Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 160/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Lê Văn Hiểu
Ngày ban hành: 03/02/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 03 tháng 02 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 36/TTr-TNMT ngày 12 tháng 01 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hải Dương (Có Phương án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Trung tâm CNTT - VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KTN, Thành (10 b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Hiểu

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2023 của UBND tỉnh Hải Dương)

I. TIỀM NĂNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Hải Dương là tỉnh có khoáng sản hạn chế về chủng loại, khoáng sản tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông Bắc của tỉnh thuộc địa bàn thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn, trong đó tiềm năng, thế mạnh chủ yếu là nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng (sét chịu lửa, kaolin, Keratophyr, đá vôi, đá sét xi măng, đá vôi xây dựng, sét gạch ngói, cát đen xây dựng, đất đồi). Ngoài ra còn có than đá (thành phố Chí Linh) và nước khoáng nóng (Thạch Khôi, thành phố Hải Dương).

Hầu hết các loại khoáng sản nêu trên đã được phát hiện và khai thác từ rất sớm (trước Luật Khoáng sản năm 1996) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người. Qua nhiều năm khai thác, đến nay nhóm khoáng sản có giá trị kinh tế, quy mô công nghiệp (đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng, sét chịu lửa,...) đã dần cạn kiệt, hầu hết các mỏ, điểm mỏ có giá trị kinh tế đi vào giai đoạn cuối của quá trình khai thác và phải thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, bàn giao đất cho địa phương quản lý theo quy định.

Bên cạnh những khu vực có khoáng sản đang đi vào giai đoạn cuối nêu trên, những khu vực có khoáng sản hiện nay chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản phục vụ san lấp (đất đồi, đất và cát bãi bồi) tập trung tại địa bàn thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn và dọc theo các con sông chính ở 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh (trừ huyện Gia Lộc và huyện Bình Giang).

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thực trạng công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh

Thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh, góp phần tăng thu cho ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các địa phương có hoạt động khoáng sản,...; công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được các cơ quan chức năng, UBND các cấp quan tâm thực hiện. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo (Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 29-KH/TU ngày 22/11/2011 về “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 15/11/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh”; Chương trình hành động số 47- CTr/TU ngày 15/8/2022 của Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện Nghị quyết số 10- NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh đã ban hành 02 Đề án: Đề án “Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, khoáng sản cho phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011 - 2015” và Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương”); công tác quy hoạch khoáng sản được quan tâm; đã tăng cường các giải pháp quản lý hành chính, kiểm soát sản lượng khai thác, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: chưa làm tốt các yêu cầu về cắm mốc các khu vực được cấp phép khai thác và kiểm soát sản lượng khai thác; chưa ban hành được Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; tình trạng vi phạm tại các mỏ khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác và tình trạng khai thác khoáng sản không có giấy phép (nhất là tại địa bàn thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn) vẫn diễn biến phức tạp; các cơ quan nhà nước chưa làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về khoáng sản còn chưa được kịp thời.

2. Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế

2.1. Nguyên nhân khách quan

- Chính sách, pháp luật về khoáng sản còn có những bất cập, chưa điều chỉnh được hết các tình huống phát sinh trong thực tiễn;

- Nhu cầu sử dụng khoáng sản lớn, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu dùng trong san lấp mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đã làm gia tăng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;

- Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn hạn chế, được hưởng quyền lợi nhưng không chủ động thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật hoặc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép.

2.2. Nguyên nhân chủ quan

- Các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; chưa kịp thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp;

- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, thậm chí còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (thực tiễn cho thấy, địa phương nào cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện quyết liệt, thì ở đó không có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép);

- Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) còn hạn chế;

- Công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép đã được tăng cường, tuy nhiên việc xử lý sau kiểm tra chưa triệt để. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành liên quan với UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn còn hạn chế.

III. CÁC KHU VỰC CẦN PHẢI BẢO VỆ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Khu vực nằm trong các quy hoạch khoáng sản của địa phương và Trung ương

Bao gồm 79 khu vực khoáng sản, được quy hoạch theo các văn bản sau:

- Quyết định số 1669/QĐ-UBND ngày 29/6/2010 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó giai đoạn 2010-2015 có 63 điểm mỏ (29 điểm mỏ đất sét sản xuất gạch ngói; 11 điểm mỏ đất san lấp; 08 điểm mỏ đá xây dựng; 12 điểm mỏ cát xây dựng; 03 điểm mỏ cuội sỏi thạch anh và cát kết, tro xỉ nhiệt điện); giai đoạn 2016-2020 có 27 điểm mỏ (11 điểm mỏ đất sét sản xuất gạch ngói; 06 điểm mỏ đá xây dựng; 08 điểm mỏ cát xây dựng; 02 điểm mỏ cuội sỏi thạch anh và cát kết, tro xỉ nhiệt điện);

- Quyết định số 3693/QĐ-UBND ngày 28/12/2010 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản công nghiệp giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó có các điểm mỏ khoáng sản nhiên liệu (mỏ than Cổ Kênh, mỏ than Chí Linh, các điểm than bùn Hiệp An); các điểm mỏ khoáng sản kim loại (các điểm quặng sắt, quặng Bauxit núi Thần, Lỗ Sơn); các điểm mỏ khoáng sản phi kim loại (quặng photphorit hang Đèn, Lỗ Sơn và một số hang đá phường Phú Thứ, Minh Tân); các điểm mỏ nước khoáng, nước nóng (nước khoáng nóng Thạch Khôi, Đức Chính, Ái Quốc...);

- Quyết định số 683/QĐ-UBND ngày 12/02/2018 của UBND tỉnh về việc bổ sung mỏ đất đồi tại khu vực đồi Ông Sao, phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh vào Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 04/3/2020 của UBND tỉnh về việc bổ sung diện tích 11,16 ha đất núi Trại Tường, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh vào Quy hoạch khoáng sản làm VLXD tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 605/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh về việc bổ sung diện tích 24,7 ha đất tại khu vực Bến Tắm, thành phố Chí Linh vào Quy hoạch khoáng sản làm VLXD tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 612/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh về việc bổ sung diện tích 9,6599 ha mỏ đá cát kết đồi Đại Bộ, phường Hoàng Tân và xã Bắc An, thành phố Chí Linh vào Quy hoạch khoáng sản làm VLXD tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 6/5/2020 của UBND tỉnh về việc bổ sung diện tích 75.974,3m² đất đồi Ông Sao thuộc phường Hoàng Tân, phường Bến Tắm và diện tích 104.767,5m² đất đồi Hang Hổ thuộc phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh vào Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 1187/QĐ-UBND ngày 07/5/2020 của UBND tỉnh về việc bổ sung diện tích 149.454 đất đồi Đống Đá, đồi Võng Ngang thuộc phường Thái Học và phường Văn Đức, thành phố Chí Linh vào Quy hoạch khoáng sản làm VLXD tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 1673/QĐ-UBND ngày 24/6/2020 của UBND tỉnh về việc bổ sung diện tích 64.307m² đất khu vực phía Tây Nam núi Cúc Tiên phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn vào Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 1701/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung diện tích 226.663 m² đất tại khu vực đồi Kênh Mai, phường Văn Đức và phường An Lạc, thành phố Chí Linh vào Quy hoạch khoáng sản làm VLXD tỉnh Hải Dương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm xi măng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008; điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 (Chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo).

2. Các khu vực không nằm trong quy hoạch khoáng sản hiện nay nhưng có khoáng sản cần phải bảo vệ

Bao gồm 08 khu vực khoáng sản với tổng diện tích 264,4053 ha (Chi tiết tại Phụ lục 02 kèm theo).

3. Các khu vực thuộc danh mục khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản

Toàn tỉnh có 1.339 khu vực cấm hoạt động khoáng sản với diện tích 27.165,61 ha và 02 khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản theo Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 16/01/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương (Chi tiết tại Phụ lục 03 kèm theo).

4. Các khu vực được UBND tỉnh cho phép thu hồi khoáng sản

Hiện toàn tỉnh còn có 03 khu vực được UBND tỉnh cho phép thực hiện thu hồi khoáng sản trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, đến hết thời hạn cho phép các đơn vị thu hồi khoáng sản vẫn chưa hoàn thiện nên tiếp tục đề nghị gia hạn thời gian thực hiện:

- Khu vực thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Đại Dương, phường Văn An, thành phố Chí Linh;

- Khu vực thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện Dự án nạo vét hồ chứa nước Bình Giang, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh;

- Khu vực thu hồi khoáng sản phía Đông đường Trần Hưng Đạo, thành phố Chí Linh.

5. Các khu vực khác có tiềm năng về khoáng sản cần phải bảo vệ

Địa bàn thành phố Chí Linh, địa bàn thị xã Kinh Môn và các khu vực khác có tiềm năng về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

IV. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ KHOÁNG SẢN

1. Quan điểm, mục tiêu

1.1. Quan điểm

- Khoáng sản là tài nguyên hữu hạn và không tái tạo, là nguồn lực to lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh. Vì vậy phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả;

- Việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; của các tổ chức, cá nhân có liên quan và của tất cả các tầng lớp nhân dân trong tỉnh;

- Coi trọng công tác phòng ngừa thông qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức và cá nhân về các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Quy định rõ trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái pháp luật.

1.2. Mục tiêu

- Thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; cụ thể hóa các Điều 16, 17, 18 và 81 Luật Khoáng sản năm 2010, các Điều 17 và 20 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

- Cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025; Chỉ thị số 22- CT/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh” và Chương trình hành động số 47-CTr/TU ngày 15/8/2022 của Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác quản lý khoáng sản; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

- Bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, xử lý triệt để vấn đề khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại các khu vực có khoáng sản;

- Phát huy trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nhằm phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh và quốc gia;

- Khắc phục cơ bản các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua.

2. Các giải pháp thực hiện

2.1. Công tác xây dựng, công khai và thực hiện quy hoạch về khoáng sản

- Tiếp tục rà soát quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ, chính xác và thống nhất với nội dung của Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp trong quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được phê duyệt;

- Quy hoạch khi đã được phê duyệt thì phải thực hiện công khai quy hoạch bằng nhiều hình thức với phương châm dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ để doanh nghiệp, người dân biết, hưởng ứng và tham gia giám sát quá trình thực hiện;

- Việc cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải thực hiện theo đúng quy hoạch về khoáng sản đã được phê duyệt.

2.2. Công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật về khoáng sản

Thường xuyên làm tốt công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tham mưu, đề xuất góp ý sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp hoặc có mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật, đề xuất ban hành các quy định quy phạm mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh; làm tốt việc thực hiện và tham mưu thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên môi trường định kỳ, thường xuyên, dưới nhiều hình thức như tuyên truyền qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, qua các bản tin, chuyên mục phối hợp với cơ quan truyền thông của tỉnh, qua hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã, qua bản ghi đĩa CD gửi tới cấp huyện, cấp xã ..., phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên, sự tham gia của các đoàn thể, hội tự nguyện; thực hiện các chuyên trang, chuyên đề phục vụ công tác tuyên truyền như: người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng chống vi phạm về tài nguyên môi trường, công khai các vi phạm về tài nguyên môi trường, công khai các quy hoạch về khoáng sản,...

2.3. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ giấy phép khai thác khoáng sản

- Thực hiện cấp phép khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp phải đấu giá theo quy định của pháp luật nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và buộc các chủ giấy phép phải bảo vệ trữ lượng khoáng sản tốt hơn;

- Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ giấy phép phải thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác khoáng sản, trong đó tập trung đối với các yêu cầu về hoàn thiện các thủ tục đất đai, môi trường và xây dựng cơ bản mỏ trước khi tiến hành khai thác; thực hiện cắm mốc khai thác đúng quy cách và bảo vệ mốc, ranh giới, khoáng sản trong khu vực được cấp phép trong suốt thời gian có hiệu lực của giấy phép; lắp đặt trạm cân, camera tại khu vực đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ, định kỳ lập Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt khu vực khai thác theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Khoáng sản 2010;

- Trừ điểm thi đua, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân là người đứng đầu ở các địa phương để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép theo nguyên tắc: Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.

2.4. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khoáng sản trái phép

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép; thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tái diễn trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

2.5. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện và UBND cấp xã

Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo lĩnh vực và địa bàn quản lý. Thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên các tuyến sông giáp ranh các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yến, Hà Nam và Hải Phòng. Phát huy chức năng giám sát, quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn của các tổ chức chính trị - xã hội và của người dân.

2.6. Tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương” với vai trò chủ công, thường trực của lực lượng Công an.

Nghiên cứu, xem xét mở rộng mô hình này trong phòng, chống khai thác trái phép đất đồi và các loại khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh, vì thực tế cho thấy trong vi phạm về khoáng sản, nhất là khai thác khoáng sản trái phép, các đối tượng thường có sự phân công, cảnh giới từ xa, khi bị phát hiện thì dễ có biểu hiện manh động, nên công tác phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý vi phạm phải cần đến lực lượng liên ngành, trong đó có vai trò chủ chốt của cơ quan Công an thì công tác này mới thật sự có hiệu quả.

V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

1. Các cơ quan tại tỉnh

1.1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo Phương án này; tham mưu cụ thể hóa văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo đôn đốc và xử lý vi phạm trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

- Phối hợp với UBND cấp huyện, các lực lượng Công an, Quân đội, các cơ quan liên quan để ngăn chặn, giải tỏa, xử lý kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn;

- Đôn đốc, chỉ đạo và kiểm tra UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý. Phối hợp với Sở Nội vụ làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra sai phạm;

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản tại khu vực mỏ được cấp phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;

- Tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh định kỳ hằng năm hoặc đột xuất khi có cầu của cơ quan có thẩm quyền;

- Là cơ quan thường trực tại tỉnh để tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

1.2. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào quy hoạch khu vực có khoáng sản mới phát hiện; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường);

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình hệ thống dẫn điện và xăng dầu đã được khoanh định vào khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

- Chủ động phối hợp với địa phương hoặc khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

1.3. Sở Xây dựng

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh các khu vực có khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho xây dựng và san lấp mặt bằng để bổ sung vào Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp trong quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

- Chủ động phối hợp với địa phương hoặc khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

1.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan trực thuộc Sở (đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm, Ban quản lý rừng, các chủ rừng, lực lượng quản lý đê điều) phối hợp với các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực được giao quản lý. Tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng diện tích rừng và đất được giao quản lý, sử dụng để khai thác khoáng sản trái phép;

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, tập kết khoáng sản gây ảnh hưởng đến rừng, đất sản xuất nông, lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, khả năng thoát lũ của sông, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều theo quy định của pháp luật;

- Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực liên quan đến ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được khoanh định là khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

1.5. Các doanh nghiệp được giao khai thác sử dụng công trình thủy lợi (Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương...)

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi được giao quản lý theo quy định, tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng, khai thác khoáng sản trái phép.

1.6. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển khoáng sản trái phép;

- Chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, phối hợp với các Công ty quản lý và bảo trì đường bộ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường do Sở quản lý.

1.7. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Phối hợp các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực có di tích lịch sử -văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và các di tích đã được đưa vào danh mục đăng ký và kiểm kê bảo vệ của UBND tỉnh; các khu, điểm du lịch đã được khoanh định là khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

1.8. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh hàng năm, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp để bảo đảm việc thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan;

- Kiểm tra, giám sát việc thanh quyết toán và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về tài chính.

1.9. Sở Nội vụ

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch UBND cấp huyện trong trường hợp được xác định là đã có những hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực được giao theo Quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn và quy định của pháp luật hiện hành;

- Kịp thời thông tin và phối hợp với địa phương ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong các khu vực đất do cơ sở tôn giáo sử dụng.

1.10. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của nhà nước về việc làm, dạy nghề, an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lao động địa phương có khoáng sản, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa;

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện điều tra các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ 02 người trở lên đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

1.11. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan kịp thời thông tin về việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong các khu vực đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình thông tin liên lạc, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

1.12. Công an tỉnh

- Tổ chức phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản theo chức năng và nhiệm vụ của ngành; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền các cấp, thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, tàng trữ và vận chuyển khoáng sản trái phép, gây ô nhiễm môi trường;

- Phối hợp với các ngành trong xử lý hành vi khai thác khoáng sản trái phép; bố trí lực lượng tham gia giải tỏa, xử lý các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh khi có chỉ đạo của UBND tỉnh hoặc đề xuất của UBND cấp huyện;

- Phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp, các ngành chức năng trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích an ninh hoặc hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ an ninh, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

1.13. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã,thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; phát hiện, đấu tranh với các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép tại khu vực có liên quan thuộc phạm vi quản lý;

- Thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đối với các khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng hoặc hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, được khoanh định vào khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

- Phối hợp với Công an và các lực lượng nắm tình hình, kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải tỏa, xử lý các điểm nóng về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, trường hợp cần thiết sử dụng lực lượng quân sự theo các quy định của Bộ Quốc phòng.

1.14. Cục Thuế tỉnh

Tăng cường công tác quản lý thu thuế; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Tham mưu UBND tỉnh xử lý về thuế đối với hành vi khai thác, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép theo quy định pháp luật.

1.15. Cục Quản lý thị trường tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, tàng trữ, mua bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; đấu tranh phòng chống gian lận thương mại trong lĩnh vực khoáng sản.

1.16. Báo Hải Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp. Kịp thời biểu dương trên phương tiện truyền thông đối với các tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; đồng thời phản ánh trung thực, khách quan đối với những địa phương thực hiện không có hiệu quả công tác bảo vệ khoáng sản thuộc phạm vi quản lý.

2. UBND cấp huyện, UBND cấp xã

2.1. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chủ trì phổ biến và triển khai Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trên địa bàn quản lý;

- Thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn cấp xã, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ, kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn;

- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý;

- Tổ chức ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản đối với vùng giáp ranh thuộc địa giới hành chính từ 02 huyện trở lên (đối với khu vực có khoáng sản), làm cơ sở để phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý khoáng sản;

- Tổ chức lực lượng tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết hoặc không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;

- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ngành liên quan trong quá trình các sở, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn hoặc các nhiệm vụ định kỳ, đột xuất UBND tỉnh giao. Địa phương nào không phối hợp hoặc phối hợp mang tính hình thức, các sở, ngành có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, xử lý kịp thời;

- Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, giải tỏa khai thác khoáng sản trái phép nếu phát hiện khoáng sản mới thì phải thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, bổ sung vào Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

- Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý, để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh về khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra nhưng không có biện pháp giải quyết hoặc cố tình chậm trễ trong việc kiểm tra, xử lý;

- Định kỳ 06 tháng (trước ngày 05/7) và 01 năm (trước ngày 15/12)báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương tới UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường.

2.2. UBND các xã, phường, thị trấn

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đến khu dân cư, thôn, xóm; vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép;

- Thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách từng khu vực, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ, kịp thời xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn;

- Thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh hoặc khi nhận được thông tin chỉ đạo từ cơ quan cấp trên. Kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết hoặc không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;

- Ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản đối với vùng giáp ranh thuộc địa giới hành chính từ 02 xã trở lên (đối với khu vực có khoáng sản), làm cơ sở để phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý khoáng sản;

- Quản lý chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, thường trú tại địa phương;

- Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lập bến bãi, lán, trại, đào hầm, hào, hố, lò phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tập kết khoáng sản và xây dựng cơ sở tuyển quặng trái phép, sử dụng công cụ, phương tiện máy móc hoặc vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản trái phép;

- Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nếu phát hiện khoáng sản mới thì phải thông báo cho UBND cấp huyện để báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, bổ sung vào Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;

- Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND cấp huyện khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý, để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh về khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra, nhưng không có biện pháp giải quyết hoặc cố tình chậm trễ trong việc kiểm tra xử lý;

- Chỉ đạo và giao trách nhiệm cho Trưởng thôn, khu dân cư thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý;

- Định kỳ 06 tháng (trước ngày 01/7) và 01 năm (trước ngày 10/12) báo cáo về công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương tới UBND cấp huyện.

2.3.Trưởng thôn, khu dân cư

- Vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, kịp thời phản ánh những hành vi vi phạm trong việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.Phát hiện và báo cáo UBND cấp xã để thực hiện các giải pháp ngăn chặn kịp thời hoạt động khoáng sản trái phép;

- Chịu trách nhiệm trước UBND cấp xã khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý mà không báo cáo kịp thời.

3. Các tổ chức, cá nhân khác

3.1. Các tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản

- Cắm mốc giới các điểm góc khu vực khai thác và ranh giới đất được thuê tại thực địa để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, tổ chức công bố công khai; chấp hành đầy đủ, đúng quy định các yêu cầu của pháp luật trong quá trình khai thác, chế biến, lưu giữ, tiêu thụ khoáng sản;

- Khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được cấp phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép; quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản đã thu hồi được;

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo hạn chế, giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường; tiết kiệm tài nguyên trong quá trình khai thác và sử dụng khoáng sản;

- Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng; phối hợp với chính quyền địa phương quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích được giao quản lý. Khi phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở ngoài ranh giới khu vực được phép hoạt động khoáng sản phải báo báo ngay cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã để xử lý theo quy định.

3.2. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất

Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng (kể cả khoáng sản trong lòng đất), không được tự ý khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác theo quy định.

VI. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỤ THỂ GIỮA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG VIỆC XỬ LÝ THÔNG TIN, XỬ LÝ HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÁI PHÉP

Khi phát hiện hoặc nhận được tin báo (qua đường dây nóng, qua thông tin cơ quan khác chuyển đến, qua các phương tiện thông tin đại chúng ...) về việc khai thác khoáng sản trái phép, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc hoặc thực hiện sai nội dung trong giấy phép hoạt động khoáng sản thì các cơ quan có trách nhiệm xử lý như sau:

1. Cơ quan phát hiện hoặc nhận được tin báo là cơ quan thuộc UBND tỉnh

- Vụ việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình và đối tượng vi phạm là tổ chức được cấp Bộ, cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động thì phải lập tức chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật ngay khi phát hiện/nhận được tin báo vi phạm, đồng thời báo cáo tình hình, kết quả với UBND tỉnh.

- Vụ việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình nhưng đối tượng vi phạm không được cấp giấy phép hoạt động hoặc là hộ gia đình, cá nhân thì phải chuyển thông tin bằng văn bản tới UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có vi phạm trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tin báo vi phạm, đồng thời có trách nhiệm phối hợp trong giải quyết các vấn đề có liên quan.

- Vụ việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình thì phải chuyển thông tin bằng văn bản tới cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện/nhận được tin báo vi phạm, đồng thời có trách nhiệm phối hợp trong giải quyết các vấn đề có liên quan.

2. Cơ quan phát hiện hoặc nhận được tin báo là UBND cấp huyện, UBND cấp xã

UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có vi phạm phải lập tức chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật ngay khi phát hiện/nhận được tin báo vi phạm, báo cáo tình hình, kết quả với cấp trên trực tiếp và Sở Tài nguyên và Môi trường. Trường hợp vụ việc phức tạp hoặc vượt quá thẩm quyền giải quyết thì phải có phương án đề xuất, kiến nghị.

Các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh, Công an tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm bố trí lực lượng, phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã trong ngăn chặn, giải tỏa, xử lý vi phạm về khoáng sản theo đề nghị phù hợp của UBND cấp huyện đang xử lý vi phạm.

3. Cơ quan phát hiện hoặc nhận được tin báo là các cơ quan khác

Phải chuyển thông tin bằng văn bản tới cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý hoặc tới UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có vi phạm trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện/nhận được tin báo vi phạm.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện

1.1. Kinh phí thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.

1.2. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hàng năm (cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước) lập dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, tổng hợp chung trong dự toán của đơn vị mình gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt.

1.3. UBND cấp xã định kỳ hàng năm (cùng thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước)lập dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, tổng hợp chung trong dự toán của đơn vị mình gửi cơ quan Tài chính cấp huyện thẩm định, trình UBND cấp huyện phê duyệt.

1.4. Trường hợp cụ thể hoặc đột xuất cần thiết phải bố trí kinh phí bảo đảm cho hoạt động xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản hoặc bổ sung phương tiện chuyên dùng, công cụ hỗ trợ thì các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện đề xuất, gửi Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

1.5. Kinh phí thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác năm 2023 tạm thời do UBND các cấp tự cân đối, được hạch toán vào khoản chi thường xuyên của UBND các cấp và được xác định theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách.

2. Tổ chức thực hiện

2.1. Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Phương án này.

2.2. UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan lập chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Phương án này. Định kỳ 06 tháng và 01 năm, báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 05/7 và 15/12 hàng năm.

2.3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường

- Đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện công tác lập báo cáo và tổng hợp tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh định kỳ 06 tháng và hàng năm gửi UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 160/QĐ-UBND ngày 03/02/2023 về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


332

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.177.173
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!