THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 1775/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 11 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ PHÁT THẢI KHÍ GÂY HIỆU ỨNG NHÀ KÍNH;
QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TÍN CHỈ CÁC-BON RA THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi
trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính;
quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới với những
nội dung sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ PHẠM
VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Quan điểm
a) Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính
- Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (sau
đây gọi tắt là khí nhà kính) phải phù hợp với chiến lược, chính sách, bối cảnh
trong nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, hướng tới phát triển nền
kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh.
- Quản lý phát thải khí nhà kính được thực hiện có
trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho từng giai đoạn đối với các nguồn phát thải
khí nhà kính chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất,
thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp (LULUCF) và chất thải.
- Nhà nước bảo đảm các nguồn lực cần thiết, khuyến
khích và huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, hỗ trợ của quốc tế về
tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong việc quản lý phát thải khí nhà
kính.
b) Quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon
ra thị trường thế giới
- Tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh
doanh tín chỉ các-bon trên cơ sở thực hiện đúng các quy định trong nước và thế
giới.
- Hình thành thị trường các-bon trong nước và tham
gia thị trường các-bon thế giới.
2. Mục tiêu
a) Quản lý phát thải khí nhà kính
- Mục tiêu chung: Quản lý phát thải khí nhà kính nhằm
thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các
điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời tận dụng các cơ hội để phát
triển nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh và cùng cộng đồng quốc tế
trong nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện mục tiêu phát
triển bền vững đất nước.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Tăng cường năng lực kiểm kê khí nhà kính quốc gia
cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong hệ thống kiểm kê quốc gia khí
nhà kính. Thiết lập, vận hành hệ thống quốc gia kiểm kê khí nhà kính và thực hiện
kiểm kê định kỳ hai (02) năm một lần theo quy trình;
+ Phổ biến, áp dụng các công nghệ giảm phát thải và
tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính tiềm năng tại Việt Nam;
+ Xây dựng khung - chương trình các hành động giảm
nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với, hoàn cảnh quốc gia (NAMA) của Việt Nam
và đăng ký, triển khai rộng các NAMA. Thực hiện báo cáo định kỳ về biến đổi khí
hậu và cập nhật các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong nước;
+ Hình thành và đưa vào hoạt động hệ thống đo đạc,
báo cáo, thẩm tra (MRV) cấp quốc gia;
+ Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các
ngành, các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng;
+ Tăng cường hợp tác quốc tế nhầm tranh thủ sự hỗ
trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của quốc tế trong việc thực hiện Chiến
lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
b) Quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon
ra thị trường thế giới
- Mục tiêu chung: Quản lý, giám sát hiệu quả các hoạt
động mua bán, chuyển giao tín chỉ các-bon được tạo ra từ các cơ chế trong và
ngoài khuôn khổ Nghị định thư Kyoto ra thị trường thế giới.
- Mục tiêu cụ thể:
+ Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý
đối với hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon được tạo ra từ Cơ chế phát triển sạch
(CDM) thuộc Nghị định thư Kyoto; xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế, chính
sách có liên quan để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thể đầu tư,
kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới;
+ Góp phần phát triển bền vững đất nước từ các lợi
ích thu được thông qua hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế
giới.
3. Phạm vi thực hiện của Đề án
a) Quản lý phát thải khí nhà kính
Quản lý phát thải 06 loại khí nhà kính theo quy định
của Nghị định thư Kyoto là Carbon dioxide (CO2), Methane (CH4)
Nitrous oxide (N2O), Hydrofluorocarbons (HFCs), Perfuorocarbons
(PFCs), Sulfur hexafluoride (SFCs); tập trung thực hiện tại các nguồn phát thải
và bể hấp thụ khí nhà kính chính, trọng điểm trong nước thuộc các lĩnh vực năng
lượng, nông nghiệp, LULUCF và chất thải theo hướng dẫn của Ban liên Chính phủ về
biến đổi khí hậu (IPCC).
b) Quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon
ra thị trường thế giới
Áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và
doanh nghiệp tham gia hoạt động tư vấn xây dựng, thực hiện các dự án và kinh
doanh tín chỉ các-bon thu được từ các hoạt động giảm nhẹ phát thải và tăng khả
năng hấp thụ khí nhà kính ở Việt Nam.
Đề án được thực hiện từ nay đến năm 2020. Các mục
tiêu, nhiệm vụ của Đề án được xác định tập trung ưu tiên cho giai đoạn từ nay đến
năm 2015. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết những kết quả đã làm được, đề xuất điều
chỉnh về mục tiêu, yêu cầu và nội dung cho giai đoạn sau.
II. CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN
1. Quản lý phát thải khí nhà kính
a) Kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho năm cơ sở 2005
và xây dựng kịch bản phát thải cơ sở
- Xây dựng hệ thống kiểm kê khí nhà kính cấp quốc
gia với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan; xây dựng, rà
soát, bổ sung và hoàn thiện cơ chế tài chính, chính sách và văn bản quy phạm
pháp luật, quy định về kiểm kê khí nhà kính phù hợp với hướng dẫn của IPCC về
kiểm kê quốc gia khí nhà kính.
- Thực hiện kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho năm
cơ sở 2005 theo hướng dẫn của IPCC. Đánh giá và phân loại các nguồn phát thải
và bể hấp thụ khí nhà kính chủ yếu ở trong nước thuộc các lĩnh vực năng lượng,
các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, LULUCF và chất thải.
- Xây dựng kịch bản phát thải cơ sở đến năm 2020
cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, LULUCF và chất thải.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm kê quốc gia khí
nhà kính định kỳ.
b) Thực hiện mục tiêu giảm phát thải và tăng khả
năng hấp thụ khí nhà kính đến năm 2020
Thực hiện một số mục tiêu giảm phát thải khí nhà
kính cụ thể cho các lĩnh vực chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông
vận tải, nông nghiệp, chất thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính trong
lĩnh vực LULUCF đến năm 2020 phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh quốc gia và các
điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải
Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính so với năm
2005: 8%
Hoạt động, biện pháp giảm phát thải:
+ Tăng cường hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng;
bảo tồn năng lượng;
+ Phát triển năng lượng tái tạo;
+ Chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản
xuất điện;
+ Sử dụng khí đồng hành trong khai thác dầu;
+ Phát triển giao thông công cộng;
+ Sử dụng khí hóa lỏng thay thế xăng, dầu DO cho
các phương tiện vận tải hành khách;
+ Sản xuất vật liệu xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô
thị.
- Lĩnh vực nông nghiệp
Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính so với năm
2005: 20%
Hoạt động, biện pháp giảm phát thải:
+ Ứng dụng các biện pháp canh tác lúa tiên tiến
theo hướng tiết kiệm nước và giảm chi phí đầu vào;
+ Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả
sử dụng phân đạm, giảm phát thải N2O trong canh tác lúa;
+ Ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhiên
liệu trong làm đất, tưới nước cho các cây trồng công nghiệp, phát triển và ứng
dụng các biện pháp canh tác tối thiểu nhằm giảm phát thải khí nhà kính;
+ Thu gom, tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm nông
nghiệp, Phát triển và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải hữu cơ trong canh tác
rau màu, mía, cây công nghiệp ngắn và dài ngày;
+ Thay đổi khẩu phần thức ăn trong chăn nuôi gia
súc, gia cầm. Cung cấp bánh dinh dưỡng MUB cho bò sữa;
+ Ứng dụng quy trình Thực hành sản xuất nông nghiệp
tốt ở Việt Nam (VIETGAP) trong chăn nuôi;
+ Sử dụng kháng sinh từ vi khuẩn, vi khuẩn đường một
để giảm mức độ phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi;
+ Phát triển công nghệ khí sinh học và hệ thống thu
gom, lưu giữ, xử lý phân chuồng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
- Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm
nghiệp
Mục tiêu tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính so với
năm 2005: 20%
Hoạt động, biện pháp tăng khả năng hấp thụ:
+ Bảo vệ rừng;
+ Trồng rừng, tái trồng rừng;
+ Đẩy mạnh phục hồi rừng, tái sinh tự nhiên;
+ Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn
chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và
nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+).
- Lĩnh vực chất thải
Mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính so với năm
2005: 5%
Hoạt động, biện pháp giảm phát thải:
+ Thu hồi và sử dụng khí mê-tan (CH4) từ
các bãi chôn lấp rác;
+ Xử lý nước thải công nghiệp.
c) Đánh giá nhu cầu công nghệ, phổ biến, áp dụng
các công nghệ giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính tiềm năng tại
Việt Nam
- Xác định, phân loại lĩnh vực, đánh giá các công
nghệ giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính tiềm năng
trên cơ sở Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch hành động quốc gia
góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
- Xác định các rào cản trong phổ biến, áp dụng các
công nghệ giảm phát thải khí nhà kính tiềm năng.
- Xây dựng kế hoạch hành động công nghệ; phổ biến,
áp dụng các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính tiềm năng được lựa chọn.
d) Xây dựng khung chương trình các hành động giảm
nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với hoàn cảnh quốc gia của Việt Nam, đăng ký
và triển khai hoạt động các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với
hoàn cảnh quốc gia
Xây dựng khung chương trình NAMA của Việt Nam bao gồm
các chương trình trọng điểm cần thực hiện để giảm phát thải khí nhà kính trong
nước, phục vụ phát triển bền vững đất nước.
Các hoạt động NAMA của Việt Nam được xây dựng tập
trung vào những nội dung ưu tiên sau đây:
- Lĩnh vực năng lượng
+ Sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo tồn và tiết kiệm
năng lượng;
+ Chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch;
+ Phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng
tái tạo;
+ Chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng trong ngành giao
thông, thay thế nhiên liệu xăng dầu bằng khí hóa lỏng cho các loại ô tô chuyên
chở hành khách.
- Lĩnh vực nông nghiệp
+ Ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến nhằm giảm
phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp;
+ Ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý chất thải
hữu cơ trong nông nghiệp;
+ Thay đổi khẩu phần thức ăn trong chăn nuôi gia
súc, gia cầm. Ứng dụng quy trình VIETGAP trong chăn nuôi;
+ Phát triển công nghệ khí sinh học trong chăn nuôi
gia súc, gia cầm.
- Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm
nghiệp
+ Trồng rừng, tái trồng rừng;
+ Đẩy mạnh phục hồi rừng, tái sinh tự nhiên;
+ Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn
chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và
nâng cao trữ lượng các-bon rừng.
đ) Thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra
Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm tra (MRV) bao gồm cấp
quốc gia và cấp ngành được thiết lập trong giai đoạn đầu của Đề án nhằm phục vụ
cho các yêu cầu liên quan tới kiểm kê quốc gia khí nhà kính, quản lý phát thải
khí nhà kính, bao gồm cả việc xây dựng các hệ số phát thải riêng cho quốc gia.
Trong giai đoạn tiếp theo, hệ thống này sẽ được mở rộng để theo dõi các hoạt động
gây nhiều phát thải khí nhà kính theo ngành, lĩnh vực và đáp ứng các yêu cầu
cung cấp số liệu cho kiểm tra và báo cáo định kỳ theo quy định của UNFCCC; đồng
thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động NAMA.
e) Thông tin, tuyên truyền
Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục ý thức, trách nhiệm, nâng cao nhận thức về quản lý phát thải khí nhà
kính theo các nhóm đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa
phương, khối doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức và
cá nhân có liên quan.
2. Quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon
ra thị trường thế giới
a) Trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto
Tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh
doanh tín chỉ các-bon được tạo ra từ dự án CDM trong khuôn khổ Nghị định thư
Kyoto.
b) Ngoài khuôn khổ Nghị định thư Kyoto
+ Rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp
luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của thị trường tín chỉ các-bon tự nguyện;
+ Xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các địa
phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dự án kinh doanh tín chỉ
các-bon từ rừng theo hướng xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng; huy động
các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác này.
+ Xây dựng các quy định và hướng dẫn về quản lý,
giám sát các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon được tạo ra từ các dự án,
chương trình ngoài khuôn khổ Nghị định thư Kyoto.
c) Thông tin, tuyên truyền
Tổ chức hoạt động phổ biến, tuyên truyền nâng cao
nhận thức, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và cá
nhân tích cực tham gia vào hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon theo cơ chế
trong và ngoài Nghị định thư Kyoto phù hợp với các quy định trong nước và quốc
tế.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống
văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý nhà nước
về quản lý phát thải khí nhà kính và quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ
các-bon ra thị trường thế giới phù hợp với tình hình mới sau năm 2012.
2. Tăng cường đầu tư, tài chính
- Huy động các nguồn lực tài chính của các cơ quan,
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia các hoạt động giảm phát thải và tăng
khả năng hấp thụ khí nhà kính; kinh doanh tín chỉ các-bon.
- Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật
phục vụ công tác quản lý nhà nước về phát thải khí nhà kính và kinh doanh tín
chỉ các-bon.
- Giao các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây
dựng và tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Đề án, chủ động xây
dựng và tổng hợp kinh phí thực hiện Đề án cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân
sách nhà nước hàng năm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Phát triển nguồn nhân lực
- Khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực
trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quản lý phát thải khí nhà kính và quản lý
các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng
đồng tham gia vào các chương trình, dự án giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ
khí nhà kính và các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon.
- Nâng cao kiến thức quản lý nhà nước cho các nhà
hoạch định chính sách, các cán bộ về việc quản lý phát thải khí nhà kính và quản
lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon.
- Tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và cá nhân trong việc thực hiện các hoạt
động giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính và các hoạt động kinh
doanh tín chỉ các-bon.
4. Công tác tuyên truyền, giáo dục
- Thực hiện đa dạng hóa, tiếp cận theo nhiều cách
thức các chương trình, hoạt động về tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách
nhiệm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng về giảm phát thải và
tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính và kinh doanh tín chỉ các-bon.
- Tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp giữa cơ quan quản
lý nhà nước và các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương trong hoạt động
tuyên truyền, phổ biến thông tin về giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà
kính và kinh doanh tín chỉ các-bon.
5. Ứng dụng và phát triển công nghệ
Ứng dụng và phát triển công nghệ giảm phát thải khí
nhà kính trên cơ sở đánh giá nhu cầu công nghệ và nghiên cứu, xây dựng và đánh
giá một số phương án giảm khí nhà kính tiềm năng với chi phí thấp, hiệu quả,
phù hợp với điều kiện quốc gia trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải,
nông nghiệp, LULUCF và chất thải.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của các cơ
quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với các hoạt động giảm
phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính và kinh doanh tín chỉ các-bon của
các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan.
7. Tăng cường hợp tác quốc tế
- Thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, chuyển giao
công nghệ cho các hoạt động giảm phát thải, tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính
và kinh doanh tín chỉ các-bon nhằm phát triển nền kinh kế các-bon thấp và tăng
trưởng xanh.
- Học tập và trao đổi kinh nghiệm với các nước tiên
tiến về quản lý phát thải khí nhà kính và các hoạt động kinh doanh tín chỉ
các-bon trên thị trường thế giới.
IV. TIẾN ĐỘ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN
1. Tiến độ thực hiện
a) Giai đoạn 2012 - 2015:
- Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, thông qua
quy chế hoạt động và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề
án.
- Ưu tiên triển khai các hoạt động sau:
+ Tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm thực
hiện giảm phát thải khí nhà kính của các cấp, các ngành, các địa phương và
doanh nghiệp;
+ Thiết lập hệ thống kiểm kê khí nhà kính cấp quốc
gia;
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm kê quốc gia khí
nhà kính. Kiểm kê quốc gia khí nhà kính cho năm cơ sở 2005 theo hướng dẫn của
IPCC;
+ Xây dựng kịch bản phát thải cơ sở đến năm 2020
cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, LULUCF và chất thải;
+ Nghiên cứu, phát triển, phổ biến và áp dụng các
công nghệ giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính tiềm năng được lựa
chọn trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, LULUCF và
chất thải;
+ Xây dựng khung chương trình NAMA của Việt Nam.
Nghiên cứu xây dựng phương pháp luận, đăng ký và thực hiện thí điểm NAMA;
+ Xây dựng hệ thống MRV cấp quốc gia, cấp ngành
liên quan cho NAMA;
+ Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các địa phương,
cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân về việc xây dựng và thực hiện các hoạt
động kinh doanh tín chỉ các-bon theo đúng các quy định trong nước và quốc tế;
+ Rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống pháp lý
về cơ chế chính sách đối với các dự án CDM;
+ Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình
thành và vận hành thị trường các-bon;
+ Nâng cao năng lực của các nhà hoạch định chính
sách, cán bộ quản lý của các Bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý các hoạt
động kinh doanh tín chỉ các-bon;
+ Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý
kinh doanh tín chỉ các-bon trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto;
+ Xây dựng quy định quản lý các chương trình, dự án
kinh doanh tín chỉ các-bon ngoài khuôn khổ Nghị định thư Kyoto.
b) Giai đoạn 2016 - 2020:
- Tiếp tục triển khai sâu, rộng các nội dung chính
của Đề án, bao gồm:
+ Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường năng
lực thực hiện giảm phát thải khí nhà kính;
+ Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách
về quản lý, giám sát phát thải khí nhà kính;
+ Thực hiện một số mục tiêu giảm phát thải và tăng
khả năng hấp thụ khí nhà kính cụ thể trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông
vận tải, nông nghiệp, LULUCF và chất thải;
+ Kiểm kê khí nhà kính định kỳ;
+ Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, chỉ tiêu
về tiêu thụ năng lượng, phát thải;
+ Đăng ký và triển khai rộng các NAMA trên cơ sở kết
quả thành công của NAMA thí điểm;
+ Xây dựng báo cáo định kỳ về phát thải và giảm
phát thải khí nhà kính;
+ Tăng cường công tác quản lý các hoạt động kinh
doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới phù hợp với bối cảnh trong nước và
quốc tế.
- Tổng kết đánh giá hiệu quả thực hiện Đề án.
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện
Đề án và kiến nghị các công việc phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.
2. Kinh phí thực hiện Đề án
a) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án được
xác định trong Danh mục kèm theo Đề án này dự kiến khoảng 220 tỷ đồng, trong
đó:
- Từ ngân sách nhà nước là 120 tỷ đồng;
- Từ nguồn vốn ODA là 100 tỷ đồng.
b) Kinh phí cho quản lý, điều hành Đề án được trích
một phần từ kinh phí thuộc Đề án.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện Đề án; xây dựng kế hoạch triển
khai thực hiện Đề án đúng tiến độ; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, đánh
giá kết quả thực hiện Đề án ở các Bộ, ngành, các địa phương.
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm
quyền ban hành các quy định về phương pháp luận, quy trình thu thập, tổng hợp,
báo cáo số liệu phục vụ kiểm kê quốc gia khí nhà kính theo hướng dẫn của IPCC.
- Theo dõi, giám sát việc thực hiện mục tiêu, chỉ
tiêu giảm phát thải khí nhà kính tại các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà
kính chủ yếu và trọng điểm do các Bộ, ngành, địa phương quản lý.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và hướng dẫn
các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm
của cơ quan, tổ chức và nhân dân trong trong việc thực hiện các hoạt động giảm
phát thải và tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính và kinh doanh tín chỉ
các-bon.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các
Bộ, ngành và địa phương lồng ghép vấn đề quản lý phát thải khí nhà kính và các
hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon vào Chiến lược tăng trưởng xanh phù hợp với
định hướng giảm phát thải chung của nền kinh tế cũng như các kịch bản phát triển
các-bon thấp do các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng. Phối hợp với các Bộ, ngành,
địa phương trong việc vận động quốc tế hỗ trợ tài chính và kỹ thuật giúp Việt
Nam thực hiện quản lý phát thải khí nhà kính theo từng giai đoạn.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản
hướng dẫn các địa phương, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên doanh, liên kết
kinh doanh tín chỉ các-bon thu được từ rừng trên thị trường ngoài Nghị định thư
Kyoto.
5. Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng
có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đề án đúng tiến độ và hiệu quả;
bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm đồng thời huy động từ nguồn vốn
khác theo quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của
Đề án.
6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành
liên quan tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, dự án thành phần của
Đề án trình Chính phủ phê duyệt, phân bổ ngân sách.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham gia vào quá trình kiểm kê
quốc gia khí nhà kính, giám sát việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà
kính của các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi địa phương;
phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường các hoạt động quản lý việc kinh
doanh tín chỉ các-bon của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa
bàn quản lý. Chủ động huy động thêm nguồn lực và lồng ghép các hoạt động quản
lý phát thải khí nhà kính vào các chương trình, dự án giảm phát thải và tăng cường
khả năng hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn; thực hiện chế độ báo cáo về các hoạt
động giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính, kinh doanh tín chỉ
các-bon theo quy định.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các
quy định của Nhà nước về quản lý phát thải khí nhà kính và quản lý các hoạt động
kinh doanh tín chỉ các-bon và các nội dung nêu tại Đề án này.
Trong quá trình xây dựng các nhiệm vụ, dự án cụ thể
nêu trong Danh mục của Đề án, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện việc rà
soát để bảo đảm không trùng lặp với các nhiệm vụ, dự án đã nêu trong Chương
trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng
xanh phù hợp với định hướng giảm phát thải chung của nền kinh tế, Khung ma trận
chính sách thuộc Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN; các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, ĐP, KGVX,
TKBT;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
DANH MỤC
CÁC
NHIỆM VỤ, DỰ ÁN CHUYÊN MÔN THUỘC ĐỀ ÁN QUẢN LÝ PHÁT THẢI KHÍ GÂY HIỆU ỨNG NHÀ
KÍNH; QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TÍN CHỈ CÁC-BON RA THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2012 của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên nhiệm vụ, dự
án
|
Thời gian thực
hiện
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
1
|
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm
thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, kinh doanh tín chỉ các-bon của các cấp,
các ngành, các địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp theo đúng các quy định
trong nước và quốc tế
|
2012-2020
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Bộ Thông tin và
Truyền thông và các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương
|
2
|
Thiết lập hệ thống kiểm kê khí nhà kính cấp quốc
gia
|
2012-2014
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
3
|
Nghiên cứu, xây dựng và đánh giá một số phương án
để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cụ thể trong lĩnh vực năng
lượng (bao gồm công nghiệp)
|
2012-2013
|
Bộ Công Thương
|
Bộ Xây dựng
|
4
|
Nghiên cứu, xây dựng và đánh giá một số phương án
để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cụ thể trong lĩnh vực giao
thông vận tải
|
2012-2013
|
Bộ Giao thông vận
tải
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
5
|
Nghiên cứu, xây dựng và đánh giá một số phương án
để thực hiện mục tiêu giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính cụ
thể trong nông nghiệp và LULUCF
|
2012-2013
|
Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
6
|
Nghiên cứu, xây dựng và đánh giá một số phương án
để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cụ thể trong lĩnh vực chất
thải, sản xuất vật liệu xây dựng và hạ tầng kỹ thuật đô thị
|
2012-2013
|
Bộ Xây dựng
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
7
|
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ
các phương án giảm nhẹ khí nhà kính ưu tiên được xây dựng trong các lĩnh vực
năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, LULUCF và chất thải
|
2012-2015
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
|
8
|
Xây dựng khung chương trình NAMA của Việt Nam.
Nghiên cứu xây dựng phương pháp luận, đăng ký và thực hiện thí điểm NAMA
|
2012-2015
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
9
|
Xây dựng hệ thống MRV của Việt Nam cho NAMA
|
2012-2015
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
10
|
Rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống pháp lý
về cơ chế chính sách đối với các dự án CDM
|
2012-2014
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Bộ Tài chính, Bộ Tư
pháp và các Bộ, ngành liên quan
|
11
|
Xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình
thành và vận hành thị trường các-bon
|
2012-2014
|
Bộ Tài chính
|
Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
|
12
|
Nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn
các địa phương, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên doanh, liên kết kinh
doanh tín chỉ các-bon thu được từ rừng trên thị trường ngoài Nghị định thư
Kyoto
|
2012-2013
|
Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường và các Bộ, ngành liên quan
|
13
|
Nâng cao năng lực hoạch định chính sách, quản lý
trong hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực nông nghiệp,
lâm nghiệp
|
2012-2015
|
Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
|
Các Bộ, ngành,
liên quan
|
14
|
Nâng cao năng lực hoạch định chính sách, quản lý
trong việc quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon trong lĩnh vực
năng lượng (bao gồm công nghiệp)
|
2012-2015
|
Bộ Công Thương
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
15
|
Nâng cao năng lực hoạch định chính sách, quản lý
trong việc quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon trong lĩnh vực
giao thông vận tải
|
2012-2015
|
Bộ Giao thông vận
tải
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
16
|
Nâng cao năng lực hoạch định chính sách, quản lý
trong việc quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon trong lĩnh vực chất
thải
|
2012-2015
|
Bộ Xây dựng
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
17
|
Xây dựng cơ sở dữ liệu, quy trình quản lý các chương
trình, dự án kinh doanh tín chỉ các-bon
|
2012-2015
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Bộ Tài chính và
các Bộ, ngành liên quan
|
18
|
Tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về
quản lý, giám sát phát thải khí nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh
tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới phù hợp với điều kiện trong nước và quốc
tế
|
2016-2020
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
|
19
|
Kiểm kê khí nhà kính định kỳ
|
2016-2020
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
20
|
Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, chỉ tiêu
về tiêu thụ năng lượng, phát thải
|
2016-2020
|
Bộ Công Thương
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
21
|
Xây dựng hệ thống MRV cấp quốc gia/cấp ngành cho
tất cả các lĩnh vực liên quan
|
2016-2020
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
22
|
Chuẩn bị và xây dựng các báo cáo định kỳ về phát
thải và giảm phát thải khí nhà kính
|
2012-2020
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|
23
|
Kiểm tra, giám sát, đánh giá và quản lý thực hiện
Đề án
|
2012-2020
|
Bộ Tài nguyên và
Môi trường
|
Các Bộ, ngành liên
quan
|