THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1266/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐIỀU TRA TỔNG THỂ VỀ KHOÁNG SẢN VÀ HOÀN THIỆN NỀN
BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT TỶ LỆ 1:50.000 VÙNG TÂY BẮC PHỤC VỤ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
KINH TẾ XÃ HỘI”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch
điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 26/TTr-BTNMT ngày 15 tháng 6 năm 2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản
và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch
phát triển bền vững kinh tế xã hội” với những nội dung sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Điều tra tổng thể tiềm năng khoáng sản,
tài nguyên địa chất, đo vẽ hoàn thiện bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000
vùng Tây Bắc phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững.
b) Mục tiêu cụ thể
- Hoàn thành công tác đo vẽ lập bản đồ
địa chất, điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc gồm diện tích của các
nhóm tờ còn lại đã được quy hoạch.
- Làm rõ tiềm năng tài nguyên các loại
khoáng sản, các tài nguyên địa chất khác; phát hiện 30 đến 35 mỏ mới.
- Khoanh định các cấu trúc địa chất
thuận lợi để đánh giá khoáng sản ẩn, sâu, xác định những
thành tạo địa chất chứa quặng ẩn, sâu.
- Tổng hợp, đo vẽ bổ sung, thành lập
bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 vùng Tây Bắc và từng tỉnh.
- Đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ kỹ
thuật địa chất của Tổng cục thông qua thực tiễn triển khai Đề án, với sự tham
gia của các nhà khoa học địa chất trong nước và nước ngoài. Nâng cao năng lực
công tác điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản, phân tích mẫu, địa vật
lý và ứng dụng công nghệ thông tin.
2. Nhiệm vụ
- Điều tra, lập bản đồ địa chất
khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên tổng diện tích 13.081 km2 của 8 nhóm
tờ (Mường Toỏng, Mường Nhé, Hoàng Su Phì, Đình Lập, Sông
Mã, Lang Chánh, Con Cuông 1 và Con Cuông 2).
- Phân tích, xử lý các tài liệu địa
chất hiện có, điều tra, phân tích, tổng hợp các loại tài liệu nhằm làm rõ hiện
trạng, mức độ điều tra, thăm dò, khai thác, tài nguyên, trữ lượng, xác định được
quy luật phân bố khoáng sản trong vùng;
- Điều tra phát hiện mới và đánh giá
tiềm năng khoáng sản kim loại gồm: vàng, thiếc, wolfram, đồng, niken, antimon,
sắt, mangan, đất hiếm.
- Điều tra, đánh giá những khoáng sản
không kim loại đáp ứng yêu cầu mới về lĩnh vực sử dụng, nhu cầu của thị trường,
sự phát triển của công nghệ; địa nhiệt và các tài nguyên địa chất khác chưa được
nghiên cứu.
- Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng
sản nội sinh ẩn, sâu ở các cấu trúc địa chất thuận lợi, có tiền đề, dấu hiệu chứa
các khoáng sản.
- Xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về
địa chất khu vực, khoáng sản vùng Tây Bắc đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu
địa chất, khoáng sản quốc gia tiếp cận với thế giới.
- Khảo sát địa chất bổ sung, tổng hợp,
phân tích, chuẩn hóa các thành tạo địa chất (địa tầng, magma, biến chất), xây dựng
thống nhất bình đồ cấu trúc địa chất
khu vực, thành lập bộ bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 (11 tờ và từng
tỉnh).
- Thu thập, thành lập bộ mẫu vật về địa
chất, khoáng sản theo địa bàn tỉnh vùng Tây Bắc, chuyển giao cho địa phương sử
dụng.
3. Phạm vi thực hiện
Bao gồm toàn bộ vùng Tây Bắc với diện
tích 109.250 km2, gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu,
Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng,
Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang); 11 huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa
(Quan Hóa, Mường Lát, Thường Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Cẩm
Thủy, Quan Sơn, Bá Thước, Như Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành) và 10 huyện phía
Tây của tỉnh Nghệ An (Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tương Dương, Tân Kỳ, Thanh Chương,
Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Con Cuông, Anh Sơn, Quế Phong) theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của
Bộ Chính trị.
4. Khối lượng công
việc
Việc lựa chọn, xác định các đề án
thành phần, đối tượng địa chất, khoáng sản cần điều tra, mục
tiêu, nhiệm vụ các đề án được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Phù hợp với Quy hoạch đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm
2013.
- Đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh
tế vùng, yêu cầu phát hiện các loại khoáng sản mới, không truyền thống.
- Không trùng lặp với các đề án điều
tra đánh giá, thăm dò khoáng sản đã và đang thực hiện.
- Phù hợp với các quy định, văn bản
hướng dẫn về kỹ thuật và kinh tế hiện hành.
(Danh mục các đề án thành phần tại Phụ
lục kèm theo Quyết định này).
5. Sản phẩm của Đề
án
Báo cáo kết quả của Đề án “Điều tra tổng
thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc
phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” gồm thuyết minh, các phụ
lục, các bản vẽ, các mẫu vật kèm theo.
6. Thời gian thực hiện
- Lập đề án, trình các cấp quản lý thẩm
định, phê duyệt: Từ 2016 - 2017.
- Thực hiện các đề án thành phần: Từ
2017 - 2021.
- Lập báo cáo kết quả thực hiện đề án
điều tra tổng thể: Năm 2022.
7. Phân công thực hiện:
a) Cơ quan quản lý: Bộ Tài nguyên và
Môi trường.
b) Cơ quan chủ trì thực hiện: Tổng cục
Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
c) Đơn vị thực hiện Đề án: Các đơn vị
địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
d) Các đơn vị phối
hợp:
- Trong nước: Viện
Khoa học Địa chất và Khoáng sản; Tổng hội Địa chất Việt Nam; Viện Địa chất - Viện
Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Mỏ - Địa chất; Đại học Khoa học
Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội: các chuyên gia đầu ngành theo từng lĩnh vực.
- Nước ngoài: Viện Nghiên cứu Địa chất
toàn Liên bang Nga (VSEGEI); Đại học Tổng hợp Tìm kiếm Thăm dò Quốc gia
Matxcơva (MGRI cũ); Trung tâm Địa chất Thành Đô - Cục Địa chất Trung Quốc. Các
chuyên gia đầu ngành theo từng lĩnh vực (Úc, Nhật, Mỹ). Một
số phòng thí nghiệm hiện đại trên thế giới được chọn để gửi
mẫu phân tích kiểm tra ngoại bộ.
8. Nguồn vốn: Ngân
sách nhà nước cấp, được bố trí trong dự toán chi các hoạt động kinh tế hàng năm
của Bộ Tài nguyên và Môi trường và được bổ sung từ tiền hoàn trả chi phí sử dụng
số liệu, thông tin kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước, tiền cấp
quyền khai thác khoáng sản và huy động từ các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn
điều tra, đánh giá khoáng sản.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Thẩm định, phê duyệt dự toán chi tiết
Đề án. Hàng năm, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và chế độ chính sách hiện hành, phê
duyệt chi tiết dự toán kinh phí các đề án thành phần gửi Bộ Tài chính phân bổ vốn
triển khai thực hiện. Kiểm tra, giám sát điều chỉnh kịp thời nội dung kỹ thuật,
dự toán kinh phí để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Căn cứ kết quả thực hiện,
phê duyệt báo cáo kết quả từng đề án thành phần, theo khu vực, loại khoáng sản,
chuyển giao sử dụng, để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng
Tây Bắc.
- Lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham
gia góp vốn điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong từng đề án thành phần
theo quy định.
- Tổ chức quản lý, thực hiện và chịu
trách nhiệm kết quả của đề án.
2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, bố trí đủ kinh phí để thực hiện Đề án theo đúng
tiến độ.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà
Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình,
Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An có trách
nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban
hành.
Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi
trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang,
Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình,
Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An và các bộ,
ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ
tướng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- UBND các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La,
Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, KGVX;
NC;
- Lưu: VT, CN (2b).PC
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trịnh Đình Dũng
|
PHỤ LỤC
CÁC ĐỀ ÁN THÀNH PHẦN THUỘC ĐỀ ÁN “ĐIỀU TRA
TỔNG THỂ VỀ KHOÁNG SẢN VÀ HOÀN THIỆN NỀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT TỶ LỆ 1:50.000 VÙNG
TÂY BẮC PHỤC VỤ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ XÃ HỘI”
(Kèm theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2017 của
Thủ tướng Chính phủ)
STT
|
Danh
mục các đề án thành phần
|
A
|
ĐỀ ÁN TỔNG THỂ
|
1
|
Điều tra tổng thể về khoáng sản và
hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
|
B
|
CÁC ĐỀ ÁN THÀNH PHẦN
|
I
|
CÁC ĐỀ ÁN LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT KHOÁNG SẢN TỶ LỆ 1:50.000
|
1
|
Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Mường Nhé
|
2
|
Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Mường Toỏng
|
3
|
Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Hoàng Su Phì
|
4
|
Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Sông Mã
|
5
|
Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Lang Chánh
|
6
|
Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Con Cuông 1
|
7
|
Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Con Cuông 2
|
8
|
Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ
1:50.000 nhóm tờ Đình Lập
|
9
|
Biên tập, tổng hợp, lập bản đồ địa
chất khoáng sản tỷ lệ 1:250.000
|
II
|
CÁC ĐỀ ÁN ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ KHOÁNG SẢN
|
1
|
Điều tra, đánh giá vàng và các
khoáng sản đi kèm phần phía Đông Bắc - đứt gãy sông Hồng
|
2
|
Điều tra, đánh giá vàng và khoáng sản
đi kèm phần phía Tây Nam đứt gãy sông Hồng (trừ Nghệ An)
|
3
|
Điều tra, đánh giá vàng và khoáng sản
đi kèm thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An
|
4
|
Điều tra, đánh giá quặng thiếc -
wolfram Pia Oắc và khoáng sản đi kèm khu vực phía Đông Bắc
đứt gãy sông Hồng
|
5
|
Điều tra, đánh giá quặng thiếc -
wolfram và các khoáng sản đi kèm thuộc các diện tích phía Tây Nam đứt gãy
sông Hồng
|
6
|
Điều tra, đánh giá quặng thiếc -
wolfram trên địa bàn tỉnh Nghệ An
|
7
|
Điều tra, đánh giá khoáng chất công
nghiệp thuộc địa bàn các tỉnh phía Đông Bắc đứt gãy sông Hồng
|
8
|
Điều tra, đánh giá khoáng chất công
nghiệp thuộc địa bàn các tỉnh phía Tây Nam đứt gãy sông Hồng
|
9
|
Điều tra, đánh giá khoáng chất công
nghiệp thuộc địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hòa Bình
|
10
|
Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng
đất hiếm và khoáng sản đi kèm (urani, thori) khu vực Tây Bắc
|
11
|
Điều tra, đánh giá tổng thể khoáng
sản sắt - mangan vùng Tây Bắc
|
12
|
Điều tra, đánh giá khoáng sản đồng,
nikel và khoáng sản đi kèm vùng Tây Bắc
|
13
|
Điều tra, đánh giá antimon và
khoáng sản đi kèm vùng Tây Bắc
|
III
|
CÁC ĐỀ ÁN THÀNH PHẦN KHÁC
|
1
|
Điều tra, đánh giá địa nhiệt và các
nguồn nước khoáng nóng vùng Tây Bắc
|
2
|
Bay đo từ - phổ gamma và trọng lực
một số khu vực vùng Tây Bắc
|
3
|
Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất,
khoáng sản vùng Tây Bắc
|