ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1899/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày 14
tháng 9 năm 2022
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ VỚI LŨ,
TRIỀU CƯỜNG BẢO VỆ SẢN XUẤT, DÂN SINH MÙA LŨ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH
LONG
CHỦ TỊCH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Phòng,
chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật
Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;
Căn cứ Nghị định số
66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của
Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;
Căn cứ Quyết định số
18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh
báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai;
Theo đề nghị của Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 139/TTr-SNN&PTNT ngày
13/9/2022.
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành Kế hoạch ứng phó với lũ, triều cường bảo vệ sản xuất, dân sinh mùa lũ năm
2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
(Đính kèm Kế hoạch
ứng phó với lũ, triều cường bảo vệ sản xuất, dân sinh mùa lũ năm 2022)
Điều 2. Giao
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch tại Điều 1 của Quyết
định này.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo
dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Giao thông vận tải,
Thông tin và Truyền thông; Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc
Công an tỉnh; Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long; Báo Vĩnh Long;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố và các cơ quan, đơn vị
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
-
Như
Điều 3;
- Bộ NN&PTNT (để b/c);
- BCĐ QG về PCTT;
- UB Quốc gia TKCN (để b/c);
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh (để b/c);
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- LĐVP.UBND tỉnh;
- Đài Khí tượng thủy văn Vĩnh Long;
- Các phòng: KT-NV;
- Lưu: VT,4.11.05.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Liệt
|
KẾ
HOẠCH
ỨNG PHÓ VỚI MƯA, LŨ, TRIỀU CƯỜNG BẢO VỆ SẢN
XUẤT, DÂN SINH MÙA LŨ NĂM 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm
theo Quyết định số 1899/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Chủ tịch UBND
tỉnh)
Theo nhận định của
các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn trong nước, đỉnh lũ năm 2022 tại đầu
nguồn sông Cửu Long ở mức báo động I (BĐI) và trên BĐI, đỉnh lũ năm 2022 tại
Tân Châu dao động ở mức 3,5- 3,7m, tại Châu Đốc dao động ở mức 3- 3,2m, thời
gian xuất hiện vào nửa cuối tháng 10, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ
0,3- 0,5m.
Tuy nhiên, trong
tháng 10 và tháng 11, tại khu vực Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều ở mức cao,
các đợt triều cường trong tháng 11 nếu trùng vào thời kỳ gió mùa Đông Bắc có
cường độ mạnh tràn xuống phía Nam, khu vực trũng, thấp ở cửa sông ven biển,
vùng ven biển chịu ảnh hưởng của thủy triều tại các tỉnh Nam Bộ sẽ có nguy cơ
ngập, lụt.
Bên cạnh đó, do ảnh
hưởng của hiện tượng ENSO sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina làm cho mưa
ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ gia tăng. Trong tháng 9/2022, tổng lượng mưa xấp
xỉ trung bình nhiều năm với xác suất khoảng 60%; trong tháng 10 đến tháng 11,
tổng lượng mưa tại Tây Nguyên phổ biến ở mức cao hơn từ 30- 60%, trong đó tháng
10 có nơi cao hơn 70%, tại Nam Bộ tổng lượng mưa cao hơn từ 10- 20% so với
trung bình nhiều năm với xác suất khoảng 60- 70% và tại khu vực ven biển Nam Bộ
sẽ có 2 đợt triều cường ở mức cao trong tuần thứ 2 và tuần cuối của tháng 10,
có thể ảnh hưởng đến đỉnh lũ năm nay.
Tại Vĩnh Long, theo
nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời gian xuất hiện mực nước từ báo
động 3 (BĐIII) trở lên bắt đầu từ tháng 9, cao điểm vào tháng 10, tháng 11 có
khả năng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới dồn dập vào miền trung gây mưa ở lưu
vực sông Mekong kết hợp với triều cường gây ngập úng ở vùng ven sông, vùng
trũng thấp, dự báo mực nước cao nhất năm tại Mỹ Thuận đạt khoảng 2,1m, Cần Thơ
đạt khoảng 2,2m.
Thực hiện Công văn số
1227/TCTL-QLCT ngày 09/8/2022 của Tổng cục Thủy lợi về việc đề phòng ảnh hưởng
của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;
Thực hiện Chỉ thị số
10/CT-UBND ngày 04/5/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc tăng cường công tác
bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, công trình đê điều trong mùa mưa, lũ năm
2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Để chủ động ứng phó
với tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó với
mưa, lũ, triều cường bảo vệ sản xuất, dân sinh mùa lũ năm 2022 trên địa bàn
tỉnh tỉnh Vĩnh Long (gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm bảo vệ an toàn
cho sản xuất nông nghiệp, dân cư trong mùa lũ năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể: Đảm bảo sản
xuất cho 64.394ha cây lâu năm, cho hơn 41.000ha lúa Thu Đông 2022, gần 30.000ha
rau màu vụ hè thu, mùa đã xuống giống; cùng với 254ha ao, hầm đang thả nuôi
thủy sản. Đồng thời đảm bảo thu hoạch an toàn sức khỏe của người dân, tránh xảy
ra dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội; tổ chức cứu nạn, cứu hộ, giúp dân ứng phó với lũ, triều cường và sự cố
thiên tai trong mùa lũ.
2. Yêu cầu
Kế hoạch ứng phó mưa,
lũ, triều cường năm 2022 phải được quán triệt đến tất cả cán bộ, Đảng viên ở
các ngành, các cấp trong công tác ứng phó với lũ, triều cường năm 2022 trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Long;
Các địa phương xây
dựng kế hoạch Phòng, chống thiên tai năm 2022 phải lồng ghép vào kế hoạch ứng
phó mưa, lũ, triều cường, ngập úng;
Theo dõi chặt chẽ
diễn biến khí tượng - thủy văn, tình hình ngập úng, thông tin đầy đủ, nhanh
chóng, kịp thời đến các cấp, các ngành, các địa phương và người dân để chủ động
ứng phó;
Tập trung duy tu, sửa
chữa các công trình thủy lợi, nhất là các công trình đê bao, cống, đập, các
công trình xuống cấp không đảm bảo chống lũ gây ngập úng khi mực nước vượt mức
BĐIII.
II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
PHÒNG CHỐNG MƯA, LŨ, TRIỀU CƯỜNG
Dự kiến xây dựng Kế
hoạch với hai (02) kịch bản lũ, triều cường xảy ra theo dự báo nêu trên:
1. Kịch bản 1 (Trường
hợp lũ nhỏ, triều cường ở mức thấp-xấp xỉ báo động III)
a) Mực nước tại trạm
Mỹ Thuận (phía sông Tiền) đạt xấp xỉ 1,8m và tại trạm Cần Thơ (phía sông Hậu)
đạt xấp xỉ 2m. Các trạm nội đồng (Ba Càng, Phú Đức, Nhà Đài, Tích Thiện, Tân
Thành) xấp xỉ hay thấp hơn 1,8m.
- Thời gian xuất
hiện: Từ đầu tháng 9 đến hết tháng 12/2022.
b) Dự báo phạm vi ảnh
hưởng:
- Tổng số vùng kém an
toàn có thể bị ngập: 13 vùng với diện tích: 2.425ha (gồm: diện tích đất lúa:
410ha, diện tích đất vườn và thổ cư: 1.994ha).
c) Biện pháp ứng phó:
Vận hành hệ thống các
công trình thủy lợi, cống giao thông hiện có và các công trình đã thực hiện
hoàn thành trong kế hoạch đầu tư năm 2022; đóng các cống, bọng khi mực nước đến
mức BĐ III, ưu tiên cho vùng còn diện tích lúa, rau màu trên đồng, khu trồng
cây ăn trái, khu nuôi thủy sản và khu dân cư tập trung.
Triển khai thực hiện
nhanh các công trình/dự án thủy lợi, cống giao thông theo kế hoạch được duyệt
năm 2022.
2. Kịch bản 2:
(Trường hợp lũ lớn, triều cường vượt báo động III với mực nước tương đương đỉnh
triều lịch sử năm 2019, cấp độ rủi ro thiên tai lũ, ngập lụt là cấp độ 2).
a) Mực nước tại trạm
Mỹ Thuận (trên sông Tiền) đạt xấp xỉ hay vượt 2,12m và tại trạm Cần Thơ (phía
sông Hậu) đạt xấp xỉ hay vượt 2,25m. Các trạm nội đồng (Ba Càng, Phú Đức, Nhà
Đài, Tích Thiện, Tân Thành) đều vượt 2m.
- Thời gian xuất
hiện: Từ đầu tháng 9 đến hết tháng 12/2022.
b) Dự báo phạm vi ảnh
hưởng:
- Tổng số vùng kém an
toàn: 66 vùng với diện tích: 22.570ha. Cụ thể ở các huyện:
+ Huyện Long Hồ: 20
vùng, diện tích 11.000ha; Trà Ôn: 05 vùng, diện tích 3.200ha.
+ Huyện Tam Bình: 06
vùng, diện tích 950ha; Vũng Liêm: 10 vùng, diện tích 1.570ha.
+ Huyện Mang Thít: 04
vùng, diện tích 3.500ha; TP Vĩnh Long: 04 vùng, diện tích 180ha.
+ TX Bình Minh:10
vùng, diện tích 1.070ha; Bình Tân: 07 vùng, diện tích 935 ha.
3. Hệ thống công
trình thủy lợi kém an toàn với lũ, triều cường (ứng với đỉnh triều cường tương
đương năm 2019)
Công trình thủy lợi
(phần lớn là đê bao) có cao trình đỉnh thấp (từ 1m đến dưới 1,5m) bị xuống cấp,
có thể bị tràn trong mùa lũ năm nay (ứng với đỉnh triều cường tương đương năm
2019). Qua rà soát trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 41 tuyến bờ bao/đê bao,
tổng chiều dài 134.000 m, bảo vệ cho 8.957 ha đất sản xuất nông nghiệp và dân
sinh bị xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa trong thời gian tới.
(Xem
chi tiết phụ lục 1)
4. Biện pháp ứng phó
lũ, triều ứng với kịch bản 2
4.1. Biện pháp chung
Ban chỉ huy Phòng
chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) tham mưu UBND các huyện,
thị xã, thành phố chỉ đạo thực hiện kế hoạch tập trung toàn bộ các nguồn lực,
các đoàn thể tuyên truyền vận động người dân ra sức phòng chống lũ, triều cường
có hiệu quả; các đơn vị và cán bộ chuyên môn triển khai công tác quan trắc mức
nước thường xuyên cập nhật số liệu mực nước tham mưu cho Ban Chỉ huy
PCTT&TKCN tỉnh trong công tác ứng phó lũ, triều cường.
Tất cả các ngành, các
cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại
chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên
tắc “chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.
4.2. Các biện pháp cụ
thể
4.2.1. Biện pháp phi
công trình
Theo dõi chặt chẽ,
tăng cường công tác thông tin, truyền thông về diễn biến và dự báo lũ, triều
cường thông qua hệ thống tin nhắn SMS và các phương tiện thông tin đại chúng
đến tất cả các cấp chính quyền và cộng đồng dân cư vùng ảnh hưởng ngập lụt đều
biết để kịp thời tổ chức ứng phó tốt.
Thực hiện công bố
thiên tai lũ, ngập lụt, mưa lớn (cấp độ 2) theo quy định của pháp luật để huy
động các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ, triều cường.
Tăng cường tuyên
truyền đến các ngành, các cấp, nhân dân nhận thức được tác động của lũ, triều
cường 2022 để chuẩn bị tốt kế hoạch ứng phó. Tổ chức vận hành tốt những công
trình thủy lợi phòng chống mưa, lũ, triều cường đảm bảo phục vụ sản xuất nông
nghiệp và dân sinh
4.2.2. Biện pháp công
trình
Vận hành hệ thống các
công trình thủy lợi, cống giao thông hiện có và các công trình đã thực hiện
hoàn thành trong kế hoạch đầu tư năm 2022; đóng các cống, bọng khi mực nước đến
mức BĐ III, ưu tiên cho vùng còn diện tích lúa, rau màu trên đồng, khu trồng
cây ăn trái, khu nuôi thủy sản và khu dân cư tập trung.
Triển khai thực hiện
nhanh các công trình/dự án thủy lợi, cống giao thông theo kế hoạch được duyệt
năm 2022.
Tổ chức chống tràn
tại các tuyến đê bao, đường giao thông hạn chế thấp nhất ngập trong vùng đê bao
và tại các tuyến đường ở các đô thị.
Đề nghị Trung ương và
UBND tỉnh hỗ trợ thực hiện đầu tư xây dựng mới, sửa chữa khẩn cấp các công
trình đê bao chống lũ, triều cường.
III. NGUỒN VỐN CHO
THỰC HIỆN KẾ HOẠCH (theo kịch bản 2)
Tổng vốn thực hiện Kế
hoạch này ước tính: 1.232.062 triệu đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách (NS)
Trung ương hỗ trợ: 890.307 triệu đồng.
- Vốn NS địa phương
(tỉnh/huyện) thực hiện: 341.755 triệu đồng.
Trong đó:
1. Ngân sách Trung
ương hỗ trợ :
890.307 triệu đồng để đầu tư thực hiện các công trình/dự án thủy lợi
lồng ghép vào ứng phó mưa, lũ, triều cường. Cụ thể sau:
a) Công trình/dự án
đã có kế hoạch bố trí vốn và thực hiện năm 2022 (Sở Nông nghiệp-PTNT đang triển
khai thực hiện)
- Tổng cộng: 07 công
trình/dự án;
- Chiều dài: 56.648
m;
- Diện tích phục vụ:
85.305 ha;
- Ước kinh phí: 540.307
triệu đồng. (Chi tiết xem phụ lục số 2)
b) Công trình/dự án
chưa có kế hoạch bố trí vốn
Đề nghị Trung ương hỗ
trợ tỉnh để thực hiện ứng phó mưa, lũ, triều cường, gồm:
- Tổng cộng: 02 công
trình/dự án;
- Chiều dài: 12.500
m;
- Diện tích phục vụ:
450 ha;
- Ước kinh phí: 350.000
triệu đồng. (Chi tiết xem phụ lục số 4)
2. Ngân sách tỉnh
thực hiện kế hoạch
Tỉnh dự kiến bố trí 288.638
triệu đồng để đầu tư thực hiện các công trình/dự án thủy lợi lồng ghép vào
ứng phó mưa, lũ, triều cường, cụ thể như sau:
a) Công trình/dự án
đã có kế hoạch bố trí vốn và thực hiện năm 2022 (Sở Nông nghiệp-PTNT đang triển
khai thực hiện)
- Tổng cộng: 24 công
trình;
- Chiều dài: 372.810
m;
- Diện tích phục vụ:
87.955 ha;
- Ước kinh phí: 259.913
triệu đồng. (Chi tiết xem phụ lục số 2)
b) Công trình chưa có
kế hoạch bố trí vốn
Đề nghị tỉnh hỗ trợ
cấp huyện để thực hiện ứng phó mưa, lũ, triều cường, gồm:
- Tổng cộng: 13 công
trình;
- Chiều dài: 44.550
m;
- Diện tích phục vụ:
2.445 ha;
- Ước kinh phí: 28.725
triệu đồng. (Chi tiết xem phụ lục số 5)
Đối với các công
trình nêu trên: Trước mắt, đề nghị UBND huyện, thị, thành phố sử dụng nguồn lực
sẵn có tại địa phương để thực hiện. Trường hợp, đã sử dụng hết nguồn lực tại
địa phương nhưng không còn nguồn thì tổng hợp báo cáo về tỉnh để có hướng xử
lý.
3. Ngân sách cấp
huyện hỗ trợ, tự thực hiện: UBND huyện, thị xã, thành phố sử dụng nguồn
dự phòng ngân sách, quỹ phòng chống thiên tai và nguồn kinh phí khác do cấp
huyện quản khoảng 53.117 triệu đồng để đầu tư thực hiện những công trình
thủy lợi trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.
a) Công trình đã có
kế hoạch bố trí vốn và thực hiện năm 2022
- Tổng cộng: 94 công
trình;
- Chiều dài: 187.097
m;
- Diện tích phục vụ:
7.615 ha;
- Ước kinh phí: 41.317
triệu đồng. (Chi tiết xem phụ lục số 3)
b) Công trình chưa có
kế hoạch bố trí vốn
- Tổng cộng: 11 công
trình;
- Chiều dài: 24.380
m;
- Diện tích phục vụ:
1.750 ha;
- Ước kinh phí: 11.800
triệu đồng. (Chi tiết xem phụ lục số 6)
4. Người dân tự đầu
tư thực hiện
a) Bơm tát chống ngập
cho lúa, rau màu
UBND cấp huyện, xã
vận động các tổ chức (Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất, nhân dân) sử dụng các
phương tiện bơm tác hiện có (trạm bơm, điểm bơm, máy bơm) tự tổ chức bơm tiêu,
đảm bảo thoát nước cho diện tích lúa, rau màu; đồng thời tham gia chống tràn
tại các đoạn đê bao, đường giao thông để bảo vệ sản xuất.
b) Thủy lợi nội đồng
Nhân dân đóng góp
vốn, ngày công, mặt bằng đất đai, nâng cấp hệ thống bờ bao, cống bọng nội đồng,
tích cực chống ngập phục vụ sản xuất và dân sinh.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành có liên quan, lực lượng vũ trang tỉnh và UBND các huyện, thị xã,
thành phố trong tỉnh để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; đồng thời
phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền
giúp cho các ngành, các cấp, nhân dân chủ động ứng phó triều cường năm 2022 để
chuẩn bị tốt kế hoạch ứng phó.
Phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy
lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa xây dựng các phương án vận hành các cống lớn vùng Nam
Măng Thít để chủ động ngăn triều cường cho vùng giáp ranh với tỉnh Trà Vinh
(đặc biệt là vùng ven sông Cổ Chiên, khu vực cống Nàng Âm, Vũng Liêm, Tân Dinh,
Cái Hóp);
Phối hợp với Sở Tài
chính tham mưu UBND tỉnh kịp thời bố trí nguồn ngân sách tỉnh và sử dụng hiệu
quả Quỹ Phòng, chống thiên tai và các nguồn hợp pháp khác thực hiện gia cố, duy
tu sửa chữa các công trình phòng chống lũ theo Kế hoạch;
Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức theo dõi mực
nước tại các trạm trên địa bàn tỉnh, theo dõi và phối hợp thường xuyên với các
cơ quan khí tượng - thủy văn của tỉnh, khu vực và Trung ương, Viện quy hoạch
thủy lợi Miền Nam, Tổng cục Thủy lợi theo dõi diễn biến tình hình, thông báo
kịp thời cho UBND các huyện, thị, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị liên
quan và nhân dân để có biện pháp chỉ đạo, đối phó.
Tham mưu UBND tỉnh
thực hiện công bố thiên tai trong trường hợp lũ, ngập lụt, mưa lớn xảy ra theo
kịch bản 2 hoặc hơn (cấp độ 2 hoặc trên cấp độ 2) theo quy định tại Nghị định
66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg
ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin
thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai để huy động các nguồn lực ứng phó, khắc
phục hậu quả mưa, lũ, triều cường.
Chỉ đạo Trung tâm
Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có kế hoạch sửa chữa, vận hành các
Trạm cấp nước tập trung nông thôn, đảm bảo chất lượng cấp nước sinh hoạt cho
người dân trong trường hợp xảy ngập lụt kéo dài;
Phối hợp xử lý dịch
bệnh trên gia súc, gia cầm, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh truyền
nhiễm từ động vật sang người;
Tổng hợp, báo cáo
định kỳ về kết quả thực hiện ứng phó mưa, lũ, triều cường trên địa bàn tỉnh về
UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cuối mùa có tổng kết, đánh
giá rút kinh nghiệm, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Công an tỉnh, Bộ
chỉ huy Quân sự tỉnh
Xây dựng kế hoạch
phối hợp, chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
3. Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Sở Tài chính
Căn cứ chức năng,
nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ các huyện nhu cầu ứng phó
với lũ, triều cường theo Kế hoạch đã đề ra theo khả năng cân đối ngân sách
tỉnh.
4. Sở Công thương
Chỉ đạo các đơn vị
quản lý điện có kế hoạch đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và dân sinh, ưu
tiên cung cấp điện cho các trạm bơm điện tiêu úng đảm bảo chống úng cho sản
xuất.
5. Sở Tài nguyên và
Môi trường
Phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan khí tượng-thủy văn, tăng cường dự
báo, nhận định diễn biến khí tượng-thủy văn, tình hình nguồn nước và hỗ trợ
giải quyết mặt bằng thi công các công trình phòng, chống lũ, triều cấp bách
(nếu có).
Phối hợp tăng cường
truyền thông về bảo vệ nguồn nước, môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường nơi có
dịch bệnh xảy ra trong trường hợp ngập lụt kéo dài.
6. Sở Xây dựng
Cảnh báo các chủ đầu
tư có công trình ngầm chuẩn bị và thực hiện tốt nhất phương án chống ngập khi
mưa bão, triều cường.
7. Sở Giao thông-Vận
tải
Chỉ đạo rà soát các
tuyến đường giao thông còn thấp, tổ chức nâng cấp, sửa chữa theo kế hoạch được
duyệt; đồng thời thực hiện chống tràn tại những đoạn đường bị tràn để đảm bảo
an toàn sản xuất và dân sinh.
8. Sở Y tế
Chỉ đạo lực lượng y
tế cơ sở chủ động kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng
phát dịch bệnh khi mưa, lũ, ngập lụt kéo dài.
Chỉ đạo lực lượng y
tế cơ sở tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, kiểm tra, giám sát bảo
đảm an toàn môi trường đặc biệt tại các huyện bị ngập lụt.
Tăng cường truyền
thông về bảo vệ nguồn nước, môi trường, về sử dụng nước an toàn, hợp vệ sinh;
lên phương án kiểm soát bệnh tật, tiêu độc sát trùng để phòng tránh bùng phát
dịch bệnh.
9. Sở Giáo dục và Đào
tạo
Chỉ đạo các cơ sở
giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn khi đi
học trong mùa lũ, bão. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi
trường tăng cường truyền thông về bảo vệ nguồn nước, môi trường, tránh bùng
phát dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục khi xảy ra mưa, ngập lụt kéo dài.
10. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội
Chủ trì tổng hợp nhu
cầu hỗ trợ nhân dân các vùng xảy ra ngập lụt, đặc biệt đối với hộ nghèo, hộ khó
khăn…, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định
hỗ trợ theo quy định.
11. Sở Thông tin và
Truyền thông, Đài PT-TH Vĩnh Long, Báo Vĩnh Long và các cơ quan thông tin, đại
chúng tại Vĩnh Long
Đẩy mạnh hoạt động
thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cho từng cấp, từng ngành, các tổ
chức, đơn vị và từng người dân về tác động của mưa, lũ, triều cường để chủ động
thực hiện các biện pháp ứng phó.
12. Hội chữ Thập đỏ
tỉnh
Tuyên truyền, vận
động, tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Trung ương và các tổ chức trong
và ngoài tỉnh để giúp cho các địa phương, nhân dân gặp khó khăn, bị thiệt hại
tại các vùng bị ảnh hưởng mưa, lũ, triều cường kéo dài.
Huy động lực lượng
thanh niên, tình nguyện viên, Đội ứng phó phòng ngừa thiên tai thảm họa của Hội
Chữ Thập đỏ các cấp tham gia cứu hộ, cứu nạn, sơ cấp cứu và khắc phục hậu quả
mưa, lũ, triều cường.
13. Tỉnh Đoàn
Huy động lực lượng
đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh, tình nguyện viên tham gia ứng phó
lũ, triều cường, tham gia các hoạt động cải thiện môi trường, phòng, chống dịch
bệnh,…tại vùng xảy ra ngập lụt.
14. Các ngành đoàn
thể - Xã hội:
Phối hợp chặt chẽ
cùng chính quyền trong ứng phó với lũ, triều cường tuyên truyền, vận động nhân
dân thực hiện phòng, tránh dịch bệnh do mưa, lũ, ngập lụt gây ra...
15. Đài Khí tượng
Thủy văn tỉnh Vĩnh Long
Tăng cường thông báo,
thông tin về khí tượng thủy văn, diễn biến và dự báo nguồn nước, mưa, lũ, triều
cường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long để người dân và các cơ quan chức năng biết để
có biện pháp ứng phó kịp thời.
16. UBND các huyện,
thị xã, thành phố
Triển khai nội dung
Kế hoạch đến các ban, ngành và UBND cấp xã, Nhân dân thực hiện; Phối hợp chặt
chẽ với các sở, ngành tỉnh có liên quan trong triển khai Kế hoạch, thông tin về
diễn biến mưa, lũ, triều cường và tổ chức thực hiện các dự án, công trình thủy
lợi, giao thông do tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện, sớm đưa vào sử dụng; Lên
phương án ứng phó nếu lũ, triều cường xảy ra theo kịch bản 2. Giải quyết các
khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng để thi công nhanh những
công trình ứng phó và khắc phục mưa, lũ, triều cường (nếu có).
Chỉ đạo rà soát các
tuyến đường giao thông còn thấp, tổ chức nâng cấp, sửa chữa theo kế hoạch được
duyệt; đồng thời thực hiện chống tràn tại những đoạn đường bị tràn để đảm bảo
an toàn sản xuất và dân sinh.
Thực hiện chế độ
thông tin, báo cáo ứng phó mưa, lũ, triều cường theo cấp độ rủi ro thiên tai
theo quy định hiện hành.
17. Các tổ chức, đơn vị
đóng trên địa bàn phải chịu sự điều động và chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân-Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp đảm bảo cơ chế chỉ
huy tập trung, thống nhất trong thực hiện Kế hoạch.
18. Căn cứ vào Kế hoạch
này, các sở, ban, ngành tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh, Đài khí tượng Thủy văn
tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao,
chỉ đạo xây dựng kế hoạch ứng phó mưa, lũ, triều cường riêng của ngành, lĩnh
vực, của địa bàn quản lý, bảo vệ an toàn cho sản xuất và đời sống Nhân dân.
Cuối mùa có tổng kết,
đánh giá rút kinh nghiệm, gửi báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giao Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn triển khai cụ thể Kế hoạch này đến các sở, ngành liên
quan và UBND các huyện, thị xã và thành phố; Trong quá trình triển khai thực
hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông
thôn tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.