ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
13/2008/QĐ-UBND
|
Long
Xuyên, ngày 09 tháng 4 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC CÔNG CỘNG VÀ KHU
DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 10 năm 2004;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 150/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội;
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về việc
sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm
2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số
15/TTr-STNMT-MT ngày 20/3/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy chế bảo vệ môi trường khu vực cộng cộng và khu dân cư
trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp (để
b/c);
- Website Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và môi trường;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh (để b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị, thành;
- Trung tâm Công báo;
- P. KT, XDCB, NC, VHXH, TH;
- Lưu: VT.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Thế Năng
|
QUY CHẾ
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC CÔNG CỘNG VÀ KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-UBND ngày 09 tháng 4 năm 2008 của
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
Nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các
tác động xấu đến môi trường do hoạt động của con người và các hoạt động khác, bảo
đảm vệ sinh môi trường, cải thiện và tôn tạo môi trường các khu vực công cộng
và khu dân cư trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quy định:
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về bảo vệ
môi trường đối với các hoạt động liên quan trực tiếp đến môi trường, áp dụng đối
với các tổ chức, cá nhân có hoạt động tại các khu vực công cộng và khu dân cư
trên phạm vi địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Khu vực công cộng bao gồm:
công viên, khu vui chơi, giải trí, khu nghỉ mát, khu du lịch; chợ, siêu thị,
khu thương mại; bến xe, nhà ga, bến tàu, bến phà, bến cảng, phương tiện vận tải công cộng, các điểm chờ xe buýt; các điểm
dịch vụ điện thoại công cộng; sân chơi của trẻ em, sân thi đấu thể thao; nơi
làm việc, trường học, bệnh viện; các khu di tích lịch sử, các khu lăng miếu, đền
thờ và những địa điểm công cộng khép kín và có mái che khác.
2. Khu dân cư: bao gồm các khu,
cụm, tuyến dân cư ở đô thị và nông thôn.
3.
Tiêu chuẩn môi trường: là giới hạn cho phép của các thông số về chất lượng môi
trường xung quanh, về hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong chất thải được cơ
quan nhà nước có thẩm quyền quy định làm căn cứ để quản lý và bảo vệ môi trường.
Điều 3.
Áp dụng các tiêu chuẩn môi trường đối với các hoạt
động tại khu vực công cộng và khu dân cư
Các tổ chức, cá nhân khi tham
gia hoạt động ở khu vực công cộng và khu dân cư có trách nhiệm:
1. Phải tuân thủ các quy định và
tiêu chuẩn môi trường về chất thải (rắn, lỏng, khí) theo quy định.
2. Thông báo kịp thời và kiến
nghị với cơ quan chuyên môn có trách nhiệm quản lý liên quan đến khu vực công cộng,
khu dân cư và Ủy ban nhân dân các cấp biện pháp xử lý khi chất lượng môi trường
khu vực công cộng và khu dân cư khi không đạt mức tiêu chuẩn môi trường quy định.
Chương 2:
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN TRONG VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC CÔNG CỘNG VÀ KHU DÂN CƯ
Điều 4.
Bảo vệ môi trường khu vực công cộng của các đơn vị, tổ
chức, cá nhân quản lý khu vực công cộng
Các đơn vị, tổ chức, cá nhân quản
lý khu vực công cộng có trách nhiệm:
1. Xây dựng quy định về giữ gìn
vệ sinh, bảo vệ môi trường phù hợp với đặc thù của khu vực công cộng và niêm yết
tại lối vào và những nơi dễ quan sát.
2. Bố trí đủ các thùng chứa rác
nơi tập trung đông người. Thực hiện thu gom hoặc hợp đồng với các tổ chức, cá
nhân khác để thu gom rác kịp thời khu vực công cộng và chuyển đến nơi xử lý đảm
bảo không gây ô nhiễm môi trường.
3. Thu gom và xử lý nước thải đạt
tiêu chuẩn môi trường, xây dựng khu vệ sinh công cộng tại vị trí phù hợp, đảm bảo
vệ sinh môi trường.
4. Lập các thủ tục về môi trường
theo quy định.
5. Bố trí cán bộ (chuyên trách
hoặc kiêm nhiệm) có kiến thức, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường theo dõi tình
hình môi trường và việc thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường khu vực công cộng.
6. Hướng dẫn, thông báo, nhắc nhở,
kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động tại khu vực công cộng tuân
thủ các quy định về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường khu vực công cộng.
7. Tạo điều kiện thuận lợi cho
các cơ quan chức năng tiến hành quan trắc, theo dõi biến động môi trường và
thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường tại khu vực công cộng.
8. Thường xuyên theo dõi tình
hình môi trường tại khu vực công cộng và lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ
vào tháng 10 hàng năm và gửi báo cáo tổng hợp về Sở Tài nguyên và Môi trường
trước ngày 30 tháng 10 hàng năm. Ngoài ra, phải thực hiện báo cáo đột xuất
trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường khu vực công cộng do đơn vị quản lý.
9. Kịp thời phát hiện các hiện
tượng suy thoái, ô nhiễm, sự cố môi trường tại khu vực công cộng, thông báo
ngay cho cơ quan có trách nhiệm, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và
khắc phục hậu quả trong phạm vi quyền hạn quản lý.
10. Trường hợp khu vực công cộng
nằm trong hoặc liền kề với các khu vực có thể gây ô nhiễm hoặc có thể gây ra sự
cố môi trường thì phải đảm bảo các hoạt động tại khu vực công cộng không ảnh hưởng
xấu đến môi trường ở các khu vực xung quanh này.
Điều 5.
Bảo vệ môi trường xây dựng mới khu dân cư
Các tổ chức, cá nhân là chủ đầu
tư xây dựng mới các khu dân cư ngay từ khi lập dự án phải bố trí nguồn kinh phí
xây dựng các hạng mục bảo vệ môi trường và thực hiện:
1. Lập các thủ tục về môi trường
theo quy định.
2. Có kết cấu hạ tầng về bảo vệ
môi trường phù hợp với quy hoạch khu dân cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt. Các hệ thống công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường bao
gồm:
a) Hệ thống công trình thu gom,
xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp
nhận; có hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải riêng biệt.
b) Tổ chức hoặc hợp đồng với các
đơn vị khác thu gom, tập kết chất thải rắn đảm bảo vệ sinh môi trường: Có thiết
bị, phương tiện thu gom, tập trung chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với khối lượng,
chủng loại chất thải và đủ khả năng tiếp nhận chất thải từ các hộ gia đình
trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch quản lý chất thải rắn.
c) Hệ thống cấp nước phục vụ
sinh hoạt, sản xuất.
d) Công trình vệ sinh công cộng;
hệ thống cây xanh.
đ) Chỉ được bàn giao đưa vào sử
dụng khi hoàn tất các công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường ở các điểm nêu
trên của khoản này.
3. Tổ chức, cá nhân khi nhận
chuyển giao khu dân cư phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường
theo quy định.
Điều 6.
Bảo vệ môi trường khu dân cư đã đưa vào sử dụng
Các tổ chức, cá nhân quản lý các
khu dân cư đã đưa vào sử dụng phải thực hiện bảo vệ môi trường:
1. Nếu đã có các thủ tục về môi
trường thì phải thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường như đã
cam kết và các yêu cầu Quyết định phê duyệt hoặc Giấy xác nhận đã được cơ quan
quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp.
2. Nếu chưa có các thủ tục về
môi trường thì phải lập đề án bảo vệ môi trường theo quy định.
Điều 7.
Cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân bảo vệ môi
trường ở khu vực công cộng và khu dân cư
1. Tuân thủ các quy định về bảo vệ
môi trường và giữ gìn vệ sinh ở khu vực công cộng, khu dân cư và sự chỉ dẫn về
bảo vệ môi trường của tổ chức quản lý khu vực công cộng, khu dân cư và những
người có thẩm quyền quản lý khu vực công cộng và khu dân cư.
2. Thu gom và chuyển chất thải
sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định;
xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải.
3. Không chặt, bẻ cành cây hoặc
có hành vi khác phá hoại cây cối, các thảm thực vật tại khu vực công cộng và
khu dân cư.
4. Không được phát tán khí thải,
tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của
cộng đồng dân cư xung quanh.
5. Tham gia các hoạt động vệ
sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng và khu dân cư.
6. Có công trình vệ sinh, chuồng
trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh
hoạt của con người; không để các vật nuôi gây mất vệ sinh khu vực công cộng.
7. Các hộ gia đình sống trong
các khu dân cư phải xây dựng nhà tắm, cầu tiêu hợp vệ sinh.
8. Thực hiện tốt việc đóng các
loại phí về thu gom rác thải, phí nước thải sinh hoạt và phí về bảo vệ môi trường
khác theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện các quy định về bảo
vệ môi trường theo các quy chế hoặc nội quy về bảo vệ môi trường khác đối với
khu vực công cộng và khu dân cư.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ
QUAN NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU VỰC CÔNG CỘNG VÀ KHU DÂN CƯ
Điều 8.
Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành, cơ quan quản lý có liên quan, các tổ chức, cá nhân quản lý khu vực công
cộng, khu dân cư và cộng đồng dân cư hướng dẫn xây dựng các quy định về bảo vệ
môi trường và tổ chức tuyên truyền, tập huấn, xây dựng đội ngũ tuyên truyền
viên về bảo vệ môi trường.
2. Chủ trì hướng dẫn các đơn vị
đầu tư, quản lý các dự án có ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khu vực công cộng
và khu dân cư về đánh giá tác động môi trường; giới thiệu và hướng dẫn một số
mô hình xử lý chất thải phù hợp điều kiện địa phương.
3. Phối hợp với các Sở Du lịch,
Thương mại, Giao thông Vận tải, Ban quản lý các công trình công cộng - đô thị,
Ban quản lý khu dân cư, và các Sở, ngành có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột
xuất về công tác tổ chức bảo vệ môi trường cũng như thực hiện các giải pháp bảo
vệ môi trường.
Điều 9.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
1. Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan thực hiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng và quản
lý các khu, điểm du lịch phù hợp quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu
tư và quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn thực hiện các quy định về bảo
vệ môi trường; thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định.
3. Theo dõi tình hình môi trường,
lập báo cáo hiện trạng môi trường các khu, điểm du lịch định kỳ 5 năm/lần gửi Sở
Tài nguyên và Môi trường chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 của năm thứ năm; thực
hiện báo cáo đột xuất trong trường hợp xảy ra sự cố môi trường.
4. Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân quản
lý các khu công cộng thuộc lĩnh vực quản lý về bảo vệ môi trường.
Điều 10.
Sở Công thương
1. Chủ trì và phối hợp các Sở,
ngành liên quan theo dõi, phát hiện kịp thời các hiện tượng ô nhiễm, suy thoái
và sự cố môi trường, các hành vi xâm phạm môi trường của các cơ sở kinh doanh,
thương mại; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm để xử lý.
2. Tuyên truyền, giáo dục, hướng
dẫn các cơ sở kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh các quy định bảo vệ môi
trường.
Điều 11.
Sở Giao thông Vận tải
1. Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành liên quan thực hiện đúng theo quy hoạch và xây dựng các khu, điểm bến xe,
bến tàu, bến phà, bến cảng, nơi chờ xe buýt,... theo hướng phát triển bền vững
gắn với bảo vệ môi trường.
2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đầu
tư và quản lý các khu, điểm bến xe, bến tàu, bến phà, bến cảng, nơi chờ xe buýt,... trên địa bàn thực hiện các quy định
về bảo vệ môi trường; đánh giá tác động môi trường theo quy định.
3. Xây dựng kế hoạch tăng cường
bảo vệ môi trường vào thời kỳ hoạt động cao điểm trong năm và lập báo cáo hiện
trạng môi trường định kỳ 5 năm/lần gửi Sở Tài nguyên và Môi trường chậm nhất
vào ngày 15 tháng 11 của năm thứ năm; thực hiện báo cáo đột xuất trong trường hợp
xảy ra sự cố môi trường.
Điều 12.
Sở Xây dựng
Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện chức năng quản lý và
thẩm định hồ sơ xây dựng đảm bảo có các công trình bảo vệ môi trường, kết cấu hạ
tầng cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn và nước thải tập trung tại các
đô thị và khu dân cư nông thôn; quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Điều 13.
Đài Phát thanh truyền hình An Giang và Báo An Giang
Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức sâu rộng
trên các phương tiện thông tin, báo đài nội dung Quy chế này.
Điều 14.
Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chủ trì và phối hợp với các Sở,
ngành cấp tỉnh và các ngành có liên quan thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo
vệ môi trường; ban hành và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền các quy định, cơ
chế, chính sách, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường đối với khu vực
công cộng và khu dân cư trên địa bàn.
2. Quy hoạch và xây dựng nơi chứa,
xử lý rác tập trung và có hệ thống trung chuyển rác thải đảm bảo đúng quy định
về quản lý môi trường theo hướng xã hội hóa; quy định tiêu thoát nước mưa và xử
lý nước thải sinh hoạt tập trung.
3. Tổ chức đăng ký và kiểm tra
việc thực hiện các đánh giá tác động môi trường; việc thực hiện các giải pháp bảo
vệ môi trường của các các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý khu vực công
cộng và khu dân cư.
4. Tuyên truyền, giáo dục pháp
luật về bảo vệ môi trường.
5. Chỉ đạo công tác kiểm tra,
thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết tranh chấp,
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
6. Kết hợp các đơn vị quản lý
khu vực công cộng và khu dân cư lập kế hoạch bảo vệ môi trường cho các nơi này
nhằm giảm tác động bất lợi đến môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Điều 15.
Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức
thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, tổ chức vận động nhân dân thực hiện giữ
gìn vệ sinh môi trường khu vực công cộng và khu dân cư trên địa bàn; hướng dẫn
việc đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào trong việc đánh giá khóm, ấp và gia
đình văn hóa.
2. Bố trí các điểm thu gom và xử
lý sơ bộ rác thải để trung chuyển đến các bãi rác tập trung.
3. Kiểm tra việc chấp hành pháp
luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân.
4. Phát hiện và xử lý theo thẩm
quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý
nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp.
5. Hòa giải các tranh chấp về
môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 16. Khen thưởng
1. Tổ chức, cá nhân
có thành tích và sáng kiến trong việc bảo vệ, tôn tạo môi trường khu vực công cộng
và khu dân cư; phát hiện sớm và báo cáo kịp thời các dấu hiệu sự cố môi trường,
khắc phục sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, ngăn chặn
các hành vi phá hoại môi trường khu vực công cộng và khu dân cư thì được khen
thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Những người
tham gia bảo vệ môi trường, khắc phục sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, suy
thoái môi trường và đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi
trường khu vực công cộng và khu dân cư mà bị thiệt hại tài sản, sức khỏe hoặc
tính mạng thì được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá
nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định giữ gìn vệ
sinh môi trường khu vực công cộng và khu dân cư bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
Tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái hoặc sự cố môi trường hoặc
gây tác động xấu đến môi trường khu cộng cộng và khu dân cư phải có biện pháp
khắc phục và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức,
cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái hoặc sự cố môi trường mà không có các biện pháp
khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không đủ khôi phục tình trạng ban đầu thì phải
chịu trách nhiệm thanh toán mọi chi phí khắc phục theo quyết định của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền.
2. Ủy ban nhân dân
các cấp, lực lượng công an, đơn vị quản lý trật tự công cộng và cơ quan bảo vệ
môi trường trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý các
hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường khu vực công cộng và khu dân cư theo Nghị
định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội và Nghị định số
81/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 18. Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng
các Sở, Ban ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn theo chức năng và nhiệm vụ của
mình có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, thực hiện và kiểm tra việc thực hiện
Quy chế này.
Điều 19. Trong
quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn vướng mắc, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp đề xuất những nội dung cần
sửa đổi, bổ sung, thay thế trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.