ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH
BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1469/QĐ-UBND
|
Bà
Rịa - Vũng Tàu, ngày 05 tháng 6 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TỈNH BÀ RỊA-VŨNG
TÀU GIAI ĐOẠN 2018-2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày
16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế
mũi nhọn;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày
27 tháng 12 năm 2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất
lượng cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch
tại Công văn số 29/SDL-KHNCPT ngày 29 tháng 01 năm 2018 về việc đề nghị ban
hành các đề án kèm theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27 tháng 12 năm 2017,
`QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Đảm bảo
môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2018-2020”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở,
ngành: Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi
trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa và
Thể Thao, Thông tin và truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố
và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TTr TU, TTr HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (b/c);
- Lưu: VT, KTN (KT4)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Long
|
ĐỀ ÁN
ĐẢM
BẢO MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN
2018-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Phần mở đầu
SỰ CẦN THIẾT,
CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1. Sự cần thiết xây dựng đề án
Du lịch được đánh giá là một ngành
kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và có tính xã hội hóa cao, do đó
sự phát triển của các hoạt động liên quan đến du lịch luôn gắn liền với khả
năng khai thác tài nguyên và đặc tính của môi trường xung quanh. Vì vậy, môi
trường được xem là yếu tố đặc biệt quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng,
tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút
khách, đến sự tồn tại của hoạt động du lịch.
Với vị trí địa lý thuận lợi, bờ biển
đẹp và cơ sở vật chất phục vụ du lịch khá đồng bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang
trở thành điểm đến ưa thích của không ít khách du lịch nhất là vào các dịp lễ,
tết. Công tác quản lý nhà nước về môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời
gian qua cũng đã được tăng cường, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội
theo hướng bền vững. Các ngành, các cấp và các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ
động phối hợp, xây dựng và triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm đảm bảo
môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn, từ đó nhận thức bảo
vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành du lịch đã được
chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, tình trạng chèo kéo du khách, nạn bán hàng rong,
ăn xin, chặt chém, xả thải bừa bãi...vẫn còn tồn tại và ngày càng trở thành vấn
nạn của môi trường du lịch ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó,
ý thức của một bộ phận du khách và nhân dân trong việc bảo vệ môi trường trong
hoạt động kinh doanh du lịch chưa cao gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và
thương hiệu của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều
nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do chính quyền các huyện, thành phố,
các Sở ban ngành chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý
nhà nước về môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng; công tác phối
hợp còn nhiều hạn chế và chưa đồng bộ; một số cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch
chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.
Nhằm cụ thể hóa những mục tiêu tổng
quát trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao hiệu quả
công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; tạo niềm tin và sức hấp dẫn
đối với du khách; tạo môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp và đưa thương hiệu
du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, góp
phần đưa du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển theo hướng “bền vững gắn với việc
bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo đảm môi
trường”. Trên đây là những lý do cần thiết phải xây dựng Đề án “Đảm bảo môi trường
trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2018 -
2020”.
2. Căn cứ xây dựng đề án
2.1. Chủ trương, quan điểm của Đảng
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015 - 2020;
- Chương trình số 06-CTr/TU ngày
12/4/2016 của Tỉnh Ủy và Chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Ủy Ban nhân dân Tỉnh về việc
thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI gắn với thực hiện Nghị Quyết
Đại hội XII của Đảng;
- Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày
27/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.
2.2. Căn cứ pháp lý
- Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày
19/6/2017;
- Luật bảo vệ Môi trường năm 2014;
- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày
8/12/2014 của Chính Phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển Du lịch Việt
Nam trong thời kỳ mới;
- Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày
14/2/2015 của Chính phủ Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi
trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
- Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày
30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển Du
lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
- Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013
của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an
ninh, an toàn cho khách du lịch;
- Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015
của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung
khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch;
- Thông tư liên tịch số
19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 của liên Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động
du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;
- Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày
29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược,
đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
- Công văn số 1923/BVHTTDL-TCDL ngày
13/5/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường công tác quản
lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch;
- Quyết định số 43/2011/QĐ-UBND ngày
23/8/2011 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quy định về phân vùng phát
thải khí thải, xả nước thải theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên
địa bàn tỉnh;
- Quyết định số 1756/QĐ-UBND ngày
29/8/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động của UBND tỉnh BR-VT
từ nay đến năm 2020 thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ
tướng Chính phủ”;
- Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày
24/4/2015 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 28/KH-UBND về việc thực
hiện Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ;
- Quyết định số 283/QĐ-UBND ngày
5/2/2016 của UBND tỉnh Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số
01/NQ-CP ngày 7/01/2016 của Chính Phủ;
- Công văn số 9932/UBND.VP ngày
29/12/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện kết luận hội nghị lần thứ
2 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VI;
- Công văn 3086/UBND.VP ngày 9/5/2016
của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh lần thứ VI gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng;
- Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày
23/9/2016 về việc tăng cường công tác đảm bảo môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Đề án tập trung đánh giá thực trạng
tài nguyên du lịch, bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, các vấn
đề liên quan đến việc sử dụng những tài nguyên đó cho phát triển du lịch và những
tác động của quá trình phát triển du lịch đến môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng
Tàu. Từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp cho phát triển du lịch theo hướng bền
vững, đồng thời giảm thiểu tối đa các tác động xấu đến môi trường.
- Đánh giá việc đảm bảo môi trường tại:
các dự án đầu tư du lịch; cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch; khu, điểm
du lịch; các lễ hội, sự kiện liên quan đến du lịch trên địa bàn tỉnh; các di
tích lịch sử, danh lam thắng cảnh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu việc đảm bảo môi trường
trong hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bao gồm
tất cả các huyện, thị xã, thành phố (Vũng Tàu, Bà Rịa, Xuyên Mộc, Côn Đảo, Long
Điền, Đất Đỏ, Châu Đức và Phú Mỹ).
Phần I
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG
MÔI TRƯỜNG DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU THỜI GIAN QUA
1. Thực trạng quản lý, bảo vệ môi
trường du lịch
1.1. Trong đầu tư du lịch
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 127
dự án du lịch đang triển khai thực hiện, trong đó có 108 dự án có vốn đầu tư
trong nước và 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm 2017, đã có 39 dự
án đi vào khai thác kinh doanh, 38 dự án đã khởi công xây dựng, 26 dự án đã có
mặt bằng để xây dựng và 24 dự án đang thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng (Nguồn:
Sở Kế hoạch và Đầu tư).
- Đối với các dự án đầu tư trên địa
bàn tỉnh, trước khi được chấp thuận đầu tư đều lấy ý kiến cơ quan chuyên môn về
môi trường để xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư. Công
tác hậu kiểm sau thẩm định cũng được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc, kiên
quyết không cho phép các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai xây
dựng và đi vào hoạt động khi chưa được xem xét, thẩm định và phê duyệt báo cáo
đánh giá tác động môi trường.
- Công tác thực hiện thủ tục pháp lý
về môi trường cho các dự án đã thực sự trở thành công cụ quan trọng trong quản
lý nhà nước về môi trường, đóng góp đáng kể trong việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm
thiểu các tác động xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhờ
đó, hầu hết các dự án đầu tư đã chú trọng đầu tư các công trình, biện pháp bảo
vệ môi trường. Nhiều công trình xử lý môi trường của các dự án đã được điều chỉnh
để đảm bảo môi trường được bảo vệ khi dự án đưa vào hoạt động.
- Chất lượng công tác thẩm định báo
cáo đánh giá tác động môi trường từng bước được nâng cao; ngoài sự tham gia
tích cực của các Sở, Ngành và địa phương liên quan; đối với các dự án có quy mô
lớn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời thêm các chuyên gia môi trường có kinh
nghiệm tham gia Hội đồng thẩm định để phản biện đối với các dự án du lịch.
1.2. Tại các khu, điểm du lịch
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên
địa bàn tỉnh có 35 khu, điểm du lịch đang hoạt động và được phân bổ ở các huyện,
thị, cụ thể như sau:
|
Vũng
Tàu
|
Côn
Đảo
|
Đất
Đỏ
|
Long
Điền
|
Tân
Thành (Phú Mỹ)
|
Xuyên
Mộc
|
Châu
Đức
|
Bà
Rịa
|
Tổng
cộng
|
Khu du lịch
|
6
|
0
|
01
|
02
|
0
|
01
|
01
|
02
|
13
|
Điểm du lịch
|
8
|
05
|
04
|
02
|
02
|
0
|
0
|
01
|
22
|
Tổng cộng
|
14
|
05
|
05
|
04
|
02
|
01
|
01
|
03
|
35
|
(Nguồn:
Sở Du lịch)
Công tác bảo vệ môi trường ngày càng
được quan tâm nên chất lượng môi trường tự nhiên tại các khu, điểm du lịch được
cải thiện, hiện tượng ô nhiễm cục bộ gây áp lực đối với môi trường tại khu điểm
du lịch dần dần được khắc phục, giảm về số lượng và quy mô. Một số địa phương
thường xuyên phát loa thông tin tại các bãi tắm công cộng nhằm cảnh báo cho du
khách về tình hình an ninh trật tự, trộm cắp, tội phạm,... Đa số các khu điểm
du lịch ven biển đã nghiêm chỉnh thực hiện việc thu gom rác thải, dọn vệ sinh sạch
sẽ khu vực mình đã kinh doanh.
Công tác quản lý nhà nước về môi trường
của các địa phương trong thời gian qua cũng đã được nâng lên một cách đáng kể.
Hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã xây dựng đề án, kế hoạch chấn
chỉnh tình hình an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du
lịch và bãi tắm trên địa bàn. Riêng UBND thành phố Vũng Tàu đã ban hành văn bản
số 1415/TB-UBND ngày 20/4/2016 về việc kể từ ngày 26/4 trở đi, các doanh nghiệp,
các HTX dịch vụ biển không được phép nấu nướng, buôn bán dưới bãi biển. Đối với
du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại phố biển, chính quyền TP Vũng Tàu khuyến
cáo, trước khi xuống tắm biển du khách không được mang các loại thực phẩm tươi
sống, đồ dùng phục vụ cho việc nấu nướng và ăn nhậu. Du khách chỉ được mang một
số đồ ăn nhẹ, nước ngọt và đồ ăn đã nấu chín, tuy nhiên khi ăn xong cần dọn dẹp
vệ sinh sạch sẽ. Với những trường hợp lỡ mang thực phẩm tươi sống, rượu bia...,
lực lượng chức năng kiên quyết không cho xuống bãi biển, nếu du khách cần thông
tin đến những nơi được phép nấu nướng, lực lượng chức năng sẽ giới thiệu đến những
địa chỉ tin cậy. Còn những cá nhân, tổ chức cố tình tụ tập, ăn nhậu trên bãi biển,
trước hết lực lượng chức năng sẽ tiến hành nhắc nhở, yêu cầu di dời ra khỏi khu
vực bãi biển, nếu không chấp hành sẽ lập biên bản và xử phạt.
Tình trạng chèo kéo tranh giành khách
giảm đáng kể; buôn bán hàng rong tuy vẫn còn nhưng có trật tự hơn. Tuy nhiên, một
vài khu, điểm du lịch còn xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường như: rác thải,
nước thải chưa được thu gom và vấn đề xử lý tình trạng này vẫn chưa triệt để dẫn
đến nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm sau xử lý vẫn còn xảy ra, đặc
biệt là một số khu, điểm du lịch nằm tại các vùng ven biển và hạ lưu các sông,
suối, ao, hồ... Đa phần, chiều dài diện tích bờ biển tại các huyện như khu vực
từ Sao Mai - Bến Đình (Vũng Tàu) đến khu vực Bình Châu (Xuyên Mộc), khu vực các
huyện Long Điền, Đất Đỏ là nơi đậu ghe, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân
trong đó tập trung nhiều tại các khu vực: Bãi Trước, Sao Mai - Bến Đình (thành
phố Vũng Tàu); Cảng cá Phước Hiệp, Cảng cá Tân Phước, ao Hải Hà (huyện Long Điền);
Cảng cá Lộc An, Phước Hải (huyện Đất Đỏ); khu vực Bến Lội, Hồ Tràm (huyện Xuyên
Mộc).... Với việc tập trung nhiều tàu, thuyền đã làm phát sinh khối lượng nước
thải (vệ sinh tàu, sinh hoạt), chất thải rắn sinh hoạt nhưng chưa được thu gom
để xử lý, do đó đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nước biển ven bờ của tỉnh, làm
mất mỹ quan phục vụ du lịch, nhất là khu vực Bãi Trước, Hồ Tràm. Ngoài ra, phần
lớn diện tích bờ biển còn lại được giao cho các chủ đầu tư xây dựng khu du lịch,
resort và kinh doanh các loại hình dịch vụ biển phục vụ khách du lịch. Tuy
nhiên, các bãi tắm này lại nằm xen kẽ với khu dân cư và chưa có sự thống nhất
trong quản lý về mặt Nhà nước dẫn đến sự phức tạp về môi trường và an ninh trật
tự tại đây.
Bên cạnh đó, tình trạng các cá nhân,
tổ chức lấn chiếm bãi bồi ven biển dựng các chòi lá tạm bợ làm nơi kinh doanh dịch
vụ ăn uống, giữ xe hoặc xây nhà vệ sinh, nhà tắm nước ngọt theo kiểu tự phát đã
phá vỡ kiến trúc trên các bãi biển. Nước thải, chất thải sinh hoạt xả thẳng ra
biển là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Các đối tượng buôn bán hàng rong,
chụp hình dạo, vé số dạo, xe ôm, ăn xin, nạn trộm cắp xuất hiện ngày càng nhiều.
Tình trạng tự ý đưa các loại xe lưu thông dọc theo bãi biển; đánh bắt hải sản
ngay tại bãi tắm, nạn cào nghêu, đào đãi vàng, chăn thả gia súc trên bãi tắm
chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Trên địa bàn toàn tỉnh, hệ thống các
điểm tham quan, du lịch, các bãi tắm tự phát hình thành và phát triển một cách
nhanh chóng và ồ ạt. Đặc biệt, vào mùa cao điểm du lịch và các ngày lễ, tết, du
khách đổ về rất đông, tác động không nhỏ đến môi trường nói chung và môi trường
du lịch nói riêng. Tình trạng túi nilon, hộp đựng thức ăn, lon bia, nước ngọt,
vỏ bánh, ... và các đồ ăn, thức uống, rác thải sinh hoạt tràn lan trên bờ biển
tạo nên cảnh tượng hãi hùng sau mỗi kỳ nghỉ lễ, tết. Đồng thời, sự thiếu ý thức
và thói quen xả rác bừa bãi của một số du khách và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã
dần biến những khu vực này thành những bãi rác khổng lồ và gây ấn tượng không tốt
đối với du khách nhất là du khách nước ngoài.
Tình trạng rác thải như: bao ni-lông,
cao-su, chai nhựa... trôi dạt do sóng biển ở các khu vực ven biển như: Côn Đảo,
Vũng Tàu, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc ngày càng nhiều, trở thành những vấn đề
bức xúc và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, tình trạng xác chết của hải sản, vỏ ốc,
vỏ sò... trên các bãi cát và dọc bờ biển còn nhiều gây ra sự hủy hoại môi trường,
ảnh hưởng sức khỏe của con người.
Trước thực trạng trên, thời gian qua
các ngành chức năng, các địa phương ven biển đã có nhiều biện pháp tổ chức thu
gom rác ven biển... nhằm góp phần giữ gìn môi trường du lịch biển. Tuy nhiên, việc
tổ chức thu gom rác thải sau chế biến, rác thải sinh hoạt tại các khu, điểm du
lịch chưa thật sự triệt để. Tình trạng rác vương vãi còn nhiều, nhất là các khu
dân cư, khu du lịch ven biển. Đáng lưu tâm hơn là rác thải trôi dạt vào bờ biển
vẫn chưa có biện pháp cụ thể để thu gom, xử lý.
Ngoài ra, nhà vệ sinh công cộng tại
các khu, điểm du lịch cũng đang là một vấn đề không nhỏ ảnh hưởng đến hình ảnh
du lịch Việt Nam nói chung và hình ảnh du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Hệ
thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch hiện tại còn thiếu, chưa đáp ứng
được nhu cầu của du khách, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo
các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường du lịch, đảm
bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách. Trong đó có yêu cầu UBND các huyện,
thành phố rà soát, thống kê số lượng và định hướng đầu tư xây dựng nhà vệ sinh
công cộng đạt chuẩn theo quy định tạm thời của Tổng cục Du lịch để phục vụ
khách du lịch.
1.3. Tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ
du lịch
1.3.1. Hoạt động kinh doanh du lịch
Đến năm 2017, hệ thống cơ sở lưu trú
du lịch phát triển mạnh mẽ với số cơ sở lưu trú 1.015 cơ sở, trong đó, số cơ sở
được thẩm định, xếp hạng từ đạt chuẩn đến 5 sao là 489 cơ sở với tổng số phòng
đã xếp hạng là 13.698 phòng. Cụ thể: khách sạn 5 sao - 04 cơ sở, khách sạn 4
sao - 16 cơ sở, khách sạn 3 sao - 20 cơ sở, khách sạn 2 sao - 56 cơ sở, khách sạn
1 sao - 120 cơ sở; nhà nghỉ đạt chuẩn - 271 cơ sở; biệt thự cao cấp - 01 cơ sở;
biệt thự đạt chuẩn - 01 cơ sở; căn hộ đạt chuẩn - 03 cơ sở.
Năm 2017, tổng lượt khách lưu trú là
2,8 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế có lưu trú là 363 ngàn lượt. Doanh thu
từ dịch vụ lưu trú đạt 1.781 tỷ đồng.
1.3.2. Công tác quản lý, bảo vệ
môi trường tại các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch
Hoạt động kinh doanh du lịch được xem
là ngành công nghiệp sạch không phát sinh khí thải, chất thải rắn chủ yếu là chất
thải sinh hoạt, chất thải nguy hại phát sinh với khối lượng ít, nước thải (sinh
hoạt) phát sinh không nhiều và có mức độ ô nhiễm thấp hơn so với các ngành công
nghiệp khác. Qua thanh tra, kiểm tra thực tế cho thấy hiện nay các cơ sở đã có
nhận thức tốt hơn trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và phần
lớn các cơ sở kinh doanh du lịch ven biển thuộc thẩm quyền cấp tỉnh là các khu
du lịch, khách sạn có quy mô, diện tích lớn đã được đầu tư hệ thống xử lý nước
thải theo quy định.
Theo quy định tại Nghị định số
18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường,
đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ
môi trường, các dự án xây dựng cơ sở lưu trú du lịch có quy mô 50 phòng trở lên
và dự án xây dựng khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí, sân golf có
diện tích từ 10 ha trở lên thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước cấp tỉnh; những cơ
sở kinh doanh du lịch có diện tích, số phòng dưới quy định nêu trên thì thuộc
thẩm quyền quản lý của cấp huyện. Theo số liệu thống kê, hầu hết các doanh nghiệp
du lịch khi đi vào hoạt động kinh doanh đều có thủ tục môi trường được phê duyệt
và đều thực hiện việc giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Thực hiện khá
tốt việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường quy định.
Tuy nhiên, một số cơ sở còn vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải theo quy định,
các cơ sở này được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại sau đó tự thấm vào đất.
Qua công tác thẩm định các cơ sở lưu
trú du lịch cho thấy cảnh quan môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa
bàn toàn tỉnh được bố trí rất hài hòa và phù hợp theo quy định như: bố trí cây
xanh trong khuôn viên và dọc theo các hành lang, khu vực công cộng của các cơ sở
lưu trú. Một số cơ sở lưu trú du lịch đã đăng ký tham gia thẩm định nhãn du lịch
bền vững “Bông Sen Xanh” và đã được Tổng cục Du lịch cấp giấy chứng nhận như cụm
khách sạn Grand-Palace nhận nhãn “Bông Sen Xanh” cấp độ 4, khách sạn DIC Star
nhận nhãn “Bông Sen Xanh” cấp độ 3... Các khách sạn đạt được tiêu chí Nhãn Du lịch
bền vững Bông sen xanh tùy theo từng cấp độ từ 1 đến 5 phải là các đơn vị thực
hiện các hoạt động bảo vệ môi trường chuyên nghiệp và bài bản. Các khách sạn đạt
Nhãn Du lịch bền vững Bông sen xanh cấp độ 4 và cấp độ 5 phải thường xuyên tổ
chức tập huấn, in tài liệu, lập trang web về bảo vệ môi trường để cập nhật và
phổ biến các thông tin, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với từng dịch vụ
trong khách sạn để tất cả cán bộ, nhân viên trong khách sạn cùng thực hiện. Bên
cạnh đó, các khách sạn cũng đã ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các năng lượng
thay thế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường. Nhờ thực hiện
tốt các biện pháp về bảo vệ môi trường, nhiều khách sạn đã tiết kiệm được chi
phí khá lớn về điện, nước, nguyên vật liệu... góp phần nâng cao hiệu quả kinh
doanh, tăng lợi nhuận và thu nhập cho người lao động trong khách sạn. Tuy
nhiên, cũng còn một số các cơ sở lưu trú du lịch có cảnh
quan môi trường chưa được bố trí ngăn nắp, cơ sở vật chất và kiến trúc đang
trong tình trạng xuống cấp chưa được đầu tư xây dựng sửa chữa.
Chương trình “Những địa chỉ tin cậy của
du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu” (mà thời gian tới đổi tên thành chương trình “Những cơ
sở đạt chuẩn về du lịch”) được UBND tỉnh BR-VT phê duyệt theo Quyết định số
187/QĐ-UBND ngày 17/01/2007 khởi động từ năm 2008 đến nay với 120 đơn vị tham
gia đã và đang góp phần vào công tác tuyên truyền, quảng bá cho hình ảnh du lịch
BR-VT, đồng thời trở thành nhịp cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch
vụ du lịch - thương mại với du khách trong và ngoài tỉnh khi đến du lịch tham
quan, nghỉ dưỡng và mua sắm. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần xây dựng
thương hiệu và ổn định môi trường kinh doanh du lịch tỉnh, nâng cao chất lượng
sản phẩm, cung cách phục vụ, thân thiện tạo uy tín, ấn tượng tốt đẹp trong mỗi
lòng du khách.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của
các Bộ, Ngành Trung ương và Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu,
ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là ngành Du lịch) đã tham mưu xây dựng,
ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức,
ý thức hành động của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và du khách khi tham gia
các hoạt động và ứng xử nơi công cộng; Phối hợp với các cơ quan ban ngành, lực
lượng chức năng giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch, góp phần
xây dựng môi trường du lịch an toàn và thân thiện, thu hút du khách đến tỉnh
BR-VT.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay
là Sở Du lịch) đã phối hợp chặt chẽ với Công an Tỉnh, Sở Tài chính, Sở Lao động
TBXH và các ngành liên quan, UBND cấp huyện thông qua BCĐ Phát triển Du lịch,
Ban Chỉ đạo Bình ổn giá và các đoàn kiểm tra liên ngành trong công tác chỉ đạo,
hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra các đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo trật tự trị
an, vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, các khu du lịch, bình ổn giá cả
dịch vụ, đặc biệt trong các ngày cao điểm diễn ra các sự kiện, lễ hội lớn, các
ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay
là Sở Du lịch) đã phối hợp với Sở Công Thương và UBND các huyện, thành phố quy
hoạch các khu vực kinh doanh, đặt biển cấm hàng rong gây mất trật tự và mỹ quan
đô thị trên các tuyến đường chính, tuyến đường dẫn đến các khu du lịch, các bãi
tắm theo Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ về “Cá nhân hoạt
động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh”,
tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các khu dân cư, kết hợp kiểm
tra, xử lý vi phạm, do đó đã giảm thiểu được số hàng rong gây mất mỹ quan đô thị.
Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo các điều
kiện an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, công tác cứu hộ cứu nạn, hướng dẫn
các khách sạn, khu du lịch thực hiện kê khai giá với Sở Tài chính, niêm yết giá
và bán đúng giá các sản phẩm dịch vụ đặc biệt trong các ngày cao điểm diễn ra
các sự kiện, lễ hội lớn, các ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, hạn chế tình trạng
gian lận thương mại khách du lịch.
Công tác giáo dục - truyền thông bảo
vệ môi trường được tỉnh BR-VT chú trọng và đẩy mạnh. Hàng năm Sở VHTTDL (nay là
Sở Du lịch) phối hợp Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND các huyện, thành phố
tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng các hoạt động
thiết thực bảo vệ môi trường nhân kỷ niệm các ngày: Môi trường thế giới, Chiến
dịch làm cho Thế giới sạch hơn...
1.4. Tại các di tích, lễ hội
Hiện nay, Bà Rịa-Vũng Tàu có 47 di
tích lịch sử - văn hóa đã được công nhận và xếp hạng, trong đó 29 di tích đã được
công nhận, xếp hạng cấp quốc gia, 01 di tích được công nhận là di tích cấp quốc
gia đặc biệt và 17 di tích được công nhận, xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, Bà Rịa
- Vũng Tàu còn có một số Bảo tàng hoặc Bộ sưu tập - Trưng bày có giá trị lớn gắn
với hệ thống di tích như Bảo tàng Tổng hợp, Bạch Dinh, phòng Trưng bày Lưu niệm
Di tích nhà tù Côn Đảo... Hệ thống di tích trên đã và đang trở thành nguồn tài
nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô giá của đất nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng
Tàu nói riêng, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước. Các
di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của Bà Rịa-Vũng Tàu có vị trí
quan trọng không chỉ vì số lượng chiếm tỷ lệ khá cao so với các loại hình di
tích khác mà còn ở chất lượng giá trị văn hóa, đặc biệt là những tiềm năng có
thể khai thác trong hoạt động du lịch.
Hiện nay một số di tích lịch sử - văn
hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang bị xuống cấp, bị biến dạng do sự tác động thường
xuyên của thiên nhiên và những tác động vô thức, hữu thức của chính con người.
Nhiều khu di tích vẫn chưa khắc phục được những hậu quả do cơn bão năm 2006;
nhiều công trình đã và đang bị chiếm dụng đất để xây nhà trái phép. Tác động mạnh
mẽ của quá trình đô thị hóa, cơ chế thị trường với sự đầu tư ồ ạt của nhiều tổ
chức cá nhân trong nước và nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến các di tích
cùng môi trường cảnh quan. Việc quy định các khu vực bảo vệ di tích trong quá
trình xây dựng hồ sơ cũng chưa tính hết những tác động đặc thù của quá trình đô
thị hóa. Khu vực bảo vệ của không ít di tích đã được xác định quá rộng, bao gồm
cả khu vực cư dân đã tồn tại từ nhiều năm trước, chính vì vậy việc di dân giải
phóng mặt bằng gặp những khó khăn rất lớn. Những vi phạm đặc biệt là việc lấn
chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại các khu vực di tích vẫn không được giải
quyết thỏa đáng khiến cho cảnh quan văn hóa và môi trường bị ảnh hưởng nghiêm
trọng. Ngoài ra, do đặc thù những di tích lịch sử - văn hóa thường được xây dựng
từ lâu nên việc thu, gom, xử lý nước thải, rác thải và hệ thống nhà vệ sinh
không có sẵn mà phải đầu tư xây dựng mới hoặc tổ chức dưới các hình thức tạm thời.
Bên cạnh đó, hệ thống vệ sinh công cộng được xây dựng tạm bợ không đạt tiêu chuẩn
cũng gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như mỹ quan chung của khu di tích.
Bên cạnh hệ thống các di tích, Bà Rịa-Vũng
Tàu còn có các lễ hội với nhiều màu sắc khá phong phú, đa dạng và tiêu biểu cho
những mô típ văn hóa lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống khác nhau, bao gồm: lễ
hội đình của ngư dân vùng ven biển (Lễ hội đình Thắng Tam...), lễ hội thờ cá
voi của ngư dân miền biển cả (các Lễ hội Nghinh Ông...), lễ hội truyền thống thờ
các anh hùng dân tộc (Lễ giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội đức Thánh Trần...), lễ hội
dân gian mang màu sắc ngư nghiệp miền ven biển (Lễ hội Dinh Cô - Long Hải), lễ
hội dân gian pha màu sắc tôn giáo tín ngưỡng địa phương (Lễ hội Nhà lớn - Long
Sơn...). Hệ thống các lễ hội đó gắn với các di tích có những giá trị văn hóa -
lịch sử rất đáng lưu ý và đang dần được khai thác để trở thành những sản phẩm
du lịch văn hóa độc đáo, đặc sắc của địa phương.
Thường xuyên chỉ đạo Sở VHTT&DL
(nay là Sở Du lịch) triển khai các văn bản yêu cầu phòng Văn hóa và Thông tin,
Ban quản lý các khu du lịch các huyện, thành phố tăng cường công tác đảm bảo vệ
sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, an
toàn cho du khách, báo cáo tình hình hoạt động du lịch trên địa bàn. Trong các
ngày lễ, tết, đã phân công lãnh đạo và chỉ đạo các Sở, ngành liên quan trực
chuyên môn để tiếp nhận những thông tin phản ánh của du khách qua đường dây
nóng của tỉnh. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Du lịch) xây dựng
và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau các đợt lễ, tết
như Tết Nguyên Đán, Lễ hội Dinh Cô, vía Ông Trần, lễ 30/4, 01/5, Quốc khánh
02/9...
Tuy nhiên, do đặc thù của lễ hội mang
tính mùa vụ, đa số các lễ hội chỉ diễn ra trong khoảng thời gian từ một đến ba
ngày, lượng du khách tập trung cùng một thời điểm rất lớn, điều này dẫn đến áp
lực rất lớn cho môi trường tự nhiên và môi trường xã hội trên địa bàn. Lượng
rác thải sau mùa lễ hội tại các di tích rất lớn gây nên tình trạng ô nhiễm ở
các khu di tích, lễ hội ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nạn trộm cắp, ăn
xin, bói toán, bán hàng rong và đeo bám du khách vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội.
Đồng thời, hiện tượng tiêu cực từ phía du khách và cộng đồng địa phương tham
gia kinh doanh phục vụ hoạt động du lịch cũng phát sinh nhiều gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến môi trường văn hóa - xã hội của địa phương.
2. Đánh giá chung
2.1. Ưu điểm
- Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy,
Hội đồng Nhân dân; sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự
phối hợp của các sở, ban, ngành, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du
lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đi vào nề nếp; môi trường tại các khu
du lịch có sự chuyển biến một cách đáng kể.
- Công tác thẩm định báo cáo đánh giá
tác động môi trường đối với các dự án du lịch được thực hiện đúng quy trình, thời
gian theo quy định, chất lượng thẩm định từng bước được nâng cao.
- Công tác tuyên truyền, tập huấn được
tổ chức đa dạng, phong phú và thiết thực hơn bằng nhiều hình thức nhằm thu hút
sự quan tâm và tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ
gìn vệ sinh môi trường trong sạch góp phần cho hoạt động phát triển du lịch của
tỉnh.
- Công tác hậu thẩm định sau khi báo
cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của các cơ sở kinh doanh du lịch
được tăng cường hơn. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các cơ
sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, các hoạt động sản xuất ảnh hưởng đến phát triển
du lịch nhằm đề xuất kịp thời các biện pháp xử lý, hạn chế tối đa hoạt động gây
ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến môi trường du lịch của tỉnh.
- Đội ngũ cán bộ công chức làm công
tác quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các địa phương đã được trang bị
kiến thức về môi trường du lịch một cách tương đối.
2.2. Hạn chế, tồn tại
- Vệ sinh môi trường tại các khu, điểm
du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ lẻ chưa đáp ứng yêu cầu về công tác
bảo vệ môi trường. Tình trạng rác thải, nước thải chưa được thu gom, xử lý triệt
để dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Tình trạng vứt rác, thức ăn dư thừa
trên các bãi tắm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn
nước tại các khu vực này. Do đặc thù của ngành du lịch là hoạt động kinh doanh
theo mùa vụ nên việc vận hành hệ thống xử lý nước thải của một số cơ sở du lịch
có quy mô nhỏ chưa thường xuyên.
- Một số cơ sở kinh doanh du lịch
trên địa bàn xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp vào môi trường; chưa thực hiện
đầy đủ các yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi
trường được phê duyệt hoặc xác nhận. Một số cơ sở kinh doanh du lịch chưa quan
tâm đầu tư, xử lý đúng mức chất thải rắn sinh hoạt, chưa thực hiện đúng các quy
định về quản lý chất thải nguy hại như: chưa thu gom triệt để, còn để ngoài trời
không có mái che, để lẫn với chất thải thông thường, chưa bố trí khu vực lưu giữ
tạm thời, thùng chứa theo quy định. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch,
nhà nghỉ hoạt động không phép, trái phép và tự phát có quy mô nhỏ không thực hiện
các thủ tục pháp lý về môi trường, không đầu tư các công trình xử lý môi trường
(chất thải, nước thải...).
- Tuy không phổ biến nhưng vẫn còn tội
phạm lợi dụng các hoạt động lễ hội đông người để trộm cắp, cướp giật, lừa đảo,
gian lận, tổ chức các hoạt động tệ nạn xã hội, ép giá, chèo kéo, đeo bám khách
du lịch; công tác quản lý các hoạt động dịch vụ du lịch có lúc, có nơi còn lộn
xộn, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, văn hóa, khả năng thu hút khách của du
lịch tỉnh.
- Lợi dụng tình trạng du lịch mang
tính mùa vụ và tập trung đông vào các ngày lễ, tết, cuối tuần, một số nhà nghỉ
có quy mô nhỏ của các hộ cá thể nâng giá bán tùy tiện mặc dù cơ sở vật chất của
nhà nghỉ không phù hợp với giá phòng. Ngoài ra, còn có một bộ phận nhỏ làm cò
phòng, đặt phòng số lượng lớn sau đó bán lại cho khách du lịch đi riêng lẻ với
giá cao để thu lợi nhuận.
- Tệ nạn gian lận thương mại với các
hình thức như: bán hàng không đủ trọng lượng (hải sản), trao đổi hàng hóa khi
bán, bán không đúng giá niêm yết, móc nối, chi hoa hồng cho cò mồi bắt khách vẫn
còn diễn ra ở một số địa phương.
- Hiện tượng treo biển hiệu và gắn sao
không đúng với quy định của các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện.
Đa số các nhà nghỉ gắn biển “motel” hoặc một số cơ sở lưu trú chưa được thẩm định
cấp sao nhưng vẫn gắn sao trong khi chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất không
đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vì vậy, tỷ lệ du khách quay lại tỉnh BR-VT lần
2 hoặc những lần sau nữa là khá thấp.
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ hoạt
động du lịch đối với công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế, đặc biệt là việc
quản lý, xử lý chất thải.
- Công tác tuyên truyền tại các cơ sở
kinh doanh du lịch chưa sâu rộng; nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về môi trường chưa phong phú.
- Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa
các ngành trong việc kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở
hoạt động du lịch; việc thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật
còn chưa nghiêm, còn nể nang và lúng túng.
2.3. Nguyên nhân
2.3.1. Nguyên nhân khách quan
- Hoạt động kinh doanh du lịch nói
chung và du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng là loại hình kinh doanh mang
tính mùa vụ cao vì vậy các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ và một bộ phận
người dân khu vực có đông khách du lịch có tâm lý lợi dụng mùa vụ để tận thu cá
nhân, tranh thủ làm dịch vụ, nâng, ép giá lưu trú, dịch vụ. Từ đó dẫn đến tình
trạng nhếch nhác, thiếu chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ kém ảnh hưởng đến
hình ảnh của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu còn mang
tính chất cuối tuần, một lượng lớn khách du lịch đến Bà Rịa - Vũng Tàu vào các
dịp cuối tuần (chủ yếu là khách nội địa từ thành phố HCM và các tỉnh đồng bằng
sông Cửu Long, Đông Nam bộ) dẫn đến việc cầu vượt cung dẫn đến tình trạng giá cả
dịch vụ tăng và xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực.
- Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu,
tình hình thời tiết và khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và làm tăng các
nguy cơ như: nước biển dâng, lốc xoáy, mưa giông kèm theo sét...gây khó khăn
cho các hoạt động du lịch ngoài trời và ảnh hưởng đến môi trường du lịch nhất
là tại các cơ sở kinh doanh du lịch ven biển.
- Do ảnh hưởng khó khăn từ nền kinh tế
thị trường hiện nay, tình trạng thất nghiệp gia tăng, người dân tập trung về
các khu, điểm du lịch để mưu sinh nhiều kéo theo số lượng người bán hàng rong,
vé số, ăn xin...gia tăng. Điều này dẫn đến tình trạng chèo kéo, đeo bám du
khách và các tệ nạn xã hội diễn ra tại các khu, điểm du lịch ngày càng tăng.
- Một số nguồn thông tin báo chí mặc
định Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua như là một điểm đen về tình trạng tăng giá
tùy tiện, ép giá, gian lận thương mại gây ngộ nhận cho du khách.
- Nguy cơ ô nhiễm vùng biển cao do ảnh
hưởng của sự cố tràn dầu liên tục xảy ra.
2.3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Khi lập quy hoạch phát triển kinh tế
xã hội, các ngành kinh tế chưa thực sự quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững
theo khía cạnh môi trường, trong đó có các quy hoạch phát triển du lịch đặc biệt
là du lịch xanh. Đa số các ngành kinh tế chủ yếu chú trọng đến yếu tố tăng trưởng
kinh tế, chưa quan tâm thực sự đến môi trường sinh thái, đặc biệt là yếu tố xã
hội, nhân văn.
- Chưa có sự liên kết thực sự giữa
các ngành dịch vụ trong việc đón tiếp, vận chuyển, thương mại, dịch vụ, lưu
trú...nhất là vào các dịp lễ tết, mùa cao điểm, từ đó giá cả dịch vụ bị đẩy lên
cao mà chất lượng dịch vụ chưa tương xứng, thiếu sức cạnh tranh so với khu vực.
Đây là cơ hội, là kẽ hở tạo điều kiện cho nạn chèn ép, tăng giá khách du lịch
hoành hành mà thiếu sự kiểm soát, điều tiết mang tầm vĩ mô.
- Tình trạng buông lỏng quản lý môi
trường trong hoạt động du lịch còn xảy ra tại một số địa phương. Chưa có giải
pháp hữu hiệu để trấn áp, quản lý tình trạng lừa đảo, cướp giật, đeo bám, chèn
ép du khách tại một số khu, điểm du lịch. Chưa có biện pháp trong quản lý chất
lượng dịch vụ của các khu, điểm du lịch tự phát trên địa bàn tỉnh.
- Tình trạng chồng chéo trong công
tác quản lý nhà nước về môi trường du lịch còn diễn ra, thiếu đầu mối trách nhiệm.
Công tác phối hợp giữa các Sở, ngành chưa thực sự chặt chẽ, một số cơ quan, đơn
vị liên quan chưa thực sự quan tâm đối với công tác đảm bảo môi trường du lịch
trên địa bàn.
- Thiếu chủ động trong việc cung cấp
thông tin cho khách du lịch, cụ thể: thiếu cập nhật thông tin cho du khách về
các địa điểm, dịch vụ có uy tín, chất lượng; thiếu thông tin khuyến cáo về các
địa điểm, loại hình dịch vụ thường bị gian lận, ép giá, chất lượng dịch vụ kém.
- Chất thải sinh hoạt của ngư dân
trên các khu vực tàu đánh bắt cá neo đậu; nước thải, rác thải của các cơ sở
kinh doanh du lịch ven biển; rác thải từ du khách; dầu cặn, xác cá tôm...thải
trực tiếp ra biển và trôi dạt vào các bãi tắm gây nên tình trạng ô nhiễm tại
các bãi tắm, khu du lịch ven biển.
- Lực lượng làm công tác bảo đảm an
ninh, an toàn, trật tự xã hội ở các khu, điểm du lịch còn mỏng; hiệu quả công tác
tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức, nếp sống văn minh cho khách
du lịch và người dân ở các khu, điểm du lịch chưa cao.
- Một số doanh nghiệp du lịch còn lơ
là, chưa chủ động, tích cực, chú trọng trong công tác đảm bảo môi trường tại cơ
sở kinh doanh.
3. Bài học kinh nghiệm
- Bằng nhiều hình thức tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách quy định pháp luật
và các hành động thiết thực tham gia bảo vệ môi trường cho tổ chức, cá nhân
kinh doanh du lịch nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, hành động của doanh nghiệp
trong công tác bảo vệ môi trường du lịch; thực hiện tuyên truyền, giáo dục, bảo
vệ môi trường thường xuyên có hệ thống, liên tục mở rộng địa bàn, đối tượng, thời
gian và lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, tập huấn, giáo dục, bảo vệ
môi trường.
- Tuyên truyền vận động người dân và
du khách chung tay giữ gìn vệ sinh công cộng và cảnh quan môi trường du lịch.
Thường xuyên lắp đặt thêm các biển hướng dẫn, nhắc nhở du khách bỏ rác đúng nơi
quy định, đặt thêm các thùng thu gom rác thải tại các khu, điểm du lịch. Xây dựng
nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư sinh sống tại các khu du lịch ven biển
để người dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
du lịch.
- Tăng cường xây dựng các mô hình bảo
vệ môi trường trong khu dân cư trong đó huy động được nhiều thành phần trong
khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường nhằm làm chuyển biến nhận thức và hành động
của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là bảo vệ môi trường
du lịch.
- Nghiên cứu và triển khai chương
trình “Du lịch xanh” như mô hình ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long theo tiêu
chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Khuyến khích đầu tư các dự án du lịch
thân thiện với môi trường, huy động được nhiều thành phần xã hội tham gia trong
công tác bảo vệ môi trường du lịch. Nâng cao sự giám sát của cộng đồng, nhất là
cư dân sống gần các khu du lịch, các cơ sở hoạt động du lịch để phát hiện sớm
các nguy cơ về ô nhiễm môi trường để cùng với các cơ quan quản lý nhà nước về
môi trường tham gia giải quyết.
- Tăng cường thu gom, giải quyết rác
của các hộ cư dân ven biển, đặc biệt là khu dân cư nằm gần các khu du lịch, khu
di tích văn hóa-lịch sử...
- Sắp xếp, bố trí, quy hoạch lại các
bến neo đậu tàu thuyền tại các khu vực ven biển, các cơ sở buôn bán hàng rong,
hải sản, các cơ sở du lịch nằm xen kẽ trong khu dân cư, triển khai xây dựng hệ
thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu du lịch nhằm hạn chế các ảnh
hưởng đến môi trường du lịch của tỉnh.
Phần II
QUAN ĐIỂM, MỤC
TIÊU, PHƯƠNG ÁN, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
1. Quan điểm
1.1. Đề cao vai trò, trách nhiệm của
các cấp chính quyền địa phương tại các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là
các phường, xã nơi có khu, điểm du lịch trong việc tăng cường công tác quản lý
môi trường du lịch, thực hiện nội dung “nâng cao vai trò và trách nhiệm của
chính quyền địa phương trong việc đảm bảo môi trường, văn minh du lịch, an
ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch” đã được Thủ tướng
Chính phủ giao trách nhiệm trong Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển du
lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
1.2. Tập trung triển khai các biện
pháp đồng bộ, quyết liệt để tạo ra chuyển biến cơ bản trong công tác đảm bảo
môi trường trong hoạt động du lịch. Tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hiện
tượng, vụ việc xâm hại khách du lịch tiến tới giải quyết triệt để, dứt điểm nạn
cướp giật, chèo kéo, ép khách, lợi dụng lừa đảo, làm phiền khách du lịch đến
các điểm tham quan du lịch tại địa phương, đặc biệt vào thời điểm tổ chức các sự
kiện, lễ hội và mùa du lịch cao điểm.
1.3. Tăng cường công tác phối hợp
liên ngành trong công tác quản lý môi trường và triển khai các biện pháp đảm bảo
an toàn cho khách du lịch. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, phát động
nhân dân tham gia đấu tranh tố giác và phòng ngừa các hành vi tiêu cực gây
phương hại đến môi trường du lịch.
1.4. Lồng ghép chặt chẽ các nhiệm vụ,
kế hoạch của đề án với các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội
của tỉnh, gắn liền với các yêu cầu về cải thiện môi trường, bảo tồn các di tích
lịch sử-văn hóa, phát huy giá trị du lịch, phục vụ phát triển du lịch của tỉnh
theo hướng bền vững; điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, phương án phát triển
kinh tế-xã hội của tỉnh phù hợp với mục tiêu về môi trường.
1.5. Công tác bảo vệ môi trường phải
được tiến hành, thực hiện thường xuyên, lâu dài dựa trên nguyên tắc phòng ngừa
là chính, kết hợp với kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường
và bảo tồn thiên nhiên; hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành có trọng
tâm, coi trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào
công tác bảo vệ môi trường du lịch.
1.6. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi
trường trong hoạt động du lịch; phát huy tối đa nguồn lực của các cấp, các
ngành, các tổ chức quần chúng, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, người
dân và toàn xã hội; đồng thời kết hợp giữa phát huy nội lực với tăng cường hợp
tác quốc tế.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung
- Cải thiện hình ảnh du lịch Bà Rịa-Vũng
Tàu giai đoạn 2018-2020: môi trường du lịch văn minh, thân thiện, xanh-sạch-đẹp;
tiến tới chấm dứt nạn chèo kéo, đeo bám, ép giá đối với khách du lịch để thực sự
trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí lớn của cả
nước, khu vực và thế giới.
- Cải thiện môi trường du lịch tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu theo hướng phát triển bền vững, tập trung bảo vệ môi trường
du lịch bằng các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, từng bước nâng cao
năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường nói chung và
môi trường du lịch nói riêng.
- Từng bước nâng cao nhận thức và
trách nhiệm của cộng đồng và du khách về bảo vệ môi trường và các nguồn tài
nguyên thiên nhiên.
2.2. Mục tiêu về môi trường
- Không để phát sinh và xử lý triệt để
các cơ sở hoạt động du lịch, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường; Ưu tiên triển khai
thực hiện với các dự án đầu tư du lịch thân thiện với môi trường; bảo vệ môi
trường du lịch sinh thái.
- 100% các loại hình du lịch phát triển
theo hướng bền vững; Lồng ghép chặt chẽ vấn đề bảo vệ môi trường du lịch với
các quy hoạch, kế hoạch, dự án du lịch, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên nhằm
khai thác, tôn tạo, bảo vệ các di sản thiên nhiên, cảnh quan thiên nhiên; Đến
năm 2020, phấn đấu 100% các cơ sở kinh doanh du lịch thực hiện mô hình “Du lịch
xanh”.
- Kiểm soát chặt chẽ chất thải phát
sinh từ hoạt động của du lịch: đảm bảo 100% các cơ sở du lịch, đặc biệt là các
cơ sở du lịch ven biển phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản đăng
ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc phương án bảo vệ môi trường; có hệ thống thu
gom, xử lý rác thải và nước thải đúng quy định.
- Chuẩn hóa các nhà vệ sinh ở các nơi
công cộng và cơ sở kinh doanh, đảm bảo sạch sẽ, đạt chuẩn: đến năm 2020 hoàn thiện
hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách trên địa bàn tỉnh.
- Phấn đấu 100% các khu, điểm du lịch
công cộng, các bãi tắm công cộng, điểm dừng chân...được bố trí đầy đủ các thùng
rác kết hợp việc phân loại rác.
3. Phương án thực hiện
Để đáp ứng nhu cầu, mục tiêu và hoàn
thành nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
giai đoạn 2018-2020, cần có những phương án như:
- Lồng ghép chặt chẽ, hài hòa các nội
dung kế hoạch bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vào các quy hoạch, kế
hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
- Nâng cao năng lực của các cơ quan
quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại các địa phương. Bố trí cán bộ
chuyên môn chuyên trách cho các phòng chức năng. Nâng cao công tác đào tạo, bồi
dưỡng kiến thức về môi trường du lịch cho cán bộ công chức phụ trách lĩnh vực
môi trường tại các địa phương.
- Phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền,
bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ môi trường du lịch cho các cá nhân, tổ chức và
các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp vừa
và nhỏ.
- Xây dựng và ban hành quy chế kiểm
tra, kiểm soát và xử phạt trong vi phạm về việc đảm bảo môi trường trong hoạt động
kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
4. Đối tượng và phạm vi thực hiện
4.1. Đối tượng thực hiện
- Các cơ quan quản lý nhà nước liên
quan cấp tỉnh và cấp huyện (Các Sở, ngành và UBND cấp huyện); Các nhà đầu tư và
cơ sở kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; hộ kinh doanh cá thể và
các cá nhân hoạt động du lịch; Cộng đồng dân cư và du khách.
4.2. Phạm vi thực hiện
4.2.1. Phạm vi không gian:
Bảo vệ tài nguyên du lịch và giữ gìn
vệ sinh môi trường trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
bao gồm tất cả các huyện, thị xã, thành phố (Vũng Tàu, Bà Rịa, Xuyên Mộc, Côn Đảo,
Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức và Phú Mỹ).
4.2.2. Phạm vi thời gian: Triển khai thực hiện giai đoạn 2018 - 2020
Phần III
CÁC NHIỆM VỤ BẢO
ĐẢM MÔI TRƯỜNG DU LỊCH TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2018-2020
1. Phòng ngừa, hạn chế và khắc phục
tình trạng ô nhiễm môi trường
- Tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ
môi trường đối với các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các
dự án đầu tư du lịch thân thiện với môi trường.
- Xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm
môi trường của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa phương ven biển;
hạn chế đến mức tối đa việc xả nước thải, rác thải trực tiếp ra môi trường.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện thực
hiện vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải đến các khu, điểm du lịch.
- Triển khai nhân rộng mô hình bãi tắm
văn minh, xanh, sạch và không có rác thải tại các địa phương trên địa bàn tỉnh;
kiên quyết xử lý tình trạng xả rác tại các bãi tắm.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống nhà
vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch; nâng cao chất lượng của hệ thống nhà vệ
sinh công cộng hiện có trên địa bàn tỉnh.
- Vận động các nguồn tài trợ của các
tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các dự án, các đề tài về bảo vệ môi trường
du lịch.
2. Xây dựng môi trường du lịch an
toàn, thân thiện
- Xây dựng, hoàn thiện các khu, điểm
du lịch, dịch vụ có quy mô quốc gia và địa phương nhằm tạo điều kiện, môi trường
thuận lợi cho du khách được sử dụng các dịch vụ có chất lượng.
- Rà soát, quy hoạch, tổ chức các
khu, điểm dịch vụ du lịch đảm bảo môi trường và văn minh, tiện lợi.
- Chấn chỉnh môi trường du lịch tại
các khu, điểm du lịch mất an toàn, thường xảy ra tình trạng chèo kéo, đeo bám,
chèn ép khách du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý các di tích
lịch sử - văn hóa, lễ hội, gắn việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa với
phát triển du lịch và bảo vệ môi trường du lịch.
- Triển khai các giải pháp nhằm nâng
cao chất lượng dịch vụ du lịch; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi gian lận,
không niêm yết và không bán theo giá niêm yết, nâng giá bất hợp lý, ép giá, bán
hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, đưa tin thất
thiệt về thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ...
- Tăng cường công tác đảm bảo môi trường
tại các khu vực ven biển, các bãi tắm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh
doanh, buôn bán trên bãi biển; xử lý triệt để các trường hợp tổ chức ăn nhậu, xả
rác trên bãi biển.
- Vận động người dân và du khách tham
gia công tác đảm bảo môi trường và tham gia chương trình “du lịch xanh”.
3. Nâng cao nhận thức, năng lực,
phát huy vai trò cộng đồng trong cải thiện môi trường du lịch
- Hình thành và chuyên nghiệp hóa nguồn
nhân lực chuyên trách đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch.
- Nâng cao năng lực, khả năng phối hợp
ngăn chặn, ứng phó và giải quyết các sự cố, an toàn cho khách du lịch đối với
các lực lượng chức năng ngoài ngành du lịch.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng
dân cư trong và ngoài các khu, điểm du lịch về trách nhiệm bảo đảm môi trường
du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, góp phần tạo môi trường du
lịch an toàn, thân thiện.
- Tăng cường công tác tuyên truyền
giáo dục; chỉ đạo các đoàn thể trên địa bàn vận động nhân dân, các doanh nghiệp
tích cực tham gia các chương trình hành động bảo vệ môi trường tại nơi công cộng,
bãi biển; giữ gìn vệ sinh chung; đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm quy định về
bảo vệ môi trường du lịch.
- Phát động phong trào người dân ứng
xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch.
- Tăng cường năng lực của cộng đồng
trong ứng phó, giải quyết bảo đảm an toàn cho khách du lịch, chống cướp giật,
chèo kéo, đeo bám, chèn ép khách du lịch.
- Hướng dẫn và vận động du khách tham
gia bảo vệ môi trường du lịch.
Phần IV
NHỮNG GIẢI PHÁP
ĐẢM BẢO MÔI TRƯỜNG DU LỊCH TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2018-2020
1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính
sách
Nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện từng
bước các cơ chế, chính sách:
- Hỗ trợ, tạo điều kiện ưu tiên cho
doanh nghiệp về địa điểm, ưu đãi về thuế để xây dựng và kinh doanh các cơ sở dịch
vụ du lịch kiểu mẫu, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch, đảm bảo môi trường
du lịch văn minh hiện đại.
- Ưu tiên đối với các dự án đầu tư du
lịch có các giải pháp khả thi, cụ thể nhằm giảm thiểu tác động của hoạt động du
lịch đến môi trường du lịch, đặc biệt là môi trường du lịch biển, mang lại các
hiệu quả trực tiếp cho cộng đồng và lâu dài cho toàn xã hội ở vùng ven biển.
- Khuyến khích các doanh nghiệp kinh
doanh du lịch tiếp nhận và ứng dụng sự phát triển của khoa học công nghệ trong
lĩnh vực bảo vệ môi trường du lịch phù hợp với tình hình thực tế tại địa
phương; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, đảm bảo phát triển du
lịch tỉnh một cách bền vững.
- Khuyến khích và hỗ trợ phát triển
các loại hình du lịch thân thiện với môi trường, đặc biệt là du lịch sinh thái
vùng ven biển.
- Có chính sách hỗ trợ những doanh
nghiệp nhỏ và vừa làm du lịch ở những thời điểm không phải vào “mùa cao điểm”.
2. Nhóm giải pháp về tổ chức, quản
lý
- Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông cấp tỉnh và tại
các địa phương.
- Lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường
vào các hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt trong công tác quy hoạch phát
triển du lịch với việc thực hiện đánh giá tác động môi trường.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc công
tác thẩm định đánh giá tác động môi trường và nâng cao chất lượng thẩm định báo
cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án du lịch; tăng cường công tác kiểm
tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án
và kiểm tra việc xác nhận thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
- Thực hiện công khai, minh bạch các
quy hoạch, dự án đầu tư du lịch tạo điều kiện để các tổ chức và công dân có thể
tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án.
- Theo dõi và quản lý chặt chẽ công
tác bảo đảm môi trường du lịch của các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh;
Chấm dứt tình trạng dựng quán, bán hàng rong, ăn xin, tranh giành khách, ép
mua, ép giá, đeo bám gây phiền hà cho khách du lịch.
- Các ngành chức năng có cơ chế phối
hợp triển khai các hoạt động thanh, kiểm tra về vệ sinh môi trường tại các đơn
vị kinh doanh dịch vụ du lịch; triển khai các Đoàn kiểm tra liên ngành vào các
thời điểm lễ, hội, mùa cao điểm.
- Thực hiện nghiêm túc việc phân cấp
quản lý cho các địa phương trên địa bàn tỉnh; giao trách nhiệm cụ thể về bảo vệ
môi trường du lịch cho Chủ tịch UBND các phường, xã.
3. Nhóm giải pháp về đầu tư cơ sở
vật chất, trang thiết bị
- Khuyến khích nghiên cứu ứng dụng
các công nghệ ít tiêu thụ năng lượng, nước sạch và tăng cường tái sử dụng chất
thải trong các cơ sở dịch vụ du lịch.
- Khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu
tư dự án hoạt động kinh doanh xe chở người bốn bánh có gắn động cơ (sử dụng
năng lượng điện) để chở khách du lịch ở những địa bàn du lịch trọng điểm.
- Đầu tư xây dựng và bố trí hợp lý, đầy
đủ hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu,
điểm du lịch.
- Tổ chức rà soát, lắp đặt biển báo,
biển chỉ dẫn giao thông rõ ràng, phù hợp đảm bảo an toàn, phòng ngừa ùn tắc, tạo
điều kiện cho khách du lịch tiếp cận các khu, điểm du lịch.
- Khuyến khích bố trí đầy đủ các
thùng rác (có phân loại) tại các địa điểm phù hợp và đầu tư các công trình thu
gom, xử lý chất thải tại các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
4. Nhóm giải pháp về đào tạo, bồi
dưỡng
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
nâng cao nghiệp vụ bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh
doanh dịch vụ du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích.
- Tổ chức các lớp tập huấn về nâng
cao kỹ năng giao tiếp trong bán hàng và ứng xử với du khách cho các đối tượng
là tiểu thương, người bán hàng tại các địa điểm tập trung khách du lịch, nhân
viên taxi, xích lô...Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho các lực lượng trực tiếp và
gián tiếp phục vụ khách du lịch.
- Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng
về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác môi trường cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà
nước về văn hóa, du lịch và người lao động tại các doanh nghiệp du lịch.
5. Nhóm các giải pháp khác
- Tiếp tục rà soát, đánh giá phân loại
các cơ sở kinh doanh du lịch đạt chuẩn (thay cho chương trình “Những địa chỉ
tin cậy của du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu”); công khai danh sách các địa điểm, dịch vụ,
cơ sở kinh doanh du lịch đạt chuẩn và khuyến cáo các địa điểm không nên đến
trên các website; khuyến khích các kinh doanh du lịch tham gia nhãn du lịch bền
vững “Bông Sen Xanh”, chương trình “Du lịch xanh”...
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
giáo dục, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trên địa bàn vận động nhân dân, các
doanh nghiệp kinh doanh du lịch tích cực tham gia các chương trình hành động về
bảo vệ môi trường tại nơi công cộng, bãi biển.
- Tiếp tục phát huy và đẩy mạnh công
tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch,
di tích và lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng như các đài phát
thanh truyền hình trung ương và địa phương; các cơ quan thông tấn báo chí; các
tạp chí trong và ngoài nước; tập trung khai thác và sử dụng các trang mạng để
tuyên truyền, quảng bá về các nỗ lực cải thiện môi trường du lịch an toàn, thân
thiện; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ du lịch xanh”; ngày môi trường
thế giới; chương trình “Du lịch xanh”...
- Tăng cường liên kết trong việc phát
triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch, có sự điều tiết chung nhằm đảm bảo ổn định
giá cả và nâng cao chất lượng dịch vụ cao nhất cho khách du lịch; tăng cường sự
liên kết phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường du lịch với các địa phương lân
cận và giữa các cơ quan, đơn vị và các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh.
- Các địa phương nhất là các địa
phương trọng điểm về du lịch tăng cường triển khai các biện pháp tăng cường
công tác hướng dẫn, thanh tra và kiểm tra việc thực hiện đăng ký giá, niêm yết
công khai và bán theo giá niêm yết của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Tăng cường các biện pháp quản lý
tình hình hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi...)
và có kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quy tắc về ứng xử
văn minh, thân thiện đối với khách du lịch cho đội ngũ lái xe của các phương tiện
giao thông công cộng (xe buýt, xe ôm, taxi...) trên địa bàn toàn tỉnh.
- Thành lập các trung tâm hoặc bộ phận
hỗ trợ du khách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Xây dựng tiêu chuẩn và xét tặng các
danh hiệu thân thiện với môi trường cho tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh
du lịch có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường. Coi đây là một trong những
điều kiện quan trọng để đánh giá, xếp hạng cơ sở trong những hoạt động liên
quan (thi đua, khen thưởng, xếp hạng doanh nghiệp du lịch...).
- Thường xuyên tổ chức các hội nghị,
hội thảo về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch.
Phần V
KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Các Sở, ngành, UBND cấp huyện, thị
xã, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao tại Đề án xây dựng kế hoạch thực hiện
và dự trù kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Nguồn kinh phí tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ của đề án (kể cả nguồn kinh phí tổ chức triển khai đề án) được xây
dựng và bố trí như sau:
Các Sở, ngành và UBND cấp huyện, thị
xã, thành phố căn cứ vào nhiệm vụ được phân công xây dựng kế hoạch và kinh phí
cụ thể triển khai thực hiện Đề án trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, cụ thể:
- Kinh phí tổ chức triển khai thực hiện
đề án: được bố trí từ nguồn ngân sách thường xuyên hàng năm của UBND tỉnh và
các Sở, ngành, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố;
- Kinh phí thực hiện các chương
trình, đề án lồng ghép với thực hiện kế hoạch đảm bảo môi trường du lịch: được
bố trí từ nguồn kinh phí chương trình, đề án hàng năm của tỉnh.
- Kinh phí xây dựng các công trình,
cơ sở hạ tầng phục vụ việc đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch như: hệ
thống nhà vệ sinh công cộng và lắp đặt hệ thống thùng rác (có phân loại
rác)...được huy động từ nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn tài trợ từ các Quỹ bảo
vệ môi trường.
Phần VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kế hoạch thực hiện
- Đề án “Bảo vệ môi trường trong hoạt
động du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2018-2020” được thực hiện gồm những
chương trình, nhiệm vụ cần thiết để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của đề án (cụ
thể theo danh mục đính kèm).
- Sau khi đề án được phê duyệt, các Sở,
ngành, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai
thực hiện.
2. Thành lập Ban chỉ đạo Đề án:
- Đ/c Trưởng ban chỉ đạo Phát triển
Du lịch tỉnh - Trưởng ban;
- Đ/c Giám đốc Sở Du lịch - Phó trưởng
ban thường trực;
- Đ/c Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường - Phó trưởng ban;
- Lãnh đạo các Sở, ngành: Tài chính,
Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thể
thao, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, UBND các
huyện, thị xã, thành phố - Thành viên.
3. Phân công thực hiện
3.1. Sở Du lịch
- Là cơ quan thường trực: chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ
chức triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung, nhiệm vụ của Đề án.
- Kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo
cáo UBND tỉnh tiến độ, kết quả thực hiện đề án; kịp thời tham mưu các biện pháp
nhằm kiểm soát, giải quyết những vấn đề mới phát sinh và các khó khăn, vướng mắc
trong quá trình triển khai, thực hiện đề án.
- Thường xuyên phối hợp với các Sở,
Ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố lập các đoàn kiểm tra về tình hình đảm
bảo môi trường trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở,
ngành; UBND cấp huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị kinh doanh du lịch trong
việc thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức pháp
luật về đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch và kiến thức chuyên môn cho
đội ngũ nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn
toàn tỉnh.
- Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận,
giải quyết và phản hồi thông tin kịp thời đến khách du lịch để du khách, người
dân liên hệ, phản ánh và cung cấp thông tin khi xảy ra sự cố đối với du khách.
- Thông báo rộng rãi trên các phương
tiện truyền thông, trên website, các ấn phẩm quảng bá du lịch về chủ trương,
chính sách phát triển du lịch của tỉnh; về tuyến điểm du lịch, nhà hàng, khách
sạn, giá niêm yết; thông tin về các cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, dịch vụ
ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tuyên truyền, phổ biến và thực hiện
công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục
vụ khách du lịch. Đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên tinh thần
huy động sự tham gia của các hội viên Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp
du lịch.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan để chia sẻ các thông tin và nguồn lực sẵn có (cơ sở vật chất, nguồn nhân lực...)
để thực hiện thành công các nội dung, nhiệm vụ của đề án.
3.2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với các Sở, ban ngành liên
quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành
liên quan trong việc theo dõi, đánh giá tác động môi trường của các dự án du lịch
trước, trong và sau khi đi vào hoạt động.
- Hướng dẫn các đơn vị có liên quan
thực hiện các quy định liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo môi trường trong
hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
3.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp tham mưu, đề xuất UBND tỉnh
bố trí vốn hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài hàng
rào các khu du lịch.
3.4. Sở Công thương
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của
ngành chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ
được giao trong đề án.
- Phối hợp với các Sở, ban ngành liên
quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.
3.5. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Du lịch và các cơ
quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án (đối
với nhiệm vụ thuộc vốn ngân sách nhà nước) theo đúng quy định của Luật ngân
sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách.
2.6. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì xây dựng kế hoạch và triển
khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ trong đảm bảo môi trường du lịch
trên địa bàn tỉnh
- Phối hợp với các Sở, Ngành và UBND
cấp huyện, thị xã, thành phố trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm
vụ có liên quan.
3.6. Sở Văn hóa và Thể thao
- Xây dựng kế hoạch tiếp tục triển
khai trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được phê duyệt.
- Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan để nghiên cứu chọn lọc một số di tích, danh thắng phục vụ phát triển du lịch,
song song với việc đầu tư trang thiết bị nhằm bảo đảm môi trường tại các di
tích, danh thắng đó.
3.7. Các Sở, ngành liên quan:
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của
ngành chủ động phối hợp với Sở Du lịch triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm
vụ, giải pháp nhằm đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
3.8. UBND huyện, thị xã, thành
phố:
- Phối hợp với các Sở, ngành liên
quan triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ được giao tại nội dung Đề
án. Coi đây là trách nhiệm và quyền lợi đối với tình hình phát triển du lịch
trên địa bàn.
- Chỉ đạo các bộ phận chức năng tại địa
phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về đảm bảo vệ
sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch và đưa hoạt động kinh doanh du lịch
vào nề nếp.
- Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm
minh các hành vi vi phạm. Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi
dụng hoạt động du lịch, phục vụ khách du lịch để lừa đảo khách du lịch đến tham
quan tại địa phương.
- Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành
phố chịu trách nhiệm về tình hình đảm bảo môi trường trong hoạt động kinh doanh
du lịch tại địa phương mình quản lý. Yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch
do địa phương quản lý thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giá, niêm yết giá và
bán đúng giá; công khai số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền tại nơi dễ thấy như: trước cổng trụ sở, tại khu vực lễ tân, bàn
ăn phục vụ khách nhằm giải quyết kịp thời những phản ánh của du khách.
- Tập trung chỉ đạo các phòng, ban
tăng cường công tác đảm bảo môi trường bãi biển; cấm các tổ chức, cá nhân buôn
bán trên bãi biển; xử nghiêm các trường hợp tổ chức ăn, nhậu, xả rác trên bãi
biển.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội giải quyết dứt điểm tình trạng người hành khất, ăn xin đeo bám
khách du lịch; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người dân tại các khu, điểm du
lịch trên địa bàn.
3.9. Các đơn vị kinh doanh du lịch
- Chấp hành nghiêm túc các quy định của
pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, giá
cả,...
- Triển khai thực hiện đồng bộ các biện
pháp bảo vệ môi trường, bố trí phương tiện, nhân viên để kịp thời thu gom, xử
lý rác thải, chất thải tại khu vực đơn vị quản lý, tạo môi trường du lịch văn
minh, lịch sự, sạch sẽ.
- Thường xuyên phối hợp với Sở Du lịch
và các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc đảm bảo công tác
vệ sinh môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch;
- Thường xuyên phối hợp thực hiện các
hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức pháp luật, kiến thức
chuyên môn cho đội ngũ nhân viên và người lao động của đơn vị mình.
PHẦN KẾT LUẬN
Đối với một đất nước vẫn đang trong
quá trình phát triển như Việt Nam, vấn đề phát triển kinh tế xã hội phục vụ cho
những mục tiêu phát triển đất nước trong những giai đoạn tiếp theo là ưu tiên
hàng đầu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó chúng ta đã và đang phải đối mặt
với những nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ hệ quả của sự phát triển thiếu tính
bền vững trong những năm qua đã đòi hỏi cần có những giải pháp, điều chỉnh cho
phù hợp với yêu cầu thực tế, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội
và môi trường.
Đề án “Đảm bảo môi trường trong hoạt
động du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2018-2020” được xây dựng dựa trên
những đánh giá về thực trạng của môi trường du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời
gian qua. Đồng thời xác định những tồn tại, hạn chế trong việc đảm bảo môi trường
du lịch và tìm ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó nhằm đề xuất những
giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên. Từ đó xây dựng, lồng ghép
các chương trình, nhiệm vụ với đảm bảo môi trường du lịch trên địa bàn toàn tỉnh
giai đoạn 2018-2020 nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong hoạt
động du lịch; tạo niềm tin và sức hấp dẫn đối với du khách; tạo môi trường du lịch
xanh - sạch - đẹp và đưa thương hiệu du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đến với du khách
trong và ngoài nước. Đồng thời, góp phần đưa du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển
theo hướng “bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc,
giữ gìn cảnh quan, đảm bảo môi trường”./.