QUY CHẾ
ĐẤU THẦU, ĐẤU GIÁ TRONG KHAI THÁC GỖ, BÁN CÂY ĐỨNG TẠI LÂM
ĐỒNG.
(Ban hành kèm theo quyết định số 139/2001/QĐ-UB ngày
25 tháng 12 năm 2001 của UBND tỉnh Lâm Đồng).
Chương I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.
Điều
1: Mục đích, ý nghĩa:
1/ Đấu thầu thi công
khai thác gỗ và đấu giá bán cây đứng nhằm tiết kiệm chi phí trong khai thác,
tiêu thụ gỗ, xác định đúng giá trị của tài nguyên rừng qua đó tăng nguồn thu
cho ngân sách để đầu tư phát triển vốn rừng và phát triển kinh tế xã hội.
2/ Đấu thầu thi công khai thác, đấu giá bán cây
đứng để nâng cao trách nhiệm của các ngành, đơn vị có liên quan trong quản lý,
sử dụng tài nguyên rừng, đồng thời tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo sự
cạnh tranh lành mạnh trong khai thác, kinh doanh gỗ theo quy định của pháp luật.
Điều
2: Giải thích một số từ ngữ:
1/ Cây đứng nêu trong quy chế này chỉ giới hạn
trong phạm vi các loài cây gỗ, rừng gỗ thuộc sở hữu Nhà nước được phép khai
thác.
2/ Chủ rừng nêu trong
quy chế này bao gồm các Lâm trường, các Ban Quản lý rừng, các đơn vị quốc doanh
hoặc đơn vị sự nghiệp được Nhà nước giao rừng để quản lý sản xuất kinh doanh
lâm nghiệp.
Điều
3: Nguyên tắc, phạm vi, đối tượng áp dụng.
1. Rừng gỗ thuộc sở hữu Nhà nước khi được phép khái
thác đều phải tiến hành đấu giá bán cây đứng hoặc đấu thầu thi công khai thác.
Trong một số trường hợp cần thiết, UBND tỉnh quyết định việc giao thầu mua cây
đứng, giao thầu thi công khai thác gỗ và chỉ định bán gỗ tròn tại bãi tập trung
không qua hình thức đấu thầu đấu giá. Các đơn vị được giao thầu mua cây đứng,
giao thầu khai thác được xem như đơn vị trúng thầu và phải thực hiện đầy đủ các
quy định tại quy chế này.
2/ Đấu giá bán cây đứng được thực hiện theo nguyên
tắc bán gỗ tại rừng, và giá bán được chấp nhận ở mức cao nhất cho từng chủng
loại, quy cách ở từng hiện trường cụ thể.
3/ Đấu thầu thi công
khai thác gỗ (trong một số trường hợp đặc biệt do UBND tỉnh quy định) được thực
hiện theo nguyên tắc chi phí được chấp nhận ở mức thấp nhất cho từng chủng
loại, quy cách gỗ ở từng hiện trường cụ thể, từ công đoạn mở đường, chặt hạ cho
đến vận xuất vận chuyển ra bãi tập trung quy định.
4/ Kết quả nghiệm thu,
đo đếm khối lượng, phân loại gỗ khai thác được và nghiệm thu rừng sau khai thác
là căn cứ để thanh toán giữa chủ rừng và bên mua (hoặc bên thi công).
5/ Tùy đặc điểm về
tình hình đường giao thông, phân bố tài nguyên rừng của từng hiện trường khai
thác, Hội đồng đấu thầu, đấu giá quyết định chia hiện trường khai thác của mỗi
đơn vị chủ rừng thành một lô, nhiều lô hoặc toàn bộ hiện trường trước khi tổ
chức đấu thầu, đấu giá.
Điều
4: Hội đồng đấu thầu, đấu giá:
1/ Thành phần hội đồng
:
- Thủ trưởng đơn vị
chủ rừng - Chủ tịch hội đồng.
- Đại diện Sở Nông
nghiệp & PTNT - Thành viên.
- Đại diện Sở Tài
chính Vật giá - Thành viên.
- Đại diện Chi cục
Kiểm lâm - Thành viên.
- Đại diện Cục thuế - Thành
viên.
2/ Thành phần mời tham
dự :
- Đại diện Sở Kế hoạch
& đầu tư.
- Đại diện UBND cấp
huyện sở tại.
Hội đồng đấu thầu, đấu
giá có trách nhiệm kiểm tra, rà xét các thủ tục có liên quan đến việc mở cửa
rừng cho khai thác, thủ tục mời thầu, thẩm định tư cách của các cá nhân, đơn vị
dự thầu theo quy định chung và của hội nghị đấu thầu, đấu giá theo đúng quy
định của quy chế này.
Hội đồng đấu thầu, đấu
giá hoạt động theo nguyên tắc đa số.
Điều
5: Điều kiện về hồ sơ thiết kế khai
thác rừng:
Hồ sơ thiết kế khai thác rừng đưa ra đấu thầu,
đấu giá phải theo đúng quy định của Nhà nước và đảm bảo các yêu cầu sau :
1/ Thiết kế phải đảm bảo tính cụ thể, xác thực theo
quy định, cây bài chặt phải đánh số thứ tự, đóng búa bài và liệt kê cụ thể trên
từng phiếu bài cây lập cho từng lô khai thác. Trên phiếu bài cây phải thể hiện
rõ tên cây, nhóm gỗ, đường kính, chiều cao, khối lượng, chất lượng. Trường hợp
có những cây chưa xác định được tên, nhóm gỗ thì chấp nhận dưới 5 % tổng sản
lượng lô thiết kế. Sau khi khai thác, số gỗ này sẽ được giám định và xác định
cụ thể tên chủng loại để làm cơ sở cho việc nghiệm thu, thanh toán.
2/ Phải thể hiện rõ
trên bản đồ và phóng tuyến trên thực địa về đường vận xuất, vận chuyển, bãi gỗ,
có thiết kế bài cây phải chặt trên các tuyến đường phải mở và đưa vào khối
lượng gọi thầu (nếu có).
3/ Phải xác định bãi 1
và bãi tập trung gỗ trên bản đồ và thực địa để làm cơ sở cho việc tính toán chi
phí, giá thành và nghiệm thu quản lý sản phẩm.
Điều
6: Thu nộp tiền bán gỗ:
1/ Đơn vị chủ rừng
trực tiếp thu tiền bán gỗ do đơn vị trúng thầu nộp và chịu trách nhiệm nộp thuế
tài nguyên và các loại thuế khác theo quy định.
Đơn giá gỗ tròn làm
căn cứ tính thuế tài nguyên là giá bán gỗ tròn tại bãi tập trung (chưa bao gồm
thuế V.A.T) .
2/ Toàn bộ số tiền bán
gỗ sau khi nộp các khoản thuế và chi trả chi phí theo quy định, số còn lại được
xử lý như sau:
- Đối với các chủ rừng là Ban Quản lý rừng, đơn
vị sự nghiệp mà hoạt động quản lý bảo vệ rừng bằng kinh phí Nhà nước cấp, các
lâm trường hoạt động công ích thì toàn bộ số tiền còn lại được nộp ngân sách
tỉnh.
- Đối với các chủ rừng
lâm trường hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, đơn vị khác được
giao rừng để sản xuất kinh doanh mà hoạt động quản lý bảo vệ rừng không được
Nhà nước cấp kinh phí thì đơn vị được giữ toàn bộ số tiền còn lại để sử dụng
vào mục đích đầu tư tái tạo rừng, thực hiện các giải pháp lâm sinh, khoán bảo
vệ rừng, phúc tra tài nguyên rừng định kỳ theo kế hoạch được duyệt hàng năm.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI
ĐƠN VỊ GỌI THẦU VÀ ĐƠN VỊ DỰ THẦU
Điều
7: Chuẩn bị gọi thầu:
Đơn vị gọi thầu (chủ
rừng) muốn tổ chức đấu giá bán cây đứng hoặc đấu thầu thi công khai thác phải
có đủ các điều kiện sau :
1/ Có giấy phép mở
khai thác gỗ và hồ sơ thiết kế khai thác được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2/ Tổ chức cho các đơn
vị dự thầu xem xét thực tế hiện trường (nếu có yêu cầu) trước khi tổ chức đấu thầu,
đấu giá.
3/ Có bảng giá tối
thiểu (giá khởi điểm đối với đấu giá bán cây đứng) hoặc bảng giá tối đa (đối
với đấu thầu thi công khai thác) được duyệt và hoàn tất hồ sơ mời thầu theo quy
định tại quy chế này.
Điều
8: Hồ sơ mời thầu:
1/ Thông báo mời thầu phải thể hiện những nội
dung cơ bản sau :
- Khái quát tình hình
tài nguyên trong khu vực rừng đưa ra đấu thầu, đấu giá: vị trí, phạm vi, diện
tích, khối lượng chủng loại gỗ, điều kiện khai thác, vận xuất, vận chuyển, địa
điểm bãi tập trung và các vấn đề khác có liên quan.
- Điều kiện chung và
điều kiện cụ thể của từng hợp đồng.
- Đơn giá gọi thầu,
tổng giá trị gọi thầu.
- Thời gian nhận hồ sơ
dự thầu, thời hạn nộp tiền đặt trước để dự thầu.
- Quy định lệ phí dự thầu.
2/ Bản sao đầy đủ hồ
sơ thiết kế khai thác được duyệt của từng lô đưa ra đấu thầu, đấu giá.
Hồ sơ mời thầu phải
gửi đến các đơn vị khách hàng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại
chúng ít nhất 07 ngày trước khi diễn ra hội nghị đấu thầu.
Điều
9: Giá bán cây đứng:
1/ Giá khởi điểm bán cây đứng có thuế VAT, được
xây dựng trên cơ sở giá bán gỗ tròn tại bãi tập trung (đã bao gồm thuế VAT)
theo giá thị trường tại thời điểm đấu giá trừ các khoản chi phí khai thác hợp
lý . Chi phí thi công khai thác được xây dựng theo đơn giá xây dựng cơ bản và
các định mức, đơn giá có liên quan khác trên cơ sở định mức, định chuẩn, quy
trình, quy phạm của Nhà nước. Giá khởi điểm bán cây đứng do UBND tỉnh phê duyệt.
2/ Trên cơ sở giá khởi
điểm này, đơn vị nào đặt giá cao nhất và cao hơn giá khởi điểm đồng thời chấp
nhận các điều kiện của hợp đồng thì trúng thầu và coi như đã chấp nhận giao kết
hợp đồng.
Điều
10: Giá thi công khai thác:
1/ Giá trần đấu thầu thi công khai thác được xây
dựng theo quy trình đơn giá xây dựng cơ bản trên cơ sở các khoản chi phí trong
hoạt động khai thác, xác định theo định mức, định chuẩn, quy trình, quy phạm
của Nhà nước, đồng thời xem xét điều kiện thực tế, cụ thể của từng hiện trường
và xác lập trong điều kiện trình độ lao động xã hội trung bình bao gồm chi phí
cho các công đoạn mở đường, chặt hạ, vận xuất, vận chuyển, chi phí quản lý, thu
nhập chịu thuế tính trước, thuế giá trị gia tăng đầu ra trong khâu khai thác và
lợi nhuận định mức trong khâu khai thác. Giá trần thi công khai thác do UBND
tỉnh phê duyệt.
2/ Trên cơ sở giá trần này, đơn vị dự thầu thi công
khai thác nào đặt giá dự thầu thấp nhất và thấp hơn giá trần, đồng thời chấp
nhận các điều kiện của hợp đồng thì được trúng thầu.
Điều
11: Làm cầu, làm đường trong khai thác
gỗ:
1/ Chi phí làm cầu,
đường để vận xuất, vận chuyển gỗ được tính vào chi phí khai thác và do đơn vị
trúng thầu tự tổ chức thực hiện. Gỗ làm cầu phải sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp
pháp. Việc chặt cây trên đường vận xuất vận chuyển phải theo đúng hồ sơ thiết
kế được duyệt đưa ra đấu thầu.
2/ Chủ rừng có trách
nhiệm giám sát việc làm đường, cầu của đơn vị khai thác. Khi hoàn thành hai bên
phải có biên bản nghiệm thu, xác nhận cụ thể. Đối với gỗ làm cầu sau khi khai
thác xong được để lại phục vụ việc đi lại của nhân dân.
Điều
12: Điều kiện đối với đơn vị dự thầu:
1/ Các doanh nghiệp
trong tỉnh có chức năng khai thác, kinh doanh gỗ thì được tham gia đấu thầu,
đấu giá.
Riêng đơn vị ngoài
tỉnh có chức năng khai thác, kinh doanh gỗ muốn tham gia đấu thầu, đấu giá phải
được sự đồng ý của UBND tỉnh .
2/ Nộp hồ sơ dự thầu
và tiền đặt trước dự thầu cho chủ rừng theo quy định tại điều 13, 14 quy chế
này.
3/ Mỗi đơn vị dự thầu
chỉ được tham gia với một tư cách pháp nhân duy nhất đại diện cho đơn vị mình
trong từng lượt đấu thầu, đấu giá.
4/ Các đơn vị dự thầu, sau khi trúng thầu phải đưa
hết số gỗ trúng thầu vào chế biến trong tỉnh, trường hợp đặc biệt muốn vận chuyển
gỗ tròn ra ngoài tỉnh phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh.
Điều
13: Hồ sơ dự thầu:
Hồ sơ dự thầu gồm có
đơn dự thầu và các bản sao hợp lệ các giấy tờ có liên quan chứng minh năng lực,
tư cách pháp nhân của đơn vị dự thầu.
Hồ sơ dự thầu phải gửi
đến đơn vị chủ rừng có hiện trường khai thác đưa ra đấu thầu, đấu giá trước
thời điểm mở thầu theo thông báo ít nhất hai ngày.
Điều
14: Hiệu lực đơn dự thầu và tiền đặt
trước dự thầu:
1/ Đơn dự thầu chỉ
được chấp nhận sau khi đơn vị dự thầu nộp đủ khoản tiền đặt trước để dự thầu theo
thời hạn quy định. Khoản tiền đặt trước để dự thầu bằng 1 % (một phần trăm)
tổng giá trị gọi thầu (được ghi trong thông báo mời thầu của đơn vị chủ rừng).
2/ Đơn vị rút đơn dự
thầu, hoặc tham gia đấu thầu, đấu giá nhưng không trúng thầu, chủ rừng sẽ hoàn
trả lại khoản tiền đặt trước ngay sau khi buổi đấu thầu, đấu giá kết thúc.
3/ Đơn vị không rút
đơn dự thầu mà không tham gia đấu thầu, đấu giá thì xem như bỏ cuộc.
Đơn vị trúng thầu
trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày mở thầu mà không đến ký hợp đồng với chủ rừng
thì cũng xem như bỏ cuộc.
Trong cả hai trường
hợp này, đơn vị bỏ cuộc không được nhận lại khoản tiền đặt trước. Toàn bộ số
tiền đặt trước sẽ bị thu hồi và xử lý theo tiết b, khoản 1, điều 17 quy chế
ngày. Chủ rừng có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng liên
quan để tổ chức lại việc đấu thầu, đấu giá.
Chương III:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC
ĐẤU THẦU, ĐẤU GIÁ
Điều
15: Thể thức đấu thầu, đấu giá:
1/ Việc đặt giá trong
đấu thầu, đấu giá được thực hiện thông qua việc đặt phiếu kín. Mẫu phiếu do Hội
đồng đấu thầu, đấu giá phát hành. Mỗi đơn vị dự thầu chỉ được tham gia bỏ một
phiếu đặt giá trong mỗi lượt.
2/ Trên phiếu đặt giá
của từng đơn vị tham gia đấu thầu, đấu giá phải có đầy đủ các dữ kiện sau đây
mới được xem là hợp lệ: Tên đơn vị, chữ ký, họ và tên của thủ trưởng đơn vị
tham gia đấu thầu, đấu giá (hoặc người đại diện hợp pháp có giấy uỷ quyền của
thủ trưởng đơn vị đó) và mức đặt giá ghi bằng hệ số (bao gồm viết bằng số và
bằng chữ)
Việc đặt giá ghi bằng
hệ số như sau:
- Giá khởi điểm (trong
đấu giá bán cây đứng) hoặc giá trần (trong đấu thầu thi công khai thác) có hệ
số là 1,00 (chấp nhận hệ số đặt giá có tối đa hai số thập phân sau dấu phẩy,
tức đơn vị nhỏ nhất là 1/100).
- Trong đấu giá bán
cây đứng, đơn vị nào có hệ số đặt giá cao nhất và cao hơn hệ số 1,00 thì trúng
thầu.
- Trong đấu thầu thi
công khai thác, đơn vị nào có hệ số đặt giá thấp nhất và thấp hơn hệ số 1,00
thì trúng thầu.
3/ Mỗi lô khai thác đưa
ra đấu thầu, đấu giá chỉ thông qua một lần bỏ phiếu đặt giá để xác định kết quả
trúng thầu. Trường hợp có hai hay nhiều phiếu trùng kết quả ở hệ số trúng thầu,
thì tiến hành bỏ phiếu tiếp lần thứ hai riêng cho các đơn vị trùng hệ số trúng
thầu này. Nếu đến lần thứ ba vẫn xảy ra trường hợp trùng kết quả trúng thầu thì
tiếp tục bỏ phiếu cho đến khi chọn được đơn vị trúng thầu.
Điều
16: Trình tự hội nghị đấu thầu, đấu giá:
1/ Hội nghị đấu thầu, đấu giá chỉ tiến hành khi có
hiện diện ít nhất đại diện 3/5 số thành viên của hội đồng đấu thầu, đấu giá, trong
đó không thể thiếu đơn vị chủ rừng (Chủ tịch Hội đồng) và có sự tham gia của ít
nhất của 03 (ba) đơn vị dự thầu.
2/ Chủ tịch hội đồng
đấu thầu, đấu giá công bố nguyên tắc, thể thức đấu thầu, đấu giá ; thông báo bổ
sung những vấn đề liên quan đến lô gỗ đưa ra đấu thầu, đấu giá; công bố danh
sách những đơn vị có đủ điều kiện dự thầu và có mặt tại hội nghị; công bố mức
giá khởi điểm (đối với đấu giá bán cây đứng) hoặc mức giá trần (đối với đấu
thầu thi công khai thác). Ghi công khai khối lượng, mức giá này trên bảng niêm
yết nơi mọi người dễ nhìn thấy.
3/ Hội đồng đấu thầu,
đấu giá phát phiếu đặt giá cho các đơn vị dự thầu có mặt. Sau khi các đơn vị dự
thầu bỏ phiếu xong, hội đồng đấu thầu, đấu giá kiểm tra lại số phiếu thu về,
tính hợp lệ của các phiếu đặt giá, lần lượt công bố mức giá của từng đơn vị,
thông báo công khai trên bảng niêm yết.
4/ Công bố tên đơn vị trúng
thầu, mức giá trúng thầu, lập biên bản kết quả hội nghị. Biên bản phải có đủ
chữ ký của các thành viên hội đồng đấu thầu, đấu giá có mặt, chủ rừng và đơn vị
trúng thầu.
Chương
IV:
NHỮNG KẾT
QUẢ NHẰM THỰC HIỆN KẾT QUẢ ĐẤU THẦU, ĐẤU GIÁ
Điều
17: Ký kết hợp đồng, tiền đặt cọc:
1/ Trong thời hạn 07
ngày kể từ ngày mở thầu, đơn vị trúng thầu phải đến ký hợp đồng với chủ rừng.
a/ Trong hợp đồng ngoài những cam kết chung về thực
hiện quy chế chung về quản lý khai thác rừng, thực hiện kết quả trúng thầu theo
tinh thần quy chế này còn phải xác định rõ tiến độ, thời gian khai thác, nộp
tiền mua cây đứng theo nguyên tắc sau :
- Ngay sau khi ký hợp
đồng, đơn vị trúng thầu mua cây đứng phải nộp tiền mua cây đứng với tỷ lệ ít
nhất là 60% giá trị lô gỗ trúng thầu (trong đó bao gồm cả tiền đặt trước dự
thầu nêu ở điều 14) và được bên bán cây đứng trừ dần khi nhận gỗ nhưng vẫn đảm
bảo giữ lại 5% giá trị lô gỗ để đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng. Số tiền còn
lại sẽ nộp dần theo tiến độ khai thác nhưng chậm nhất đến 30/11 phải nộp tiền
mua cây đứng với tỷ lệ ít nhất là 95% giá trị lô gỗ.
- Đến hết tháng 6, đơn
vị trúng thầu phải khai thác được ít nhất 40 % sản lượng gỗ trúng thầu.
- Đến hết tháng 11,
đơn vị trúng thầu phải khai thác được ít nhất 70% sản lượng gỗ trúng thầu.
- Đến 15/12 đơn vị trúng thầu phải khai thác hết
khối lượng trúng thầu. Nếu đơn vị trúng thầu mua cây đứng chưa khai thác hết vẫn
phải nộp đủ tiền mua cây đứng theo giá trị trúng thầu trước ngày 15/12 và được
tiếp tục khai thác khối lượng khai thác còn lại đến hết 31/3 năm sau. Nếu đến
hết ngày 31/3 năm sau, đơn vị trúng thầu mua cây đứng vẫn chưa khai thác hết
sản lượng trúng thầu thì không được nhận lại số tiền mua gỗ đã nộp. Riêng đơn
vị trúng thầu khai thác, nếu không khai thác hết sản lượng trúng thầu thì phải
bồi thường toàn bộ giá trị cây đứng đối với số gỗ chưa khai thác.
- Trường hợp do điều
kiện khách quan, việc tổ chức đấu thầu, đấu giá khai thác gỗ, bán cây đứng
không thực hiện vào thời điểm đầu năm (quý I) thì tiến độ khai thác, nộp tiền
mua cây đứng được UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp và được Hội đồng đấu thầu,
đấu giá thông báo trong khi tổ chức đấu thầu, đấu giá.
b/ Xử lý trường hợp vi phạm hợp đồng do không thực
hiện đúng tiến độ khai thác, nộp tiền mua cây đứng : Đơn vị mà không thực hiện
đúng một trong những nguyên tắc nêu tại điểm a trong kỳ khai thác, nếu vi phạm
lần thứ nhất, thì phê bình nhắc nhở, vi phạm lần thứ 2 thì bị phạt vi phạm hợp
đồng bằng 1 % tổng giá trị hợp đồng (đơn vị trúng thầu mua cây đứng ngoài bị
phạt vẫn phải nộp tiền mua cây đứng theo tiến độ quy định) ; nếu vi phạm lần thứ
3 thì bị truất quyền trúng thầu và không được nhận lại khoản tiền đặt cọc. Đơn vị
chủ rừng có trách nhiệm thu tiền phạt (hoặc khấu trừ vào tiền đặt cọc của đơn
vị trúng thầu) và báo cáo về UBND tỉnh. Toàn bộ số tiền phạt vi phạm hợp đồng,
tiền đặt cọc bị thu hồi nói trên được xử lý như sau:
- Đối với chủ rừng là
Ban Quản lý rừng, đơn vị sự nghiệp, lâm trường hoạt động công ích thì nộp toàn
bộ vào ngân sách tỉnh.
- Đối với các chủ rừng
là lâm trường hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, đơn vị khác được
giao rừng để sản xuất kinh doanh thì được để lại đơn vị và hạch toán theo chế
độ hiện hành.
c/ Trường hợp vì lý do
khách quan mà đơn vị trúng thầu không thể đảm bảo được tiến độ khai thác, nộp tiền
mua cây đứng theo tiết a thì báo cáo ngay các ngành chức năng và phải được UBND
tỉnh chấp nhận thì mới không bị phạt.
2/ Đối với đơn vị
trúng thầu thi công khai thác, số tiền đặt trước 1 % khi dự thầu được chuyển
hết sang đặt cọc thực hiện hợp đồng khai thác với đơn vị chủ rừng.
3/ Đối với đơn vị được
UBND tỉnh giao thầu mua cây đứng (không qua đấu thầu, đấu giá) trong vòng 07
ngày kể từ ngày nhận được quyết định giao thầu, phải đến ký hợp đồng với đơn vị
chủ rừng như quy định tại khoản 1 điều này và phải nộp tiền mua cây đứng với tỷ
lệ ít nhất là 60% tổng giá trị giao thầu cho đơn vị chủ rừng. Nếu quá thời hạn
nêu trên đơn vị được giao thầu không đến ký hợp đồng và nộp tiền đặt cọc thì
xem như từ chối nhận thầu. Đơn vị chủ rừng báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức
năng để có ý kiến xử lý. Việc thực hiện khai thác gỗ và nộp tiền tiếp theo được
áp dụng như đối với đơn vị trúng thầu ghi ở khoản 1 điều này.
4/ Đơn vị được UBND
tỉnh chỉ định mua gỗ ở bãi tập trung của hiện trường đấu thầu thi công khai
thác phải ký hợp đồng với chủ rừng và nộp tiền mua gỗ với tỷ lệ ít nhất là 60%
trên tổng giá trị lô gỗ được mua và được trừ dần khi nhận gỗ nhưng vẫn đảm bảo
giữ 5% giá trị lô gỗ để đặt cọc đảm bảo thực hiện hợp đồng, số tiền còn lại sẽ
nộp dần khi nhận gỗ nhưng chậm nhất đến 15/12 phải nộp đủ tiền theo giá trị lô
gỗ. Trong hợp đồng, hai bên mua và bán phải cam kết việc giao nhận gỗ, thanh
toán tiền theo tiến độ khai thác (ít nhất 15 ngày một lần), tránh tình trạng để
gỗ tồn đọng ở bãi tập trung lâu ngày mất phẩm chất, thất thoát hoặc tốn kém chi
phí bảo quản.
5/ Việc nộp tiền theo các khoản 2, 3, 4 điều này
phải lập thành văn bản.
6/ Sau khi ký hợp đồng
và nộp tiền trên 45 ngày mà đơn vị trúng thầu hoặc đơn vị được giao thầu mua
cây đứng không triển khai thực hiện việc khai thác thì xem như bỏ cuộc và không
được nhận lại số tiền đặt cọc nói trên. Chủ rừng báo cáo UBND tỉnh và các ngành
chức năng để tổ chức đấu thầu, đấu giá lại và xử lý số tiền đã nộp.
Điều
18: Phương thức thanh toán hợp đồng:
1/ Việc tiến hành khai thác và nghiệm thu gỗ được
thực hiện theo quy chế về khai thác gỗ, lâm sản ban hành theo quyết định số 02/1999/QĐ-BNN-PTLN
ngày 05/01/1999 của Bộ Nông nghiệp & PTNT, gỗ được nghiệm thu tại bãi I.
Riêng đơn vị trúng thầu thi công khai thác phải vận chuyển gỗ đã được nghiệm
thu ra bãi tập trung trong vòng 05 ngày sau khi nghiệm thu, nếu để chậm trễ làm
giảm chất lượng gỗ gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại đó cho Nhà nước.
2/ Tuỳ theo yêu cầu
của đơn vị trúng thầu, nhưng không quá 15 ngày thì phải tiến hành một lần
nghiệm thu và thanh toán theo khối lượng gỗ khai thác được nghiêm thu.
a/ Đối với trường hợp
bán cây đứng (hoặc mua gỗ tại bãi tập trung): không quá 07 ngày sau khi nghiệm
thu gỗ, đơn vị trúng thầu (hoặc đơn vị được chỉ định mua gỗ) phải thanh toán đủ
số tiền mua gỗ tương ứng với giá trị khối lượng gỗ đã nghiệm thu nếu đã khấu
trừ hết khoản tiền đã nộp (không kể 5% đặt cọc để thực hiện hợp đồng). Sau khi
thu đủ tiền, trong vòng 03 ngày, đơn vị chủ rừng phải hoàn tất mọi thủ tục theo
quy định để đơn vị trúng thầu (hoặc đơn vị được chỉ định mua gỗ) vận chuyển gỗ
đi chế biến và tiêu thụ.
b/ Đối với trường hợp
thi công khai thác : sau mỗi đợt nghiệm thu gỗ, đơn vị chủ rừng tổ chức ngay
việc tiêu thụ theo địa chỉ được chỉ định. Sau 03 ngày kể từ ngày nhận được tiền
bán gỗ, đơn vị chủ rừng phải thanh toán chi phí khai thác cho đơn vị trúng
thầu, nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu.
Việc nghiệm thu gỗ và thanh
toán được thực hiện lần lượt theo từng đợt như trên cho đến khi hoàn tất hợp đồng
mà hai bên đã ký kết.
2/ Khoản tiền đặt cọc để
đảm bảo thực hiện hợp đồng theo quy định tại điều 17 (5 % đối với trường hợp mua
cây đứng; 1 % đối với trường hợp thi công khai thác; 5 % đối với trường hợp mua
gỗ tại bãi tập trung theo chỉ định) sẽ được thanh toán dứt điểm khi hai bên thanh
lý hợp đồng.
Điều
19: Xử lý khi có sự thay đổi khối lượng
gỗ khai thác so với khối lượng ghi trong hợp đồng:
1/ Trường hợp Nhà nước
đình chỉ hoặc giảm chỉ tiêu khai thác gỗ do yêu cầu đột xuất (không phải do lỗi
của đơn vị trúng thầu) làm thiệt hại đến quyền lợi kinh tế chính đáng của đơn
vị trúng thầu, thì đơn vị trúng thầu được xem xét giải quyết đền bù những thiệt
hại đó.
2/ Trường hợp đơn vị
trúng thầu đã thực hiện đúng và đầy đủ theo quy trình, quy phạm trong khai thác,
chặt đúng cây có dấu búa bài mà phát sinh thừa, thiếu khối lượng so với hồ sơ
thiết kế thì được xử lý như sau :
a/ Nếu khối lượng gỗ
khai thác tăng hoặc giảm không quá 10 % so với khối lượng thiết kế khai thác,
thì sự chênh lệch này được chấp nhận trong phạm vi sai số cho phép của thiết kế
khai thác .
b/ Khi khai thác lấy
ra đủ sản lượng gỗ ghi trong giấy phép thì đơn vị trúng thầu không được chặt hạ
tiếp dù vẫn còn cây có dấu búa bài trên hiện trường, đồng thời phải báo cáo chủ
rừng, Hạt Kiểm lâm sở tại và các ngành chức năng kiểm tra xử lý.
c/ Nếu sản lượng khai thác lấy ra thiếu hoặc
thừa trên 10 % so với sản lượng thiết kế do chất lượng thiết kế không đảm bảo
gây thiệt hại cho đơn vị trúng thầu hoặc gây thiệt hại đến tài nguyên rừng thì
đơn vị thiết kế phải chịu trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại đó.
3/ Trường hợp gỗ khai thác bị sam bọng, rỗng
ruột không đạt cấp chất lượng B theo quy định TCVN 1074 - 71 nhóm O thì được xử
lý như sau
a/ Khối lượng gỗ sam bọng, rỗng ruột được tính
toán để làm cơ sở cho xử lý là khối lượng thực được nghiệm thu, được hiểu là
khối lượng gỗ đặc đã trừ sam bọng, rỗng ruột.
b/ Nếu khối lượng gỗ
sam bọng, rỗng ruột này chiếm không quá 10 % so với tổng sản lượng gỗ trúng
thầu thì chi phí và giá bán vẫn áp dụng theo đơn giá ghi trong hợp đồng.
c/ Nếu khối lượng gỗ
sam bọng, rỗng ruột này chiếm trên 10 % so với tổng sản lượng gỗ trúng thầu :
- Chi phí khai thác
của khối lượng gỗ sam bọng, rỗng ruột được tính tăng lên tương ứng với tỷ lệ
sam bọng, rỗng ruột của từng lóng gỗ so với đơn giá ghi trong hợp đồng nhưng
không quá 50 % chi phí khai thác của khối lượng nguyên (khối lượng chưa trừ sam
bọng, rỗng ruột).
- Giá bán của khối
lượng gỗ sam bọng, rỗng ruột tính giảm xuống tương ứng với tỷ lệ sam bọng, rỗng
ruột của từng lóng gỗ so với đơn giá ghi trong hợp đồng nhưng không thấp hơn
các khoản chi phí và thuế phải nộp.
d/ Đơn vị trúng thầu
mua cây đứng (bao gồm cả đơn vị trúng thầu và được giao thầu) vẫn phải tiêu thụ
hết khối lượng gỗ sam bọng, rỗng ruột nói trên.
4/ Đơn vị khai thác (bao
gồm cả đơn vị trúng thầu và được giao thầu) phải tổ chức khai thác lấy ra hết
phần gỗ lớn và gỗ nhỏ đạt tiêu chuẩn gỗ tròn theo quy định của TCVN 1074 - 71
nhóm O của những cây đã được bài chặt theo thiết kế được duyệt. Nếu đơn vị khai
thác không khai thác lấy ra hết khối lượng gỗ này, mà không thuộc các trường
hợp nêu ở mục 1,2 điều này thì phải bồi thường cho Nhà nước về khối lượng gỗ
không lấy ra này theo đơn giá ghi trong hợp đồng. Trong trường hợp đơn vị khai
thác không nộp đủ tiền bồi thường thì đơn vị chủ rừng trừ vào khoản tiền đặt
cọc của đơn vị trúng thầu. Tiền bồi thường này được xem như tiền mua gỗ, đơn vị
chủ rừng xử lý như quy định tại tiết b, khoản 1, điều 17; đồng thời báo cáo
UBND tỉnh và các ngành chức năng.
5. Ngoài số gỗ lớn và gỗ cành ngọn đã được lấy ra
theo đúng thiết kế, để khuyến khích đơn vị khai thác tăng cường tận dụng triệt
để các sản phẩm gỗ nhỏ, cành ngọn, cây cong queo, sâu bệnh, sam bọng, rỗng
ruột... còn lại, cần xác định giá bán và phương thức thanh toán hợp lý cho đơn
vị khai thác, kết hợp mục tiêu vệ sinh rừng, giải quyết nhu cầu gỗ cho nhân dân
địa phương.
Sở Nông nghiệp và phát
triển nông thôn thống nhất với Chi cục Kiểm lâm, Sở Tài chính Vật giá hướng dẫn
cụ thể thực hiện vấn đề này.
Điều
20: Đơn vị khai
thác (đơn vị trúng thầu) nếu vi phạm quy trình, quy phạm trong khai thác, vi
phạm các quy định quản lý bảo vệ rừng, gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, thì
bị xử lý theo các quy định hiện hành cuả pháp luật và có thể bị hủy bỏ quyền
khai thác mà không được hoàn trả lại khoản tiền đặt cọc.
Điều 21: Đơn vị trúng thầu không được bán, sang nhượng thầu cho các
đơn vị khác. Trường hợp đặc biệt cần phải sang nhượng thầu cho các đơn vị khác
phải được sự đồng ý của UBND tỉnh trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT
và Sở Tài chính Vật giá.
Nếu đơn vị trúng thầu
bán, sang nhượng thầu trái phép, thì bị xử lý như quy định của quy chế này đối
với đơn vị bỏ cuộc.
Điều
22: Đơn vị
trúng thầu nếu bỏ cuộc thì ngoài việc không được nhận lại khoản tiền đặt trước,
còn bị tước quyền dự thầu những lần sau. Nếu bỏ cuộc một lần thì không được dự
thầu trong năm kế tiếp; nếu bỏ cuộc từ hai lần trở lên thì không được dự thầu
trong hai năm kế tiếp .
Điều
23: Trường hợp đơn vị được chỉ định
mua gỗ không thực hiện đúng hợp đồng đã cam kết với chủ rừng, dẫn đến chủ rừng
không tiêu thụ được sản phẩm, không có tiền thanh toán với đơn vị thi công khai
thác thì chủ rừng lập biên bản báo cáo UBND tỉnh và các ngành chức năng của
tỉnh để xử lý. Nếu không có lý do chính đáng, đơn vị được chỉ định mua gỗ sẽ bị
cắt chỉ tiêu của số gỗ còn lại và không được nhận lại số tiền 5 % nói ở khoản 4
điều 17. Khoản tiền đặt cọc 5% được xử lý theo tiết b, khoản 1, điều 17 quy chế
này. Số gỗ tròn này sẽ đưa ra đấu giá hoặc chỉ định bán cho những đơn vị khác.
Điều
24: Đơn vị
thiết kế nếu lập hồ sơ thiết kế khai thác có những sai sót lớn về đối tượng
rừng, đối tượng cây bài, chủng loại gỗ, khối lương gỗ vượt quá giới hạn sai số
cho phép hoặc có những sai sót khác gây hậu quả, thiệt hại đến tài nguyên rừng
và quyền lợi đơn vị trúng thầu thì đơn vị thiết kế chịu trách nhiệm bồi thường
cho Nhà nước hoặc cho đơn vị trúng thầu về những thiệt hại do hậu quả việc làm
sai sót của mình gây ra, đồng thời bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều
25: Các thành
viên đấu thầu, đấu giá, đơn vị chủ rừng nếu có những việc làm thiếu trung thực,
thiếu công bằng, vi phạm quy chế đấu thầu, đấu giá, vi phạm các quy định về
quản lý bảo vệ rừng, thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của
pháp luật.
Chương
VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều
26: Các tổ chức, cá nhân có thành
tích trong việc thực hiện bản quy chế này sẽ được khen thưởng, trường hợp vi
phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều
27: Sở Nông
nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính vật giá, Chi cục Kiểm lâm, Cục Thuế hướng dẫn việc thực hiện quy chế này.
Quá trình thực hiện
quy chế nếu có vấn đề gì chưa phù hợp hoặc phát sinh mới, thì các ngành, địa
phương và các đơn vị liên quan kiến nghị để UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ
sung cho phù hợp./-