Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 10/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái Người ký: Hoàng Thương Lượng
Ngày ban hành: 26/05/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2008/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 26 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KHAI THÁC, SỬ DỤNG TIỀM NĂNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG HỒ THÁC BÀ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường (2005); Luật Khoáng sản (1996), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (2005); Luật Đất đai (2003); Luật Tài nguyên nước (1998); Luật Di sản văn hoá (2001); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004); Luật Giao thông đường thuỷ nội địa (2004); Luật Du lịch (2005); Luật Thuỷ sản (2003) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số: … /TTr-STNMT ngày 02 tháng 5 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và Bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà.

Điều 2. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Công Thương và các ngành chức năng liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 152/2002/QĐ-UB ngày 04 tháng 5 năm 2002 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế Quản lý sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Hoàng Thương Lượng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ KHAI THÁC, SỬ DỤNG TIỀM NĂNG VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÙNG HỒ THÁC BÀ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 10/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế Quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và Bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà nhằm cụ thể hoá việc thi hành các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi cá nhân trong việc khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà - một vùng có nhiều tiềm năng phát triển và nhạy cảm về môi trường của tỉnh Yên Bái.

Vùng hồ Thác Bà bao gồm vùng đất, mặt nước hồ và các đảo hồ thuộc địa dư của 31 xã ven hồ Thác Bà. Trong đó, có 21 xã, thị trấn thuộc huyện Yên Bình là: Thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà và các xã: Đại Minh, Thịnh Hưng, Hán Đà, Vĩnh Kiên, Vũ Linh, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Cẩm Nhân, Phúc Ninh, Ngọc Chấn, Xuân Long, Bảo Ái, Cẩm Ân, Mông Sơn, Tân Hương, Đại Đồng, Tân Nguyên; 10 xã thuộc huyện Lục Yên là: Trung Tâm, Phúc Lợi, Động Quan, Tô Mậu, Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh, An Phú, Minh Tiến, Vĩnh Lạc.

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác (sau đây gọi tắt là các hoạt động) của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là các tổ chức, cá nhân) có liên quan đến việc khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường trên địa bàn vùng hồ Thác Bà.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật.

2. Bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học.

3. Tiêu chuẩn môi trường là giới hạn cho phép của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, về hàm lượng của chất gây ô nhiễm trong chất thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định làm căn cứ để quản lý và bảo vệ môi trường.

4. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi của các thành phần môi trường không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật.

5. Chất thải là chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

6. Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác.

7. Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó.

8. Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước là vùng phụ cận khu vực lấy nước từ nguồn nước được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

9. Di tích lịch sử - văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học.

10. Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.

11. Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một thời gian nhất định.

12. Hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa là hoạt động của người, phương tiện tham gia giao thông, vận tải đường thuỷ nội địa; quy hoạch phát triển, xây dựng, khai thác, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa và quản lý Nhà nước về giao thông đường thuỷ nội địa.

13. Hoạt động khoáng sản là các hoạt động điều tra địa chất, khảo sát khoáng sản, khai thác và chế biến khoáng sản.

14. Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất để trồng rừng, cho thuê đất để trồng rừng, công nhận quyền sử dụng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác.

15. Bảo vệ rừng là hoạt động trồng mới rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi để tăng diện tích và nâng cao giá trị đa dạng sinh học, cung cấp lâm sản (gỗ, tre, nứa,...) từ rừng, sử dụng hợp lý tài nguyên rừng.

16. Phát triển rừng là việc trồng mới rừng, trồng lại rừng sau khai thác, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, cải tạo rừng nghèo và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh khác để tăng diện tích rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.

17. Nguồn lợi thuỷ sản là tài nguyên sinh vật trong vùng nước tự nhiên, có giá trị kinh tế, khoa học để phát triển nghề khai thác thuỷ sản, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

18. Hoạt động thuỷ sản là việc tiến hành khai thác, nuôi trồng, vận chuyển thuỷ sản khai thác; bảo quản, chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thuỷ sản; dịch vụ trong hoạt động thuỷ sản; điều tra, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Điều 3. Yêu cầu chung đối với hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng vùng hồ Thác Bà

1. Phải có giấy phép theo quy định của pháp luật hoặc dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận phù hợp với quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực trên địa bàn.

2. Tuân thủ các quy định quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực liên quan và Quy chế này.

3. Chủ dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận trước khi được cấp phép, chứng nhận hoặc phê duyệt dự án theo quy định, đồng thời phải thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường ghi trong báo cáo hoặc bản cam kết, định kỳ 6 tháng/lần báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường với Sở Tài nguyên và Môi trường và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện.

4. Khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên. Giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước hồ Thác Bà.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Phá hoại, khai thác trái phép rừng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác trong vùng hồ Thác Bà.

2. Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật vùng hồ Thác Bà bằng phương tiện, công cụ, phương pháp mang tính huỷ diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.

3. Đưa các loài sinh vật nhập khẩu từ nước ngoài hoặc các loài sinh vật mới chưa được khảo nghiệm và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng trên vùng hồ Thác Bà.

4. Xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh vùng hồ Thác Bà.

5. Lấn, chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vùng hồ Thác Bà đã được công bố; phá hoại các tiêu báo, mốc toạ độ địa chính xung quanh hồ Thác Bà;

6. Phá hoại công trình giao thông đường thuỷ hồ Thác Bà; tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thuỷ trên hồ Thác Bà.

7. Xây dựng công trình du lịch không theo quy hoạch đã được công bố hoặc đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, nhưng sử dụng sai mục đích hoặc không có biện pháp xử lý và bảo vệ môi trường.

8. Thải chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và các chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước của vùng hồ Thác Bà.

9. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong vùng hồ Thác Bà.

10. Khai thác trái phép khoáng sản; phá hoại cảnh quan thiên nhiên; đổ đất xuống hồ; đắp đập lấn chiếm lòng hồ.

Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với việc quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái thống nhất quản lý Nhà nước về khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà theo nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà và phối hợp với các ngành, các địa phương liên quan quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng vùng hồ Thác Bà theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.

3. Các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giao thông vận tải; Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp quản lý các hoạt động khai thác và sử dụng tiềm năng vùng hồ Thác Bà theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân các huyện Yên Bình, Lục Yên và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thuộc vùng hồ Thác Bà theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà trên địa bàn theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.

5. Lực lượng Công an có trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm và phạm tội về bảo vệ môi trường và các vi phạm, tội phạm khác đảm bảo an ninh, trật an toàn xã hội và an toàn giao thông thuỷ nội địa trên vùng hồ Thác Bà.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước hồ Thác Bà

1. Các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến việc khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước vùng hồ Thác Bà phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước; có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo Quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 36/2006/QĐ-UBND ngày 25 tháng 1 năm 2006; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với các hoạt động khai thác tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật.

2. Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước của Trạm bơm Nhà máy nước Yên Bái - Yên Bình là vùng cách công trình thu về mỗi hướng lớn hơn 300 m theo mặt nước; cách bờ hồ về phía có công trình thu không nhỏ hơn 300 m tính từ mực nước cao nhất. Nghiêm cấm xây dựng bất kỳ loại công trình; xả nước thải, tắm giặt, chăn thả trâu bò; sử dụng hoá chất độc, phân hữu cơ và các loại phân khoáng để bón cây; các hoạt động đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ sản; các hoạt động giao thông vận tải của các loại tầu thuyền và các hoạt động khác trong phạm vi quy định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

Định kỳ hàng tháng Công ty Cấp nước Yên Bái có trách nhiệm lấy mẫu phân tích chất lượng nước khu vực trạm bơm để theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt của thành phố Yên Bái, thị trấn Yên Bình.

3. Công ty Cổ phần Thuỷ điện Thác Bà trong quá trình khai thác sử dụng nguồn nước hồ Thác Bà phục vụ sản xuất điện phải có trách nhiệm điều tiết nguồn nước hồ Thác Bà một cách hợp lý, đảm bảo không làm cạn kiệt nguồn nước cũng như ngập lụt vùng hồ Thác Bà.

Điều 7. Quản lý sử dụng đất đai

Các tổ chức, cá nhân sử dụng đất trên vùng hồ Thác Bà phải đảm bảo các yêu cầu:

1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy định khác của pháp luật; thực hiện các biện pháp cải tạo, bảo vệ, hạn chế ô nhiễm đất và các biện pháp bảo vệ đất khác.

2. Thực hiện đầy đủ các thủ tục về: giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký quyền sử dụng đất, chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của Luật Đất đai.

Việc giao đất, cho thuê đất cho các dự án xây dựng các công trình ven hồ Thác Bà chỉ thực hiện trên độ cao 62 m, các trường hợp sử dụng đất dưới 62 m phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Sử dụng hoá chất, thuốc trừ sâu, hoá chất bảo vệ thực vật và các chế phẩm sinh học phải tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 8. Quản lý bảo vệ, phát triển và khai thác rừng vùng hồ Thác Bà

1. Việc bảo vệ và phát triển rừng vùng hồ Thác Bà phải đảm bảo nguyên tắc quản lý rừng bền vững, kết hợp bảo vệ và phát triển với khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tài nguyên rừng, tạo vành đai cây xanh để điều hoà dòng chảy, hạn chế lũ lụt và bồi lấp lòng hồ Thác Bà và lưu vực sông Chảy; phòng chống suy thoái và cạn kiệt nguồn nước; ngăn chặn có hiệu quả sự rửa trôi, xói mòn đất bề mặt; góp phần điều hoà thời tiết tiểu khí hậu và tạo cảnh quan thiên nhiên vùng hồ Thác Bà.

2. Việc phát triển các loại rừng trên vùng hồ Thác Bà phải đảm bảo:

a) Đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (rừng cảnh quan) phải đảm bảo sự phát triển tự nhiên của rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan của rừng;

b) Đối với rừng sản xuất, quản lý tốt diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Với rừng trồng phải thực hiện thâm canh để tạo vùng nguyên liệu có trữ lượng cao, phát huy tốt khả năng phòng hộ, tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho vùng hồ Thác Bà.

3. Hoạt động khai thác rừng phải đảm bảo các yêu cầu:

a) Đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên các chủ rừng chỉ được tiến hành tổ chức khai thác khi có quyết định mở cửa rừng của cấp có thẩm quyền. Việc khai thác chủ yếu là chặt chọn theo mục đích sử dụng lâm sản, cường độ khai thác tối đa 30% (trừ các loại gỗ quý hiếm cấm khai thác theo quy định của Chính phủ), song phải đảm bảo nguyên tắc duy trì và phát triển các chức năng phát triển bền vững của từng loại rừng để tăng khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái vùng hồ Thác Bà;

b) Đối với rừng trồng sản xuất, tuổi khai thác chủ rừng tự quyết định, nhưng phải đảm bảo trồng lại rừng ngay sau vụ kế tiếp;

c) Đối với rừng trồng phòng hộ, chủ rừng được khai thác cây phù trợ, tỉa thưa, chặt chọn song cường độ khai thác không quá 20%, phải đảm bảo rừng sau khai thác có độ tàn che lớn hơn hoặc bằng 0,6. Nếu chặt theo đám, theo băng thì diện tích khai thác phải nhỏ hơn hoặc bằng 1,0ha. Khi trồng xong rừng mới được khai thác diện tích rừng liền kề.

Điều 9. Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản hồ Thác Bà

1. Việc nuôi trồng thuỷ sản tại hồ Thác Bà phải đảm bảo:

a) Theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Thác Bà được cấp thẩm quyền phê duyệt; không phát triển tràn lan gây ô nhiễm nguồn nước.

b) Điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản; tiêu chuẩn thú y thuỷ sản và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và cảnh quan vùng hồ Thác Bà;

c) Sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Pháp lệnh về thú y;

d) Việc đưa các giống thuỷ sản mới chưa được khảo nghiệm vào nuôi tại hồ Thác Bà phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

đ) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu hành nghề nuôi trồng thuỷ sản trên hồ Thác Bà phải đăng ký với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý các cấp theo quy định.

2. Việc khai thác thuỷ sản hồ Thác Bà phải đảm bảo:

a) Tuân thủ theo quy hoạch, kế hoạch nhằm không làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản; phải tuân theo quy định về mùa vụ khai thác, thời gian khai thác, chủng loại và kích cỡ thuỷ sản được khai thác hàng năm theo quy định của Luật Thuỷ sản;

b) Sử dụng các loại ngư cụ, phương tiện khai thác thuỷ sản có kích cỡ cho phép với các loài thuỷ sản được phép khai thác;

c) Không ảnh hưởng đến các luồng tuyến giao thông và các khu vực quy hoạch phát triển du lịch trên hồ Thác Bà;

d) Phải có giấy phép khai thác thuỷ sản, trừ trường hợp cá nhân khai thác thuỷ sản bằng tầu cá có trọng tải dưới 0,5 tấn hoặc không dùng tầu cá;

đ) Thực hiện việc báo cáo khai thác thuỷ sản và ghi nhật ký khai thác thuỷ sản theo quy định của Luật Thủy sản.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

 a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch, giải pháp bảo vệ, khai thác và phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên vùng hồ Thác Bà;

b) Quản lý các hoạt động thuỷ sản trên vùng hồ Thác Bà theo quy định của Luật Thuỷ sản;

c) Tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân có ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Thác Bà.

Điều 10. Quản lý hoạt động khoáng sản vùng hồ Thác Bà

1. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản trong vùng hồ Thác Bà gồm: các đảo đá trên hồ, các sườn núi phía tiếp giáp với mặt nước hồ Thác Bà tính theo đường phân thuỷ (trừ khu vực bán đảo Mông Sơn). Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác khoáng sản trong khu vực này để bảo vệ cảnh quan vùng hồ.

2. Hoạt động khoáng sản tại vùng hồ Thác Bà phải tuân theo Quy định về quản lý các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 225/2006/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2006 và đảm bảo một số yêu cầu sau:

a) Chỉ được phép tiến hành hoạt động khi có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp; tuân thủ theo đúng quy định của giấy phép đã được cấp;

b) Không làm ảnh hưởng xấu đến di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và rừng phòng hộ vùng hồ Thác Bà;

c) Phải thực hiện nghiêm và đầy đủ các biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động khoáng sản đối với vùng hồ Thác Bà;

d) Phải tuân thủ các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc chấm dứt hoạt động khoáng sản, trả lại giấy phép, chuyển nhượng quyền, thừa kế quyền hoạt động khoáng sản;

đ) Chỉ được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khoáng sản theo đúng quy định tại giấy phép sử dụng vật liệu nổ được cấp có thẩm quyền cấp.

e) Phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác theo quy định.

Điều 11. Quản lý hoạt động của các bến cảng, bến thuỷ trên hồ Thác Bà

1. Việc xây dựng cảng, bến thuỷ của hồ Thác Bà phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

2. Tổ chức, cá nhân khi lập dự án xây dựng cảng, bến thuỷ phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thuỷ.

3. Các bến cảng, bến thuỷ khi đi vào hoạt động phải được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật; đảm bảo các quy định về an ninh trật tự, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Điều 12. Quản lý hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ trên hồ Thác Bà

Các phương tiện thuỷ lưu thông trên hồ Thác Bà phải đảm bảo các điều kiện như sau:

a) Đảm bảo Tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành; có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện của cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; có trang thiết bị an toàn và trang thiết bị thu gom dầu mỡ thải, nước thải, rác thải.

 b) Các phương tiện chở khách công cộng phải trang bị phao cứu sinh, thùng đựng rác, thiết bị thu gom chất thải của hành khách, xả chất thải đúng nơi quy định.

c) Hoạt động đúng luồng, tuyến quy định; neo đậu, xếp dỡ hàng hoá, đón trả khách đúng cảng, bến bãi quy định.

Điều 13. Quản lý và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia hồ Thác Bà

1. Quần thể Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia hồ Thác Bà phải được quản lý và phát huy giá trị theo Luật Di sản văn hoá.

2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái quản lý nhà nước về di tích lịch sử - thắng cảnh vùng hồ Thác Bà theo quy định của Luật Di sản văn hoá và thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

a) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và sử dụng khu di tích lịch sử - thắng cảnh vùng hồ Thác Bà; chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và sử dụng khu di tích lịch sử - thắng cảnh vùng hồ Thác Bà sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, ban hành;

b) Khảo sát, phát hiện các Di chỉ khảo cổ học để tăng thêm giá trị lịch sử, khoa học của Quần thể Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia hồ Thác Bà.

Điều 14. Quản lý các hoạt động phát triển du lịch vùng hồ Thác Bà

1. Việc phát triển du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch và các công trình phục vụ du lịch ở vùng hồ Thác Bà, đặc biệt là trong vùng bảo vệ của Di tích Lịch sử và Danh lam thắng cảnh hồ Thác Bà phải tuân theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà.

2. Các cơ sở lưu trú du lịch phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; trang bị các thiết bị thu gom, xử lý rác thải, nước thải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Xây dựng nội quy về bảo vệ môi trường của cơ sở để phổ biến cho nhân viên và khách lưu trú biết và thực hiện.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, kinh doanh lữ hành trong vùng hồ Thác Bà phải tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh; hướng dẫn khách du lịch tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường nơi đến du lịch.

4. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch trong vùng hồ Thác Bà phải sử dụng phương tiện đáp ứng các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường; thu gom, đổ rác thải đúng nơi quy định; hướng dẫn khách du lịch không xả rác, thải chất thải bừa bãi trên đường đi.

5. Khách tham quan du lịch tại vùng hồ Thác Bà phải tuân thủ quy định về an ninh trật tự, an toàn xã hội; tôn trọng và giữ gìn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của khu vực; tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường tại nơi đến du lịch; xả rác đúng nơi quy định; không vứt rác xuống hồ.

Chương III

THANH TRA, KIỂM TRA - KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra thực hiện Quy chế quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà

1. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và thanh tra chuyên ngành của các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà.

2. Ủy ban nhân dân các huyện: Lục Yên, Yên Bình và các xã, thị trấn thuộc vùng hồ Thác Bà có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Báo cáo kịp thời cho các ngành chức năng những vi phạm, đồng thời có biện pháp khẩn trương ngăn chặn những hành vi vi phạm Quy chế và các quy định khác của pháp luật trong phạm vi quyền hạn được giao.

3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng vùng hồ Thác Bà chịu sự thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất phải chấp hành nghiêm chỉnh những yêu cầu và kết luận của Đoàn thanh tra, kiểm tra.

Điều 16. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân chấp hành thực hiện tốt các quy định của Quy chế quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà, phát hiện và kịp thời ngăn chặn các hành vi gây hậu quả xấu đến tài nguyên, môi trường vùng hồ Thác Bà sẽ được biểu dương, khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm những quy định của Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật liên quan. Nếu hoạt động của các tổ chức, cá nhân gây tổn hại đến tài nguyên và môi trường vùng hồ Thác Bà sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Công Thương và các ngành chức năng liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức kiểm tra và thực hiện Quy chế này.

2. Ủy ban nhân dân các huyện: Yên Bình, Lục Yên căn cứ vào đặc điểm của địa phương và thẩm quyền của mình xây dựng các quy định và kế hoạch thực hiện Quy chế này.

3. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn vùng hồ Thác Bà các trách nhiệm phổ biến và thực hiện Quy chế này tới mọi người dân thuộc địa phương mình quản lý.

4. Các cơ quan thông tin đại chúng tỉnh Yên Bái có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến thường xuyên Quy chế này.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quy chế Quản lý sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kèm theo quyết định số 152/2002/QĐ-UB ngày 04 tháng 6 năm 2002.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tuỳ theo điều kiện thực tiễn hoặc có điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật, Quy chế này sẽ được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 10/2008/QĐ-UBND ngày 26/05/2008 về Quy chế khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà do tỉnh Yên Bái ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.624

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.105.85
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!