HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 33/2010/NQ-HĐND
|
Ha Long, ngày 10 tháng 12 năm 2010
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHỮNG CHỦ TRƯƠNG, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG
TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH QUẢNG NINH TRONG GIAI ĐOẠN 2011 -2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XI -KỲ HỌP THỨ 22
Căn cứ Luật Tổ
chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị “Về bảo vệ môi
trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII; Chỉ thị số
30-CT/TU ngày 07/9/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về tăng cường lãnh đạo, chỉ
đạo công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh”;
Xét Tờ trình số 4568/TTr-UBND ngày 29/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo
thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí thông qua những
chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường tỉnh Quảng
Ninh trong giai đoạn 2011-2015 với những nội dung chủ yếu sau:
I. Đánh giá hiện trạng và công tác quản lý, bảo vệ
môi trường ở tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2003-2010
Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 117/2003/NQ-HĐND ngày 29/7/2003 “Về một
số chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường tỉnh Quảng
Ninh đến năm 2010” của Hội đồng nhân dân tỉnh, công tác quản lý bảo vệ môi trường
trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả rất
quan trọng; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển
khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, từ đó nhận thức về công tác bảo vệ môi
trường của các cấp, các ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp
được nâng lên. Nhiều quy hoạch, kế hoạch và đề án về bảo vệ môi trường được xây
dựng và triển khai; ô nhiễm không khí, nguồn nước và chất thải được hạn chế;
công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long được chú trọng; ô nhiễm môi trường
trong hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ than được quan tâm xử
lý, khắc phục và có kết quả rõ rệt. Đến nay, chất lượng môi trường nhìn chung
được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiềm chế và giảm
thiểu những vấn đề bức xúc.
Tuy nhiên, do việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, quá trình đô thị
hoá với tốc độ nhanh và sự phát triển kinh tế xã hội với qui mô ngày càng lớn;
nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở một số địa phương,
doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ, chưa đề cao ý thức bảo vệ môi
trường; đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã còn thiếu
về số lượng, có mặt hạn chế về năng lực và nghiệp vụ; các nguồn lực đầu tư còn
hạn chế chưa đáp ứng đủ cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới; việc
quản lý và xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại còn bất cập; các
công trình xử lý rác thải, nước thải đô thị và nông thôn, bãi rác hợp vệ sinh
chưa được đầu tư đúng mức; tình trạng ngập úng cục bộ ở một số đô thị do hệ thống
công trình tiêu thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, chưa tương xứng với tình
hình phát triển Kinh tế - Xã hội ... là những vấn đề cần tiếp tục được quan
tâm, tập trung giải quyết trong những năm tiếp theo.
II. Mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu bảo
vệ môi trường giai đoạn 2011-2015
1. Mục tiêu tổng quát:
- Tiếp tục tập trung các nguồn lực để đầu tư cho công tác bảo vệ môi
trường; gắn kết hài hòa việc phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững
tỉnh Quảng Ninh.
- Từng bước hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm tạo chuyển biến rõ nét về
khắc phục tình trạng suy thoái môi trường; cải thiện và nâng cao chất lượng môi
trường.
- Bảo vệ, khai thác và sử dụng tiết kiệm, hợp lý các nguồn tài nguyên
thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức cao, bảo tồn thiên nhiên và giữ
gìn đa dạng sinh học.
- Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai,
sự biến đổi khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu và khắc phục có hiệu quả
sự cố ô nhiễm môi trường do thiên tai gây ra.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 53,5%; bảo vệ chặt chẽ và phát triển rừng
ngập mặn.
- Đảm bảo môi trường không khí (nồng độ bụi, khí thải) ở các khu vực
dân cư trong giới hạn quy định.
- Tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh là trên 95%.
- Phấn đấu đến năm 2013 có 100% xã có nghĩa trang được xây dựng theo
quy hoạch; 100% xã đồng bằng có bộ phận dịch vụ thu gom, xử lý rác thải; 100%
trung tâm xã và cụm dân cư có hệ thống thoát nước thải.
- Thu gom tối thiểu 90% chất thải rắn ở đô thị; xử lý 100% chất thải y
tế; 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 100% các khu
công nghiệp và các mỏ than, nhà máy, bệnh viện và các trung tâm du lịch có hệ
thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường.
- 30% hộ gia đình, 70% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại
nguồn, 80% khu vực công cộng có thùng gom rác thải.
- Quy hoạch, xây dựng các nhà vệ sinh công cộng tại các khu đô thị và
du lịch.
- 100% các cơ sở khai thác khoáng sản hoàn thành việc lập dự án cải tạo
phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và ký quỹ cải tạo phục
hồi môi trường.
- Tiếp tục duy trì, đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn và các cơ sở
sản xuất kinh doanh có cán bộ quản lý môi trường.
III. Nhiệm vụ trọng tâm
1. Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường
- Thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên
cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm toàn tỉnh đến năm 2015 nhằm ngăn chặn,
xử lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Áp dụng công
nghệ sạch và thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, từng bước
đưa các tiêu chí môi trường vào trong chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
- Quan tâm đầu tư xây dựng các công trình xử lý nước thải tập trung;
thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, chất thải nguy
hại, nhà máy xử lý rác; khẩn trương quy hoạch, xây dựng và quản lý nhà tang lễ,
nghĩa trang theo hướng văn minh, hiện đại tại các địa phương.
- Chú trọng cải thiện môi trường khu vực ven biển, bảo vệ môi trường vịnh
Hạ Long và vịnh Bái Tử Long; thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp thu gom, phân
loại, xử lý chất thải trên biển theo đúng quy định; đẩy mạnh việc thay thế các
bệ nổi làm phao xốp bằng các bệ nổi làm bằng vật liệu khác phù hợp, bền vững và
không gây ô nhiễm môi trường nước.
- Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải, tập trung
vào hoạt động phân loại rác thải tại nguồn; thiết lập các tuyến thu gom rác thải
sinh hoạt và tăng cường quản lý vệ sinh môi trường nông thôn; phòng chống, giảm
nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; củng cố, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hệ
thống ngăn lũ, thoát lũ và rừng phòng hộ ven biển, chủ động triển khai một bước
các công trình giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu toàn cầu; ngăn chặn và
khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng; từng bước nâng
cao chất lượng môi trường nông thôn.
- Đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải công nghiệp tập trung theo quy hoạch;
tăng cường thu gom, quản lý và xử lý chất thải nguy hại đảm bảo quy định của
pháp luật.
2. Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng:
- Tập trung hoàn nguyên môi trường các bãi đổ thải; xử lý tình trạng bồi
lắng sông Cửa Lục, các sông, suối khác và xử lý chất lượng nước trong các hồ chứa
nước bị ô nhiễm; xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các khu công nghiệp,
các nhà máy và khu khai thác, chế biến khoáng sản; di chuyển Nhà máy sàng tuyển
than Nam Cầu Trắng ra khỏi trung tâm đô thị thành phố Hạ Long xong trước năm
2015. Thực hiện lộ trình giảm dần sản lượng than khai thác lộ thiên và tăng sản
lượng khai thác hầm lò; chấm dứt vận chuyển than qua các khu dân cư tập trung;
đảm bảo công tác phục hồi môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản theo
đúng dự án cải tạo phục hồi môi trường đã cam kết.
- Chấm dứt mọi hoạt động khai thác khoáng sản trong vùng cấm, vùng hạn
chế các hoạt động khoáng sản; chấm dứt việc xả nước thải từ hoạt động khai thác
than, khoáng sản khác không đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường ra môi trường; chấm
dứt hoạt động của các cảng, bến bãi chế biến và xuất than nhỏ lẻ dọc ven bờ biển
và các sông không theo quy hoạch.
- Xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tại các đô thị; chấm dứt xả
nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường xuống sông, suối,
ven bờ vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
- Triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi rác thải
sinh hoạt ở các địa phương; đầu tư xây dựng, cải tạo các bãi rác thải sinh hoạt
đảm bảo phù hợp với quy hoạch và hợp vệ sinh môi trường; khuyến khích đầu tư
khu xử lý chất thải rắn liên đô thị, liên vùng.
3. Bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên:
- Quy hoạch hoạt động khoáng sản phù hợp để vừa sử dụng tiết kiệm tài
nguyên vừa góp phần tham gia bảo vệ môi trường. Đối với hoạt động khai thác
than, hoàn thành và thực hiện quy hoạch: hệ thống cụm cảng than, khu vực chế biến
than, khu vực đổ thải và chú trọng việc cải tạo phục hồi môi trường.
- Chú trọng điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản, đổi mới dây chuyền
công nghệ tăng công suất khai thác; bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên,
di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, công trình kinh tế quốc phòng và
các tài nguyên khác; định kỳ đánh giá hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên
khoáng sản làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Quy hoạch sử dụng đất cần gắn với quy hoạch xây dựng và bảo vệ môi
trường trên cơ sở khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài
nguyên đất. Khai thác hợp lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước để phục vụ
chiến lược phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh. Triển khai xây dựng các hồ chứa
nước trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
- Thực hiện kiểm kê phát thải khí thải từ hoạt động sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải để có kế hoạch quản lý; khuyến khích
các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà
kính.
4. Bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm:
- Bảo vệ và cải thiện môi trường các đô thị, dịch vụ du lịch:
Đẩy nhanh triển khai đồng bộ các quy hoạch cấp nước, thoát nước thải và
xử lý chất thải rắn tại các đô thị trọng điểm. Gắn công tác quản lý chất thải
vào các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch chợ, các khu du lịch, khu chăn
nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung,..; đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ
thuật tại các khu dân cư tập trung như hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước
thải, rác thải; có qui định đối với các điểm rửa xe phải có hệ thống xử lý nước
thải đảm bảo đúng tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; lắp đặt, bố trí đủ
và hợp lý các công trình vệ sinh công cộng, thiết bị thu gom chất thải rắn sinh
hoạt đã được phân loại từ nguồn phát sinh chất thải.
Khẩn trương quy hoạch, xây dựng và quản lý các nghĩa trang nhân dân vừa
quan tâm đến các yếu tố tập quán địa phương đồng thời đáp ứng yêu cầu trật tự
văn minh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Xem xét di dời các khu vực chôn lấp chất
thải sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh môi trường về vị trí mới theo quy hoạch;
di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu vực đông dân
cư; đầu tư nâng cao năng lực thu gom rác và xử lý rác thải.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị đảm
bảo các yếu tố cảnh quan, bảo vệ môi trường; quan tâm quy hoạch hệ thống cây
xanh và công viên, khu vui chơi, giải trí tại các trung tâm đô thị, tăng lượng
cây xanh dọc các tuyến phố và các công viên hình thành thảm cây xanh trong đô
thị và vành đai xanh xung quanh đô thị.
Tiếp tục quan tâm đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước để khắc phục tình
trạng ngập úng trong các khu dân cư, hiện tượng bồi lắng kênh, mương, sông suối
trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
- Bảo vệ và cải thiện môi trường các khu công nghiệp:
Quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, cụm công
nghiệp ngay từ trong công tác quy hoạch và triển khai xây dựng hạ tầng; các khu
công nghiệp đưa vào hoạt động yêu cầu phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải
tập trung, có phương án thu gom xử lý chất thải rắn công nghiệp.
Rà soát các quy hoạch khu công nghiệp để đảm bảo có khoảng cách an toàn
về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên; quy hoạch sử dụng đất,
khai thác khoáng sản có vùng cách ly an toàn với các khu dân cư, các sông, suối
hồ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp.
Khẩn trương xây dựng khu xử lý chất thải rắn công nghiệp để thu gom và
xử lý tập trung chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
- Biển, ven biển và hải đảo:
Chú trọng công tác điều tra, đánh giá về trữ lượng, khả năng tái sinh
và giá trị kinh tế phục vụ việc quản lý và bảo vệ môi trường biển; phân vùng chức
năng bảo vệ và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; quy hoạch và phát triển các khu
bảo tồn biển. Chủ động phòng ngừa và hạn chế chất thải từ các hoạt động trên biển;
tăng cường phối hợp ứng phó sự cố môi trường biển.
Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, khai thác nguồn lợi, tài nguyên biển và
hoạt động khác liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải được thực
hiện theo quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên đã được phê duyệt.
- Các lưu vực sông và vùng đất ngập nước.
Chấm dứt tình trạng xây dựng khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung trên bãi
bồi vùng cửa sông ven biển, phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản. Tăng cường
phát triển và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, các lưu vực hồ chứa nước và
ven sông suối.
Điều tra, thống kê, đánh giá các nguồn thải theo lưu vực sông; chất thải
phải được kiểm soát và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào
sông.
- Khu vực nông thôn, miền núi:
Tiếp tục đầu tư cấp nước sạch nhằm giải quyết cơ bản nước sinh hoạt cho
nhân dân ở các vùng nông thôn, miền núi; bảo vệ chất lượng nguồn nước, đặc biệt
chú ý khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm
nguồn nước ngầm; quan tâm quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng thoát nước thải.
- Lồng ghép các chương trình, đề án bảo vệ môi trường nông thôn vào
chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh. Giảm dần việc sử dụng thuốc
trừ sâu và các loại hoá chất độc hại trong sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học
công nghệ để sản xuất sản phẩm sạch.
5. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:
- Bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc
gia, tập trung điều tra giá trị đa dạng sinh học biển, nghiên cứu bảo tồn loài
thuỷ sản quí hiếm như bào ngư, hải sâm...; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước
và hệ động thực vật ở dưới nước; ngăn chặn tình trạng khai thác, săn bắt, kinh
doanh các loài động thực vật hoang dã, khai thác san hô, thủy sản bằng phương
pháp hủy diệt; quản lý chặt chẽ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường tại các khu
bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ thượng, Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ
Long, Vườn Quốc gia Bái Tử Long, Di tích danh thắng Yên Tử...; có biện pháp mạnh
để ngăn chặn, chấm dứt việc đổ thải các chất gây ô nhiễm môi trường làm tác động
suy thoái đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển các
mô hình kinh tế gắn kết được giữa hoạt động bảo tồn thiên nhiên với xoá đói giảm
nghèo; triển khai các quy hoạch bảo tồn biển đảo Cô Tô, Tiên Yên – Hải Hà ...
- Đẩy mạnh các dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; tiếp
tục triển khai Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tỉnh Quảng Ninh đến
năm 2015: tập trung ưu tiên các dự án trồng rừng, bảo tồn và phát triển rừng ngập
mặn ở các khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, vịnh Bái Tử Long, ... và vùng ven
biển: Yên Hưng, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái ...
IV. Các giải pháp chủ yếu
1. Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nâng cao ý thức và
trách nhiệm bảo vệ môi trường:
- Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức và
hành động trong thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các dự
án đầu tư bảo vệ môi trường. Đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, phổ biến chính
sách, chủ trương, pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong thanh
niên, thiếu niên; đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình các cấp học
phổ thông.
- Xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực về môi trường để đánh giá mức độ bảo
vệ môi trường của từng xí nghiệp, cơ quan, gia đình, làng bản, khu phố; đẩy mạnh
tuyên truyền và xây dựng nếp sống văn hoá ở nông thôn; phát động và
duy trì thường xuyên phong trào thi đua bảo vệ môi trường.
- Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền
về bảo vệ môi trường; tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các cơ quan thông
tin đại chúng đối với bảo vệ môi trường; xây dựng và phát triển lực lượng tình
nguyện viên bảo vệ môi trường.
- Tiếp tục kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy, bảo đảm thực
hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã. Xác định rõ
trách nhiệm, nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các cấp, các ngành.
- Quan tâm đào tạo các cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường đáp ứng được
yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại
hoá.
2. Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư:
- Xây dựng kế hoạch tổng thể về đầu tư các công trình bảo vệ môi trường
trên địa bàn tỉnh để từng bước khắc phục các suy thoái, cải tạo phục hồi môi
trường chung của tỉnh. Khẩn trương hoàn thành các quy hoạch chung hạ tầng kỹ
thuật đô thị và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch, trước mắt tập trung
đầu tư các khu xử lý rác thải, hệ thống thu gom xử lý nước thải ở đô thị trọng
điểm và khu công nghiệp.
- Có kế hoạch và chương trình thu hút sự hợp tác quốc tế trong việc bảo
vệ môi trường; tăng tỉ lệ đầu tư cho môi trường trong nguồn vốn hỗ trợ phát triển
chính thức (ODA). Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu về khắc
phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự báo kịp
thời các diễn biến của biến đổi khí hậu, lồng ghép các biện pháp ứng phó trong
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển theo hướng thích ứng với biến
đổi khí hậu.
- Đầu tư xây dựng một số trạm quan trắc môi trường tự động tại một số địa
phương như Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn, nhằm cung cấp thông
tin thường xuyên về hiện trạng chất lượng môi trường để có chính sách quản lý
phù hợp; đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật tiên tiến vào
quản lý bảo vệ môi trường.
3. Giải pháp về chính sách, tài chính:
- Tăng đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn chi thường xuyên
từ ngân sách cho sự nghiệp môi trường đảm bảo mức chi không dưới 1% tổng chi
ngân sách và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.
- Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế trong
nước và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường; có cơ chế khuyến
khích áp dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường; đẩy nhanh công tác
điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo về tài nguyên, môi trường; nghiên cứu, ứng dụng
và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường. Hình
thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường.
- Có chính sách hỗ trợ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng buộc phải di dời theo quyết định xử lý của cơ quan quản
lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch phát
triển ngành, đến vị trí xa dân cư, phù hợp với sức chịu tải của môi trường;
chính sách hỗ trợ nhân dân trong những khu vực bị sự cố môi trường để có điều
kiện cải thiện vệ sinh môi trường. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển,
tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia
của mọi thành phần kinh tế.
- Quan tâm hợp tác chặt chẽ với các tỉnh lân cận và các nước trong khu
vực để giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên quốc gia. Tham gia tích
cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực vì môi trường; thực hiện đầy đủ các
cam kết quốc tế, chương trình, dự án song phương và đa phương về bảo vệ môi trường
phù hợp với lợi ích quốc gia. Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật
từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và
hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; triển khai có hiệu quả
công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác môi trường; tiếp tục ban
hành các quy định và cơ chế chính sách về quản lý bảo vệ môi trường; củng cố và
nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý môi trường các cấp; tăng cường công tác
thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ quan quản
lý nhà nước chuyên ngành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ
môi trường.
- Thường trực, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát
việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khoá XI, kỳ họp
thứ 22 thông qua ngày 10/12/2010 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông
qua./.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hồng Quân
|