ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/2018/QĐ-UBND
|
Sóc Trăng, ngày
16 tháng 10 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI LĨNH VỰC CHĂN NUÔI GIA SÚC,
GIA CẦM VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm
2012;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6
năm 2014;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng
11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài
nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng
02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi
trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng
02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ
môi trường;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng
4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng
11 năm 2016 của Chính phủ quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải;
Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15
tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn, trại chăn nuôi gia cầm an
toàn sinh học;
Căn cứ Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29
tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản;
Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTNMT ngày 28
tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định đề án bảo vệ
môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản;
Căn cứ Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29
tháng 5 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường
chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30
tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải
nguy hại;
Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT ngày 29
tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường tỉnh Sóc Trăng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bảo vệ môi trường
đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn
tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 10
năm 2018 và thay thế Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Quy định về bảo vệ môi trường đối
với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh
Sóc Trăng.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên
và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường,
thị trấn, tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan căn
cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Sở Tư pháp;
- Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- HTĐT: [email protected];
- Lưu: VT, KT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Hiểu
|
QUY ĐỊNH
VỀ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI LĨNH VỰC CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM VÀ NUÔI TRỒNG THỦY
SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 24/2018/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2018
của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định về bảo vệ môi trường và
trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi
gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh
Sóc Trăng và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động
liên quan đến chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh
Sóc Trăng.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 3. Những quy định chung
1. Vị trí, địa điểm thực hiện hoạt động chăn nuôi
gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử
dụng đất; quy hoạch chăn nuôi và nuôi trồng của địa phương. Trường hợp chưa có
quy hoạch thì phải được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2. Các dự án chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phải
lập thủ tục về môi trường, trình cơ quan chức năng phê duyệt, xác nhận theo quy
định tại Điều 4 Quy định này.
3. Tùy theo điều kiện, quy mô của dự án chăn nuôi
và nuôi trồng thủy sản, chủ cơ sở được lựa chọn biện pháp xử lý, hệ thống xử lý
chất thải phù hợp nhưng phải đảm bảo các loại chất thải được xử lý triệt để và
đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi thải ra môi trường.
Không được xả chất thải trực tiếp, chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm
môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân.
4. Nước thải chăn nuôi sau khi xử lý, thải ra môi
trường phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường QCVN 62-MT:2016/BTNMT
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi. Riêng cơ sở chăn nuôi có
tổng lượng nước thải nhỏ hơn 02 m3/ngày phải có hệ thống thu gom và
hệ thống lắng, ủ nước thải hợp vệ sinh; Cơ sở chăn nuôi có tổng lượng nước thải
từ 02 m3/ngày đến dưới 05 m3/ngày phải có hệ thống thu
gom và hệ thống xử lý chất thải đủ công suất như biogas (hệ thống khí sinh học)
hoặc đệm lót sinh học phù hợp tiêu chuẩn quốc gia.
5. Trong hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng có phát
sinh chất thải nguy hại, chủ cơ sở có trách nhiệm: Đăng ký chủ nguồn thải chất
thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường; Có biện pháp giảm thiểu phát
sinh chất thải nguy hại; Bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại; Lưu giữ chất
thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Trường hợp gia súc, gia cầm xảy ra dịch bệnh phải thực hiện xử lý theo quy định
của chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh; Trường hợp xảy ra dịch bệnh trên
thủy sản, sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy phải khử trùng nước trong ao, tẩy
trùng, sát khuẩn, xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền
bệnh trong ao.
6. Đối với bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải
Trường hợp bùn thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng
chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Trường hợp bùn thải sau hệ thống xử lý không có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất
thải nguy hại thì được xử lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp
thông thường.
Điều 4. Lập báo cáo đánh giá
tác động môi trường và đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường
1. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
a) Phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi
trường đối với: Dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng
trại từ 1.000m2 trở lên; Dự án xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản có
diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên, các dự án nuôi quảng canh từ 50 ha trở
lên.
b) Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi
trường được quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Hồ sơ đề nghị
thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại
Điều 6 và Điều 9 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 của Bộ
Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động
môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường theo các biểu mẫu tương ứng quy định tại
các Phụ lục 2.2 và 2.3 Thông tư này.
c) Hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo
đánh giá tác động môi trường nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở
Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, tổ chức thẩm định và trình cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
2. Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường
a) Phải thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường
đối với: Dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại
từ 50 m2 đến dưới 1.000m2; dự án xây dựng cơ sở nuôi trồng
thủy sản có diện tích mặt nước từ 0,5 ha đến dưới 10 ha, các dự án nuôi quảng
canh từ 0,5 ha đến dưới 50 ha.
b) Nội dung kế hoạch bảo vệ môi trường được quy định
tại Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi
trường được quy định tại Điều 33 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 5
năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo các biểu mẫu tương ứng quy định tại
các Phụ lục 5.4, 5.5 và 5.6 Thông tư này.
c) Hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường nộp tại
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố để xác nhận theo quy định. Trường hợp dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia
súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tọa lạc trên địa bàn từ 02 huyện trở lên
(theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014) thì
nộp hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết
quả của Sở Tài nguyên và Môi trường để được xác nhận theo quy định.
3. Không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
và đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường đối với: Các dự án chăn nuôi gia súc, gia
cầm với quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50m2; nuôi trồng thủy sản quy mô
diện tích nhỏ hơn 0,5 ha mặt nước. Tuy nhiên, chủ dự án phải thực hiện thu gom,
xử lý chất thải đảm bảo theo quy định chung về bảo vệ môi trường tại Điều 3 Quy
định này và các yêu cầu khác của Luật Bảo vệ môi trường.
Điều 5. Trách nhiệm bảo vệ môi
trường của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi gia súc,
gia cầm và nuôi trồng thủy sản
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, giống
vật nuôi, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và
nuôi trồng.
2. Khi có nhu cầu thay đổi quy mô trong hoạt động
chăn nuôi và nuôi trồng có ảnh hưởng đến môi trường, chủ dự án có trách nhiệm
báo cáo với cơ quan nhà nước quản lý về bảo vệ môi trường theo quy định và chỉ
được thực hiện những thay đổi khi có sự chấp thuận của cơ quan chức năng.
3. Đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, vệ
sinh thú y, tiêu độc khử trùng theo định kỳ và sau mỗi đợt nuôi.
4. Phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường
trong hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng; khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động
chăn nuôi và nuôi trồng gây ra.
5. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gây ô nhiễm, sự cố
và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại và thực hiện các trách
nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
6. Nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công
nghiệp theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2016
của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
7. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để xử lý chất thải trong chăn
nuôi và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường.
8. Các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng
thủy sản phải thực hiện đúng các quy định về tài nguyên nước theo quy định tại
Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Chương III
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG
CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM QUY MÔ TRANG TRẠI VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN THÂM CANH,
BÁN THÂM CANH
Điều 6. Bảo vệ môi trường trong
chăn nuôi gia súc quy mô trang trại
1. Trang trại phải xây dựng cách trường học, bệnh
viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông
chính, nguồn nước mặt tối thiểu là 100 m; Cách nhà máy chế biến, giết mổ lợn,
chợ buôn bán tối thiểu là 01 km. Đồng thời, trang trại chăn nuôi phải có tường
hoặc hàng rào bao quanh.
2. Nền chuồng đảm bảo không trơn trượt và phải có
rãnh thoát nước đối với chuồng sàn, có độ dốc từ 03% - 05% đối với chuồng nền.
Đường thoát nước thải từ chuồng nuôi đến khu xử lý chất thải phải kín, đảm bảo
dễ thoát nước và không trùng với đường thoát nước khác.
3. Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và xử
lý bằng nhiệt, hóa chất hoặc bằng chế phẩm sinh học phù hợp. Chất thải rắn trước
khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định
pháp luật thú y hiện hành.
4. Các chất thải lỏng phải được dẫn trực tiếp từ
các chuồng nuôi đến khu xử lý bằng đường thoát riêng. Chất thải lỏng phải được
xử lý bằng hóa chất hoặc bằng phương pháp xử lý sinh học phù hợp (như: Hầm ủ,
túi ủ biogas, ao sinh học).
Điều 7. Bảo vệ môi trường trong
chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại
1. Trang trại phải xây dựng cách bệnh viện, trường
học, chợ, công sở, khu dân cư đông người và đường giao thông liên tỉnh, liên
huyện tối thiểu là 100 m. Trại chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh.
2. Khu xử lý chất thải phải đáp ứng các điều kiện
như sau:
a) Có đủ diện tích và điều kiện để xử lý chất thải
rắn, nước thải và gia cầm chết.
b) Khu xử lý chất thải phải đặt ở cuối trại chăn
nuôi và ở địa thế thấp nhất của trại.
c) Có nhà ủ phân, nền được làm bằng nguyên vật liệu
chắc chắn, được chia thành các ô; phân gia cầm được thu gom chuyển về nhà chứa;
phân được đánh đống ủ theo phương pháp nhiệt sinh học hoặc phương pháp tiêu độc,
khử trùng trước khi sử dụng vào mục đích khác.
d) Rãnh thu gom nước thải chăn nuôi (nếu có): Độ dốc
rãnh thu gom nước thải chăn nuôi từ khoảng 03% - 05% và phải có nắp đậy (kín hoặc
để hở).
đ) Lò thiêu xác gia cầm hoặc hầm tiêu hủy gia cầm
trong khu xử lý chất thải phải cách giếng nước, nguồn nước mặt và chuồng nuôi tối
thiểu là 20 m.
e) Tổng diện tích và cơ cấu diện tích giữa các khu
phải phù hợp với công suất thiết kế của cơ sở, tránh tình trạng quá tải, dễ gây
nhiễm bẩn và khó khăn trong quá trình sản xuất, làm sạch và kiểm tra.
3. Chất thải rắn phải được xử lý các mầm bệnh trước
khi sử dụng vào mục đích khác.
Điều 8. Bảo vệ môi trường đối với
cơ sở nuôi trồng thủy sản thâm canh và bán thâm canh
1. Nước thải của cơ sở nuôi trồng thủy sản chỉ được
xả ra môi trường xung quanh khi bảo đảm giá trị của các thông số quy định tại Bảng
2 - Phụ lục 1 QCVN 02-19:2014/BNNPTNT, Bảng 2 - Phụ lục 1 QCVN
02-20:2014/BNNPTNT và QCVN 40:2011/BTNMT - cột B quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
nước thải công nghiệp.
2. Rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm
sử dụng trong cơ sở nuôi trồng thủy sản phải cho vào thùng chứa có nắp đậy và
thuê đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý đúng quy định. Trường hợp
không có đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý thì cơ sở nuôi trồng thủy sản tự xử
lý nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường.
3. Đối với các ao nuôi thủy sản bị bệnh: Sau khi
thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản bị bệnh phải tiến hành khử trùng nước trong
ao; Tẩy trùng, sát khuẩn, xử lý nền đáy; Diệt giáp xác và vật chủ trung gian
truyền bệnh trong ao.
Chương IV
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO
VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Điều 9. Trách nhiệm của các sở,
ngành tỉnh
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về các chủ
trương, giải pháp về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia
cầm và nuôi trồng thủy sản.
b) Tổ chức thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận hoàn thành các công
trình xử lý môi trường, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, xác nhận kế hoạch bảo vệ
môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm
và nuôi trồng thủy sản theo quy định.
c) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các văn
bản pháp luật về bảo vệ môi trường đối với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm
và nuôi trồng thủy sản.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định
các dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, đảm
bảo phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng
thủy sản của tỉnh.
b) Tổ chức nghiên cứu, triển khai ứng dụng mô hình
chăn nuôi gia súc, gia cầm, an toàn sinh học và nuôi trồng thủy sản bền vững
theo điều kiện cụ thể của địa phương.
c) Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố và các sở, ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc các địa phương, tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân thực hiện Quy định này.
3. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tuyên
truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân; Tổ chức tập
huấn, hướng dẫn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống
dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và lây nhiễm qua người đối
với các cơ sở chăn nuôi và cộng đồng dân cư.
4. Các sở, ngành có liên quan: Trong phạm vi chức
năng, nhiệm vụ và quyền hạn, có trách nhiệm triển khai thực hiện và phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc
triển khai thực hiện Quy định này.
Điều 10. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có
trách nhiệm
a) Tổ chức thực hiện các văn bản, quy định pháp luật
về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng
thủy sản tại địa phương.
b) Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi
trường cũng như các quy định của pháp luật trong hoạt động chăn nuôi gia súc,
gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
c) Tổ chức đăng ký, xác nhận và chỉ đạo cơ quan chức
năng kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường
thuộc thẩm quyền theo quy định.
d) Phối hợp cùng các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện
các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia
súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh,
vệ sinh thú y và các nội dung khác có liên quan.
đ) Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện hoặc giữa
huyện với thị xã, thành phố.
2. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật
về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy
sản và các văn bản khác có liên quan trên địa bàn quản lý.
b) Tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo
vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
c) Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực
hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm
và nuôi trồng thủy sản; công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú
y và các nội dung khác có liên quan.
d) Tổ chức đăng ký, xác nhận đề án bảo vệ môi trường
đơn giản, Kế hoạch bảo vệ môi trường khi được Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối
hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai và hướng dẫn Quy định này
đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm và
nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động chăn
nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản phải chấp hành nghiêm Quy định này
và các quy định pháp luật khác có liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia
cầm và nuôi trồng thủy sản. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định pháp
luật.
Điều 12. Điều khoản thi hành
1. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp
các Bộ, ngành Trung ương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới thay thế Quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định tại Khoản 4 Điều 3 và Khoản 1 Điều 8 Quy
định này thì áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó
khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan, Ủy
ban nhân dân các cấp phản ảnh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp,
nghiên cứu và có ý kiến đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.