Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1171/QĐ-UBND 2017 cơ chế điều hành phối hợp tìm kiếm cứu nạn thiên tai Hà Nam

Số hiệu: 1171/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam Người ký: Nguyễn Xuân Đông
Ngày ban hành: 01/08/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1171/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 01 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH, PHỐI HỢP CÔNG TÁC TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH HÀ NAM

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 118/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa;

Căn cứ Thông tư số 92/2009/TT-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa;

Xét đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về cơ chế điều hành, phối hợp công tác tìm kiếm cứu nạn của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo TW về PCTT;
- Ủy ban Quốc gia TKCN;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các đ/c thành viên BCH PCTT&TKCN tỉnh;
- Văn phòng TT BCH PCTT&TKCN tỉnh;
- BCH PCTT&TKCN các huyện, TP;
- Như điều 2;
- Lưu: VT, NC.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đông

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH, PHỐI HỢP CÔNG TÁC TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về cơ chế điều hành, phối hợp trong công tác tìm kiếm cứu nạn của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tìm kiếm là việc sử dụng nhân lực; trang thiết bị để xác định vị trí người, phương tiện bị nạn.

2. Cứu nạn là các hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm, đang bị đe dọa đến sức khỏe, tính mạng bao gồm cả biện pháp tư vấn, biện pháp y tế ban đầu, các biện pháp khác để đưa người bị nạn đến vị trí an toàn.

3. Cứu hộ là các hoạt động cứu phương tiện, tài sản thoát khỏi nguy hiểm hoặc hoạt động cứu trợ (bao gồm cả việc kéo, đẩy) phương tiện đang bị nguy hiểm gồm cứu hộ khẩn cấp và cứu hộ thông thường.

4. Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ là tổng hợp các biện pháp tổ chức chỉ huy, điều hành lực lượng, phương tiện để xử lý, ngăn chặn, khắc phục tình trạng nguy hiểm do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra.

5. Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng ngày là các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với những trường hợp sự cố tai nạn nguy hiểm xảy ra trong hoạt động sản xuất và đời sống xã hội hàng ngày.

6. Phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ là sự thống nhất hành động, huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

7. Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, xả lũ, mưa lớn, mưa đá, giông sét, lốc xoáy, vòi rồng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, nắng nóng, hạn hán, rét hại, sương muối, động đất và các loại thiên tai khác.

8. Tai nạn, thảm họa bao gồm: tai nạn máy bay, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hầm, sập đổ nhà cao tầng, công trình xây dựng, sự cố tràn dầu, cháy nổ, cháy rừng, sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, sự cố bức xạ...

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

1. Thông tin về sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cơ quan chủ trì.

2. Chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thích ứng cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo từng tình huống thiên tai, tai nạn, thảm họa và thích hợp theo từng địa bàn khu vực xảy ra sự cố.

3. Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phải được tiến hành khẩn trương, kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư, kinh phí tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Sử dụng mọi nguồn lực (nhân lực, vật lực) để nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ưu tiên các hoạt động cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.

4. Đảm bảo sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện trong suốt quá trình tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Trong đó, xác định rõ lực lượng chủ trì, lực lượng phối hợp trong từng tình huống cần triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

5. Khi sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm điều hành, chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ban đầu; đồng thời phải báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời chi viện ứng cứu.

6. Trong mọi trường hợp sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra thì người chỉ huy cao nhất hoặc người chỉ huy của cơ quan chủ trì hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường được quyền huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu. Phương tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các đơn vị, cá nhân vào hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.

7. Trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan chức năng của Trung ương hỗ trợ trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

8. Đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; các công trình, phương tiện hoạt động trên phạm vi khu vực được ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn gây ra.

Điều 4. Hệ thống tổ chức chỉ đạo, chỉ huy, điều hành công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

1. Cấp tỉnh:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy, điều hành: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Bộ CHQS tỉnh; Công an tỉnh.

2. Cấp huyện, thành phố:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

b) Cơ quan chỉ huy, điều hành: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ban CHQS, Công an các huyện, thành phố.

3. Cấp xã, phường, thị trấn:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

b) Cơ quan chỉ huy, điều hành: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã, phường, thị trấn; Ban Chỉ huy Quân sự; Công an xã, phường, thị trấn.

Chương II

CHỈ HUY, ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 5. Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, điều hành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong một số tình huống cơ bản

1. Tai nạn tàu, thuyền trên sông:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và các sở, ngành đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Thanh Liêm, Kim Bảng, thành phố Phủ Lý.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã ven sông Hồng, sông Đáy, sông Châu Giang.

c) Lực lượng ứng cứu: Các cơ quan, cán bộ chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Công an, Bộ CHQS tỉnh; Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Thanh Liêm, Kim Bảng, thành phố Phủ Lý và lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Tàu, thuyền, xuồng, ca nô chuyên dụng; phao và áo phao cứu sinh các loại.

2. Sự cố tràn dầu trên sông:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Công thương chủ trì phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi xảy ra sự cố tràn dầu.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố tràn dầu.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, doanh nghiệp ứng cứu sự cố tràn dầu chuyên nghiệp và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu chuyên dụng và các trang thiết bị khác.

3. Sự cố cháy, nổ đường ống dẫn dầu, khí.

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Xe chữa cháy, xe cứu nạn - cứu hộ; máy bơm nước và các trang thiết bị chuyên dụng khác.

4. Sự cố cháy nổ, cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, Công an tỉnh; lực lượng kiêm nhiệm của Bộ CHQS tỉnh, Y tế, Chữ thập đỏ, lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của địa phương.

d) Phương tiện, trang thiết bị: xe chữa cháy; xe cứu nạn, cứu hộ; xe thang, xe hút khói, ống thoát hiểm, máy bơm nước, xe cấp cứu và các trang thiết bị chuyên dụng khác.

5. Sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh; Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Y tế, Chữ thập đỏ và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Máy xúc, máy gạt, xe cẩu, xe thang, xe nâng, kích, xe đầu kéo; máy đục, cắt bê tông; nhà bạt cứu sinh các loại và các phương tiện, trang thiết bị khác.

6. Sự cố rò, rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ CHQS tỉnh; Công an tỉnh; Sở Công Thương; Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh; các doanh nghiệp, cơ sở y tế, các tổ chức, đơn vị có sử dụng nguồn phóng xạ; Y tế, Chữ thập đỏ và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Xe, máy đặc chủng, quần áo, mũ, các trang thiết bị chuyên dụng ứng phó sự cố phóng xạ, bức xạ.

7. Sự cố động đất:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Bộ CHQS tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNN, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, Y tế và các đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Bộ CHQS tỉnh, Công an, Sở Y tế, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Các trang thiết bị cứu sập đổ công trình, tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, trang thiết bị y tế và các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn khác.

8. Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Sở Y tế, Lực lượng Thanh niên xung phong và các đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi xảy ra tai nạn.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, dân quân tự vệ, dân phòng, Y tế, Chữ thập đỏ, Thanh niên tình nguyện và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cứu hộ đường bộ, đường sắt và các trang thiết bị chuyên dụng khác.

9. Tai nạn máy bay xảy ra trên địa bàn tỉnh:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế và các sở, ngành đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Y tế, Chữ thập đỏ và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Xe cứu hộ, xe cứu hỏa, các trang thiết bị chuyên dụng và các phương tiện, thiết bị y tế cấp cứu.

10. Sự cố vỡ đê:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm; lực lượng tham gia làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Các loại máy xúc, máy ủi, cần cẩu, ô tô, ca nô, tàu thuyền, xuồng, các loại phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết bị phổ thông và chuyên dụng khác.

11. Sự cố cháy rừng:

a) Cơ quan chỉ đạo: UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện có sự cố cháy rừng.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn có sự cố cháy rừng.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Kiểm lâm, Y tế, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của địa phương.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Xe cứu hỏa, máy bơm nước, máy gạt, máy xúc, máy cắt và các phương tiện, trang thiết bị chữa cháy khác.

12. Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, lũ lớn, sạt lở đất đá:

a) Cơ quan chỉ đạo: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

b) Cơ quan chỉ huy:

Cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan.

Cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

c) Lực lượng ứng cứu: Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm; lực lượng tham gia làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ và các lực lượng khác của tỉnh.

d) Phương tiện, trang thiết bị: Các loại ca nô, tàu thuyền, xuồng, xe lội nước, máy bơm nước, các loại phao, áo phao cứu sinh và các trang thiết bị phổ thông và chuyên dụng khác.

Điều 6. Các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

1. Quân đội; Dân quân tự vệ ; Dự bị động viên.

- LLVT tỉnh: Phòng Tham mưu, Phòng Chính trị, Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật; Trường Quân sự, Trung đoàn 151; Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố; Ban CHQS xã, phường, thị trấn.

- Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 tăng cường làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh.

- Lực lượng DQTV của các địa phương, cơ quan, tổ chức; Tiểu đoàn DBĐV các huyện, thành phố khi có lệnh huy động.

2. Công an: Các cơ quan, đơn vị thuộc Công an tỉnh, Cảnh sát PCCC, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Công an các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

3. Sở Giao thông vận tải: Huy động các đơn vị làm công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường sông tham gia.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy lợi, các hạt kiểm lâm, hạt quản lý đê điều của các huyện.

5. Y tế: Các Bệnh viện, Trung tâm y tế tuyến tỉnh, huyện; Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

6. Chữ thập đỏ: Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam.

8. Sở Công Thương: Lực lượng của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, buôn bán trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Thông tin và Truyền thông; báo, đài: Lực lượng của các đơn vị, doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn tỉnh; các phương tiện báo, đài của tỉnh.

Chương III

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SỰ CỐ THIÊN TAI, TAI NẠN, THẢM HỌA

Điều 7. Các cấp, các ngành triển khai lực lượng, vật tư, phương tiện để tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người, tài sản, công trình, nhà ở ngay khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa. Ưu tiên cứu người bị nạn, thực hiện sơ cứu ban đầu và kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị. Chủ động phối hợp với các tỉnh giáp ranh, đặc biệt là các khu vực ven sông tích cực tìm kiếm người mất tích.

Điều 8. Các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý khẩn trương thực hiện thu dọn cây xanh, cột điện, công trình, thiết bị đổ sập trong thời gian ngắn nhất; đảm bảo giao thông, nước sạch, điện, viễn thông thông suốt; ngăn chặn lây lan khí độc, bức xạ hạt nhân; tiêu độc, phòng dịch, vệ sinh môi trường tại khu vực xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa.

Điều 9. Tổ chức điều tra khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân xảy ra các sự cố tai nạn, thảm họa, đánh giá kết quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, rút kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp xử lý khắc phục hậu quả, phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra.

Điều 10. Các cấp, các ngành tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá thiệt hại do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra theo quy định và báo cáo cho cơ quan cấp trên để chỉ đạo, quyết định các biện pháp xử lý cần thiết.

Điều 11. Các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, đoàn thể tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, nước uống; hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ người bị nạn, nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa sớm ổn định đời sống. Tập trung lực lượng, kinh phí để nhanh chóng sửa chữa, khôi phục các công trình hạ tầng bị thiệt hại, hư hỏng, đảm bảo đưa mọi hoạt động trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.

Chương IV

CHẾ ĐỘ TRỰC BAN, THÔNG TIN BÁO CÁO

Điều 12. Chế độ trực ban

Các sở, ngành, địa phương, các cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phải thực hiện chế độ trực ban 24/24 giờ trong ngày khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa để triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ kịp thời và hiệu quả.

Điều 13. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Việc thông tin liên lạc giữa các cấp, các ngành được thực hiện bằng hệ thống thông tin liên lạc và báo cáo phản ánh; từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại tỉnh.

2. Các sở, ngành, địa phương thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sơ kết, tổng kết), đột xuất về cơ quan cấp trên đúng quy định.

3. Các thông tin liên quan đến sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa và hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi cấp nào thì cấp đó phải báo cáo ngay bằng điện thoại và báo cáo bằng văn bản cho cơ quan chỉ đạo cấp trên trong vòng không quá 24 giờ.

4. Việc cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng về sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa và kết quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo sự thống nhất và do Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm công bố.

Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP TRONG HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 14. Trách nhiệm của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

1. Xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy chế làm việc của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Quy định chế độ thông tin, báo cáo, mối quan hệ giữa Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và sự chỉ đạo thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.

2. Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Lao động Thương binh và Xã hội; các sở, ngành liên quan xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền giáo dục, huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên và toàn dân.

3. Chỉ đạo cơ quan thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch.

4. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, quản lý; xây dựng, củng cố các công trình ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

5. Cập nhật, cung cấp thông tin thực tế về diễn biến tình huống sự cố, thiên tai cho cấp trên và cơ quan chức năng để tăng cường dự báo, báo cáo khí tượng thủy văn phục vụ công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.

6. Giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Điều 15. Bộ CHQS tỉnh

1. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu giúp Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 14 của Quy định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các Sở, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố động đất và tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có các sự cố, thiên tai khác xảy ra trên địa bàn tỉnh.

3. Chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sỹ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn tham mưu cho UBND cùng cấp thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo nhiệm vụ được phân công.

Điều 16. Công an tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Y tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong các trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ, cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp; quản lý và sử dụng lực lượng, phương tiện chuyên trách làm nhiệm vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

2. Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, các sở, ngành địa phương liên quan thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong một số tình huống khác như: thiên tai, cháy rừng, sập đổ nhà cao tầng, các công trình ngầm, công trình xây dựng, ứng phó, xử lý sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân, sự cố cháy nổ đường ống dẫn khí, các kho xăng dầu; các sự cố tai nạn đường bộ, đường sắt và các sự cố khác.

3. Phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trong vùng, khu vực xảy ra sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức điều tra khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân của sự cố tai nạn xảy ra; phối hợp với Sở Y tế thực hiện việc trưng cầu giám định mẫu ADN theo quy định khi có các nạn nhân vô danh, chưa được gia đình nhận dạng do sự cố tai nạn chết người xảy ra trước khi mai táng.

5. Xây dựng kế hoạch huy động lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 17. Các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 làm nhiệm vụ trên địa bàn

1. Phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong một số tình huống khi có yêu cầu như: Thiên tai, ứng phó, xử lý sự cố rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân; các sự cố, tai nạn nguy hiểm trong hoạt động sản xuất, đời sống hàng ngày...

2. Chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sỹ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 18. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở GTVT và các sở, ngành địa phương liên quan xây dựng kế hoạch cấp tỉnh ứng phó sự cố vỡ đê; sự cố cháy rừng; bão, áp thấp, lũ, lụt, sạt lở đất, đá và các loại hình thiên tai khác.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cùng các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố thiên tai, cháy rừng.

3. Phối hợp xây dựng kế hoạch và thực hiện việc bảo đảm lương thực, thực phẩm đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống.

Điều 19. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan xử lý, làm sạch môi trường khi xảy ra thiên tai, cháy rừng, các sự cố cháy, nổ lớn ở các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy, xí nghiệp; sập đổ nhà cao tầng, công trình xây dựng; cháy nổ đường ống dẫn khí, các tổng kho xăng dầu... trên địa bàn tỉnh.

Điều 20. Sở Giao thông vận tải

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cấp tỉnh ứng phó sự cố tai nạn tàu, thuyền trên sông; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng; tai nạn máy bay xảy ra trên địa bàn tỉnh. Triển khai kế hoạch, phương án sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Khi xảy ra sự cố, thiên tai chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức các đội vận tải để sơ tán nhân dân, phương tiện đến khu vực an toàn, tiếp tế hậu cần, chuyển thương.

2. Huy động phương tiện, nhân lực của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì tuyến, luồng để điều tiết, khống chế đảm bảo giao thông luôn thông suốt cho hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

3. Xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại các bến phà và bến thủy nội địa.

Điều 21. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công thương, Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, địa phương liên quan; các tổ chức, đơn vị xử lý, ứng phó, làm sạch môi trường khi xảy ra sự cố phóng xạ, bức xạ hạt nhân.

Điều 22. Sở Y tế

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các Cơ sở y tế, Bệnh viện chuẩn bị thuốc, trang bị y tế, lực lượng sẵn sàng cơ động cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn; điều trị dự phòng; vệ sinh môi trường dập dịch, bệnh nguy hiểm.

2. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện việc trưng cầu giám định mẫu ADN theo quy định khi có các nạn nhân vô danh, chưa được gia đình nhận dạng do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra trước khi mai táng; bảo quản và xác định danh tính nạn nhân bị thiệt mạng do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra theo đúng quy định để bàn giao cho gia đình nạn nhân.

3. Phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện việc mai táng các nạn nhân vô danh bị thiệt mạng do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra.

Điều 23. Sở Xây dựng

1. Chủ trì phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công thương, Giao Thông vận tải, Nông nghiệp &PTNN, Y tế và các sở, ngành địa phương liên quan xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình xây dựng.

2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương kiểm tra, đề xuất hướng xử lý các công trình xây dựng, nhà xưởng, chung cư có nguy cơ xảy ra sự cố sập đổ. Chỉ định tổ chức giám định chất lượng công trình thuộc phạm vi quản lý để phục vụ cho công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường xác định nguyên nhân của sự cố tai nạn.

Điều 24. Sở Công Thương

1. Chủ trì phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cấp tỉnh ứng phó sự cố cháy nổ đường ống dẫn dầu, khí và sự cố tràn dầu trên sông.

2. Chủ trì, phối hợp với các địa phương lập kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu trợ giúp, tổ chức cung ứng hàng hóa cứu trợ cho người dân ở khu vực xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi lợi dụng việc xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa để đầu cơ, nâng giá gây ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân.

Điều 25. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách từ các nguồn vốn của tỉnh cho các dự án, kế hoạch trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Tài chính đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ từ các nguồn vốn của tỉnh.

2. Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành liên quan tổng hợp kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm, hàng năm về lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của tỉnh; bảo đảm sự kết hợp phát trển kinh tế - xã hội gắn với củng cố Quốc phòng, an ninh.

Điều 26. Sở Tài chính

1. Chủ trì bố trí ngân sách chi thường xuyên cho các sở, ngành, địa phương thực hiện hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2. Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan thẩm định và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các nguồn ngân sách phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh. Theo dõi và đôn đốc việc thực hiện thanh quyết toán các nguồn ngân sách tại các địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông thiết lập và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, nhằm phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, xử lý tình huống trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

2. Tổ chức tuyên truyền, đưa tin kịp thời, chính xác về các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, về sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

3. Kiểm tra, giám sát và đôn đốc các doanh nghiệp thông tin di động thực hiện nhắn tin cảnh báo thiên tai đến tất cả các thuê bao điện thoại di động trên địa bàn tỉnh.

Điều 28. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu, đề xuất chính sách, chế độ cho người tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra.

Điều 29. Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS tỉnh, các sở, ngành liên quan tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

2. Phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện chương trình, nội dung, giáo trình giáo dục và bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ giáo dục ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Điều 30. Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Nam.

Tổ chức thực hiện các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát thu thập thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; chỉ đạo thực hiện dự báo, cảnh báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các cấp và phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Điều 31. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh

1. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả khi có sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

2. Phối hợp với Công an tỉnh đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt khi có sự cố xảy ra tại các bến phà, cầu, tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Tổ chức lực lượng thanh niên xung kích, tình nguyện viên để tham gia hỗ trợ các lực lượng chuyên trách thực hiện công tác khắc phục hậu quả khi có sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

Điều 32. Hội Chữ thập đỏ tỉnh

Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sơ cấp cứu người bị nạn và khắc phục hậu quả khi có sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa xảy ra theo lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

Điều 33. Công ty Điện lực Hà Nam

1. Đảm bảo an toàn điện cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và người dân khu vực xảy ra sự cố; khẩn trương khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa gây ra.

2. Đảm bảo nguồn điện phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa.

Điều 34. Các sở, ngành khác

Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết để tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 35. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn

1. Xây dựng phương án, kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.

2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả do sự cố thiên tai, tai nạn, thảm họa tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá thiệt hại theo đúng quy định, kịp thời báo cáo và đề xuất cơ quan cấp trên các biện pháp xử lý, khắc phục.

Chương VI

NGUỒN TÀI CHÍNH, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH VÀ ĐẦU TƯ CHO HOẠT ĐỘNG TÌM KIẾM CỨU NẠN, CỨU HỘ

Điều 36. Nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

1. Ngân sách (Trung ương, địa phương) cấp theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn kinh phí từ Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh.

3. Các khoản hỗ trợ, viện trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

4. Các khoản thu thông qua các hợp đồng dịch vụ, đền bù của cơ quan bảo hiểm, các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Điều 37. Chế độ chính sách cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

1. Người làm nhiệm vụ trực, trực tiếp tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết thì được hưởng chế độ chính sách quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ.

2. Ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Điều 38. Đầu tư trang bị cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

1. Việc đầu tư đảm bảo các hoạt động của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác thụ hưởng từ ngân sách tỉnh, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Hàng năm, ngân sách tỉnh đảm bảo và bố trí riêng kinh phí cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hướng dẫn các đơn vị liên quan lập kế hoạch đầu tư cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

3. Công tác đầu tư cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các sở, ngành và địa phương được sử dụng cho các nội dung sau:

a) Các hoạt động phục vụ việc tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

b) Trang bị, đổi mới và hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

c) Đào tạo, huấn luyện, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp lý, diễn tập về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng chuyên nghiệp trực tiếp và kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

4. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ, đóng góp trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trang bị vật tư, phương tiện cứu nạn, cứu hộ. Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong nước; xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của nhà nước.

Điều 39. Dự toán kinh phí cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

Hàng năm, kết hợp với việc lập dự toán chi ngân sách theo kế hoạch, các sở, ngành, địa phương lập dự toán chi cho việc đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị, tập huấn, diễn tập; bảo đảm chế độ chính sách các kíp trực, lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm, tham gia làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của sở, ngành, địa phương thông qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chương VII

KHEN THƯỞNG, XỬ PHẠT

Điều 40. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được khen thưởng theo Luật Thi đua khen thưởng, các nghị định, thông tư hướng dẫn và các quy định khác của pháp luật.

Điều 41. Người nào có hành vi, vi phạm quy định về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cản trở các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hoặc lợi dụng công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để xâm hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 42. Các Sở, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung vào Quy định. Các sở, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tổng hợp bằng văn bản gửi về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Điều 43. Giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi việc tổ chức thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả theo quy định./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1171/QĐ-UBND ngày 01/08/2017 Quy định về cơ chế điều hành, phối hợp công tác tìm kiếm cứu nạn của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.189

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.154.178
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!