ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2019/QĐ-UBND
|
Đồng Tháp, ngày
20 tháng 3 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN
XUẤT, CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Thú y ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày
21/11/2017;
Căn cứ Nghị định số
18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi
trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch
bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số
19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số
điều của Luật bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số
38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số
66/2016NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh
doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng, vật nuôi;
Căn cứ Thông tư số
04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15/01/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn,
trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học;
Căn cứ Thông tư số
71/2011/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Thú y;
Căn cứ Thông tư số
22/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện nuôi thủy sản;
Căn cứ Thông tư số
27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về
đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ
môi trường;
Căn cứ Thông tư số
04/2016/TT-BTNMT ngày 29/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban
hành quy định quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chăn nuôi: QCVN
62-MT:2016/BTNMT;
Căn cứ Thông tư số
31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban
hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh
doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bảo vệ
môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản
trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm
2019 và thay thế Quyết định số 54/2016/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 của UBND tỉnh.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban
ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân
có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ TNMT;
- Bộ NNPTNT;
- CỤc Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- CT, các PCT/UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu VT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Hùng
|
QUY ĐỊNH
VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CHĂN NUÔI
GIA SÚC, GIA CẦM VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07 /2019/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2019 của
UBND tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về bảo vệ
môi trường đối với các hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản
trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Các cơ quan quản lý nhà nước
về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy
sản và động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan, đơn vị có
liên quan.
2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân có các hoạt động liên quan đến sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy
sản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
3. Quy định này không áp dụng
cho các trường hợp nuôi sinh thái trên đồng ruộng trong mùa lũ, các hộ sản xuất,
chăn nuôi vịt chạy đồng.
Điều 3.
Phân loại quy mô hoạt động sản xuất, chăn nuôi
1. Cơ sở sản xuất, chăn nuôi có
quy mô lớn
a) Gia súc, gia cầm: quy mô chuồng
trại có diện tích từ 1.000m2 trở lên;
b) Động vật hoang dã: Quy mô
chuồng trại có diện tích từ 500m2 trở lên;
c) Cơ sở nuôi trồng thủy sản:
Diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên, riêng đối với cơ sở nuôi quảng canh từ 50
ha trở lên.
2. Cơ sở sản xuất, chăn nuôi có
quy mô vừa
a) Gia súc, gia cầm: Quy mô chuồng
trại có diện tích từ 50m2 đến dưới 1.000m2;
b) Động vật hoang dã: quy mô
chuồng trại có diện tích từ 50m2 đến dưới 500m2;
c) Cơ sở nuôi trồng thủy sản:
Diện tích mặt nước từ 0,5 ha đến dưới 10 ha; đối với cơ sở nuôi quảng canh nhỏ
hơn 50ha.
3. Cơ sở sản xuất, chăn nuôi có
quy mô nhỏ
a) Gia súc, gia cầm: quy mô chuồng
trại có diện tích nhỏ hơn 50m2;
b) Động vật hoang dã: quy mô
chuồng trại có diện tích nhỏ hơn 50m2;
c) Cơ sở nuôi trồng thủy sản:
diện tích mặt nước nhỏ hơn 5.000 m2.
4. Cơ sở chăn nuôi tập trung
trâu, bò, ngựa trên 100 con nuôi sinh sản hoặc trên 200 con nuôi lấy thịt; dê,
cừu trên 400 con sinh sản hoặc trên 600 con nuôi lấy thịt; thỏ trên 3.000 con
sinh sản hoặc trên 6.000 con nuôi lấy thịt; lợn trên 300 con nái sinh sản hoặc
trên 500 con gồm lợn nái và lợn nuôi lấy thịt hoặc trên 1.000 con nuôi lấy thịt;
gà trên 3.000 con mái sinh sản hoặc trên 5.000 con nuôi lấy thịt; ngan, vịt
trên 2.500 con mái sinh sản hoặc trên 4.000 con nuôi lấy thịt; đà điểu trên 100
con mái sinh sản hoặc trên 200 con nuôi lấy thịt; chim cút trên 10.000 con sinh
sản hoặc trên 20.000 con nuôi lấy thịt.
Chương II
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG
HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, CHĂN NUÔI
Điều 4. Các
yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi
1. Các cơ sở sản xuất, chăn
nuôi quy mô vừa và lớn chỉ được triển khai hoạt động sau khi được xác nhận về
điều kiện vệ sinh thú y cũng như thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về bảo vệ
môi trường và xử lý chất thải được nêu trong nội dung báo cáo đánh giá tác động
môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt,
xác nhận.
2. Trong quá trình sản xuất,
chăn nuôi, chủ cơ sở phải thực hiện các biện pháp xử lý chất thải theo quy định
tại Điều 8 của Quy định này, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành.
3. Các cơ sở sản xuất, chăn
nuôi thực hiện nghiêm các quy định về chăn nuôi thú y: tiêm phòng, vệ sinh chuồng
trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên khu vực sản xuất, chăn nuôi, thực hiện tốt
các biện pháp an toàn sinh học.
4. Các cơ sở sản xuất, chăn
nuôi phải có khu vực cách ly vật nuôi bị dịch bệnh, có hố xử lý vật nuôi bị chết
theo quy định của ngành thú y. Khi có dịch bệnh xảy ra phải thực hiện các biện
pháp phòng chống, tiêu hủy theo quy định của các cơ quan chức năng và quy định
của Luật Thú y.
5. Trường hợp các hoạt động sản
xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, chủ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải
thực hiện biện pháp xử lý, khắc phục triệt để. Nếu không khắc phục được phải ngừng
hoạt động sản xuất, chăn nuôi, chủ cơ sở phải thông báo khả năng gây tổn hại
cho dân cư chung quanh, đồng thời báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cơ
quan quản lý nhà nước về môi trường, cơ quan quản lý nhà nước về thú y của địa
phương.
6. Đối với hoạt động nuôi chim
yến phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh quy định
tại Điều 7 Thông tư số 35 2013 TT-BNN TNN ngày 22/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
7. Đối với hoạt động nuôi các
loài động vật hoang dã phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn, tiêu chuẩn chuồng
trại theo quy định, đặc biệt đối với các loài như voi, hổ, gấu, cá sấu, trăn, rắn.
Điều 5. Điều
kiện của cơ sở sản xuất, chăn nuôi
1. Điều kiện về vị trí, địa điểm,
mặt bằng
a) Phải phù hợp với quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất chi tiết và quy hoạch sản xuất, chăn nuôi của địa phương,
trường hợp chưa có quy hoạch thì phải được các cơ quan quản lý nhà nước ở địa
phương cho phép.
b) Đối với cơ sở sản xuất, chăn
nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn (quy mô trang trại): phải xây dựng cách xa trường
học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao
thông chính, nguồn nước mặt tối thiểu 100m.
c) Đối với cơ sở nuôi trồng thủy
sản tại các bãi bồi ven sông có quy mô vừa, quy mô lớn và nuôi trong lồng, bè:
phải được phép của UBND tỉnh (đối với tổ chức) hoặc UBND cấp huyện (đối với hộ
gia đình, cá nhân) theo thẩm quyền.
d) Các cơ sở sản xuất, chăn
nuôi tùy theo loại hình, quy mô hoạt động mà bố trí diện tích mặt bằng cho phù
hợp, ngoài diện tích xây dựng chuồng trại phải dành diện tích để xây dựng các
công trình phục vụ cho vệ sinh, phòng dịch, bảo vệ môi trường và xử lý chất thải,
đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường.
e) Đối với các hộ gia đình, cá nhân
nuôi quy mô nhỏ không có diện tích để xây dựng công trình, hệ thống xử lý chất
thải chăn nuôi: phải tiến hành thu gom và xử lý riêng đối với mọi nguồn chất thải
phát sinh, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và đạt tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật về môi trường.
2. Phương thức sản xuất, chăn
nuôi
a) Đối với cơ sở sản xuất, chăn
nuôi gia súc, gia cầm phải có chuồng trại nuôi nhốt cách biệt với nhà ở; không
được thả rông gia súc, gia cầm; không được làm chuồng ngay trên sông, mương, rạch
công cộng. Chuồng nuôi xây dựng phù hợp với loài vật nuôi, thoáng mát, dễ thực
hiện vệ sinh tiêu độc sát trùng, đảm bảo môi trường của khu sản xuất, chăn nuôi
phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y do cơ quan thú y thẩm định.
b) Đối với cơ sở nuôi trồng thủy
sản trong các ao, bãi bồi ven sông, nuôi thủy sản trong lồng, bè: mật độ nuôi
phải phù hợp với tiêu chuẩn của ngành thủy sản quy định. Các ao nuôi thủy sản
phải đáp ứng các quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 22/2014/TT-BNNPTNT
ngày 29/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
c) Tất cả các phương thức sản
xuất, chăn nuôi phải phù hợp các quy định về đất đai, đảm bảo nguồn lợi thủy sản,
an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường.
3. Các cơ sở chăn nuôi tập
trung (trâu, bò, ngựa, dê, cừu, thỏ, lợn, gà, ngan, vịt, đà điểu, chim cút) phải
đáp ứng các điều kiện:
a) Có nhân viên kỹ thuật trình
độ trung cấp trở lên chuyên ngành chăn nuôi hoặc thú y.
b) Có biện pháp xử lý chất thải
rắn, chất thải lỏng đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về
môi trường; nước thải đảm bảo đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 62 -
MT:2016/BTNMT về nước thải chăn nuôi.
c) Đáp ứng điều kiện về an toàn
thực phẩm theo quy định tại Khoản 6, Điều 1, Nghị định số 123/2018/NĐ-CP.
Điều 6. Xử
lý chất thải
1. Tùy theo điều kiện, quy mô của
cơ sở sản xuất, chăn nuôi mà chủ cơ sở lựa chọn biện pháp xử lý, hệ thống xử lý
chất thải phù hợp đảm bảo chất thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.
Đối với nước thải, chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn: phải được xử lý triệt để
đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi thải ra môi trường.
Tuyệt đối không được xả chất thải trực tiếp, chưa qua xử lý ra môi trường, gây
ô nhiễm môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của dân cư
xung quanh.
2. Trường hợp trong hoạt động sản
xuất, chăn nuôi có phát sinh chất thải nguy hại, chủ cơ sở phải có trách nhiệm
quản lý và xử lý đúng theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá
nhân nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để xử lý chất thải trong sản
xuất, chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Điều 7. Quy
định đối với việc lập thủ tục hành chính về môi trường
1. Các cơ sở sản xuất, chăn
nuôi có quy mô lớn, phải lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định
của Luật Bảo vệ môi trường.
2. Các cơ sở sản xuất, chăn
nuôi có quy mô vừa phải lập Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo
vệ môi trường.
3. Các cơ sở sản xuất, chăn
nuôi tồn tại trước khi ban hành Quy định này, tùy theo quy mô mà thực hiện những
thủ tục môi trường theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có
thẩm quyền; phải có những biện pháp khắc phục, điều chỉnh theo hướng dẫn của cơ
quan chức năng cho phù hợp với yêu cầu của Luật bảo vệ môi trường hiện hành.
Hồ sơ, thủ tục, quy trình thẩm
định và xét duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường
và các thủ tục khác về môi trường thực hiện theo quy định hướng dẫn của các văn
bản pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.
4. Đối với các cơ sở quy mô nhỏ
không phải lập thủ tục hành chính về môi trường nhưng phải thu gom, xử lý chất
thải đảm bảo theo Điều 8 của Quy định này và các yêu cầu khác của Luật Bảo vệ
môi trường.
Điều 8.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt
động sản xuất, chăn nuôi
1. Tuân thủ quy định của pháp
luật về thú y, giống vật nuôi, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường trong hoạt
động sản xuất, chăn nuôi.
2. Các dự án đầu tư, cơ sở sản
xuất, chăn nuôi phải tiến hành lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch
bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường, bản khai báo về hoạt động sản
xuất, chăn nuôi trình cơ quan chức năng phê duyệt, xác nhận theo quy định.
3. Thực hiện đúng và đầy đủ các
nội dung về bảo vệ môi trường được nêu trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường
đã được phê duyệt, Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận; đề án bảo vệ
môi trường đã được phê duyệt, xác nhận.
4. Khi có nhu cầu thay đổi quy
mô trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi có ảnh hưởng đến môi trường, chủ cơ sở
có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan nhà nước quản lý về bảo vệ môi trường ở địa
phương để có hướng dẫn kịp thời, đồng thời đầu tư xử lý chất thải cho phù hợp
quy mô thay đổi.
5. Đảm bảo các yêu cầu về phòng
chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng theo định kỳ và sau mỗi đợt
nuôi.
6. Phòng ngừa, hạn chế các tác
động xấu đến môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi, khắc phục ô nhiễm
môi trường do hoạt động sản xuất, chăn nuôi gây ra.
7. Chấp hành chế độ thanh tra,
kiểm tra bảo vệ môi trường, cung cấp đầy đủ tài liệu và tạo điều kiện thuận lợi
cho Đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc Thanh tra viên và các thành viên khác trong
đoàn khi đến thi hành công vụ, chấp hành và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu,
quy định của Đoàn thanh tra, kiểm tra.
8. Bồi thường thiệt hại theo
quy định của pháp luật đối với trường hợp trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi
gây ô nhiễm môi trường làm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường hoặc
làm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp
của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của
môi trường gây ra.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, CHĂN NUÔI
Điều 9. Sở
Tài nguyên và Môi trường
Là cơ quan chuyên môn giúp UBND
tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất,
chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và có các nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục,
phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất,
chăn nuôi.
2. Xây dựng, trình cấp có thẩm
quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức triển khai thực hiện
các văn bản pháp luật, chương trình, kế hoạch, dự án, đề án về bảo vệ môi trường
trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
3. Tổ chức thẩm định và trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo ĐTM, Đề án bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ
môi trường đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi thuộc thẩm
quyền thẩm định, phê duyệt của UBND tỉnh và khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường
ủy quyền.
4. Tiến hành công tác thanh
tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản
xuất, chăn nuôi và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh xử lý đối với các
hành vi vi phạm theo đúng quy định.
Điều 10. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Phối hợp ngành chức năng tổ
chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt
động sản xuất, chăn nuôi cũng như các quy định về thú y, giống vật nuôi và các
quy định khác có liên quan.
2. Phối hợp thực hiện công tác
thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động
sản xuất, chăn nuôi và xử lý theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh xử lý đối với
các hành vi vi phạm theo đúng quy định.
3. Phối hợp giải quyết tranh chấp,
khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất,
chăn nuôi theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định khác
có liên quan.
4. Tăng cường công tác quản lý,
kiểm tra, giám sát hoạt động nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
Điều 11.
Công an tỉnh
1. Tổ chức thực hiện các biện
pháp nghiệp vụ, giám sát hoạt động xả thải của các cơ sở sản xuất, chăn nuôi; kịp
thời xử lý, ngăn chặn việc xả chất thải trực tiếp ra môi trường hoặc xả chất thải
không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện xử lý theo thẩm
quyền hoặc trình UBND tỉnh xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ
môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
2. Phối hợp các ngành có liên
quan trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi
trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
3. Thông báo cho đơn vị chức
năng cùng cấp thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường kết quả xử lý các vụ việc có
dấu hiệu tội phạm về môi trường và những vụ việc xử phạt vi phạm hành chính
theo thẩm quyền trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi.
Điều 12.
Các Sở, ban ngành có liên quan
Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ và quyền hạn, có trách nhiệm triển khai thực hiện và phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc triển
khai thực hiện quy định này.
Điều 13.
Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố
1. Tổ chức triển khai thực hiện
các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất,
chăn nuôi trên phạm vi địa phương mình quản lý.
2. Tuyên truyền, giáo dục pháp
luật về bảo vệ môi trường cũng như các quy định của pháp luật trong hoạt động sản
xuất, chăn nuôi.
3. Tổ chức đăng ký, xác nhận và
chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề
án bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp cùng các Sở, ban
ngành tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường trong
hoạt động sản xuất, chăn nuôi; công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vệ
sinh thú y và các nội dung khác có liên quan.
5. Thanh tra, kiểm tra việc chấp
hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất,
chăn nuôi và xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo
vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
6. Tiếp nhận, giải quyết tranh
chấp, khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật
về khiếu nại, tố cáo và các quy định khác có liên quan.
7. Phối hợp với UBND các huyện,
thị xã, thành phố có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện hoặc
giữa huyện với thị xã, thành phố.
8. Chỉ đạo công tác quản lý nhà
nước về bảo vệ môi trường của UBND cấp xã, phường, thị trấn.
Điều 14.
Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn
1. Tổ chức thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi và
các văn bản khác có liên quan trên địa bàn quản lý.
2. Tuyên truyền, giáo dục kiến
thức pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
3. Xây dựng chương trình, kế hoạch
và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất,
chăn nuôi; công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y và các nội
dung khác có liên quan; quản lý các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình, đảm bảo
công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn quản lý.
4. Tổ chức đăng ký, xác nhận đề
án bảo vệ môi trường đơn giản, Kế hoạch bảo vệ môi trường khi được UBND các huyện,
thị xã, thành phố ủy quyền theo quy định của pháp luật. Xác nhận bản khai báo về
hoạt động sản xuất, chăn nuôi của các hộ sản xuất, chăn nuôi theo đúng quy định.
5. Kiểm tra việc chấp hành pháp
luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân; xử lý hoặc báo cáo cấp có
thẩm quyền xử lý các vi phạm về môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn
nuôi ở địa phương; tiếp nhận và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về
bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15.
Trách nhiệm thi hành
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi
trường, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có hoạt
động sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có trách nhiệm thực hiện
đúng Quy định này.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có các vấn đề mới phát sinh, đề nghị kịp
thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem
xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.