ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
21/2014/QĐ-UBND
|
Tiền Giang,
ngày 02 tháng 7 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Điện lực ngày 20/11/2012;
Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày
21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực
và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày
26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;
Căn cứ Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013
của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực,
an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Thông tư số 25/2013/TT-BCT ngày
29/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, gia
hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực;
Căn cứ Thông tư số 27/2013/TT-BCT ngày
31/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về Kiểm tra hoạt động điện lực
và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện;
Căn cứ Thông tư số 30/2013/TT-BCT ngày
14/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định điều kiện, trình tự ngừng, giảm
mức cung cấp điện;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động điện
lực và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 52/2006/QĐ-UBND ngày 06/10/2006 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Tiền Giang ban hành Quy định về hoạt động điện lực và sử dụng điện
trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công
Thương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi
hành./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Nghĩa
|
QUY ĐỊNH
VỀ HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN
GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2014 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về hoạt động điện lực và sử
dụng điện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bao gồm: phân cấp quản lý nhà nước về hoạt
động điện lực và sử dụng điện; kinh doanh, sử dụng điện ở khu vực nông thôn; đầu
tư xây dựng và quản lý, khai thác lưới điện ở nông thôn; trách nhiệm của đơn vị
điện lực và khách hàng sử dụng điện.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng cho cơ quan quản lý nhà nước,
các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa
bàn tỉnh Tiền Giang.
Điều 3. Giải thích thuật
ngữ
Các thuật ngữ như hoạt động điện lực, đơn vị điện
lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, khách hàng sử dụng điện, giá bán buôn điện,
giá bán lẻ điện và các thuật ngữ chuyên môn khác trong Quy định này được hiểu
theo Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN
Điều 4. Trách nhiệm của Sở
Công Thương
Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử
dụng điện trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:
1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện
các nội dung quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện như sau:
a) Xây dựng, trình duyệt quy hoạch phát triển điện
lực tỉnh Tiền Giang. Công bố và hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực
hiện quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh.
b) Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động điện lực và sử dụng điện
trên địa bàn tỉnh.
c) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy định về
giá bán điện của các tổ chức, cá nhân tham gia bán buôn, bán lẻ điện trên địa
bàn tỉnh.
d) Tổ chức phổ biến và kiểm tra việc áp dụng các
quy định về tiêu chuẩn, định mức, quy phạm an toàn điện trong hoạt động điện lực,
sử dụng điện.
đ) Quản lý đầu tư trong hoạt động điện lực trên
địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
e) Tổ chức và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa
học và công nghệ trong lĩnh vực điện lực.
g) Quản lý sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và
an toàn. Quản lý việc khai thác hợp lý tài nguyên năng lượng phục vụ cho phát
điện, bảo vệ môi trường.
h) Thực hiện giám sát cung ứng và sử dụng điện.
Kiểm tra, đề xuất các giải pháp liên quan đến thực hiện chương trình quản lý
nhu cầu điện.
i) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật
về hoạt động điện lực và sử dụng điện; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố
cáo và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
2. Tập huấn, sát hạch, cấp thẻ Kiểm tra viên điện
lực cho công chức chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị điện
lực trên địa bàn tỉnh.
3. Hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ thuật
an toàn điện cho các địa phương, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn, hộ sử dụng
điện.
4. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các
quy định về công tác kiểm tra hoạt động điện lực, sử dụng điện, an toàn điện của
các đơn vị điện lực trên địa bàn tỉnh.
5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
hoạt động điện lực và sử dụng điện. Hướng dẫn khách hàng sử dụng điện thực hiện
các quy định của pháp luật về mua bán điện, giá điện, quản lý nhu cầu điện và sử
dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.
6. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở,
ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ cho các đơn vị
điện lực trong việc giải phóng mặt bằng để thi công các công trình điện trên địa
bàn tỉnh.
7. Triển khai thực hiện các chỉ đạo có liên quan
của Bộ Công Thương, thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan do Ủy ban nhân dân
tỉnh phân công.
Điều 5. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
1. Phối hợp lập quy hoạch phát triển điện lực,
theo dõi việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn
quản lý.
2. Tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về
hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn quản lý.
3. Tổ chức quản lý đầu tư trong hoạt động điện lực
theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức thực hiện việc quản lý sử dụng điện
tiết kiệm, hiệu quả và an toàn.
5. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn quản lý.
6. Kiểm tra theo thẩm quyền việc chấp hành pháp
luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn quản lý.
7. Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo
và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động điện lực và sử dụng điện theo thẩm
quyền.
8. Phối hợp, hỗ trợ cho các đơn vị điện lực
trong việc giải phóng mặt bằng để thi công các công trình điện trên địa bàn quản
lý.
9. Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về Sở
Công Thương theo quy định.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan do Ủy
ban nhân dân tỉnh giao.
Điều 6. Trách nhiệm của
Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, thị xã
Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế
thành phố, thị xã là cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện
nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn quản
lý, có trách nhiệm:
1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực
hiện các nội dung quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại Điều
5 của Quy định này.
2. Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn,
nghiệp vụ của Sở Công Thương và thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về Sở Công
Thương. Mỗi đơn vị bố trí một công chức có trình độ chuyên môn về điện từ cao đẳng
trở lên. Đối với công chức kiêm nhiệm quản lý nhà nước về điện tạm thời phải có
trình độ từ cao đẳng trở lên và được tập huấn qua các lớp nghiệp vụ về điện do
Sở Công Thương tổ chức để giúp lãnh đạo phòng thực hiện nhiệm vụ được quy định.
3. Hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về điện
cho công chức kiêm nhiệm quản lý điện cấp xã trên địa bàn quản lý.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện
nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn quản
lý, có trách nhiệm:
a) Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn
vị trong việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn
quản lý.
b) Tổ chức thực hiện chỉ đạo của cấp trên về hoạt
động điện lực và sử dụng điện trên địa bàn quản lý.
c) Thực hiện việc quản lý sử dụng điện tiết kiệm,
hiệu quả và an toàn trên địa bàn quản lý.
d) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động
điện lực và sử dụng điện trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của cấp trên.
đ) Kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp,
khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền đối với hoạt động điện lực và sử dụng điện
trên địa bàn quản lý.
e) Hướng dẫn các hộ sử dụng điện thực hiện các
quy định của pháp luật về mua bán điện, giá điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu
quả và an toàn trên địa bàn quản lý.
g) Phối hợp, hỗ trợ cho các đơn vị điện lực
trong việc giải phóng mặt bằng để thi công các công trình điện trên địa bàn quản
lý và trong việc kiểm tra, lập biên bản, xử lý vi phạm sử dụng điện trên địa
bàn quản lý, khi có yêu cầu.
h) Thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về Ủy ban
nhân dân huyện, thành, thị theo quy định.
i) Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan do Ủy
ban nhân dân huyện, thành, thị giao.
2. Mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí một công
chức kiêm nhiệm quản lý điện để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị
trấn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về điện trên địa bàn. Công chức kiêm
nhiệm quản lý nhà nước về điện ở xã, phường, thị trấn được trợ cấp hàng tháng
theo quy định.
Chương III
KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN
Ở KHU VỰC NÔNG THÔN
Điều 8. Tổ chức kinh doanh
điện ở nông thôn
Các tổ chức tham gia kinh doanh điện ở nông thôn
là các tổ chức được thành lập và hoạt động theo các quy định của pháp luật,
bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động
theo Luật Doanh nghiệp.
2. Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo
Luật Hợp tác xã.
3. Các tổ chức khác được thành lập và hoạt động
theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Quy định về Giấy
phép hoạt động điện lực
1. Các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động bán lẻ
điện phải có Giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Nghị định số
137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Điện lực và Thông tư số 25/2013/TT-BCT ngày 29/10/2013 của Bộ trưởng
Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung,
thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực.
2. Các trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động
điện lực được quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Điện lực.
Điều 10. Hình thức kinh
doanh điện ở nông thôn
Các tổ chức được phép kinh doanh điện nông thôn
theo hình thức mua điện từ nguồn điện lưới quốc gia hoặc tự sản xuất điện để
bán trực tiếp đến các hộ sử dụng điện. Mua điện theo giá bán buôn và bán lại
cho khách hàng sử dụng điện theo giá bán lẻ theo đúng quy định pháp luật.
Điều 11. Các hình thức sử dụng
điện sinh hoạt ở nông thôn
1. Một hộ sử dụng điện được lắp đặt 01 điện kế
và ký hợp đồng mua điện trực tiếp với bên bán điện. Hình thức này bắt buộc ở
các khu vực đã có lưới điện hạ thế và có đủ điều kiện lắp đặt điện kế.
2. Nhiều hộ sử dụng điện chung qua 01 điện kế
chính (còn gọi là điện kế tổng) mua điện với bên bán điện, hình thức sử dụng điện
này gọi là tổ điện. Các hộ trong tổ điện cử người đại diện ký hợp đồng mua điện
tại điện kế chính với bên bán điện, tự đầu tư xây dựng lưới điện từ điện kế
chính về đến hộ sử dụng và điện kế phụ tại hộ. Số hộ sử dụng điện chung qua 01
điện chính của bên bán điện phải nhỏ hơn 10 hộ.
Hình thức tổ điện không khuyến khích phát triển
và chỉ cho phép tồn tại ở các khu vực chưa có lưới điện hạ thế hoặc đã có lưới
hạ thế nhưng không đủ điều kiện lắp đặt cho mỗi hộ một điện kế và hoạt động
trong một thời gian nhất định do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
3. Các hộ sử dụng điện có trách nhiệm đầu tư, cải
tạo, sửa chữa lưới điện do mình quản lý. Trường hợp lưới điện không đảm bảo an
toàn điện sẽ bị ngừng cung cấp điện theo quy định của pháp luật và nếu để xảy
ra tai nạn về điện gây thiệt hại về người và tài sản do đường dây điện không đảm
bảo an toàn, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật thì chủ sở hữu đường dây đó sẽ
hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định.
Điều 12. Giá bán lẻ điện ở
nông thôn
Giá bán lẻ điện ở nông thôn được thực hiện theo
quy định tại Khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Chương IV
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÀ QUẢN
LÝ, KHAI THÁC LƯỚI ĐIỆN Ở NÔNG THÔN
Điều 13. Đầu tư xây dựng lưới
điện ở nông thôn
1. Các tổ chức kinh doanh điện nông thôn có
trách nhiệm đầu tư lắp đặt điện kế và xây dựng lưới điện đến cấp điện áp tương ứng
để bán điện, trong phạm vi địa bàn hoạt động của mình.
Việc đầu tư xây dựng lưới điện phải đảm bảo cho
việc lắp đặt điện kế bán điện đến hộ dân nông thôn, từng bước giảm dần và đến
năm 2020 không còn tổ điện nông thôn.
Vị trí lắp đặt điện kế để bán điện thực hiện
theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Luật Điện lực và Khoản 4 Điều 2 Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
2. Các tổ chức, cá nhân sử dụng điện có trách
nhiệm đầu tư xây dựng lưới điện từ sau điện kế của bên bán điện đến nơi sử dụng
điện và phải đảm bảo quy chuẩn, an toàn kỹ thuật theo quy định hiện hành.
3. Việc đầu tư xây dựng lưới điện hàng năm phải
được sự thống nhất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải tuân thủ quy hoạch
phát triển điện lực đã được phê duyệt.
Điều 14. Quản lý lưới điện ở
nông thôn
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
tổ chức quản lý lưới điện hạ thế nông thôn do tỉnh đầu tư xây dựng trên địa bàn
trong thời gian chưa bàn giao cho tổ chức kinh doanh điện nông thôn.
2. Các tổ chức kinh doanh điện nông thôn có
trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác lưới điện là tài sản của mình trên địa
bàn kinh doanh.
3. Khách hàng sử dụng điện có trách nhiệm quản
lý lưới điện là tài sản của mình, từ sau điện kế của bên bán điện đến nơi sử dụng
điện.
Điều 15. Giao nhận tài sản
lưới điện do tỉnh đầu tư xây dựng
1. Các tổ chức kinh doanh điện nông thôn được Ủy
ban nhân dân tỉnh giao tài sản lưới điện hạ thế ở nông thôn do tỉnh đầu tư xây
dựng để khai thác, bán điện.
2. Việc giao, nhận lưới điện hạ thế được thực hiện
theo hình thức ghi tăng, giảm vốn và việc hoàn trả vốn được thực hiện theo quy
định hiện hành.
3. Thủ tục giao, nhận lưới điện và ghi tăng, giảm
vốn được thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 16. Giao nhận tài sản
lưới điện do khách hàng sử dụng điện đầu tư xây dựng
1. Các tổ chức kinh doanh điện nông thôn phải thỏa
thuận tiếp nhận tài sản lưới điện hạ thế ở nông thôn do khách hàng sử dụng điện
đầu tư xây dựng để cải tạo, sửa chữa và bán điện đến từng hộ dân (1hộ/1điện kế).
2. Việc giao, nhận, ghi tăng giảm vốn và hoàn trả
vốn thực hiện theo các quy định hiện hành và theo thỏa thuận.
3. Trường hợp bên giao tài sản lưới điện tự nguyện
không yêu cầu hoàn vốn, thì tổ chức kinh doanh điện nông thôn tiếp nhận không
phải hoàn trả.
Điều 17. Ưu đãi đầu tư phát
triển điện ở khu vực nông thôn
Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển
điện ở khu vực nông thôn được ưu đãi như sau:
1. Được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định hiện
hành của Nhà nước và theo quy định tại Điều 61 của Luật Điện lực; Thông tư số
97/2008/TT-BTC ngày 28/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện
chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc đầu tư phát triển điện ở nông thôn,
miền núi, hải đảo.
2. Được hưởng theo quy định về khuyến khích đầu
tư trên địa bàn tỉnh.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA ĐƠN VỊ
ĐIỆN LỰC VÀ KHÁCH HÀNG SỬ DỤNG ĐIỆN
Điều 18. Trách nhiệm của
Công ty Điện lực Tiền Giang
1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân
phối điện, đơn vị bán buôn và bán lẻ điện theo quy định tại Điều 41, Điều 43 và
Điều 44 Luật Điện lực và tại Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Điện lực.
2. Hàng năm, đầu tư xây dựng lưới điện theo thỏa
thuận với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phù hợp với quy hoạch phát triển điện
lực đã được phê duyệt.
3. Đầu tư cải tạo lưới điện trên địa bàn quản lý
đạt tiêu chí số 4 về điện theo tiến độ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh. Lưới
điện đạt tiêu chí số 4 về điện phải đảm bảo 2 tiêu chí: có hệ thống điện đảm bảo
yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ
các nguồn phải đạt từ 98% trở lên.
4. Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho cơ
quan quản lý nhà nước về điện các cấp trong tỉnh thực hiện nội dung quản lý nhà
nước về điện trên địa bàn quản lý.
5. Đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện của các
tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, khi có đủ điều kiện.
6. Thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng mua bán
điện. Kiểm tra, xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện theo quy định.
7. Thực hiện đúng quy trình, quy phạm về điện do
Nhà nước ban hành. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực
điện lực.
8. Hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn điện
trong nhân dân.
9. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ tổ điện
nông thôn trong việc kiểm tra, quản lý đường dây của tổ và điện kế phụ tại hộ.
Đồng thời, hỗ trợ các Tổ trưởng tổ điện thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.
10. Báo cáo Sở Công Thương về tình hình cung ứng
và sử dụng điện định kỳ hàng tháng và đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 19. Trách nhiệm của
các tổ chức kinh doanh điện nông thôn khác
1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ
điện theo quy định tại Điều 44 Luật Điện lực và tại Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
2. Hàng năm, đầu tư, cải tạo xây dựng lưới điện
do đơn vị quản lý trên địa bàn quản lý và phù hợp với quy hoạch phát triển điện
lực đã được phê duyệt.
3. Đầu tư cải tạo lưới điện trên địa bàn quản lý
đạt tiêu chí số 4 về điện theo tiến độ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
4. Tổ chức hoạt động điện lực theo đúng Giấy
phép hoạt động điện lực được cấp và đảm bảo duy trì đủ các điều kiện đã được cấp
trong giấy phép.
5. Hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn điện
trong nhân dân.
6. Thực hiện đúng quy trình, quy phạm về điện do
Nhà nước ban hành. Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực
điện lực.
7. Kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các
tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, khi có đủ điều kiện.
8. Thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng mua bán
điện. Kiểm tra, xử lý vi phạm hợp đồng mua bán điện theo quy định.
9. Thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành đối với
đơn vị sản xuất kinh doanh.
10. Hỗ trợ tổ điện nông thôn trong việc kiểm
tra, quản lý đường dây của tổ và điện kế phụ tại hộ.
11. Báo cáo Sở Công Thương về tình hình cung ứng
và sử dụng điện định kỳ hàng tháng và đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 20. Trách nhiệm của tổ
điện nông thôn
Tổ điện nông thôn hoạt động trong thời gian chờ
các đơn vị điện lực đầu tư xây dựng lưới điện để đủ điều kiện lắp đặt điện kế
bán điện trực tiếp đến hộ sử dụng điện. Tổ điện tự giải thể sau khi các hộ
trong tổ đã mua điện trực tiếp với đơn vị điện lực. Không khuyến khích các hộ
dân sử dụng chung 01 điện kế tổng.
Tổ trưởng phải được các hộ sử dụng điện bầu và
được hưởng thù lao theo thỏa thuận với các hộ sử dụng điện trong tổ.
Tổ trưởng tổ điện có trách nhiệm:
1. Đại diện các hộ dân trong tổ ký hợp đồng mua
điện với các tổ chức kinh doanh điện.
2. Quản lý và định kỳ kiểm tra, tổ chức sửa chữa
đường dây, thiết bị thuộc tài sản của tổ nhằm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và
an toàn. Kiểm tra, quản lý công tơ đo đếm điện của các hộ trong tổ nhằm đảm bảo
tính chính xác của công tơ.
3. Ghi điện, thu tiền điện các hộ sử dụng điện
theo đúng hướng dẫn và trả tiền sử dụng điện của tổ cho các tổ chức kinh doanh
điện đúng thời gian quy định.
4. Phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm, gian
lận trong sử dụng điện và kịp thời báo cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử
lý.
5. Phải mở sổ theo dõi và hàng quý phải công
khai cho các hộ dân trong tổ điện các nội dung: số kWh điện tiêu thụ theo hóa
đơn của điện lực, số kWh điện tiêu thụ theo công tơ của các hộ trong tổ, số kWh
điện hao hụt, số tiền phải thu (trong đó có tiền thù lao), số tiền phải nộp cho
điện lực,…
Riêng đối với các chủ nhà cho thuê nhà để ở có trách
nhiệm thu tiền sử dụng điện đối với người thuê nhà đúng theo quy định pháp luật
hiện hành.
Điều 21. Trách nhiệm của
khách hàng sử dụng điện
1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ (hoặc thông qua đại
diện nếu sử dụng điện dạng tổ điện nông thôn) của khách hàng sử dụng điện theo
quy định tại Điều 46 của Luật Điện lực.
2. Khách hàng sử dụng điện dưới hình thức tổ điện
còn có trách nhiệm:
a) Sử dụng điện đúng kỹ thuật an toàn, tiết kiệm;
b) Mỗi hộ có công tơ đo đếm điện riêng. Công tơ
phải được cơ quan có chức năng kiểm định, niêm chì theo quy định của Nhà nước;
c) Thanh toán tiền điện đúng theo hợp đồng đã được
đại diện ký kết với bên bán điện;
d) Thực hiện cải tạo, sửa chữa định kỳ lưới điện
là tài sản của mình.
3. Kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
giải quyết tranh chấp hoặc vi phạm hợp đồng mua bán điện và tuân thủ mọi quyết
định, yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chương VI
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 22. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động
điện lực và sử dụng điện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ được xem xét khen thưởng
theo quy định chung.
Điều 23. Xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy
định về hoạt động điện lực và sử dụng điện bị xử lý theo quy định pháp luật.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 24. Giao trách nhiệm
1. Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương trong tỉnh tổ chức triển
khai, hướng dẫn thực hiện Quy định này.
2. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở
Công Thương, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất chế độ phụ cấp cho công chức kiêm
nhiệm quản lý nhà nước về điện ở xã, phường, thị trấn theo quy định của Chính
phủ.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn quản lý; chỉ đạo thủ trưởng
các cơ quan chức năng trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị
trấn phổ biến rộng rãi nội dung Quy định này để nhân dân biết, thực hiện.
4. Công ty Điện lực Tiền Giang và các tổ chức
kinh doanh điện có trách nhiệm tổ chức thực hiện và phổ biến, quán triệt Quy định
này trong nội bộ đơn vị.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh
và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc phối hợp với Sở Công Thương thường
xuyên tuyên truyền về Quy định này để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện./.