UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2012/QĐ-UBND
|
Tuyên
Quang, ngày 02 tháng 5 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XÁC ĐỊNH TÀI SẢN VÀ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG
TÀI SẢN LÀ RỪNG TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP KHI THỰC HIỆN THU HỒI RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP
CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐỂ GIAO CHO CÁC HỘ TÁI ĐỊNH CƯ TỈNH TUYÊN QUANG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12
năm 2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát
triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số
23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển
rừng;
Căn cứ Nghị định số
197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ tái định cư
khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP
ngày 13/8/2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất,
thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
Căn cứ Nghị định số
84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ
tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu
nại về đất đai;
Căn cứ Thông tư số
14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi
tiết về bồi thường, hỗ trợ tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất,
cho thuê đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 399/TTr-SNN ngày 30/3/2012
về việc ban hành Quy định xác định tài sản và chính sách bồi thường tài sản là
rừng trên đất lâm nghiệp khi thực hiện thu hồi rừng và đất lâm nghiệp của các tổ
chức, cá nhân để giao đất, giao rừng cho các hộ tái định cư tỉnh Tuyên Quang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xác định tài sản
và chính sách bồi thường tài sản là rừng trên đất lâm nghiệp khi thực hiện thu
hồi rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân để giao cho các hộ tái định
cư tỉnh Tuyên Quang.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ
ngày ký.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Tài chính; Giám đốc ban Di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang; Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn
và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ; (báo cáo)
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội ĐP;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMT Tổ Quốc tỉnh và các đoàn thể tỉnh;
- Các Sở, ban ngành của tỉnh;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Như Điều 2;
- Các Phó CVP UBND tỉnh;
- Trưởng, Phó Trưởng phòng, KT, TH, QH;
- Chuyên viên NLN, TC, ĐC;
- Lưu VT.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Chẩu Văn Lâm
|
QUY ĐỊNH
VỀ XÁC ĐỊNH TÀI SẢN VÀ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG TÀI SẢN LÀ RỪNG
TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP KHI THỰC HIỆN THU HỒI RỪNG VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP CỦA CÁC TỔ CHỨC,
CÁ NHÂN ĐỂ GIAO CHO CÁC HỘ TÁI ĐỊNH CƯ TỈNH TUYÊN QUANG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 02/5/2012 của Uỷ ban
nhân dân tỉnh Tuyên Quang)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về xác
định tài sản và chính sách bồi thường tài sản là rừng trên đất lâm nghiệp khi
thực hiện thu hồi rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân để giao cho
các hộ tái định cư tỉnh Tuyên Quang.
2. Việc xác định tài sản là rừng
(sau đây gọi tắt là tài sản) và chính sách bồi thường các loại tài sản không nằm
trên đất lâm nghiệp hoặc trên đất lâm nghiệp nhưng không phải là rừng, không
thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình
đang quản lý, sử dụng rừng khi Nhà nước thu hồi rừng và đất lâm nghiệp để giao
đất, giao rừng cho các hộ tái định cư tỉnh Tuyên Quang.
2. Tổ chức, cá nhân, cơ quan có
liên quan đến việc xác định tài sản là rừng và thực hiện chính sách bồi thường
tài sản là rừng trên đất lâm nghiệp khi thực hiện thu hồi rừng và đất lâm nghiệp
để giao cho các hộ tái định cư tỉnh Tuyên Quang.
Điều 3.
Nguyên tắc xác định tài sản và chính sách bồi thường tài sản trên đất lâm nghiệp
1. Việc xác định tài sản và
chính sách bồi thường tài sản là rừng trên đất lâm nghiệp phải đảm bảo công
khai, minh bạch, đúng quy định, đúng chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước
và của tỉnh.
2. Việc thu hồi rừng và đất lâm
nghiệp phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật
về bảo vệ và phát triển rừng; khi Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần rừng
thì chủ rừng được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư, tài sản bị thu
hồi, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Bảo vệ và phát triển
rừng.
3. Chủ rừng tự đầu tư trồng xen
cây nông sản, cây dược liệu, cây ăn quả và các cây có lợi ích kinh tế khác dưới
tán rừng (không phải là cây cho lâm sản gỗ, tre, nứa) mà không ảnh hưởng đến
sinh trưởng của rừng thì chủ rừng được thu hoạch sản phẩm của cây trồng xen,
trước khi Nhà nước thu hồi rừng nếu cây trồng xen đã đến thời gian thu hoạch sản
phẩm, hoặc được tính bồi thường theo đơn giá hiện hành của tỉnh nếu cây trồng
xen chưa đến thời gian thu hoạch sản phẩm.
Chương II
XÁC ĐỊNH TÀI SẢN VÀ BỒI
THƯỜNG TÀI SẢN TRÊN ĐẤT LÂM NGHIỆP
Điều 4. Rừng
phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên
1. Xác định tài sản: Xác định đặc
điểm khu rừng theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25 tháng 4 năm
2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn trình tự, thủ tục
giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng
đồng dân cư thôn là căn cứ thực hiện bồi thường tài sản khi thu hồi rừng.
2. Về chính sách bồi thường tài
sản
a) Chủ rừng được bồi thường tiền
bảo vệ rừng theo mức quy định của Nhà nước về hỗ trợ bảo vệ rừng từ năm được
giao rừng đến thời điểm thu hồi rừng, đối với trường hợp sau đây:
- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân
được giao rừng và không xác định đặc điểm khu rừng tại thời điểm giao rừng.
- Chủ rừng là hộ gia đình, cá
nhân được giao đất để khoanh nuôi tái sinh thành rừng, tại thời điểm thu hồi rừng
chưa đạt tiêu chuẩn trữ lượng được khai thác theo quy định.
b) Chủ rừng được bồi thường giá
quyền sử dụng rừng (Giá quyền sử dụng rừng là giá trị cây đứng của 85% sản lượng
được phép khai thác theo qui định khi rừng đủ điều kiện được khai thác, trừ đi
số thuế phải nộp theo quy định) đối với trường hợp sau đây:
- Chủ rừng là hộ gia đình, cá
nhân được giao rừng và có xác định đặc điểm khu rừng tại thời điểm giao rừng.
- Chủ rừng là hộ gia đình, cá
nhân được giao đất để khoanh nuôi tái sinh thành rừng, tại thời điểm thu hồi rừng
đạt tiêu chuẩn trữ lượng được khai thác theo quy định.
Điều 5. Rừng
trồng phòng hộ được đầu tư bằng 100% nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
1. Xác định tài sản: Tiêu chí
xác định rừng theo Điều 3 Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm
2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tiêu chí xác định và
phân loại rừng (sau đây gọi tắt là tiêu chí thành rừng theo quy định).
2. Chính sách bồi thường: Không
bồi thường tài sản là rừng trồng được đầu tư bằng 100% vốn ngân sách Nhà nước;
giải quyết các quyền lợi, nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định của chính sách
Nhà nước đã đầu tư khu rừng.
Điều 6. Rừng
trồng phòng hộ và rừng trồng sản xuất được hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn ngân
sách Nhà nước
1. Rừng trong giai đoạn đầu tư
chăm sóc và đạt tiêu chí thành rừng theo quy định
a) Xác định tài sản: Xác định
tiêu chí thành rừng theo quy định.
b) Chính sách bồi thường: Chủ rừng
được bồi thường toàn bộ chi phí chủ rừng đã đầu tư. Chi phí chủ rừng đã đầu tư
được xác định bằng tổng mức đầu tư (tính theo định mức kinh tế kỹ thuật và đơn
giá từng thời điểm) trừ đi số kinh phí Nhà nước đã đầu tư theo dõi trên sổ kế
toán.
2. Rừng hết giai đoạn đầu tư
chăm sóc, chưa đến tuổi khai thác và đạt tiêu chí thành rừng theo quy định
a) Xác định tài sản: Kiểm kê,
xác định khối lượng, giá trị lâm sản theo giá bán cây đứng.
b) Chính sách bồi thường:
Nếu giá trị lâm sản cây đứng nhỏ
hơn hoặc bằng chi phí đầu tư của chủ rừng: Chủ rừng được bồi thường toàn bộ
kinh phí chủ rừng đã đầu tư của lô rừng thu hồi, chi phí này được tính theo Điểm
b Khoản 1 Điều này.
Nếu giá trị lâm sản cây đứng lớn
hơn chi phí đầu tư của chủ rừng: Chủ rừng được bồi thường giá trị bằng tiền
tương đương với giá trị lâm sản cây đứng của lô rừng thu hồi.
3. Tổ chức, hộ gia đình đầu tư
trồng rừng nhưng không đạt tiêu chí thành rừng
a) Xác định tài sản: Kiểm kê,
xác định đường kính và chiều cao cây rừng.
b) Chính sách bồi thường:
Chủ rừng được bồi thường thiệt hại
để giải phóng đất giao cho các hộ tái định cư để tổ chức quản lý sử dụng ổn định
vào mục đích phát triển lâm nghiệp.
Xác định kinh phí bồi thường thiệt
hại theo đơn giá bồi thường thiệt hại về tài sản (vật kiến trúc, cây trồng, vật
nuôi) gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc
phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế
theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã được Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành tại thời điểm, trừ đi các khoản chủ rừng phải trả cho ngân
sách Nhà nước theo quy định (nếu có).
Điều 7. Rừng
trồng phòng hộ và rừng trồng sản xuất được đầu tư bằng nguồn vốn tự có của chủ
rừng hoặc vốn vay
1. Rừng trong giai đoạn đầu tư
chăm sóc và đạt tiêu chí thành rừng theo quy định
a) Xác định tài sản: Xác định
tiêu chí thành rừng theo quy định.
b) Chính sách bồi thường: Chủ rừng
được bồi thường toàn bộ chi phí chủ rừng đã đầu tư. Chi phí chủ rừng đã đầu tư
được xác định bằng tổng mức đầu tư (tính theo định mức kinh tế kỹ thuật và đơn
giá từng thời điểm) và lãi suất vốn vay theo khế ước vay vốn.
2. Rừng hết giai đoạn đầu tư
chăm sóc, chưa đến tuổi khai thác và rừng đạt tiêu chí thành rừng theo quy định
a) Xác định tài sản: Kiểm kê,
xác định khối lượng, giá trị lâm sản theo giá bán cây đứng.
b) Chính sách bồi thường:
Nếu giá trị lâm sản cây đứng nhỏ
hơn hoặc bằng chi phí đầu tư của chủ rừng: Chủ rừng được bồi thường toàn bộ
kinh phí chủ rừng đã đầu tư của lô rừng thu hồi, chi phí này được tính theo Điểm
b Khoản 1 Điều này.
Nếu giá trị lâm sản cây đứng lớn
hơn chi phí đầu tư của chủ rừng: Chủ rừng được bồi thường giá trị bằng tiền
tương đương với giá trị lâm sản cây đứng của lô rừng thu hồi.
3. Tổ chức, hộ gia đình đầu tư
trồng rừng nhưng không đạt tiêu chí thành rừng
a) Xác định tài sản: Kiểm kê,
xác định khối lượng lâm sản khai thác.
b) Chính sách bồi thường: Thực
hiện theo Điểm b Khoản 3 Điều 6 Quy định này.
Điều 8. Rừng
trồng phòng hộ được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước nay chuyển sang rừng sản
xuất
Xác định tài sản và chính sách bồi
thường tài sản rừng trồng phòng hộ được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước nay
chuyển sang rừng sản xuất được thực hiện theo đề án giao rừng của tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tuyên
truyền, phổ biến rộng rãi Quy định này đến toàn thể nhân dân nơi thực hiện
phương án thu hồi giao đất; lập, thẩm định phương án bồi thường tài sản là rừng
trên đất lâm nghiệp theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và quy định tại
Quy định này; chỉ đạo, giám sát thực hiện việc xác định tài sản, bồi thường tài
sản trên đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 10.
Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn hướng dẫn thực hiện xác định tài sản và chính sách bồi thường
tài sản là rừng trên đất lâm nghiệp theo Quy định này; các sở: Tài nguyên và
Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư
theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm kiểm tra các cơ quan, đơn vị, tổ chức,
cá nhân có liên quan trong việc thực hiện Quy định này.
Điều 11.
Việc thực hiện xác định tài sản và chính sách bồi
thường tài sản là rừng trên đất lâm nghiệp phải bảo đảm khách quan và đúng quy
định. Tổ chức, cá nhân làm trái các nội dung trong Quy định này thì tuỳ theo
tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình
sự theo quy định của pháp luật.
Điều 12.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cấp,
các ngành, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem
xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.