Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1318/QĐ-UBND 2015 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước Hải Phòng đến 2020

Số hiệu: 1318/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng Người ký: Đỗ Trung Thoại
Ngày ban hành: 17/06/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1318/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 17 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21/06/2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/06/2014;

Căn cứ Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 33/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 về việc thông qua Quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 456/TTr-TNMT ngày 02/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với nội dung chính sau:

1. Mục tiêu Quy hoạch

1.1. Mục tiêu chung

Quy hoạch phân bổ, bảo vệ tài nguyên nước của thành phố một cách hợp lý, đảm bảo cấp nước cho cộng đồng dân cư và cho phát triển bền vững kinh tế- xã hội trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Đánh giá và dự báo một cách hệ thống và đầy đủ các nguồn tài nguyên nước của thành phố về chất và lượng ở hiện tại cũng như trong tương lai, nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

- Xác định tổng thể nhu cầu khai thác, sử dụng nước hiện tại cũng như tương lai của thành phố theo không gian và thời gian.

- Xây dựng giải pháp chia sẻ, phân bổ nguồn nước giữa các hộ dùng nước một cách hợp lý và tối ưu trên cơ sở đáp ứng được nhu cầu sử dụng của tất cả các đối tượng.

- Đề xuất các khu vực cần bảo vệ và giải pháp bảo vệ môi trường nước nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước trên địa bàn thành phố.

- Đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác hại do nước gây ra.

2. Phạm vi Quy hoạch

Phạm vi của Quy hoạch tài nguyên nước bao gồm nước mặt (nước mưa, nước mặt, trừ nước biển) và nước dưới đất của thành phố Hải Phòng.

3. Nội dung Quy hoạch

3.1. Đánh giá chung về nguồn tài nguyên nước của thành phố

- Nguồn tài nguyên nước mặt của thành phố Hải Phòng được tiếp nhận nước từ thượng nguồn đổ về, có độ đục cao, nguy cơ ô nhiễm từ chất thải thượng nguồn rất lớn. Ngoài ra xâm nhập mặn từ nước biển vào trong đất liền lớn, vì vậy việc đảm bảo cung cấp đủ nước cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Nguồn tài nguyên nước dưới đất của thành phố Hải Phòng tương đối phong phú, tuy nhiên do gần biển nên phần lớn bị nhiễm mặn, chỉ có một vài nơi là có khả năng khai thác, sử dụng.

3.2. Tính toán nhu cầu khai thác, sử dụng nước

a) Tiêu chuẩn dùng nước:

- Đối với trồng trọt, mức tưới cho lúa xuân từ 5.854-7.445 m3/ha, mức tưới cho lúa mùa từ 3.771-4.292 m3/ha, tưới cho màu xuân 1.127-1.982 m3/ha, màu mùa từ 0-439 m3/ha, màu đông mức tưới từ 1.161-1.897m3/ha và cây lâu năm từ 1.628- 2.631 m3/ha.

- Đối với chăn nuôi tập trung: Trâu bò: 70-100 l/ngày đêm; lợn: 15- 25 l/ngày đêm; gia cầm: 1-2 l/ngày đêm; đối với chăn nuôi nhỏ phân tán (lấy bằng 1/2 chăn nuôi tập trung): Trâu bò: 40 l/ngày đêm; lợn: 10 l/ngày đêm; gia cầm: 1 l/ngày đêm.

- Đối với sinh hoạt, lấy theo tiêu chuẩn TCXDVN 33: 2006 Cấp nước-Mạng lưới đường ống và công trình tiêu chuẩn thiết kế của Bộ Xây dựng ban hành.

- Đối với công nghiệp sản xuất rượu bia, đồ hộp, chế biến thực phẩm, giấy, dệt là 45 m3/ngày/ha. Đối với ngành khác là 22 m3/ha. Đối với công nghiệp phân tán ở các khu công nghiệp hoặc các đô thị xây dựng chủ yếu phục vụ cho phát triển công nghiệp tính bằng 10% nước sinh hoạt..

- Đối với thủy sản: Nước ngọt, tiêu chuẩn dùng nước lấy theo từng tháng. Tổng lượng nước cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 15.980 m3/năm/ha. Thủy sản nước lợ, tiêu chuẩn dùng nước theo từng tháng. Tổng lượng nước cho quảng canh là 138.600 m3/ha/năm; thâm canh là 262.000 m3/năm/ha.

- Đối với môi trường lấy bằng 10% tổng nhu cầu nước.

b) Nhu cầu nước của từng ngành kinh tế:

Tổng nhu cầu nước cho các ngành kinh tế đến năm 2020 là 1.197,29 triệu m3; đến năm 2030 là 1.133,33 triệu m3. Cụ thể:

- Tổng nhu cầu nước cho trồng trọt có tính đến biến đổi khí hậu theo kịch bản B2 đến năm 2020 là 461,60 triệu m3; đến năm 2030, tổng nhu cầu dùng nước của ngành trồng trọt giảm xuống chỉ còn 296,96 triệu m3. So với thời kỳ hiện tại, nhu cầu nước cho nông nghiệp có xu hướng giảm.

- Nhu cầu nước cho thủy sản từ 2020 là 370,75 triệu m3; đến năm 2030, nhu cầu nước giảm xuống còn 230,61 triệu m3.

- Nhu cầu nước cho chăn nuôi không lớn; tổng nhu cầu đến năm 2020 là 11,76 triệu m3; đến năm 2030, tổng lượng nước sử dụng là 15,12 triệu m3.

- Tổng nhu cầu nước cho công nghiệp- sinh hoạt đến năm 2020 là 244,34 triệu m3, đến năm 2030 là 487,60 triệu m3.

- Nước cho môi trường dùng để duy trì dòng chảy và môi trường trong các hệ thống thủy lợi đến năm 2020 là 108,84 triệu m3; đến năm 2030 là 103,03 triệu m3.

3.3. Phân vùng sử dụng nước

Các vùng sử dụng nước của thành phố Hải Phòng gồm:

- Khu Thuỷ Nguyên: Bao gồm diện tích của huyện Thuỷ Nguyên; được cấp nước chủ yếu qua các cống An Sơn 1, An Sơn 2 và Phù Yên từ sông Kinh Thày; cống Ngọc Khê, Cao Kênh từ sông Cấm và cống Phi Liệt từ sông Đá Bạch.

- Khu An Kim Hải: Bao gồm diện tích của huyện An Dương và 4 quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An; được cấp nước chủ yếu qua các cống Bằng Lai và Quảng Đạt từ sông Rạng (Hải Dương), một nhánh của sông Kinh Thày.

- Khu Đa Độ: Bao gồm diện tích của 2 huyện An Lão, Kiến Thụy và 3 quận: Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn; được lấy nước chủ yếu từ cống Trung Trang, từ nguồn nước sông Văn Úc chảy vào sông Đa Độ. Ngoài ra, nguồn nước sông Đa Độ còn được phân bổ cấp cho khu vực Đình Vũ-Cát Hải.

- Khu Tiên Lãng: Bao gồm toàn bộ diện tích của huyện Tiên Lãng; có 2 khu riêng biệt là Bắc sông Mới và Nam sông Mới. Khu vực Bắc sông Mới được cấp nước chủ yếu từ cống Giang Khẩu từ nguồn nước sông Mới. Khu Nam sông Mới được cấp nước chủ yếu qua cống Rỗ 1, 2, cống Trọi từ nguồn nước của sông Thái Bình và sông Mới.

- Khu Vĩnh Bảo: Bao gồm toàn bộ diện tích của huyện Vĩnh Bảo; được cấp nước chủ yếu qua cống Chanh Chử, Ba Đồng 1,2 và Đồng Ngừ từ nguồn nước sông Luộc.

- Khu vực đảo Cát Bà: Nguồn cung cấp nước từ các hồ chứa: Hải Sơn (suối Thuồng Luồng-suối Gôi), Xuân Đám, Trân Châu, Phù Long, Gia Luận, Việt Hải và nguồn nước ngầm khu vực.

- Khu vực đảo Bạch Long Vĩ: Từ nguồn nước mưa được chứa vào hồ trên đảo với diện tích 1,5 ha, dung tích 56.889 m3.

3.4. Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước

a) Phương án quy hoạch:

Nguồn tài nguyên nước mặt của thành phố Hải Phòng gồm nước các sông chính: Sông Thái Bình, sông Văn Úc, sông Lạch Tray và sông Kinh Thày-Cấm. Tổng lượng dòng chảy trung bình năm trên các sông là 77,2 tỷ m3/năm, trong đó: Sông Thái Bình 5.392 triệu m3/năm, sông Văn Úc 34.340 triệu m3/năm, sông Lạch Tray 3.160 triệu m3/năm, sông Kinh Thày-Cấm 34.337 triệu m3/năm.

Phân bổ theo lưu vực sông: Sông Giá-Kênh Hòn Ngọc cung cấp nước cho huyện Thuỷ Nguyên, sông Rế cung cấp nước cho huyện An Dương và các quận Hải An, Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền; sông Đa Độ cung cấp nước cho các huyện An Lão, Kiến Thụy; các quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và huyện Cát Hải; sông Chanh Dương cung cấp nước cho huyện Vĩnh Bảo; hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng cung cấp nước cho huyện Tiên Lãng.

Đối với huyện đảo Cát Hải nguồn nước chính là nước ngầm, nước mưa và nước mặt được chuyển từ nguồn nước sông Đa Độ; huyện đảo Bạch Long Vĩ nguồn cung cấp chủ yếu là nước mưa được trữ lại bằng hồ chứa.

Do nguồn nước mặt có chất lượng và trữ lượng đủ cung cấp phục vụ cho các nhu cầu của thành phố. Nguồn nước ngầm có nguy cơ bị ô nhiễm cao (đặc biệt là nhiễm mặn), vì vậy thành phố hạn chế khai thác nước ngầm, không cấp giấy phép khai thác nước ngầm cho các công trình khai thác mới (đối với những nơi nguồn nước mặt có thể khai thác cho mục đích sử dụng của tổ chức, cá nhân xin phép) để đảm bảo mực nước ngầm không bị hạ thấp, ngăn chặn xâm nhập mặn vào tầng chứa nước và thực hiện dự trữ nguồn nước ngầm cho tương lai.

b) Giải pháp thực hiện:

- Hạn chế việc cấp phép thăm dò và dừng việc cấp giấy phép khai thác nước dưới đất cho các công trình đầu tư mới để giảm thiểu nhiễm mặn các tầng chứa nước và bảo vệ, dự trữ nguồn nước ngầm.

- Xây dựng các công trình chuyển nước từ sông Đa Độ ra bán đảo Đình Vũ, Vũ Yên và đảo Cát Hải; Xây dựng các hồ chứa nước ngọt trên đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ, để cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh trên đảo.

- Chuyển nước từ hồ Yên Lập (Quảng Ninh) về Hải Phòng trong điều kiện nước mặt hạ lưu các sông bị cạn kiệt, ô nhiễm.

3.5. Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước

a) Phương án quy hoạch:

Thực hiện cắm mốc chỉ giới bảo vệ hành lang nguồn nước, công trình thủy lợi, công trình khai thác nước.

Đến năm 2020 tối thiểu 85% lượng nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả vào nguồn nước;

Dòng chảy môi trường được duy trì để bảo vệ các hệ sinh thái thuỷ sinh và đẩy mặn.

b) Giải pháp thực hiện:

- Xây dựng cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin với các tỉnh đầu nguồn (Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Ninh) và quy định rõ trách nhiệm giữa các đối tượng khai thác nước, đối tượng xả thải, cũng như cộng đồng dân cư liên quan. Phối hợp với các địa phương quản lý theo lưu vực các sông liên tỉnh.

- Xây dựng và ban hành một số chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, đồng thời có chính sách để thu hút lực lượng cán bộ có trình độ và năng lực chuyên môn vào làm việc trong công tác quản lý tài nguyên nước.

- Phân vùng thu gom xử lý nước thải, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; trước mắt ưu tiên quy hoạch và xây dựng hệ thống thu gom nước thải, nước mưa tại các khu vực dân cư tập trung thuộc lưu vực các nguồn nước mặt sông Rế, sông Đa Độ, sông Giá và Kênh Hòn Ngọc (có danh mục ưu tiên kèm theo).

- Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong việc khai thác sử dụng nước tiết kiệm, tái sử dụng nước, tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư triển khai, thực hiện.

- Lập danh mục các nguồn nước của thành phố, xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước; Xây dựng và thực hiện Kế hoạch giải tỏa hàng năm các công trình xây dựng trong phạm vi chỉ giới bảo vệ nguồn nước sau khi cắm mốc.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành Luật Tài nguyên nước và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ tốt công tác thanh tra, kiểm tra.

- Xây dựng các trạm quan trắc cố định, quan trắc tự động và thường xuyên thông báo các thông tin, dữ liệu chính về chất lượng nguồn nước của các sông trên địa bàn cho các cơ quan quản lý. Tiến hành thu phí nước thải theo các quy định tại Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

3.6. Quy hoạch phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra

a) Giảm thiểu thiệt hại do hạn hán:

- Cải tạo, nâng cấp mở rộng, xây dựng mới các công trình đầu mối để nâng cao khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi.

- Nạo vét hệ thống kênh mương trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao khả năng dẫn nước và chứa nước.

- Xây dựng đập Đò Hàn trên sông Thái Bình để ngăn mặn, dâng nước, nhằm tăng hiệu quả lấy nước phục vụ hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng , vật nuôi phù hợp nhằm tiết kiệm nước trong vụ đông xuân.

b) Giảm thiểu thiệt hại do úng ngập (thiên tai):

- Cải tạo, nâng cấp các cống tiêu hiện có; xây dựng mới hồ điều hòa, các trạm bơm tiêu chủ động cho khu vực nội thành và những vùng trũng, úng.

- Xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt để có biện pháp chủ động ứng phó với tình trạng úng ngập của các khu vực trên địa bàn toàn thành phố.

c) Giảm thiểu thiệt hại do xói, sạt lở bờ và đê:

- Thực hiện công tác chỉnh trị dòng sông bằng cách xây dựng các đập mỏ hàn ở những khu vực có khả năng bị sạt lở cao.

- Quản lý việc khai thác cát, sỏi ở những khu vực xảy ra xói, sạt lở bờ do nguyên nhân khai thác loại vật liệu này gây ra.

- Trồng rừng ngập mặn để ngăn sóng bảo vệ đê biển, đê sông và các đảo.

d) Giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn:

- Xây dựng đập Đò Hàn trên sông Thái Bình để ngăn mặn và cải thiện khả năng lấy nước vào mùa cạn.

- Chuyển đổi cơ cấu từ cây trồng sang nuôi trồng thủy sản đối với những vùng trũng, thường xuyên bị xâm nhập mặn.

- Xây dựng hồ chứa nước phục vụ đa mục tiêu (cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ), đặc biệt là khu vực các đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ.

3.7. Giải pháp chung

Ngoài các giải pháp cụ thể cho từng nội dung quy hoạch đã nêu trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

a) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về tài nguyên nước đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới; chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố để phục vụ quản lý tổng hợp và thống nhất tài nguyên nước trên địa bàn.

b) Chủ động xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về phối hợp quản lý nguồn nước liên tỉnh, liên vùng giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh lân cận trên cùng lưu vực sông nhằm đảm bảo yêu cầu kiểm soát tổng thể, toàn diện về tổng lưu lượng và chất lượng nước trên các sông trước khi chảy vào địa phận thành phố.

c) Công khai các thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm nguồn nước và vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

d) Tăng cường công tác điều tra, xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.

- Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá các nguồn thải, trong đó tập trung vào nguồn thải ra các sông Rế, Giá, Đa Độ và những sông đang chịu tác động mạnh từ các hoạt động xả thải.

- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước để cung cấp thông tin, phục vụ quản lý các nguồn nước và xử lý các nguồn thải.

e) Xác định các khu vực cụ thể cần bảo vệ nghiêm ngặt, cụ thể như sau:

- Tất cả các khu vực đặt trạm bơm khai thác nước thô phục vụ các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn thành phố.

- Đối với các sông trục chính như Thái Bình, Văn Úc, Lạch Tray, Kinh Thày-Cấm và Đá Bạc - Bạch Đằng, cần tiến hành quan trắc chất lượng nước ở những vùng tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Thái Bình và Hải Dương và tại các cửa sông. Kiểm tra, cấp phép đạt tiêu chuẩn môi trường cho các tàu vận tải đường sông.

f) Đầu tư phát huy nguồn lực:

- Tăng cường đầu tư cho công tác quản lý tài nguyên nước như tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn để nâng cao năng lực của cán bộ quản lý tài nguyên nước các cấp.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ, kỹ thuật phục vụ quản lý và đầu tư cho công tác điều tra, đánh giá, quan trắc, dự báo diễn biến tài nguyên nước và xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước.

- Xây dựng các chương trình, đề án về điều tra, đánh giá và quan trắc tài nguyên nước; điều tra, đánh giá ô nhiễm nguồn nước; quan trắc diễn biến xâm nhập mặn.

g) Giải pháp về hợp tác quốc tế:

Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và tranh thủ các nguồn vốn viện trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

h) Giải pháp về cơ chế chính sách và nguồn vốn thực hiện:

- Từ nguồn vốn ngân sách thành phố hàng năm; đồng thời chủ động huy động nguồn ngân sách Trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

- Sử dụng Quỹ Bảo vệ môi trường để cho các đối tượng xả thải vay đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải.

- Huy động nguồn vốn từ cộng đồng doanh nghiệp, từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nguồn vốn viện trợ của nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, tài nguyên nước (công tác bảo vệ phát triển nguồn nước và giảm thiểu tác hại do nước gây ra).

- Huy động nguồn lực để thực hiện công trình bảo vệ nguồn nước (trong danh mục công trình ưu tiên kèm theo).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan căn cứ Quy hoạch tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tổ chức thực hiện các nội dung của quy hoạch, công bố quy hoạch, hướng dẫn đôn đốc các Sở, ngành, quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Quy hoạch này.

Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các cơ quan chức năng có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch này; định kỳ hằng năm, 05 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện Quy hoạch; trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Quy hoạch trong trường hợp cần thiết.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Rà soát các điểm có nguy cơ úng ngập để xúc tiến xây dựng bản đồ ngập lụt, các khu vực đê kè bị xói lở để tiến hành trồng rừng ngập mặn. Rà soát quy hoạch thủy lợi và tu bổ, nâng cấp các công trình đầu mối để nâng cao hiệu quả lấy nước và bảo vệ chất lượng nước của sông trục chính đảm bảo đạt chất lượng cung cấp nước thô cho các nhà máy nước.

Thực hiện công tác quản lý và khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi. Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng và điều kiện biến đổi khí hậu.

Chủ trì và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy về xây dựng nông thôn mới Hải Phòng đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

3. Sở Xây dựng:

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo Cấp nước an toàn theo Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 20/11/2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn.

Hướng dẫn các Sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện các định hướng phát triển hệ thống hệ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn theo đúng Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến 2025, tầm nhìn đến 2050; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn QCVN 14:2009/BXD.

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc cấp nước sinh hoạt, tiêu thoát nước thải và thu gom rác thải đô thị. Triển khai thực hiện Quyết định số 1711/QĐ-UBND ngày 11/10/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố đến năm 2025.

4. Các Sở: Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Y tế:

Căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trong cộng đồng dân cư, các trường học, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

5. Sở Giao thông vận tải:

Hoàn thành Quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn thành phố, chú trọng giao thông thủy nội địa nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

6. Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Thanh tra thành phố, Công an thành phố:

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nắm bắt tình hình, phát hiện kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

7. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định công nghệ, thiết bị trong khai thác, sản xuất nước sạch, xử lý nước thải của các tổ chức và cá nhân đầu tư, kinh doanh trên địa bàn thành phố. Đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố các chính sách ưu tiên cho việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong khai thác sử dụng nước và xử lý nước thải.

8. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành liên quan cân đối, bố trí vốn đầu tư hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Quy hoạch.

9. Sở Tư pháp:

Kiểm tra, rà soát các văn bản của ngành và địa phương về lĩnh vực tài nguyên nước được ban hành không đúng theo quy định để đề xuất bãi bỏ.

10. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn:

Thực hiện việc rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành tài nguyên môi trường. Thường xuyên kiểm tra phát hiện và xử lý các sai phạm trong quản lý sử dụng nguồn nước trên địa bàn theo thẩm quyền, kịp thời xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý khi vượt thẩm quyền.

11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội:

Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Tham gia công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.

12. Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng:

Phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương xác định hành lang bảo vệ các công trình cấp nước và xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn hành lang công trình cấp nước. Nghiên cứu, đề xuất Ban Chỉ đạo Cấp nước an toàn của thành phố điều chỉnh Kế hoạch cấp nước an toàn của thành phố cho phù hợp với Quy hoạch tài nguyên nước.

13. Các Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi:

Rà soát đánh giá hiện trạng hệ thống các công trình thủy lợi và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả lấy nước, bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu thiệt hại do nước gây ra.

14. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể, các cấp, ngành, địa phương chủ động đề xuất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định. Định kỳ 06 tháng 1 lần báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tình hình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao tại (Phụ lục kèm theo), đồng thời gửi báo cáo đến Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Trung Thoại

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1318/QĐ-UBND ngày 17/06/2015 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.061

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.41.200
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!