UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2494/QĐ-UBND
|
Quảng Nam,
ngày 12 tháng 7 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH,
THỂ THAO GIẢI TRÍ TRÊN BIỂN TRONG KHU BẢO TỒN BIỂN CÙ LAO CHÀM, THÀNH PHỐ HỘI
AN, TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa
ngày 15/6/2004; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Giao thông đường thủy nội
địa;
Căn cứ Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày
02/5/2008 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt
Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế;
Căn cứ Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao;
Theo đề nghị của UBND thành phố Hội An tại Tờ
trình số 94/TTr-UBND ngày 14/5/2017; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công
văn số 776/SVHTTDL- NVTDTT ngày 22/6/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và tổ chức
các hoạt động du lịch, thể thao giải trí trên biển trong Khu bảo tồn biển Cù
Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch, Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên
quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Thanh
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH, THỂ THAO GIẢI TRÍ
TRÊN BIỂN TRONG KHU BẢO TỒN BIỂN CÙ LAO CHÀM, THÀNH PHỐ HỘI AN, TỈNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Quyết định số 2494/QĐ-UBND ngày 12/7/2017 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về quản lý và tổ chức các
hoạt động du lịch, thể thao giải trí trên biển được phép tổ chức trong Khu bảo
tồn biển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam; trách nhiệm của các Sở,
ngành và địa phương.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; các
doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước và cộng đồng dân cư ở địa phương có
tham gia các hoạt động du lịch và thể thao giải trí trên biển trong Khu bảo tồn
biển Cù Lao Chàm phải tuân thủ các quy định trong Quy chế này và các quy định
khác của pháp luật có liên quan đến từng lĩnh vực hoạt động.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Khu bảo tồn biển: Bao gồm vùng
biển và phần rừng, đất rừng trên cạn được quyết định thiết lập bởi cơ quan có
thẩm quyền nhằm bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, các giá trị
cảnh quan, văn hóa, lịch sử liên quan và được quản lý bằng các quy định của
pháp luật.
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm gồm 07 đảo: Hòn
Lao, Hòn Cụ, Hòn Khô, Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai và vùng biển xung quanh
các đảo có tọa độ địa lý nằm trong phạm vi: vĩ độ Bắc 15052’30” đến
16000’00”, kinh độ Đông 108024’00” đến 108033’30”.
Tổng diện tích Khu bảo tồn biển: 235 km2 (Quyết định số
88/2005/QĐ-UBND ngày 20/12/2005 của UBND tỉnh Quảng Nam).
2. Hệ sinh thái: Là hệ thống các quần thể
sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương
tác với nhau và với môi trường đó.
3. Đa dạng sinh học: Là sự phong
phú về nguồn gen, về giống, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên.
4. Các hoạt động thể thao giải trí trên
biển: Là các hoạt động du lịch thể thao mang tính giải trí được tổ chức
trên mặt biển; vùng không gian thấp trên mặt biển hoặc/và dưới mặt nước biển
trong Khu bảo tồn biển được chọn lựa phù hợp với tiêu chí bảo tồn thiên nhiên,
bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn.
5. Các thiết bị lặn: Là các trang
thiết bị phục vụ lặn bao gồm máy nén khí; bình khí nén; các loại đồng hồ: đo độ
sâu, đo áp lực, định vị, nhiệt độ, thời gian lặn; quần áo lặn; dây chì lặn;
kính lặn; chân bơi; ống thở và hệ thống van cùng ống dẫn khí và một số thiết bị
liên quan khác.
6. Lặn có bình khí: Là người lặn có sử dụng
các thiết bị bao gồm bình nén khí, quần áo lặn, dây chì lặn, kính lặn, chân
bơi, ống thở, áo cân bằng độ nổi và hệ thống van cùng ống dẫn khí và một số thiết
bị liên quan khác
7. Phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi
là phương tiện): Là tàu, thuyền, ca nô và các cấu trúc nổi khác có động cơ hoặc
không có động cơ chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa.
8. Bến thủy nội địa: Là công trình
độc lập có quy mô nhỏ, gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện neo đậu,
xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức
các hoạt động
Việc tổ chức các hoạt động du lịch, thể thao giải
trí trên biển trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo
tồn thiên nhiên và phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Phù hợp với quy hoạch các phân vùng chức
năng biển của Khu bảo tồn đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Không làm ảnh hưởng đến sự phát triển
bền vững các hệ sinh thái thủy sinh, đời sống tự nhiên của các loài động, thực
vật biển, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm ở biển cũng như ảnh hưởng đến
an ninh, quốc phòng; trật tự, an toàn xã hội và bản sắc văn hóa của cộng đồng
dân cư tại địa phương. Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho du khách.
3. Nguồn thu (thu thuế, phí, lệ phí) từ
các hoạt động du lịch sinh thái biển được sử dụng theo các quy định hiện hành của
nhà nước, trong đó ưu tiên sử dụng cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học và
phát triển Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thành phố Hội An.
4. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá
nhân, cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động quản lý, bảo tồn và đầu tư phát
triển các hoạt động du lịch trong Khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật,
trong đó ưu tiên sự tham gia của cộng đồng địa phương để nâng cao thu nhập cũng
như nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học tại Khu bảo
tồn biển Cù Lao Chàm.
Điều 5. Những hành vi bị
nghiêm cấm theo quy định pháp luật
Theo quy định của Luật Du lịch ngày 14/6/2005;
Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02/5/2008 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản
lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế và các
văn bản pháp luật liên quan, việc tổ chức các hoạt động du lịch và thể thao giải
trí trên biển trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm nghiêm cấm thực hiện các hành
vi sau:
1. Lợi dụng hoạt động du lịch, thể thao
giải trí trên biển xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của
tổ chức, cá nhân, gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng con người, trái với đạo
đức thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa tại địa phương.
2. Xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ
du lịch trong phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt, phân vùng phục hồi sinh thái biển,
kể cả các công trình ngầm dưới đáy biển gây xáo trộn các lớp trầm tích, làm đục
nước ảnh hưởng đến sự sống của các loài thủy sinh (trừ trường hợp đặc biệt được
sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
3. Sử dụng các thiết bị, phương tiện, động
cơ gây tiếng ồn quá mức cho phép; xả thải nước thải, chất thải xuống biển gây ảnh
hưởng, xáo trộn đời sống bình thường của các loài sinh vật biển và gây ô nhiễm
môi trường biển.
4. Các phương tiện giao thông thủy tham
gia du lịch thả neo trên các rạn san hô, thảm cỏ biển.
5. Sử dụng các phương tiện để khai thác,
đánh bắt các loài thủy sinh, các loài san hô, cỏ biển, giẫm đạp lên san hô, cỏ
biển; tổ chức săn, bắt, mua bán, vận chuyển trái phép các loài sinh vật biển, đặc
biệt các loài nằm trong danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm; mang các loại
hóa chất độc hại, chất nổ và có hành vi hủy hoại các rạn san hô, thảm cỏ biển,
các bãi đá ngầm trong Khu bảo tồn biển.
6. Vi phạm các quy định về bảo vệ trật tự,
an toàn xã hội, an ninh quốc phòng trên biển. Vi phạm các quy định về bảo vệ
các danh thắng di tích văn hóa, lịch sử và truyền thống văn hóa của cộng đồng địa
phương.
7. Mang các loài sinh vật ngoại lai, các
thiết bị, máy móc cài đặt dưới đáy biển, các rạn san hô, bãi đá ngầm làm ảnh hưởng
đến cảnh quan, tài nguyên, môi trường biển, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.
8. Khắc, chạm, viết chữ trên các rạn san
hô, đá ngầm dưới đáy biển.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH, THỂ THAO GIẢI TRÍ
TRÊN BIỂN TRONG KHU BẢO TỒN BIỂN CÙ LAO CHÀM
Điều 6. Các loại hình du lịch,
thể thao giải trí trên biển được phép tổ chức trong Khu bảo tồn biển Cù Lao
Chàm:
1. Trong phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt,
phân vùng phục hồi sinh thái biển được: tắm biển; bơi có ống thở không có bình
khí; lặn có bình khí; sử dụng thuyền hoặc thuyền thúng có đáy kính để quan sát
các rạn san hô và các sinh vật biển.
2. Trong vùng phát triển (bao gồm vùng
phát triển du lịch, vùng phát triển cộng đồng, vùng khai thác hợp lý): ngoài
các hoạt động du lịch biển được quy định tại khoản 1 Điều này, được tổ chức các
hoạt động thể thao giải trí trên biển như: lướt ván, thuyền kayak, phao chuối,
câu cá giải trí và các loại hình du lịch, thể thao giải trí khác phù hợp với
quy định nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
Điều 7. Quy định về điều kiện
các doanh nghiệp tổ chức hoạt động du lịch và thể thao giải trí trên biển
Các tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh hoạt
động du lịch, thể thao giải trí trên biển trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phải
đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định của nhà nước, bao gồm:
1. Điều kiện cơ sở vật chất, khu vực tổ
chức
a) Có giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt
động được cơ quan thẩm quyền cấp. Có trụ sở, văn phòng, địa chỉ, bảng hiệu giao
dịch; phương án cứu nạn, cứu hộ theo quy định; có khu vực tập kết trang thiết bị,
khu vực neo, đậu các phương tiện vận chuyển thủy và trên bộ.
b) Khu vực lặn biển phải có đầy đủ hệ thống phao
tiêu, biển báo được định vị phù hợp với quy hoạch phân vùng của Khu bảo tồn biển.
Phao tiêu, biển báo phải có màu sắc tương phản với màu nước và cảnh quan môi
trường để dễ dàng quan sát.
c) Có sổ theo dõi người tham gia lặn biển, thể
thao giải trí trên biển bao gồm các nội dung: họ và tên người tham gia, số chứng
minh nhân dân, tình trạng sức khỏe, địa chỉ và số điện thoại liên hệ khi cần
thiết.
d) Có bản nội quy treo ở nơi dễ quan sát, hướng
dẫn đảm bảo an toàn cho người tham gia, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, các
hành vi bị nghiêm cấm. Có nhà vệ sinh, phòng thay đồ, gửi đồ, nhà tắm.
e) Các phương tiện thủy khi đưa vào hoạt động
kinh doanh phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường theo quy định của Luật
Giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ
a) Trang bị bảo hộ cá nhân dành cho khách lặn gồm:
bình nén khí, đồng hồ định vị, đồng hồ đo áp lực, đồng hồ đo độ sâu, nhiệt độ,
đồng hồ đo thời gian lặn, quần áo lặn, thắt lưng chì, chân vịt, kính lặn, ống
thở, hệ thống van, đường ống dẫn khí đến miệng thở và một số trang thiết bị
khác.
b) Phao cứu sinh, dụng cụ và túi thuốc sơ cấp cứu
ban đầu, bình ô xy.
c) Các trang thiết bị kỹ thuật lặn biển phải đảm
bảo an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật
3. Quy định điều kiện về nhân viên chuyên
môn
a) Đối với huấn luyện viên:
- Phải có giấy chứng nhận chuyên môn lặn biển do
Tổng cục Thể dục thể thao hoặc Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam hoặc tổ chức
lặn biển thể thao giải trí nước ngoài cấp được hợp thức hóa Lãnh sự của Bộ Ngoại
giao và được Tổng cục Thể dục thể thao công nhận;
- Có 02 năm liên tục làm hướng dẫn viên lặn biển
giải trí được cơ sở tổ chức lặn biển thể thao giải trí xác nhận.
b) Đối với hướng dẫn viên phải có chuyên môn lặn
biển thể thao được Tổng cục Thể dục thể thao hoặc Hiệp hội thể thao dưới nước
Việt Nam chứng nhận.
c) Có nhân viên y tế trình độ chuyên môn từ
trung cấp trở lên.
d) Người điều khiển phương tiện thủy và vận hành
máy thủy phục vụ lặn biển phải có bằng lái, chứng nhận chuyên môn theo quy định
của pháp luật.
Điều 8. Điều kiện về thông
tin liên lạc, bảo đảm an toàn khi tổ chức lặn biển
1. Phải có hệ thống thông tin liên lạc đảm
bảo kết nối liên tục với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND xã Tân
Hiệp và Trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại địa phương.
2. Khi tổ chức hoạt động lặn biển, thể
thao giải trí trên biển, cơ sở tổ chức phải có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn người tham gia sử dụng bình khí,
các thiết bị lặn và phao cứu sinh trước khi cho khách tham gia hoạt động.
b) Mua bảo hiểm thân thể cho người tham gia hoạt
động.
c) Xem xét tình trạng sức khỏe của người tham
gia.
d) Bố trí mỗi huấn luyện viên hướng dẫn lặn
không quá 02 người trong một lần lặn; mỗi hướng dẫn viên hướng dẫn lặn không
quá 01 người trong một lần lặn.
e) Khi có người lặn dưới biển, tàu phải treo cờ
hiệu để báo hiệu đảm bảo an toàn cho người lặn. Cờ hiệu hình đuôi én, một nữa
có màu trắng, một nữa có màu xanh;
f) Không để người bị bệnh về tim mạch, huyết áp,
bệnh về đường hô hấp, những người uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích tham
gia lặn biển.
3. Người tham gia hoạt động lặn biển có
trách nhiệm khai báo tình trạng sức khỏe theo quy định của cơ sở tổ chức lặn biển
và chịu trách nhiệm về khai báo của mình.
Điều 9. Quy định về thời
gian hoạt động du lịch trên biển
1. Thời gian hoạt động trong điều kiện thời
tiết bình thường:
- Từ ngày 01/3 đến ngày 30/9: bắt đầu từ 6h00 đến
17h00 hàng ngày.
- Từ ngày 01/10 đến ngày 28/02: bắt đầu từ 7h00
đến 15h00 hàng ngày.
Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm xây dựng
nội quy quy định về thời gian hoạt động du lịch bơi, lặn và thể thao trên biển
phù hợp cho từng phân vùng chức năng đã được quy hoạch.
2. Các cơ sở kinh doanh các hoạt động du
lịch, thể thao giải trí trên biển tuyệt đối không được tổ chức cho du khách
tham gia hoạt động vào những khu vực và thời gian cấm hoạt động của các cơ quan
chức năng có thẩm quyền.
Điều 10. Quy định việc cấp
các loại giấy phép, giấy chứng nhận
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hội An trong việc cấp các loại
giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh hoạt động thể thao cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và các cơ sở khác
có nhu cầu tham gia đầu tư, kinh doanh các hoạt động lặn biển, thể thao giải
trí trên biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm theo quy định của nhà nước.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
Điều 11. Trách nhiệm của
các cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND
thành phố Hội An trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên biển, thực hiện nhiệm vụ
quy hoạch các phân vùng chức năng biển để kết hợp bảo tồn và phát triển các loại
hình du lịch trong Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm theo các quy định tại quy chế
này; nghiên cứu, hướng dẫn địa phương triển khai mô hình nuôi thủy sản lồng bè,
nuôi trồng san hô để cung cấp nguồn thực phẩm và dịch vụ du lịch tại Cù Lao
Chàm; thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ tài
nguyên, đa dạng sinh học biển trong quá trình tổ chức các hoạt động du lịch
trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì,
phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với thành phố Hội An
trong việc bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, bảo vệ đa dạng sinh học, xử lý
rác thải, nước thải trong quá trình thực hiện các hoạt động du lịch trong Khu bảo
tồn biển Cù Lao Chàm theo quy định tại quy chế này, phù hợp với mục tiêu quy hoạch
tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; thực hiện chức năng kiểm
tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình tổ chức các hoạt
động du lịch trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tuân thủ theo các quy định của
pháp luật.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ
trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND thành phố
Hội An trong việc tổ chức tốt các hoạt động du lịch, thể thao giải trí trên biển
trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm theo các quy định tại quy chế này và các quy
định của pháp luật hiện hành có liên quan đến từng lĩnh vực; phối hợp thẩm định
cấp giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện, thực hiện chức năng kiểm tra, giám
sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, thể thao giải trí trong Khu bảo tồn
biển Cù Lao Chàm tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
4. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp
với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND thành phố Hội An trong
việc thực hiện các quy hoạch về giao thông, phân cấp quản lý giao thông thủy nội
địa, công bố tuyến, luồng, bến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hoạt động
du lịch trên biển tại Cù Lao Chàm đạt hiệu quả theo các quy định tại quy chế
này; thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động giao thông trên biển
tại Cù Lao Chàm tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
5. Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Sở,
ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND thành phố Hội An trong việc chỉ đạo,
kiểm tra, giám sát các hoạt động về bảo vệ sức khỏe, sơ cứu, cấp cứu, quản lý bệnh
nghề nghiệp, công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm trong quá trình tổ chức các hoạt
động du lịch, thể thao giải trí tại Cù Lao Chàm.
6. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính
chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, phối hợp với UBND
thành phố Hội An trong việc thực hiện các nội dung:
a) Cấp giấy phép đầu tư các dự án phát triển du
lịch tại Cù Lao Chàm.
b) Cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư cho các hạng
mục quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
c) Vận động các thành phần kinh tế, các tổ chức
quốc tế tài trợ công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học Khu bảo tồn biển
Cù Lao Chàm.
d) Thực hiện các chế độ, nghĩa vụ về thu nộp
ngân sách, phí và lệ phí theo quy định của nhà nước.
7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ
Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh hướng dẫn UBND thành phố Hội An trong việc
quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo; trật tự an toàn xã hội…; chỉ đạo
các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của thành phố
Hội An thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các hành vi
xâm phạm lợi ích, tài nguyên rừng, tài nguyên biển, môi trường, trật tự an toàn
xã hội; tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trong quá trình tổ chức các hoạt động
du lịch, thể thao giải trí trên biển tại vùng biển Cù Lao Chàm.
8. UBND thành phố Hội An chỉ đạo Ban quản
lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện
các nội dung:
a) Xây dựng Phương án quy hoạch hoặc điều chỉnh
quy hoạch các phân vùng chức năng biển, quy hoạch các tuyến du lịch, điểm du lịch
để tổ chức các hoạt động bơi, lặn biển, thể thao giải trí trên biển theo các
quy định tại quy chế này phù hợp với quy định của nhà nước và tình hình thực tế
tại địa phương.
b) Xây dựng các nội quy, hướng dẫn cho từng loại
hình du lịch tắm biển, bơi, lặn và thể thao giải trí trên biển để tuyên truyền,
thông báo cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, du khách biết thực hiện khi
tham gia các hoạt động du lịch tại Khu bảo tồn biển
c) Tham mưu, đề xuất ý kiến về chuyên môn trong
công tác tổ chức, quản lý và kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các loại
hình du lịch và thể thao giải trí trên biển trong Khu bảo tồn biển.
d) Phối hợp và hướng dẫn các doanh nghiệp kết hợp
với cộng đồng dân cư tại xã Tân Hiệp trong việc hợp tác đầu tư, xây dựng và
phát triển các mô hình du lịch cộng đồng để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch,
mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân trên đảo, nâng cao nhận thức về bảo vệ
tài nguyên, môi trường cho cộng đồng địa phương.
e) Tổ chức và hướng dẫn các doanh nghiệp tham
gia cam kết bảo tồn tài nguyên, môi trường trong quá trình tổ chức các hoạt động
du lịch.
f) Tăng cường công tác quản lý, tuần tra bảo vệ
tài nguyên biển; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động du lịch, thể thao
giải trí trên biển; xử lý hoặc đề xuất các cơ quan thẩm quyền xử lý nghiêm các
hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường biển trong quá trình
hoạt động du lịch, thể thao giải trí trên biển được tổ chức trong khu bảo tồn
biển.
g) Xây dựng phương án phối hợp liên ngành với
các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hội An và UBND xã Tân Hiệp để tổ chức
thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá các hoạt động du lịch, thể thao
giải trí trên biển theo quy định tại quy chế này.
h) Tổ chức tốt nhiệm vụ thu phí, lệ phí, các chế
độ tài chính và thực hiện nghĩa vụ ngân sách theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Quyền lợi và trách
nhiệm của các doanh nghiệp và du khách khi tham gia các hoạt động du lịch, thể
thao giải trí trên biển trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
1. Quyền lợi:
a) Được nhà nước bảo hộ hoạt động kinh doanh,
tham quan du lịch hợp pháp tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
b) Được cung cấp các thông tin cần thiết trong
lĩnh vực hoạt động du lịch, thể thao giải trí trên biển khi có yêu cầu.
c) Được tham gia hội nghị, hội thảo chuyên đề về
phát triển du lịch tại địa phương do cơ quan chức năng tổ chức.
d) Được tham gia các hoạt động truyền thông về
môi trường, các khóa tập huấn chuyên môn về hướng dẫn viên du lịch sinh thái,
du lịch cộng đồng và kiến thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học do cơ
quan chức năng tổ chức.
e) Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của
pháp luật.
2. Trách nhiệm:
a) Tổ chức các hoạt động bơi, lặn biển, thể thao
giải trí trên biển đúng khu vực/địa điểm đã được quy hoạch. Phối hợp, hợp tác
chặt chẽ với Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (gọi tắt là Ban quản lý)
trong quá trình tổ chức các hoạt động và chấp hành các quy định của pháp luật
và nội quy, hướng dẫn của Ban quản lý.
b) Tổ chức, hướng dẫn cho nhân viên và du khách
thực hiện nghiêm túc các quy định tại Điều 5 của Quy chế này.
c) Thực hiện cam kết trách nhiệm với Ban quản lý
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trong việc bảo tồn tài nguyên, môi trường, góp phần
đóng góp xây dựng và phát triển khu bảo tồn.
d) Tạo điều kiện, hợp tác với cộng đồng dân cư tại
xã đảo Tân Hiệp trong đầu tư và phát triển các mô hình du lịch cộng đồng để
nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch phục vụ du khách; ưu tiên tuyển dụng lao động
là người dân địa phương vào làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch thể thao và
giải trí trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
e) Các phương tiện thủy tham gia hoạt động bơi,
lặn, thể thao trên biển phải thực hiện các chế độ xuất, nhập bến theo quy định,
đảm bảo hoạt động trong vùng, luồng, tuyến, bến đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền cho phép.
f) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính như đăng
ký kê khai thuế, phí, lệ phí cũng như các chế độ kế toán, nghĩa vụ về tài chính
với các cơ quan tài chính tại địa phương theo quy định của nhà nước.
Điều 13. Khen thưởng, xử lý
vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích bảo
vệ tài nguyên, môi trường biển; phát hiện, khắc phục sự cố môi trường; thực hiện
tốt các quy định trong quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định của nhà nước
2. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm
các quy định tại quy chế này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây
ra sẽ bị xử lý, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp
luật.
Điều 14. Tổ chức thực hiện
Giao UBND thành phố Hội An chủ trì, phối hợp các
Sở, Ban ngành liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này. Trong quá trình triển
khai thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc có những văn bản quy phạm pháp luật mới
liên quan đến nội dung của Quy chế này thì các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản
ánh kịp thời bằng văn bản về UBND thành phố Hội An để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh
xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp./.