ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/QĐ-UBND
|
Bình
Định, ngày 03 tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI XANH
TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2024 - 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Quyết định số 3991/QĐ-UBND
ngày 18 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ
đạo chuyển đổi xanh tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2030;
Căn cứ Quyết định số 4224/QĐ-UBND
ngày 07 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Tổ công
tác thực hiện Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2030;
Căn cứ Biên bản ghi nhớ hợp tác về
thúc đẩy chuyển đổi xanh trên địa bàn tỉnh Bình Định giữa Ủy ban nhân dân tỉnh
Bình Định và Trường Đại học VinUni ký kết vào ngày 10 tháng 12 năm 2024;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế
hoạch xây dựng Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2030.
Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tự Công Hoàng
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI XANH TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2024
- 2030
(Kèm theo Quyết định
số 24/QĐ-UBND ngày 03/01/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW,
ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó
với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chiến
lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo
Quyết định số 1658/QĐTTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số
2748/QĐ-UBND ngày 24/7/2023 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch
hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bình Định, giai đoạn 2023 - 2030; UBND tỉnh Bình
Định ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Bình Định giai đoạn
2024 - 2030 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hóa các định hướng, chiến
lược quốc gia về tăng trưởng xanh, quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm đưa Bình Định trở thành một trong những địa
phương đi đầu trong cả nước về phát triển xanh và bền vững, đạt mục tiêu phát
thải ròng bằng 0 trước năm 2050.
- Xác định các chỉ tiêu tăng trưởng
xanh cụ thể và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong các ngành kinh tế trọng
điểm, để đưa tỉnh trở thành điểm đến xanh hấp dẫn hàng đầu châu Á dựa trên nền
tảng công nghiệp công nghệ cao; du lịch bền vững; dịch vụ cảng và logistics;
nông, lâm nghiệp và thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng đô thị và giao
thông thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.
- Tạo sự đồng thuận và thống nhất
cao trong nhận thức và hành động giữa các cấp, các ngành, các địa phương và
người dân trên địa bàn toàn tỉnh, với quyết tâm xây dựng và phát triển một Bình
Định xanh, bền vững.
2. Yêu cầu
Yêu cầu đối với Đề án chuyển đổi
xanh và phát triển bền vững của tỉnh phải đảm bảo tính tiên phong, khả thi, phù
hợp với các mục tiêu quốc gia và chiến lược phát triển của tỉnh, đồng thời đảm
bảo sự tham gia của toàn xã hội và sự đóng góp của các bên liên quan trong việc
thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, cụ thể là:
- Thứ nhất, Đề án cần có định hướng
chiến lược và tầm nhìn dài hạn: Xác định rõ các mục tiêu và định hướng chuyển đổi xanh cho
tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm các
mục tiêu về giảm thiểu phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường
và phát triển kinh tế bền vững.
- Thứ hai, Đề án cần kế thừa và phát
huy các kết quả đã đạt được: Đề án cần kế thừa, chọn lọc và phát huy những kết quả tích
cực trong công tác hành động tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu,
giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà tỉnh đã đạt được trong những năm qua. Đồng
thời, Đề án cần liên kết chặt chẽ với các chương trình, quy hoạch, kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống chính sách của tỉnh trong giai đoạn
2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
- Thứ ba, cần đảm bảo tính tiên
phong đồng thời tuân thủ các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển quốc gia,
địa phương: Một
mặt, Đề án cần phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, các chương trình,
quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và tỉnh Bình Định
giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, đồng thời tuân thủ quy định pháp lý
hiện hành để đảm bảo tính hợp pháp và khả thi. Mặt khác, Đề án cần có tính tiên
phong, dẫn dắt và đi đầu thông qua việc ban hành những chính sách đột phá trong
các lĩnh vực trọng tâm.
- Thứ tư, Đề án xác định con người
là trung tâm của quá trình chuyển đổi xanh: cần đảm bảo lấy con người làm trung tâm, giảm thiểu
sự dễ tổn thương của cộng đồng trước biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống có
trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Đồng thời, Đề án phải định hướng thế hệ
tương lai về lối sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với
thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
- Thứ năm, chuyển đổi xanh cần tích
hợp với chuyển đổi số, có định hướng đầu tư vào công nghệ và hạ tầng thông
minh: Đề án cần
định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, và phát triển kết cấu
hạ tầng thông minh và bền vững. Cần tạo động lực để thu hút đầu tư tư nhân vào
nền kinh tế xanh, qua đó phát triển các ngành công nghiệp xanh, thúc đẩy sáng
tạo và phát triển bền vững.
- Thứ sáu, Đề án cần xây dựng các
mục tiêu và giải pháp thực tế, khả thi: Các mục tiêu và giải pháp của đề án cần được xây dựng trên
cơ sở thực tiễn và nghiên cứu khoa học, sử dụng các phương pháp tính toán định
lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo tính khả thi và phù hợp với
điều kiện thực tế của Việt Nam và tỉnh Bình Định. Đề án cũng cần đảm bảo phân
công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị liên quan.
II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN
Đề nghị Ban Chỉ đạo chuyển đổi xanh
tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2030 chỉ đạo Tổ công tác thực hiện Đề án chuyển
đổi xanh tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2030 triển khai xây dựng nội dung của
Đề án theo các mục đích, yêu cầu của Kế hoạch này, trình UBND tỉnh xem xét, phê
duyệt.
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Tháng 12/2024: Thành lập Ban Chỉ
đạo và Tổ công tác thực hiện Đề án, phê duyệt Kế hoạch xây dựng Đề án, ký kết
Biên bản ghi nhớ với Trường Đại học VinUni.
- Tháng 01/2025: Thống nhất kiến
trúc chuyển đổi xanh tỉnh Bình Định cùng đề cương tổng thể của Đề án.
- Tháng 02/2025: Tổ công tác phối
hợp với Tư vấn thống nhất đề cương chi tiết cho từng lĩnh vực ưu tiên, xây dựng
bộ tiêu chí tăng trưởng xanh tỉnh Bình Định, tổ chức thu thập dữ liệu thực
trạng.
- Tháng 03/2025: Tổ công tác phối
hợp với Tư vấn thống nhất bộ tiêu chí tăng trưởng xanh tỉnh Bình Định, hoàn
thành đánh giá thực trạng chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và xác định mục
tiêu tăng trưởng xanh cụ thể theo từng chỉ tiêu cho 06 lĩnh vực ưu tiên.
- Tháng 04/2025: Tổ công tác phối
hợp với Tư vấn hoàn thành dự thảo Đề án, bao gồm giải pháp, danh mục dự án đầu
tư và kế hoạch hành động trình Ban chỉ đạo.
- Tháng 05/2025: Tỉnh lấy ý kiến của
các đơn vị liên quan và ý kiến cộng đồng, Tổ công tác phối hợp với Tư vấn hoàn
thiện Đề án theo góp ý.
- Tháng 06/2025: UBND tỉnh phê duyệt
đề án.
- Tháng 07/2025: Triển khai thực
hiện đề án.
- Năm 2026: Sơ kết, đánh giá rút
kinh nghiệm việc triển khai Đề án, đề ra nội dung cụ thể cho giai đoạn 2027 -
2030.
- Năm 2030: Tổng kết việc thực hiện
Đề án.
IV. KINH PHÍ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Kinh phí xây dựng Đề án, gồm: Kinh
phí thuê tư vấn, chuyên gia xây dựng Đề án, kinh phí tổ chức khảo sát, hội
thảo, tọa đàm, kinh phí tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ và kinh phí thẩm
định, phê duyệt Đề án... Dự kiến tổng 40 tỷ đồng, cụ thể:
- Kinh phí đối ứng của tỉnh Bình
Định: 10 tỷ đồng (chi theo tình hình thực tế). Đối với các phần việc do UBND
tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm
vụ được giao sẽ không được chi trả, nhưng sẽ quy đổi thành tiền để tính vào
kinh phí đối ứng.
- Kinh phí từ nguồn xã hội hóa: 30
tỷ đồng; bao gồm nguồn tài trợ từ Tập đoàn Vingroup, các nguồn xã hội hóa hợp
pháp khác do Tập đoàn Vingroup và UBND tỉnh Bình Định cùng huy động.
Tổng kinh phí có thể thay đổi theo
phạm vi tư vấn.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị,
địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, phối hợp trao đổi, phản hồi, cung cấp
thông tin, tài liệu theo đề nghị của Ban Chỉ đạo và Tổ công tác tác thực hiện
Đề án chuyển đổi xanh tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 - 2030 để hoàn thành tốt
việc xây dựng Đề án.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp kết quả thực hiện, báo
cáo theo quy định.
3. Trong quá trình triển khai thực
hiện Kế hoạch này nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các sở, ban, ngành, địa
phương kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư) để
hướng dẫn, thống nhất thực hiện./.