UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
28/2007/QĐ-UBND
|
Cà
Mau, ngày 14 tháng 8 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI
THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003, Luật Bảo vệ môi trường ngày 29
tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban
nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Sở Thuỷ sản tại Tờ trình số 375/TTr-STS ngày 11/7/2007, Công
văn số 411/STS ngày 26/7/2007 về việc ban hành quy định sên, vét đất, bùn cải tạo
ao, đầm nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau (kèm văn bản thẩm định số
477/STP-XD&KTVB ngày 06/7/2007 của Sở Tư pháp),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm
nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2.
Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Thuỷ
sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
triển khai thực hiện Quyết định này; đồng thời theo dõi, tổng hợp tình hình và
báo cáo, đề xuất các vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện về UBND tỉnh.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở: Tài nguyên và Môi trường, Thuỷ sản,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có
liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân thực hiện
hoạt động về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh
Cà Mau căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này thay thế Quyết định
số 80/2004/QĐ-UB ngày 16/12/2004 và Quyết định số 37/2005/QĐ-UB ngày 06/7/2005
của UBND tỉnh Cà Mau về việc ban hành Quy định; điều chỉnh Quy định về sên, vét
đất, bùn cải tạo ao, vuông, đầm nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Quyết định này có hiệu lực sau
10 ngày kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ TP);
- Vụ Pháp chế (Bộ TS);
- Như Điều 3;
- Báo, Đài, Website tỉnh (đăng, phát nội dung);
- LĐVP UBND tỉnh;
- CV các khối;
- Lưu VT. Tr 24/8.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Thành Tươi
|
QUY ĐỊNH
VỀ SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI THUỶ SẢN TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 28 /2007/QĐ-UBND ngày 14 /8/2007 của UBND
tỉnh Cà Mau)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về điều kiện
để được sên, vét đất, bùn; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà
nước trong hoạt động sên, vét đất, bùn; trách nhiệm của tổ chức và cá nhân đối
với hoạt động sên, vét đất, bùn trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
có nhu cầu cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản bằng cơ giới trên địa bàn tỉnh
Cà Mau, phải tuân thủ theo Quy định này và chịu sự kiểm tra, giám sát của các
ngành chức năng; chính quyền cơ sở; các Công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng,
Vườn Quốc gia, nếu đất thuộc lâm phần.
2. Tổ chức, hộ gia đình và cá
nhân cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản bằng phương pháp thủ công không thuộc
phạm vi điều chỉnh của Quy định này, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ
rừng và bảo vệ môi trường chung.
Điều 3. Mục
đích của việc cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản:
Sên, vét đất, bùn nhằm mục đích
xây dựng, cải thiện chất lượng ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản, phòng tránh lây lan
dịch bệnh, đảm bảo điều kiện và hạn chế rủi ro trong sản xuất.
Chương II
ĐIỀU KIỆN VÀ THỜI GIAN
SÊN VÉT ĐẤT, BÙN CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN
Điều 4. Điều
kiện để được sên, vét đất, bùn:
1. Trước khi sên, vét đất, bùn cải
tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải có đơn
xin phép; trong đơn phải báo cáo rõ hiện trạng khu vực chứa đất, bùn và chất thải
khác, cam kết không để đất, bùn và chất thải khác tràn ra sông, rạch. Đơn xin
phép được trưởng ấp, khóm kiểm tra thực tế, nếu đủ điều kiện thì xác nhận chuyển
lên UBND cấp xã hoặc Công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia, nếu đất
thuộc lâm phần, để giải quyết theo thẩm quyền.
Thời gian để trưởng ấp, khóm kiểm
tra thực tế và xác nhận chuyển đơn đến UBND cấp xã hoặc Công ty lâm nghiệp, Ban
Quản lý rừng, Vườn Quốc gia không quá 3 ngày, kể từ ngày nhận đơn. Thời gian để
UBND cấp xã hoặc Công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia giải quyết
đơn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn.
2. Các tổ chức, hộ gia đình và
cá nhân sử dụng phương tiện cơ giới để khoan, bơm đất, bùn với mục đích kinh
doanh phải đăng ký hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Các hộ gia đình nuôi trồng
thuỷ sản sử dụng phương tiện cơ giới của mình để khoan, bơm đất, bùn cải tạo
ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản của gia đình, thì không phải đăng ký hoạt động cho
phương tiện, nhưng phải thực hiện đúng Khoản 1 Điều 4 và Điều 5 của Quy định
này và chịu sự kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở hoặc của Công ty lâm
nghiệp, Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia, nếu đất thuộc lâm phần.
Điều 5. Thời
gian sên, vét đất, bùn:
- Thời gian được phép sên, vét đất,
bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản là từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 01 tháng
08 âm lịch hàng năm.
- Đối với các ao, đầm nuôi thuỷ
sản theo hình thức thâm canh (công nghiệp), tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được
phép cải tạo, làm sạch đáy ao ngoài thời gian quy định trên, nhưng phải đảm bảo
xử lý làm sạch nước thải, chất thải đạt tiêu chuẩn quy định trước khi thải ra
môi trường xung quanh bằng hệ thống xử lý nước thải, chất thải của mình.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN VÀ CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN
Điều 6.
Trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân:
1. Các tổ chức, hộ gia đình và
cá nhân khi có nhu cầu sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản phải
quy hoạch đủ diện tích chứa đất, bùn và các chất thải khác; không đưa chất thải
trực tiếp ra sông, rạch; trước khi sên, vét phải thông báo cho các hộ xung
quanh khu vực có khả năng bị ảnh hưởng biết, để chủ động nguồn nước phục vụ sản
xuất và phòng tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
2. Tổ chức, hộ gia đình và cá
nhân gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại rừng, nguồn lợi thuỷ sản và tài
nguyên khác thì phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và bị xử lý theo quy định
của pháp luật.
Điều 7.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý rừng:
Các Công ty lâm nghiệp, Ban Quản
lý rừng, Vườn Quốc gia tổ chức triển khai Quy định này cho các tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân trong khu vực quản lý của đơn vị; có trách nhiệm giải quyết đơn
xin phép sên, vét đất, bùn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong khu vực quản
lý của đơn vị. Nếu phát hiện hành vi vi phạm thì phải lập biên bản, đình chỉ hoạt
động và thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 8.
Trách nhiệm của UBND cấp xã:
UBND cấp xã có trách nhiệm xem
xét, giải quyết đơn xin phép sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ
sản của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi cho việc
kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng; giám sát, kiểm tra việc sên, vét
đất, bùn trên địa bàn quản lý; lập biên bản, đình chỉ hành vi vi phạm và báo cáo
cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Điều 9.
Trách nhiệm của UBND cấp huyện:
- Chỉ đạo UBND cấp xã hướng dẫn
nhân dân thực hiện tốt Quy định này.
- Kiểm tra việc thực hiện Quy định
này trên địa bàn quản lý.
- Phối hợp với cơ quan chức năng
trong công tác quản lý và xử lý vi phạm về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm
nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn.
Điều 10.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước:
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND
cấp huyện hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đăng ký
kinh doanh theo quy định của pháp luật và theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 của
Quy định này.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Thuỷ sản chỉ đạo Thanh tra chuyên
ngành phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh
tra về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản, kịp thời xử lý
các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 11.
Khen thưởng:
1. Các tổ chức, cá nhân có thành
tích trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Quy
định này được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. UBND huyện, thành phố nào quản
lý tốt việc cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản, thì sẽ được cơ quan có thẩm
quyền xem xét, ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thuỷ lợi hàng năm trên
địa bàn huyện, thành phố đó.
Điều 12. Xử
lý vi phạm:
1. Các tổ chức, cá nhân vi phạm
Quy định này, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2. UBND huyện, thành phố nào quản
lý chưa tốt việc cải tạo ao, đầm nuôi trồng thuỷ sản, thì Chủ tịch UBND, tập thể
UBND huyện, thành phố đó phải kiểm điểm vai trò, trách nhiệm trong công tác quản
lý địa bàn; đồng thời, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cắt giảm ưu tiên đầu tư
xây dựng, cải tạo hệ thống thuỷ lợi hàng năm./.