Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Tài nguyên nước 2023 số 28/2023/QH15 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 28/2023/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 27/11/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định về thuế, phí tài nguyên nước theo Luật Tài nguyên nước 2023

Luật Tài nguyên nước 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, trong đó quy định về thuế, phí tài nguyên nước.

Quy định về thuế, phí tài nguyên nước

Theo đó, đối tượng và giá tính thuế, phí về tài nguyên nước được quy định cụ thể như sau:

- Thuế tài nguyên được áp dụng đối với nước thiên nhiên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên.

- Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường.

- Phí về tài nguyên nước bao gồm:

+ Phí khai thác, sử dụng nguồn nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Mức phí quy định tại điểm này được xác định trên cơ sở tính chất của dịch vụ công, hoạt động thuộc lĩnh vực tài nguyên nước;

+ Phí, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải áp dụng đối với hoạt động xả nước thải ra môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật về bảo vệ môi trường.

(Hiện hành, Luật Tài nguyên nước 2012 quy định về thuế, phí tài nguyên nước như sau:

- Thuế tài nguyên nước và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế.

- Các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.)

Như vậy, Luật Tài nguyên nước 2023 quy định thuế, phí về tài nguyên nước chi tiết hơn so với Luật hiện hành.

03 điều kiện cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước

Tổ chức cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện như sau:

- Các dịch vụ về tài nguyên nước bao gồm:

+ Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước;

+ Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

- Tổ chức phải đáp ứng điều kiện sau đây để cung cấp dịch vụ:

+ Có quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

+ Có hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm bảo đảm khả năng thực hiện dịch vụ;

+ Có đội ngũ cán bộ chuyên môn phù hợp thực hiện dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế Luật Tài nguyên nước 2012.

 

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 28/2023/QH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2023

LUẬT

TÀI NGUYÊN NƯỚC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Tài nguyên nước.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Nước dưới đất dưới đáy biển và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển.

2. Nguồn nước là các dạng tích tụ nước tự nhiên và nhân tạo. Các dạng tích tụ nước tự nhiên bao gồm sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá, các tầng chứa nước dưới đất và các dạng tích tụ nước khác được hình thành tự nhiên. Các dạng tích tụ nước nhân tạo bao gồm hồ chứa thủy điện, thủy lợi, sông, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm và các dạng tích tụ nước khác do con người tạo ra.

3. Nước mặt là nước tồn tại trên mặt đất liền, hải đảo.

4. Nước dưới đất là nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất ở đất liền, hải đảo, dưới đáy biển.

5. Nguồn nước mặt liên quốc gia là nguồn nước mặt phân bố trên lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ quốc gia khác.

6. Nguồn nước mặt liên tỉnh là nguồn nước mặt phân bố trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

7. Nguồn nước mặt nội tỉnh là nguồn nước mặt phân bố trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

8. Lưu vực sông là vùng đất mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông và thoát ra một cửa chung hoặc thoát ra biển.

9. Lưu vực sông liên quốc gia là lưu vực sông nằm trên lãnh thổ Việt Nam và lãnh thổ quốc gia khác.

10. Lưu vực sông liên tỉnh là lưu vực sông nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

11. Lưu vực sông nội tỉnh là lưu vực sông nằm trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

12. Nguồn nước sinh hoạt là nguồn nước có chức năng cấp nước cho sinh hoạt.

13. Ô nhiễm nguồn nước là sự biến đổi tính chất vật lý, tính chất hóa học, thành phần sinh học của nước không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến con người, sinh vật và tự nhiên.

14. Suy thoái nguồn nước là sự suy giảm về lượng nước, chất lượng nguồn nước, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác, sử dụng nước và hệ sinh thái thủy sinh.

15. Cạn kiệt nguồn nước là sự suy giảm nghiêm trọng về số lượng nước, làm cho nguồn nước không còn khả năng khai thác, sử dụng.

16. Chức năng nguồn nước là khả năng cung cấp giá trị, lợi ích của nguồn nước cho các mục đích sử dụng nước.

17. Khả năng chịu tải của nguồn nước mặt là giới hạn có thể tiếp nhận thêm một lượng chất ô nhiễm mà vẫn bảo đảm chất lượng nguồn nước cho mục đích sử dụng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

18. Dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông, suối hoặc đoạn sông, suối nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nước.

19. Ngưỡng khai thác nước dưới đất là giới hạn cho phép khai thác nước dưới đất nhằm bảo đảm không gây xâm nhập mặn, suy thoái nguồn nước, cạn kiệt nguồn nước, sụt, lún đất, tác động xấu đến nguồn nước và môi trường.

20. Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt là vùng phụ cận vị trí lấy nước sinh hoạt được quy định phải bảo vệ để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

21. Hành lang bảo vệ nguồn nước là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước mặt hoặc bao quanh nguồn nước mặt để bảo vệ nguồn nước, duy trì chức năng nguồn nước.

22. Phục hồi nguồn nước là biện pháp cải thiện số lượng, chất lượng nước nhằm khôi phục dòng chảy, chức năng nguồn nước, nâng cao giá trị về kinh tế, sinh thái, văn hoá, lịch sử gắn liền với nguồn nước.

23. An ninh nguồn nước là việc bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro, tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.

24. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước là hoạt động khai thác, sử dụng tiềm năng, giá trị của tài nguyên nước để phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hoá, đa dạng sinh học.

25. Vận hành hồ chứa theo thời gian thực là quá trình vận hành điều tiết hồ chứa liên tục, tức thời trên cơ sở tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, cập nhật thông tin, số liệu và dự báo khí tượng thủy văn theo thời gian thực.

26. Nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

27. Tái sử dụng nước là hoạt động sử dụng lại nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với mục đích sử dụng nước.

28. Sử dụng nước tuần hoàn là quá trình sử dụng lại nước trong một chu trình hoạt động sản xuất.

29. Phát triển nguồn nước là biện pháp nâng cao khả năng giữ nước, tích trữ nước, dẫn nước, chuyển nước, khai thác, sử dụng bền vững và nâng cao giá trị của tài nguyên nước.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra

1. Bảo đảm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, công bằng, hợp lý trong bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.

2. Tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng; giữa nước mặt và nước dưới đất; giữa thượng lưu và hạ lưu, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.

3. Quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa giới hành chính; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn.

4. Bảo vệ tài nguyên nước phải lấy phòng ngừa là chính, gắn với việc bảo vệ số lượng, chất lượng nước; bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng gắn liền với bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy, chức năng nguồn nước.

5. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải được kê khai, đăng ký, cấp phép, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, theo phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước và phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước; bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, tiết kiệm, hiệu quả.

6. Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với quy luật, điều kiện tự nhiên; văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng; cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

7. Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra phải có kế hoạch và biện pháp chủ động; bảo đảm kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, địa phương, ngành, lĩnh vực; kết hợp giữa khoa học, công nghệ tiên tiến với kinh nghiệm truyền thống và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

8. Quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phải gắn với khả năng, chức năng nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, không vượt quá ngưỡng khai thác nước dưới đất và phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước.

9. Bảo vệ, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước

1. Hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số thông qua Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công tác quản lý tài nguyên nước.

2. Ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

3. Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước, Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nâng cao khả năng dự báo tài nguyên nước, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.

4. Khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; bảo vệ, phát triển nguồn nước, nguồn sinh thủy; tích trữ nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; điều hòa, phân phối tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

5. Khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ, phục hồi, phát triển nguồn nước; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; xử lý nước biển thành nước ngọt; thu gom, sử dụng nước mưa, bổ sung nhân tạo nước dưới đất; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

6. Mở rộng, tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế về tài nguyên nước.

Điều 5. Danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước

1. Danh mục lưu vực sông, danh mục nguồn nước là căn cứ để thực hiện nội dung quản lý, điều tra cơ bản, quy hoạch, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo lưu vực sông, nguồn nước.

2. Danh mục lưu vực sông bao gồm:

a) Danh mục lưu vực sông liên quốc gia;

b) Danh mục lưu vực sông liên tỉnh;

c) Danh mục lưu vực sông nội tỉnh.

3. Danh mục nguồn nước bao gồm:

a) Danh mục nguồn nước mặt liên quốc gia, danh mục nguồn nước mặt liên tỉnh, danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh;

b) Danh mục nguồn nước dưới đất.

Điều 6. Phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra

1. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ để phục vụ các hoạt động sau đây:

a) Điều tra cơ bản tài nguyên nước; hạch toán tài nguyên nước; xây dựng bộ chỉ số quốc gia về an ninh nguồn nước;

b) Quan trắc, giám sát, dự báo nguồn nước;

c) Điều hoà, phân phối tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số; xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực;

d) Các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng, xâm nhập mặn, sụt, lún đất, sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; ứng dụng công nghệ tiên tiến để xử lý nước biển thành nước ngọt;

đ) Giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất;

e) Sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

g) Xử lý nước thải, cải tạo, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; giải pháp phát triển nguồn nước, bảo vệ nguồn sinh thủy;

h) Vận hành điều tiết hồ chứa, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn nước; kiểm soát nguồn nước, tạo nguồn, tích trữ nước và xây dựng mạng lưới liên kết, chuyển nước;

i) Chế tạo thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm; cải tiến, đổi mới, nâng cấp thiết bị sử dụng nước.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức xây dựng, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

3. Căn cứ yêu cầu về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong từng giai đoạn, trên cơ sở đề xuất của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia

1. Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước bao gồm:

a) Số lượng, chất lượng nước;

b) Số liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước;

c) Dữ liệu kiểm kê, điều tra, đánh giá tài nguyên nước, quy hoạch về tài nguyên nước;

d) Thông tin, số liệu về kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

đ) Danh mục lưu vực sông; danh mục nguồn nước; danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; hành lang bảo vệ nguồn nước; chức năng nguồn nước; dòng chảy tối thiểu; ngưỡng khai thác nước dưới đất; mặt cắt sông, suối; bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước; danh mục, bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và các thông tin khác về tài nguyên nước;

e) Thông tin, số liệu quan trắc về tài nguyên nước theo quy định tại Điều 51 của Luật này và số liệu quan trắc khí tượng thủy văn, chất lượng môi trường nước.

2. Nhà nước bố trí ngân sách đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và duy trì Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

3. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu tài nguyên nước với cơ sở dữ liệu liên quan đến điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin;

b) Thuận tiện cho việc cung cấp dịch vụ công về tài nguyên nước; truy cập, tiếp cận, sử dụng thông tin, dữ liệu và cập nhật thông tin vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia theo quy định của pháp luật.

4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, duy trì Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, duy trì Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước quy định tại khoản 1 Điều này thuộc phạm vi quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

6. Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ đạo việc kết nối, liên thông dữ liệu liên quan đến tài nguyên nước quy định tại khoản 1 Điều này thuộc phạm vi quản lý với Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước quy định tại khoản 1 Điều này thuộc phạm vi quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

8. Khuyến khích tổ chức, cá nhân chia sẻ, cập nhật thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước do mình thực hiện vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và ưu tiên các tổ chức, cá nhân đó trong khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu của Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

9. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại, xả khí thải độc hại vào nguồn nước.

2. Xả nước thải vào nguồn nước dưới đất; xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải vào nguồn nước mặt, nước biển.

3. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

4. Thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất trái phép.

5. Lấn, lấp sông, suối, kênh, mương, rạch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ chứa, kênh, mương, rạch nhưng không có biện pháp khắc phục.

6. Khai thác trái phép cát, sỏi, bùn, đất và các loại khoáng sản khác trên sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, trong hành lang bảo vệ nguồn nước; khoan, đào, xây dựng nhà cửa, công trình, vật kiến trúc và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ.

7. Phá hoại các công trình bảo vệ, điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

8. Làm sai lệch thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước.

9. Không tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

10. Xây dựng đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước trái quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan.

Chương II

ĐIỀU TRA CƠ BẢN, CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Mục 1. ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 9. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước

1. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước để thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng Chiến lược tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch về tài nguyên nước, quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước sử dụng nguồn ngân sách nhà nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và nghiệm thu kết quả theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Điều tra cơ bản tài nguyên nước phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ, kế thừa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực.

3. Điều tra cơ bản tài nguyên nước bao gồm các hoạt động sau đây:

a) Điều tra, đánh giá tài nguyên nước;

b) Kiểm kê tài nguyên nước;

c) Xây dựng báo cáo tài nguyên nước quốc gia;

d) Xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước, giám sát, cảnh báo, dự báo nguồn nước; xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định;

đ) Đo đạc mặt cắt sông, suối; đánh giá diễn biến sạt lở lòng, bờ, bãi sông; điều tra, khảo sát phục vụ lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, lập hành lang bảo vệ nguồn nước;

e) Xây dựng kịch bản nguồn nước; báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ có liên quan gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

4. Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước được quy định như sau:

a) Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Việc lập quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước căn cứ vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Chiến lược tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch tài nguyên nước;

b) Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước bao gồm các nội dung chính sau đây: đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch kỳ trước; xác định các yêu cầu về thông tin, số liệu về tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên phạm vi cả nước; xác định các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo quy định tại khoản 3 Điều này và thứ tự ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch; mạng quan trắc tài nguyên nước; giải pháp, kinh phí, kế hoạch và tiến độ thực hiện; tích hợp danh mục nguồn nước mặt liên quốc gia, danh mục nguồn nước mặt liên tỉnh, danh mục nguồn nước dưới đất;

c) Thời kỳ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước là 10 năm, tầm nhìn là 30 năm;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này và quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Điều 10. Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước

1. Hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Thực hiện thường xuyên đối với hoạt động quy định tại điểm d khoản 3 Điều 9 của Luật này;

b) Thực hiện hằng năm đối với hoạt động quy định tại điểm e khoản 3 Điều 9 của Luật này;

c) Thực hiện định kỳ 05 năm đối với hoạt động quy định tại các điểm b, c và đ khoản 3 Điều 9 của Luật này;

d) Hoạt động quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 của Luật này được thực hiện theo quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; trường hợp thực hiện đột xuất để phục vụ nhiệm vụ cấp thiết trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định, trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm từ nguồn chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư công.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, trừ nội dung quy định tại khoản 4 Điều này; tổng hợp kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước trên phạm vi cả nước.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý và tổng hợp, cập nhật kết quả vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia quy định tại Điều 7 của Luật này.

5. Tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước sử dụng ngân sách nhà nước phải cập nhật thông tin, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia quy định tại Điều 7 của Luật này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 11. Chiến lược tài nguyên nước quốc gia

1. Chiến lược tài nguyên nước quốc gia là cơ sở để xây dựng quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Việc xây dựng Chiến lược tài nguyên nước quốc gia phải căn cứ vào kết quả điều tra cơ bản, dự báo nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

b) Bảo đảm an ninh nguồn nước; bảo vệ, phát triển nguồn nước; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước;

c) Nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng của nguồn nước và định hướng về hợp tác quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Chiến lược tài nguyên nước quốc gia có các nội dung chính sau đây:

a) Quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, mục tiêu về bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

b) Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tổng thể về bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; đề án, dự án ưu tiên thực hiện trong từng giai đoạn trong kỳ chiến lược.

3. Chiến lược tài nguyên nước quốc gia được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 50 năm.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Chiến lược tài nguyên nước quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 12. Quy hoạch về tài nguyên nước

1. Quy hoạch về tài nguyên nước bao gồm:

a) Quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch ngành quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch tài nguyên nước;

b) Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch tài nguyên nước và được lập cho thời kỳ 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm;

c) Quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, được lập, điều chỉnh khi có sự hợp tác giữa các quốc gia có chung nguồn nước và việc lập quy hoạch căn cứ vào thỏa thuận giữa các quốc gia có chung nguồn nước.

2. Đối tượng của quy hoạch về tài nguyên nước là nước mặt, nước dưới đất.

3. Việc lập, điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước.

Trường hợp nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và nội dung kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường có mâu thuẫn với quy hoạch về tài nguyên nước thì phải điều chỉnh phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước.

Điều 13. Căn cứ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

1. Chiến lược tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và các chiến lược, quy hoạch khác có liên quan.

2. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương trên lưu vực sông, từng vùng, điều kiện cụ thể của từng lưu vực sông, khả năng đáp ứng của nguồn nước và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước.

3. Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các ngành, địa phương và bảo vệ môi trường.

4. Kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước.

5. Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đã được phê duyệt.

Điều 14. Nguyên tắc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

Việc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và các nguyên tắc sau đây:

1. Bảo đảm tính toàn diện của nước mặt với nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước với bảo vệ, phát triển nguồn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

2. Bảo đảm phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực, giữa thượng lưu và hạ lưu; bảo đảm an ninh nguồn nước;

3. Bảo đảm là cơ sở cho việc lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, kế hoạch bảo vệ nước dưới đất và điều hòa, phân phối tài nguyên nước.

Điều 15. Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

1. Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh có các nội dung chính sau đây:

a) Căn cứ lập quy hoạch;

b) Tổng quan về lưu vực sông liên tỉnh;

c) Đối tượng, phạm vi, nội dung lập quy hoạch;

d) Giải pháp, kinh phí, kế hoạch và tiến độ lập quy hoạch;

đ) Trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong việc tổ chức lập quy hoạch.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Điều 16. Nội dung của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh có các nội dung chính sau đây:

1. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội liên quan; hiện trạng quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

2. Dự báo xu thế biến động số lượng, chất lượng nguồn nước và nhu cầu sử dụng nước cho các ngành trong thời kỳ quy hoạch; phân vùng chức năng nguồn nước; khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước; ngưỡng, lượng nước có thể khai thác cho từng đoạn sông, từng khu vực, tầng chứa nước; dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; rà soát, tổng hợp các công trình điều tiết, tích trữ nước, khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước; xác định các vấn đề về tài nguyên nước cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch;

3. Xác định quan điểm, mục tiêu của quy hoạch;

4. Định hướng điều hòa, phân phối, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra bao gồm:

a) Phân phối lượng nước, thứ tự ưu tiên để điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước cho các ngành, địa phương, đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xác định nguồn nước, công trình dự phòng để cấp nước sinh hoạt; chuyển nước lưu vực sông (nếu có);

b) Xác định các đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước có quy mô lớn, có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh hoặc có tác động lớn đến nguồn nước;

c) Giải pháp công trình, phi công trình để bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu tác hại do nước gây ra;

d) Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

đ) Xác định khu vực, nguồn nước cần ưu tiên lập kế hoạch chi tiết về một hoặc một số nội dung sau: điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

e) Nội dung khác mang tính chất đặc thù của từng lưu vực sông;

5. Giải pháp, kinh phí, kế hoạch thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Điều 17. Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh phải được lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước quy mô lớn, cơ quan, tổ chức khác có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh tự thực hiện hoặc thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

4. Quy định kỹ thuật, định mức, đơn giá lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; quy định danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch.

Điều 18. Công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

1. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được phê duyệt, nội dung của quy hoạch phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, đăng tải thường xuyên, liên tục trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình và thông báo đến Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương có liên quan. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thuộc lưu vực sông trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đăng tải thường xuyên, liên tục nội dung quy hoạch trên trang thông tin điện tử của địa phương mình. Trường hợp quy hoạch có nội dung liên quan đến bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để thực hiện quyền giám sát, kiến nghị các biện pháp thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

3. Thông tin, dữ liệu, mô hình tính toán để phục vụ xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh phải được quản lý trên nền tảng công nghệ số, được cập nhật, kết nối vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; cập nhật thông tin, dữ liệu về hồ sơ quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh vào hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 19. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

1. Việc rà soát quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Quy hoạch được rà soát theo định kỳ 05 năm;

b) Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm tổ chức rà soát quy hoạch;

c) Kết quả rà soát quy hoạch phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự điều chỉnh về Chiến lược tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh hoặc quy hoạch ngành quốc gia có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước làm thay đổi cơ bản nội dung chính của quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh;

b) Các dự án, công trình trọng điểm quốc gia mới được hình thành làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước;

c) Có sự biến động về điều kiện tự nhiên tác động lớn đến tài nguyên nước;

d) Có đề nghị của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan về điều chỉnh phân vùng chức năng nguồn nước; bổ sung, điều chỉnh quy mô hoặc đưa ra khỏi quy hoạch đối với đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước và điều chỉnh cục bộ khác.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp theo quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Trường hợp điều chỉnh cục bộ về nội dung phân vùng chức năng nguồn nước; bổ sung, điều chỉnh hoặc đưa ra khỏi quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước và điều chỉnh cục bộ khác mà không làm thay đổi cơ bản nội dung chính của quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

5. Việc lập, lấy ý kiến, thẩm định, công bố, tổ chức thực hiện đối với việc điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh được thực hiện như việc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh quy định tại Điều 17 của Luật này, trừ trường hợp điều chỉnh cục bộ quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 20. Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh

Nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các nội dung sau đây:

1. Đánh giá số lượng, chất lượng nguồn nước trên địa bàn tỉnh; hiện trạng bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra, xả nước thải vào nguồn nước;

2. Dự báo nhu cầu sử dụng nước trong thời kỳ quy hoạch;

3. Định hướng đầu tư xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh;

4. Xác định các đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước có quy mô vừa và nhỏ.

Chương III

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC VÀ PHỤC HỒI NGUỒN NƯỚC

Điều 21. Bảo vệ nguồn nước mặt

Bảo vệ nguồn nước mặt bao gồm các hoạt động chủ yếu sau đây:

1. Quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước;

2. Duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; bảo đảm lưu thông dòng chảy;

3. Phòng, chống và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; cải thiện khả năng chịu tải của nguồn nước mặt;

4. Bảo vệ các nguồn nước mặt có chức năng điều hòa, cấp nước, phòng, chống ngập úng; các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch;

5. Bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy;

6. Bảo vệ môi trường nước mặt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 22. Chức năng nguồn nước

1. Nguồn nước có một hoặc một số chức năng cơ bản sau đây:

a) Cấp nước cho sinh hoạt;

b) Cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;

c) Cấp nước cho sản xuất công nghiệp; kinh doanh, dịch vụ;

d) Cấp nước cho thủy điện;

đ) Bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị văn hóa;

e) Giao thông đường thủy nội địa, hàng hải;

g) Tạo cảnh quan, môi trường; phát triển du lịch; bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học; trữ, tiêu thoát lũ.

2. Chức năng nguồn nước là một trong các căn cứ để lựa chọn các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho các dự án có xả nước thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Chức năng nguồn nước được xác định căn cứ vào hiện trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương, yêu cầu về bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, hệ sinh thái thủy sinh, tạo cảnh quan, môi trường, trữ, tiêu thoát lũ và khả năng đáp ứng của nguồn nước.

4. Nguồn nước mặt phải được phân vùng chức năng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước.

5. Việc phân vùng chức năng nguồn nước mặt được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đối với nguồn nước mặt liên tỉnh và trong quy hoạch tỉnh đối với nguồn nước mặt nội tỉnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát chức năng nguồn nước trong quá trình rà soát quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát chức năng nguồn nước trong quy hoạch tỉnh. Trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa thể hiện chức năng nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt liên tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố chức năng đối với nguồn nước mặt nội tỉnh.

6. Chức năng nguồn nước được xem xét, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự thay đổi về yêu cầu bảo vệ nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

b) Có sự thay đổi lớn về khả năng đáp ứng của nguồn nước mà chưa có biện pháp khắc phục.

7. Nước thải xả vào nguồn nước mặt phải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải phù hợp với chức năng nguồn nước và việc xả nước thải phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 23. Hành lang bảo vệ nguồn nước

1. Hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học, phát triển du lịch liên quan đến nguồn nước.

2. Nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm:

a) Đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên sông, suối;

b) Hồ trên sông, suối không thuộc quy định tại điểm a khoản này;

c) Hồ, ao, đầm, phá được xác định trong danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp;

d) Sông, suối, kênh, mương, rạch là nguồn cấp nước, trục tiêu nước hoặc có tầm quan trọng đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường;

đ) Các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch không thuộc quy định tại điểm c khoản này.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, công bố, điều chỉnh danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước; phê duyệt, điều chỉnh phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, kế hoạch, phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước.

4. Phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải được thể hiện trên bản đồ địa chính.

5. Hành lang bảo vệ nguồn nước phải được công bố, quản lý theo quy định của Luật này và pháp luật về đất đai; đối với các trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này thì còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều, giao thông đường thủy nội địa.

6. Việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước quy định như sau:

a) Tổ chức quản lý, vận hành đập, hồ chứa quy định tại điểm a khoản 2 Điều này; tổ chức được giao quản lý hồ trên sông, suối quy định tại điểm b và hồ, ao, đầm, phá quy định tại điểm c, điểm đ khoản 2 Điều này đề xuất phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; thực hiện việc cắm mốc giới và tổ chức bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước và cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các trường hợp không có tổ chức được giao quản lý, vận hành;

c) Trường hợp đập, hồ chứa thủy lợi, kênh, mương thuộc công trình thủy lợi thì phạm vi, mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước được xác định theo mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Trường hợp sông, suối, kênh, rạch có mốc giới hành lang bảo vệ được xác định trùng với mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng, mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê thì sử dụng mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê theo quy định của pháp luật về đê điều;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã để quản lý, bảo vệ.

7. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Không được gây sạt lở bờ sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá hoặc gây ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá;

b) Không làm ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

8. Không xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất nguy hiểm, cơ sở sản xuất, chế biến có chất thải nguy hại trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Đối với cơ sở đang hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước phải có giải pháp khắc phục theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

9. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định việc xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; quy định nguồn nước phải cắm mốc giới hành lang bảo vệ và việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước.

Điều 24. Dòng chảy tối thiểu

1. Các trường hợp phải xác định dòng chảy tối thiểu bao gồm:

a) Sông, suối có các công trình chuyển nước, đập, hồ chứa, công trình khai thác nước lớn có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, hệ sinh thái thủy sinh.

Căn cứ nguồn lực, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tầm quan trọng của nguồn nước, yêu cầu phòng, chống thiên tai, yêu cầu bảo vệ nguồn nước, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này quyết định thứ tự ưu tiên, vị trí cần duy trì dòng chảy tối thiểu của từng sông, suối cần xác định dòng chảy tối thiểu.

b) Đập, hồ chứa xây dựng trên các sông, suối, trừ trường hợp các đập, hồ chứa đã đi vào vận hành mà không thể điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình xả dòng chảy tối thiểu.

2. Dòng chảy tối thiểu là một trong những căn cứ để xem xét trong quá trình thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ sau đây:

a) Quy hoạch về tài nguyên nước; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh;

b) Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa trên các lưu vực sông;

c) Phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

d) Dự án xây dựng đập, hồ chứa trên các sông, suối; dự án có hoạt động chuyển nước;

đ) Đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước;

e) Các dự án có liên quan trực tiếp đến việc duy trì, bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông, suối.

3. Việc xác định dòng chảy tối thiểu phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phải được thực hiện đối với từng vị trí cụ thể trên sông, suối và phải bảo đảm tính đại diện, hệ thống trên lưu vực sông;

b) Bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa lợi ích, bình đẳng giữa các đối tượng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, giữa các địa phương ở thượng lưu và hạ lưu;

c) Phù hợp với đặc điểm nguồn nước, chức năng của nguồn nước, chế độ dòng chảy của sông, suối, đặc điểm địa hình, nhu cầu sử dụng nước, vai trò của sông, suối trong hệ thống sông; phù hợp với quy mô, phương thức khai thác, khả năng vận hành điều tiết hồ chứa;

d) Phù hợp với thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước với quốc gia có chung nguồn nước mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Căn cứ xác định dòng chảy tối thiểu bao gồm:

a) Đặc điểm thủy văn, chế độ dòng chảy và các chức năng của nguồn nước; hiện trạng và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

b) Các yêu cầu bảo vệ, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái thủy sinh, đa dạng sinh học ; phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh và các yêu cầu khác liên quan đến bảo vệ nguồn nước;

c) Quy mô, phạm vi tác động, phương thức khai thác và khả năng điều tiết nước đối với đập, hồ chứa;

d) Thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước với quốc gia có chung nguồn nước mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Dòng chảy tối thiểu được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đối với sông, suối liên tỉnh, liên quốc gia, trong quy hoạch tỉnh đối với sông, suối nội tỉnh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Trường hợp chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa có nội dung xác định dòng chảy tối thiểu, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, công bố dòng chảy tối thiểu đối với sông, suối liên tỉnh, liên quốc gia; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố dòng chảy tối thiểu đối với sông, suối nội tỉnh.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì xác định, điều chỉnh vị trí, giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối liên tỉnh, liên quốc gia và lấy ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước khi quyết định; công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối liên tỉnh, liên quốc gia;

b) Phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác tài nguyên nước.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ trì xác định, điều chỉnh vị trí, giá trị dòng chảy tối thiểu trên sông, suối nội tỉnh và lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan có liên quan trước khi quyết định; công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông, suối nội tỉnh;

b) Phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước.

8. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải thực hiện việc xác định và đề xuất dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu đập, hồ chứa và được thể hiện trong tờ khai đăng ký hoặc hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác nước mặt, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Việc xác định, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việc rà soát, điều chỉnh dòng chảy tối thiểu được thực hiện định kỳ 05 năm hoặc khi có sự điều chỉnh nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các quy hoạch; có dự án, công trình khai thác nước mới được hình thành làm thay đổi lớn đến chế độ dòng chảy trên sông, suối; có sự biến động về điều kiện tự nhiên tác động lớn đến nguồn nước.

Điều 25. Bảo đảm lưu thông của dòng chảy

Việc thực hiện các hoạt động sau đây phải bảo đảm lưu thông của dòng chảy theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan:

1. Thăm dò, khai thác khoáng sản trên sông, suối, kênh, mương, rạch;

2. Xây dựng cầu, bến tàu hoặc công trình khác ngăn, vượt sông, suối, kênh, mương, rạch;

3. Đặt đường ống hoặc dây cáp bắc qua sông, suối, kênh, mương, rạch, đặt lồng bè trên sông hoặc các hoạt động khác.

Điều 26. Bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Người phát hiện hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm kịp thời báo cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm soát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt;

b) Xác định và tổ chức việc công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Tổ chức quan trắc, công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn;

d) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.

4. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng danh mục công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Bộ Công an xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt đối với công trình có phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Điều 27. Bảo vệ chất lượng nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và các loại hóa chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật, không được gây ô nhiễm nguồn nước.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác khoáng sản và các hoạt động khác không được xả nước thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường vào nguồn nước mặt, nước biển; trường hợp sử dụng hóa chất nguy hiểm thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn, không được để rò rỉ , gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích giao thông đường thủy nội địa, giải trí, du lịch, y tế, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học và các mục đích khác không được gây ô nhiễm nguồn nước.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước đối với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác tạo thành hồ để điều hòa, tích trữ nước, cấp nước, tạo cảnh quan khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường, khoáng sản và cập nhật, bổ sung vào danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh và danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.

Điều 28. Bảo vệ nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch

1. Các nguồn nước có chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch, bao gồm:

a) Nguồn nước gắn liền với vùng đất ngập nước quan trọng, khu bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn nước có giá trị đa dạng sinh học cao theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học;

b) Nguồn nước gắn liền với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng hoặc khoanh vùng bảo vệ theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Nguồn nước gắn liền với di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và các hoạt động trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước quy định tại khoản 1 Điều này phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hóa, đa dạng sinh học và phát triển du lịch của nguồn nước.

3. Nhà nước ưu tiên bảo vệ và phục hồi các nguồn nước quy định tại khoản 1 Điều này khi bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Điều 29. Bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy

1. Bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy là hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nhằm tăng cường khả năng giữ nước của đất, phòng, chống xói mòn đất, sạt lở, xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, bảo vệ và phát triển nguồn nước.

2. Nhà nước có chính sách bảo vệ, phát triển rừng, khuyến khích chuyển loại rừng từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ theo quy hoạch; điều phối, phân bổ nguồn thu từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy trên lưu vực sông; phân bổ nguồn thu từ khai thác tài nguyên nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn, bảo đảm công bằng, hợp lý.

3. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hồ chứa, dự án khai thác, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có sử dụng tài nguyên nước làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.

Điều 30. Ngưỡng khai thác nước dưới đất

1. Ngưỡng khai thác nước dưới đất là một trong những căn cứ để xem xét trong quá trình thẩm định và quyết định, phê duyệt các nhiệm vụ sau đây:

a) Quy hoạch về tài nguyên nước; quy hoạch tỉnh và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; ban hành vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất;

b) Phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông; phục hồi nguồn nước dưới đất bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

c) Cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất;

d) Dự án, giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

2. Ngưỡng khai thác nước dưới đất được xác định căn cứ vào đặc điểm nguồn nước; hiện trạng và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; yêu cầu bảo vệ nguồn nước dưới đất và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3. Việc xác định ngưỡng khai thác nước dưới đất phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Thực hiện đối với từng khu vực, tầng chứa nước;

b) Cân bằng giữa lượng nước khai thác với lượng nước bổ cập hằng năm cho tầng chứa nước và mối quan hệ với các tầng chứa nước liên quan;

c) Bảo vệ nguồn nước dưới đất, hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và địa phương có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 31. Bảo vệ nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc trám lấp giếng bị hỏng, không còn sử dụng hoặc không có kế hoạch tiếp tục sử dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Khoan, đào giếng để điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất;

b) Khoan khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm;

c) Khoan thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí và các dự án khác.

2. Tổ chức, cá nhân phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp sau đây:

a) Thiết kế, thi công các công trình khoan, đào, thí nghiệm trong các dự án điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác nước dưới đất;

b) Khảo sát địa chất công trình, xử lý nền móng công trình xây dựng, xây dựng công trình ngầm; thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí;

c) Bơm hút nước tháo khô mỏ, tháo khô hố móng xây dựng gây hạ thấp mực nước dưới đất và các hoạt động khoan, đào, thí nghiệm khác.

3. Việc khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện.

4. Căn cứ kế hoạch bảo vệ nước dưới đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc khoanh định, công bố, điều chỉnh danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; quyết định đưa ra khỏi danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khi nguồn nước dưới đất đã phục hồi.

5. Việc xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phải bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan và được xem xét, khoanh định tại các khu vực sau đây:

a) Khu vực có mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất;

b) Khu vực đã xảy ra sụt, lún đất hoặc có nguy cơ sụt, lún đất;

c) Khu vực có nguồn nước dưới đất có nguy cơ bị xâm nhập mặn.

6. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác nước dưới đất trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện nhưng không vượt quá lưu lượng nước khai thác đã được cấp phép.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất. Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải ban hành trong thời hạn không quá 03 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và được xem xét, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc điều chỉnh đột xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn nước.

Kế hoạch bảo vệ nước dưới đất phải xác định được các khu vực, tầng chứa nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần bảo vệ, phục hồi; khu vực cần khoanh định hoặc đưa ra khỏi vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; phương án khai thác nước dưới đất; khu vực cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất.

8. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trám lấp giếng quy định tại khoản 1 Điều này; quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động quy định tại khoản 2 Điều này; quy định việc lập, điều chỉnh kế hoạch bảo vệ nước dưới đất quy định tại khoản 7 Điều này.

9. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 và khoản 5 Điều này; quy định việc khoanh định, công bố, điều chỉnh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

Điều 32. Phòng, chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước

1. Việc xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề phải tính đến khả năng chịu tải của nguồn nước mặt, khả năng đáp ứng của nguồn nước và không nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước ở các đoạn sông bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở.

2. Tổ chức, cá nhân có hoạt động mà gây sụt, lún đất, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước thì phải thực hiện các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

3. Nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu đô thị, khu dân cư tập trung phải được thu gom, xử lý, kiểm soát và có các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hoặc xây dựng công trình, nếu tiến hành hoạt động bơm hút nước, tháo khô dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất, gây sụt, lún đất thì phải dừng ngay việc bơm hút, tháo khô và thực hiện các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

5. Ao, hồ chứa nước thải, khu chứa nước thải, chất thải phải được thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước.

Điều 33. Phòng, chống ô nhiễm nước biển

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển phải có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển.

Trường hợp gây ô nhiễm nước biển phải kịp thời xử lý, khắc phục và thông báo ngay khi phát hiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Nguồn thải từ các hoạt động ở vùng ven biển, hải đảo và các hoạt động trên biển phải được kiểm soát, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật trước khi thải vào biển.

Điều 34. Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước

1. Việc phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được thực hiện như sau:

a) Lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi;

b) Xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi các dòng sông, đoạn sông cạn kiệt, không có dòng chảy, ô nhiễm nghiêm trọng trong danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi; bố trí nguồn lực thực hiện;

c) Điều chỉnh chế độ vận hành, bổ sung, nâng cấp các công trình điều tiết, tích trữ nước, xây dựng các đập, hồ chứa, trạm bơm, công trình dẫn nước, nạo vét nhằm dâng nước, tiếp nước, khôi phục dòng chảy, cải thiện, nâng cao khả năng lưu thông của dòng chảy, số lượng, chất lượng nguồn nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất; xử lý ô nhiễm môi trường; xử lý, kiểm soát nước thải; sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước.

2. Căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước được phê duyệt, mức độ, phạm vi suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước trên các lưu vực sông, yêu cầu khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư dự án xây dựng đập, hồ chứa trên các sông thuộc danh mục nguồn nước cần phục hồi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức lưu vực sông nơi triển khai dự án về nội dung phục hồi nguồn nước trước khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư dự án.

4. Tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Điều 73, Điều 74 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp bảo vệ môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân.

6. Việc ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia còn phải thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nguồn nước liên quốc gia phải kịp thời xử lý và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cố ô nhiễm nguồn nước xảy ra trên địa bàn;

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các Bộ, tổ chức lưu vực sông, cơ quan có liên quan phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tại quốc gia xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia để tiến hành ngay các biện pháp ngăn chặn và khắc phục hậu quả phù hợp với pháp luật quốc tế và các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Chương IV

ĐIỀU HÒA, PHÂN PHỐI VÀ KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Mục 1. ĐIỀU HÒA, PHÂN PHỐI TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 35. Điều hòa, phân phối tài nguyên nước

1. Việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước cho các mục đích khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải căn cứ vào quy hoạch về tài nguyên nước, kịch bản nguồn nước, hiện trạng, nhu cầu và hạn ngạch khai thác tài nguyên nước có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, kết quả hạch toán tài nguyên nước và bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm an ninh nguồn nước, công bằng, hợp lý giữa các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên cùng một lưu vực sông, giữa thượng lưu với hạ lưu;

b) Ưu tiên về số lượng, chất lượng nước cấp cho sinh hoạt; góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.

Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, căn cứ nguyên tắc, thứ tự ưu tiên được xác định trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh để hạn chế phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết và ưu tiên cấp cho sinh hoạt, các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

c) Bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông, suối, ngưỡng khai thác nước dưới đất;

d) Kết hợp hoặc luân phiên khai thác nước mặt với khai thác nước dưới đất, nước mưa; tăng cường việc tích trữ nước mưa.

2. Hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua việc điều tiết chế độ vận hành các đập, hồ chứa, công trình khai thác nước và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước trên các lưu vực sông, tầng chứa nước nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại và hướng tới việc điều hòa, phân phối, điều tiết nguồn nước bằng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định.

3. Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định được xây dựng, vận hành trên cơ sở số liệu quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước và bộ mô hình số được xây dựng, vận hành trên từng lưu vực sông, các tầng chứa nước trong từng vùng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hệ thống và cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước nhưng phải tuân thủ quy định tại Điều 70 của Luật này.

4. Kịch bản nguồn nước được xây dựng trên cơ sở hiện trạng nguồn nước trên các lưu vực sông, dự báo khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước và bao gồm những nội dung chính sau đây: hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa trên lưu vực sông, mực nước trong các tầng chứa nước; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa, mực nước trong các tầng chứa nước trong năm; đánh giá mức độ hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.

5. Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông và tổ chức khác có liên quan xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Căn cứ kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng và diễn biến nguồn nước, dự báo khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc cập nhật kịch bản nguồn nước.

6. Căn cứ kịch bản nguồn nước và các yêu cầu quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên lưu vực sông liên tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo việc lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với kịch bản nguồn nước.

7. Căn cứ kịch bản nguồn nước, đối với lưu vực sông dự báo xảy ra hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước tuân thủ nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này.

8. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 36. Điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước

1. Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, căn cứ tình hình thực tế, kết quả dự báo tình trạng hạn hán, thiếu nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông và tổ chức khác có liên quan tổ chức rà soát, cập nhật và thực hiện phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước quy định tại khoản 7 Điều 35 của Luật này; trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước.

2. Trên cơ sở phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và thực hiện các quy định sau đây:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan thực hiện việc điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, thủy lợi, thủy điện và các nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước khác; quyết định việc hạn chế phân phối tài nguyên nước cho các hoạt động sử dụng nhiều nước, chưa cấp thiết;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo việc điều hoà, phân phối tài nguyên nước trong hệ thống công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi;

c) Bộ Công Thương chỉ đạo việc điều tiết vận hành các hồ chứa thủy điện;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng các nguồn nước mặt, nước dưới đất và các công trình cấp nước dự phòng hiện có trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước bảo đảm nước cấp cho sinh hoạt và các nhu cầu sử dụng nước thiết yếu khác; chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng thiếu nước trên địa bàn.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp cắt, giảm lượng nước khai thác và tham gia cùng chính quyền địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục tình trạng thiếu nước trên địa bàn.

Điều 37. Chuyển nước lưu vực sông

1. Dự án có hoạt động chuyển nước hoặc có hoạt động đào sông, kênh, mương, rạch chuyển nước ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đời sống của Nhân dân phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước. Việc chấp thuận phải dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Chiến lược tài nguyên nước quốc gia, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia;

b) Quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh và quy hoạch khác có liên quan; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các ngành liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông;

c) Khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước của lưu vực chuyển nước và lưu vực nhận nước;

d) Quy mô dự án có hoạt động chuyển nước; mức độ ảnh hưởng của việc chuyển nước đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống lũ, xói lở lòng, bờ, bãi sông, xâm nhập mặn và tác động đến kinh tế - xã hội, môi trường.

2. Việc chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước được thực hiện trước khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc quyết định đầu tư dự án. Văn bản chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước là một trong những căn cứ để xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc quyết định đầu tư dự án.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền chấp thuận nội dung về phương án chuyển nước.

Điều 38. Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa

1. Đập, hồ chứa phải có quy trình vận hành hồ chứa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trước khi tích trữ nước.

2. Đập, hồ chứa thuộc danh mục quy định tại điểm a khoản 7 Điều này phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa.

3. Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa phải căn cứ yêu cầu bảo đảm an toàn công trình, phòng, chống lũ, lụt, cấp nước cho hạ du và bảo đảm nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này.

4. Quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa phải được xây dựng, ban hành hướng tới việc vận hành các hồ chứa theo thời gian thực nhằm bảo đảm an toàn cho công trình, hạ du, tối ưu hoá việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích sử dụng và lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại.

Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa có trách nhiệm nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực.

5. Khuyến khích địa phương, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hoặc đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định để vận hành hồ chứa, liên hồ chứa bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và phải tuân thủ quy định tại Điều 70 của Luật này.

6. Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông phải được lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông và tổ chức khác có liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Trách nhiệm xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường lập danh mục các đập, hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa; chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trường hợp Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức quản lý, vận hành đập, hồ chứa đề nghị điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa thì phải xây dựng phương án điều chỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Tổ chức quản lý, vận hành đập, hồ chứa có trách nhiệm lập, điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và phải phù hợp với quy trình vận hành liên hồ chứa.

8. Khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực, việc lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực được thực hiện như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng quy trình hoặc điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trường hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức quản lý, vận hành đập, hồ chứa đề nghị điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực thì xây dựng phương án điều chỉnh gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xem xét, phê duyệt quy trình hoặc điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa theo thời gian thực theo đề nghị của tổ chức quản lý, vận hành đập, hồ chứa;

c) Khuyến khích tổ chức quản lý, vận hành đập, hồ chứa xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để vận hành hồ chứa theo thời gian thực, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo đảm an toàn và cấp nước cho hạ du.

9. Đối với các hồ chứa không nằm trong danh mục các đập, hồ chứa phải lập quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông quy định tại điểm a khoản 7 Điều này, căn cứ yêu cầu bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, dòng chảy tối thiểu và yêu cầu phòng, chống lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, cấp nước ở hạ du, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập danh mục các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc địa bàn quản lý phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành và lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi phê duyệt.

Căn cứ danh mục các đập, hồ chứa trên sông, suối thuộc địa bàn quản lý cần phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng quy chế phối hợp vận hành giữa các đập, hồ chứa trên sông, suối và lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi ban hành.

Trường hợp các đập, hồ chứa trên sông, suối phải xây dựng quy chế phối hợp vận hành thuộc phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở hạ du chủ trì xây dựng quy chế phối hợp vận hành và lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở hạ du ban hành.

10. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4, điểm a khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều này.

Điều 39. Bổ sung nhân tạo nước dưới đất

1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất ở hải đảo, vùng khan hiếm nước và các khu vực quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 của Luật này.

2. Bổ sung nhân tạo nước dưới đất phải căn cứ vào kết quả đánh giá sự phù hợp về chất lượng, số lượng, khả năng giữ và trữ nước của tầng chứa nước dưới đất; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước và yêu cầu bảo vệ nước dưới đất; đánh giá tác động kinh tế - xã hội và môi trường của việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Điều 40. Gây mưa nhân tạo

Việc gây mưa nhân tạo bao gồm gây mưa hoặc tăng lượng mưa, phải căn cứ vào nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước của vùng thiếu nước và điều kiện cho phép để quyết định biện pháp, quy mô hợp lý và phải được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn.

Mục 2. KHAI THÁC, SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 41. Quy định chung về khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, giao thông thuỷ, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, tạo cảnh quan và các mục đích khác phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Luật này và các quy định sau đây:

a) Đầu tư, xây dựng công trình khai thác, đập, hồ chứa, công trình điều tiết, tích trữ nước, phát triển nguồn nước phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khả năng đáp ứng của nguồn nước;

b) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải chịu sự quản lý, giám sát, điều hoà, phân phối của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước;

c) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước;

d) Khai thác tài nguyên nước phải bảo đảm yêu cầu về dòng chảy tối thiểu trên sông, suối; ngưỡng khai thác nước dưới đất và hạn ngạch khai thác tài nguyên nước;

đ) Thực hiện kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật này.

2. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên sông, suối liên quốc gia phải phù hợp với thoả thuận quốc tế và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 42. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có các quyền sau đây:

a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, giao thông thuỷ, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ và các mục đích khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Được hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

c) Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

d) Được dẫn nước chảy qua bất động sản liền kề thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;

đ) Khiếu nại, khởi kiện hành vi vi phạm quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;

e) Đề nghị cơ quan cấp phép khai thác tài nguyên nước tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép khai thác tài nguyên nước;

g) Trường hợp phải cắt, giảm lượng nước khai thác hoặc tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép khai thác tài nguyên nước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thì được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tương ứng với số ngày và lượng nước khai thác bị cắt, giảm hoặc tạm dừng có thời hạn;

h) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn;

c) Không gây cản trở hoặc làm thiệt hại đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

d) Bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng;

đ) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

e) Cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, nghiên cứu khoa học và công nghệ về tài nguyên nước;

g) Khi điều chỉnh, bổ sung quy mô khai thác, mục đích sử dụng tài nguyên nước thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp không phải đăng ký, cấp phép theo quy định tại Điều 52 của Luật này;

h) Cắt, giảm hoặc tăng lượng nước khai thác hoặc điều chỉnh chế độ vận hành, khai thác nước của công trình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

i) Tuân thủ hạn ngạch khai thác tài nguyên nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tài nguyên nước quy định;

k) Thực hiện đúng các nội dung quy định trong giấy phép khai thác tài nguyên nước;

l) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt có trách nhiệm sau đây:

a) Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và vận hành hệ thống cấp nước, có phương án cấp nước dự phòng, phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước và các sự cố khác theo quy định của pháp luật về cấp nước bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước;

b) Chỉ dẫn về vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và kiểm soát, theo dõi các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;

c) Thực hiện quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước và quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước khai thác theo quy định tại Điều 51 của Luật này và kết nối, truyền dữ liệu về Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

2. Kết hợp mô hình cấp nước tập trung và phân tán trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt. Việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phải bảo đảm không cản trở việc khai thác nước của tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác tài nguyên nước trong vùng phục vụ cấp nước.

3. Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Điều chỉnh, bổ sung nội dung về cấp nước trong quy hoạch có liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho đô thị, nông thôn bảo đảm phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước;

b) Ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm an toàn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát nước; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển bền vững, an toàn cấp nước quy mô hộ gia đình ở nông thôn;

c) Chỉ đạo việc lập phương án cấp nước dự phòng, phòng ngừa, ứng phó sự cố ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước và các sự cố khác.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc sự cố ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng gây ra thiếu nước.

5. Chính phủ quy định việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sinh hoạt.

Điều 44. Khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm sau đây:

a) Có biện pháp tiết kiệm nước, phòng, chống chua, mặn, xói mòn đất và bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước;

b) Tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi theo quy định tại Điều 38 của Luật này và pháp luật về thủy lợi;

c) Vận hành các hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm nhiệm vụ thiết kế, lưu thông của dòng chảy, duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Điều 24 của Luật này, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước; thực hiện quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Điều 51 của Luật này; sử dụng tiết kiệm, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, kết hợp cải tạo, phục hồi, phát triển nguồn nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước;

b) Chỉ đạo tổ chức việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước, kịch bản nguồn nước, phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật này; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 45. Khai thác tài nguyên nước cho thủy điện

1. Việc khai thác tài nguyên nước cho thủy điện phải bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu, trừ trường hợp khai thác nước với quy mô nhỏ; tham gia cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; bảo đảm các yêu cầu về an toàn đập, hồ chứa.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho thủy điện phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo quy định tại Điều 38 của Luật này và pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước.

3. Bộ Công Thương chỉ đạo tổ chức việc rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa thủy điện theo quy định tại Điều 38 của Luật này bảo đảm an toàn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, phòng, chống lũ, lụt; duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Điều 24 của Luật này và cấp nước cho hạ du.

Điều 46. Khai thác tài nguyên nước cho sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản

1. Nhà nước khuyến khích đầu tư khai thác nước biển cho sản xuất muối. Tổ chức, cá nhân khai thác nước biển để sản xuất muối không được gây xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho nuôi trồng thủy sản không được gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy, hư hại công trình trên sông, gây trở ngại cho giao thông thủy và không được gây nhiễm mặn nguồn nước.

3. Việc nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ không được gây ảnh hưởng đến an toàn đập, hồ chứa, chất lượng nguồn nước, nhiệm vụ phòng, chống lũ, cấp nước cho hạ du của đập, hồ chứa.

Điều 47. Khai thác tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản và mục đích khác

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sản xuất công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản phải có biện pháp thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải trước khi xả vào nguồn nước.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, y tế, thể thao, giải trí, du lịch, tạo nguồn, ngăn mặn, tạo cảnh quan và các mục đích khác phải sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, không được gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy và các ảnh hưởng xấu khác đến nguồn nước.

Điều 48. Sử dụng nguồn nước cho giao thông thủy

1. Nhà nước khuyến khích sử dụng nguồn nước để phát triển giao thông thủy.

2. Hoạt động giao thông thủy không được gây ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy, gây hư hại, sạt lở lòng, bờ, bãi sông, kênh, mương, rạch; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Việc xây dựng, vận hành công trình kết cấu hạ tầng giao thông thủy không được gây ô nhiễm nguồn nước, phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu mực nước trên sông, suối và yêu cầu về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Điều 49. Sử dụng nguồn nước cho các mục đích khác

1. Việc sử dụng mặt nước hồ chứa để kinh doanh, dịch vụ và sản xuất điện mặt trời không được gây ảnh hưởng đến an toàn đập, hồ chứa, chất lượng nguồn nước, nhiệm vụ phòng, chống lũ, cấp nước cho hạ du của đập, hồ chứa.

2. Việc sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ bảo đảm không gây ô nhiễm nguồn nước, cản trở dòng chảy, hư hại lòng, bờ, bãi sông, suối, kênh, mương, rạch và ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng nước khác.

3. Hoạt động đào hồ, ao, sông, suối, kênh, mương, rạch tạo không gian thu, trữ nước, tạo cảnh quan phải thực hiện theo quy định của pháp luật và bảo đảm không gây sụt, lún đất, tác động xấu đến nguồn nước, môi trường.

4. Các hoạt động quy định tại Điều này phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; phải thực hiện việc đăng ký theo quy định tại Điều 52 của Luật này.

Điều 50. Đập, hồ chứa và việc khai thác, sử dụng nước liên quan đến đập, hồ chứa

1. Việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phải bảo đảm đa mục tiêu, chủ động tích trữ nước, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển nguồn nước.

2. Việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành công trình đập, hồ chứa và quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa phải bảo đảm an toàn đập, hồ chứa.

3. Việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật liên quan khác theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai; phải bảo đảm sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu; kết hợp cải tạo, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

b) Việc thiết kế và bố trí tổng thể công trình đầu mối phải có các hạng mục công trình để bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Điều 24 của Luật này, xả nước gia tăng về hạ du khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, sử dụng dung tích chết của hồ chứa trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, bảo đảm sự di cư của các loài cá, sự đi lại của phương tiện giao thông thủy;

c) Đối với việc đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa thủy lợi còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về thủy lợi.

4. Việc xây dựng, vận hành các hồ chứa không xây dựng trên sông, suối, phải bảo đảm không tác động xấu đến nguồn nước, môi trường; không làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; bảo đảm các quy định về thoát nước, không gây ngập úng nhân tạo.

5. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước từ hồ chứa và các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ, khai thác, sử dụng và phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật này; việc bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa trong đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Việc vận hành đập, hồ chứa trên sông, suối còn phải bảo đảm các yêu cầu cắt, giảm lũ cho hạ du, sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, kết hợp cải tạo, phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan và bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật này.

6. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, dòng chảy tối thiểu và yêu cầu phòng, chống lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, cấp nước cho hạ du; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

b) Tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và các trường hợp khẩn cấp khác;

c) Thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông; bố trí dung tích hồ chứa để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ và cấp nước cho hạ du, cải tạo, phục hồi nguồn nước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Thực hiện việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan ở khu vực hạ lưu đập, hồ chứa trước khi vận hành xả nước về hạ du theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

đ) Quan trắc khí tượng thủy văn, kết nối dữ liệu vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ phục vụ vận hành hồ chứa, liên hồ chứa và điều hoà, phân phối tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; thực hiện quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước theo quy định tại Điều 51 của Luật này;

e) Thực hiện chế độ báo cáo và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

g) Xây dựng phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

h) Thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Điều 23 của Luật này.

7. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, năng lực cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo quy định tại Điều 70 của Luật này nhằm tối ưu hóa lợi ích về kinh tế - xã hội, môi trường do nguồn nước mang lại.

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

9. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng công trình, hồ chứa nhằm bảo vệ, kiểm soát, cải tạo, phục hồi, phát triển nguồn nước, cấp, trữ nước, bổ cập nước dưới đất, chuyển nước cho vùng khan hiếm nước, các đảo có dân sinh sống, vùng bị ảnh hưởng lớn do biến đổi khí hậu, bảo đảm chủ động trữ nước ngọt, điều hoà, phân phối tài nguyên nước nội tỉnh, liên tỉnh.

Điều 51. Quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước

1. Quan trắc tài nguyên nước bao gồm đo đạc, tính toán lượng mưa, lưu lượng, mực nước, chất lượng nước mặt, nước dưới đất. Việc quan trắc được thực hiện thông qua hình thức quan trắc tự động, liên tục, quan trắc định kỳ và được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước đối với các nguồn nước mặt liên tỉnh, nguồn nước mặt liên quốc gia, nguồn nước dưới đất, quan trắc khí tượng thủy văn, chất lượng môi trường nước. Việc xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh. Việc xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước phải thực hiện theo quy hoạch tỉnh;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước phải thực hiện việc quan trắc và lắp đặt thiết bị đo đạc được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về đo lường. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành công trình quan trắc tài nguyên nước và cung cấp số liệu quan trắc tài nguyên nước cho cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt phải thực hiện theo quy định tại khoản này và thực hiện quan trắc, giám sát tự động liên tục, định kỳ chất lượng nguồn nước khai thác.

d) Việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước mặt được thực hiện theo quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn; đối với trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động dẫn đến phải di chuyển, thay đổi vị trí trạm quan trắc có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật;

đ) Kết quả quan trắc tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, chất lượng môi trường nước phải được cập nhật, chia sẻ vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

2. Giám sát khai thác tài nguyên nước được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có trách nhiệm tiếp nhận số liệu quan trắc của tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước và giám sát việc thực hiện nội dung của giấy xác nhận đăng ký, giấy phép khai thác tài nguyên nước;

b) Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước có trách nhiệm cập nhật, kết nối, truyền dữ liệu quan trắc vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia để phục vụ giám sát việc khai thác tài nguyên nước;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giám sát hoạt động khai thác tài nguyên nước đối với các công trình thuộc thẩm quyền cấp phép.

3. Chính phủ quy định đối tượng, quy mô, chế độ, thông số, chỉ tiêu quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước và lộ trình thực hiện.

Mục 3. KÊ KHAI, ĐĂNG KÝ, CẤP PHÉP VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 52. Quy định chung về việc kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan và các mục đích khác phải có giấy phép khai thác tài nguyên nước tương ứng với loại nguồn nước khai thác theo quy định tại khoản 2 Điều này, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và khoản 5 Điều này; trường hợp khai thác nước dưới đất còn phải có giấy phép thăm dò nước dưới đất trước khi xây dựng công trình.

2. Giấy phép khai thác tài nguyên nước bao gồm:

a) Giấy phép khai thác nước mặt;

b) Giấy phép khai thác nước dưới đất;

c) Giấy phép khai thác nước biển.

3. Tổ chức, cá nhân không phải kê khai, cấp phép khai thác tài nguyên nước và đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường phục vụ mục đích công cộng;

b) Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;

c) Khai thác nước mặt quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích quy định tại điểm a, điểm b khoản này và điểm đ khoản 5 Điều này;

d) Khai thác nước cho sinh hoạt tại các khu vực trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm, dịch bệnh do cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật;

đ) Khai thác nước biển để sử dụng cho sản xuất muối;

e) Khai thác nước biển phục vụ các hoạt động trên biển;

g) Khai thác nước biển quy mô nhỏ để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo, đất liền;

h) Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ quy mô nhỏ;

i) Đào hồ, ao, kênh, mương, rạch quy mô nhỏ để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan;

k) Hoạt động sử dụng mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện theo quy định của pháp luật về thủy lợi;

l) Các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

4. Hộ gia đình khai thác nước dưới đất để sử dụng cho sinh hoạt của mình phải thực hiện kê khai để quản lý.

5. Tổ chức, cá nhân phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước mặt quy mô vừa để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản;

b) Khai thác nước dưới đất quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 4 Điều này;

c) Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng tại moong hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản;

d) Khai thác nước biển quy mô vừa để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên hải đảo, đất liền;

đ) Công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch có quy mô vừa và nhỏ với mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan;

e) Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ có quy mô không thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 3 Điều này; sử dụng mặt nước hồ chứa để sản xuất điện mặt trời;

g) Đào sông, suối; đào hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan có quy mô không thuộc trường hợp quy định tại điểm i khoản 3 Điều này.

6. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 53 của Luật này cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước trong đó xác định hạn ngạch khai thác tài nguyên nước đối với tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; xác nhận đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.

7. Trường hợp tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, cơ quan cấp phép về tài nguyên nước phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước quản lý công trình thủy lợi đó trước khi cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất.

8. Việc lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của công trình khai thác nước được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình khai thác nước có ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của Nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư và tổ chức, cá nhân có liên quan về tác động của phương án khai thác, sử dụng tài nguyên nước của dự án; tổng hợp, tiếp thu, giải trình bằng văn bản và gửi kèm theo hồ sơ cấp phép khai thác tài nguyên nước;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án phải công bố, công khai thông tin về những nội dung liên quan đến khai thác tài nguyên nước của dự án và những ảnh hưởng có thể gây ra trước khi triển khai thực hiện;

c) Kinh phí tổ chức lấy ý kiến do tổ chức, cá nhân đầu tư dự án chi trả.

9. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 53. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất và kê khai, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước được quy định như sau:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô khai thác nước lớn; công trình khai thác nước có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh;

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này; tổ chức đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển;

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đăng ký khai thác nước dưới đất;

4. Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt;

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định trình tự, thủ tục kê khai việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình, đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy định cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại, chấp thuận trả lại, tạm dừng, đình chỉ, thu hồi giấy phép khai thác tài nguyên nước , giấy phép thăm dò nước dưới đất.

Điều 54. Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất

1. Thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước được quy định như sau:

a) Giấy phép khai thác nước mặt có thời hạn tối đa 10 năm, tối thiểu 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 05 năm;

b) Giấy phép khai thác nước biển có thời hạn tối đa 15 năm, tối thiểu 10 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 10 năm;

c) Giấy phép khai thác nước dưới đất có thời hạn tối đa 05 năm, tối thiểu 03 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 03 năm;

d) Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép với thời hạn ngắn hơn thời hạn tối thiểu quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì giấy phép được cấp theo thời hạn đề nghị trong đơn và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn giấy phép đã được cấp, gia hạn liền trước đó.

2. Giấy phép thăm dò nước dưới đất có thời hạn 02 năm và được xem xét gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 01 năm. Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, gia hạn giấy phép với thời hạn ngắn hơn thì giấy phép được cấp, gia hạn theo thời hạn đề nghị trong đơn.

3. Trường hợp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước của tổ chức, cá nhân nộp trước 45 ngày so với thời điểm giấy phép đó hết hiệu lực thì thời điểm hiệu lực ghi trong giấy phép gia hạn được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.

Điều 55. Nguyên tắc đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Đúng thẩm quyền, đúng đối tượng và trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã được đăng ký, cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước, giấy phép thăm dò nước dưới đất và của tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

3. Ưu tiên đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cấp cho sinh hoạt.

4. Bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Điều 56. Căn cứ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất

1. Việc cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất phải dựa trên căn cứ sau đây:

a) Quy hoạch về tài nguyên nước; quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; khả năng đáp ứng của nguồn nước;

b) Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong vùng; yêu cầu về bảo vệ tài nguyên nước;

c) Kết quả thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hồ sơ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất theo quy định của Chính phủ;

d) Nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước thể hiện trong đơn đề nghị cấp giấy phép.

2. Trường hợp cấp giấy phép khai thác nước dưới đất, giấy phép thăm dò nước dưới đất còn phải căn cứ vào quy định tại Điều 30 và khoản 4 Điều 31 của Luật này.

Điều 57. Điều kiện cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước và giấy phép thăm dò nước dưới đất

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Hoàn thành việc lấy ý kiến theo quy định tại khoản 8 Điều 52 của Luật này;

b) Việc khai thác tài nguyên nước phù hợp với nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 56 của Luật này; khai thác nước dưới đất phù hợp với quy định liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định tại Điều 31 của Luật này;

c) Bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật này;

d) Bảo đảm thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo đầy đủ, chính xác.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có phương án thi công các hạng mục thăm dò nước dưới đất đáp ứng yêu cầu về bảo vệ nước dưới đất và phù hợp với quy định liên quan đến vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định tại Điều 31 của Luật này;

b) Bảo đảm thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án đầy đủ, chính xác.

3. Tổ chức khai thác nước mặt có xây dựng đập, hồ chứa trên sông, suối ngoài việc đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này, điểm b khoản 3 Điều 50 của Luật này còn phải đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Có phương án về thiết bị, nhân lực để quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo lượng nước đến hồ, vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước;

b) Có quy trình vận hành hồ chứa theo quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đối với trường hợp đã có công trình.

Mục 4. SỬ DỤNG NƯỚC TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ

Điều 58. Sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thực hiện các giải pháp sau đây để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả:

a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước đúng mục đích, hợp lý;

b) Xây dựng kế hoạch thay thế phương tiện, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều nước;

c) Cải tiến quy trình sử dụng nước; áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tăng khả năng sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; tích trữ nước mưa;

d) Bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước; cải tiến, tối ưu hóa và áp dụng các biện pháp, công nghệ, kỹ thuật canh tác, xây dựng, duy tu, vận hành các công trình dẫn nước, giữ nước để tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp;

đ) Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hệ thống cấp nước phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật bảo đảm cấp nước ổn định, an toàn, liên tục và giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước;

e) Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình, hệ thống công trình thủy lợi phải áp dụng các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo đảm vận hành hệ thống công trình cung cấp nước hợp lý, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nước.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phổ biến, tuyên truyền mô hình, công nghệ, thiết bị tiết kiệm nước;

b) Xây dựng chương trình, kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn nghiên cứu áp dụng mô hình công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhằm loại bỏ dần công nghệ lạc hậu, tiêu thụ nhiều nước.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định về sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương.

Điều 59. Sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước

1. Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước ngay trong giai đoạn xây dựng dự án.

2. Việc xử lý nước thải và tái sử dụng nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3. Các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải tại các khu vực có nguồn nước mặt không còn khả năng chịu tải theo công bố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước hoặc có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước mặt trước khi thải vào nguồn nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

4. Tuỳ theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các dự án tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và xác định các ưu đãi mà dự án đó được hưởng theo quy định của pháp luật.

5. Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước được xem xét giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này.

6. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, áp dụng các giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước tại khu vực nguồn nước bị suy thoái, vượt ngưỡng khai thác nước dưới đất và không còn khả năng chịu tải.

Điều 60. Ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả

1. Tổ chức, cá nhân đầu tư sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; thu gom, sử dụng nước mưa; sử dụng nước được khử muối từ nước biển, đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm nước được ưu đãi theo quy định của pháp luật.

2. Tiêu chí sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương V

PHÒNG, CHỐNG VÀ KHẮC PHỤC TÁC HẠI DO NƯỚC GÂY RA

Điều 61. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

Điều 62. Phòng, chống và khắc phục tác hại của nước do thiên tai gây ra

Việc phòng, chống và khắc phục tác hại của lũ, lụt, nước biển dâng, mưa đá, mưa axít và các tác hại khác của nước do thiên tai gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật về đê điều, pháp luật về phòng, chống thiên tai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 63. Phòng, chống hạn hán, thiếu nước, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo

1. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, tìm kiếm nguồn nước để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước; xây mới, cải tạo, phục hồi các hồ, ao và các công trình khác có chức năng cấp nước, điều hòa, phòng, chống ngập úng nhân tạo; ưu tiên tận dụng các moong khai thác khoáng sản, đất, vật liệu xây dựng sau khi dừng khai thác và bảo đảm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về khoáng sản và quy định khác của pháp luật có liên quan tạo thành hồ chứa để điều hoà, tích trữ nước, cấp nước, tạo cảnh quan.

2. Nhà nước ưu tiên thực hiện các giải pháp thu trữ, thoát nước mưa đồng bộ, tổng thể để giảm thiểu ngập úng đô thị.

3. Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu du lịch, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cụm công nghiệp, quy hoạch giao thông phải hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, san lấp hồ, ao, đầm, phá và có giải pháp tích trữ, tiêu thoát nước mưa bảo đảm không gây ngập úng nhân tạo.

4. Hạn chế tối đa việc cống hoá sông, suối, kênh, mương, rạch để bảo đảm khả năng tiêu thoát nước và giảm thiểu ngập úng nhân tạo, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh.

5. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước tại khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, lụt để bảo đảm an toàn chống lũ, chống hạn, kiểm soát mặn.

6. Hồ, ao, đầm, phá có chức năng điều hoà, cấp nước, phòng, chống ngập úng, tạo cảnh quan, môi trường và bảo vệ, bảo tồn hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, giá trị văn hoá, đa dạng sinh học phải được lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp và công bố để quản lý, bảo vệ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lập, công bố, điều chỉnh danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đối với hồ, ao, đầm, phá thuộc nguồn nước mặt liên tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, công bố, điều chỉnh danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đối với hồ, ao, đầm, phá thuộc nguồn nước mặt nội tỉnh.

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước theo thẩm quyền; xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ hạn hán, thiếu nước theo thời gian thực trên nền tảng công nghệ số và chỉ đạo, giám sát việc thực hiện phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước quy định tại Điều 35 và Điều 36 của Luật này.

8. Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy chuẩn quốc gia về công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng khả năng thấm, tích trữ, tiêu thoát nước mưa, bảo đảm bổ cập nước dưới đất và không gây ngập úng.

9. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm bảo đảm khả năng tiêu thoát nước, không gây cản trở dòng chảy, ngập lụt trên các lưu vực sông trong quá trình thiết kế, xây dựng hạ tầng giao thông.

10. Chính phủ quy định chi tiết khoản 6 Điều này.

Điều 64. Phòng, chống xâm nhập mặn

1. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình ngăn mặn, giữ ngọt để chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; ưu tiên dự án trồng rừng phòng hộ chắn sóng tại vùng thường xuyên xảy ra xâm nhập mặn.

2. Việc thăm dò, khai thác nước dưới đất ở vùng đồng bằng, ven biển phải bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn cho các tầng chứa nước dưới đất.

3. Việc khai thác nước biển để sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội không được gây nhiễm mặn nguồn nước.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phải có biện pháp phòng, chống nhiễm mặn nguồn nước.

5. Việc quản lý, vận hành công trình ngăn mặn, giữ ngọt và hồ chứa, công trình điều tiết nước phải tuân theo quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phòng, chống xâm nhập mặn.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ kịch bản nguồn nước, phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước quy định tại khoản 4, khoản 7 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 của Luật này, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn.

Điều 65. Phòng, chống sụt, lún đất

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, bảo đảm không gây sụt, lún đất.

Trường hợp xảy ra sụt, lún đất thì phải dừng ngay hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất, thực hiện các biện pháp khắc phục và báo cho Ủy ban nhân dân nơi xảy ra sụt, lún đất; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

2. Ở những khu vực bị sụt, lún đất hoặc có nguy cơ bị sụt, lún đất do hoạt động thăm dò, khai thác nước dưới đất gây ra thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.

3. Việc phòng, chống sụt, lún đất thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và thực hiện việc bảo vệ nước dưới đất theo quy định tại Điều 31 của Luật này.

Điều 66. Phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ

1. Hoạt động cải tạo lòng, bờ, bãi sông, hồ, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, hành lang bảo vệ nguồn nước không được gây sạt lở, làm ảnh hưởng xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ và hành lang bảo vệ nguồn nước.

2. Các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này có nguy cơ gây mất ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ phải thực hiện đánh giá tác động và có phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.

Việc đánh giá tác động và thẩm định phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ được thực hiện trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nội dung đánh giá tác động và phương án thực hiện để bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ là một nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường.

3. Trong quá trình thực hiện việc cấp phép khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ, cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải tổ chức thẩm định nội dung về vị trí, phạm vi, chiều sâu khai thác và chế độ khai thác trước khi cấp phép bảo đảm không gây xói lở để bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ.

4. Sông, đoạn sông có bờ, bãi bị sạt lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở phải được khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác. Việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản.

5. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo việc vận hành các công trình thủy lợi, thủy điện; Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải rà soát, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình và chỉ đạo, giám sát các hoạt động xây dựng công trình trên sông, trong hành lang bảo vệ nguồn nước bảo đảm yêu cầu về phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Chương VI

CÔNG CỤ KINH TẾ, CHÍNH SÁCH VÀ NGUỒN LỰC CHO TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 67. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tài nguyên nước

1. Thuế tài nguyên và các khoản thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Các loại phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

3. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

4. Tiền bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Điều 68. Thuế, phí về tài nguyên nước

1. Thuế tài nguyên được áp dụng đối với nước thiên nhiên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên.

2. Giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với sản phẩm, hàng hoá mà việc sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hoặc chất ô nhiễm môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường.

4. Phí về tài nguyên nước bao gồm:

a) Phí khai thác, sử dụng nguồn nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Mức phí quy định tại điểm này được xác định trên cơ sở tính chất của dịch vụ công, hoạt động thuộc lĩnh vực tài nguyên nước;

b) Phí, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải áp dụng đối với hoạt động xả nước thải ra môi trường theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 69. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước mặt để phát điện có mục đích thương mại;

b) Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, cấp cho nông nghiệp, cấp cho sinh hoạt.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước biển;

b) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 52 của Luật này;

c) Khai thác tài nguyên nước cho các mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt, nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của người dân khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Dự án có hạng mục công trình khai thác nước đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh theo bảo lãnh Chính phủ;

c) Trong thời gian công trình khai thác nước bị hư hỏng do sự cố bất khả kháng không thể tiếp tục khai thác hoặc phải tạm dừng khai thác.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt, nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Công trình khai thác nước phải cắt, giảm lượng nước khai thác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 42 của Luật này;

b) Khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo quy định tại khoản 5 Điều 59 của Luật này;

c) Hồ chứa đã vận hành phải điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của hồ chứa đã được phê duyệt;

d) Khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

5. Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xác định căn cứ vào lượng nước, chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc nộp, miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Điều 70. Dịch vụ về tài nguyên nước

1. Các dịch vụ về tài nguyên nước bao gồm:

a) Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước;

b) Dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

2. Tổ chức phải đáp ứng điều kiện sau đây để cung cấp dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Có quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;

b) Có hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm bảo đảm khả năng thực hiện dịch vụ;

c) Có đội ngũ cán bộ chuyên môn phù hợp thực hiện dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước, dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 71. Hạch toán tài nguyên nước

1. Hạch toán tài nguyên nước là quá trình tổng hợp, tính toán, cân đối nguồn nước, xác định giá trị tài nguyên nước trong các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh nguồn nước.

2. Việc hạch toán tài nguyên nước phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Bảo đảm đồng bộ, thống nhất về thông tin số liệu trong quá trình hạch toán;

b) Tích hợp với Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

c) Xây dựng theo các nhóm tài khoản về tài nguyên nước.

3. Kết quả hạch toán tài nguyên nước được sử dụng để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc điều hòa, phân phối và thực hiện các giải pháp quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức hạch toán tài nguyên nước.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và lộ trình thực hiện việc hạch toán tài nguyên nước.

Điều 72. Nguồn lực cho quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra

1. Nhà nước bố trí nguồn lực thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Điều tra cơ bản, quy hoạch về tài nguyên nước;

b) Bảo vệ tài nguyên nước; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; bảo vệ, phát triển rừng;

c) Phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

d) Xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia;

đ) Xây dựng, phát triển hạ tầng khai thác, sử dụng nước vùng biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng khan hiếm nước ngọt;

e) Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ nhằm khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

g) Phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên nước;

h) Hội nhập, hợp tác quốc tế về tài nguyên nước;

i) Kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực tài nguyên nước;

k) Các hoạt động có liên quan đến khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển, tích trữ nước, phục hồi nguồn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra và các hoạt động khác liên quan đến tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

2. Nguồn lực để thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển;

b) Quỹ bảo vệ môi trường;

c) Nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân; nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

3. Ngân sách nhà nước bố trí phù hợp với khả năng ngân sách và yêu cầu nhiệm vụ về bảo vệ, phát triển nguồn nước. Sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường cho các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra.

4. Nhà nước khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho việc bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước.

5. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả phần ngân sách được giao và nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 73. Ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra

Tổ chức, cá nhân được hưởng ưu đãi, hỗ trợ hoặc miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan khi thực hiện các hoạt động sau đây:

1. Tham gia phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

2. Tìm kiếm, thăm dò, khai thác nước để cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác;

3. Sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; thu gom, sử dụng nước mưa; xử lý nước biển thành nước ngọt; đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm nước;

4. Xây dựng các công trình điều tiết, tích trữ nước ở vùng khan hiếm nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

5. Phát triển công nghệ, thiết bị và sản phẩm phục vụ bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước;

6. Xây dựng, vận hành công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất.

Điều 74. Xã hội hóa đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước

1. Nhà nước khuyến khích xã hội hoá các hoạt động sau đây:

a) Phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm;

b) Xây dựng các công trình phát triển, tích trữ nước.

2. Tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương VII

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 75. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về tài nguyên nước

1. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của các quốc gia có chung nguồn nước.

2. Bảo đảm công bằng, hợp lý trong bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra đối với các nguồn nước liên quốc gia.

3. Không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia có chung nguồn nước phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Tuân thủ pháp luật Việt Nam, thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển nguồn nước liên quốc gia nhằm bảo đảm tối ưu và bền vững lợi ích do nguồn nước mang lại, có tính đến lợi ích của các quốc gia có chung nguồn nước.

6. Có các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giảm thiểu tác hại do nước gây ra cho các quốc gia có chung nguồn nước trong quá trình sử dụng nguồn nước liên quốc gia thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 76. Nội dung hợp tác quốc tế về tài nguyên nước

1. Chủ động, tích cực hợp tác với các quốc gia, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế về tài nguyên nước, ưu tiên bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

2. Chủ động, tích cực hợp tác trao đổi thông tin, dữ liệu hiện trạng và dự báo về nguồn nước, khí tượng thủy văn, địa chất thủy văn và sinh thái, chất lượng nước có liên quan đến nguồn nước liên quốc gia; phối hợp nghiên cứu và lập quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra đối với nguồn nước liên quốc gia; tạo thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và thực hiện các dự án liên quan đến nguồn nước liên quốc gia. Trường hợp thông tin, dữ liệu liên quan đến bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Chủ động, tích cực tham gia, đóng góp thực chất, nghiên cứu đề xuất ý tưởng sáng kiến mới về tài nguyên nước tại các tổ chức, diễn đàn khu vực, quốc tế, các tổ chức lưu vực sông quốc tế có liên quan nhằm thúc đẩy hợp tác, khai thác, sử dụng và phát triển bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước liên quốc gia.

Điều 77. Trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam đối với nguồn nước liên quốc gia

1. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam liên quan đến nguồn nước liên quốc gia theo quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam và thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, giám sát, tiếp nhận thông tin, tổng hợp tình hình các nguồn nước liên quốc gia, dự báo, cảnh báo những tác động bất lợi và kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam.

3. Ủy ban nhân dân các cấp tại vùng biên giới có nguồn nước liên quốc gia khi phát hiện những vấn đề bất thường về lưu lượng, mực nước, chất lượng nguồn nước trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 78. Giải quyết tranh chấp, bất đồng về nguồn nước liên quốc gia

Tranh chấp, bất đồng liên quan đến tài nguyên nước giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ có chung nguồn nước được giải quyết trên cơ sở các nguyên tắc quy định tại Điều 75 của Luật này, thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trường hợp tranh chấp, bất đồng liên quan đến nguồn nước liên quốc gia xảy ra trong lưu vực sông có tổ chức lưu vực sông quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia còn phải được giải quyết theo quy định của tổ chức lưu vực sông quốc tế.

Chương VIII

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 79. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quản lý lưu vực sông, nguồn nước và có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước;

b) Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; định mức, đơn giá về quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước;

c) Xây dựng và công bố bộ chỉ số quốc gia về an ninh nguồn nước và chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước;

d) Tổ chức lập, đề xuất điều chỉnh danh mục lưu vực sông liên quốc gia, danh mục lưu vực sông liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; ban hành, điều chỉnh danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước mặt liên quốc gia, danh mục nguồn nước mặt liên tỉnh, danh mục nguồn nước dưới đất;

đ) Phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; đào tạo nguồn nhân lực về tài nguyên nước;

e) Tổ chức quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo về mưa, lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các hiện tượng bất thường về tài nguyên nước;

g) Quản lý, lưu trữ, công bố, xuất bản các tài liệu, thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; tổ chức xây dựng, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước theo thẩm quyền;

h) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia, việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế có liên quan đến tài nguyên nước; chủ trì các hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên nước;

i) Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và các tổ chức lưu vực sông khác;

k) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo thẩm quyền;

l) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước nông thôn và bảo đảm về an toàn đập, hồ chứa thủy lợi thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Bộ Công Thương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Bộ Xây dựng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình cấp, thoát nước đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung và khu chức năng thuộc phạm vi quản lý theo các quy định về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước và thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Bộ Ngoại giao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương liên quan tham gia ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế liên quan đến tài nguyên nước; tham gia thực hiện hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực tài nguyên nước.

7. Bộ Quốc phòng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức thực hiện xây dựng, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, sự cố mất an toàn đập, hồ chứa, ứng phó với sự cố, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn liên quan đến nước theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự, pháp luật về tình trạng khẩn cấp và pháp luật có liên quan; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, quản lý, vận hành hệ thống quan trắc nguồn nước xuyên biên giới.

8. Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt đặc biệt quan trọng; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thảm họa liên quan đến nước; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, khu vực xảy ra sự cố, thảm họa liên quan đến nước theo quy định của pháp luật.

9. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

Điều 80. Trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước;

b) Tổ chức thực hiện Chiến lược tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, quy hoạch về tài nguyên nước; lập, tổ chức thực hiện phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh;

c) Xác định các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ nước dưới đất;

d) Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền;

đ) Cung cấp thông tin, số liệu để xây dựng kịch bản nguồn nước; ban hành, điều chỉnh danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh;

e) Phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả;

g) Quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; tổ chức giám sát tài nguyên nước theo phân cấp; báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tình hình quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên địa bàn;

h) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn;

i) Tổ chức xây dựng, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước theo thẩm quyền;

k) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên phổ biến, tuyên truyền, truyền thông về tài nguyên nước;

l) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này;

b) Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước theo thẩm quyền; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

c) Phổ biến, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn;

d) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tình hình quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

đ) Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công; tổ chức đăng ký hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, theo thẩm quyền;

e) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

g) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; phối hợp với cơ quan, tổ chức quản lý trạm, công trình quan trắc, đo đạc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này;

b) Phổ biến, tuyên truyền về tài nguyên nước nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn;

c) Tiếp nhận, quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo phân công; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định;

d) Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện việc khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho sinh hoạt;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp trên;

e) Thực hiện trách nhiệm khác theo quy định của Luật này.

Điều 81. Điều phối, giám sát hoạt động bảo vệ, điều hoà, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông

1. Việc điều phối, giám sát được thực hiện đối với các hoạt động sau đây trên lưu vực sông:

a) Phối hợp các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông;

b) Điều hoà, phân phối tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng khai thác nước dưới đất; điều hòa, phân phối tài nguyên nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước trên lưu vực sông;

c) Xây dựng, vận hành đập, hồ chứa và các công trình điều tiết nước trên sông; dự án chuyển nước và các công trình khai thác nước quy mô lớn, quan trọng trên lưu vực sông;

d) Xả nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng chất lượng nguồn nước; khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trên lưu vực sông;

đ) Hoạt động sử dụng đất, khai thác khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng trên lưu vực sông;

e) Hoạt động cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông, ven hồ;

g) Xây dựng, thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông, dự án có hoạt động chuyển nước hoặc xây dựng hồ, đập trên sông; hệ thống hỗ trợ ra quyết định để điều hòa, phân phối điều tiết nguồn nước trên lưu vực sông liên tỉnh.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của tổ chức lưu vực sông, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước và điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông nội tỉnh.

4. Tổ chức lưu vực sông thực hiện điều phối, giám sát và có các nhiệm vụ sau đây:

a) Theo dõi, giám sát các hoạt động liên quan đến bảo vệ, điều hoà, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra;

b) Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng quy hoạch về tài nguyên nước và các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có nội dung khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy trình vận hành liên hồ chứa;

c) Theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch về tài nguyên nước, quy trình vận hành liên hồ chứa; kiến nghị điều chỉnh trong trường hợp cần thiết;

d) Kiến nghị các giải pháp giải quyết tranh chấp, bất đồng giữa Việt Nam với các quốc gia trong lưu vực sông liên quốc gia; theo dõi, giám sát các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước của các quốc gia thượng nguồn;

đ) Đề xuất phương án giải quyết các vấn đề trong bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước, xả nước thải, ô nhiễm nguồn nước;

e) Tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng, phê duyệt chương trình, đề án, dự án có ảnh hưởng lớn đến tài nguyên nước và trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư liên quan đến tài nguyên nước;

g) Hỗ trợ các địa phương trong việc quyết định điều hoà, phân phối tài nguyên nước;

h) Tham gia giải quyết mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông;

i) Tổ chức hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất phương hướng, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia, công trình trọng điểm cấp quốc gia có liên quan đến tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác trên lưu vực sông do Chính phủ quy định.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức lưu vực sông.

Chương IX

THANH TRA, KIỂM TRA VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

Điều 82. Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước

1. Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước.

2. Tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 83. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước

1. Mục đích của kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; phát hiện tồn tại, hạn chế để nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước; phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

2. Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước được thực hiện theo kế hoạch, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; không trùng lặp về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị; khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra.

3. Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp có thể gia hạn một lần nhưng thời gian gia hạn không quá 10 ngày.

4. Trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước;

b) Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 84. Sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan đến tài nguyên nước

1. Sửa đổi, bổ sung điểm 3 thuộc Phụ lục II - Danh mục các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 15/2023/QH15 và Luật số 16/2023/QH15 như sau:

3

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15

2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 59/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14 và Luật số 16/2023/QH15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 27 như sau:

“d) Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 44 như sau:

“c) Khoan, đào, khảo sát địa chất; thăm dò, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng;”;

c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 56 như sau:

“c) Chỉ đạo điều hòa, phân phối nước và tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch sử dụng nước trong hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương thực hiện việc điều tiết nước hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;”.

3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15,Luật số 08/2022/QH15, Luật số 09/2022/QH15 và Luật số 20/2023/QH15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 16 như sau:

“g) Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước;”;

b) Sửa đổi, bổ sung một số điểm thuộc Phụ lục IV - Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:

213

Kinh doanh dịch vụ khai thác tài nguyên nước

214

Kinh doanh dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước; dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa

4. Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 4 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2022/QH15 như sau:

“c) Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước;”.

5. Bãi bỏ Điều 5 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14.

Điều 85. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

2. Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 72/2020/QH14 (sau đây gọi chung là Luật số 17/2012/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 86 của Luật này.

3. Việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

4. Việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.

Điều 86. Quy định chuyển tiếp

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép về tài nguyên nước theo quy định của Luật số 17/2012/QH13 thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn ghi trong giấy phép và được gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước để cấp cho sinh hoạt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt theo quy định của Luật này và phải hoàn thành việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2025.

3. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước để cấp cho nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không thuộc đối tượng nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật số 17/2012/QH13 thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với lượng nước cấp cho nông nghiệp đến hết thời hạn ghi trong giấy phép về tài nguyên nước.

4. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này được cấp, gia hạn giấy phép khai thác nước mặt để cấp cho nông nghiệp theo quy định của Luật này thì phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này cùng thời điểm thu tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khi Nhà nước không thực hiện chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi và pháp luật về giá.

5. Trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép về tài nguyên nước trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa được cấp phép thì được thực hiện theo quy định của Luật số 17/2012/QH13, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị thực hiện cấp giấy phép theo quy định của Luật này.

6. Trường hợp công trình thủy lợi đã xây dựng và khai thác trước ngày 01 tháng 01 năm 2013 mà chưa được đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật này chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2027.

7. Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh được tiếp tục thực hiện đến khi hết thời hạn quy hoạch tỉnh hoặc đến khi nội dung này trong quy hoạch tỉnh được điều chỉnh.

8. Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm e và điểm g khoản 5 Điều 52 của Luật này có hồ, ao, kênh, mương, rạch để tạo không gian thu, trữ nước, dẫn nước, tạo cảnh quan và sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì phải hoàn thành thủ tục đăng ký sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Luật này chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2026.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No. 28/2023/QH15

Hanoi, November 27, 2023 

 

LAW

ON WATER RESOURCES

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly hereby promulgates the Law on Water Resources.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Law provides for management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources; prevention of, response to and recovery from damage caused by water in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 2. Definitions

For the purposes of this Law, the terms below shall be construed as follows:

1. “water resources” include surface water, groundwater, rainwater and seawater.

2. “water sources” means any artificial or natural accumulation of water. Natural accumulations of water consist of rivers, streams, canals, ditches, lakes, ponds, lagoons, underground aquifers and any other accumulation of naturally occurring water. Artificial accumulations of water encompass hydroelectric reservoirs, irrigation reservoirs, rivers, canals, ditches, lakes, ponds, lagoons and any other accumulation of water created by human beings.

3. “surface water” means water existing on the surface of the mainland or islands.

4. “groundwater” means water existing in underground aquifers on the mainland, on islands or beneath the seabed.

5. “transboundary surface water source” mean a source of surface water occurring within the territory of Vietnam and that of another country.

6. “inter-provincial surface water source” means a source of surface water occurring within two or more provinces or central-affiliated cities.

7. “intra-provincial surface water source” means a source of surface water occurring within one province or central-affiliated city.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. “transboundary river basin” means a river basin lying within the territory of Vietnam and that of another country.

10. “inter-provincial river basin” means a river basin lying within two or more provinces or central-affiliated cities.

11. “intra-provincial river basin” means a river basin lying within one province or central-affiliated city.

12. “domestic water source” means a source of water that has the function of supplying water to domestic activities.

13. “water source pollution” means an alteration in the physical, chemical or biological properties of water, making it unconformable with applicable standards and technical regulations on environment, thus exerting adverse impacts on human beings, creatures and nature.

14. “water source deterioration” means a decline in quantity and quality of a source of water, exerting adverse impacts on the exploitation and use of water and aquatic ecosystems.

15. “water source depletion” means a drastic decline in the quantity of a source of water that makes it no longer exploitable or usable.

16. “function of a water source” means the ability of a water source to provide its values and benefits to serve purposes of water.

17. “carrying capacity of surface water source” means the limit at which a water source has the ability to receive an additional amount of pollutants while ensuring its quality for its intended purposes in compliance with standards and technical regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



19. “groundwater exploitation threshold” means the permissible limit at which groundwater is exploited in order not to cause saltwater intrusion, water source deterioration or depletion, land subsidence or adverse impacts on water sources and the environment.

20. “domestic water safeguard zone” means the vicinity of the area where domestic water is obtained, which must be protected under regulations to prevent and control domestic water source pollution.

21. “water source protection corridor” means part of land along or surrounding a surface water source, which is intended for protecting the water source and maintain its functions.

22. “water source restoration” means a measure to improve the quantity and quality of water to restore the flow and functions of a water source and foster the economic, ecological, cultural and historical values associated with the water source.

23. “water security” means the assurance about quantity and quality of water to secure livelihoods in all circumstances, meeting the demands for using water for socio-economic development, national defense, security and environmental activities and minimizing water-related risks and damage caused by human beings and nature.

24. “exploitation and use of water resources” means the exploitation and realization of potentials and values of water resources with a view to livelihood protection, socio - economic development, environmental protection and preservation of religious activities, practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity.

25. “real-time reservoir operation” means a process for continuously and instantaneously operating and regulating a reservoir by way of compliance with the reservoir operation procedures, and real-time updating of hydrometeorological information, data and forecasts.

26. “wastewater” means water of which characteristics and nature are changed. It is discharged from production, business, services, daily-life activities or other activities.

27. “water reuse” means the reuse of wastewater which has met national technical regulations and is appropriate to its intended use.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



29. “water source development” means a measure to increase the capacity for water retention, water storage, water conveyance and sustainable exploitation and use of water and to increase the values of water resources.

Article 3. Principles of management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources; prevention of, response to and recovery from damage caused by water

1. Sovereignty, unity and territorial integrity, national interests are safeguarded, fairness and reasonableness are ensured during the management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water; water security is ensured so as for the people to access and use water in a fair and reasonable manner.

2. Water resources must be managed in an integrated and uniform manner in terms of their quantity and quality; between surface water and groundwater; between upstream areas and downstream areas in connection with management of other natural resources.

3. Water resources management must ensure the uniformity by river basins and water sources in association with the management by administrative divisions; the responsibility for state management of water resources and water sources must be assigned and delegated independently of the responsibility for state management of planning, construction and operation of hydraulic structures, hydropower projects, urban and rural water supply facilities.

4. Prevention must be prioritized in the protection of water resources in connection with the protection of quantity and quality of water; the protection and enhancement of forest quality must be associated with the protection and development of water generation sources and functions of water sources.

5. The exploitation and use of water resources must be declared, registered and licensed within the supply capacity of the water source according to plans to regulate and distribute water resources and water resource-related planning; the integrated, multi-purpose, economical and efficient use must be ensured.

6. The management, exploitation and use of water resources must be appropriate to the laws of nature and natural conditions; culture, history, religion, folk beliefs; market mechanism and level of socio - economic development.

7. The prevention of, response to and recovery from damage must be carried out using proactive plans and measures; in a manner that ensures harmonious combination of interests of the country, regions, localities, industries and sectors; in a manner that combines advanced science and technology with traditional experience and suitability for socio - economic conditions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Every agency, organization or individual has the right and obligation to protect, restore, develop, exploit and use water resources, prevent, respond to and recover damage caused by water.

Article 4. State policies on water resources

1. Modernize and professionalize the management of water resources in the direction of managing national water resources on the digital platform through the national water resources information system and database, and system of decision support tools, ensuring the efficient use of resources for water resources management.

2. Prioritize the investment in the prospecting, exploration and exploitation of water sources, water retention and restoration of deteriorated, depleted or polluted water sources; offer incentives for water exploitation projects aiming to supply domestic and production water to inhabitants in areas facing fresh water scarcity, ethnic minority areas, mountainous areas, border areas, on islands, disadvantaged areas, extremely disadvantaged areas; enable the poor, women, children, persons with disabilities and other vulnerable persons to have access to domestic water.

3. Prioritize the investment in creation of water resources monitoring and surveillance network, national water resources information system and database, and enhancement of the capacity for forecasting water resources, floods, inundations, droughts, saltwater intrusion, sea level rise and other damage caused by water.

4. Encourage, incentivize, and assist organizations and individuals to participate in conducting baseline survey of water resources; protect and develop water sources and water generation sources; store water and restore deteriorated, depleted, and polluted water sources; regulate and distribute water resources; prevent, respond to and recover damage caused by water.

5. Encourage organizations and individuals to develop and apply standards, research, transfer and apply advanced science and technology to manage, protect, restore and develop water resources; exploit and use water in an economical and effective manner, use water in a circular manner, reuse water; convert seawater into fresh water; collect and use rainwater, artificially recharge groundwater; restore deteriorated, depleted and polluted water sources; prevent, respond to and recover damage caused by water.

6. Expand and strengthen international integration and cooperation in water resources.

Article 5. Lists of river basins, lists of water sources

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Lists of river basins include:

a) List of transboundary river basins;

b) List of inter-provincial river basins;

c) List of intra-provincial river basins.

3. Lists of water sources include:

a) List of transboundary surface water sources, list of inter-provincial surface water sources, list of intra-provincial surface water sources;

b) Lists of groundwater sources.

Article 6. Development of science and technology in management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water

1. Scientific research, and technology application and development shall be intended for:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Carrying out water source monitoring, surveillance and forecasting;

c) Regulating and distributing water resources on the digital platform; developing a system of decision support tools, and procedures for real-time operation of reservoirs and inter-reservoirs;

d) Measures to respond to, prevent and control droughts, water scarcity, floods, inundations, saltwater intrusion, land subsidence, river and lake channel, bank and terrace erosion; applying advanced technologies for converting seawater into fresh water;

dd) Solution for artificial recharge of groundwater;

e) Using water in a circular manner, reusing water, improving the efficiency in use of water for production, business operation and service provision;

g) Treating wastewater, improving and restoring deteriorated, depleted, and polluted water sources; solutions for developing water resources, protecting water generation sources;

h) Operating and regulating reservoirs, exploiting and using water resources in a reasonable manner; control water sources, create sources, store water and build water connection and transfer networks;

i) Developing water conservation equipment and technologies; improving, renewing and upgrading water-consuming equipment.

2. Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees shall, within their jurisdiction, design and execute scientific research and technology development programs to service the management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 7. National water resources information system and database

1. Information and data on water resources include:

a) Quantity and quality of water;

b) Figures on exploitation and use of water resources and discharge of wastewater into water sources;

c) Data on inventorying, survey and assessment of water resources, water resource-related planning;

d) Information and figures on declaration, registration and licensing of exploration, exploitation and use of water resources;

dd) List of river basins; list of water sources; list of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation; water source protection corridors; water source functions; minimum flow; groundwater exploitation threshold; river and stream cross section; zoning map for drought and water scarcity risks; list and zoning map of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation and other information on water resources;

e) Information and figures on water resource monitoring prescribed in Article 51 of this Law and figures on hydrometeorological monitoring and water environment quality.

2. The State allocates its budget for investment in creation, management, operation and maintenance of the national water resources information system and database.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Integrate, connect, exchange, and share water resources data with databases related to baseline survey, exploitation, and use of water resources by agencies, organizations and individuals; ensure information security and safety;

b) Facilitate the provision of public services concerning water resources; access to and use of information and data and updating of information on the national water resources information system and database under regulations of law.

4. Organizations and individuals are encouraged to sponsor, assist in and apply new technologies for building, managing, operating and maintaining the national water resources information system and database.

5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the creation, management, operation and maintenance of the national water resources information system and database; update the information and data on water resources specified in clause 1 of this Article under its management on the national water resources information system and database

6. Ministries and ministerial agencies shall direct the connection and exchange of data on water resources specified in clause 1 of this Article under its management with the national water resources information system and database.

7. Provincial People’s Committees shall direct the provision and updating of information and data on water resources specified in clause 1 of this Article under its management on the national water resources information system and database.

8. Organizations and individuals are encouraged to share and update information and data on water resources which they have on the national water resources information system and database and they shall be given priority upon exploitation and use of information and data on national water resources information system and database.

9. The Government shall elaborate this Article.

Article 8. Prohibited acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Discharging wastewater into groundwater sources; discharging wastewater that has yet to be treated in accordance with environmental technical regulation on wastewater into surface water sources and seawater.

3. Discharging wastewater and introducing wastes into domestic water safeguard zones.

4. Illegally exploring, exploiting and using water resources, practicing groundwater drilling.

5. Encroaching on rivers, streams, canals or ditches or carrying out river, stream, ditch or channel reclamation, unless otherwise prescribed by law; placing obstructions or obstacles, building architectures or planting trees, thus hindering flood drainage and water flow of rivers, streams, reservoirs, canals or ditches but taking no remedial measures.

6. Illegally exploiting sand, gravel, sludge, soil and other types of minerals in rivers, streams, canals, ditches or lakes within water source protection corridors; carrying out drilling or digging operations, building houses, architectural objects or conducting within water source protection corridors, thereby resulting in river, stream, canal, ditch or lake bank erosion.

7. Destroying facilities intended for protection, regulation or storage of water, exploitation, use, monitoring and surveillance of water resources, facilities intended prevention of, response to and recovery from damage caused by water.

8. Falsifying information and data on water resources.

9. Failure to comply with procedures for operating reservoirs and inter-reservoirs promulgated by competent authorities.

10. Building dams, reservoirs or facilities for water regulation or storage or water source development in contravention of water resource-related planning, provincial planning and other relevant planning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



BASELINE SURVEY, STRATEGIES AND PLANNING FOR WATER RESOURCES

Section 1. BASELINE SURVEY OF WATER RESOURCES

Article 9. Activities serving baseline survey of water resources

1. Activities serving baseline survey of water resources are meant to collect information and data in support of formulation of the national water resource strategy and water resource-related planning, management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water.

Activities serving baseline survey of water resources covered by the state budget shall be appraised by competent authorities and results thereof must be accepted under regulations imposed by the Minister of Natural Resources and Environment.

2. Baseline survey of water resources shall adhere to the principles of uniformity, consistency, inheritance and economical and efficient use of resources.

3. Baseline survey of water resources includes the following activities:

a) Surveying and assessing water resources;

b) Inventorying water resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Building and maintaining water resource monitoring networks and water source surveillance, warning and forecasting networks; building and operating the system of decision support tools;

dd) Measuring river or stream cross section; assessing the progress in river channel, bank or terrace erosion; carrying out investigation and survey in service of formulating the groundwater protection plan and establishing water source protection corridors;

e) Constructing water source scenarios; submitting reports on exploitation and use of water resources by provinces, central-affiliated cities and Ministries concerned to the Ministry of Natural Resources and Environment for consolidation.

4. The planning for baseline survey of water resources is prescribed as follows:

a) The planning for baseline survey of water resources is the technical and specialized planning. The formulation of the planning for baseline survey of water resources shall rely on the socio - economic development, national defense and security strategy/plan, national water resource strategy and water resource planning.

b) The comprehensive planning for baseline survey of water resources contains the following contents: assessment of results of implementation of planning in the previous period; determination of requirements for information and data on water resources, exploitation and use of water resources nationwide; determination of baseline survey of water resources according to clause 3 of this Article and the order of priority for implementation during the planning period; water resources monitoring network; solutions, funding, plans and schedule for implementation; integration of list of transboundary surface water sources, list of inter-provincial surface water sources, and list of groundwater sources;

c) The planning for baseline survey of water resources covers a period of 10 years. Its orientations cover a period of 30 years;

d) The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the formulation and adjustment of the planning for baseline survey of water resources and submit it to the Prime Minister for approval.

5. The Government shall elaborate clause 3 of this Article and promulgate regulations on formulation, appraisal, approval and adjustment of the planning for baseline survey of water resources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Activities serving baseline survey of water resources shall be carried out according to the following regulations:

a) The activity specified in point d clause 3 Article 9 of this Law shall be conducted on a regular basis;

b) The activity specified in point e clause 3 Article 9 of this Law shall be conducted on an annual basis;

c) The activities specified in points b, c and dd clause 3 Article 9 of this Law shall be conducted every 05 years;

d) The activity specified in point a clause 3 Article 9 of this Law shall be conducted according to the comprehensive planning for baseline survey of water resources; if such activity has to be conducted on an ad hoc basis to undertake a task in emergency case during state management of water resources within a province, it is subject to the decision by the Chairperson of the provincial People's Committee or within two provinces or central-affiliated cities, it is subject to the decision by the Minister of Natural Resources and Environment, except for the cases decided by the Prime Minister.

2. Funding for baseline survey of water resources shall be covered by the annual state budget for regular expenditures and development investment in accordance with regulations of law on state budget and law on public investment.

3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the conduct of baseline survey of water resources nationwide, except for the case specified in clause 4 of this Article; consolidate results of baseline survey of water resources nationwide.

4. Every provincial People’s Committee shall formulate a plan for and organize the conduct of baseline survey of water resources nationwide in areas under its management, consolidate and update results on the national water resources information system and database as prescribed in Article 7 of this Law.

5. Any organization or individual conducting baseline survey of water resources nationwide using the state budget must update information and results thereof on the national water resources information system and database as prescribed in Article 7 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 2. STRATEGIES AND PLANNING FOR WATER RESOURCES

Article 11. National water resource strategy

1. The national water resource strategy shall serve as the basis for formulating water resource-related planning and comprehensive planning for baseline survey of water resources.

The formulation of the national water resource strategy shall rely on the result of baseline survey, water source forecasts and impacts of climate change on water resources and fulfill the following requirements:

a) Conformity with the national comprehensive planning; the socio - economic development, national defense and security strategy/plan;

b) Assurance of water security; protection and development of water sources; economical and efficient exploitation and use of water resources;

c) Water demand, supply capacity of the water source and international cooperation orientations; treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. The national water resource strategy shall primarily consists of:

a) Viewpoints and instructional principles, visions and objectives for the protection, exploitation, use and development of water sources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The national water resource strategy shall be formulated for a 10-year period, with a 50-year vision.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with Ministries, ministerial agencies concerned and provincial People’s Committees in formulating a national water resource strategy, and submit it to the Prime Minister for approval.

Article 12. Water resource-related planning

1. Water resource-related planning includes:

a) Water resource planning, which is national sector planning implemented under regulations of law on planning. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the formulation of water resource planning:

b) Comprehensive inter-provincial river basin planning, which is technical and specialized planning, realizes the water resource planning and formulated for a 10-year period, with a 20 to 30-year vision;

c) Planning for protection, exploitation and use of transboundary water sources, which is technical and specialized planning, formulated and adjusted with the cooperation between countries sharing water sources and formulated under the agreement between countries sharing water sources.

2. Subjects of water resource-related planning include surface water and groundwater.

3. Opinions of the Ministry of Natural Resources and Environment about the conformity with the water resource-related planning must be obtained upon formulation and adjustment of Ministries and ministerial agencies’ technical and specialized planning covering the contents related to exploitation and use of water resources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 13. Bases for formulating comprehensive inter-provincial river basin planning

1. National water resource planning, water resource planning, socio - economic development, national defense and security strategy/plan, other relevant planning.

2. Natural and socio - economic conditions of each locality along river basins, each region, specific conditions of each river basin, supply capacity of the water source and projected impacts of climate change on water resources.

3. Demands for exploitation and use of water resources by industries and local authorities and for environmental protection.

4. Results of baseline survey of water resources.

5. Approved tasks of formulating comprehensive inter-provincial river basin planning.

Article 14. Principles of formulating comprehensive inter-provincial river basin planning

The formulation of comprehensive inter-provincial river basin planning shall comply with regulations of law on planning and the following principles:

1. Ensure the integrity between surface water and groundwater, between the exploitation and use of water resources and the protection and development of water sources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Ensure that it serves as the basis for formulating other technical and specialized planning containing contents related to the exploitation and use of water resources, surface water quality management plan, and plan for groundwater protection and water resource regulation and distribution.

Article 15. Tasks of formulating comprehensive inter-provincial river basin planning

1. Tasks of formulating comprehensive inter-provincial river basin planning are mainly composed of:

a) Bases for formulating the planning;

b) Overview on inter-provincial river basins;

c) Subjects, scope and contents of the planning;

d) Solutions, funding, plan and schedule for formulating the planning;

dd) Responsibility of relevant agencies for organizing formulation of the planning.

2. The Minister of Natural Resources and Environment shall approve tasks of formulating comprehensive inter-provincial river basin planning.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The comprehensive inter-provincial river basin planning mainly includes:

1. Analysis and assessment of natural and socio - economic conditions and related socio - economic development orientations; status of management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources; prevention of, response to and recovery from damage caused by water;

2. Projected trends in quantity and quality of water sources and water demands of industries during the planning period; zoning of water source functions; areas frequently hit by or at risk of drought or water scarcity; threshold and amount of water that can be exploited for each river section, each area, and aquifer; minimum flow in rivers and streams; review and production of statistics of facilities for regulation, storage, exploitation and use of water and development of water sources; determination of water resource issues to be resolved during the planning period;

3. Viewpoints and objectives of the planning;

4. Orientations for regulation, distribution and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water encompass:

a) Distribution of amount of water, order of priority for regulation and distribution of water resources in the case of drought or water scarcity to industries, localities, and entities exploiting and using water resources; determination of water sources and backup facilities for domestic water supply; river basin water transfer (if any);

b) Determination of large-sized dams, reservoirs and facilities for water regulation and storage and water source development, having inter-regional or inter-provincial impacts or great impacts on water sources;

c) Structural and non-structural solutions for protecting water sources and minimizing damaged caused by water;

d) Restoration of deteriorated, depleted or polluted water sources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Other contents specific to each river basin;

5. Solutions, funding and plan for implementation and supervision of the implementation of the planning.

Article 17. Organizing formulation and approval of comprehensive inter-provincial river basin planning

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction, Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees concerned in formulating comprehensive inter-provincial river basin planning, and submit it to the Prime Minister for approval.

2. Before submitting it to a competent authority for approval, it is required to collect written opinions about the comprehensive inter-provincial river basin planning from Ministries, ministerial agencies, provincial People’s Committees, river basin organizations, organizations and individuals exploiting and using water on large scale and other related organizations and individuals.

3. The authority organizing formulation of comprehensive inter-provincial river basin planning may formulate the planning itself or hire a planning consultancy to do so.

4. Technical provisions, norms and unit prices for formulation of comprehensive inter-provincial river basin planning shall comply with regulations imposed by the Minister of Natural Resources and Environment.

5. The Government shall elaborate on the formulation, appraisal and approval of comprehensive inter-provincial river basin planning; promulgate a list of inter-provincial river basins for which planning is required.

Article 18. Announcing and organizing formulation of comprehensive inter-provincial river basin planning

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Organizations, individuals and residential communities are enabled to exercise their rights to supervise and propose measures for implementation of comprehensive inter-provincial river basin planning.

3. Information, data and calculation models used to formulate comprehensive inter-provincial river basin planning must be managed on the digital platform, updated and connected to the national water resources information system and database.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the implementation of comprehensive inter-provincial river basin planning; update information and data on comprehensive inter-provincial river basin planning dossiers on the national water resources information system and database in compliance with regulations of law on planning.

Article 19. Review and adjustment of comprehensive inter-provincial river basin planning

1. The review of comprehensive inter-provincial river basin planning shall be conducted according to the following regulations:

a) The planning shall be review every 05 years;

b) The authority organizing planning formulation shall organize the planning review;

c) The review results shall be reported to the Prime Minister.

2. The comprehensive inter-provincial river basin planning shall be reviewed and adjusted in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A newly formed key national project or work affects water resources;

c) The occurrence of fluctuations in natural conditions greatly impacts water resources;

d) The zoning of water source functions; the addition, adjustment of the size or removal of a dam, reservoir or facility for water regulation and storage and water source development from the planning and other local adjustments are requested by the Ministry, ministerial agency or provincial People’s Committee concerned.

3. The Prime Minister shall decide to adjust comprehensive inter-provincial river basin planning, except for the case where the Prime Minister decides to decentralize authority as specified in clause 4 of this Article.

4. In case of making local adjustments to the zoning of water source functions; adding to, adjusting or removing from the comprehensive inter-provincial river basin planning a dam, reservoir or facility for water regulation and storage and water source development and making other local adjustments without basically changing main contents of the planning, the Prime Minister shall decide decentralize authority to the Minister of Natural Resources and Environment to approve the adjustments and report the result to the Prime Minister.

5. The formulation, collection of opinions, appraisal, announcement and organization of implementation of the comprehensive inter-provincial river basin planning shall be carried out as in the case of formulating comprehensive inter-provincial river basin planning as prescribed in Article 17 of this Article, except for the case of making local adjustments as specified in clause 4 of this Article.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 20. Plan for exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water under provincial planning

A plan for exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water under provincial planning shall include the contents in accordance with regulations of law on planning and the following contents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Projected demand for use of water during the planning period;

3. Orientations for investment in establishment of a water resource monitoring network within the province;

4. Determination of small and medium-sized dams, reservoirs or facilities for water regulation and storage and water source development.

Chapter III

PROTECTION OF WATER RESOURCES AND RESTORATION OF WATER SOURCES

Article 21. Protection of surface water sources

Protection of surface water sources mainly includes:

1. Managing water source protection corridors;

2. Maintaining minimum flow in rivers and streams; ensuring the flow circulation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Protecting surface water sources having the functions of water regulation and supply and flooding prevention and control; water sources having the functions of protection and preservation of religious activities, practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity, and tourism development;

5. Protecting and developing water generation sources;

6. Protecting surface water environment under regulations of law on environmental protection.

Article 22. Water source functions

1. A water source serves one or more basic functions below:

a) Supply water for domestic activities;

b) Supply water for agricultural production and aquaculture;

c) Supply water for industrial production; business operation and service provision;

d) Supply water for hydropower;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Serve inland waterway and maritime traffic;

g) Create landscapes and environment; develop tourism; maintain the development of aquatic ecosystems; protect and conserve biodiversity; store and drain flood.

2. A water source function shall serve as one of the bases for choosing solutions for protecting, improving and restoring deteriorated, depleted or polluted water sources; deciding the approval and licensing of projects that discharge wastewater into water sources in accordance with regulations of law on environmental protection.

3. A water source function shall be determined according to the status and demands for exploitation and use of water by industries and localities, requirements for protection and preservation of religious activities, practices of folk beliefs, cultural values, biodiversity, aquatic ecosystems, creation of landscapes and environment, flood storage and drainage and supply capacity of the water source.

4. Surface water sources must be zoned as per regulations imposed by the Minister of Natural Resources and Environment to adopt water source protection measures.

5. The zoning of surface water sources determined under the comprehensive inter-provincial river basin planning with respect to inter-provincial surface water sources and under the provincial planning with respect to intra-provincial surface water sources.

The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the review of water source functions during the process of reviewing comprehensive inter-provincial river basin planning; the provincial People’s Committee shall organize the review of water source functions under the provincial planning. If planning is unavailable or the planning has yet to state water source functions, the Ministry of Natural Resources and Environment shall determine and announce functions regarding inter-provincial surface water sources, the provincial People’s Committee shall determine and announce functions regarding intra-provincial surface water sources.

6. A water source function shall be considered and adjusted in the following cases:

a) There is a change to the requirements for water source protection in service of socio - economic development;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Wastewater discharged into surface water sources must meet environmental technical regulation on wastewater and be appropriate to the waste water functions. The discharge shall adhere to regulations of law on environmental protection.

Article 23. Water source protection corridors

1. A water source protection corridor shall be established to maintain the bank stability, prevent and combat the encroachment upon land along the water source; to prevent and combat activities threatening to pollute and deteriorate the water source; to maintain the development of aquatic ecosystems, flora and fauna along the water source; to protect and preserve religious activities, practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity, maintain the development of tourism in relation to the water source.

2. Water sources for which protection corridors are required include:

a) Dams, hydroelectric and irrigation reservoirs in rivers and streams;

b) Reservoirs in rivers and streams other than those specified in point a of this clause;

c) Lakes, ponds and lagoons on the list of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation;

d) Rivers, streams, canals and ditches which are sources of water supply or water drainage channels or are important for socio-economic development and environmental protection;

dd) Water sources having the functions of protection and preservation of religious activities and practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity, and tourism development other than those specified in point c of this clause.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Water source protection corridors must be shown on cadastral maps.

5. Water source protection corridors must be announced and managed as prescribed by this Law and law on land; for the cases specified in point c clause 6 of this Article, regulations of law on irrigation, flood control system and inland waterway traffic shall be complied with.

6. The determination of water source protection corridors and planting of water source protection corridor boundary markers shall be carried out as follows:

a) Organizations managing and operating dams and reservoirs specified in point a clause 2 of this Article; organizations assigned to manage reservoirs in rivers and streams specified in point b and lakes, ponds and lagoons specified in points c and d clause 2 of this Article shall propose water source protection corridors and seek approval therefor from the provincial People's Committee; shall plant boundary markers and transfer boundary markers to the provincial People's Committee;

b) The provincial People’s Committee shall organize the determination of water source protection corridors and plant water source protection corridor boundary markers if an organization assigned to manage and operate is unavailable;

c) If a dam, irrigation reservoir, canal or ditch belongs to a hydraulic structure, the scope and boundary marker of the water source protection corridor shall be determined according to the boundary marker of the hydraulic structure protection corridor.

If the determined protection corridor boundary marker of a river, stream, canal or ditch is the channel protection corridor boundary marker and dike protection corridor boundary marker, the channel protection corridor boundary marker and dike protection corridor boundary marker shall be used in accordance with regulations of law on inland waterway traffic and law on flood control system respectively;

d) The provincial People’s Committee shall transfer water source protection corridor boundary markers to the district-level People’s Committee or communal People’s Committee for management and protection purposes.

7. Agencies, organizations, residential communities, households and individuals living, conducting production and business activities, and providing services within water source protection corridors shall fulfill the following requirements:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Do not affect the water source protection corridors approved by competent authorities;

c) Implement water resource protection measures as prescribed by law.

8. It is not permitted to build or increase the scale of hospitals, infectious disease treatment and diagnosis facilities, cemeteries, landfills, hazardous chemical production establishments, production and processing establishments generating hazardous waste within water source protection corridors. Operating establishments causing water source pollution must adopt remedial measures under regulations of law on environmental protection.

9. The Government shall elaborate this Article; promulgate regulations on determination of water source protection corridors; regulations on water sources for which protection corridor boundary markers are required and planting of water source protection corridor boundary markers.

Article 24. Minimum flow

1. Cases in which minimum flow has to be determined:

a) Rivers and streams in which water transfer structures, large dams, reservoirs and water exploitation structures exist, potentially affecting people's livelihoods, socio - economic development, and aquatic ecosystems.

According to local resources and conditions for socio - economic development, importance of water sources, requirements for natural disaster management and requirements for water source protection, the competent authority specified in clauses 6 and 7 of this Article shall decide the order of priority, locations where minimum flow needs to be maintained on each river or stream for which minimum flow needs to be determined.

b) Dams and reservoirs built in rivers and streams, except for the dams and reservoirs which have been put into operation, making it unable to adjust or add any minimum flow discharge structure item.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Water resource-related planning; technical and specialized planning containing contents related to the exploitation and use of water resources; plan for exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water under provincial planning;

b) Procedures for operating reservoirs and inter-reservoirs in river basins;

c) Plan for regulation and distribution of water resources on river basins; restoration of deteriorated, depleted or polluted water sources;

d) Plan to build dams and reservoirs in rivers and streams; projects involving water transfer;

dd) Registration and licensing of water resource exploitation;

e) Projects directly related to the maintenance of minimum flow in rivers and streams;

3. The minimum flow shall be determined adhering to the principles below:

a) Determine the minimum flow for each specific location in a river or stream and ensure the representativeness and systematicity on the river basin;

b) Ensure fairness, reasonableness, harmony of interests and equality among entities exploiting and using water resources, and between upstream and downstream localities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Conform to international agreements and treaties related to water resources with countries sharing water sources to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

4. Bases for determining minimum flow are composed of:

a) Hydrological characteristics, flow regime and functions of water sources; status and demands for exploitation and use of water resources;

b) Requirements for protection and prevention of deterioration, depletion and pollution of water sources; protection and conservation of aquatic ecosystems and biodiversity; natural disaster management; assurance about national defense, security and other requirements related to water source protection;

c) Scale, scope of impact, exploitation method and ability to regulate water for dams and reservoirs;

d) International agreements and treaties related to water resources with countries sharing water sources to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

5. The minimum flow shall be specified under comprehensive inter-provincial river basin planning for inter-provincial and transboundary rivers and streams and under provincial planning for intra-provincial rivers and streams specified in point a clause 1 of this Article.

If planning is unavailable or the planning has yet to specify the determination of minimum flow, the Ministry of Natural Resources and Environment shall determine and announce minimum flow regarding inter-provincial and transboundary rivers and streams; the provincial People’s Committee shall determine and announce minimum flow regarding intra-provincial rivers and streams.

6. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Approve and announce the minimum flow in the downstream of dams and reservoirs specified in point b clause 1 of this Article under the authority to license water resource exploitation.

7. A provincial People’s Committee shall:

a) Preside over determining and adjusting locations and values of minimum flow in intra-provincial rivers and streams and collect opinions from the Ministry of Natural Resources and Environment and agencies concerned before making a decision; announce minimum flow in intra-provincial rivers and streams;

b) Approve and announce the minimum flow in the downstream of dams and reservoirs specified in point b clause 1 of this Article under the authority to register and license water resource exploitation.

8. Organizations and individuals that manage and operate dams and reservoirs according regulations of point b clause 1 of this Article must determine and propose the minimum flow in the downstream of dams and reservoirs, state it in the registration form or application for licensing of surface water exploitation and submit it to a competent authority for approval.

9. The determination and adjustment of the minimum flow in the cases mentioned in clause 1 of this Article shall be carried out in compliance with regulations issued by the Minister of Natural Resources and Environment.

The review and adjustment of the minimum flow shall be carried out every 05 years when there is any adjustment of contents related to the exploitation and use of water resources under planning; there is any newly formed water exploitation project or structure which significantly changes the flow regime of a river or stream; there is any fluctuation in natural conditions which greatly affects the water source.

Article 25. Assurance about flow circulation

The flow circulation must be assured as per regulations of this Law and other relevant regulations of law when performing the following activities:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Building any bridge, wharf or any other structure which restricts the flow of a river, stream, canal or ditch or crosses a river, stream, canal or ditch;

3. Placing any pump or cable across a river, stream, canal or ditch or placing any cage in a river or carrying out any other activity.

Article 26. Protection of quality of domestic water sources

1. Organizations and individuals shall protect quality of domestic water sources. The person who discovers any act of polluting a domestic water source shall promptly notify the nearest People’s Committee.

2. A provincial People’s Committee shall:

a) Control activities that pose the risk of polluting domestic water sources;

b) Determine and organize the announcement of domestic water safeguard zones in consideration of proposals of organizations and individuals exploiting water resources for domestic activities in accordance with regulations issued by the Minister of Natural Resources and Environment;

c) Carry out monitoring and disclose information about quality of domestic water sources, provide warnings about abnormal phenomena in the quality of domestic water sources within its province;

d) Direct People’s Committees of districts and communes to implement measures to supervise, monitor and protect quality of domestic water within their districts and communes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The Ministry of Construction shall preside over and cooperate with the Ministry of Public Security, Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees in compiling a list of domestic water supply facilities of special importance, and submit it to the Prime Minister for approval.

5. The Ministry of Public Security shall formulate and organize the implementation of the plan to protect domestic water supply facilities of special importance mentioned in clause 4 of this Article.

6. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with provincial People’s Committees in determining and announcing domestic water safeguard zones with respect to any structures for which the domestic water safeguard zone exists in at least two provinces or central-affiliated cities.

Article 27. Protection of quality of water sources in agricultural production, aquaculture, mineral mining and other activities

1. Organizations and individuals using fertilizer, agrochemicals, aquatic veterinary drugs, aquaculture feeds, environmental treating products in aquaculture and other chemicals for cultivation, animal husbandry and aquaculture must comply with regulations of law and must not pollute water sources.

2. Establishment conducting production and business activities, providing services, mining minerals and conducting other activities are not permitted to discharge wastewater that has not been treated to meet environmental technical regulations into surface water sources or seawater; in case of using dangerous chemicals, measures should be in place to ensure safety and prevent leakage or water source pollution.

3. Organizations and individuals using water resources for inland waterway traffic, entertainment, tourism, healthcare, recreation, scientific research and other purposes must not pollute water sources.

4. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall perform state management of the use of fertilizers and agrochemicals for agricultural production according to regulations of law without causing water source pollution and impacting water source functions.

5. The provincial People's Committee shall, at the end of the mining period, consider deciding to repurpose pits for minerals, soil and building materials into reservoirs to regulate, store and supply water and create landscapes provided that all the conditions prescribed in this Law, laws on investment, land, environmental protection and minerals are complied with, and shall update and make additions to the list of intra-provincial surface water sources and the list of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Water sources having the functions of protection and preservation of religious activities, practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity, and tourism development include:

a) Water sources associated with important wetlands, biodiversity conservation areas, high-biodiversity water sources according to regulations of law on biodiversity;

b) Water sources associated with religious activities, practices of folk beliefs, scenic landscapes, historical and cultural sites/monuments that have been ranked or zoned for protection according to regulations of law on religion, folk belief, and heritage sites and other relevant regulations of law;

c) Water sources associated with natural heritage sites according to regulations of law on environmental protection.

2. The exploitation and use of water resources, discharge of wastewater into water sources and activities within water resource protection corridors specified in clause 1 of this Article must be strictly controlled and monitored to ensure that the functions of protection and preservation of religious activities, practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity, and tourism development are not impacted.

3. The State prioritizes the protection and restoration of the water sources specified in clause 1 of this Article upon their deterioration, depletion or pollution.

Article 29. Protection and development of water generation sources

1. Protection and development of water generation sources mean the management, protection and development of forests with the aim of improving the soil's ability to retain water, preventing and controlling soil erosion, landslides, saltwater intrusion, gutter-shaped floods, flash floods, protecting and developing water resources.

2. The State introduces policies to protect and develop forests, encourage the repurposing of production forests into protection forests according to planning; distribute and allocate payments for forest environmental services for protection and development of water generation sources on river basins; allocate revenues from exploitation of water resources in downstream localities to make payments to upstream localities, ensuring fairness and reasonableness.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Organizations and individuals exploiting and using water resources must make payments for forest environmental services in accordance with regulations of law on forestry.

Article 30. Groundwater exploitation threshold

1. Groundwater exploitation threshold shall serve as one of the bases to be considered during the appraisal, decision on and approval of the following tasks:

a) Water resource-related planning; provincial planning and technical and specialized planning containing contents related to the exploitation and use of water resources; determination and announcement of areas prohibited and areas restricted from groundwater exploitation;

b) Plan for regulation and distribution of water resources on river basins; restoration of deteriorated, depleted or polluted groundwater sources;

c) Licensing of groundwater exploration and exploitation;

d) Projects and solutions for artificial recharge of groundwater.

2. Groundwater exploitation threshold shall be determined according to characteristics of the water source; status and demands for exploitation and use of water resources; requirements for protection of ground water source and requirements for socio - economic development.

3. The groundwater exploitation threshold shall be determined satisfying the requirements below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Maintain the balance between the amount of water exploited and that annually recharged to aquifers and relationship with relevant aquifers;

c) Protect groundwater sources and maintain harmony between legitimate rights and interests of organizations, individuals and localities concerned.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 31. Groundwater protection

1. Organizations and individuals must fill up wells which are damaged, no longer in use or not intended for future use in the following circumstances:

a) Drill or dig wells for survey, assessment, exploration or exploitation of groundwater;

b) Carry out drilling operations for geological survey of construction works, handling of foundations of construction works or construction of underground structures;

c) Carry out drilling operations for geological exploration, mineral exploration, mineral mining, oil and gas extraction and other projects.

2. Organizations and individuals must satisfy the requirements for groundwater protection and regulations of law on environmental protection in the following circumstances:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Conduct geological survey of construction works, handle foundations of construction works or construct underground structures; carry out geological exploration, mineral exploration, mineral mining, oil and gas extraction;

c) Dewatering mines or construction pits lowering the water table and carrying other drilling, digging and experimentation activities.

3. Groundwater survey or exploration drilling and groundwater exploitation drilling must be carried out by holders of the license to practice groundwater drilling.

4. According to the groundwater protection plan, the provincial People’s Committee shall zone off, announce and adjust the list of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation; decide to remove a groundwater source from the list of areas prohibited and areas restricted from groundwater exploitation when it has been restored.

5. The determination of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation must achieve harmony between legitimate rights and interests of related organizations and individuals and such areas shall be considered and zoned off in the following areas:

a) Areas where the groundwater level is continuously decreased and at risk of exceeding the groundwater exploitation threshold;

b) Area where land subsidence has occurred or areas at risk of land subsidence;

c) Areas where groundwater sources are at risk of suffering from saltwater intrusion.

6. Any organization or individual issued with the permit for exploitation of groundwater within area restricted from groundwater exploitation may continue the exploitation until the expiry date of the permit and shall have their permit issued, extended, adjusted or re-issued if they meet all conditions but the permissible amount of water to be exploited shall not be exceeded.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The groundwater protection plan must specify the areas and aquifers where water source deterioration, depletion or pollution occurs to be protected or restored; areas to be zoned off or removed from the list of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation; groundwater exploitation plan; areas to be artificially recharged; solutions for protecting groundwater source quality.

8. The Minister of Natural Resources and Environment shall promulgate a national technical regulation on well filling as specified in clause 1 of this Article; promulgate regulations on protection of groundwater upon conducting the activities mentioned in clause 2 of this Article; promulgate regulations on formulation and adjustment of the groundwater protection plan as specified in clause 7 of this Article.

9. The Government shall elaborate clauses 3 and 5 of this Article; promulgates regulations on zoning, announcement and adjustment of areas prohibited and restricted from groundwater exploitation.

Article 32. Prevention and control of water source deterioration, depletion and pollution

1. When building an urban area, high density residential area, tourism area, recreation area, hi-tech zone, industrial park, economic zone, export-processing zone, industrial cluster or craft village, the carrying capacity of the surface water source and the supply capacity of the water source shall be taken into account and such area shall not be located within the protection corridor of the water source in river sections where a landslide occurs or at risk of a landslide.

2. An organization or individual that conducts any activity causing land subsidence, water source deterioration, depletion or pollution or saltwater intrusion must implement remedial measures; provide compensation and bear responsibility as prescribed by law if any damage is caused.

3. Wastewater generated from the production, business, service provision, urban areas or high density residential areas must be collected, treated and controlled and measures for prevention of, response to and remediation of water source pollution incidents under regulations of law on environmental protection.

4. Any organization or individual that mines minerals or constructs a structure shall immediately suspend the pumping and dewatering and take remedial measures if the pumping and dewatering lowers the water table; if any damage is caused, provide compensation and bear responsibility as prescribed by law.

5. For ponds and lakes containing wastewater or wastewater storage areas, it is required to implement water source protection measures as per regulations of law on environmental protection without causing water source pollution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Organizations and individuals conducting activities at sea must have plans, equipment and human resources for seawater pollution prevention and control.

In case of causing seawater pollution, they must take timely remedial measures and immediately notify a competent authority upon discovery; provide compensation for any damage caused according to regulations of law on environmental protection.

2. Waste generated from activities in coastal areas and on islands and activities at sea must be controlled and treated to meet standards and technical regulations according to the provisions of law before being discharged into the sea.

Article 34. Restoration of deteriorated, depleted or polluted water sources, and response to and remediation of water source pollution incidents

1. The restoration of deteriorated, depleted or polluted water sources shall be carried out as follows:

a) Make a list of deteriorated, depleted or polluted water sources to be restored;

b) Formulate a deteriorated, depleted or polluted water source restoration plan, program or project; prioritize the restoration of rivers and river sections which are depleted, have no flow or are seriously polluted on the list of degraded, depleted, and polluted water sources to be restored; allocate resources for implementation;

c) Adjust operating regimes, adding and upgrading water regulation and storage facilities, build dams, reservoirs, pumping stations, water conveyance facilities, carry out dredging to raise water, refill water and restore the flow, improve and enhance the capacity for flow circulation, quantity and quality of water sources, artificially recharge groundwater; eliminate environmental pollution; treat and control wastewater; use water in a circular manner, reuse water.

2. According to the approved water resource-related planning, degree and scope of deterioration, depletion, and pollution of water sources in river basins, and the requirements for exploitation, use, and protection of water sources, the Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with relevant ministries, ministerial agencies, and provincial People's Committees in compiling a list of deteriorated, depleted and polluted water sources to be restored; develop plans, programs and projects to restore deteriorated, depleted and polluted water sources and submit them to the Prime Minister for approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Organizations and individuals participating in the restoration of deteriorated, depleted and polluted water sources are entitled to incentives and assistance as per Articles 73 and 74 of this Law and other relevant regulations of law.

5. Funding for restoring deteriorated, depleted and polluted water sources shall be covered by the state budget, state budget dedicated to economics and environmental protection, development investment capital, environment protection funds, payments made by entities causing water deterioration, depletion and pollution and other contributions from organizations and individuals.

6. The response to and remediation of water source pollution incidents shall comply with regulations of law on environmental protection. In the case where a transboundary water source pollution incident occurs, the following regulations shall be satisfied:

a) The People’s Committee of the province which has the transboundary water source shall promptly deal with the water source pollution incident occurring in its province and report it to the Ministry of Natural Resources and Environment;

b) The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Foreign Affairs, Ministries, river basin organization and agencies concerned to cooperate with a competent authority in the country where the transboundary water source pollution incident occurs in order to immediately adopt measures to prevent it and overcome its consequences in accordance with international laws, and international agreements and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Chapter IV

REGULATION, DISTRIBUTION, EXPLOITATION AND USE OF WATER RESOURCES

Section 1. REGULATION AND DISTRIBUTION OF WATER RESOURCES

Article 35. Regulation and distribution of water resources

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Ensure water security, fairness and reasonableness among organizations and individuals exploiting and using water resources in the same river basin and between upstream and downstream areas;

b) Give priority to the quantity and quality of water supplied for domestic activities; contribute to ensuring food security and energy security, and serving essential needs of the people;

In the case of drought or water scarcity, rely on the principles and order of priority determined under the comprehensive inter-provincial river basin planning to restrict the distribution of water resources to the inessential activities that use a lot of water and prioritize the supply of water for daily activities and activities that use water in an economical and efficient manner;

c) Maintain minimum flow in rivers and streams, groundwater exploitation threshold;

d) Combine or alternate the exploitation of surface water and the exploitation of groundwater and rainwater; enhance the rainwater storage.

2. The regulation and distribution of water resources by way of regulating the operating regime of dams, reservoirs, water exploitation structures and coordinating the activities of exploitation and use of water resources in river basins and aquifers to optimize the socio-economic and environmental benefits brought by water resources and aim to regulate, distribute and regulate water resources using a system of decision support tools.

3. A decision support tool system shall be built and operate on the basis of monitoring data, hydrometeorological forecasts, water resources, status of surface water and groundwater sources, demands for exploitation and use of water resources and numerical models built and operated in each river basin and aquifers in each region.

The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the creation, management and operation of the decision support tool system. Organizations and individuals are encouraged to participate in building decision support systems and providing decision support services for regulation and distribution of water resources but shall comply with the regulations set out in Article 70 of this Law.

4. A water source scenario shall be constructed on the basis of status of water resources in river basins, hydrometeorological forecasts, water source changes and include the following main contents: status of the surface water source and ground water source, status of water storage in reservoirs in the river basin, water level in aquifers; demands for exploiting and using water resources; forecasts about trends in changes in rainfall, flow, amount of water stored in reservoirs and water levels in aquifers during a year; assessment of the degree of drought and water scarcity in the river basin.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. According to water source scenarios and requirements for management, exploitation and use of water resources, the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction and People’s Committees of provinces in inter-provincial river basins shall, within their jurisdiction, provide directions for the formulation of plans to exploit and use water resources in conformity with the water source scenarios.

7. According to the water source scenario, for a river basin which is forecast to suffer from a drought or water scarcity,  the Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with other related Ministries, ministerial agencies and provincial People's Committees in formulating and organizing the implementation of the plan to regulate and distribute water resources in compliance with the principles specified in clause 1 of this Article.

8. The Government shall elaborate this Article.

Article 36. Regulation and distribution of water resources upon occurrence of droughts and water scarcity

1. If a drought or water scarcity occurs, according to the current situation and forecasts about the status of the drought or water scarcity, the Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies, provincial People's Committee, river basin organization and other organizations concerned in reviewing, updating and implementing the plan to regulate and distribute water resources specified in clause 7 Article 35 of this Law; if a serious drought or water scarcity occurs on a large scale, report it to the Prime Minister so as for him to consider and decide a plan to regulate and distribute water resources.

2. According to the plan to regulate and distribute water resources, Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committee shall, within their jurisdiction, adopt response and damage minimization measures and comply with the following regulations:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction, other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committee concerned in regulating water sources in service of domestic activities, agricultural production, industrial production, irrigation, hydropower and other demands for exploitation and use of water resources; decide to restrict the distribution of water resources to the inessential activities that use a lot of water;

b) The Ministry of Agriculture and Rural Development shall direct the regulation and distribution of water resources within the system of hydraulic structures in accordance with regulations of law on irrigation;

c) The Ministry of Industry and Trade shall direct the regulation of hydroelectric reservoirs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Organizations and individuals shall take measures to reduce the amount of water exploited and join local government in implementing measures to respond to and overcome the water scarcity in their locality.

Article 37. River basin water transfer

1. Any project involving the transfer of water or the river, canal or ditch digging in service of water transfer that greatly affects the socio - economic development, environment and people's lives shall have details about its water transfer plan approved by a water resources authority approved. The approval shall rely on the following bases:

a) National water resource strategy, national environmental protection strategy;

b) Water resource planning, provincial planning and other relevant planning; socio - economic development plan tailored for the locality and industries related to the exploitation and use of water resources in river basins;

c) Supply capacity of the water source, demands for exploitation and use of water resources of the water transferring basin and the water receiving basin;

d) Scale of the project involving the transfer of water; degree of impact of water transfer on the exploitation and use of water resources, on the prevention and control of floods, river channel, bank and terrace erosion or saltwater intrusion and on the economy, society and environment.

2. The details about water transfer plan shall be approved before the competent authority approves the investment guidelines or make an investment decision. The written approval for details about water transfer plan shall serve as one of the bases to consider approving investment guidelines or making an investment decision.

3. The Government shall elaborate this Article; promulgate regulations on procedures and power to approve details about water transfer plans.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Dams and reservoirs shall have their reservoir operation procedures approved according to regulations of law on management of safety of dams and reservoirs prior to water storage.

2. Dams and reservoirs on the list specified in point a clause 7 of this Article shall be operated according to the inter-reservoir operation procedures.

3. Reservoir and inter-reservoir operation procedures shall rely on the requirements for ensuring safety of structures, prevention of floods and inundations, and supply of water to lowlands and adhere to the principles specified in clause 1 Article 35 of this Law.

4. Reservoir and inter-reservoir operation procedures must be established and issued in the direction of real-time operation of reservoirs so as to ensure safety of structures and lowlands, optimize water sources for their intended uses and socio - economic and environmental benefits brought by water sources.

Organizations and individuals managing and operating dams and reservoirs shall consider and invest in comprehensive technical infrastructure solutions to ensure that conditions and requirements for real-time operation of reservoirs and inter-reservoirs are met.

5. Local authorities, organizations and individuals are encouraged to participate in building or making contributions to build and operate decision support systems to operate reservoirs and inter-reservoirs ensuring the economical and efficient use of water and shall comply with the regulations set out in Article 70 of this Law.

6. Opinions of Ministries, ministerial agencies, provincial People’s Committees, river basin organizations and other organizations concerned about procedures for operating inter-reservoirs in river basins must be collected before submission thereof to a competent authority for approval.

7. Responsibility for establishing reservoir and inter-reservoir operation procedures:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall make a list of dams and reservoirs to be operated according to inter-reservoir operation procedures; preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees concerned in organizing the establishment and adjustment of procedures for operating inter-reservoirs in river basins, and submit them to the Prime Minister for approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Organizations managing and operating dams and reservoirs shall establish and adjust reservoir operation procedures and submit them to a competent authority for approval under regulations of law on management of safety of dams and reservoirs and in conformity with the inter-reservoir operation procedures.

8. Conditions and requirements for real-time operation of reservoirs and inter-reservoirs applicable to technical infrastructure, procedures for real-time inter-reservoir operation procedures shall be established and adjusted as follows:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the establishment or adjustment of real-time inter-reservoir operation procedures, and submit them to the Prime Minister for approval.

If Ministries, ministerial agencies, provincial People’s Committees and organizations managing and operating dams and reservoirs request the adjustment of real-time inter-reservoir operation procedures, they must formulate an adjustment plan and submit it to the Ministry of Natural Resources and Environment for appraisal and to the Prime Minister for approval;

b) The Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade and provincial People's Committees shall, within their jurisdiction, consider approving or adjust the real-time inter-reservoir operation procedures at the request of organizations managing and operating dams and reservoirs;

c) Organizations managing and operating dams and reservoirs are encouraged to develop and apply standards, research, transfer and apply advanced science and technology to carry out real-time reservoir operation, improve the efficiency in exploitation and use of water resources, ensure safety and supply water to lowlands.

9. For reservoirs not included in the list of dams and reservoirs for which procedures for operation of inter-reservoirs in river basins must be established as specified in point a clause 7 of this Article, according to the requirements for ensuring dam and reservoir safety, minimum flow and requirements for prevention and control of floods, droughts and water scarcity, and suply of water to lowlands, the provincial People's Committee shall compile a list of dams and reservoirs in rivers and streams in areas under its management for which regulations on cooperation in operation must be formulated and consult with the Ministry of Natural Resources and Environment thereabout before the approval.

According to the list of dams and reservoirs in rivers and streams in areas under its management for which regulations on cooperation in operation must be formulated, the provincial People's Committee shall organize the formulation of regulations on cooperation in operation between dams and lakes in rivers and streams and consult with the Ministry of Natural Resources and Environment before promulgation.

In the event that dams and reservoirs in rivers and streams for which regulations on cooperation operation must be formulated are located within two or more central-affiliated provinces or cities, the People's Committee of the province in lowlands shall preside over the formulation of regulations on cooperation operation and consult with relevant provincial People's Committee and Ministry of Natural Resources and Environment prior to the promulgation by the People's Committee of the province in lowlands.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 39. Artificial recharge of groundwater

1. The State encourages organizations and individuals to seek solutions for and carry out artificial recharge of groundwater. Priority shall be given to investment in and construction of facilities for water storage combined with artificial recharge of groundwater on islands, in water-scarce areas and areas specified in point a clause 5 Article 31 of this Law.

2. Artificial recharge of groundwater shall rely on results of assessment of conformity in terms of quality, quantity, water retention and storage ability of aquifers; demands for exploitation and use of water resources and requirements for groundwater protection; assessment of socio - economic and environmental impacts on artificial recharge of groundwater.

3. The Minister of Natural Resources and Environment hereby promulgate regulations on artificial recharge of groundwater.

Article 40. Rainmaking

Rainmaking includes making rain or increasing rainfall and must be based on the demands for exploitation and use of water resources in water-scarce areas and available conditions to decide appropriate measures and scale and be subject to approval by competent authorities in accordance with regulations of law on hydrometeorology.

Section 2. EXPLOITATION AND USE OF WATER RESOURCES

Article 41. General provisions on exploitation and use of water resources

1. The exploitation and use of water resources for domestic activities, agricultural production, aquaculture, industrial production, waterway traffic, hydropower, irrigation, sports, tourism, business, services, source creation, saltwater intrusion prevention, landscape creation and other purposes must adhere to the principles specified in Article 3 of this Law and the following regulations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The exploitation and use of water resource shall be subject to the management, supervision, regulation and distribution by water resources authorities;

c) The exploitation and use of water resources must be within the supply capacity of water sources and conformable with plans to regulate and distribute water resources;

d) The exploitation of water resources must satisfy the requirements for minimum flow in rivers and streams; groundwater exploitation threshold and quotas for water resource exploitation;

dd) Declare, register and license the exploitation and use of water resources according to the provisions of this Law.

2. The exploitation and use of water resources in transboundary rivers and streams must conform to international agreements and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

Article 42. Rights and obligations of organizations and individuals exploiting and using water resources

1. Organizations and individuals exploiting and using water resources have the right to:

a) Exploit and use water resources for domestic activities, agricultural production, aquaculture, industrial production, waterway traffic, hydropower, irrigation, sports, tourism, business, services and other purposes as per regulations of this Law and other relevant regulations of law;

b) Enjoy the benefits from the exploitation and use of water resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Convey water through adjacent real estate under the management and ownership of other organizations and individuals under regulations of law;

dd) Lodge complaints about and initiate lawsuits against acts of infringing upon their right to exploit and use water resources and other legitimate interests in accordance with relevant regulations of law;

e) Request authorities licensing the exploitation of water resources to suspend the water resource exploitation permit;

g) In case it is necessary to reduce the amount of water exploited or suspend the water resource exploitation permit at the competent authority's request, receive a reduction in the fee for water resource exploitation right corresponding to the water reduction or suspension period;

h) Other rights prescribed by law.

2. Organizations and individuals exploiting and using water resources have the obligation to:

a) Protect water resources, prevent, respond to and recover damage caused by water under regulations of this Law and other relevant regulations of law;

b) Use water for its intended purposes, in an economical, efficient and safe manner;

c) Do not hinder or cause any damage to the legal exploitation and use of water resources by other organizations and individuals;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Discharge financial obligations; provide compensation for any damage they have caused during the exploitation and use of water resources as per regulations of law;

e) Provide information and data related to the exploitation and use of water resources at the request of competent authorities; facilitate baseline survey of water resources, scientific research and research into water resources technology;

g) When changing the scale of exploitation or uses of water resources, obtain permission from a competent authority, except for the case where the registration or licensing is not required as prescribed in Article 52 of this Law;

h) Reduce or increase the amount of water exploited or adjust the operation and exploitation regime of facilities as requested by a competent authority;

i) Fulfill the quotas for water resource exploitation set by natural resource authorities;

k) Comply with the regulations set out in the water resource exploitation permit;

l) Other obligations prescribed by law.

Article 43. Exploitation of water resources for domestic activities

1. Organizations and individuals exploiting water resources for production and supply of clean water for domestic activities shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Only convey water to domestic water safeguard zones, control and supervise activities within domestic water safeguard zones;

c) Carry out monitoring of water resources, supervision of water resource exploitation and automatic, continuous and periodic monitoring and surveillance of the quality of exploited water sources according to Article 51 of this Law, connect and transmit data to the national water resources information system and database.

2. Centralized and decentralized water supply models shall be combined upon investment in construction, management and operation of domestic water supply facilities. The investment in construction, management and operation of centralized domestic water supply facilities must not militate against the water exploitation by organizations and individuals issued with the license to exploit water resources within the water supply service water.

3. The Ministry of Construction, Ministry of Agriculture and Rural Development and Ministry of Health shall, within their jurisdiction, bear the following responsibility:

a) Revise details about water supply in the planning related to supply of domestic water to urban and rural areas in conformity with water resource-related planning;

b) Promulgate and implement standards and technical regulations to ensure safety, economical and efficient use of water, and minimize water loss; promulgate national technical regulations on clean water quality used for domestic purposes; propose mechanisms and policies to support sustainable development and household safe water supply in rural areas;

c) Direct the formulation of plans for backup water supply, prevention and response to water source pollution incents, water scarcity and other incidents.

4. Provincial People's Committees shall organize the implementation of emergency measures to maintain the supply of domestic water in the case of a drought, water scarcity or serious water pollution incident causing water scarcity.

5. The Government shall promulgate regulations on production, supply and consumption of domestic water.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Organizations and individuals exploiting water resources for agricultural production shall:

a) Adopt solutions for water conservation, prevention and control of acidity, salinity and soil erosion without polluting water sources;

b) Comply with the procedures for operating reservoirs and inter-reservoirs and operating works and hydraulic structures according to Article 38 of this Law and law on irrigation;

c) Operate reservoirs, works and hydraulic structures in a manner that serves their intended purposes, maintains flow circulation and minimum flow as prescribed in Article 24 of this Law and does not cause stagnation or pollution of water sources; carry out monitoring of water resources and supervision of water resource exploitation according Article 51 of this Law; use water economically, minimize loss and waste, improve water use efficiency, and combine improvement, restoration and development of water sources.

2. The Ministry of Agriculture and Rural Development and provincial People’s Committees shall, within their jurisdiction, bear the following responsibility:

a) Review and adjust procedures for operating reservoirs, works and hydraulic structures, ensuring the economical, efficient and multi-purpose of water, preventing water loss and waste and maintaining flow circulation within the system of works without causing stagnation or pollution of water sources;

b) Direct and organize the restructuring of crop seasons or types of crops or livestock animals in a manner that suits the supply capacity of water sources, water source scenarios and plans to regulate and distribute water resources as specified in Article 35 and Article 36 of this Law; apply advanced, economical and effective irrigation technologies.

Article 45. Exploitation of water resources for hydropower

1. The exploitation of water resources for hydropower must ensure the integrated and multi-purpose use, except for small-scale water exploitation; participate in flood reduction and water supply to lowlands at the request of competent authorities; satisfy dam and reservoir safety requirements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The Ministry of Industry and Trade shall direct the review and adjustment of hydroelectric reservoir operation procedures according to Article 38 of this Law to ensure the safe, economical, efficient and multi-purpose use of water, and flood and inundation prevention; maintain the minimum flow as prescribed in Article 24 of this Law and supply of water to lowlands.

Article 46. Exploitation of water resources for salt production and aquaculture

1. The State encourages the investment in exploitation of seawater for salt production. Organizations and individuals exploiting seawater for salt production must not cause saltwater intrusion, adversely affecting agricultural production and environment.

2. Organizations and individuals exploiting water resources for aquaculture must not cause deterioration, depletion, or pollution of water sources, obstruct the flow, damage river structures, hinder waterway traffic and cause salinization of water sources.

3. Aquaculture in reservoir channels must not affect dam and reservoir safety, water source quality and dams and reservoirs’ capacity for flood prevention and control and supply of water to lowlands.

Article 47. Exploitation of water resources for industrial production, mineral mining and processing and other purposes

1. Organizations and individuals exploiting water resources for industrial production, mineral mining and processing must adopt measures to collect and treat used water to make it meet national standards and technical regulations on wastewater before discharging it into water sources.

2. Organizations and individuals exploiting and using water resources for scientific research, healthcare, sports, entertainment, tourism, source creation, salinity prevention, landscape creation and other purposes must use water resources in a reasonable, economical and effective manner without causing deterioration, depletion and pollution of water sources, obstruction of flow and other adverse impacts on water sources.

Article 48. Use of water sources for waterway traffic

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Waterway traffic activities must not pollute water sources, obstruct flow, cause any damage to or erosion to river, canal and ditch channel, bank and terrace; if any damage is caused, compensation must be provided according to the provisions of law.

3. The construction and operation of waterway traffic infrastructure must not pollute water sources and must be within the capacity for meeting the requirements for river and stream water level and requirements for protection of river channel, bank and terrace.

Article 49. Use of water sources for other purposes

1. The use of reservoir water surface for business, service provision and solar power production must not affect dam and reservoir safety, water source quality, dams and reservoirs’ capacity for flood prevention and control and supply of water to lowlands.

2. The use of river, stream, canal and ditch water surface for aquaculture, business, and service provision must not pollute water sources, obstruct the flow or cause any damage to river, stream, canal and ditch channel, bank and terrace and impact on other activities of water exploitation and use.

3. The digging of lakes, ponds, rivers, streams, canals and ditches in service of creating space for water collection and storage and create landscapes must be carried out in accordance with the law without causing land subsidence or adverse impacts on water sources and environment.

4. The activities mentioned in this Article must be conducted as per regulations of law on land and other relevant regulations of law; must be registered as prescribed in Article 52 of this Law.

Article 50. Dams, reservoirs and exploitation and use of water in relation to dams and reservoirs

1. The investment in and construction of dams and reservoirs in rivers and streams must conform to water resource-related planning, provincial planning and technical and specialized planning containing contents related to the exploitation and use of water resources, and ensure that such dams and reservoirs are capable of serving multiple purposes and proactive water retention and storage, water source regulation, distribution, restoration and development.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The investment in and construction of dams and reservoirs in rivers and streams must meet the following requirements:

a) Conform to flood prevention and control standards and other related technical requirements according to regulations of law on natural disaster management; ensure the integrated and multi-purpose use of water sources; combine improvement and restoration of deteriorated, depleted and polluted water sources;

b) The design and general arrangement of headworks shall be such that work items are included to maintain minimum flow as prescribed in Article 24 of this Law, increase water discharge to lowlands as requested by competent authorities, use the dead storage in a reservoir in case of a drought or serious water scarcity, facilitate the migration and the movement of waterway vehicles;

c) In the case of investment in and construction of irrigation dams and reservoirs, comply with regulations of law on irrigation.

4. The construction and operation of reservoirs not built in rivers and streams must not adversely impact water sources and environment; not affect historical - cultural sites/monuments and scenic landscapes; must satisfy regulations on drainage and avoid artificial flooding.

5. The exploitation and use of water sources from reservoirs and activities within water source protection corridors must satisfy requirements for protection, exploitation and use of water resources and prevention of, response to and recovery of damage caused by water according to regulations of this Law; the assurance of safety of dams and reservoirs during investment in, construction, management and operation shall comply with regulations of law on management of dam and reservoir safety.

The operation of dams and reservoirs in rivers and streams must satisfy the requirements for reducing floods to lowlands, using water sources in an integrated and multi-purpose manner, combining improvement and restoration of water sources and creating landscapes, and adhere to the principles enshrined in Articles 35 and 36 of this Law.

6. Organizations and individuals managing and operating dams and reservoirs shall:

a) Comply with reservoir and inter-reservoir operation procedures; ensure safety of dams and reservoirs, maintain minimum flow and satisfy requirements for prevention and control of floods, droughts, water scarcity, and water supply to lowlands; if any damage is caused, provide compensation according to regulations of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Implement plans to regulate and distribute water resources in river basins; make sure the storage capacity of the reservoir is adequate for the improve the ability to reduce floods and supply water to lowlands, improve and restore water sources at the request of competent authorities;

d) Issue notifications and warnings to ensure safety of people and related activities in lowlands of dams and reservoirs before discharging water to lowlands according to regulations of law on management of dam and reservoir safety;

dd) Carry out hydrometeorological monitoring, connect data to the natural resource information system and database, calculate and forecast the amount of water to reservoirs to serve reservoir and inter-reservoir operation and water source regulation and distribution as prescribed by law; carry out monitoring of water resources and supervision of water resource exploitation according to Article 51 of this Law;

e) Follow the regime for reporting and providing information and data as per regulations of this Law and other relevant regulations of law;

g) Formulate disaster response plans and emergency case response plans in accordance with regulations of law on natural disaster management and management of dam and reservoir safety;

h) Plant water source protection corridor markers as prescribed in Article 23 of this Law.

7. Organizations and individuals managing and operating dams and reservoirs are encouraged to hire organizations and individuals qualified and sufficiently competent to provide reservoir and inter-reservoir operation decision support services as prescribed in Article 70 of this Law so as to optimize socio - economic and environmental interests brought by water sources.

8. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall preside over and cooperate with the Ministry of Industry and Trade and Ministry of Natural Resources and Environment in considering and proposing a plan to use part of the flood control storage above the retention water level of large and important reservoirs to improve the ability to reduce floods to lowlands in the event of emergency cases and unusual events, and submit it to the Prime Minister for decision.

9. The State invests in construction of and encourages organizations and individuals to construct works and reservoirs so as to protect, control, improve, restore and develop water sources, recharge groundwater and transfer water to water-scarce areas, inhabited islands and areas greatly affected by climate change, and assure proactive storage of fresh water, regulation and distribution of intra- and inter-provincial water resources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Monitoring of water resources includes measuring and calculating rainfall, flow, water level, quality of surface water and groundwater. The monitoring shall be conducted on an automatic, continuous or periodic basis and is prescribed as follows:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall organize the establishment and operation of a water resources monitoring network for inter-provincial and transboundary surface water sources, and groundwater sources, hydro-meteorological monitoring network, and water quality monitoring network. The water resource monitoring network shall be established according to the planning for baseline survey of water resources;

b) The provincial People's Committee shall organize the establishment and operation of a water resources monitoring network for intra-provincial water sources. The water resource monitoring network shall be established according to the provincial planning;

c) Organizations and individuals exploiting water resources must carry out monitoring and install measuring equipment inspected and calibrated in accordance with regulations of law on measurement. Organizations and individuals are encouraged to participate in investing in, constructing and operating water resource monitoring works and providing monitoring data to natural resources authorities.

In the case where organizations and individuals exploit water resources for production and supply of domestic water, they shall comply with the regulations set out in this clause and carry out automatic, continuous and periodic monitoring and surveillance of water sources exploited.

d) The relocation, change of location, and dissolution of a surface water resources monitoring station shall be carried out in accordance with regulations of law on hydrometeorology; for a groundwater resources monitoring station, regulations imposed the Minister of Natural Resources and Environment shall be complied with. An organization or individual that conducts any activity resulting the relocation or change of location of a monitoring station shall pay compensation as prescribed by law;

dd) Results of water resources monitoring, hydrometeorological monitoring and water quality monitoring must be updated and shared with the national water resource information system and database.

2. Water resources monitoring shall be carried out as follows:

a) The water resources authority shall receive monitoring data from organizations and individuals exploiting water resources and supervising the implementation of the regulations specified in the confirmation of registration of  water resource exploitation and water resource exploitation permit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The Ministry of Natural Resources and Environment and provincial People’s Committees shall supervise the exploitation of water resources for works under their licensing authority.

3. The Government shall promulgate regulations on subjects, scope, regime, parameters for monitoring of water resources, supervision of water resource exploitation and surveillance of water quality, and roadmap for implementation thereof.

Section 3. DECLARATION, REGISTRATION AND LICENSING REGARDING WATER RESOURCES

Article 52. General provisions on declaration, registration and licensing of exploration, exploitation and use of water resources

1. Organizations and individuals exploiting water resources for domestic activities, agricultural production, aquaculture, industrial production, waterway traffic, hydropower, irrigation, sports, tourism, business, services, source creation, saltwater intrusion prevention, inundation control, landscape creation and other purposes must obtain a water resource exploitation permit corresponding to the type of water source to be exploited as prescribed in clause 2 of this Article, except for the cases specified in clauses 3, 4 and 5 of this Article; in the case of groundwater exploitation, a groundwater exploration permit must be obtained before constructing a work.

2. Water resource exploitation permits consist of:

a) Surface water exploitation permit;

b) Groundwater exploitation permit;

c) Seawater exploitation permit.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Exploit water for cultural activities, religious activities, practices of folk beliefs, fire preventing and fighting, national defense and security purposes, plant watering and road cleaning for public purposes;

b) Exploit surface water on a small scale to be used for agricultural production and aquaculture;

c) Exploit surface water on a small scale to be used for purposes other than those specified in points a and b of this clause and point dd clause 5 of this Article;

d) Exploit water for domestic activities in areas in the event of a drought, water scarcity, saltwater intrusion, pollution incident or epidemics announced by competent authorities according to the provisions of law;

dd) Exploit seawater to be used for saltwater production;

e) Exploit seawater to serve activities at sea;

g) Exploit seawater on a small scale to be used for production, business, service provision and aquaculture on islands or mainland;

h) Use river, stream, canal, ditch and reservoir water surface for aquaculture, business, and service provision on a small scale;

i) Dig lakes, ponds, canals and ditches on a small scale to create space to collect, store and convey water, and create landscapes;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



l) Other cases prescribed by the Government.

4. Households exploiting groundwater for domestic purposes must make declaration for management.

5. Organizations and individuals must register the exploitation and use of water resources in the following cases:

a) Exploit surface water on a medium scale to be used for agricultural production and aquaculture;

b) Exploit groundwater on a small scale to be used for purposes other than those specified in point a clause 3 and clause 4 of this Article;

c) Use groundwater naturally flowing in a mining pit to select ore at the pit or pump water to drain the water naturally flowing into the mining pit;

d) Exploit seawater on a medium scale to be used for production, business, service provision and aquaculture on islands or mainland;

dd) Small and medium-sized river, stream, canal and ditch damming works for the purposes of source creation, saltwater intrusion prevention, inundation control and landscape creation;

e) Use river, stream, canal, ditch and reservoir water surface for aquaculture, business, and service provision on a scale other than that specified in point h clause 3 of this Article; use reservoir surface water for solar power production;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The competent authority specified in Article 53 of this Law shall issue a water resource exploitation permit that specifies quotas for water resource exploitation regarding organizations and individuals in the cases specified in clause 1 of this Article; confirm the registration of exploitation and use of water resources regarding organizations and individuals in the cases specified in clause 5 of this Article.

7. If an organization or individual explores or exploits groundwater within a hydraulic structure protection corridor, the licensing authority shall obtain written opinions from the regulatory body managing such hydraulic structure before licensing the exploration and exploitation of groundwater.

8. Opinions from representatives of residential community and from related organizations and individuals about impacts of water exploitation structures shall be obtained as follows:

a) The investor in the construction of a water exploitation structure that has a great impact on socio-economic development activities and people’s lives in the locality shall cooperate with the local authority to obtain opinions from representatives of the residential community and related organizations and individuals about impacts of the project's plan to exploit and use water resources; consolidate, receive and explain in writing and send them along with the water resource exploitation licensing dossier;

b) The project investor must announce and publicize information about details about exploitation of water resources by the project and potential impacts prior to the project execution;

c) Funding for obtaining opinions shall be covered by the project investor.

9. The Government shall elaborate this Article.

Article 53. Power and procedures for declaration, registration and licensing of exploration, exploitation and use of water resources

Power and procedures for granting, extending, adjusting, re-issuing, approving the return of, suspending, invalidating and revoking water resource exploitation permits and groundwater exploration permits and declaration and registration of exploitation and use of water resources are regulated as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Provincial People’s Committees shall issue, extend, adjust, re-issue, approve the return, suspend, invalidate and revoke water resource exploitation permits and groundwater exploration permits in cases other than those specified in clause 1 of this Article; organize the declaration of exploitation and use of surface water and seawater;

3. District-level People’s Committees shall organize the registration of groundwater exploitation;

4. Communal People’s Committees shall receive declarations of exploitation of groundwater by households for domestic purposes;

5. The Government shall elaborate this Article; promulgate regulations on procedures for declaring the exploitation of groundwater by households, registering the exploitation and use of water resources; regulations on issuance, extension, adjustment, re-issuance, approval for return, suspension, invalidation and revocation of water resource exploitation permits and groundwater exploration permits.

Article 54. Validity period of water resource exploitation permits and groundwater exploration permits

1. Validity period of a water resource exploitation permit is prescribed as follows:

a) A surface water exploitation permit is valid for at least 05 years but no more than 10 years and may be extended as many times as necessary, up to 05 years for each extension;

b) A seawater exploitation permit is valid for at least 10 years but no more than 15 years and may be extended as many times as necessary, up to 10 years for each extension;

c) A groundwater exploitation permit is valid for at least 03 years but no more than 05 years and may be extended as many times as necessary, up to 03 years for each extension;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A groundwater exploration permit is valid for 02 years and may be extended once up to 01 year. If an organization or individual applies for issuance or extension of a permit with a shorter validity period, the permit to be issued or extended shall be valid for the validity period written on the application form.

3. In the event that an application form for extension of the water resource exploitation permit is submitted 45 days prior to the expiry date of such permit, the effective date of the extended permit shall be the day after the expiry date of the old permit.

Article 55. Principles of registration and licensing of exploration, exploitation and use of water resources

1. Carry out registration and licensing intra vires, for appropriate entities and according to the legally prescribed procedures.

2. Protect interests of the State and legitimate rights and interests of holders of the confirmation of registration of water resource exploitation, water resource exploitation permit and groundwater exploration permit and of other related organizations and individuals.  

3. Prioritize the registration and licensing of exploration, exploitation and use of water resources for supply of domestic water.

4. Protect water resources and environment according to regulations of law; do not cause water source deterioration, depletion and pollution upon exploration, exploitation and use of water resources.

Article 56. Bases for issuing water resource exploitation permits and groundwater exploration permits

1. A water resource exploitation permit or groundwater exploration permit shall be issued on the following bases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Status of exploitation and use of water resources in the region; requirements for water resource protection;

c) Appraisal result given by the competent authority regarding the application for issuance of the water resource exploitation permit or groundwater exploration permit according to regulations promulgated by the Government;

d) Demands for exploitation and use of water resources stated in the application form.

2. In the case of issuing a groundwater exploitation permit or groundwater exploration permit, it is required to rely on the bases specified in Article 30 and clause 4 Article 31 of this Law.

Article 57. Conditions for issuing water resource exploitation permits and groundwater exploration permits

1. An organization or individual will be issued with a water resource exploitation permit if the following conditions are met:

a) The obtainment of opinions is completed as prescribed in clause 8 Article 52 of this Law;

b) The exploitation of water resources complies with the regulations set out in point a clause 1 Article 56 of this Law; the exploitation of groundwater complies with regulations on areas prohibited and restricted from groundwater exploitation as prescribed in Article 31 of this Law;

c) Requirements for protection, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water prescribed in this Law are satisfied;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. An organization or individual will be issued with a groundwater exploration permit if the following conditions are met:

a) There is a plan to construct items for exploration of water resources which satisfies groundwater protection requirements and complies with regulations on areas prohibited and restricted from groundwater exploitation as prescribed in Article 31 of this Law;

b) Information and data used to set up projects are adequate and accurate.

3. In addition to satisfying the regulations set forth in clause 1 of this Article, point b clause 3 Article 50 of this Article, a surface water exploiting organization building a dam or reservoir on a river or stream shall satisfy the following conditions:

a) A plan to provide equipment and human resources is available to carry out hydrometeorological monitoring, forecast reservoir inflows, operate the reservoir, monitor water resources and supervise water resource exploitation;

b) There have been reservoir operation procedures established under regulations of law on management of safety of dams and reservoirs in the case where a work is available.

Section 4. EFFICIENT AND ECONOMICAL USE OF WATER

Article 58. Circular, efficient and economical use of water

1. Organizations and individuals exploiting and using water resources shall adopt the following solutions to use water in a circular, economical and efficient manner:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Develop a plan to replace obsolete water-intensive facilities, equipment and technologies;

c) Improve water use processes; apply advanced technology technologies to water exploitation and use; increase the circular use and reuse of water; store rainwater;

d) Select crop seasons or types of crops or livestock animals in a manner that suits the supply capacity of water sources; improve, optimize and apply farming methods, technologies and techniques and build, maintain and operate water conveyance and storage facilities to use water in an economical and efficient manner for agricultural production.

dd) Organizations and individuals managing and operating water supply systems must adhere to standards and technical regulations to ensure the stable, safe and continuous supply of water and minimization of water loss and waste;

e) Organizations and individuals managing and operating works and system of hydraulic works must apply measures for economical and efficient use of water and ensure that the system of water supply facilities is operated reasonably to minimize water loss and waste.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction and Ministry of Science and Technology shall, within their jurisdiction, bear the following responsibility:

a) Develop models for economical and efficient use of water; popularize and disseminate water conservation models, technologies and equipment.

b) Formulate programs and plan, provide directions and guidelines for applying models for economical and efficient use of water so as to gradually remove obsolete water-intensive technologies.

3. Provincial People’s Committees shall applying comprehensive measures for management and strict control of the implementation of regulations on economical and efficient use of water within their provinces.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The State encourages projects on investment in production, business and services involving the exploitation and use of water, and discharge of wastewater to adopt solutions for circular use of water and reuse of water immediately during the phase of setting up the projects.

2. The treatment of wastewater and reuse of water shall comply with regulations of law on environmental protection.

3. For projects on investment in production, business and services involving the exploitation and use of water, and discharge of wastewater in areas with surface water sources having reached their carrying capacity as announced by a competent authority, there must be solutions for circular use of water or reuse of water or a plan to treat wastewater in accordance with environmental technical regulation on surface water quality before being discharged to water sources as per regulations of law on environmental protection.

4. Depending on the local socio - economic development conditions, the provincial People's Committee shall formulate a plan and roadmap for stipulating types of projects for which solutions for circular use of water and reuse of water are required with respect to the projects in areas frequently hit by droughts and water scarcity frequently occur, and determine the incentives to which those projects are entitled according to regulations of law.

5. Projects on investment in production, business and services which adopt solutions for circular use of water and reuse of water may be receive a reduction in the fee for water resource exploitation right as prescribed by this Law.

6. Organizations and individuals seeking and applying solutions for circular use of water and reuse of water in areas where water sources are deteriorated, groundwater exploitation threshold is exceeded and water sources have reached their carrying capacity.

Article 60. Incentives for efficient and economical use of water

1. Organizations and individuals investing in the circular use and reuse of water; collection and use of rainwater; use of water desalinated from seawater, and investing in water conservation equipment and technologies are entitled to incentives as prescribed by law.

2. Criteria for water conservation products, equipment, and technologies shall satisfy regulations imposed by the Minister of Science and Technology.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



PREVENTION OF, RESPONSE TO AND RECOVERY FROM DAMAGE CAUSED BY WATER

Article 61. Responsibility and obligation to prevent, respond to and recover and damage caused by water

1. Regulatory bodies, organizations and individuals have the responsibility and obligation to participate in preventing, responding to and recovering damage caused by water under regulations of this Law and other relevant regulations of law.

2. Ministries, ministerial agencies and People’s Committees at all levels shall, within their jurisdiction, decide and organize the implementation of measures to prevent, respond to and recover and damage caused by water.

Article 62. Prevention of, response to and recovery from water-related damage caused by natural disasters

The prevention of, response to and recovery from damage caused by floods, inundations, sea level rise, hails, acid rain and other water-related damage caused by natural disasters shall comply with regulations of law on flood control system, law on natural disaster management and other relevant regulations of law.

Article 63. Prevention and control of droughts, storage scarcity, floods, inundations, artificial flooding

1. The State invests in and encourages organizations and individuals to invest in building water storage facilities and finding water sources to proactively respond to droughts and water scarcity; build, improve and restore lakes, ponds and other structures having the functions of water supply, regulation, prevention and control of artificial flooding; prioritize the utilization of pits for minerals, soil and building materials after the mining is done and satisfy regulations of law on environmental protection, law on minerals and other relevant regulations of law to turn them into reservoirs in service of water regulation, storage and supply, and landscape creation.

2. The State prioritizes the adoption of comprehensive rainwater storage and drainage solutions to minimize urban flooding.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The covering of rivers, streams, canals and ditches shall be minimized to maintain the water drainage capacity, reduce artificial flooding and protect aquatic ecosystems.

5. The State prioritizes the investment in construction of water regulation and storage facilities in areas frequently hit by droughts, water scarcity, saltwater intrusion, floods and inundations to ensure safety upon control of flood, drought and salinity.

6. It is required to include lakes, ponds and lagoons having the functions of water regulation and supply, flooding prevention and control, landscape and environment creation, protection and preservation of religious activities, practices of folk beliefs, cultural values and biodiversity in the list of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation and announce it for management and protection.

The Ministry of Natural Resources and Environment shall compile, announce and adjust the list of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation with respect to lakes, ponds and lagoons belonging to inter-provincial surface water sources. Provincial People’s Committees shall compile, announce and adjust lists of lakes, ponds and lagoons prohibited from reclamation with respect to lakes, ponds and lagoons belonging to intra-provincial surface water sources.

7. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide hydrometeorological and water resources forecasts and warnings under its authority; make real-time zoning maps of drought and water scarcity risk prone areas on digital platform, direct and supervise the implementation of the plan to regulate and distribute water resources specified in Article 35 and Article 36 of this Law.

8. The Minister of Construction shall promulgate national technical regulation on construction planning and national regulation on technical infrastructure to increase the capacity for absorbing, storing and draining rainwater, ensuring groundwater recharge and flooding prevention.

9. The Ministry of Transport and the Ministry of Construction shall, within their jurisdiction, maintain the water drainage capacity to avoid hindering the flow or causing flooding in river basins during the process of designing and building traffic infrastructure.

10. The Government shall elaborate clause 6 of this Article.

Article 64. Saltwater intrusion prevention and control

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The exploration and exploitation of groundwater in the delta and coastal areas must ensure the prevention and control of saltwater intrusion into aquifers.

3. The exploitation of seawater for socio-economic development must not cause salinization of water sources.

4. Organizations and individuals exploiting and using water resources for agricultural production and aquaculture must take measures to prevent and control water source salinization.

5. The management and operation of saltwater prevention and freshwater retention works, reservoirs and water regulation works must comply with procedures, standards and technical regulations, and ensure the prevention and control of saltwater intrusion.

6. The Ministry of Natural Resources and Environment, Ministry of Agriculture and Rural Development, Ministry of Industry and Trade, Ministry of Construction and provincial People’s Committees shall, within their jurisdiction, organize the implementation of saltwater intrusion prevention and control measures by relying on the water source scenario and plan to regulate and distribute water resources as specified in clauses 4 and 7 Article 25 and clause 1 Article 36 of this Law.

Article 65. Land subsidence prevention and control

1. Organizations and individuals carrying out activities specified in clause 1 Article 31 of this Law must comply with relevant standards and technical regulations and avoid causing land subsidence.

In the event that land subsidence occurs, immediately suspend the exploration and exploitation of groundwater, take remedial measures and notify the People's Committee of the area where such land subsidence occurs; if any damage is caused, provide compensation and bear responsibility as prescribed by law.

2. In areas where land subsidence occurs or prone to land subsidence due to the exploration or exploitation of groundwater, the provincial People’s Committee shall zone off areas prohibited and restricted from groundwater exploitation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 66. River and lake channel, bank and terrace erosion prevention and control

1. The improvement of river and lake channel, bank and terrace, construction of hydraulic structures, mining of sand, gravel and other minerals in rivers, lakes and water source protection corridors must not cause erosion and adverse impacts of the stability of river and lake channel, bank and terrace and water source protection corridors.

2. For the activities in clause 1 of this Article that pose the risk of destabilizing river and lake channel, bank and terrace, it is required to assess their impacts and formulate a plan to protect, prevent and control river and lake channel, bank and terrace erosion.

The impact assessment and appraisal of the plan to protect, prevent and control landslides on river and lake channel, bank and terrace erosion shall be carried out during the appraisal of the environmental impact assessment report. The impact assessment and the plan to protect, prevent and control landslides on river and lake channel, bank and terrace erosion serve as main details of the environmental impact assessment report.

3. In the course of licensing the mining of sand, gravel and other minerals in a rivers or lake, the licensing authority must organize appraisal of the details about location, scope and depth of mining and mining regime prior to licensing to ensure that river or lake channel, bank or terrace erosion does not occur.

4. For any river or river section whose bank or terrace suffers from or is prone to erosion, it is required to zone off areas prohibited and temporarily prohibited from mining of sand, gravel and other minerals. Areas prohibited and temporarily prohibited from mining of sand, gravel and other minerals shall be zoned off in accordance with regulations of law on minerals.

5. The Ministry of Agriculture and Rural Development and the Ministry of Industry and Trade shall, within their jurisdiction, direct the operation of hydraulic and hydroelectric structures; the Ministry of Construction and the Ministry of Transport shall review and promulgate standards and national technical regulations on structure construction and direct and supervise construction activities in rivers and water source protection corridors in such a way to meet the requirements for river and lake channel, bank and terrace erosion prevention and control.

6. The Government shall elaborate clauses 1 and 2 of this Article.

Chapter VI

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 67. State budget revenues from water resource activities

1. Severance taxes and other taxes prescribed by regulations of law on taxation.

2. Fees under regulations of law on charges and fees.

3. Fees for water resource exploitation right.

4. Compensation made to the State, amounts collected from imposition of penalties for violations in the area of water resources under regulations of law.

Article 68. Water resource-related taxes and fees

1. Severance taxes are levied on natural water according to regulations of law on severance taxes.

2. Price of natural water on which severance taxes are levied shall be determined in accordance with regulations of law on severance taxes and other relevant regulations of law.

3. Environmental protection taxes imposed on products and goods of which the use adversely impacts the environment or substances that cause environmental pollution shall comply with regulations of law on environmental protection taxes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Fees for exploitation and use of water sources under regulations of law on charges and fees. The rates of fees specified in this point vary according to public services and activities in the area of water resources;

b) Environmental protection fees and charges on wastewater shall be imposed on the discharge of wastewater as per regulations of law on fees and charges and law on environmental protection.

Article 69. Fees for water resource exploitation right

1. Any organization or individual exploiting water resources in the case where the surface water or groundwater exploitation has to be licensed must pay a fee for water resource exploitation right in the following circumstances:

a) Exploit surface water to generate electricity for commercial purposes;

b) Exploit surface water or groundwater to serve production, business, service provision and aquaculture or to be supplied for agricultural or domestic purposes.

2. An organization or individual is not required to pay a fee for water resource exploitation right in the following circumstances:

a) Exploit seawater;

b) Exploit and use water resources for domestic activities, agricultural production, aquaculture, industrial production, waterway traffic, hydropower, irrigation, sports, tourism, business, services, source creation, saltwater intrusion prevention, inundation prevention or landscape creation as prescribed in clauses 3, 4 and 5 Article 52 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. An organization or individual exploiting surface water or groundwater as prescribed in clause 1 of this Article shall be exempted from the fee for water resource exploitation right in the following circumstances:

a) Water is exploited to serve domestic activities of the people in in border areas, on islands, in disadvantaged and extremely disadvantaged areas;

b) A project includes a water exploitation structure item guaranteed by the Government of Vietnam under the Government guarantee;

c) During the period a water exploitation structure is damaged due to force majeure, resulting in a failure to continue the exploitation or suspension of the exploitation.

4. The organization or individual exploiting surface water or groundwater prescribed in clause 1 of this Article shall receive a reduction in the fee for water resource exploitation right in the following circumstances:

a) The competent authority requests them to reduce the amount of water exploited by the water exploitation structure as prescribed in point g clause 1 Article 42 of this Law;

b) Water is used in a circular manner or reused as prescribed in clause 5 Article 59 of this Law;

c) The approved lowland flood control storage of the reservoir that has been put into operation has to be adjusted or increased;

d) Water is exploited for agricultural production during the period of a drought, water scarcity or saltwater intrusion.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The Government shall elaborate on the payment, exemption and reduction of fee for water resource exploitation right; prescribe methods for calculating and rate of fee for water resource exploitation right.

Article 70. Water resource-related services

1. Water resource-related services consist of:

a) Water resource regulation and distribution decision support services;

b) Reservoir and inter-reservoir operation decision support services.

2. An organization shall satisfy the following conditions to provide the services mentioned in clause 1 of this Article:

a) Possess the establishment decision from a competent authority or enterprise registration certificate or equivalent document in accordance with regulations of law on enterprises;

b) Possess technical infrastructure, facilities, equipment and software for provision of services;

c) Possess personnel whose expertise is appropriate to provide water resource regulation and distribution decision support services and reservoir and inter-reservoir operation decision support services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 71. Water resource accounting

1. Water resource accounting refers to the process of aggregating, calculating, balancing water resources and determining value of water resources in socio-economic activities, ensuring water security.

2. Water resource accounting shall adhere to the following principles:

a) Provide comprehensive and consistent information and data during the accounting process;

b) Be integrated with the national water resources information system and database;

c) Be sorted according to different types of water-related accounts.

3. Water resource accounting results shall be used by competent authorities to consider and decide regulation and distribution of water resources and implementation of measures to manage the exploitation and use of water resources.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and cooperate with the Ministry of Planning and Investment, other Ministries, ministerial agencies concerned, provincial People’s Committees, organizations and individuals concerned in organizing water resource accounting.

5. The Government shall elaborate this Article and a roadmap for water resource accounting.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The State allocates resources to perform the following activities:

a) Conduct baseline survey of water resources and formulate water resource-related planning;

b) Protect water resources; develop and store water, and restore deteriorated, depleted and polluted water sources; protect and develop forests;

c) Prevent, respond to and recover damage caused by water;

d) Build national water resources information system and database;

dd) Build and develop infrastructure for exploitation and use of water in border areas, on islands, in disadvantaged and extremely disadvantaged areas, areas facing fresh water scarcity;

e) Conduct scientific research, develop and transfer technology for exploitation and efficient and economical use of water;

g) Disseminate and communicate information about water resources;

h) Achieve international integration and cooperation in water resources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Carry out activities in relation to the exploitation, use, protection, development, retention and restoration of water sources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water and other activities in relation to water resources in order to ensure water security.

2. Resources for conducting the activities specified in clause 1 of this Article are composed of:

a) State budget for regular expenditures and development investment;

b) Environment protection funds;

c) Contributions from organizations and individuals; private capital and other legal sources of capital prescribed by law.

3. State budget shall be allocated within its capacity and in conformity with the requirements for protection and development of water sources. Sources of funding dedicated to environmental protection shall be used for water resource protection activities; restoration of degraded, depleted and polluted water sources; prevention, response to and recovery from damage caused by water.

4. The State encourages financial institutions to develop green credit, green bonds and financial products to support the protection, development and restoration of water resources.

5. Organizations and individuals shall efficiently manage and use the budget allocated and other revenues as prescribed by law.

Article 73. Incentives and assistance for management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Participate in restoring deteriorated, depleted or polluted water sources;

2. Prospect, explore and exploit water to supply domestic and production to inhabitants in areas facing freshwater scarcity, ethnic minority areas, mountainous areas, border areas, on islands, disadvantaged areas and extremely disadvantaged areas, and to the poor, women, children, persons with disabilities and other vulnerable persons;

3. Use water in a circular manner, reuse water; collect and use rainwater; ; convert seawater into fresh water; invest in water conservation equipment and technologies;

4. Build facilities for regulation and storage of water in water-scarce areas, ethnic minority areas, mountainous areas, border areas, on islands, in disadvantaged and extremely disadvantaged areas;

5. Develop technologies, equipment and products in service of protection, development and restoration of water sources;

6. Build and operate works for artificial recharge of groundwater.

Article 74. Private sector involvement in investment in development, water storage and restoration of water sources

1. The State encourages private sector involvement in the following activities:

a) Restore deteriorated, depleted or polluted water sources;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Investors in projects involving the activities mentioned in clause 1 of this Article shall comply with regulations of this Law, law on investment, law on public - private partnership investment and other relevant regulations of law.

Chapter VII

INTERNATIONAL COOPERATION IN WATER RESOURCES

Article 75. Principles of international cooperation in water resources

1. Respect the independence, sovereignty, territorial integrity and legitimate interests of countries sharing water sources.

2. Ensure fairness and reasonableness during protection, exploitation, use and development of water sources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water to transboundary water sources.

3. Do not inflict harm to legitimate rights and interests of countries sharing water sources in conformity with treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

4. Comply with Vietnam’s laws, international agreements and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

5. Protect, exploit, use and develop transboundary water sources so as to optimally and sustainably protect benefits brought by water sources, taking into account the interests of countries sharing water sources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 76. Details about international cooperation in water resources

1. Proactively and actively cooperating with countries, foreign and international water resources organizations, prioritizing the protection and sustainable development of water resources, human resource training, scientific research, prevention of, response to and recovery of damage caused by water to ensure water security.

2. Proactively and actively cooperating in exchanging information and data on the status and forecasts of water resources, hydrometeorology, hydrogeology and ecology, and water quality related to transboundary water sources; cooperating in conducting research and formulating planning for protection, exploitation and use of transboundary water sources; preventing, responding to and recovering damage caused by water to transboundary water sources; facilitating the management, protection and sustainable development of water resources and execution of projects related to transboundary water sources. If information or date is related to a state secret, regulations of law on protection of state secrets shall be complied with.

3. Proactively and actively participating in, making substantive contribution to, researching and proposing new ideas and initiatives on water resources at regional and international organizations, forums, and relevant international river basin organizations to promote cooperation, sustainable exploitation, use and development and ensure transboundary water security.

Article 77. Responsibility for protecting rights and interests of Vietnam regarding transboundary water sources

1. Organizations and individuals shall protect Vietnam’s rights and interests related to transboundary water sources according to regulations of this Law, other regulations of Vietnamese law and international agreements and treaties related to water resources to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall monitor, supervise, receive and consolidate information about status of transboundary water sources, provide forecasts and warning about adverse impacts and promptly report them to and request the Government and the Prime Minister to deal with the issue to protect rights and interests of Vietnam.

3. People's Committees at all levels in border areas with transboundary water sources shall, upon detecting unusual issues concerning flow, water level and quality of water sources in areas under their management, report them to the superior People's Committees; provincial People's Committees shall report them to the Ministry of Natural Resources and Environment.

Article 78. Resolution of disputes and disagreement about transboundary water sources

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any dispute or disagreement related to transboundary water sources occurring in a river basin for which an international river basin organization has been set up with the participation of the Socialist Republic of Vietnam must be also resolved according to the regulations imposed by that international river basin organization.

Chapter VIII

RESPONSIBILITY FOR STATE MANAGEMENT OF WATER RESOURCES

Article 79. Responsibility of the Government, Ministries and ministerial agencies for state management of water resources

1. The Government performs uniform state management of water resources nationwide.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall act as a conduit assisting the Government in state management of management, protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources; manage river basins and water sources and assume the following responsibility:

a) Promulgate under its authority or submit to competent authorities for promulgation of legislative documents on water resources and organize the implementation thereof;

b) Promulgate national technical regulations; norms and unit prices for planning, baseline survey, exploration, exploitation, use and protection of water resources;

c) Develop and announce the set of national water security indicators and preside over and cooperate with other Ministries, ministerial agencies and provincial People’s Committees in taking water security assurance measures;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Disseminate, propagate and communicate information about water resources to raise awareness of water resource protection, exploitation and economical and efficient use of water; carry out inspection and audit, and impose penalties for violations against the law on water resources; provide training in water resources;

e) Organize monitoring, surveillance, warning and forecasting of rain, floods, inundations, droughts, water scarcity, pollution, saltwater intrusion and abnormal phenomena in water resources;

g) Manage, store, announce and publish documents, information and data on water resources; organize the development of and provide guidelines on online public services regarding water resources under its authority;

h) Submit to the Government and Prime Minister a plan to resolve issues related to transboundary water sources, participation in international organizations, and signing of international agreements and treaties related to water resources; preside over international cooperation activities regarding water resources;

i) Act as a standing body of the Vietnam Mekong River Commission and other river basin organizations;

k) Carry out inspection and audit, and impose penalties for violations against law on water resources under its authority;

l) Fulfill other responsibilities as per regulations of this Law and other relevant regulations of law.

3. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall, within its jurisdiction, perform state management of planning, construction and operation of works, hydraulic structures and rural water supply facilities, and ensure the safety of irrigation dams and reservoirs under its management according to regulations on exploitation and use of water resources; provide information and data to develop water source scenarios and fulfill other responsibilities as per regulations of this Law and other relevant regulations of law.

4. The Ministry of Industry and Trade shall, within its jurisdiction, perform state management of planning, construction and operation of works serving exploitation and use of water, and ensure the safety of hydroelectric dams and reservoirs under its management according to regulations on exploitation and use of water resources; provide information and data to develop water source scenarios and fulfill other responsibilities as per regulations of this Law and other relevant regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The Ministry of Foreign Affairs shall, within its jurisdiction, cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment, Ministries, ministerial agencies and local authorities concerned in participating in signing and implementing treaties and international agreements related to water resources; participate in international cooperation with foreign countries and organizations in the area of water resources.

7. The Ministry of National Defense shall, within its jurisdiction, organize the creation of and mobilize forces and means to participate in responding to and remediate water resource deterioration and pollution incidents, and dam and reservoir safety incidents, responding to water-related incidents, disasters and search and rescue in accordance with regulations of law on civil defense, law on state of emergency and relevant laws; cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in organizing, managing and operating the cross-border water source monitoring system.

8. The Ministry of Public Security shall, within its jurisdiction, formulate and organize the implementation of a plan to protect domestic water supply facilities of special importance; prevent, detect, and fight violations against law on water resources; cooperate and mobilize forces and means to respond to water-related incidents and disasters; ensure political security, social order and safety in areas where water-related incidents and disasters occur according to regulations of law.

9. Ministries and ministerial agencies concerned shall, within their jurisdiction, cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in state management of water resources in assuring water security and undertaking other tasks as prescribed by this Law.

Article 80. Responsibility of People’s Committees at all levels for state management of water resources

1. Provincial People’s Committees shall, within their jurisdiction, assume the following responsibility:

a) Promulgate legislative documents on water resources under their authority and organize the implementation thereof;

b) Organize the implementation of the national water resources strategy, comprehensive planning for baseline survey of water resources, water resources planning; establish and organize the implementation of a plan to exploit, use and protect water resources, prevent, respond to and recover damage caused by water under provincial planning;

c) Determine deteriorated, depleted or polluted water sources; organize the implementation of the groundwater protection plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Provide information and data to develop water source scenarios; promulgate and adjust the list of intra-provincial water sources;

e) Disseminate, propagate and communicate information about water resources to raise awareness of water resource protection, exploitation and economical and efficient use of water;

g) Manage water source protection corridors; organize surveillance of water resources as decentralized; report to the Ministry of Natural Resources and Environment the management, use and protection of water sources, prevention of, response to and recover from damage caused by water within their areas;

h) Carry out inspection and audit, and impose penalties for violations against law on water resources within their areas;

i) Organize the development of and provide guidelines on online public services regarding water resources under their authority;

k) Cooperate with the Vietnamese Fatherland Front Committee at the same level and its member organizations in disseminating, propagating and communicating information about water resources;

l) Fulfill other responsibility as per regulations of this Law.

2. District-level People’s Committees shall, within their jurisdiction, assume the following responsibility:

a) Implement measures to protect water resources according to regulations of law; cooperate with agencies and organizations in managing water resources monitoring, measurement and surveillance stations and works, water exploration and exploitation works and works for discharging wastewater into water sources in protecting these works;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Disseminate and propagate information about water resources to raise awareness of water resource protection, exploitation and economical and efficient use of water; carry out inspection and audit, and impose penalties for violations against the law on water resources within their areas;

d) Submit a consolidated periodic report on management, protection, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water;

dd) Receive, manage and protect water source protection corridor boundary markers as assigned; organize the registration of water resource exploitation and use under their authority;

e) Perform tasks in state management of water resources as decentralized or authorized by the provincial People’s Committee;

g) Fulfill other responsibilities as per regulations of this Law.

3. Communal People’s Committees shall, within their jurisdiction, assume the following responsibility:

a) Implement measures to protect water resources according to regulations of law; cooperate with agencies and organizations in managing water resources monitoring, measurement and surveillance stations and works, water exploration and exploitation works and works for discharging wastewater into water sources in protecting these works;

b) Disseminate and propagate information about water resources to raise awareness of water resource protection, exploitation and economical and efficient use of water; inspect and impose penalties for violations against the law on water resources within their communes;

c) Receive, manage and protect water source protection corridor boundary markers as assigned; supervise activities within water source protection corridors and domestic water safeguard zones as prescribed;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Perform tasks in state management of water resources as decentralized or authorized by the superior People’s Committee;

e) Fulfill other responsibilities as per regulations of this Law.

Article 81. Coordinating and supervising activities of protection, regulation, distribution, restoration, development, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water in river basins

1. Coordination and supervision shall cover the following activities performed in river basins:

a) Implement a combination of measures for protection of water resources, response to and remediation of water source pollution incidents, restoration of degraded, depleted and polluted water sources, prevention, response to and recovery from damage caused by water in river basins;

b) Regulate and distribute water resources, maintain minimum flow in rivers and groundwater exploitation threshold; regulate and distribute water resources in the event of droughts and water scarcity in river basins;

c) Build and operate dams, reservoirs and water regulation works in rivers; water transfer projects and large-scale and important water exploitation works in river basins;

d) Discharge wastewater posing a risk of causing serious water source pollution or deterioration; respond to water source pollution incidents, restore degraded, depleted and polluted water sources in river basins;

dd) Use soil, mine minerals, protect and develop forests in river basins;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Formulate and implement comprehensive inter-provincial river basin planning, procedures for operating inter-reservoirs in river basins, projects involving the transfer of water or construction of lakes and dams in rivers; decision support system to regulate, distribute and regulate water resources in inter-provincial river basins.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall provide comprehensive directions for coordinating activities of river basin organizations, provincial People's Committees, relevant agencies and organizations in regulating and distributing water resources, and supervising activities of exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water in river basins.

3. Provincial People’s Committees shall direct the regulation and distribution of water resources, coordination and supervision of activities of exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water in intra-provincial river basins.

4. River basin organizations shall carry out coordination and supervision and undertake the tasks below:

a) Monitor and supervise activities related to the protection, regulation, distribution, development, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water;

b) Contribute their opinions in the course of formulating water resource-related planning, national sector planning, provincial planning, specialized and technical planning containing contents related to the exploitation and use of water resources; inter-reservoir operation procedures;

c) Monitor and supervise the implementation of water resource-related planning and inter-reservoir operation procedures; recommend adjustments where necessary;

d) Propose solutions for resolving disputes and disagreements between Vietnam and countries in transboundary river basins; monitor and supervise upstream countries’ activities related to water resources;

dd) Propose plans to solve issues concerning protection, exploitation, use and development of water sources, wastewater discharge, water source pollution;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Support local authorities in deciding water resource regulation and distribution;

h) Participate in resolving conflicts during exploitation, use and protection of water resources in river basins;

i) Organize or participate in research, propose directions, mechanisms, policies, strategies, national sector planning, national key projects related to water resources and other tasks in the river basins regulated by the Government.

5. The Government shall elaborate on the coordination and supervision of activities of exploitation, use and protection of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water; promulgate regulations on organizational structure and operation of river basin organizations.

Chapter IX

WATER RESOURCE-RELATED INSPECTION AND AUDIT

Article 82. Specialized water resource-related inspection

1. Inspectorates of the Ministry of Natural Resources and Environment and Departments of Natural Resources and Environment shall carry out specialized water resource-related inspection.

2. Organize and carry out specialized water resource-related inspection in accordance with regulations of law on inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The audit of compliance with law on water resources is aimed at contributing to improving the effectiveness and efficiency in state management and awareness of law observance by organizations and individuals in protection, exploitation and use of water resources, prevention of, response to and recovery from damage caused by water; detect shortcomings and limitations to conduct a study and propose amendments to legislative documents on water resources; prevent, detect and impose penalties for violations against law on water resources.

2. The audit of compliance with law on water resources shall be carried out as planned and directed by a competent authority or upon detecting any sign of violations; in a manner that does not conflict with another inspection or audit in the same field at the same unit in terms of the scope and time; in an objective, public and transparent manner, intra vires and according to prescribed procedures; in a manner that does not hinder the normal operation of the audited entity.

3. The audit period is specified in the audit decision but must not exceed 10 days from the date of announcement of the audit decision; in case the scope of audit is broad and its details appear complicated, the audit may be extended once up to 10 days.

4. Responsibility for organizing and directing the audit of compliance with law on water resources is prescribed as follows:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment and related Ministries shall, within their jurisdiction, organize audit of compliance with law on water resources;

b) People’s Committees at all levels shall, within their jurisdiction, organize audit of compliance with law on water resources.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate this Article.

Chapter X

IMPLEMENTATION CLAUSE

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Point 3 in the Appendix II - List of specialized and technical planning of the Law on Planning No. 21/2017/QH14 amended by the Law No. 15/2023/QH15 and Law No. 16/2023/QH15 is amended as follows:

3

Comprehensive inter-provincial river basin planning

Law on Water Resources No. 28/2023/QH15

2. Several Articles of the Law on Irrigation No. 08/2017/QH14 amended by the Law No. 35/2018/QH14, Law No. 59/2020/QH14, Law No. 72/2020/QH14 and Law No. 16/2023/QH15 are amended as follows:

a) Point d clause 1 of Article 27 is amended as follows:

“d) In case of drought, water scarcity, saltwater intrusion, flood, inundation or waterlogging emergencies, operate reservoirs or inter-reservoirs under regulations of law on natural resources.”;

b) Point c clause 1 of Article 44 is amended as follows:

“c) Carrying out drilling or digging operations, geological survey; exploration and mining of minerals and building materials;”;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“c) Direct regulation and distribution of water and conduct formulation of plans for use of water within the system of hydraulic structures for domestic, agricultural production and other economic activity purposes; cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment and Ministry of Industry and Trade in regulation of water within hydroelectric reservoirs for water uses in case of drought, water scarcity or saltwater intrusion;”.

3. Several Articles of the Law on Investment No. 61/2020/QH14 amended by the Law No. 72/2020/QH14, Law No. 03/2022/QH15, Law No. 05/2022/QH15, Law No. 08/2022/QH15, Law No. 09/2022/QH15 and Law No. 20/2023/QH15 are amended as follows:

a) Point g clause 1 of Article 16 is amended as follows:

g) Collection, treatment, recycling or re-use of waste; development and storage of water and restoration of water sources;”;

b) Several points in the Appendix IV - List of conditional business lines are amended as follows:

213

Water resource exploitation services

214

Water resource regulation and distribution decision support services; reservoir and inter-reservoir operation decision support services

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“c) Irrigation; clean water supply; water drainage and wastewater treatment; waste treatment; development and storage of water and restoration of water sources;”.

5. Article 5 of the Law on Amendments to some Articles concerning planning of 37 laws No. 35/2018/QH14 is repealed.

Article 85. Effect

1. This Law comes into force from July 01, 2024, except for the case specified in clauses 3 and 4 of this Article.

2. The Law on Natural Resources No. 17/2012/QH13 amended by the Law No. 08/2017/QH14, Law No. 35/2018/QH14 and Law No. 72/2020/QH14 (hereinafter referred to as “the Law No. 17/2012/QH13”) shall cease to have effect from the effective date of this Law, except for the case specified in clauses 1, 3 and 5 Article 86 of this Law.

3. The fee for right to exploit water resources to be supplied for domestic activities as prescribed in point b clause 1 Article 69 of this Law shall be charged from July 01, 2025.

4. The exploitation of groundwater by households as prescribed in clause 4 Article 52 of this Law shall be registered from July 01, 2026.

Article 86. Transitional clauses

1. The license to practice groundwater drilling or a water resource license which has been issued as per the Law No. 17/2012/QH13 shall still remain valid and may be extended, otherwise modified or re-issued as prescribed by this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Any organization or individual in the case mentioned in point b clause 1 Article 69 of this Law that is granted a water resource license for supply to agriculture prior to the effective date of this Law but is not required to pay the fee for water resource exploitation right as per the Law No. 17/2012/QH13 is not required to pay the fee for water resource exploitation right for the amount of water supplied to agriculture until the expiry date written on the water resource license.

4. Any organization or individual in the case mentioned in point b clause 1 Article 69 of this Law that has their permit for exploiting surface water for supply to agriculture issued or extended as prescribed by this Law shall pay the fee for water resource exploitation right as per this Law at the same time the fee for using irrigation products or services is collected if the State does not provide financial support for use of public irrigation products or utilities under regulations of law on irrigation and law on prices.

5. Any application for issuance, extension, adjustment or re-issuance of the license to practice groundwater drilling or the water resource license that is submitted before the effective date of this Law but has yet to be processed may be processed as per the Law No. 17/2012/QH13, except for the case of applying for issuance of the license as per this Law.

6. For any hydraulic structure which was built and operated before January 01, 2013 but has yet to have its exploitation and use of water resources registered and licensed before the effective date of this Law, it is required to complete the procedures for registering and licensing exploitation of water resources as prescribed by this Law by June 30, 2027 at the latest.

7. For the provincial planning approved before the effective date of this Law, the plan to exploit, use, protect water resources and recover damage caused by water under the provincial planning may be implemented until the expiry of the provincial planning period or until the plan under the provincial planning is modified.

8. Any organization or individual in the cases specified in points e and g clause 5 Article 52 of this Law that possesses a lake, pond, canal or ditch to create space for collection, storage or conveyance of water or create landscapes and uses river, stream, canal, ditch or reservoir water surface for aquaculture, business and service provision before the effective date of this Law shall complete procedures for registering their use of water as per this Law by June 30, 2026 at the latest.

This Law is adopted by the 15th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam on this 27th of November 2023 during its 6th session.

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Tài nguyên nước 2023

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


81.236

DMCA.com Protection Status
IP: 18.118.210.203
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!