HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
*******
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
SỐ 11-HĐBT
|
Hà Nội, ngày 6
tháng 02 năm 1988
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 11-HĐBT NGÀY 6-2-1988 BAN HÀNH ĐIỀU
LỆ KIỂM SOÁT SÁT SINH GIA SÚC, GIA CẦM
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm ngăn ngừa dịch bệnh gia súc, gia cầm
lây sang người và phòng ngừa, ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Điều lệ kiểm soát sát sinh gia súc, gia
cầm.
Điều
2. Nghị định này thi hành kể từ ngày ký. Những quy định trước trái với Nghị
định này đều bị bãi bỏ.
Điều
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chịu trách nhiệm hướng
dẫn và kiểm tra việc thi hành Điều lệ kiểm soát sát sinh gia súc, gia cầm.
Điều
4. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác
thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu
trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
ĐIỀU LỆ
KIỂM SOÁT SÁT SINH GIA SÚC, GIA CẦM
(Ban hành kèm theo Nghị định số 11-HĐBT ngày 6-2-1988 của Hội đồng Bộ trưởng)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Điều lệ này quy định những nguyên tắc, thủ tục và các biện pháp về kiểm
soát sát sinh gia súc, gia cầm, nhằm:
1. Bảo vệ sức khoẻ cho người khi
sử dụng các thực phẩm chế biến từ nguồn gốc gia súc, gia cầm.
2. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn
dịch bệnh gia súc, gia cầm lây lan qua khâu giết mổ.
3. Ngăn ngừa nạn lạm sát gia
súc, bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn gia súc được phép giết mổ.
Điều
2. Đối tượng kiểm soát sát sinh bao gồm:
a) Các loại gia súc như trâu,
bò, lợn, ngựa, dê... Riêng đối với gia cầm thì việc kiểm soát sát sinh chỉ tiến
hành khi tập trung giết mổ với số lượng lớn để chế biến, xuất khẩu v.v...(dưới
đây gọi chung là gia súc, gia cầm).
b) Các lò sát sinh, dụng cụ và
các phương tiện dùng vào việc giết mổ và chứa đựng, vận chuyển thịt và phủ tạng
gia súc, gia cầm.
c) Các cơ sở chế biến và bảo đảm
sản phẩm từ nguồn gốc gia súc, gia cầm.
Điều
3. Các tổ chức, cá nhân khi giết mổ gia súc phải tiến hành tại lò sát sinh.
Trường hợp ở cách xa lò sát sinh từ 3 ki-lô-mét trở lên thì được mổ ở ngoài lò
sát sinh nhưng phải báo Uỷ ban nhân dân xã, phường sở tại để cử cán bộ thú y cơ
sở đến kiểm soát sát sinh. Việc giết mổ gia cầm với số lượng lớn để chế biến,
xuất khẩu phải tiến hành tại lò sát sinh.
Điều
4. Gia súc gia cầm giết một phải được cán bộ thú y kiểm soát trước và sau
khi giết mổ. Thịt của gia súc, gia cầm sau khi đã kiểm soát phải đóng dấu kiểm
soát sát sinh. Mẫu dấu và vị trí đóng dấu trên thân thịt của gia súc, gia cầm
do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quy định.
Điều
5. Cán bộ thú y làm nhiệm vụ kiểm soát sát sinh ở các lò sát sinh phải là
bác sĩ thú y hoặc trung cấp thú y do thủ trưởng cơ quan thú y cấp trên quyết định.
Cán bộ công tác ở lò sát sinh,
cán bộ thú y và công nhân trực tiếp giết mổ, chế biến, bảo quản thịt phải là những
người không mắc bệnh truyền nhiễm và phải định kỳ kiểm tra sức khoẻ theo quy định
của Bộ Y tế. Trong thời gian làm việc phải có trang bị phòng hộ lao động và được
hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại theo quy chế của Nhà nước.
Điều
6. Cơ quan phụ trách lò sát sinh, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm từ nguồn
gốc gia súc, gia cầm phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về vệ sinh thú y
nói trong Điều lệ này và chịu sự giám sát của cơ quan thú y nói trong Điều lệ
này và chịu sự giám sát của cơ quan thú y cùng cấp.
Điều
7. Gia súc, gia cầm trước và sau khi giết mổ, nếu phát hiện nhiễm các bệnh
truyền nhiễm, ký sinh trùng và các bệnh khác đều phải xử lý theo quy định của Bộ
Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.
Điều
8. Sau khi kiểm soát sát sinh, người chủ gia súc, gia cầm phải nộp tiền lệ
phí kiểm soát sát sinh bằng 0,5% giá trị của con vật giết mổ tính theo giá kinh
doanh thương nghiệp của địa phương.
Chương
2:
QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH THÚ
Y ĐỐI VỚI LÒ SÁT SINH
Điều
9. Việc chọn địa điểm xây dựng và trang bị lò sát sinh phải đạt được các
nguyên tắc sau đây:
1. Bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân
xung quanh khu vực lò sát sinh;
2. Bảo đảm chất lượng sản phẩm
sau khi giết mổ;
3. Không để dịch bệnh gia súc từ
lò sát sinh lây lan ra ngoài.
Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực
phẩm và Bộ Y tế quy định cụ thể những điều kiện về vệ sinh trong việc chọn địa
điểm và xây dựng lò sát sinh.
Điều
10. Các lò sát sinh tỉnh, thành phố, huyện, quận, thị xã do cơ quan kinh
doanh thực phẩm xây dựng và quản lý. Các lò sát sinh, các xí nghiệp chế biến, bảo
quản sản phẩm từ nguồn gốc gia súc, gia cầm xuất khẩu do cơ quan kinh doanh xuất
khẩu các mặt hàng đó xây dựng và trực tiếp quản lý.
Các lò mổ ở xã do Uỷ ban nhân
dân xã xây dựng và quản lý.
Cơ quan thú y các cấp có nhiệm vụ
hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh thú y trong
việc xây dựng lò sát sinh, quy trình giết mổ và các khâu trong dây chuyền chế
biến.
Chương
3:
QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH THÚ
Y ĐỐI VỚI GIA SÚC, GIA CẦM GIẾT MỔ
Điều
11. Gia súc, gia cầm giết mổ phải không bị dịch bệnh hoặc nghi nhiễm dịch bệnh.
Trâu, bò giết mổ phải bảo đảm các tiêu chuẩn giết mổ đã quy định trong Nghị quyết
số 357-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 3-10-1979 về chính sách khuyến khích phát
triển chăn nuôi trâu, bò.
Để bảo đảm phẩm chất thực phẩm,
những gia súc, gia cầm vận chuyển từ những nơi cách xa từ 50 kilômét trở lên
thì phải đưa đến lò sát sinh ít nhất 12 giờ trước lúc giết mổ và phải có giấy
chứng nhận kiểm dịch động vật (do bác sĩ thú y kiểm dịch động vật cấp) hoặc giấy
chứng nhận vệ sinh thú y (do cán bộ thú y cơ sở cấp).
Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực
phẩm quy định cụ thể những bệnh và những trường hợp không được phép giết mổ gia
súc, gia cầm.
Điều
12. Gia súc, gia cầm sau khi giết mổ phải được cán bộ thú y kiểm tra ngay
theo đúng quy trình kỹ thuật của Cục thú y quy định.
Khi phát hiện gia súc, gia cầm
đưa đến lò sát sinh bị nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch bệnh thì cán bộ thú y làm
công tác kiểm soát sát sinh phải báo cáo ngay cho cơ quan thú y cấp trên và
thông báo cho địa phương, cơ sở có gia súc, gia cầm xuất phát biết, đồng thời
áp dụng các biện pháp tích cực và chủ động nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh
lây lan.
Người chủ có gia súc, gia cầm bị
nhiễm hoặc nghi nhiễm dịch bệnh phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh thú
y theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm.
Chương 4:
QUY ĐỊNH VỀ VỆ SINH THÚ
Y ĐỐI VỚI VIỆC GIẾT MỔ, LƯU CHUYỂN, BẢO QUẢN THỊT VÀ PHỦ TẠNG GIA SÚC, GIA CẦM
Điều
13. Các phương tiện và dụng cụ dùng để giết mổ, lưu chuyển thịt và phủ tạng
gia súc, gia cầm phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y như sau:
1. Dụng cụ dùng để giết mổ gia
súc, gia cầm phải sạch sẽ, diệt trùng trước và sau khi giết mổ. Nguồn nước ở lò
sát sinh phải trong sạch, bảo đảm vệ sinh.
2. Không được đựng chung thịt và
phủ tạng trong một dụng cụ. Thịt và phủ tạng phải ráo nước.
3. Dụng cụ đựng thịt, phủ tạng
phải làm bằng nguyên liệu không thấm nước, không han rỉ, được cọ rửa sạch sẽ,
diệt trùng trước và sau khi sử dụng, miệng thùng phải có nắp đậy hoặc vải che đậy
để tránh ruồi, nhặng, đất bụi bám trên mặt thịt, phủ tạng.
4. Thịt, phủ tạng lưu chuyển đường
xa phải có xe chuyên dùng có thiết bị làm lạnh hoặc trong thùng xe có nước đá để
bảo quản thịt, phủ tạng, thực phẩm trong điều kiện thích hợp.
Điều
14.- Kho bảo quản thịt, phủ tạng phải bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm thích hợp và
thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm
quy định.
Chương 5:
THƯỞNG, PHẠT
Điều
15.- Các tổ chức, cá nhân vi phạm Điều lệ kiểm soát sát sinh sau đây đều bị
xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm nặng hay nhẹ.
Giết mổ và tiêu thụ thịt gia
súc, gia cầm không qua kiểm soát của cơ quan thú y;
Thịt bán ở ngoài thị trường
không có dấu kiểm soát sát sinh đóng trên thân thịt;
Thịt và phủ tạng gia súc ốm hoặc
kém phẩm chất chưa qua xử lý đưa ra ngoài lò sát sinh hoặc bán trên thị trường;
Lò sát sinh và cơ sở bảo quản chế
biến sản phẩm từ nguồn gốc gia súc, gia cầm không theo đúng quy định vệ sinh
thú y.
Trường hợp vi phạm lần đầu, chưa
gây tác hại lớn thì cảnh cáo trong phường, xã hoặc phạt tiền từ 5% đến 10% giá
trị tang vật tính theo giá con vật hoặc thịt trong trạng thái lành mạnh. Tang vật
phải giữ lại để kiểm nghiệm và xử lý theo quy định của Bộ Nông và Công nghiệp
thực phẩm.
Trường hợp vi phạm gây thiệt hại
lớn đến đàn gia súc của Nhà nước và nhân dân hoặc làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của
người tiêu dùng thì bị truy cứu theo Luật Hình sự và phải bồi thường thiệt hại.
Tang vật phải giữ lại kiểm nghiệm và xử lý theo quy định của Bộ Nông nghiệp và
Công nghiệp thực phẩm.
Cán bộ phụ trách bộ phận kiểm
soát sát sinh được quyền phạt 5% giá trị tang vật.
Uỷ ban Nhân dân huyện, quận căn
cứ vào đề nghị của Uỷ ban Nhân dân xã, phường, cán bộ thú y đang làm nhiệm vụ để
quyết định mức phạt từ trên 5% đến 10% giá trị tang vật.
Tiền phạt nộp vào ngân sách Nhà
nước.
Điều
16. Cán bộ thú ý làm công tác kiểm soát sát sinh không thi hành đúng Điều lệ
kiểm soát sát sinh đã quy định, lợi dụng chức quyền gây phiền hà cho cơ sở và
nhân dân, làm thiệt hại đến tài sản Nhà nước và nhân dân, làm ảnh hưởng đến sức
khoẻ của nhân dân thì tuỳ lỗi nặng nhẹ mà khiển trách, cảnh cáo, tước bằng
chuyên môn, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu theo Luật Hình sự.
Điều
17. Đơn vị hoặc cá nhân phát hiện những trường hợp vi phạm Điều lệ kiểm
soát sát sinh được khen thưởng bằng tiền theo mức bằng 20% đến 30% số tiền phạt
thu được.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều
18. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chịu trách nhiệm hướng
dẫn và tổ chức thực hiện việc thi hành Điều lệ này.