HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/2020/NQ-HĐND
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 7
năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH
QUY ĐỊNH KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DỜI CƠ SỞ CHĂN NUÔI RA KHỎI KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC
PHÉP CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 15
(Từ
ngày 06/7/2020 đến ngày 07/7/2020)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
ngày 25/6/2015;
Căn cứ Luật Thủ đô ngày
21/11/2012;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày
19/11/2018;
Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ Hướng dẫn chi tiết luật Chăn nuôi;
Căn cứ Thông tư số
23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số điều của
Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi;
Xét Tờ trình số 117/TTr-UBND ngày 01/7/2020 của UBND Thành phố về việc để nghị ban hành Nghị quyết
quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
trên địa bàn thành phố Hà Nội; Báo cáo thẩm tra số
29/BC-HĐND ngày 01/7/2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố; Báo cáo giải trình số 179/BC-UBND ngày
05/7/2020 của UBND Thành phố; Ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của đại biểu Hội đồng nhân dân
Thành phố.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội:
1. Khu vực không được phép chăn
nuôi
Khu vực không được phép chăn nuôi gia
súc, gia cầm (trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật thí nghiệm mà không gây
ô nhiễm môi trường), gồm:
a) Các phường của các quận thuộc
Thành phố.
b) 04 phường thuộc thị xã Sơn Tây, gồm:
Sơn Lộc, Quang Trung, Ngô Quyền và Lê Lợi.
c) Các thị trấn của 05 huyện: Thị trấn
Phùng, huyện Đan Phượng; thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức; thị trấn Đông Anh,
huyện Đông Anh; thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên,
huyện Gia Lâm; thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì.
d) Các khu chung cư, tập thể cũ, khu
đô thị nằm trên địa bàn các huyện, thị xã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt khu đô thị được quy định tại Điều 9 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị).
2. Chăn nuôi tại các địa bàn khác
không thuộc khu vực không được phép chăn nuôi phải đảm bảo tuân thủ quy định tại
Thông tư 23/2019/TT-BNN&PTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và các quy định pháp luật liên quan.
Điều 2. Các chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
1. Phạm vi điều chỉnh: Chính sách này áp dụng đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tại
các khu vực được quy định tại Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết
này.
2. Đối tượng thụ hưởng:
a) Các cơ sở chăn nuôi nằm trong khu
vực được quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết này, thực hiện di dời
(hoặc dừng chăn nuôi) đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi.
b) Các cơ sở chăn nuôi thực hiện di dời
(hoặc dừng chăn nuôi) đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi đáp ứng một
trong các điều kiện sau đây:
- Đối với chăn nuôi trâu bò và vật
nuôi khác có thường xuyên từ 01 trâu, bò hoặc từ 20 con dê trở lên.
- Đối với chăn nuôi lợn có thường
xuyên từ 02 con lợn nái hoặc dưới 5 con lợn thịt hoặc từ 1 con lợn nái và 3 con
lợn thịt trở lên.
- Đối với chăn nuôi gia cầm có thường
xuyên từ 200 con gia cầm thương phẩm hoặc từ 100 con gia cầm sinh sản trở lên.
3. Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề
a) Đối tượng, điều kiện áp dụng: Chủ cơ sở, người lao
động làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều
2 Nghị quyết này khi dừng chăn nuôi có nhu cầu đào tạo, chuyển đổi nghề.
b) Nội dung và mức hỗ trợ:
Hỗ trợ đào tạo
nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng theo quy định của Luật Giáo dục
nghề nghiệp: Được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số
1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của
Thủ tướng Chính phủ, gồm:
- Hỗ trợ chi phí học nghề, mức tối
đa: 3.000.000 đồng/người/khóa học.
- Mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày
thực học.
- Mức hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé
giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với
người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
c) Phương thức hỗ trợ:
Người lao động có nhu cầu học nghề
trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng, đăng ký với cơ sở giáo dục nghề nghiệp
đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc Phòng
Lao động Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi có hộ khẩu thường trú để đăng ký học
nghề.
Chính sách hỗ trợ học phí học nghề, hỗ
trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền đi lai cho người lao động quy định tại điểm b, Khoản 3
Điều này được thực hiện thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tổ chức
đào tạo theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 8 Quyết định
số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ (không trả trực tiếp cho người lao động).
4. Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi đến
vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi
a) Đối
tượng áp dụng: Chủ cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 2
Điều 2 Nghị quyết này thực hiện di dời đến vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi
đã được Thành phố phê duyệt.
b) Nội dung và mức hỗ trợ: Được áp dụng theo quy định tại Điểm b, Khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số
10/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND
thành phố Hà Nội.
c) Phương thức hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Điểm c, Khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số
10/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của HĐND thành phố Hà Nội.
5. Ngoài
các nội dung chính sách nêu trên, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng
các chính sách khác của Trung ương và Thành phố theo quy định nhưng không trùng
lắp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp trong cùng thời điểm và cùng một nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách chỉ được lựa chọn một mức hỗ trợ cao nhất
và có lợi nhất.
6. Các
chính sách hỗ trợ tại Khoản 3 và Khoản 4 điều này được áp dụng một lần cho các đối tượng
đủ điều kiện thụ hưởng trong thời gian từ 01/01/2021 đến
ngày 31/12/2023.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Giao Ủy ban nhân dân Thành phố tổ
chức triển khai thực hiện Nghị quyết; tổ chức kiểm tra, thanh tra và kịp thời xử lý các vi
phạm trong việc thực hiện chính sách; chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và
các phường, thị trấn: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức,
cá nhân sớm chấm dứt và không để phát sinh thêm hoạt động chăn nuôi tại các khu
vực cấm chăn nuôi của Thành phố (đặc biệt đối với 05 huyện đang phát triển
thành quận); Thông báo công khai, rộng rãi nội dung chính sách hỗ trợ, hướng dẫn
cụ thể về trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; Tuyên truyền,
xử lý các cơ sở nuôi động vật cảnh trong khu vực không được phép chăn nuôi
không thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo vệ sinh môi trường; Rà soát, xác định
rõ và công khai các khu vực, địa điểm đi dời để đảm bảo thuận tiện cho đối tượng
lựa chọn khi di dời; thực hiện phương thức hỗ trợ gắn với cải cách thủ tục hành
chính.
2. Giao Thường trực HĐND Thành phố,
các Ban của HĐND Thành phố, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND Thành phố giám sát
quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt
Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội phối
hợp tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
4. Trường hợp các văn bản quy phạm
pháp luật làm căn cứ, được dẫn chiếu tại Nghị quyết này có sửa đổi, bổ sung hoặc
thay thế thì áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ
sung hoặc thay thế.
Nghị quyết đã được HĐND thành phố Hà
Nội Khóa XV, kỳ họp thứ 15 thông qua 07/7/2020 và có hiệu lực từ ngày
01/8/2020./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu UBTVQH;
- VP Quốc hội; VP Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, TC, TP;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND;
- UBND, UBMTTQ TP;
- Đoàn ĐBQH TP Hà Nội;
- Đại biểu HĐND TP;
- Các Ban Đảng TU, các Ban HĐNDTP;
- Văn phòng: Thành ủy, HĐND, UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- TT HĐND, UBND quận, huyện, thị xã;
- Công báo TP; Cổng GTĐT TP;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Nguyễn Thị Bích Ngọc
|