THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số: 184/2006/QĐ-TTg
|
Hà Nội,
ngày 10 tháng 08 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 184/2006/QĐ-TTG NGÀY 10 THÁNG 8 NĂM 2006 PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH
QUỐC GIA THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC STOCKHOLM VỀ CÁC CHẤT Ô NHIỄM HỮU CƠ KHÓ PHÂN HỦY
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25
tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 68/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về an
toàn hoá chất;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường,
QUYẾT
ĐỊNH
Điều 1. Phê
duyệt Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ
khó phân hủy (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Về các chất
ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (Persistent Orgamc Polutants, viết tắt là
POPs) và Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy:
a) Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ là
các hoá chất rất độc hại, tồn tại bền vững trong môi trường và rất khó phân huỷ,
có khả năng phát tán rộng và tích tụ sinh học cao trong các mô của sinh vật,
gây tác hại nghiêm trọng cho sức khoẻ con người (gây ra các bệnh về sinh sản,
thần kinh, miễn dịch, ung thư, tổn thương đen,... ), đa dạng sinh học và môi
trường sống.
Tại thời điểm hiện nay, Công ước Stockholm
về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (sau đây gọi tắt là Công ước Stockholm)
quy định việc quản lý an toàn hoá chất, giảm thiểu và tiến tới tiêu huỷ hoàn
toàn 12 hoá chất hoặc nhóm hoá chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ độc hại sau
đây: Aldrin, Chlordane, Dieldrin, Endrin, Heptachlor, Hexachlorobenzene, Mirex,
Toxaphene, DDT [1,l,l-trichloro-2,2-bis (4-chlorophenyl)
ethane], PCB (Polychlorinated Biphenyls), Dioxins
(polychlorinated dibenzo-p-dioxins) và Furans (Polychlorinated dibenzofurans).
Chín chất đầu tiên do con người tạo ra để làm thuốc bảo vệ thực vật và chất diệt
côn trung; nhóm chất thứ mười PCB được sử dụng trong dầu cách điện, truyền nhiệt;
hai nhóm chất cuối cùng (Dioxins và Furans) là các hoá chất phát sinh không chủ
định, thường do hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt hoặc xử lý chất thải
sinh ra.
Trong 12 chất hoặc nhóm chất trên, nước ta
đã cấm sử dụng 9 loại thuốc bảo vệ thực vật là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân
huỷ và hạn chế việc nhập khẩu và sử dụng PCB. Vì vậy, để triển khai các cam kết
trong Công ước Stockholm. Việt Nam phải thực hiện:
- Áp dụng các biện pháp, công nghệ tiên tiến
để giảm thiểu sự hình thành và phát sinh không có chủ định các chất ô nhiễm hữu
cơ khó phân huỷ là Dioxin và Furans;
- Ngăn ngừa việc nhập khẩu và sử dụng các
loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm sử dụng; tiêu hủy các kho thuốc bảo vệ thực
vật là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ còn tồn lưu; xử lý ô nhiễm các kho
bãi, khu vực chôn lấp thuốc bảo vệ thực vật trước kia; tẩy độc các khu vực bị ô
nhiễm nghiêm trọng do Dioxin từ chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến
tranh ở Việt Nam;
- Loại bỏ theo lộ trình phù hợp và tiêu hủy
an toàn PCB và thiết bị chứa PCB đã bị thải bỏ.
b) Công ước Stockholm được các nước ký kết
thực hiện nhằm mục đích bảo vệ sức khoẻ con người, đa dạng sinh học và môi trường
sống trước những nguy cơ, rủi ro do các hoá chất rất độc hại là các chất ô nhiễm
hữu cơ khó phân huỷ gây ra. Công ước Stockholm quy định việc ngừng sản xuất, hạn
chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất ô nhiễm hữu cơ khó phân
hủy do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm
thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy
do hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt hoặc xử lý chất thải sinh ra.
2. Mục tiêu của Kế hoạch:
a) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế,
chính sách, pháp luật, thể chế để quản lý an toàn hoá chất, giảm thiểu và tiến
tới loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
b) Tăng cường năng lực về khoa học công
nghệ, thông tin, tài chính để phòng ngừa, kiểm soát và xử lý an toàn đối với
các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
c) Kiểm soát, xử lý và tiêu huỷ hoàn toàn
các kho thuốc bảo vệ thực vật là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy - những
hoá chất rất độc hại đã bị loại bỏ, còn tồn lưu vào năm 2010;
d) Xử lý triệt để các khu vực ô nhiễm thuốc
bảo vệ thực vật là các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và Dioxins từ chất độc
hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam
đ) Giảm thiểu lượng phát thải PCB vào môi
trường; loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc vào năm 2020 và
tiêu huỷ an toàn PCB vào năm 2028;
e) Giảm thiểu liên tục lượng phát thải các
chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hình thành không chủ định (Dioxins và Furans).
3. Nguyên tắc chỉ đạo
thực hiện Kế hoạch:
a) Lấy phòng ngừa là chính, coi các chất ô
nhiễm hữu cơ khó phân hủy là hiểm hoạ trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp
tới sức khoẻ con người, đa dạng sinh học và môi trường sống;
b) Việc quản lý an toàn, giảm thiểu và loại
bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy phải được thực hiện thường xuyên, liên
tục và triệt để;
c) Các nhiệm vụ của Kế hoạch phải bảo đảm
tính khả thi, phù hợp với mục tiêu của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, đồng
thời đáp ứng yêu cầu của Công ước Stockholm;
d) Việc thực hiện Kế hoạch phải bảo đảm
tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện và có sự liên kết tham gia của các cấp, các
ngành, cộng đồng và mọi người dân;
đ) Lấy khoa học, công nghệ làm nền tảng;
phát huy nội lực kết hợp với sử dụng kinh nghiệm và sự giúp đỡ của quốc tế; áp
dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường để quản
lý an toàn, giảm thiểu, xử lý có hiệu quả các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.
4. Nhiệm vụ và giải
pháp thực hiện Kế hoạch:
a) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật:
Rà soát hệ thống cơ chế, chính sách, pháp
luật hiện hành có liên quan đến các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy để có sự sửa
đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp, trong đó ưu tiên các chính sách sau
đây:
- Chính sách quản lý liên ngành về an toàn
hóa chất, trong đó có các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và các hóa chất, chất
thải độc hại khác có liên quan;
- Chính sách khuyến khích các hoạt động giảm
thiểu, thay thế và loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, thuế,
phí, quyền sử dụng đất đai, chuyển giao công nghệ đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ, thực hiện các biện pháp giảm thiểu, thay thế và loại bỏ
các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
- Quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ có khả năng phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy không chủ định
phải tự quan trắc và định kỳ báo cáo kết quả quan trắc các chất này với các cơ
quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các
tiêu chuẩn môi trường làm cơ sở để quản lý an toàn và tiêu hủy các chất ô nhiễm
hữu cơ khó phân hủy;
- Cơ chế công khai thông tin về tình hình
ô nhiễm môi trường do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ra cho cộng đồng
và cơ chế cộng đồng tham gia giám sát, quản lý an toàn đối với các chất ô nhiễm
hữu cơ khó phân hủy.
b) Tăng cường năng lực quản lý các chất ô
nhiễm hữu cơ khó phân hủy:
- Tăng cường năng lực cho cơ quan đầu mối
quốc gia và các cơ quan chức năng khác có liên quan trong việc quản lý nhà nước
đối với các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực
quản lý, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong xử lý các chất ô nhiễm
hữu cơ khó phân hủy; xây dựng và đưa chương trình, nội dung đào tạo về các chất
ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy vào các trường đại học để giảng dạy, học tập;
- Xây dựng và phát triển năng lực kỹ thuật
cho các cơ sở quan trắc và xử lý ô nhiễm môi trường do các chất ô nhiễm hữu cơ
khó phân hủy gây ra;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông
tin quốc gia về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và các hóa chất, chất thải
nguy hại khác để chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các bên có liên quan.
c) Đẩy mạnh công tác điều tra, nghiên cứu
và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý
an toàn, giảm thiểu, tiêu huỷ và loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy:
- Điều tra, thống kê, quan trắc, đánh giá
và cập nhật cơ sở dữ liệu về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
- Xây dựng và áp dụng các hướng dẫn kỹ thuật
về thống kê, đánh giá, báo cáo về lượng tồn lưu, phát thải, sử dụng, vận chuyển,
xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
- Đánh giá, phân loại và xây dựng lộ trình
xử lý các khu vực bị ô nhiễm do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ra;
nghiên cứu và áp dụng các giải pháp phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô
nhiễm do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, ưu tiên xử lý các cơ sở trong
danh mục của "Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng" ban hành kèm theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng
4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ;
- Xây dựng và thực hiện chương trình quốc
gia, ngành về quản lý an toàn hoá chất và thay thế dầu chứa PCB, các thiết bị
và sản phẩm công nghiệp chứa PCB, trong đó tập trung vào
ngành điện;
- Xây dựng chương trình phân tích, quan trắc
và cập nhật dữ liệu về nguồn và lượng phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó
phân hủy hình thành không chủ định, ưu tiên đối với các nguồn có nguy cơ cao ảnh
hưởng tới sức khoẻ con người, đa dạng sinh học và môi trường;
- Nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các
công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường để
giảm thiểu lượng phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy không chủ định,
tập trung vào các ngành sản xuất kim loại, vật liệu xây dựng, hóa chất và xử lý
chất thải.
d) Nâng cao nhận thức, vai trò và trách
nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư và mọi người dân trong việc quản
lý an toàn hóa chất, giảm thiểu và loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy:
- Điều tra, nghiên cửu ảnh hưởng của các
chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đối với sức khoẻ con người, đa dạng sinh học
và môi trường sống;
- Xây dựng và thực hiện các chương trình
đào tạo, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về các chất ô nhiễm hữu cơ khó
phân hủy cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư;
- Xác định trách nhiệm và xây dựng cơ chế
phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương
có liên quan đến quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
- Huy động sự tham gia rộng rãi và tạo cơ
chế thuận lợi để cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội và mọi người dân chủ động
tham gia vào việc quản lý an toàn và giám sát việc sử dụng các chất ô nhiễm hữu
cơ khó phân hủy;
- Công bố công khai thông tin về các cơ sở
gây ô nhiễm môi trường do sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy gây ra.
đ) Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn
đầu tư:
- Tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước,
thu hút nguồn vốn ODA và huy động các nguồn vốn khác cho việc quản lý an toàn,
giảm thiểu, tiêu huỷ và loại bỏ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
- Gắn việc quản lý an toàn, giảm thiểu,
tiêu huỷ và loại bỏ hoàn toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong các
chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm sử dụng tổng hợp
nguồn lực một cách có hiệu quả.
e) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc
tế:
- Thực hiện đầy đủ trách nhiệm thành viên
của Việt Nam đối với Công ước Stockholm. Xây dựng cơ chế để đăng ký miễn trừ, bổ
sung danh sách các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy cần quản lý và báo cáo định
kỳ kết quả thực hiện Công ước Stockholm tại Việt Nam;
- Tham gia các hoạt động hợp tác song
phương và đa phương về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trong khu vực và quốc
tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, trao đổi chuyên gia
về việc thực hiện Công ước Stockholm;
- Tích cực tham gia thực hiện chương trình
quan trắc các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy ở khu vực và toàn cầu;
- Điều phối, gắn kết các hoạt động triển
khai thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy với
các công ước, thỏa thuận bảo vệ môi trường có liên quan.
5. Tổ chức thực hiện Kế
hoạch:
a) Để triển khai thực hiện cáo mục tiêu,
nhiệm vụ của Kế hoạch, giao các Bộ khẩn trương chủ trì xây dựng, phê duyệt hoặc
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt 15 đề án sau đây:
- Đề án hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp
luật về quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (Bộ Tài nguyên và
Môi trường chủ trì);
- Đề án quản lý an toàn, tiêu huỷ và loại
bỏ thuốc bảo vệ thực vật dạng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ tồn lưu (Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì);
- Đề án xử lý triệt để các khu vực bị ô
nhiễm Dioxin từ các chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam
(Bộ Quốc phòng chủ trì);
- Đề án quản lý chất thải y tế để giảm thiểu
lượng phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và một số chất độc hại
khác (Bộ Y tế chủ trì);
- Đề án xử lý triệt để các khu vực bị ô
nhiễm môi trường do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ là thuốc bảo vệ thực vật
và PCB gây ra (Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì);
- Đề án quản lý an toàn hoá chất, loại bỏ
sử dụng và tiêu huỷ đối với PCB, các sản phẩm chứa PCB trong ngành điện và các
sản phẩm công nghiệp (Bộ Công nghiệp chủ trì);
- Đề án xây dựng, phát triển năng lực kỹ
thuật cho các cơ sở quan trắc và phân tích kết quả quan trắc các chất ô nhiễm hữu
cơ khó phân huỷ; thiết lập mạng lưới phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn để phân
tích, đánh giá mức độ ô nhiễm và tác động xấu của các chất ô nhiễm hữu cơ khó
phân huỷ đối với sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường (Bộ Tài
nguyên và Môi trường chủ trì);
- Đề án khuyến khích, hỗ trợ việc áp dụng
các công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường,
kinh nghiệm bảo vệ môi trường tốt nhất hiện có để giảm thiểu và loại trừ phát
thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ hình thành không chủ định do các hoạt
động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và xử lý chất thải gây ra (Bộ Công nghiệp
chủ trì);
- Đề án điều tra và nghiên cứu tác động xấu
của môi trường bị ô nhiễm do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ đối với sức
khỏe cộng đồng (Bộ Y tế chủ trì);
- Đề án tuyên truyền, giáo dục, nâng cao
nhận thức về tác hại của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (Bộ Tài nguyên và
Môi trường chủ trì);
- Đề án tăng cường nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật
và tài chính cho các hoạt động triển khai thực hiện Công ước Stockholm về các
chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ tại Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì);
- Đề án nâng cao năng lực quản lý, kiểm
soát việc sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, lưu giữ, vận chuyển các hóa
chất đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam (Bộ Thương mại chủ
trì);
- Đề án nghiên cứu, xây dựng hệ thống các
tiêu chuẩn phát thải, tiêu chuẩn công nghệ liên quan đến các chất ô nhiễm hữu
cơ khó phân huỷ đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập (Bộ Khoa học và Công nghệ
chủ trì);
- Đề án xây dựng hệ thống thông tin quốc
gia về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ, tăng cường sự tham gia của các bên
có liên quan, cộng đồng dân cư và mọi người dân trong quản lý an toàn đối với
các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì);
- Đề án điều tra và đánh giá tình hình quản
lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trên phạm vi toàn quốc (Bộ Tài nguyên
và Môi trường chủ trì).
b) Phân công trách nhiệm:
- Bộ tài nguyên và môi trường với tư cách
là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm có trách nhiệm chủ
trì, tổ chức thực hiện Kế hoạch; đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các nhiệm vụ
đã được phân công; tổng hợp số liệu, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch
lên Thủ tướng Chính phủ và Ban thư ký Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu
cơ khó phân huỷ;
- Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương theo phạm vi quản lý, có nhiệm vụ xây dựng và tổ
chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch đã được phân công, định kỳ báo cáo kết
quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ và cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện
Công ước Stockholm là Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ
Tài chính cân đối, bố trí vốn từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn vốn khác
trong kế hoạch hàng năm và dài hạn để thực hiện có hiệu quả các nội dung, đề án
của Kế hoạch.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có
trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quyết định này. Các Bộ trưởng, Thủ
trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|