ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 102/QĐ-UBND
|
Bắc Giang, ngày
23 tháng 03 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC CÁT,
SỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2015-2020”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày
17/11/2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP,
ngày 09/3/2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Khoáng sản, năm 2010;
Căn cứ Quyết định số
194/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý hoạt
động khai thác cát, sỏi lòng sông và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trên
địa bàn tỉnh Bắc Giang;
Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-UBND
ngày 22/01/2013 của UBND tỉnh ban hành Chương trình thực hiện kế hoạch số
20-KH/TU ngày 14/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị
quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công
nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên
và Môi trường tại Tờ trình số 113/TTr-TNMT ngày 12/3/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Quản lý, bảo
vệ và khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020”.
Điều 2.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì,
tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh đôn đốc các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND
các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề
án.
Điều 3.
Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở,
cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Chủ tịch UBND xã,
phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lại Thanh Sơn
|
ĐỀ ÁN
QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC CÁT, SỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC
GIANG GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 102/QĐ-UBND ngày 23/3/2015 của Chủ tịch
UBND tỉnh Bắc Giang)
MỞ ĐẦU
I. SỰ CẦN
THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN
Trong thời gian qua công tác quản
lý và hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích
cực, nhiều khu vực tài nguyên cát, sỏi được quản lý chặt chẽ, khai thác có tổ
chức và dần đi vào nề nếp, tạo việc làm cho nhân dân địa phương, phục vụ nhu cầu
vật liệu để xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương và đóng góp vào ngân sách của
tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về cát sỏi và tình hình hoạt động
cát, sỏi trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập như: công tác kiểm tra, xử lý
của các cấp, các ngành đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao; các doanh
nghiệp hoạt động khai thác cát, sỏi chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp
luật về khoáng sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan; tình trạng
khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra tại một số khu vực (như tình trạng
khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Cầu tại huyện Hiệp Hòa, trên sông Lục Nam
tại huyện Lục Nam và huyện Sơn Động), gây ảnh hưởng đến đê điều, sạt lở bờ bãi
ven sông, thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế tài nguyên, phí bảo
vệ môi trường, gây mất trật tự an ninh khu vực.
Trước thực trạng hoạt động khai
thác, tập kết cát, sỏi lòng sông và công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi trên
địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Thực hiện Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày
22/01/2013 của UBND tỉnh ban hành Chương trình thực hiện kế hoạch số 20-KH/TU
ngày 14/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số
02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và
công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số
194/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý hoạt
động khai thác cát, sỏi lòng sông và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trên
địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Đề án “Quản lý, bảo vệ và khai thác
cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2015-2020”.
II. CĂN CỨ
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Khoáng sản số
60/2010/QH12 ngày 17/11/2010.
- Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày
09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng
sản.
- Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND
ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý hoạt động khai thác cát,
sỏi lòng sông và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
- Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày
22/01/2013 của UBND tỉnh ban hành Chương trình thực hiện Kế hoạch số 20-KH/TU
ngày 15/4/2012 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số
02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và
công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND
ngày 17/3/2009 của UBND phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên
cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020.
- Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày
04/5/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt phát triển công nghiệp vật
liệu xây dựng tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định số
2102/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 và Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 08/8/2014 của
Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch bãi ven sông chứa cát, sỏi trên địa
bàn tỉnh đến năm 2020.
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, TẬP KẾT CÁT, SỎI VÀ
CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÁT, SỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
I. THỰC
TRẠNG CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, TẬP KẾT CÁT, SỎI VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ
CÁT, SỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Tài
nguyên cát, sỏi trên các tuyến sông chính trên địa bàn tỉnh
Trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến sông
chính là: sông Cầu, sông Lục Nam, sông Thương với trên 51 bãi cát, sỏi, tổng
tài nguyên dự báo là trên 9,641 triệu m3; đã quy hoạch thăm dò, khai
thác 43/51 bãi cát, sỏi, trong đó: Có 31 bãi được quy hoạch thăm dò, khai thác
lớn và 12/51 bãi được quy hoạch khai thác nhỏ, với tổng tài nguyên 6,722 triệu
m3[1], cụ thể
như sau:
- Tuyến sông Cầu: có 23 bãi, với
tổng tài nguyên dự báo là 1,91 triệu m3; quy hoạch thăm dò, khai thác
20/23 bãi, trong đó: Quy hoạch thăm dò khai thác lớn tại 12 bãi (huyện Hiệp Hòa
có 10 bãi, huyện Yên Dũng 02 bãi), tổng tài nguyên khoảng 0,910 triệu m3 và
quy hoạch khai thác nhỏ gồm 08 bãi, tổng tài nguyên khoảng 0,177 triệu m3 (tại
các xã Đồng Tân, Hoàng Vân, Thái Sơn, Quang Minh, Hợp Thịnh, Xuân Cẩm, Mai Đình
và Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa).
- Tuyến sông Lục Nam: có 19 bãi,
với tổng tài nguyên dự báo là 6,495 triệu m3; quy hoạch thăm dò khai
thác 19/19 bãi, trong đó: Quy hoạch thăm dò, khai thác lớn tại 17/19 bãi (huyện
Lục Nam 06 bãi, Lục Ngạn 06 bãi, Sơn Động 05 bãi), tổng tài nguyên khoảng 5,22
triệu m3; quy hoạch thăm dò khai thác nhỏ 02/19 bãi (xã Phượng Sơn,
huyện Lục Ngạn có 01 bãi và xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động có 01 bãi).
- Tuyến sông Thương: có 09 bãi,
với tổng tài nguyên dự báo là 1,236 triệu m3; quy hoạch thăm dò, khai
thác 04/09 bãi, trong đó: quy hoạch thăm dò, khai thác lớn tại 02/09 bãi (thuộc
huyện Yên Dũng), tổng tài nguyên khoảng 0,295 triệu m3, thăm dò,
khai thác nhỏ tại 02/09 bãi (thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang có 01 bãi và
xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng có 01 bãi), tổng tài nguyên khoảng 0,12 triệu m3.
2. Tình
hình hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết cát, sỏi
2.1. Đối với hoạt động thăm dò,
khai thác cát, sỏi của các đơn vị được cấp có thẩm quyền cấp phép
Tính đến 01/11/2014, trên địa bàn
tỉnh còn 9 doanh nghiệp được cấp 10 giấy phép khai thác cát, sỏi tại 23/43 bãi
quy hoạch; còn 03 đơn vị được cấp giấy phép thăm dò nhưng chưa lập hồ sơ khai
thác và 02 đơn vị đã có chủ trương thăm dò, khai thác (chi tiết tại phụ lục
số I, II kèm theo).
Các doanh nghiệp được cấp phép hoạt
động khai thác cát, sỏi cơ bản đã chấp hành tương đối tốt các quy định của Luật
Khoáng sản và các pháp luật khác có liên quan; tuân thủ quy trình, quy phạm an
toàn lao động, thiết kế mỏ và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi
trường, bờ bãi ven sông và đê điều; trong quá trình hoạt động, một số đơn vị đã
đầu tư, sử dụng công nghệ khai thác phù hợp với thực tế, đảm bảo khai thác tận
thu tối đa nguồn cát, sỏi. Mặt khác, các đơn vị khai thác cát, sỏi đã cung cấp,
đáp ứng cơ bản vật liệu xây dựng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các công
trình công cộng và dân dụng của địa phương, phục vụ cho phát triển kinh tế trên
địa bàn.
Bên cạnh đó một số tổ chức, cá nhân
được cấp phép hoạt động khoáng sản còn chưa thực hiện đầy đủ các quy định như:
bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ có trình độ chưa đúng theo quy định; hàng năm
không lập bản đồ hiện trạng; quản lý tài nguyên, khoáng sản trong ranh giới mỏ
được giao quản lý còn chưa tốt, để xảy ra khai thác trái phép…Dẫn đến một số doanh
nghiệp bị tạm dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại, thậm chí có đơn vị còn
bị thu hồi giấy phép đã cấp (đã thu hồi 05 giấy phép của 03 doanh nghiệp).
2.2. Các khu vực thường xảy ra
hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép
Tình trạng khai thác cát, sỏi trái
phép trên các tuyến sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam mặc dù đã giảm, tuy
nhiên vẫn còn một số khu vực hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn
ra, làm sạt lở bờ, bãi ven sông và gây bức xúc trong nhân dân như:
- Trên tuyến sông Cầu: tại khu vực
bãi bồi thôn Hương Ninh, xã Hợp Thịnh, bãi bồi xã Đồng Tân, bãi bồi xã Hoàng
Vân và bãi bồi xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa); bãi xã Tiên Sơn, tại xã Quang
Châu, xã Ninh Sơn (huyện Việt Yên) và xã Tiến Dũng, xã Thắng Cương (huyện Yên
Dũng).
- Trên tuyến sông Lục Nam: tại khu
vực bãi Chản Đồng, xã Yên Sơn, bãi Xuân Phú, xã Bắc Lũng và khu vực lòng sông
tại xã Trường Giang, huyện Lục Nam; tại khu vực lòng sông xã Trí Yên, xã Lãng
Sơn, huyện Yên Dũng và xã Yên Định, huyện Sơn Động.
- Trên tuyến sông Thương: tại các
xã Trí Yên, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng.
2.3. Tình hình tập kết cát, sỏi
lòng sông
Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số
trên 153 bến bãi ven sông đang hoạt động tập kết vật liệu cát, sỏi, trong đó có
8/153 bãi được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động (huyện Lục Nam 01 bãi,
huyện Hiệp Hòa 01 bãi, huyện Việt Yên 01 bãi, huyện Tân Yên 02 bãi và thành phố
Bắc Giang 03 bãi). Còn lại 133 bãi tập kết vật liệu đều mang tính tự phát, chưa
được cấp có thẩm quyền cho phép, gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động khai thác
cát sỏi lòng sông trái phép. Mặt khác việc tập kết cát, sỏi tự phát tại các bãi
ven sông gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, ảnh hưởng đến an toàn
hệ thống đê điều, khả năng thoát lũ lòng sông.
Trước tình hình trên Chủ tịch UBND
tỉnh đã ban hành Quyết định số 2102/QĐ- UBND ngày 26/12/2012 và Quyết định số
1171/QĐ-UBND ngày 08/8/2014 về phê duyệt Quy hoạch bãi ven sông chứa cát, sỏi
trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với tổng số 92/153 bãi chứa cát sỏi được quy hoạch,
tổng diện tích là 1.084.190 m2, sức chứa khoảng 2.046.750 m3
[2], còn lại 61/153 bãi chứa
cát, sỏi không nằm trong quy hoạch hoặc chưa được bổ sung vào quy hoạch.
II. CÔNG
TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Kết
quả đạt được
a) Về công tác ban hành các văn
bản lãnh đạo, chỉ đạo
Trên cơ sở các quy định của pháp
luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND
tỉnh và các ngành của tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
và các văn bản quản lý thuộc thẩm quyền để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn
đốc các ngành và UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác quản lý nhà nước về
cát, sỏi, đặc biệt trong việc kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hoạt động thăm dò,
khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép, bao gồm:
- UBND tỉnh ban hành Quy định quản
lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi
trên địa bàn tỉnh Bắc Giang kèm theo Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND ngày
16/5/2013 (sau đây viết tắt Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của
UBND tỉnh).
- Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ
thị số 03/CT-UBND ngày 28/3/2014 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối
với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu
thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (sau đây viết tắt là Chỉ thị
số 03/CT-UBND ngày 28/3/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh); Quyết định số 612/QĐ-UBND
ngày 19/5/2014 về việc thành lập Ban Chỉ đạo kiểm tra và xử lý khai thác cát,
sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
- Sở Tài
nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-TNMT ngày 24/9/2013 về giải
tỏa các bãi ven sông chứa cát, sỏi không nằm trong quy hoạch trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang đến năm 2020.
b)
Về công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật
- UBND
tỉnh phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ
biến pháp luật về khoáng sản nói chung và cát, sỏi nói riêng đến các sở, ban, ngành
của tỉnh, UBND 10 huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động
khoáng sản.
- Sở Tài
nguyên và Môi trường phối hợp với UBND cấp huyện tổ chức Hội nghị triển khai,
tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nói chung và các quy định của
pháp luật về cát, sỏi nói riêng đến các phòng chuyên môn của UBND cấp huyện,
UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện.
Ngoài ra còn tuyên truyền thông qua chuyên mục Tài nguyên và Môi trường của Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh, qua trang Website của Sở Tài nguyên và Môi
trường và qua Đài truyền hình- truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu của huyện, của
xã.
c)
Công tác lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát, sỏi
UBND tỉnh
đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát, sỏi lòng sông tỉnh
Bắc Giang đến năm 2020 (tại Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 17/3/2009); Quy
hoạch bãi ven sông chứa cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020 (tại
Quyết định số 2102/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 và đã được điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch
bãi ven sông tại Quyết định số 1171/QĐ-UBND ngày 08/8/2014).
Công tác
quản lý, thực hiện các Quy hoạch đã được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện
như: cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông đảm bảo trong Quy
hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên
cát, sỏi; việc thẩm định, chấp thuận các dự án đầu tư sử dụng bãi ven sông chứa
cát, sỏi đã được đẩy mạnh, đảm bảo đúng các Quy hoạch đã được duyệt.
d)
Về thẩm định, cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi
Tính đến
31/12/2014 đã tiếp nhận, thẩm định, cấp 13 Giấy phép thăm dò cát, sỏi lòng sông,
đã phê duyệt trữ lượng 13/13 báo cáo kết quả thăm dò, đã thực hiện việc cấp
phép khai thác đối với 10/13 khu vực đã được phê duyệt trữ lượng. Nhìn chung công
tác thẩm định, cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi được thực hiện
đúng trình tự theo quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy hoạch được phê duyệt.
đ)
Về công tác kiểm tra, xử lý
Công tác
kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi đã được các Sở, ngành ở tỉnh và UBND cấp
huyện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND
ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 28/3/2014 của Chủ
tịch UBND tỉnh đã từng bước được tăng cường; qua công tác kiểm tra, các cấp,
các ngành đã kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, đồng thời đôn đốc, hướng
dẫn các doanh nghiệp thực đúng các chế độ chính sách và quy định của pháp luật
trong hoạt động khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. Công tác kiểm tra từ
năm 2010 đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể như sau:
- Đối
với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác: Hàng năm đã thực hiện công tác
kiểm tra theo kế hoạch đạt 100%; qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý 9 khu vực
được cấp phép của 7 đơn vị (9 giấy phép) vi phạm quy định của pháp luật về khoáng
sản, đã xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi 5 giấy phép của 3 đơn vị được cấp
phép (chủ yếu vi phạm do không quản lý được để xảy ra khai thác cát, sỏi trái
phép, gây sạt lở bờ sông trong ranh giới khu vực được giao quản lý), đình chỉ
có thời hạn đối với 5 khu vực được cấp phép cho 4 đơn vị để khắc phục các tồn
tại.
- Kiểm
tra các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép: Nhằm tăng cường hiệu quả trong
công tác quản lý nhà nước về các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, UBND
tỉnh thành lập Ban chỉ đạo kiểm tra và xử lý khai thác cát, sỏi trái phép trên
địa bàn tỉnh; chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã thành lập tổ công tác liên ngành
về kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; qua đó công tác
kiểm tra, giám sát về hoạt động khai thác cát, sỏi đã được tăng cường, đã đạt
được những kết quả nhất định; năm 2014 các Sở, ngành và UBND cấp huyện đã tăng
cường kiểm tra, xử lý tình hình khai thác cát, sỏi trái phép, kết quả đã xử
phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 1.256 triệu đồng và thu giữ một số
phương tiện như đầu hút, sàng cát, bộ tời, bộ hút cát.
2. Những tồn tại, hạn chế
- Công
tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho tổ chức,
cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản và nhân dân đã được các cấp, các ngành
quan tâm thực hiện, song chưa được thường xuyên, chưa sâu rộng tới mọi đối
tượng liên quan (như: người dân sống ven sông, đối tượng khai thác), dẫn đến
việc chấp hành quy định pháp luật về khoáng sản chưa tốt.
- Công
tác kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tuy đã được tăng cường nhưng
chưa được thường xuyên (nhất là cấp huyện, cấp xã), chưa đáp ứng được yêu cầu
quản lý; một số nơi tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn tái diễn,
chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nhất là một số địa phương có các
bãi bồi ven sông với diện tích và trữ lượng cát, sỏi lớn, rất dễ khai thác và
vận chuyển nên các phương tiện vẫn nén lút khai thác, nhất là vào ban đêm.
- Công
tác quản lý quy hoạch thực hiện còn bất cập, chưa thường xuyên rà soát để kịp
thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn
của địa phương; các điểm trong quy hoạch thăm dò khai thác chưa được quản lý,
bảo vệ.
- Việc
triển khai lộ trình xóa bỏ các bãi ven sông chứa cát, sỏi không nằm trong quy
hoạch của các huyện chưa nghiêm túc, thực hiện triển khai chậm; thực hiện rà
soát, bổ sung quy hoạch bến bãi nhưng thực tế một số huyện chưa bám sát nội dung
cần điều chỉnh, có tính chất hợp thức hóa.
3. Một số nguyên nhân
- Một
số địa phương chưa nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện, cấp
xã trong công tác quản lý tài nguyên cát, sỏi; chưa có sự vào cuộc tích cực của
hệ thống chính trị trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực cát, sỏi, nhất
là chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các trách nhiệm về quản lý, bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác theo quy định tại Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND ngày
16/5/2013 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 28/3/2014 của Chủ tịch
UBND tỉnh.
- Công
tác kiểm tra của các cấp, các ngành trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái
phép đã được tăng cường nhưng biện pháp xử lý chưa đủ mạnh để chấm dứt tình
trạng khai thác cát sỏi trái phép; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành
trong kiểm tra, xử lý chưa thực hiện tốt, còn tình trạng trông chờ, ỷ lại cấp
trên.
- Lực
lượng cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản từ cấp tỉnh đến huyện, xã còn thiếu
về số lượng và yếu về chuyên môn, chưa đáp ứng với yêu cầu. Nhận thức và ý thức
chấp hành pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân còn hạn chế, chưa tự giác thực
hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
- Hoạt
động khai thác cát, sỏi ở trên sông nước, các đối tượng khai thác cát, sỏi trái
phép thường hoạt động vào ban đêm, tập trung chủ yếu tại các khu vực sông giáp
ranh giữa hai tỉnh, hai huyện, hai xã nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra,
xử lý.
- Nhu
cầu về vật liệu cát, sỏi cho xây dựng các cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh ngày càng
tăng, tài nguyên cát, sỏi lòng sông ngày càng cạn kiệt.
Phần thứ hai
MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ
VÀ CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC CÁT, SỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI
ĐOẠN 2015-2020
I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
1.1.
Mục tiêu chung
Nhằm đưa
công tác quản lý nhà nước và hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đi
vào nề nếp. Ngăn chặn các hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi trái phép đảm
bảo an ninh trật tự và bảo vệ nguồn tài nguyên cát, sỏi, chống sạt lở bờ, bãi
ven sông, đảm bảo an toàn đê điều; đến hết năm 2020 cơ bản chấm dứt tình trạng
khai thác và tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thăm dò,
khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cát, sỏi hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả.
1.2.
Mục tiêu cụ thể
a) Huy
động các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội
trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi; tiếp tục tăng
cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt
động thăm dò, khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đúng quy định
của pháp luật.
b) Nâng
cao chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử
lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển và tập kết cát, sỏi trái phép;
đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản; đồng thời bảo vệ
môi trường, chống sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn đê điều; đến hết năm 2020
chấm dứt tình trạng khai thác và tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.
c) Đảm
bảo việc thăm dò, khai thác và sử dụng nguồn cát, sỏi hợp lý, tiết kiệm, có hiệu
quả, phục vụ nhu cầu vật liệu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tăng thu ngân
sách cho địa phương.
2. Đối tượng, phạm vi thực hiện Đề án
2.1.
Đối tượng thực hiện: Đề án này áp dụng
đối với các Sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là
UBND cấp huyện); UBND các xã, phường, thị trấn có sông chảy qua (sau đây gọi chung
là UBND cấp xã) trong công tác quản, bảo vệ và khai thác cát, sỏi; các tổ chức,
cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác và tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang.
2.2.
Phạm vi thực hiện: Đề án quản lý, bảo vệ
và khai thác cát, sỏi được thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn
2015- 2020.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ KHAI THÁC CÁT,
SỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2015-2020
1. Nhiệm vụ
- Tiếp
tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý
cát, sỏi; nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền
và người đứng đầu từ huyện đến xã; tăng cường sự phối hợp của các cấp, các
ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên
cát, sỏi.
- Thanh
tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi và công
tác quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND cấp huyện, cấp xã, xử lý nghiêm các
trường hợp vi phạm pháp luật, phấn đấu đến hết năm 2020 cơ bản chấm dứt tình
trạng khai thác và tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh.
- Thực
hiện tốt công tác lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử
dụng cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; tổ chức thẩm định cấp
phép thăm dò, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên cát sỏi đảm bảo hợp lý, tiết
kiệm, có hiệu quả, phục vụ nhu cầu vật liệu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và
tăng thu ngân sách cho địa phương.
2. Các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và khai thác cát, sỏi
trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020
2.1.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý cát, sỏi
- Thực
hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, đê điều và Đề
án này (thông qua các hình thức như: tổ chức Hội nghị, tập huấn, qua công tác
tuyên truyền của các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể và qua báo, đài)
đến các cơ quan, ban, ngành ở tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức,
cá nhân khai thác, tập kết cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
- Thường
xuyên cập nhật đầy đủ các văn bản pháp luật về khoáng sản cho các cấp, các
ngành trên địa bàn tỉnh.
2.2.
Nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người
đứng đầu từ huyện đến xã
- Cấp
ủy cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết về quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi
chưa khai thác trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
- UBND
cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức bảo vệ tài nguyên cát, sỏi chưa khai
thác trên địa bàn; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác
cát, sỏi trái phép; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có
khoáng sản. Vận động các chủ tàu thuyền là người địa phương ký cam kết không
tham gia khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép.
- Khi
có hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, cần huy động cả hệ thống chính trị của
huyện, xã đồng bộ vào cuộc để tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân
dân không tham gia khai thác, thu mua, vận chuyển cát, sỏi trái phép.
- Huyện
ủy, HĐND, UBND cấp huyện để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép tái diễn, kéo
dài trên địa bàn mà không giải toả, truy quét, xử lý được thì phải kiểm điểm,
chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
- Đảng
ủy, HĐND, UBND cấp xã nơi để xảy ra hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi trái
phép mà không tự giải toả, xử lý được hoặc không có biện pháp xử lý thì phải
kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, HĐND, UBND cấp huyện. Nếu để cho
cán bộ, đảng viên của xã tham gia hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép thì
phải kiểm điểm, chịu trách nhiệm trước Huyện ủy, HĐND, UBND huyện.
- Đối
với các địa bàn để xảy ra các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép và tái diễn
nhiều lần cần làm rõ trách nhiệm của bí thư chi bộ, của trưởng thôn. Trường hợp
để tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép mà không thông báo kịp thời cho cấp
xã và không tổ chức lực lượng ngăn chặn kịp thời thì phải kiểm điểm, chịu trách
nhiệm trước Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã.
-
Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cấp ủy, HĐND, UBND và các
đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương để xảy ra các hoạt động khoáng sản
trái phép. Trừ điểm thi đua đối với các tổ chức, cá nhân là đảng viên, cán bộ,
người đứng đầu các đoàn thể, chính trị xã hội ở các địa phương để xảy ra hoạt
động khai thác cát, sỏi trái phép.
2.3.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động thăm
dò, khai thác cát, sỏi và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của UBND cấp
huyện, cấp xã
- Các
ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về khoáng sản và pháp
luật khác có liên quan của các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi trên địa bàn
quản lý; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản, đặc
biệt là các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép; trường hợp các tổ chức, cá
nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi để xảy ra tình trạng khai thác trái phép
trong khu vực diện tích được cấp phép và giao quản lý tái diễn nhiều lần thì đề
nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản.
- Thành
lập đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác quản lý nhà
nước về khoáng sản của UBND cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là ở những địa phương
để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép kéo dài (thành phần
bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Xây dựng, Giao thông
vận tải, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố). Kiến nghị, đề xuất cấp có
thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện cán bộ cấp huyện, cấp xã có
biểu hiện làm ngơ, dung túng cho các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
2.4.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo của tỉnh, tổ công tác liên
ngành các cấp
- Thường
xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý khai thác cát, sỏi lòng sông trái
phép của tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình cụ thể của từng giai đoạn; thành
lập, kiện toàn Tổ công tác liên ngành của cấp huyện về kiểm tra, xử lý tình
trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn địa phương theo Chỉ thị số 03/CT-UBND
ngày 28/3/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh; đối với cấp xã: thành lập Tổ công tác
liên ngành của xã (thành phần Tổ công tác gồm: Đồng chí Lãnh đạo UBND xã làm Tổ
trưởng, Trưởng công an xã làm Tổ phó, các thành viên gồm: Cán bộ địa chính-môi
trường, công an viên, xã đội, cán bộ tư pháp, mặt trận tổ quốc, hội nông dân,
hội phụ nữ, đoàn thanh niên và trưởng thôn liên quan). Phân công nhiệm vụ và
điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, thành
viên tổ công tác cho phù hợp với thực tế.
- Hàng
năm (trước ngày 30 tháng 01), xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất các
điểm khai thác cát, sỏi trên địa bàn quản lý, gửi về Sở Tài nguyên và Môi
trường tổng hợp, theo dõi; xây dựng kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Ban chỉ
đạo, tổ công tác.
2.5.
Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong
công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi
a) Thực
hiện tốt chế độ báo cáo, cung cấp thông tin
- Khi
xảy ra các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi trái phép, UBND cấp xã ngoài việc
tổ chức ngăn chặn, giải toả phải báo cáo UBND cấp huyện; UBND cấp huyện báo cáo
Ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép (qua Sở Tài
nguyên và Môi trường- Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo).
- Công
an tỉnh, UBND cấp huyện báo cáo nhanh (ngoài báo cáo định kỳ, đột xuất khác
theo quy định) về Ban Chỉ đạo của tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) tình
hình kiểm tra, xử lý các vụ việc có liên quan đến các hoạt động khai thác cát,
sỏi trái phép bằng hình thức gửi thư điện tử (email). Trường hợp cần phải huy
động ngay lực lượng để phối hợp kiểm tra, xử lý thì Thủ trưởng các đơn vị có
thể trao đổi qua điện thoại để thống nhất tổ chức thực hiện.
- UBND
cấp huyện ban hành quy định cụ thể chế độ báo cáo nhanh đối với các ngành chức
năng của huyện và UBND cấp xã.
b) Xây
dựng quy chế phối hợp, thực hiện ký cam kết
- UBND
cấp huyện xây dựng quy chế phối hợp giữa các huyện có sông giáp ranh, đồng thời
chỉ đạo UBND các xã có sông giáp ranh xây dựng quy chế phối hợp trong công tác
kiểm tra, xử lý theo Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 28/3/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh,
thời gian xong trong Quý II năm 2015.
- Tổ chức
ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản nói chung và cát,
sỏi nói riêng giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch
UBND cấp xã nơi có sông chảy qua với Chủ tịch UBND cấp huyện; giữa các Trưởng
thôn với Chủ tịch UBND cấp xã, thời gian xong trước 30/6/2015. Hàng năm tổ chức
tổng kết để kiểm điểm trách nhiệm theo các nội dung đã ký kết.
2.6.
Khoanh vùng khu vực có tài nguyên cát, sỏi thường xuyên bị khai thác trái phép làm
ảnh hưởng đến an toàn đê điều để quản lý, bảo vệ
- Trên
cơ sở tài liệu địa chất khoáng sản và khảo sát thực tế, tiến hành khoanh vùng
diện tích khu vực cấm khai thác cát, sỏi để bảo vệ đê điều và khả năng thoát lũ
của dòng sông, thời gian xong trong quý III/2015.
- Các
khu vực xảy ra khai thác cát, sỏi trái phép cần đẩy nhanh việc cấp phép hoạt động
khoáng sản trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
2.7.
Đảm bảo kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
- Hàng
năm, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp có kế hoạch bố trí kinh phí đảm
bảo cho công tác bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác, trong đó có hoạt động của Ban
chỉ đạo, Tổ công tác liên ngành; mua sắm các trang, thiết bị cần thiết phục vụ
cho công tác kiểm tra, xử lý khai thác cát, sỏi.
- Sở Tài
chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên
địa bàn tỉnh trên cơ sở đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường và của UBND các
huyện, thành phố.
2.8.
Thực hiện việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng
cát sỏi và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch
- Định
kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi
lòng sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tập trung giải quyết những vị trí,
khu vực thường xuyên xảy ra khai thác cát, sỏi trái phép.
- Đối
với những khu vực bãi bồi ven sông có diện tích và trữ lượng tài nguyên cát, sỏi
lớn, nhưng việc sử dụng cho canh tác nông nghiệp không hiệu quả, địa phương khó
quản lý, bảo vệ tài nguyên cát, sỏi, nếu đảm bảo khai thác không gây ảnh hưởng
đến đê điều, dòng chảy của sông thì đưa vào bổ sung quy hoạch thăm dò, khai
thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 để quản lý, cấp
phép thăm dò, khai thác kịp thời cung cấp nhu cầu vật liệu để đầu tư xây dựng
cơ sở hạ tầng và tăng thu ngân sách cho địa phương, tránh xảy ra khai thác trái
phép.
- Công
bố công khai, tổ chức bàn giao mốc giới các điểm quy hoạch thăm dò, khai thác
cát, sỏi sau khi được phê duyệt cho UBND cấp huyện, cấp xã để quản lý, bảo vệ
và tổ chức thực hiện việc cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi theo
quy hoạch đã được phê duyệt.
2.9.
Tổ chức thẩm định cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi theo quy định của pháp luật,
đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, phục vụ nhu cầu vật liệu để đầu tư xây
dựng cơ sở hạ tầng và tăng thu ngân sách cho địa phương
- Hàng
năm trên cơ sở những quy định của pháp luật về khoáng sản, quy hoạch thăm dò,
khai thác và sử dụng cát sỏi của tỉnh đến năm 2020 và tình hình thực tế thực
hiện xây dựng kế hoạch lựa chọn hình thức cấp phép hoạt động khoáng sản, tập
trung triển khai cấp phép thăm dò, khai thác những khu vực thường xuyên xảy ra
khai thác trái phép, khó quản lý. Khoanh định những khu vực đủ điều kiện đưa vào
không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Tổ chức
đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc lực chọn doanh nghiệp để cấp giấy phép
ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
- Việc
lựa chọn doanh nghiệp ngoài việc đảm bảo các tiêu chí theo quy định, các doanh
nghiệp phải đưa ra mức hỗ trợ địa phương nơi có khoáng sản, hoặc phân chia lợi
nhuận giữa nhà đầu tư với địa phương để làm căn cứ xét chọn nhà đầu tư.
- Nghiên
cứu xây dựng, lựa chọn mô hình (thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có chức
năng khai thác cát, sỏi) nhằm đưa các hộ gia đình, cá nhân ở địa phương có
phương tiện tầu, thuyền khai thác cát, sỏi vào để quản lý và tạo điều kiện việc
làm cho nhân dân địa phương; tổ chức cấp phép và giao quản lý, bảo vệ và khai
thác đối với khu vực được cấp phép; trước mắt thực hiện thí điểm mô hình hợp
tác xã đối với huyện Sơn Động, Lục Nam.
2.10.
Quản lý sau khi cấp phép hoạt động khoáng sản cho doanh nghiệp
a) Thực
hiện tốt chính sách đảm bảo quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng
sản được khai thác
- Thực
hiện việc điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác cát, sỏi để hỗ trợ phát
triển kinh tế - xã hội cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo
pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Các
tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi phải có kế hoạch, phương án hỗ trợ kinh phí
đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng
sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương nơi có khoáng sản được khai
thác; ưu tiên sử dụng lao động người địa phương trong đó đặc biệt chú trọng đến
các địa phương và người dân ở các vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
b) Tăng
cường công tác quản lý, chống thất thu thuế, tăng thu cho ngân sách nhà nước từ
hoạt động khai thác cát, sỏi
- Thực
hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường quản lý thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ
môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh” đã được Chủ tịch UBND
tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1726/QĐ-UBND ngày 29/10/2010.
- Tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi của
các đơn vị được cấp phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh nhằm kiểm soát
khối lượng cát, sỏi các đơn vị khai thác hàng năm.
- Tổ chức
thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác
khoáng sản và các khoản thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực khoáng sản, đảm bảo
đúng quy định, tăng thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản, khắc
phục tình trạng thất thu như hiện nay.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ
trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh rà
soát các khu vực cát, sỏi thường xuyên xảy ra khai thác trái phép để khoanh vùng
diện tích cần bảo vệ hoặc đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, thời gian hoàn
thành trong Quý III năm 2015.
b) Chủ
trì, phối hợp lựa chọn hình thức cấp phép khai thác cát, sỏi; hàng năm xây dựng
kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các khu vực đã đưa vào quy hoạch
trình UBND tỉnh quyết định theo quy định (thời gian hoàn thành trong tháng 02
của năm); tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc lựa chọn doanh nghiệp
có đủ điều kiện, năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm để xem xét cấp
phép thăm dò, khai thác cát, sỏi theo quy định; tính tiền cấp quyền khai thác
khoáng sản mà tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải nộp
cho Nhà nước.
c) Đôn
đốc, hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc ký cam kết về trách nhiệm trong
công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
d) Xây
dựng kinh phí hàng năm chi cho công tác bảo vệ khoáng sản nói chung và bảo vệ
cát, sỏi nói riêng gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.
đ) Thực
hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Quyết định số 194/2013/QĐ- UBND ngày
16/5/2013 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 28/3/2014 của Chủ tịch
UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ
trì xây dựng phương án cắm biển báo khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi,
các khu vực cấm sử dụng bãi ven sông tập kết, chứa cát sỏi ảnh hưởng đến đê
điều, kè, cống và thoát lũ của sông.
b) Phối
hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, khoanh định các khu vực cát, sỏi
thường xuyên bị khai thác trái phép để đưa vào khu vực cấm thăm dò, khai thác
hoặc bổ sung kịp thời vào quy hoạch thăm dò, khai thác.
c) Thực
hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Quyết định số 194/2013/QĐ- UBND ngày
16/5/2013 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 28/3/2014 của Chủ tịch
UBND tỉnh.
3. Công an tỉnh
a) Công
an tỉnh chỉ đạo các lực lượng liên quan của ngành tăng cường phối hợp với các
sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thường xuyên tuần tra kiểm soát,
nhất là những nơi thường xảy ra hiện tượng khai thác cát, sỏi trái phép, bảo
đảm an ninh, trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác,
vận chuyển cát, sỏi gây mất trật tự an toàn xã hội trên đường thủy; chủ động
phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hoạt động khai thác
cát, sỏi trái phép.
b) Thực
hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Quyết định số 194/2013/QĐ- UBND ngày
16/5/2013 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 28/3/2014 của Chủ tịch
UBND tỉnh.
4. Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
a) Dành
đủ trang, thời lượng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nói chung
và pháp luật về cát, sỏi nói riêng.
b) Phối
hợp với các ngành chức năng xây dựng chuyên mục Tài nguyên và Môi trường với
các nội dung: công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, công tác quản lý công
nghiệp khai thác khoáng sản, công tác an toàn lao động trong khai thác khoáng
sản, những điển hình tiên tiến, những yếu kém, tồn tại cần khắc phục trong hoạt
động khoáng sản trên địa bàn.
5. Các Sở, ngành khác có liên quan
a) Theo
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, các ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố trong
việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án này.
b) Phối
hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra năng lực các doanh nghiệp hoạt
động trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi nhằm lựa chọn các tổ chức, cá nhân để
cấp phép khai thác cát, sỏi.
6. UBND cấp huyện
a) Xây
dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản tại các khu
vực giáp ranh giữa 2 huyện, hàng năm có tổ chức sơ kết và định kỳ tổ chức tổng
kết. Thực hiện việc ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý cát, sỏi
giữa chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh; Chủ tịch UBND cấp xã nơi
có sông chảy qua với Chủ tịch UBND cấp huyện.
b) Định
kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo kiểm tra và xử lý khai thác cát,
sỏi trái phép của tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) về tình hình hoạt động
khoáng sản trên địa bàn. Định kỳ 6 tháng tổ chức sơ kết và 01 năm tổ chức tổng
kết để kiểm điểm trách nhiệm theo các nội dung đã ký kết.
c) Tiếp
tục thực hiện giải tỏa các bãi ven sông chứa cát, sỏi không nằm trong quy hoạch
trên địa bàn địa phương quản lý, thời gian xong trước 30/6/2015.
d) Triển
khai thực hiện các nội dung khác theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quyết
định số 194/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày
28/3/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh trên địa bàn địa phương.
7. UBND cấp xã
a) Xây
dựng phương án phối hợp với các xã giáp ranh có sông để kiểm tra, xử lý các đối
tượng khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trái phép tại vùng giáp ranh; thực
hiện việc ký cam kết về trách nhiệm trong công tác quản lý khoáng sản nói chung
và cát, sỏi lòng sông nói riêng giữa Chủ tịch UBND cấp xã nơi có sông chảy qua
với Chủ tịch UBND cấp huyện và giữa các Trưởng thôn với Chủ tịch UBND cấp xã,
thời gian xong trong Quý II năm 2015.
b) Định
kỳ hàng tháng báo cáo UBND cấp huyện (thông qua Phòng Tài nguyên và Môi trường)
về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, đồng thời đề xuất biện pháp xử
lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các các quy định của pháp luật liên
quan đến hoạt động khoáng sản.
c) Triển
khai thực hiện các nội dung khác theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quyết
định số 194/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 03/CT-UBND
ngày 28/3/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh trên địa bàn địa phương.
(Có
nhiệm vụ, chương trình, nội dung thực hiện Đề án tại Phụ lục III kèm theo).
Trên đây
là Đề án: “Quản lý, bảo vệ và khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
giai đoạn 2015-2020”. Các Sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và
các tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân
công trong Đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Đề án.
Định kỳ 6 tháng và 01 năm báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện Đề án (thông
qua Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh), đề
xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.
Trong
quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh qua Sở Tài nguyên và Môi
trường để tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
DANH
SÁCH CÁC ĐƠN VỊ ĐÃ ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP THĂM DÒ NHƯNG CHƯA CẤP PHÉP KHAI THÁC VÀ ĐÃ
CÓ CHỦ TRƯƠNG THĂM DÒ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (TÍNH ĐẾN
30/10/2014)
(Kèm theo Quyết định số 102/QĐ-UBND ngày 23/3/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)
DANH
MỤC CÁC NHIỆM VỤ, CHƯƠNG TRÌNH, NỘI DUNG THỰC HIỆN ĐỀ ÁN QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ KHAI
THÁC CÁT, SỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Kèm theo Quyết định số 102/QĐ-UBND ngày 23/3/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh)