biến truyền thống, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp thị trường; mở rộng thị
trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động chế
biến thủy sản.
Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư
xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản ở các trung tâm nghề cá Hòn La, Thanh
Trạch, để đảm bảo thu hút nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu phát triển của đánh
bắt và nuôi trồng.
IV. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Giải pháp về quy hoạch
Tiếp tục rà soát, bổ sung và điều chỉnh Quy
hoạch tổng thể ngành, Quy hoạch NTTS đến 2010 và tầm nhìn đến 2020, triển khai
quy hoạch sản xuất giống thủy sản; xây dựng quy hoạch chi tiết các tiểu vùng
nuôi tập trung với các đối tượng nuôi chủ lực để tạo sản phẩm hàng hóa; nâng
cao chất lượng các đề án quy hoạch; gắn hoạt động quy hoạch NTTS với sản xuất
nông nghiệp để có sự hỗ trợ lẫn nhau trong việc cấp nước ngọt, thoát lũ, kết
hợp trồng rừng để phòng hộ và từng bước tái tạo hệ sinh thái rừng ngập mặn...
Sở Thủy sản chủ trì phối hợp với các ngành
xây dựng quy hoạch các vùng nuôi tập trung, có quy mô lớn, liên vùng và liên
quan đến nhiều lĩnh vực, bảo đảm tính hợp lý và có hiệu quả, nhằm phát triển ổn
định và bền vững.
UBND các huyện, thành phố chủ động quy hoạch
các tiểu vùng nuôi trên địa bàn, chú ý quy hoạch phát triển thủy sản phục vụ
xóa đói giảm nghèo.
Chú trọng công tác điều tra cơ bản, quy hoạch
sắp xếp lại nghề cá ven bờ và phân bố lực lượng sản xuất vùng khơi, kết hợp
chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản để chuyển đổi cơ cấu sản
xuất cho các vùng bãi ngang, cồn bãi sang nuôi thủy sản, chế biến và các dịch
vụ khác. Xây dựng Quy hoạch các khu bảo tồn biển và các loài thủy sản ven bờ,
ven sông cần bảo vệ để tái tạo nguồn lợi. Thực hiện Quy hoạch phát triển khai
thác hải sản đến 2010, tầm nhìn 2020.
2. Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ và
khuyến ngư
Thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa
học kỹ thuật trên lĩnh vực khai thác, nuôi và chế biến thủy sản, các đề tài bảo
quản nguyên liệu sau thu hoạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi thủy sản
"sạch", sản xuất giống sạch bệnh chất lượng cao, nuôi tôm theo công
nghệ sinh học, nuôi sinh thái, nuôi thủy sản không sử dụng các loại kháng sinh
và hóa chất cấm sử dụng...
Xây dựng và thực hiện phổ biến kiến thức về
quy trình và công nghệ nuôi thủy sản sạch gắn với bảo vệ môi trường cho cộng
đồng; mô hình nuôi an toàn, nuôi thủy sản thân thiện với môi trường theo GAP,
CoC.
Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công
nghệ sản xuất giống: cua biển, ốc hương, cá lóc, cá chẽm, cá hồng mỹ và các đối
tượng khác; công nghệ chế biến sản phẩm thủy sản có giá trị cao, các sản phẩm
mới phù hợp với thị trường.
Mở rộng quan hệ, liên doanh liên kết với các
tổ chức, cá nhân, các Viện nghiên cứu, Trường Đại học thủy sản, Trung tâm
nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật các đối tượng nuôi mới và sản xuất
giống, chế biến thủy sản và khai thác hải sản.
Tăng cường công tác chuyển giao công nghệ,
đưa kỹ thuật mới, các nghề mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và truyền thống
đánh bắt để phát huy có hiệu quả. Nâng cao trình độ kỹ thuật cho ngư dân thông
qua công tác đào tạo, huấn luyện và xây dựng các mô hình sản xuất điển hình tiên
tiến, các mô hình trình diễn kỹ thuật để chuyển giao công nghệ cho ngư dân.
Quan tâm đồng bộ cả về sản lượng và chất
lượng sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản, tránh hiện tượng chạy theo sản lượng,
thả nuôi với mật độ cao ngoài khả năng đầu tư và quản lý làm ảnh hưởng đến môi
trường vùng nuôi, đến chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm
nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân các cơ sở chế biến và của người dân về
công tác quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản chế biến cho
tiêu dùng.
Triển khai thực hiện các quy định về quản lý
chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản từ khâu sản xuất nguyên liệu đến
chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư, xây dựng mô
hình trình diễn và chuyển giao công nghệ; tuyên truyền, quảng bá kỹ thuật mới,
nghề mới có năng suất cao, đánh bắt có tính chọn lọc; các đối tượng nuôi mới có
giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện
tích mặt nước.
Đa dạng hóa các hình thức chuyển tải thông
tin, tuyên truyền và phổ biến về công nghệ nuôi, khai thác, bảo quản và chế
biến thủy sản, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến
tận người sản xuất, dịch vụ, các cán bộ quản lý trong toàn ngành và các ngành
có liên quan.
3. Giải pháp về sản xuất giống thủy sản
Hoàn chỉnh quy hoạch và xây dựng Chương trình
phát triển giống thủy sản đến 2010. Khuyến khích và hỗ trợ đầu tư các thành
phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất giống thủy sản, trước hết ưu tiên đầu
tư phát triển các cơ sở sản xuất tôm giống, cá rô phi đơn tính, đồng thời chú
trọng phát triển hợp lý các đối tượng khác.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch con
giống; thực hiện quy trình sản xuất giống chất lượng cao và sạch bệnh.
Về tôm giống, tiếp tục thực hiện chính sách
khuyến khích đầu tư phát triển các trại sản xuất tôm giống, đảm bảo đến 2010
đạt sản lượng 500 triệu con. Trong đó, tôm sú 300 triệu con; tôm khác 150 triệu;
cua, cá và nhuyễn thể 50 triệu con (có Chương trình phát triển giống riêng).
Nâng cấp Trại sản xuất tôm giống Quang Phú
thành Trại giống thủy sản mặn, lợ cấp I của tỉnh để sản xuất, cung ứng con
giống, sản xuất thử nghiệm và chuyển giao công nghệ; đồng thời thực hiện lưu
giữ giống gốc, giống thuần chủng, di nhập và nhân giống mới..., phục vụ phát
triển nuôi thủy sản.
Nâng cao năng lực sản xuất các cơ sở sản xuất
tôm giống: Đức Thắng, Hưng Biển, Lý Hùng, Thịnh Phát, Khánh Phát, Khánh Minh,
Nhật Tiến, Quỳnh Hưng, Phương Nam đáp ứng nhu cầu nuôi tôm.
Về cá giống, thực hiện phát triển rộng rãi
các cơ sở sản xuất cá giống để cung cấp giống tại chỗ cho nhu cầu phát triển
nuôi của từng vùng. Đến 2010 sản xuất 100 triệu con giống, trong đó rô phi đơn
tính dòng GIFT 30 triệu con, các loài cá truyền thống: rô đồng, cá lóc và các
loài khác 70 triệu con.
Nâng cấp trại giống Đại Phương trở thành cơ
sở chủ lực cung cấp giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh.
Hỗ trợ và khuyến khích đầu tư phát triển các
cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt khác để cung cấp giống cá tại chỗ cho
từng địa phương. Phát triển thêm 2 trại sản xuất giống cá nước ngọt ở Tân Thủy
và Cam Thủy, xây dựng một số cơ sở ương giống ở Quảng Ninh và Lệ Thủy phục vụ
cho nhu cầu phát triển nuôi của huyện. Củng cố lại sản xuất trại giống Hóa
Thanh, cung cấp cá giống cho khu vực miền núi.
Về giống các đối tượng khác, thực hiện tiếp
nhận và chuyển giao công nghệ sinh sản đối với: cua biển, ốc hương, baba, ếch,
rô đồng, cá chẽm, cá hồng, các loài nhuyễn thể...vv đủ đáp ứng yêu cầu đa dạng
hóa đối tượng và hình thức nuôi thủy sản.
4. Giải pháp về thị trường
Củng cố và giữ vững các thị trường truyền
thống, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản,
chú trọng thị trường nội địa.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và
khai thác thị trường, tham gia hội chợ, hội thảo để quảng bá và giới thiệu sản
phẩm của tỉnh. Xây dựng chiến lược sản phẩm thủy sản xuất khẩu, sản phẩm hàng
hóa nội địa làm cơ sở cho việc giới thiệu và khai thác thị trường. Tranh thủ sự
giúp đỡ của Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng tham tán thương mại Việt Nam tại các
nước trong việc giới thiệu sản phẩm, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu
mở đại diện thương mại tại nước ngoài.
Thực hiện liên doanh liên kết với các doanh
nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trong nước để mở rộng thị trường, ổn định
sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu: Thị trường Mỹ và
EU chủ yếu là các sản phẩm tôm; Nhật, Hàn Quốc các sản phẩm sashimi, mực đông,
sản phẩm giá trị gia tăng, mực khô cao cấp; Trung Quốc và Đài Loan chủ yếu là
các sản phẩm cá đông, mực đông, mực khô; chú trọng mở rộng ra các thị trường
Lào, Đông Bắc Thái Lan, Tây Nam Trung Quốc với các sản phẩm phù hợp.
5. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển
dụng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật với nhiều hình thức để đảm bảo chất lượng,
số lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của ngành Thủy sản. Đẩy mạnh
đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề cho ngành thủy sản về thủy sản.
Đa dạng các hình thức đào tạo, quan tâm tổ
chức các khóa đào tạo ngắn hạn, tập huấn cho cán bộ quản lý, kỹ thuật, nhà
doanh nghiệp về chính sách quản lý nghề cá, chính sách kinh tế, thương mại..vv
đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản trong thời kỳ mới và tham gia
hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý;
tăng cường công tác đào đạo, bồi dưỡng, tuyển chọn bổ sung cán bộ quản lý, kỹ
thuật giỏi và công nhân lành nghề cho các đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu.
Phối hợp các cơ quan, Viện nghiên cứu, Trường
Đại học thủy sản Nha Trang, Trường Đại học Quảng Bình và các Trường, Trung tâm
đào tạo nghề tổ chức đào tạo Thuyền, Máy trưởng, công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ
thuật và quản lý có trình độ trung, đại học và sau đại học chuyên ngành khai
thác, nuôi, chế biến và quản lý kinh tế thủy sản.
6. Giải pháp về quản lý, chỉ đạo tổ chức sản
xuất
Tăng cường năng lực và hiệu lực quản lý Nhà
nước về lĩnh vực thủy sản bằng biện pháp bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ
cán bộ quản lý và cán bộ khoa học kỹ thuật cho ngành. Củng cố và nâng cao năng
lực hoạt động quản lý nhà nước của Sở Thủy sản và các đơn vị trực thuộc. Tăng
cường cán bộ quản lý cho cấp huyện: mỗi huyện, thành phố ven biển cần bố trí 2-
3 cán bộ phụ trách thủy sản; các huyện miền núi bố trí 1-2 cán bộ nuôi trồng
thủy sản.
Tăng cường phối hợp đồng bộ trong việc lãnh đạo,
chỉ đạo công tác phát triển sản xuất và chế biến thủy sản giữa các cấp, các
ngành và các địa phương, cơ sở; xây dựng mối quan hệ liên kết 4 nhà: nhà sản
xuất nguyên liệu, nhà máy, nhà khoa học và nhà nước.
Xây dựng các tổ hợp tác và HTX nghề cá, hình
thành các đội tàu cá, các tổ nhóm để hỗ trợ nhau trong tổ chức sản xuất và vay
vốn; phát triển các hình thức kinh tế hộ và liên hộ để sản xuất nghề cá.
Kiện toàn và tăng cường vai trò quản lý nhà
nước đối với lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản. Chỉ đạo chính quyền các
địa phương tăng cường công tác vận động tập hợp cộng đồng nông ngư dân trong
các tổ chức như: Chi hội nghề cá, chi hội nuôi thủy sản, để có thể huy động sức
dân giúp đỡ nhau trong sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm,
góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thủy sản ở địa phương.
Thành lập và triển khai hoạt động của Hiệp
hội nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh, mở rộng sự hợp tác, tạo mối
liên kết và giúp đỡ nhau trong sản xuất kinh doanh, liên kết, liên danh với các
doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Huy động sự tham gia của cả cộng đồng nhằm
phát triển thủy sản của tỉnh có hiệu quả và bền vững.
Sắp xếp lại tổ chức quản lý các cảng cá và
khu neo đậu tránh trú bão, thực hiện tốt chức năng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Nâng cao năng lực và tổ chức lại hệ thống
Khuyến ngư từ tỉnh đến cơ sở; bổ sung cán bộ kỹ thuật, xây dựng mạng lưới cộng
tác viên khuyến ngư; đầu tư và nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác khuyến
ngư.
Củng cố, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bảo vệ
nguồn lợi thủy sản và quản lý chất lượng thủy sản và và tăng cường năng lực hệ
thống tổ chức thanh tra. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm dịch chất lượng
giống và chủ động hoạt động quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy
sản trong lộ trình hội nhập. Thành lập tổ chức Thanh tra chuyên ngành thủy sản,
tổ chức quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thú y thủy sản, nhằm tăng cường năng
lực quản lý nhà nước về thủy sản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
7. Nhóm giải pháp về đầu tư
Quan tâm đầu tư đồng bộ trên tất cả các lĩnh
vực sản xuất thủy sản, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm kết cấu hạ tầng
phục vụ phát triển sản xuất thủy sản.
Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ giúp đỡ của ngân
sách Trung ương, các dự án đầu tư của các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tăng
cường nguồn ngân sách địa phương đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các vùng nuôi.
Chú trọng đầu tư công trình thủy lợi, điện lưới phục vụ nuôi trồng thủy sản; đầu
tư cho phát triển khai thác thủy sản xuất khẩu, đổi mới công nghệ CBTSXK.
Huy động các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư phát
triển thủy sản:
+ Các nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn cho
đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phát triển nuôi trồng, dịch vụ hậu
cần, đóng mới tàu cá, các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, trại sản xuất giống thủy
sản, thức ăn công nghiệp, dịch vụ đá lạnh, cơ khí tàu thuyền và nhiên liệu nghề
cá, thu mua chế biến thủy sản.
+ Các nguồn vốn tín dụng ngắn hạn cho đầu tư
dịch vụ kinh doanh giống, thức ăn, hóa chất và thuốc thú y thủy sản.
+ Các nguồn vốn của các chính phủ ngoài nước,
NGO đầu tư cho hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, hỗ trợ tư vấn, chuyển giao công nghệ
và truyền thông.
Đầu tư hoàn thiện các cảng cá, khu dịch vụ
hậu cần & neo đậu trú bão cho tàu thuyền nghề cá Hòn La; xây dựng mới khu
neo đậu tránh bão cho tàu thuyền nghề cá ở Sông Gianh và Nhật Lệ; xây dựng các
bến cá gắn liền với chợ cá và khu thương mại nghề cá ở Đồng Hới, Đức Trạch,
Thanh Trạch, Roòn.
Hiện đại hóa hệ thống thông tin nghề cá phục
vụ cho công tác quản lý chỉ đạo sản xuất, từng bước thực hiện giám sát hoạt
động sản xuất của tàu cá, giám sát vùng nuôi; xây dựng hệ thống và tăng cường
năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn, nhằm giảm thiểu rủi ro cho
ngư dân, đảm bảo an toàn sản xuất.
Ưu tiên bố trí các nguồn vốn này cho đầu tư
xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phát triển thủy sản, cho công tác quy
hoạch, chuẩn bị đầu tư, hoạt động khoa học công nghệ và khuyến ngư, giáo dục và
đào tạo, hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động quản lý Nhà nước về thủy
sản.
Đầu tư kinh phí cho chuyển giao ứng dụng công
nghệ, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản; triển
khai các mô hình trình diễn; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm; hỗ trợ vốn
cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi lồng biển.
UBND các huyện, thành phố chủ động lập kế
hoạch bố trí ngân sách hỗ trợ các hoạt động khuyến ngư như xây dựng mô hình,
tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ và công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu
tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang nuôi thủy sản.
Từ 2006-2010 tiếp tục khuyến khích, phát huy
nội lực các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất thủy sản; đầu tư thực hiện các
dự án phát triển khai thác xuất khẩu, nuôi và chế biến thủy sản của tỉnh.
8. Nâng cao năng lực và hiệu quả SXKD của các
doanh nghiệp
Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới cơ chế
quản lý các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ, nhanh chóng hoàn thành
việc sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp Nhà nước về chế biến và nuôi trồng thủy sản
của tỉnh, đảm bảo tính tự chủ, năng động trong hoạt động sản xuất kinh doanh,
giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong
sản xuất kinh doanh hàng thủy sản. Thực hiện đạo đức nghề nghiệp trong kinh
doanh, tạo mối quan hệ tốt giữa người sản xuất và người tiêu dùng trên cơ sở
sản phẩm có uy tín và chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các nhà máy CBTSXK cần tăng cường hợp
tác, liên kết chặt chẽ với người sản xuất và các chủ nậu, vựa. Khuyến khích
liên kết, xây dựng mô hình hợp tác làm ăn, tạo cơ sở thực hiện tốt liên kết
trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa người
sản xuất và cơ sở thu mua chế biến.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản
xuất khẩu có trách nhiệm khai thác thị trường, xây dựng chính sách hỗ trợ cho
người sản xuất để khuyến khích, tạo mối liên kết ràng buộc và xây dựng niềm tin
cho người sản xuất để họ tự nguyện bán nguyên liệu cho nhà máy.
Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến tăng
cường năng lực kiểm soát và phát hiện dư lượng kháng sinh, hóa chất trong
nguyên liệu; áp dụng hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn HACCP, GMP và SSOP.
9. Về chính sách
Xây dựng Chính sách khuyến khích phát
triển thủy sản giai đoạn 2006 - 2010, trên cơ sở chính sách khuyến khích phát
triển nuôi & CBTSXK giai đoạn 2001 - 2005 phù hợp với điều kiện phát triển
trong thời kỳ mới, như:
+ Hỗ trợ đào tạo nghề công nhân kỹ
thuật khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.
+ Hỗ trợ mua sắm thiết bị; chuyển giao
ứng dụng công nghệ mới trong tất cả các lĩnh vực sản xuất giống, khai thác,
nuôi trồng và chế biến.
+ Hỗ trợ đầu tư phát triển nghề khai
thác thủy sản xuất khẩu.
+ Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp
đánh bắt hải sản các xã bãi ngang cồn bãi; hỗ trợ đầu tư phát triển nuôi thủy
đặc sản có giá trị kinh tế cao.
+ Hỗ trợ khuyến khích phát triển tàu
cá có công suất từ 60 CV trở lên bằng vốn vay ưu đãi để tạo điều kiện cho ngư
dân đầu tư phát triển chuyển đổi nghề.
+ Hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác
phòng dịch, dập dịch trong nuôi trồng thủy sản.
+ Mức giảm thuế sử dụng đất cho các tổ
chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản xuất khẩu.
+ Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản
được vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư tăng cường năng lực, đổi mới thiết bị và
công nghệ chế biến được dùng tài sản đầu tư để thế chấp.
+ Hỗ trợ xúc tiến thương mại, tham gia
hội chợ, triển lãm, tham quan học tập kinh nghiệm, khảo sát tìm kiếm thị
trường…vv.
+ Trợ giá giống thủy sản cho miền núi,
vùng sâu vùng xa để khuyến khích phát triển kinh tế VAC.
Giao Sở Thủy sản chủ trì phối hợp với
các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu
đề xuất ban hành các chính sách cụ thể để thực hiện.
10. Củng cố phát triển các cơ sở dịch
vụ, hậu cần
Hoàn thiện đưa vào sử dụng khu dịch vụ
hậu cần & neo đậu trú bão cho tàu thuyền nghề cá Hòn La; sắp xếp lại hệ
thống cầu cảng tư nhân đảm bảo giữ gìn môi trường sinh thái, trật tự an toàn xã
hội, thực hiện tốt chức năng dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ cho khai thác thủy
sản phát triển.
Khuyến khích phát triển các cơ sở dịch
vụ cung ứng vật tư, ngư cụ, nhiên liệu …; phát triển mạnh đội tàu dịch vụ, tàu
dầu và các trạm thu mua hải sản phục vụ cho hoạt động khai thác được thuận lợi,
nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.
Xây dựng hệ thống và tăng cường quản
lý các cơ sở sản xuất, các đại lý dịch vụ thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi
thủy sản.
Sắp xếp lại và đầu tư nâng cao năng
lực các cơ sở đóng mới, sửa chữa cơ khí tàu thuyền nghề cá đáp ứng yêu cầu sửa
chữa, cải hóa,n, nâng cấp và đóng mới tàu cá xa bờ; thay thế, sửa chữa các
thiết bị cơ khí, hàng hải nghề cá.
11. Giải pháp về quản lý môi trường,
bảo vệ NLTS và phòng tránh thiên tai
Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ
thuật các tiểu vùng nuôi tập trung như cấp - thoát nước, giao thông, điện...
đảm bảo theo tiêu chuẩn nuôi thâm canh và bán thâm canh; chú trọng phát triển
phương thức nuôi theo công nghệ sạch và nuôi sinh thái. Áp dụng các tiêu chuẩn
về nuôi an toàn (GAP), không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trên tất cả các
vùng nuôi tập trung, nuôi công nghiệp; đầu tư các hệ thống xử lý nước thải đảm
bảo yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh môi trường.
Đánh giá tác động môi trường tất cả
các công trình, dự án đầu tư phát triển. Thực hiện thẩm định công nghệ và thiết
bị dây chuyền công nghệ các dự án đầu tư sản xuất chế biến thủy sản.
Tăng cường hoạt động giám sát, kiểm
tra và xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Xây dựng phương án, chủ
động ngăn ngừa sự cố tràn dầu; thực hiện công ước MARPOL ngày 2/11/1973 về
phòng chống ô nhiễm biển.
Triển khai tập huấn, nâng cao nhận
thức về bảo vệ môi trường biển cho ngư dân. Tăng cường thể chế và nâng cao nhận
thức cho cán bộ địa phương, cơ sở về quản lý môi trường vùng bờ.
Tăng cường quản lý hoạt động tàu cá,
áp dụng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản trên tàu cá, từng
bước áp dụng Quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt
Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010. Xây dựng khu
bảo tồn biển Hòn La - Đảo Yến.
Thực hiện sự phân cấp mạnh trong quản
lý nghề cá, quản lý các hoạt động của tàu cá, nuôi trồng thủy sản và các hoạt
động liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Tiến
hành phân vùng và phân cấp quản lý cho các cấp chính quyền địa phương ven biển;
tổ chức quản lý nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh gắn với
phát triển nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề dịch vụ khác, đặc biệt đối với
vùng biển ven bờ.
Tăng cường sự phối hợp kiểm tra kiểm
soát hoạt động nghề cá trên biển, kiểm soát các hoạt động có tính hủy diệt môi
trường sống các loài thủy sinh; tổ chức tốt công tác đăng ký đăng kiểm tàu cá.
Chủ động thực hiện các hoạt động theo Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ
Việt Nam - Trung Quốc.
Huy động các tổ chức đoàn thể, hiệp
hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh,
Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi... tham gia
các hoạt động tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Triển khai thực hiện có hiệu quả
chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010. Xây dựng các
chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác
bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, quy hoạch và xây dựng các khu bảo tồn
biển, bảo tồn thủy nội địa.
Xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống
thông tin liên lạc nghề cá, cung cấp thường xuyên và kịp thời cho nhân dân các
thông tin về dự báo thời tiết, ngư trường, mùa vụ, thị trường. Thực hiện tốt
Nghị định 66/CP về tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn cho người và
tàu cá hoạt động thủy sản, chú trọng tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám
sát về an toàn sản xuất trên biển như: trang bị phao cứu sinh, thiết bị cứu
thủng..vv. Từng bước áp dụng hệ thống quản lý hoạt động tàu cá bằng công nghệ
viễn thám.
Xây dựng lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu
nạn, đầu tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng, chủ động ngăn ngừa và
triển khai ứng cứu kịp thời các thiệt hại do thiên tai, các sự cố tràn dầu.
Kiện toàn và phối hợp hoạt động Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt các cấp, đẩy
mạnh công tác phòng chống bão lụt, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đầu
tư xây dựng và hoàn thiện các Cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
V. CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
Để triển khai thực hiện mục tiêu nhiệm
vụ phát triển thủy sản giai đoạn 2006 - 2010, cần thực hiện đầu tư cho chương
trình 19 dự án. Tổng nhu cầu vốn đầu tư XDCB toàn bộ chương trình: 338.500 triệu
đồng, trong đó năm 2006: 51.820 triệu đồng (chi tiết xem phụ lục 3).
Tổng hợp nhu
cầu vốn đầu tư
Nguồn vốn
|
2006
|
2006 - 2010
|
Tổng cộng
|
51.820
|
338.500
|
1. Vốn ngân sách
|
9.650
|
121.000
|
2. Vốn nước ngoài
|
1.170
|
20.000
|
3. Vay tín dụng
|
25.000
|
117.000
|
4. Tự có
|
16.000
|
80.500
|
VI. HIỆU QUẢ CỦA
CHƯƠNG TRÌNH
- Về kinh tế: Chương trình được
thực hiện sẽ góp phần phát triển đồng bộ thủy sản trên tất cả các lĩnh vực khai
thác, nuôi, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá. Phát triển thủy sản theo hướng
CNH, HĐH; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tạo nguồn
thực phẩm thủy sản ổn định, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh; tăng
giá trị sản xuất của ngành Thủy sản so với năm 2005 là 62,6%; đảm bảo an ninh
thực phẩm thủy sản; cải thiện đời sống nhân dân; tạo động lực thúc đẩy phát
triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
- Về xã hội: Thu hút và tạo thêm
nhiều việc làm ổn định, cho 5.500 đến 6.000 lao động nghề cá; từng bước nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư các vùng, miền, góp
phần xóa nghèo vươn lên làm giàu từ sản xuất thủy sản, cải thiện bộ mặt nông
thôn; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận phương thức sản
xuất và quản lý tiên tiến của các nước có nghề cá phát triển, tạo tiền đề và là
cơ sở cho tiến trình hội nhập.
- Về môi trường: Tăng cường công tác
quản lý môi trường các vùng nuôi, môi trường sống các loài thủy, hải sản, tạo
điều kiện tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Xây dựng các vùng nuôi tập
trung, các cơ sở chế biến, xuất khẩu thủy sản đảm bảo không ô nhiễm môi trường
và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, từng bước phát triển thủy sản
ổn định và bền vững.
Phần thứ ba
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình phát
triển thủy sản giai đoạn 2006- 2010 của tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh
làm trưởng Ban, Giám đốc sở Thủy sản làm phó Ban thường trực, lãnh đạo các
huyện, thành phố và các sở, ban, Ngành liên quan làm ủy viên, và tổ chuyên viên
giúp việc để điều hành quản lý thực hiện Chương trình.
2. Giao Sở Thủy sản là cơ quan thường trực,
trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình phát triển thủy sản
trong phạm vi cả tỉnh. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho hằng năm và chuẩn bị các dự
án, đề án cụ thể trình cơ quan chức năng xem xét ra quyết định thực hiện.
Tổ chức theo dõi triển khai các dự án theo
tiến độ. Tiến hành sơ kết, tổng kết, đề xuất các giải pháp phù hợp, kịp thời
tham mưu điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, tổng kết các điển
hình tốt ở các huyện, thành phố để nhân ra diện rộng trong toàn tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp
với các sở Thủy sản, Tài chính và các đơn vị có liên quan cân đối bố trí vốn
theo kế hoạch hỗ trợ, đầu tư phát triển thủy sản hàng năm.
4. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị
liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần phối hợp chặt chẽ với Sở Thủy sản
để lồng ghép các chương trình, dự án nhằm thực hiện chương trình phát triển
thủy sản giai đoạn 2006 - 2010.
5. UBND các huyện, thành phố căn cứ vào nội
dung Chương trình để cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Phối hợp với Sở Thủy sản và các sở, ban, ngành liên quan trong việc xây dựng,
chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển thuộc
Chương trình trên địa bàn huyện, thành phố; thực hiện đánh giá rút kinh nghiệm
để tổ chức thực hiện có hiệu quả.
6. Các tổ chức: Hội Nông dân tỉnh, Phụ nữ
tỉnh, Cựu chiến binh tỉnh, Làm vườn tỉnh, Hiệp hội Nuôi, chế biến và xuất khẩu
thủy sản, Đoàn thanh niên tỉnh… phối hợp chặt chẽ với sở Thủy sản trong việc
tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và phát động quần chúng phát huy nội lực thực hiện
tốt Chương trình./.
PHỤ LỤC 3:
TÓM
TẮT NỘI DUNG CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2006 -
2010
1. Dự án phát triển khai thác hải sản
1.1. Các Dự án phát triển tàu cá đánh bắt
vùng khơi
- Mục tiêu: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất khai
thác sang đánh bắt khơi, giảm áp lực đánh bắt hải sản vùng lộng và ven bờ, nâng
cao hiệu quả đánh bắt.
- Quy mô: Tàu có công suất từ 60 cv trở lên: 250
chiếc.
- Trang bị nghề: Lưới vây; rê, câu khơi; chụp
mực: mỗi nghề 100 vàng.
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 100 tỷ đồng (vốn
vay và tự có).
1.2. Dự án chuyển đổi nghề nghiệp khai thác
- Mục tiêu: Chuyển dịch cơ cấu nghề khai thác
một cách hợp lý theo hướng đánh bắt khơi, khai thác đi đôi với bảo vệ và phát
triển nguồn lợi thủy sản, hạn chế đi đến giảm hẳn các nghề đánh bắt ven bờ, các
nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi, xây dựng mô hình sau đó nhân rộng ra
các địa bàn trong tỉnh.
- Nội dung: Chuyển đổi một số nghề đánh bắt
ven bờ như Đáy, xúc, cào khung, giã tôm, mành lùi...vv ở các xã bãi ngang, cồn
bãi sang các nghề khác:
Chuyển đổi nghề nghiệp đánh bắt ở các địa
phương có điều kiện sang nuôi cá lồng sông, biển, nuôi hàu, nghêu, nuôi ốc
hương...vv.
- Tổng vốn đầu tư cho dự án: 10 tỷ
đồng.
- Nguồn vốn: tự có, vay tín dụng, NGO, nước
ngoài và ngân sách hỗ trợ.
2. Các dự án phát triển nuôi trồng thủy sản
2.1. Dự án quy hoạch và xây dựng hệ thống sản
xuất giống thủy sản:
- Mục tiêu: đáp ứng đủ
nhu cầu con giống, đảm bảo yêu cầu về chất lượng giống sạch bệnh; chủ động
nguồn, đối tượng giống sản xuất và hạ giá thành.
- Nội dung:
+ Nâng cấp trại tôm giống Quang Phú thành
trung tâm giống thủy sản mặn, lợ cấp I của tỉnh.
+ Xây dựng mới 5 trại sản xuất tôm giống và
ốc hương giống, nâng công suất các trại hiện có đảm bảo công suất đạt 450 - 500
triệu/năm.
+ Nâng cấp trại cá giống Đại Phương thành
Trại giống nước ngọt chủ lực có công suất 50 triệu cá bột/năm và 10 triệu cá
hương giống/năm.
+ Xây dựng 4 trại cá ở hai huyện Quảng Ninh
và Lệ Thuỷ, công suất mỗi trại từ 10-15 triệu cá bột/năm.
- Dự kiến kinh phí: 15 tỷ đồng
- Nguồn kinh phí: vốn ngân sách, tự có, vay,
dự án DPPR.
2.2. Dự án đầu tư thủy lợi phát triển nuôi thủy
sản mặn lợ
- Mục tiêu: Tạo nguồn nước ngọt chủ động cho
các vùng nuôi để điều tiết độ mặn vào mùa hè và chủ động trong sản xuất tôm
thương phẩm.
- Nội dung: Đầu tư xây dựng trạm bơm, kênh
mương, cống cấp thoát nước.
Chuyển giao công nghệ nuôi ít thay nước, nuôi
theo công nghệ sinh học.
- Địa điểm: Vùng nuôi thủy sản tập trung như;
Hạ Trạch, Bắc Trạch, Mỹ Trạch, Đồng Trạch, Võ Ninh, Quảng Phong, Quảng Thuận -
Quảng Phúc.
- Dự kiến kinh phí: 20 tỷ đồng.
- Nguồn kinh phí: Ngân sách Trung ương, vay
ngân sách và tự có của dân.
2.3. Dự án nuôi tôm, cá lồng biển theo công
nghệ mới
Mục tiêu: Tạo nguồn nguyên liệu chất lượng
cao và ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu.
Nội dung: Phát triển 50 lồng nuôi tôm, cá.
Năng suất: 3 tấn/lồng. Sản lượng: 150 tấn/năm.
Địa điểm: Vũng Chùa - Hòn La; Đức Trạch, Nhật
Lệ, Lệ Thuỷ.
Dự kiến kinh phí: 5 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí: Vốn ngân sách, tài trợ quốc
tế, vay tín dụng, vốn tự có.
2.4. Dự án đầu tư hạ tầng đê bao phát triển
nuôi cá - lúa
Mục tiêu: Khai thác sử dụng hợp lý khu vực
ruộng trũng để nuôi cá, tăng hiệu quả và thu nhập cho nông dân, giải quyết nhu
cầu thực phẩm thủy sản.
Nội dung: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển
1.500 ha ruộng trũng vào nuôi cá - lúa ở các xã thuộc huyện Lệ Thuỷ, Quảng
Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch.
Dự kiến kinh phí: 22,5 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí: Vốn ngân sách,vay tín dụng và
vốn tự có của dân.
2.5. Dự án phát triển nuôi đặc sản, nhuyễn
thể
Mục tiêu: Sử dụng hợp lý vùng nước trung và
hạ triều, tăng nguồn thực phẩm tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết công ăn việc
làm và hạn chế khối lượng chất thải từ các khu vực nuôi tôm, cua.
Nội dung: Khoanh nuôi 50 ha tuyến trung và hạ
triều, để nuôi nghêu, sò huyết, vẹm xanh..., sản lượng 100 tấn/năm.
Địa điểm: Sông Ròon, Gianh.
Dự kiến kinh phí: 2 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí: Vốn vay tín dụng ưu đãi và
vốn tự có của dân.
2.6. Dự án đầu tư hạ tầng phát triển các vùng
nuôi thâm canh và bán thâm canh
Mục tiêu: Tận dụng tối đa diện tích mặt nước
nuôi mặn lợ các huyện thành trong tỉnh để phát triển nuôi thủy sản mặn lợ.
Quy mô: Đầu tư 250 ha
Địa điểm: Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh,
Đồng Hới
Tổng mức đầu tư: 15 tỷ đồng, từ ngân sách,
vay tín dụng và tự có của dân.
2.7. Dự án phát triển nuôi thủy đặc sản trên
vùng đất cát ven biển
Mục tiêu: ứng dụng công nghệ nuôi cá mú, cá
chẽm, rô phi, ốc hương, nghêu, vẹm xanh... để phát triển nuôi trên vùng cát ven
biển, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản. Tạo nguồn nguyên liệu cho
chế biến xuất khẩu.
Nội dung: Phát triển 50 ha nuôi trên cát kết
hợp trồng và chăm sóc bảo vệ rừng chống cát bay ven biển. Năng suất 2 tấn/ha.
Sản lượng 100 tấn/năm.
Địa điểm: xã Trung Trạch, Nhân Trạch, Bảo
Ninh, Hải Ninh, Ngư Thuỷ.
Dự kiến kinh phí: 12 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí: Ngân sách, vốn ODA, vay ưu
đãi và vốn tự có trong dân.
2.8. Dự án phát triển nuôi thủy đặc sản nước
ngọt
Mục tiêu: ứng dụng công nghệ nuôi baba,
ếch... để phát triển nuôi ao hồ nước ngọt, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi
thủy sản; giải quyết việc làm, tăng nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.
Nội dung: Phát triển 20 ha nuôi. Dự kiến năng
suất 3 tấn/ha. Sản lượng 60 tấn/năm.
Địa điểm: Các huyện, thành trong tỉnh.
Dự kiến kinh phí: 10 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí: Vốn vay tín dụng và vốn tự có
trong dân.
3. Các dự án phát triển chế biến thủy sản
3.1. Nâng cấp các nhà máy chế biến thủy sản
xuất khẩu:
Mục tiêu: Nâng cao năng lực sản xuất chế biến
hàng thủy sản xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu
của tỉnh.
Nội dung: Đầu tư đổi mới công nghệ, dây
chuyền thiết bị chế biến hàng đông và hàng khô theo công nghệ tiên tiến.
Tổng vốn đầu tư: 20.000 triệu đồng, thực hiện
trong năm 2007 - 2008.
Chủ đầu tư: Nhà máy chế biến thủy sản xuất
khẩu Sông Gianh, Phú Hải và Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Bình.
3.2. Xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Hòn
La
- Công suất dự kiến: 1.000 - 1.200 tấn sản
phẩm/năm
- Sản phẩm chủ yếu: Hàng đông lạnh và hàng
khô (mực, tôm, cá...), sản phẩm chế biến sẵn.
- Địa điểm xây dựng: Khu công nghiệp Hòn la.
- Tổng mức đầu tư: 15 tỷ đồng, hoặc 1 triệu
USD.
- Nguồn vốn: vay, tự có, ngân sách hỗ trợ.
- Chủ đầu tư: Các doanh nghiệp trong và ngoài
nước.
- Dự kiến thực hiện: 2008 - 2009.
4. Các dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ nghề
cá
4.1. Dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão
Sông Gianh
- Địa điểm: trên Sông Gianh.
- Quy mô: cho 800 tàu cá có công suất dưới
300 cv, neo đậu tránh trú bão.
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 25 tỷ đồng.
- Nguồn vốn: Ngân sách chương trình hệ thống
tránh trú bão quốc gia.
- Dự kiến khởi công: 2007 - 2008.
4.2. Dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão
Nhật Lệ
- Địa điểm: trên Sông Nhật Lệ.
- Quy mô tránh trú bão: 600 tàu cá/300cv.
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 15 tỷ đồng.
- Nguồn vốn: Ngân sách chương trình hệ thống
tránh trú bão quốc gia.
- Dự kiến khởi công: 2007 - 2008.
4.3. Dự án xây dựng hệ thống bến cá, chợ cá
- Xây dựng bến cập tàu lên cá gắn với chợ cá,
khu thương mại nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá liên hoàn.
- Địa điểm: Cảnh Dương, Đức Trạch, Quảng
Phúc, Bảo Ninh
- Tổng vốn đầu tư: 30 tỷ đồng.
- Nguồn vốn: ngân sách, nước ngoài, NGO, vốn
vay và đóng góp của dân.
- Thực hiện: 2007 - 2010.
4.4. Dự án xây dựng hệ thống thông tin liên
lạc và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn nghề cá
- Mục tiêu: Hoàn thiện và nâng cao
năng lực hệ thống thông tin liên lạc chuyên ngành và hỗ trợ phương tiện tìm
kiếm cứu hộ cứu nạn nghề cá.
- Nội dung: Trang bị hệ thống máy thông tin
liên lạc tầm xa, hệ thống kiểm soát hoạt động tàu cá; xây dựng các trạm thu
phát theo dõi quản lý tàu cá. Đầu tư phương tiện cho công tác phòng chống bão
lụt và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
- Dự kiến kinh phí: 5 tỷ đồng.
- Nguồn kinh phí: vốn chương trình Biển Đông
Hải đảo, viện trợ.
5. Các dự án tổ chức, đào tạo và quản lý
5.1. Dự án nâng cao năng lực hoạt động khuyến
ngư:
- Mục tiêu: xã hội hóa công tác Khuyến
ngư, làm cầu nối giữa sản xuất và nghiên cứu ứng dụng khoa học, tiến bộ kỹ
thuật.
- Nội dung: Củng cố bộ máy Khuyến ngư cấp
tỉnh, thành lập các Trạm khuyến ngư huyện và mạng lưới khuyến ngư viên cơ sở; bồi
dưỡng kiến thức kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới và xây dựng các
điểm trình diễn phù hợp với tiểu vùng sinh thái và từng giai đoạn phát triển.
- Thực hiện: Trung tâm Khuyến ngư tỉnh; các
huyện, TP và các xã, phường.
- Dự kiến kinh phí: 5 tỷ đồng
- Nguồn kinh phí: vốn ngân sách, dự án DPPR.
5.2. Dự án đào tạo nguồn nhân lực
- Mục tiêu: xây dựng nguồn nhân lực
đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất thủy sản trong thời kỳ mới.
- Nội dung: Đào tạo nghề và đào tạo cán bộ
quản lý, kỹ thuật chuyên ngành thực hiện quản lý Nhà nước, quản lý và chỉ đạo
sản xuất, nghiên cứu khoa học.
- Dự kiến kinh phí: 2 tỷ đồng
- Nguồn kinh phí: vốn ngân sách, nước ngoài.
5.3. Dự án thông tin và truyền thông
- Mục tiêu: Hoàn thiện và nâng cao
năng lực hệ thống thông tin quản lý, kỹ thuật thủy sản. Tuyên truyền, phổ biến
kinh nghiệm sản xuất, quản lý trong lĩnh vực thủy sản.
- Nội dung: Nâng cấp hạ tầng CNTT; ứng dụng
CNTT vào quản lý thủy sản.
+ Xây dựng tờ tin chuyên ngành thủy sản; các
chuyên mục trên đài phát thanh, truyền hình và đăng tải trên báo địa phương.
+ Xây dựng các cụm Panô tuyên truyền ở các
vùng trọng điểm.
+ In tranh cổ động, tờ rơi tuyên truyền.
+ Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật và phổ
biến các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thủy sản cho cán bộ, ngư dân
đến thôn, xã.
- Thực hiện: ngành thủy sản phối hợp các cơ
quan báo chí và truyền hình.
- Dự kiến kinh phí: 2 tỷ đồng.
- Nguồn kinh phí: vốn ngân sách, nước ngoài.