Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 số 54/2024/QH15 áp dụng 2025

Số hiệu: 54/2024/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 29/11/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 54/2024/QH15

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2024

 

LUẬT

ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Địa chất và khoáng sản.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các trường hợp sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này:

a) Dầu khí; các loại nước thiên nhiên không phải là nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;

b) Hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư khai thác khoáng sản để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Địa chất là các dạng vật chất cấu tạo nên trái đất, các quá trình diễn ra trong tự nhiên phát sinh từ sự tiến hóa của trái đất cũng như địa hình, cảnh quan, hiện tượng địa chất và môi trường được tạo ra do các quá trình tự nhiên đó.

2. Tài nguyên địa chất là các dạng vật chất hình thành từ các quá trình địa chất, tồn tại trong hoặc trên bề mặt trái đất mà con người có thể khai thác, sử dụng, bao gồm: khoáng sản, di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên địa nhiệt, tài nguyên vị thế, cấu trúc địa chất tàng trữ, không gian lòng đất.

3. Tài nguyên địa nhiệt là nhiệt năng được sinh ra và tồn tại trong các thể địa chất, cấu trúc địa chất có thể khai thác, sử dụng.

4. Tài nguyên vị thế là tài nguyên địa chất mà có vị trí địa lý đem lại lợi thế chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh hoặc môi trường.

5. Cấu trúc địa chất tàng trữ là thể địa chất được hình thành trong lòng đất, có khả năng lưu giữ và thu hồi các loại vật chất.

6. Di chỉ địa chất là tập hợp các dấu hiệu, đặc điểm của hoạt động địa chất có giá trị nổi bật về khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế ở một khu vực xác định trên mặt đất hoặc trong lòng đất được phát hiện và ghi nhận trong quá trình điều tra địa chất.

7. Di sản địa chất là tập hợp một hoặc nhiều di chỉ địa chất được công nhận, xếp hạng.

8. Công viên địa chất là một khu vực có giới hạn xác định, có các di sản địa chất, độc đáo về văn hóa, sinh thái và khảo cổ học; có diện tích phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, giáo dục, nghiên cứu và phát triển bền vững kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

9. Tai biến địa chất là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về môi trường, con người, tài sản, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: động đất, hoạt động núi lửa, đứt gãy hoạt động, trượt lở đất đá, sụt lún bề mặt; nứt đất; xói lở bờ sông, bờ biển; ô nhiễm từ khoáng vật, nguyên tố độc hại có nguồn gốc tự nhiên.

10. Không gian lòng đất là phần phạm vi phân bố của các thực thể địa chất trong lòng đất, được xác định bằng hệ toạ độ quốc gia, diện tích và mức sâu trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất.

11. Điều tra cơ bản địa chất là hoạt động nghiên cứu, điều tra cơ bản về cấu trúc, thành phần vật chất, lịch sử phát sinh, phát triển vỏ trái đất, các điều kiện địa chất, quá trình địa chất và quy luật sinh khoáng nhằm đánh giá tiềm năng tài nguyên địa chất, các tác động của quá trình địa chất đến kinh tế - xã hội và con người làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động bảo vệ, quản lý tài nguyên địa chất.

12. Điều tra địa chất về khoáng sản là việc xác định quy mô, số lượng, chất lượng từng loại khoáng sản, nhóm khoáng sản theo cấu trúc địa chất có triển vọng trên cơ sở điều tra cơ bản địa chất làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động thăm dò khoáng sản.

13. Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

14. Khoáng sản nguyên khai là khoáng sản được khai thác, thu hồi chưa qua chế biến.

15. Khoáng sản đi kèm là khoáng sản có thể khai thác cùng với khoáng sản chính và có hiệu quả kinh tế.

16. Khoáng sản chiến lược, quan trọng là khoáng sản thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước.

17. Khoáng sản phóng xạ là tích tụ tự nhiên của các nguyên tố urani, thori và đồng vị phóng xạ liên quan.

18. Khoáng sản độc hại là khoáng sản có chứa một trong các nguyên tố phóng xạ, thủy ngân, asen, chì, nhóm khoáng vật asbet mà khi khai thác, sử dụng, lưu giữ phát tán ra môi trường những chất phóng xạ hoặc độc hại vượt mức quy định của quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.

19. Nước nóng thiên nhiên là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, luôn có nhiệt độ tại nguồn đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

20. Nước khoáng thiên nhiên là nước thiên nhiên dưới đất, có nơi lộ trên mặt đất, có thành phần, tính chất và một số hợp chất có hoạt tính sinh học đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn nước ngoài được phép áp dụng tại Việt Nam.

21. Hoạt động khoáng sản bao gồm thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản.

22. Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản.

23. Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên, bao gồm: xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, bơm hút, lọc tách, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc phương án khai thác khoáng sản. Sản phẩm của hoạt động khai thác khoáng sản là khoáng sản nguyên khai.

24. Chế biến khoáng sản là quá trình xử lý, gia công khoáng sản sau khai thác thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhằm làm tăng giá trị khoáng sản nguyên khai đã được khai thác.

25. Đóng cửa mỏ khoáng sản là hoạt động nhằm đưa toàn bộ hoặc một phần diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản về trạng thái an toàn, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tối ưu hóa mục đích sử dụng đất sau khai thác.

26. Thu hồi khoáng sản là hoạt động kết hợp nhằm lấy được khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc các hoạt động khác theo kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.

27. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khoản tiền tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải trả cho Nhà nước để được thực hiện quyền khai thác, thu hồi khoáng sản.

28. Công suất khai thác là khối lượng khoáng sản tối đa hoặc lưu lượng tối đa đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên có thể khai thác được trong một khoảng thời gian nhất định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc phương án khai thác khoáng sản và được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

29. Tài nguyên khoáng sản là lượng khoáng sản đã được điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản, đáp ứng yêu cầu tối thiểu để có thể khai thác, sử dụng toàn bộ hoặc một phần tại thời điểm hiện tại hoặc tương lai. Theo mức độ nghiên cứu địa chất, mức độ nghiên cứu khả thi và hiệu quả kinh tế, tài nguyên khoáng sản được chia thành các cấp trữ lượng, các cấp tài nguyên và có độ tin cậy khác nhau.

30. Trữ lượng khoáng sản là phần tài nguyên khoáng sản đã được thăm dò, dự kiến có thể khai thác trong điều kiện kinh tế, kỹ thuật nhất định, mang lại hiệu quả kinh tế tại thời điểm đánh giá.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản

1. Nhà nước có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về địa chất, khoáng sản để bảo đảm tài nguyên địa chất, khoáng sản được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; đẩy mạnh việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động khoáng sản, chế biến khoáng sản.

2. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản.

3. Nhà nước đầu tư và tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng và một số khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; quyết định việc không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực có khoáng sản chiến lược, quan trọng; cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng theo thỏa thuận quy định trong hiệp định liên Chính phủ.

4. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và có chính sách thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, tập trung điều tra, đánh giá các khoáng sản chiến lược, quan trọng theo quy hoạch, kế hoạch.

5. Nhà nước có chính sách dự trữ khoáng sản, xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

6. Dữ liệu địa chất, khoáng sản phải được xây dựng đồng bộ, quản lý tập trung, thống nhất và được khai thác, sử dụng có hiệu quả.

7. Nhà nước khuyến khích hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho công tác quản lý nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực về địa chất, khoáng sản; chia sẻ, sử dụng dữ liệu địa chất, khoáng sản; đầu tư thăm dò khoáng sản và khai thác khoáng sản; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.

8. Nhà nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức, cá nhân và người dân tại địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác, sử dụng trên cơ sở điều tiết nguồn thu từ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản.

Điều 4. Nguyên tắc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản

1. Điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản;

b) Thực hiện theo đề án, dự án, nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Điều tra tổng hợp, toàn diện, bảo đảm tính kế thừa, không trùng lặp;

d) Các phương pháp kỹ thuật điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với đối tượng địa chất, tài nguyên địa chất; mục tiêu, nhiệm vụ điều tra; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật;

đ) Tổng hợp, cập nhật, thống kê, kiểm kê đầy đủ và cung cấp kịp thời các thông tin về kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống tai biến địa chất.

2. Hoạt động khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 và điểm c khoản 2 Điều 73 của Luật này; bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống thiên tai;

b) Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản theo quy định của Luật này;

c) Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ quy mô tài nguyên, trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản theo đề án thăm dò;

d) Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản;

đ) Ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản hợp pháp được thăm dò xuống sâu và mở rộng mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác;

e) Hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên có liên quan.

3. Chính phủ quy định điều kiện, tiêu chí xác định khu vực thăm dò xuống sâu và mở rộng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 5. Nguyên tắc hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản

1. Hội nhập và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản, quản lý hoạt động khoáng sản phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, Hiến chương Liên hợp quốc, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam; bảo đảm nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

2. Tranh chấp quốc tế về địa chất, khoáng sản được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo thông lệ quốc tế, pháp luật quốc tế và pháp luật của các bên liên quan.

Điều 6. Phân nhóm khoáng sản

1. Căn cứ công dụng và mục đích quản lý, khoáng sản được phân loại thành các nhóm sau đây:

a) Khoáng sản nhóm I bao gồm: khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp;

b) Khoáng sản nhóm II bao gồm: khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, đá mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa;

c) Khoáng sản nhóm III bao gồm: khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm d khoản này; than bùn, bùn khoáng, nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;

d) Khoáng sản nhóm IV bao gồm: khoáng sản chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình, xây dựng công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, gồm: đất sét, đất đồi, đất có tên gọi khác; đất lẫn đá, cát, cuội hoặc sỏi; cát (trừ cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển).

2. Chính phủ quy định chi tiết danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định  việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.

Điều 7. Bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng và khoáng sản chưa khai thác

1. Tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng và khoáng sản chưa khai thác, kể cả khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa phải được bảo vệ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng và khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm sau đây:

a) Khi thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các thông tin, dữ liệu về loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;

b) Khi khai thác khoáng sản phải ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép;

c) Quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng, khoáng sản đi kèm trong quá trình khai thác;

d) Đối với khu vực đã được cấp giấy phép khai thác nhưng chưa được thuê đất, bàn giao đất trên thực địa hoặc chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, tổ chức, cá nhân báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được hỗ trợ việc bảo vệ khoáng sản.

4. Người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân được giao khu vực biển có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất hoặc diện tích khu vực biển; không được tự ý khai thác khoáng sản, thu hồi khoáng sản.

5. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện dự án đầu tư hoặc các hoạt động khác nếu phát hiện khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III phải báo cáo ngay cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này, tổ chức bảo vệ khoáng sản được phát hiện; việc thu hồi hoặc không thu hồi khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Điều 75 và Điều 76 của Luật này.

6. Cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản có trách nhiệm chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh danh mục các khu vực có tài nguyên địa chất, khoáng sản cần bảo vệ đã và đang được điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản.

7. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng, khoáng sản chưa khai thác thuộc trách nhiệm của Nhà nước và được bố trí trong dự toán ngân sách địa phương hằng năm.

Điều 8. Quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác

1. Quyền lợi của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân bao gồm:

a) Địa phương nơi có khoáng sản được khai thác được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

b) Tham gia góp ý về biện pháp bảo đảm an toàn lao động, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên;

c) Được ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;

d) Yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản cung cấp địa chỉ thư điện tử, số điện thoại hoặc địa chỉ tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản và góp ý, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản;

đ) Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân bao gồm:

a) Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật;

b) Tham gia bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; giám sát hoạt động khoáng sản;

c) Kịp thời phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản khi phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm đ khoản 1 Điều này.

Điều 9. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

2. Lợi dụng điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản để khai thác tài nguyên địa chất, khoáng sản.

3. Thực hiện điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản.

4. Cản trở trái pháp luật công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, hoạt động khoáng sản.

5. Cố ý hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị, quý hiếm.

6. Kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Chương II

CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

Điều 10. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng

1. Việc lập chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải bảo đảm các nguyên tắc và căn cứ sau đây:

a) Phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; chiến lược bảo vệ Tổ quốc; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; nhu cầu của thị trường thế giới;

b) Bảo đảm tính phối hợp đồng bộ giữa hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản trên phạm vi cả nước; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên địa chất, khoáng sản; 

c) Bảo đảm nhu cầu về khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội;

d) Kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản đã thực hiện; tiền đề và dấu hiệu địa chất liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản;

đ) Phù hợp với nguồn lực của Nhà nước theo từng thời kỳ.

2. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng phải có các nội dung chính sau đây:

a) Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khai thác khoáng sản, tài nguyên địa chất; bảo vệ khoáng sản, tài nguyên địa chất chưa khai thác; thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản;

b) Định hướng điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và nghiên cứu khoa học trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản từng thời kỳ; phối hợp, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản của các Bộ, ngành, địa phương;

c) Định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả gắn với yêu cầu bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác;

d) Định hướng thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác trong kỳ lập chiến lược;

đ) Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khai thác, sử dụng khoáng sản, tài nguyên địa chất; bảo vệ khoáng sản, tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng; thăm dò, khai thác khoáng sản cho từng nhóm khoáng sản, chế biến và sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản sau khai thác; dự trữ khoáng sản quốc gia.

3. Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng được lập cho giai đoạn 10 năm, tầm nhìn 30 năm theo kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có liên quan lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.

Điều 11. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản

1. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia, phải bảo đảm nguyên tắc cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống tai biến địa chất; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

2. Căn cứ lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bao gồm các căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Kết quả thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản của kỳ trước; nhu cầu điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản của các Bộ, ngành, địa phương;

b) Nhu cầu thông tin, dữ liệu về tài nguyên địa chất, khoáng sản và các điều kiện địa chất khác;

c) Tiền đề, dấu hiệu địa chất liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản mới phát hiện.

3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch.

Điều 12. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản

1. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II là quy hoạch ngành quốc gia.

2. Phương án quản lý về địa chất, khoáng sản là hợp phần trong phương án bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.

3. Quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc hạn chế chia cắt khu vực khoáng sản có thể đầu tư khai thác hiệu quả ở quy mô lớn để khoanh định thành các khu vực có quy mô nhỏ.

4. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; phân công cơ quan tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II.

Điều 13. Căn cứ và nội dung của quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II

1. Căn cứ lập quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II bao gồm căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:

a) Nhu cầu khoáng sản của các ngành kinh tế;

b) Kết quả điều tra địa chất về khoáng sản;

c) Tiến bộ khoa học và công nghệ trong thăm dò, khai thác khoáng sản hoặc phát hiện mới về khoáng sản ẩn sâu trong thăm dò, khai thác khoáng sản;

d) Kết quả thực hiện quy hoạch thời kỳ trước; kết quả đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Nội dung quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

Chương III

ĐIỀU TRA CƠ BẢN ĐỊA CHẤT

Điều 14. Nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất

1. Nội dung điều tra cơ bản địa chất bao gồm:

a) Điều tra, xác lập quy luật phân bố, dự báo các cấu trúc có triển vọng tài nguyên địa chất để lập bản đồ địa chất quốc gia các tỷ lệ đến 1:50.000, bao gồm các bộ bản đồ: địa chất; các trường địa vật lý; địa hóa; địa mạo; vỏ phong hóa; tai biến địa chất; di sản địa chất; địa chất môi trường; địa chất thủy văn; địa chất công trình; địa chất đô thị;

b) Điều tra, lập bản đồ địa chất chuyên đề tỷ lệ lớn hơn 1:50.000 theo các chuyên đề và theo yêu cầu quản lý;

c) Điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị; điều tra điều kiện địa chất khác.

2. Trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất bao gồm:

a) Điều tra cơ bản địa chất do Nhà nước thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Kinh phí cho điều tra cơ bản địa chất được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất theo đề án, dự án hoặc nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết khoản 1 Điều này; quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt đề án, dự án, nhiệm vụ, báo cáo, công bố kết quả điều tra cơ bản địa chất.

Điều 15. Điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế

1. Nội dung điều tra di chỉ địa chất, di sản địa chất bao gồm:

a) Điều tra, đánh giá về giá trị khoa học, giáo dục của di chỉ địa chất, di sản địa chất; trong đó tập trung điều tra, đánh giá về vị trí, không gian phân bố, đặc điểm địa lý, địa chất, tính đa dạng địa chất và ý nghĩa khoa học, giáo dục về địa chất;

b) Điều tra, đánh giá về giá trị thẩm mỹ của di chỉ địa chất, di sản địa chất;

c) Điều tra, đánh giá về giá trị kinh tế và tiềm năng khai thác, sử dụng của di chỉ địa chất, di sản địa chất;

d) Xác định mức độ ảnh hưởng và nhu cầu bảo tồn di chỉ địa chất, di sản địa chất.

2. Nội dung điều tra tài nguyên vị thế bao gồm:

a) Điều tra, khoanh định các khu vực có tiềm năng tài nguyên vị thế trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất;

b) Đánh giá vị trí, đặc điểm địa chất, điều kiện địa chất, lịch sử hình thành, khả năng tạo ra giá trị và lợi ích khi khai thác tài nguyên địa chất đã khoanh định; định hướng cho công tác quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng.

3. Việc khoanh định, lập bản đồ các khu vực có di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế phải căn cứ vào kết quả điều tra di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế.

Điều 16. Điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất

1. Nội dung điều tra địa chất môi trường bao gồm:

a) Đặc điểm địa chất, địa hóa, địa vật lý của các thực thể địa chất; các quá trình địa chất có liên quan đến môi trường tự nhiên;

b) Xác định các yếu tố tự nhiên và nhân tạo gây ra dị thường, khả năng phát tán dị thường làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên;

c) Lập bản đồ hiện trạng, phân vùng địa chất môi trường;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất môi trường.

2. Nội dung điều tra tai biến địa chất bao gồm:

a) Đặc điểm địa chất, địa kỹ thuật của các thực thể địa chất; các quá trình địa chất có liên quan; các biểu hiện, động thái tai biến địa chất;

b) Các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội liên quan đến tai biến địa chất;

c) Lập bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo tai biến địa chất;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu tai biến địa chất.

3. Trong quá trình điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất phải tiến hành quan trắc, cảnh báo môi trường địa chất, tai biến địa chất.

Điều 17. Điều tra địa chất công trình, địa chất đô thị

1. Nội dung điều tra địa chất công trình bao gồm:

a) Điều tra, đánh giá, xác định cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn, các quá trình và hiện tượng địa chất động lực, tính chất cơ lý đất, đá;

b) Xác định mối quan hệ và quy luật thay đổi không gian giữa các yếu tố cấu trúc địa chất, địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn, các quá trình và hiện tượng địa chất động lực, tính chất cơ lý đất, đá;

c) Đánh giá tác động các điều kiện địa chất công trình đến cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội;

d) Lập bản đồ phân vùng địa chất công trình với tỷ lệ thích hợp, thể hiện rõ miền, vùng, khu địa chất công trình;

đ) Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất công trình.

2. Nội dung điều tra địa chất đô thị bao gồm:

a) Điều tra địa chất, địa vật lý, địa chất công trình, địa chất thuỷ văn, địa chất môi trường, tai biến địa chất;

b) Xác định thông tin quy hoạch đô thị, tài nguyên địa chất có trong khu vực điều tra; đánh giá áp lực và tương tác do con người gây ra trong môi trường địa chất đô thị;

c) Lập bản đồ không gian địa chất đô thị;

d) Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất đô thị.

Điều 18. Điều tra điều kiện địa chất khác

1. Điều tra điều kiện địa chất khác bao gồm: lập bản đồ không gian địa chất, bản đồ không gian lòng đất; điều tra tài nguyên địa nhiệt quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

2. Lập bản đồ không gian địa chất là việc lập bản đồ không gian ba chiều kỹ thuật số, thể hiện các thực thể, hiện tượng địa chất với đầy đủ thuộc tính về đặc điểm thành phần vật chất, vật lý, hóa học, cơ học và mối quan hệ giữa các thực thể, hiện tượng địa chất đó, phù hợp với tỷ lệ điều tra với các nội dung sau đây:

a) Thu thập, tổng hợp, phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu về địa chất, tài nguyên địa chất, điều tra bổ sung các dữ liệu còn thiếu; mô phỏng các thực thể địa chất; lập bản đồ không gian địa chất;

b) Cập nhật bản đồ không gian địa chất được thực hiện định kỳ hằng năm hoặc đột xuất. Việc cập nhật đột xuất khi có sự biến động đột ngột của các thực thể địa chất do các nguyên nhân tự nhiên hoặc nhân tạo.

3. Lập bản đồ không gian lòng đất là việc lập bản đồ không gian ba chiều kỹ thuật số trên nền bản đồ không gian địa chất, thể hiện các khu vực không gian lòng đất bao gồm các nội dung sau đây:

a) Thu thập, tổng hợp, điều tra bổ sung, phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu tài nguyên địa chất; kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nhu cầu sử dụng không gian lòng đất, hiện trạng sử dụng không gian lòng đất;

b) Lập bản đồ phân bố các cấu trúc tàng trữ; đánh giá đặc điểm địa chất, điều kiện địa chất và khả năng tàng trữ của các cấu trúc địa chất để khoanh định các cấu trúc thuận lợi có thể sử dụng lưu trữ các chất không có bể chứa, chôn lấp chất thải, carbon dioxide (CO2), bổ cập nước dưới đất, lưu giữ năng lượng địa chất và các công dụng khác.

4. Điều tra tài nguyên địa nhiệt bao gồm các nội dung sau đây:

a) Điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực có tiềm năng tài nguyên địa nhiệt trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất;

b) Đánh giá đặc điểm địa chất, điều kiện địa chất, nguồn gốc thành tạo và khả năng thu hồi nhiệt năng từ nguồn địa nhiệt tại khu vực có tiềm năng tài nguyên địa nhiệt đã khoanh định; định hướng cho công tác quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động điều tra cơ bản địa chất

1. Quyền của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất bao gồm:

a) Tiến hành điều tra cơ bản địa chất theo đề án, dự án, nhiệm vụ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất phê duyệt;

b) Chuyển ra ngoài khu vực điều tra cơ bản địa chất, kể cả ra nước ngoài các loại mẫu vật với khối lượng và chủng loại phù hợp với tính chất và yêu cầu để phân tích, thử nghiệm theo đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt;

c) Quyền khác liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản địa chất theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất bao gồm:

a) Đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Thực hiện đúng đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, định mức, đơn giá trong điều tra cơ bản địa chất;

c) Bảo đảm tính trung thực, đầy đủ trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu, thông tin, dữ liệu địa chất; bảo mật thông tin về điều tra cơ bản địa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

d) Bảo vệ môi trường, tài nguyên địa chất, khoáng sản trong quá trình điều tra cơ bản địa chất;

đ) Trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất phê duyệt báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất;

e) Nộp báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, mẫu vật địa chất, khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về lưu trữ;

g) Nghĩa vụ khác liên quan đến điều tra cơ bản địa chất theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT VỀ KHOÁNG SẢN

Điều 20. Nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra địa chất về khoáng sản

1. Nội dung điều tra địa chất về khoáng sản bao gồm:

a) Điều tra các cấu trúc địa chất có tiền đề, dấu hiệu thuận lợi về khoáng sản trên cơ sở kết quả điều tra cơ bản địa chất; khoanh định các diện tích triển vọng để đánh giá tài nguyên khoáng sản;

b) Đánh giá tiềm năng khoáng sản nhằm xác định quy mô tài nguyên các loại khoáng sản trong diện tích đánh giá; khoanh định các khu vực có tiềm năng khoáng sản.

2. Trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra địa chất về khoáng sản bao gồm:

a) Điều tra địa chất về khoáng sản do Nhà nước thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Kinh phí cho điều tra địa chất về khoáng sản được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm; kinh phí của tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật này;

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đề án điều tra địa chất về khoáng sản khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia điều tra;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện điều tra địa chất về khoáng sản;

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện đánh giá tiềm năng khoáng sản đối với khoáng sản nhóm III, nhóm IV.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết khoản 1 Điều này; quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt đề án, dự án, nhiệm vụ, báo cáo kết quả điều tra địa chất về khoáng sản.

Điều 21. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra địa chất về khoáng sản

1. Quyền của tổ chức thực hiện điều tra địa chất về khoáng sản bao gồm:

a) Điều tra theo đề án, dự án, nhiệm vụ đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất phê duyệt;

b) Chuyển ra ngoài khu vực điều tra địa chất về khoáng sản, kể cả ra nước ngoài các loại mẫu vật với khối lượng và chủng loại phù hợp với tính chất và yêu cầu để phân tích, thử nghiệm theo đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt.

2. Nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra địa chất về khoáng sản bao gồm:

a) Đăng ký điều tra địa chất về khoáng sản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất theo quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Thực hiện đúng đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật, định mức, đơn giá trong điều tra địa chất về khoáng sản;

c) Bảo đảm tính trung thực, đầy đủ trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu, thông tin, dữ liệu; bảo mật thông tin về điều tra cơ bản địa chất theo quy định của  pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

d) Bảo vệ môi trường, tài nguyên địa chất, khoáng sản trong quá trình điều tra địa chất về khoáng sản;

đ) Trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất phê duyệt báo cáo kết quả điều tra địa chất về khoáng sản;

e) Nộp báo cáo kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, mẫu vật địa chất, khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 22. Quy định về tham gia điều tra địa chất về khoáng sản của tổ chức, cá nhân

1. Nguyên tắc tham gia điều tra địa chất về khoáng sản bao gồm:

a) Đề án điều tra địa chất về khoáng sản phải nằm trong quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện theo hình thức tham gia điều tra;

b) Tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản đối với đề án thuộc danh mục quy định tại điểm c khoản 2 Điều 20 của Luật này và phải bảo đảm kinh phí thực hiện toàn bộ đề án; có văn bản, tài liệu chứng minh năng lực tài chính; 

c) Việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch;

d) Việc tham gia điều tra địa chất về khoáng sản được thể hiện trong hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Được tham gia kiểm tra, giám sát thi công, nghiệm thu báo cáo kết quả thực hiện đề án;

b) Được lựa chọn một phần hoặc toàn bộ diện tích khu vực có tiềm năng khoáng sản ở khu vực đã tham gia điều tra địa chất về khoáng sản để đề nghị bổ sung vào quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II và khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

c) Được ưu tiên cấp giấy phép thăm dò khoáng sản không qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi khu vực lựa chọn theo quy định tại điểm b khoản này được đưa vào quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II; thời hạn ưu tiên là 24 tháng tính từ ngày khu vực lựa chọn theo quy định tại điểm b khoản này được đưa vào khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

d) Được sử dụng thông tin, dữ liệu điều tra địa chất về khoáng sản trong khu vực tham gia điều tra địa chất về khoáng sản để lập hồ sơ thăm dò khoáng sản;

đ) Trường hợp không đủ điều kiện để được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản ở khu vực đã lựa chọn theo quy định của Luật này hoặc không có nhu cầu tiếp tục thăm dò thì không được hoàn trả kinh phí đầu tư.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản có nghĩa vụ thực hiện đúng hợp đồng đã ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản.

Điều 23. Đăng ký hoạt động điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản

1. Tổ chức thực hiện đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phải đăng ký trước khi thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản phải đăng ký bổ sung, đăng ký điều chỉnh khi có thay đổi về mục tiêu, nhiệm vụ, diện tích, phương pháp điều tra so với đề án, dự án, nhiệm vụ được phê duyệt.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia điều tra địa chất về khoáng sản đã được tuyển chọn không phải đăng ký hoạt động điều tra địa chất về khoáng sản quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương V

KHU VỰC KHOÁNG SẢN; SỬ DỤNG ĐẤT, NƯỚC, KHU VỰC BIỂN VÀ HẠ TẦNG KỸ THUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Mục 1. KHU VỰC KHOÁNG SẢN

Điều 24. Phân loại khu vực khoáng sản

1. Khu vực hoạt động khoáng sản.

2. Khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản.

3. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản.

4. Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

5. Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.

6. Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Điều 25. Khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản

1. Khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, các loại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đang còn hiệu lực; khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản.

2. Khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, quy hoạch tỉnh.

3. Căn cứ vào yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; ngăn ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa; bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên; bảo vệ công trình quy định tại điểm e khoản 1 Điều 26 của Luật này, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản có thể bị hạn chế về một, một số hoặc tất cả nội dung sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản;

b) Công suất khai thác khoáng sản;

c) Thời gian khai thác khoáng sản;

d) Diện tích, độ sâu khai thác khoáng sản và phương pháp thăm dò, khai thác khoáng sản.

4. Căn cứ yêu cầu của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này quyết định việc hạn chế hoạt động khoáng sản quy định tại khoản 3 Điều này.

Điều 26. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản

1. Khu vực cấm hoạt động khoáng sản được khoanh định trên cơ sở một trong các yếu tố sau đây:

a) Kết quả điều tra địa chất về khoáng sản;

b) Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ; khu bảo tồn địa chất, khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật;

d) Khu vực đất quốc phòng, an ninh;

đ) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng;

e) Phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; phạm vi hành lang bảo vệ an toàn hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải; công trình năng lượng, dầu khí; công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin.

2. Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được khoanh định khi có một trong các yêu cầu sau đây:

a) Yêu cầu về quốc phòng, an ninh;

b) Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét, công nhận hoặc phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản; di sản, di tích thuộc danh mục kiểm kê;

c) Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai;

d) Khu vực sông, đoạn sông bị sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông; khu vực bờ biển bị sạt, lở hoặc có nguy cơ sạt, lở bờ biển.

3. Trường hợp cần thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan căn cứ quy định của pháp luật để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản sau khi có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan.

5. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 27. Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ

1. Khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ là khu vực có khoáng sản nhóm I, nhóm II và chỉ phù hợp với hình thức khai thác quy mô nhỏ được xác định trên cơ sở sau đây:

a) Kết quả đánh giá tiềm năng khoáng sản trong giai đoạn điều tra địa chất về khoáng sản;

b) Kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

c) Phần trữ lượng khoáng sản còn lại của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản chỉ phù hợp với quy mô phân tán, nhỏ lẻ.

2. Chính phủ quy định quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản để khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; quy định quy trình, thủ tục khoanh định, công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ.

Điều 28. Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là khu vực có khoáng sản nhóm I, nhóm II chưa khai thác, được xác định căn cứ vào kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, kết quả thăm dò khoáng sản, bao gồm:

1. Khu vực có khoáng sản cần dự trữ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội;

2. Khu vực có khoáng sản nhưng được ưu tiên phát triển kinh tế mũi nhọn, có lợi thế cạnh tranh nổi trội;

3. Khu vực có khoáng sản nhưng chưa đủ điều kiện để khai thác hiệu quả hoặc có đủ điều kiện khai thác nhưng chưa có các giải pháp khắc phục tác động xấu đến môi trường.

Mục 2. QUẢN LÝ KHOÁNG SẢN TRONG KHU VỰC DỰ TRỮ KHOÁNG SẢN QUỐC GIA

Điều 29. Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia quy định tại Điều 28 của Luật này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Quyết định phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia bao gồm các nội dung chính sau đây:

a) Tên khu vực dự trữ khoáng sản;

b) Loại khoáng sản kèm theo tọa độ các điểm khép góc, diện tích, mức sâu của khu vực dự trữ khoáng sản;

c) Quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản;

d) Thời gian dự trữ khoáng sản;

đ) Trách nhiệm bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản;

e) Kế hoạch tổ chức thực hiện.

3. Chính phủ quy định việc khoanh định, phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Điều 30. Điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

1. Việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Bổ sung khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi có phát hiện mới về khoáng sản và cần dự trữ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội;

b) Đưa ra một phần hay toàn bộ khu vực khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để bổ sung vào quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II theo quy định của pháp luật về quy hoạch; phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh; thực hiện dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này.

2. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Điều 31. Thời gian dự trữ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

1. Thời gian dự trữ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được xác định theo Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, tối thiểu 20 năm và tối đa 70 năm. Trường hợp thời gian dự trữ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã hết mà chưa có nhu cầu bổ sung khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ vào quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II thì tiếp tục gia hạn thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia. 

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian dự trữ khoáng sản, gia hạn thời gian dự trữ khoáng sản cho từng khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Điều 32. Quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

1. Khoáng sản dự trữ phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của Luật này.

2. Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tại các khu vực đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, chủ đầu tư dự án có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo vệ khoáng sản trong phạm vi khu vực triển khai dự án;

b) Không lợi dụng việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình để khai thác, thu hồi trái phép khoáng sản dự trữ.

3. Trường hợp chủ đầu tư dự án vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và khối lượng khoáng sản khai thác, thu hồi trái phép, việc xử lý hành vi vi phạm được thực hiện theo hình thức sau đây:

a) Xử phạt vi phạm hành chính;

b) Thu hồi giấy xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản;

c) Thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 của Luật này;

d) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

đ) Truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Các vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

1. Các dự án sau đây được thực hiện tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia:

a) Dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội;

b) Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc có thời gian hoạt động dài hơn thời gian dự trữ khoáng sản còn lại và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia;

c) Thăm dò, khai thác khoáng sản không thuộc đối tượng dự trữ khoáng sản và có thời gian hoạt động không vượt quá thời gian dự trữ khoáng sản còn lại;

d) Dự án đầu tư khác không thuộc trường hợp có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc không thuộc trường hợp có thời gian hoạt động dài hơn thời gian dự trữ khoáng sản còn lại.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ trong phạm vi dự án đầu tư theo quy định tại khoản 3 Điều này. Thời điểm đánh giá được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

3. Nội dung đánh giá mức độ ảnh hưởng đến khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ bao gồm:

a) Tổng quan khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ trong diện tích dự án, gồm mức độ điều tra địa chất về khoáng sản; hiện trạng tài nguyên, trữ lượng và thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (nếu có);

b) Đánh giá mức độ tác động của hoạt động của dự án đầu tư đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng đối với loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ; xác định rõ hạng mục công trình có thể tác động trực tiếp đến khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ khoáng sản;

c) Giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ nằm trong diện tích dự án;

d) Cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi dự án đầu tư.

4. Việc quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản đối với nội dung quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải theo dõi, giám sát và kịp thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đối với trường hợp khi thi công xây dựng hoặc trong quá trình vận hành dự án mà có tác động trực tiếp đến loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ để xử lý theo quy định tại các khoản 6, 7, 8 và 9 Điều này.

6. Trường hợp khi triển khai thi công các hạng mục công trình của dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia mà bắt buộc phải san gạt, đào đắp bề mặt địa hình, tác động trực tiếp đến khoáng sản dự trữ thì tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án để tổ chức kiểm tra, quyết định việc cho phép thu hồi hoặc không thu hồi khoáng sản.

7. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều này xem xét cấp giấy xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản. Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét cấp giấy xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận bằng văn bản.

8. Việc thu hồi khoáng sản được thực hiện theo nguyên tắc sau đây:

a) Thu hồi khoáng sản được thực hiện đồng thời khi triển khai dự án;

b) Chủ đầu tư dự án phải tổ chức thu hồi khoáng sản theo quy định tại khoản 9 Điều này. Trường hợp không tổ chức thu hồi khoáng sản, chủ đầu tư phải đề xuất tổ chức, đơn vị khác để thu hồi và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

9. Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định tại khoản 2 Điều này được phép thu hồi khoáng sản có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 76 của Luật này.

10. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 34. Bồi thường thiệt hại khi dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

1. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ giảm diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, giảm thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia để phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc dự án quan trọng quốc gia dẫn đến phải thu hồi một phần hoặc toàn bộ đất dự án đầu tư thì chủ đầu tư dự án tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Nhà nước không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư dự án tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia khi đã hết thời gian dự trữ khoáng sản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Mục 3. SỬ DỤNG ĐẤT, NƯỚC, KHU VỰC BIỂN VÀ HẠ TẦNG KỸ THUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN

Điều 35. Sử dụng đất, khu vực biển, hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản

1. Việc sử dụng đất trong hoạt động khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Việc sử dụng khu vực biển trong hoạt động khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được sử dụng hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện và hạ tầng kỹ thuật khác để phục vụ hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước trong hoạt động khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được khai thác, sử dụng nước và có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và có các biện pháp bảo đảm đời sống dân cư, tránh xung đột với các hoạt động khác trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

2. Việc xả nước thải trong hoạt động khoáng sản phải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chương VI

HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN, THU HỒI KHOÁNG SẢN, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN

Mục 1. THĂM DÒ KHOÁNG SẢN NHÓM I, NHÓM II, NHÓM III

Điều 37. Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản

1. Tổ chức đăng ký kinh doanh ngành, nghề thuộc lĩnh vực hoạt động khoáng sản được xem xét cấp giấy phép thăm dò khoáng sản bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã;

c) Doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam.

2. Cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh đăng ký kinh doanh ngành, nghề thuộc lĩnh vực hoạt động khoáng sản được xem xét cấp giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm III.

3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải có đủ năng lực tài chính để thực hiện đề án thăm dò khoáng sản.

4. Tổ chức được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này thì được phép trực tiếp thực hiện hoạt động thăm dò khoáng sản.

Tổ chức được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản không đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này, hộ kinh doanh được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản được phép ký hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ thăm dò khoáng sản để thực hiện thăm dò khoáng sản theo giấy phép thăm dò khoáng sản.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Điều 38. Điều kiện của tổ chức kinh doanh dịch vụ thăm dò khoáng sản

1. Tổ chức kinh doanh dịch vụ thăm dò khoáng sản phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có nhân sự phụ trách kỹ thuật tốt nghiệp đại học hoặc tương đương thuộc ngành về địa chất, có kinh nghiệm công tác trong thăm dò khoáng sản; có hiểu biết, nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thăm dò khoáng sản;

c) Có đội ngũ công nhân kỹ thuật chuyên ngành địa chất và chuyên ngành khác có liên quan;

d) Có thiết bị, công cụ chuyên dùng cần thiết để thi công công trình thăm dò khoáng sản.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 39. Lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 37 của Luật này được lựa chọn để cấp giấy phép thăm dò khoáng sản đối với khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Chính phủ.

Điều 40. Khảo sát thực địa để lập đề án thăm dò khoáng sản

1. Trong quá trình lập đề án thăm dò khoáng sản, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất.

2. Đối với khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong quá trình lập đề án thăm dò khoáng sản, tổ chức, cá nhân được khảo sát thực địa, lấy mẫu trên mặt đất để lựa chọn diện tích thăm dò.

3. Trước khi tiến hành khảo sát thực địa, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải có văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu vực dự kiến thăm dò khoáng sản.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 41. Diện tích khu vực thăm dò khoáng sản

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, diện tích khu vực thăm dò của 01 giấy phép đối với loại hoặc nhóm khoáng sản, được quy định như sau:

a) Không quá 100 kilômét vuông (km2) đối với than, bôxít;

b) Không quá 50 kilômét vuông (km2) đối với đá quý, đá bán quý, khoáng sản kim loại, trừ bôxít;

c) Không quá 10 kilômét vuông (km2) đối với khoáng sản phi kim loại ở đất liền, trừ khoáng sản nhóm III;

d) Không quá 200 kilômét vuông (km2) đối với khoáng sản ở vùng biển, trừ khoáng sản nhóm III. Trường hợp đặc biệt cần diện tích lớn hơn, Thủ tướng Chính phủ quyết định;

đ) Không quá 02 kilômét vuông (km2) ở đất liền, không quá 30 kilômét vuông (km2) ở khu vực biển đối với khoáng sản nhóm III, trừ nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;

e) Diện tích khu vực thăm dò đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên được xác định theo đề án thăm dò.

2. Mức sâu thăm dò phải bảo đảm khống chế hết thân khoáng sản và các cấu trúc địa chất có triển vọng đối với loại khoáng sản dự kiến thăm dò theo đề án thăm dò khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

3. Trường hợp thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng theo thỏa thuận trong hiệp định liên Chính phủ, diện tích khu vực thăm dò khoáng sản được thực hiện theo hiệp định.

Điều 42. Đề án thăm dò khoáng sản

1. Đề án thăm dò khoáng sản phải có các nội dung chính sau đây:

a) Hệ phương pháp thăm dò phù hợp để xác định được trữ lượng, chất lượng khoáng sản, điều kiện khai thác, khả năng chế biến và sử dụng các loại khoáng sản có trong diện tích thăm dò; 

b) Khối lượng công tác thăm dò, số lượng, chủng loại mẫu vật cần lấy phân tích, bảo đảm đánh giá đầy đủ tài nguyên, trữ lượng và chất lượng khoáng sản theo mục tiêu thăm dò;

c) Giải pháp bảo vệ môi trường, an toàn lao động và vệ sinh lao động trong quá trình thăm dò khoáng sản;

d) Phương pháp tính trữ lượng khoáng sản;

đ) Giải pháp tổ chức thi công, tiến độ thực hiện đề án thăm dò khoáng sản;

e) Dự toán chi phí thăm dò khoáng sản được lập theo bộ đơn giá các công trình địa chất và các bộ đơn giá khác có liên quan do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định;

g) Thời gian thực hiện đề án thăm dò khoáng sản. 

2. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề án thăm dò khoáng sản trước khi cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.

3. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định đề án thăm dò khoáng sản.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu, nội dung đề án thăm dò khoáng sản; phương pháp, khối lượng công tác thăm dò khoáng sản đối với từng loại khoáng sản và bộ đơn giá các công trình địa chất.

Điều 43. Nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản

1. Việc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Giấy phép thăm dò khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản này;

b) Giấy phép thăm dò khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp ở khu vực bảo đảm phù hợp với quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II;

c) Giấy phép thăm dò khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp ở khu vực phù hợp với quy hoạch tỉnh;

d) Không thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

đ) Không thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia hoặc khu vực đang được điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản cùng loại với khoáng sản xin cấp giấy phép thăm dò; trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 của Luật này;

e) Diện tích khu vực thăm dò khoáng sản không vượt quá diện tích thuộc quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, quy hoạch tỉnh;

g) Giấy phép thăm dò khoáng sản có thể được cấp trùng một phần hoặc toàn bộ về ranh giới bề mặt ở khu vực đang có hoạt động khoáng sản cho cùng 01 tổ chức để thăm dò khoáng sản ở các mức sâu khác nhau theo đề án thăm dò khoáng sản;

h) Mỗi tổ chức, cá nhân được cấp không quá 05 giấy phép thăm dò đối với một loại khoáng sản, không kể giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hiệu lực. Trường hợp cấp quá 05 giấy phép cho cùng 01 tổ chức phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.

2. Việc thăm dò khoáng sản tại khu vực cấm hoạt động khoáng sản hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được thực hiện trong trường hợp phương pháp, công nghệ thăm dò không ảnh hưởng xấu đến đối tượng cần bảo vệ trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này.

3. Việc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản tại một số khu vực có khoáng sản chiến lược, quan trọng, trừ các trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này, phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều này và theo quy định của Chính phủ.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định tổ chức được phép thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng.

Điều 44. Giấy phép thăm dò khoáng sản

1. Giấy phép thăm dò khoáng sản phải thể hiện các thông tin về tên tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản, địa danh khu vực, nội dung giấy phép và các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản.

2. Nội dung giấy phép thăm dò khoáng sản bao gồm:

a) Loại khoáng sản; vị trí, diện tích khu vực thăm dò khoáng sản;

b) Phương pháp, khối lượng thăm dò khoáng sản;

c) Thời hạn thăm dò khoáng sản.

3. Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản bao gồm:

a) Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;

b) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép và các yêu cầu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

4. Thời hạn thăm dò khoáng sản quy định trong giấy phép thăm dò khoáng sản bao gồm thời gian thực hiện đề án thăm dò khoáng sản, thời gian lập báo cáo kết quả thăm dò được thực hiện như sau:

a) Không quá 48 tháng và có thể được gia hạn không quá 02 lần với tổng thời gian gia hạn không quá 24 tháng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Trường hợp hết thời hạn thăm dò theo quy định tại điểm a khoản này, tổ chức, cá nhân chưa hoàn thành thi công khối lượng công việc theo đề án thăm dò khoáng sản vì sự kiện bất khả kháng, giấy phép thăm dò khoáng sản được xem xét cấp lại theo quy định của Luật này nhưng không quá thời gian quy định tại điểm a khoản này;

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện đầy đủ khối lượng công tác thăm dò theo đề án thăm dò khoáng sản mà giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết thời hạn nhưng phải bổ sung khối lượng công tác thăm dò theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tổ chức, cá nhân phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản chấp thuận trước khi thực hiện;

d) Đối với việc thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng theo hiệp định liên Chính phủ, thời gian thăm dò được thực hiện theo thỏa thuận quy định trong hiệp định.

5. Chính phủ quy định chi tiết điểm c khoản 4 Điều này.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu giấy phép thăm dò khoáng sản.

Điều 45. Cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản

1. Việc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, bao gồm cả trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 4 của Luật này, được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 43 của Luật này và căn cứ sau đây:

a) Kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản;

b) Mục đích, nhu cầu thăm dò khoáng sản thể hiện trong văn bản đề nghị cấp giấy phép.

2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này; quy định các trường hợp gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản; quy định cơ quan thẩm định; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu báo cáo, tài liệu quy định tại Điều này.

Điều 46. Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản chỉ được  chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản khi đã thực hiện được ít nhất 50% dự toán của đề án thăm dò khoáng sản.

2. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản phải có đủ điều kiện để được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.

3. Việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng. Thời hạn thăm dò khoáng sản là thời gian còn lại của giấy phép thăm dò khoáng sản đã cấp.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản; quy định cơ quan thẩm định; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản.

Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích thăm dò và khu vực thăm dò và có quyền chuyển nhượng, thừa kế thông tin đó theo quy định của pháp luật;

b) Tiến hành thăm dò theo giấy phép thăm dò khoáng sản;

c) Được bổ sung khối lượng, hạng mục công việc thi công trong phạm vi khu vực thăm dò theo diễn biến thực tế trong quá trình thi công thăm dò nhằm tăng mức độ tin cậy của kết quả thăm dò;

d) Chuyển ra ngoài khu vực thăm dò, kể cả ra nước ngoài các loại mẫu vật với khối lượng, chủng loại phù hợp với tính chất, yêu cầu phân tích, thử nghiệm theo đề án thăm dò khoáng sản đã được chấp thuận;

đ) Được ưu tiên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực đã thăm dò theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này;

e) Đề nghị gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản;

g) Chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này;

h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

i) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện các nội dung trong giấy phép thăm dò khoáng sản. Trường hợp thăm dò vượt quá mức sâu thăm dò theo quy định của Chính phủ, bổ sung mẫu công nghệ, moong khai thác thử hoặc điều chỉnh phương pháp hoặc giảm khối lượng công tác thăm dò, tổ chức, cá nhân phải báo cáo và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện;

c) Bồi thường thiệt hại do hoạt động thăm dò gây ra theo quy định của pháp luật;

d) Thông báo kế hoạch thăm dò cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thăm dò khoáng sản trước khi thực hiện;

đ) Thu thập, lưu giữ thông tin về khoáng sản và báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; báo cáo các hoạt động khác cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này, pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Thực hiện các công việc khi giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 52 của Luật này;

g) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp thăm dò khoáng sản độc hại, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản độc hại phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người; trường hợp đã gây ô nhiễm môi trường thì phải xác định đầy đủ các yếu tố gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm.

4. Trường hợp thăm dò khoáng sản phóng xạ hoặc có chứa chất phóng xạ đi kèm, ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản còn phải thực hiện quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết điểm b khoản 2 Điều này; quy định tổ chức được phép thăm dò khoáng sản độc hại, khoáng sản phóng xạ.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu báo cáo, tài liệu quy định tại điểm d và đ khoản 2 Điều này.

Điều 48. Quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được ưu tiên nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với tài nguyên, trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày  được công nhận.

2. Hết thời hạn ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân đã thăm dò khoáng sản không gửi đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với khu vực đã thăm dò thì mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc khi có thay đổi về chính sách của Nhà nước dẫn đến không thể thực hiện. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật này thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác phải hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản theo quy định của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 49. Thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước

1. Nhà nước sử dụng vốn ngân sách để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản đối với:

a) Khoáng sản chiến lược, quan trọng;

b) Khoáng sản có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục các khu vực thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các khu vực thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của mình.

4. Việc thăm dò khoáng sản sử dụng vốn ngân sách nhà nước không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này lựa chọn tổ chức thực hiện đề án thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 50. Công nhận kết quả thăm dò khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản và tổ chức thực hiện đề án thăm dò khoáng sản quy định tại khoản 4 Điều 49 của Luật này có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 51 của Luật này.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 51 của Luật này có trách nhiệm tổ chức công nhận kết quả thăm dò khoáng sản theo quy định của Chính phủ.

3. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn, tổ chức, cá nhân phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản.

4. Sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản không gửi đủ hồ sơ đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ theo quy định của Luật này thì mất quyền đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, trừ trường hợp bất khả kháng. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trước đó không được hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 4 Điều này; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, cơ quan thẩm định, trình công nhận kết quả thăm dò khoáng sản; trình tự, thủ tục giao nộp báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về phân cấp trữ lượng và tài nguyên khoáng sản; quy định nội dung báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, thăm dò bổ sung.

Điều 51. Thẩm quyền công nhận kết quả thăm dò khoáng sản

1. Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, thăm dò bổ sung thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận kết quả thăm dò khoáng sản, thăm dò bổ sung thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của mình.

3. Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

Điều 52. Thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép thăm dò khoáng sản

1. Giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái quy định của pháp luật;

b) Sau 06 tháng, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản không tiến hành thăm dò, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Khu vực được phép thăm dò khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản hoặc khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

d) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất, khu vực biển đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản để sử dụng vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép hết hạn;

c) Giấy phép được trả lại;

d) Tổ chức thăm dò khoáng sản đã giải thể hoặc phá sản;

đ) Tổ chức, cá nhân bị thu hồi quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã;

e) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

3. Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại khoản 2 Điều này, tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản phải di chuyển toàn bộ tài sản của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực thăm dò; san lấp công trình thăm dò, bảo vệ khoáng sản, phục hồi môi trường, đất đai theo quy định của pháp luật; giao nộp mẫu vật, thông tin về khoáng sản đã thu thập được cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản đang đề nghị gia hạn, cấp lại giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

4. Trường hợp khu vực thăm dò khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản thì tổ chức, cá nhân có giấy phép thăm dò khoáng sản còn hiệu lực trong khu vực đó được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 Điều này; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản.

Mục 2. KHAI THÁC KHOÁNG SẢN NHÓM I, NHÓM II, NHÓM III

Điều 53. Điều kiện đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản

1. Tổ chức đăng ký kinh doanh ngành, nghề khai thác khoáng sản được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

2. Cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh ngành, nghề khai thác khoáng sản được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm III.

3. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 54. Khu vực khai thác khoáng sản, diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản

1. Khu vực khai thác khoáng sản được giới hạn bởi các đoạn thẳng nối các điểm khép góc thể hiện trên bản đồ địa hình hệ tọa độ quốc gia với tỷ lệ thích hợp.

2. Diện tích, ranh giới theo chiều sâu của khu vực khai thác khoáng sản được xem xét, xác định trên cơ sở dự án đầu tư khai thác khoáng sản, phù hợp với trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận.

3. Diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản bao gồm: diện tích khu vực khai thác khoáng sản; diện tích các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản gắn với khu vực khai thác khoáng sản; diện tích hành lang bảo đảm an toàn trong khai thác mỏ.

4. Đối với khai thác nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, việc xác định vị trí, diện tích khu vực khai thác theo tọa độ của giếng khoan hoặc cụm giếng khoan.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Điều 55. Nguyên tắc cấp giấy phép khai thác khoáng sản

1. Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được cấp ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này;

b) Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp ở khu vực phù hợp với quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II;

c) Giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp ở khu vực phù hợp với quy hoạch tỉnh;

d) Không khai thác khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 33 của Luật này;

đ) Không khai thác khoáng sản tại khu vực cấm hoạt động khoáng sản hoặc khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

e) Giấy phép khai thác khoáng sản có thể được cấp trùng một phần hoặc toàn bộ về ranh giới bề mặt ở khu vực đang có hoạt động khoáng sản cho cùng 01 tổ chức để khai thác khoáng sản ở các mức sâu khác nhau theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

2. Việc khai thác khoáng sản tại khu vực cấm hoạt động khoáng sản hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được thực hiện trong trường hợp khai thác theo phương pháp, công nghệ không ảnh hưởng xấu đến đối tượng cần bảo vệ trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản và theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 56. Giấy phép khai thác khoáng sản

1. Giấy phép khai thác khoáng sản phải thể hiện các thông tin về tên tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, nội dung giấy phép và các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

2. Nội dung giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm:

a) Vị trí, diện tích khu vực khai thác khoáng sản; mức sâu được phép khai thác;

b) Loại khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm (nếu có);

c) Trữ lượng hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác;

d) Công suất khai thác, phương pháp khai thác khoáng sản;

đ) Thời hạn khai thác khoáng sản.

3. Các yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm:

a) Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;

b) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép và các yêu cầu khác (nếu có) theo quy định của pháp luật. 

4. Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn như sau:

a) Thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm; trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 68 và khoản 3 Điều 87 của Luật này;

b) Trường hợp thời hạn khai thác khoáng sản, bao gồm cả thời gian gia hạn, đã hết mà khu vực được phép khai thác còn trữ lượng, việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

5. Thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản cấp lại được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Điều 57. Cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản

1. Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 55 của Luật này và các căn cứ sau đây:

a) Kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản;

b) Nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản thể hiện trong văn bản đề nghị cấp giấy phép.

2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này; quy định các trường hợp gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản; quy định cơ quan thẩm định; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu báo cáo, tài liệu quy định tại Điều này.

Điều 58. Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản chỉ được chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản sau khi đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, đưa mỏ vào khai thác.

2. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

3. Việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng. Thời hạn khai thác khoáng sản là thời gian còn lại của giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Điều 59. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được phép khai thác khoáng sản;

b) Tiến hành khai thác khoáng sản theo nội dung quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản và quy định của Luật này;

c) Thăm dò bổ sung để phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản trong phạm vi ranh giới khu vực được phép khai thác;

d) Thu hồi khoáng sản trong phạm vi diện tích thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản khi tiến hành xây dựng cơ bản mỏ hoặc các hoạt động khác phục vụ cho hoạt động khai thác mỏ nhưng phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản xem xét, quyết định;

đ) Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu và các quyền sở hữu khác đối với khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật;

e) Đề nghị gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản;

g) Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này;

h) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

i) Sử dụng đất, đá thải mỏ để phục vụ cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường, các công trình phục vụ dự án và các mục đích khác;

k) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản; nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

b) Ưu tiên sử dụng lao động địa phương để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;

c) Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đất đai;

d) Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và các hoạt động khác được xác định trong báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ được phê duyệt theo quy định của pháp luật; trừ trường hợp bất khả kháng;

đ) Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác khoáng sản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản; thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;

e) Trường hợp thăm dò bổ sung để nâng cấp tài nguyên, trữ lượng khoáng sản chính hoặc xác định trữ lượng khoáng sản đi kèm (nếu có), tổ chức, cá nhân phải lập đề án thăm dò bổ sung, gửi cơ quan cấp giấy phép khai thác khoáng sản để xem xét, chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được công nhận kết quả thăm dò bổ sung;

g) Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm theo đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản; bảo vệ khoáng sản trong phạm vi ranh giới khu vực được phép khai thác khoáng sản; thực hiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản; thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật này, pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan;

h) Lưu giữ, cập nhật, cung cấp thông tin về kết quả thăm dò bổ sung, khai thác khoáng sản; kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế trước khi vận chuyển ra khỏi khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản; đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu về hoạt động khoáng sản và kết nối với hệ thống thông tin, dữ liệu về hoạt động khoáng sản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định tại Điều 108 của Luật này;

i) Báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo;

k) Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra theo quy định của pháp luật;

l) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu vực khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

m) Đóng cửa mỏ khoáng sản; cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường;

n) Trường hợp đã khai thác đủ trữ lượng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản mà khu vực khai thác khoáng sản còn trữ lượng và giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, phải tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản để điều chỉnh giấy phép theo quy định tại Điều 57 của Luật này; trừ trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển quy định tại Chương VIII của Luật này;

o) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm d và điểm i khoản 1, điểm e và điểm g khoản 2 Điều này; quy định lộ trình thực hiện việc kết nối với hệ thống thông tin, dữ liệu về hoạt động khoáng sản quy định tại điểm h khoản 2 Điều này.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các điểm đ, h, i và n khoản 2 Điều này.

Điều 60. An toàn, vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, người làm việc tại mỏ khai thác khoáng sản phải thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, kỹ thuật an toàn theo quy định của Luật này, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 62 của Luật này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật an toàn sau đây:

a) Nhân sự quản lý, điều hành sản xuất phải đáp ứng trình độ chuyên môn và được huấn luyện về kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản;

b) Hệ thống thiết bị, phương tiện được sử dụng trong khai thác khoáng sản phải phù hợp với điều kiện địa chất của khu vực khai thác khoáng sản. Trường hợp khai thác mỏ hầm lò, hệ thống thiết bị, phương tiện còn phải bảo đảm an toàn theo mức độ nguy hiểm do khí cháy, nổ gây ra;

c) Lập và phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro và gửi cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp khai thác mỏ hầm lò, phải lập kế hoạch quản lý rủi ro gửi Bộ Công Thương phê duyệt theo quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Có đội ngũ ứng cứu khẩn cấp bán chuyên trách để thực hiện các biện pháp xử lý tình huống khẩn cấp tại chỗ.

3. Thời điểm phê duyệt kế hoạch quản lý rủi ro đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò được quy định như sau:

a) Đối với dự án đầu tư khai thác mới, kế hoạch quản lý rủi ro phải được phê duyệt trước khi thi công và trước khi đưa công trình hầm lò vào sử dụng;

b) Đối với dự án đầu tư khai thác đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản mỏ, kế hoạch quản lý rủi ro phải được phê duyệt trước khi đưa công trình vào sử dụng;

c) Đối với dự án đầu tư khai thác đã đi vào vận hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, kế hoạch quản lý rủi ro phải được phê duyệt trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

4. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, giám đốc điều hành mỏ hoặc nhân sự điều hành mỏ phải áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để loại trừ nguyên nhân xảy ra sự cố.

5. Khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, giám đốc điều hành mỏ hoặc nhân sự điều hành mỏ phải thực hiện các quy định sau đây:

a) Áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để khắc phục sự cố; cấp cứu, sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm;

b) Bảo vệ tài sản, bảo vệ hiện trường xảy ra sự cố, trừ trường hợp phải thực hiện các hoạt động quy định tại điểm a khoản này.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ việc cấp cứu và khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động.

7. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện chế độ báo cáo về tai nạn lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động trong khai thác khoáng sản; khi xảy ra sự cố mất an toàn lao động, phải kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

8. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này.

9. Chính phủ quy định chi tiết các điểm a, b, d khoản 2 và khoản 7 Điều này.

Điều 61. Thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ

1. Thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Thiết kế mỏ để phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản; thiết kế mỏ phải bảo đảm phù hợp với thiết kế cơ sở. Trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế mỏ được áp dụng theo trình tự một bước hoặc nhiều bước theo quy định của pháp luật về xây dựng và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với trường hợp thiết kế một bước hoặc thiết kế hai bước, thiết kế mỏ là thiết kế bản vẽ thi công;

b) Đối với trường hợp thiết kế ba bước, thiết kế mỏ bao gồm thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chỉ được phép xây dựng cơ bản mỏ, khai thác khoáng sản khi đã có thiết kế mỏ được phê duyệt và gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này; quy định đối tượng phải có thiết kế cơ sở của dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ.

Điều 62. Giám đốc điều hành mỏ, nhân sự điều hành mỏ

1. Khai thác khoáng sản phải có giám đốc điều hành mỏ, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Đối với khai thác mỏ hầm lò, 01 giám đốc điều hành mỏ chỉ điều hành 01 giấy phép khai thác khoáng sản. Đối với khai thác mỏ lộ thiên, 01 giám đốc điều hành mỏ điều hành tối đa 03 giấy phép khai thác khoáng sản được cấp cho cùng 01 tổ chức, cá nhân và có khoảng cách giữa các mỏ không quá 10 kilômét (km).

3. Giám đốc điều hành mỏ là người có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật, do tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản bổ nhiệm hoặc do cá nhân được phép khai thác, người đứng đầu tổ chức được phép khai thác trực tiếp đảm nhiệm.

4. Các trường hợp sau đây không phải có giám đốc điều hành mỏ nhưng phải có nhân sự điều hành mỏ phụ trách về công tác kỹ thuật khai thác mỏ, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản:

a) Khai thác khoáng sản nhóm II, nhóm III mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

b) Khai thác khoáng sản tại khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ theo quy định tại Điều 27 của Luật này, trừ trường hợp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc khai thác mỏ hầm lò.

5. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo đảm điều kiện để giám đốc điều hành mỏ hoặc nhân sự điều hành mỏ thực hiện nhiệm vụ;

b) Thông báo bằng văn bản về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày bắt đầu khai thác mỏ hoặc trong trường hợp thay đổi giám đốc điều hành mỏ. Trường hợp giám đốc điều hành mỏ không đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 63. Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản rắn phải lập, cập nhật, quản lý và lưu giữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác từ khi bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ đến khi kết thúc khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định đối tượng lập, thời điểm nộp, hình thức và nội dung bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản.

Điều 64. Thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm thực hiện công tác thống kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác định kỳ hằng năm; kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại tại thời điểm đề nghị gia hạn, điều chỉnh, chuyển nhượng, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu đã thống kê, kiểm kê.

2. Thống kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác hằng năm và tổng trữ lượng khoáng sản đã khai thác kể từ ngày bắt đầu khai thác đến thời điểm thống kê, bao gồm:

a) Thông tin về tài nguyên, trữ lượng khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận; bình đồ tính tài nguyên, trữ lượng khoáng sản và mặt cắt tính tài nguyên, trữ lượng khoáng sản;

b) Sản lượng hoặc khối lượng khoáng sản được khai thác thực tế theo kết quả cân hoặc đo đạc; kết quả kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản;

c) Thông tin, số liệu từ kết quả phân tích, đánh giá chất lượng hoặc hàm lượng khoáng sản; kết quả xác nhận, bàn giao sản lượng hoặc khối lượng khoáng sản đã được khai thác; khối lượng đất, đá được thải loại theo từng công đoạn khai thác;

d) Kết quả đo đạc thực tế về hiện trạng khai thác trong quá trình lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản đối với khoáng sản rắn.

3. Kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại kể từ ngày bắt đầu khai thác đến thời điểm kiểm kê được tổng hợp từ các tài liệu bao gồm:

a) Thông tin về trữ lượng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản;

b) Kết quả thống kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác hằng năm và tổng trữ lượng khoáng sản đã khai thác từ ngày bắt đầu khai thác đến thời điểm kiểm kê;

c) Số liệu về tài nguyên, trữ lượng các loại khoáng sản còn lại trong phạm vi ranh giới khu vực được phép khai thác.

4. Việc thống kê, kiểm kê khối lượng khoáng sản đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật này được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các mẫu báo cáo, tài liệu quy định tại Điều này.

Điều 65. Khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng, khoáng sản độc hại, khoáng sản phóng xạ

1. Đối với khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện theo các quy định sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này;

b) Đối với nhà đầu tư nước ngoài, phải đáp ứng các quy định về tiếp cận thị trường theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Chịu sự điều hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ.

2. Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản độc hại, khoáng sản phóng xạ còn phải thực hiện quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chính phủ quy định tổ chức được phép khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng, khoáng sản độc hại, khoáng sản phóng xạ.

Điều 66. Thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản

1. Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái quy định của pháp luật;

b) Khu vực được phép khai thác khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

c) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất, khu vực biển đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản để sử dụng vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và quy định khác của pháp luật có liên quan;

d) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép đã hết thời hạn khai thác nhưng không đủ điều kiện để gia hạn, cấp lại;

c) Giấy phép được trả lại;

d) Tổ chức khai thác khoáng sản giải thể, phá sản;

đ) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã;

e) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

g) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất, khu vực biển theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản vi phạm pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

h) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

3. Khi giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại các điểm a, b, đ, e, g và h khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định tại mục 2 Chương VII của Luật này;

b) Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, phải di chuyển tài sản của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản, trừ các công trình, thiết bị quy định tại điểm c khoản này; sau thời hạn này, tài sản còn lại được xử lý theo quy định của pháp luật;

c) Không được tháo dỡ, phá hủy các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản.

4. Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực mà còn trữ lượng khoáng sản và tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản trước đó không đủ điều kiện để gia hạn hoặc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản thì việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác được thực hiện theo quy định của Luật này.

5. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản bị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 1, điểm c khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này; quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản.

Mục 3. KHAI THÁC TẬN THU KHOÁNG SẢN

Điều 67. Quy định chung về khai thác tận thu khoáng sản

1. Khai thác tận thu khoáng sản bao gồm:

a) Hoạt động khai thác có chọn lọc khoáng sản còn lại ở bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản;

b) Hoạt động khai thác tất cả các khoáng sản ở bãi thải của mỏ, kể cả đất, đá thải mỏ, đã có quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.

2. Nguyên tắc cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bao gồm:

a) Phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động, kỹ thuật an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; bảo đảm không ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư xung quanh khu vực bãi thải;

b) Đối với các bãi thải có chiều cao lớn, địa hình phức tạp, phải có thiết kế mỏ theo quy định tại Điều 61 của Luật này;

c) Không phải căn cứ vào phương án quản lý về địa chất, khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này;

d) Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản được xem xét, cấp đối với tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 53 của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 68. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản

1. Các thông tin, nội dung của giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bao gồm:

a) Các thông tin, nội dung quy định tại khoản 1, các điểm a, b, d và đ khoản 2, khoản 3 Điều 56 của Luật này;

b) Khối lượng khoáng sản được phép khai thác.

2. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản có thời hạn như sau:

a) Thời hạn khai thác tận thu khoáng sản bao gồm thời gian xây dựng cơ bản mỏ và thời gian khai thác tận thu khoáng sản được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác tận thu khoáng sản với tổng thời gian gia hạn không quá 05 năm;

b) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền khai thác tận thu khoáng sản cho tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn khai thác tận thu khoáng sản là thời gian còn lại của giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã cấp trước đó.

Điều 69. Cấp, gia hạn, điều chỉnh và trả lại giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác tận thu khoáng sản

1. Việc cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản phải thực hiện theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này và các căn cứ sau đây:

a) Kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản;

b) Nhu cầu khai thác, sử dụng khoáng sản thể hiện trong văn bản đề nghị cấp giấy phép.

2. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 Điều này; quy định các trường hợp gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác tận thu khoáng sản; quy định cơ quan thẩm định; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác tận thu khoáng sản.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu báo cáo, tài liệu quy định tại Điều này.

Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến mục đích khai thác và khu vực được phép khai thác tận thu khoáng sản;

b) Tiến hành khai thác khoáng sản theo nội dung quy định trong giấy phép khai thác tận thu khoáng sản và quy định của Luật này;

c) Thu hồi khoáng sản trong phạm vi diện tích thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản khi tiến hành xây dựng cơ bản mỏ hoặc các hoạt động khác phục vụ cho hoạt động khai thác mỏ nhưng phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản xem xét, quyết định;

d) Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu và các quyền sở hữu khác đối với khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật;

đ) Đề nghị gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác tận thu khoáng sản;

e) Chuyển nhượng quyền khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của Luật này;

g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

h) Sử dụng đất, đá thải mỏ để phục vụ cho mục đích cải tạo, phục hồi môi trường, các công trình phục vụ dự án khai thác khoáng sản và các mục đích khác;

i) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác tận thu khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

b) Ưu tiên sử dụng lao động địa phương để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan;

c) Phối hợp với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đất đai;

d) Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và các hoạt động khác được xác định trong báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ được phê duyệt theo quy định của pháp luật; trừ trường hợp bất khả kháng;

đ) Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác khoáng sản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;

e) Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm theo đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; bảo vệ khoáng sản trong phạm vi ranh giới khu vực được phép khai thác; thực hiện bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản; thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật này, pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan; có giám đốc điều hành mỏ hoặc nhân sự điều hành mỏ theo quy định của pháp luật;

g) Lưu giữ, cập nhật, cung cấp thông tin về kết quả khai thác tận thu khoáng sản; kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế trước khi vận chuyển ra khỏi khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản; đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu về hoạt động khoáng sản và kết nối với hệ thống thông tin, dữ liệu về hoạt động khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

h) Thống kê, kiểm kê khối lượng khoáng sản được khai thác;

i) Báo cáo kết quả hoạt động khai thác tận thu khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo;

k) Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra theo quy định của pháp luật;

l) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu vực tận thu khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;

m) Đóng cửa mỏ; cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường;

n) Trường hợp đã khai thác đủ khối lượng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác tận thu khoáng sản mà vẫn còn khoáng sản và giấy phép khai thác tận thu khoáng sản còn hiệu lực, phải tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản để điều chỉnh giấy phép khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của Luật này;

o) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Chính phủ quy định chi tiết điểm c và điểm h khoản 1, điểm e và điểm h khoản 2 Điều này; quy định lộ trình thực hiện việc kết nối với hệ thống thông tin, dữ liệu về hoạt động khoáng sản quy định tại điểm g khoản 2 Điều này.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các điểm đ, g, i và n khoản 2 Điều này.

Điều 71. Thu hồi giấy phép khai thác tận thu khoáng sản

1. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép cấp không đúng thẩm quyền hoặc có nội dung trái quy định của pháp luật;

b) Khu vực tận thu khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

c) Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất đã được cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản để sử dụng vào mục đích khác theo quy định pháp luật về đất đai;

d) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản chấm dứt hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép đã hết thời hạn khai thác tận thu khoáng sản nhưng không đủ điều kiện để gia hạn;

c) Giấy phép được trả lại;

d) Tổ chức khai thác tận thu khoáng sản giải thể, phá sản;

đ) Tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã;

e) Tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

g) Tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất của dự án đầu tư khai thác khoáng sản do vi phạm pháp luật về đất đai;

h) Theo bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết trọng tài.

3. Khi giấy phép khai thác tận thu khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại các điểm a, b, đ, e, g và h khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản có nghĩa vụ thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 66 của Luật này.

4. Tổ chức, cá nhân khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi giấy phép khai thác tận thu khoáng sản theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 1 và khoản 4 Điều này; quy định trình tự thu hồi giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

Mục 4. KHAI THÁC KHOÁNG SẢN NHÓM IV

Điều 72. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhóm IV

Tổ chức, cá nhân được xem xét cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 53 của Luật này;

2. Tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, lựa chọn là nhà thầu thi công trong các trường hợp sau đây:

a) Thi công dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Thực hiện biện pháp huy động khẩn cấp để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp về thiên tai, thi công công trình phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Điều 73. Quy định chung về khai thác khoáng sản nhóm IV

1. Khai thác khoáng sản nhóm IV được thực hiện như sau:

a) Không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản nhưng phải khảo sát, đánh giá thông tin chung về khoáng sản dự kiến khai thác;

b) Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này và Điều 74 của Luật này, trừ trường hợp khai thác tận thu khoáng sản.

2. Nguyên tắc khai thác khoáng sản nhóm IV bao gồm:

a) Chỉ cho phép khai thác ở khu vực không có tổ chức, cá nhân đang thăm dò, khai thác khoáng sản hợp pháp;

b) Việc khai thác khoáng sản nhóm IV tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia không được ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng đối với loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ và không vượt quá thời gian dự trữ;

c) Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản không phải căn cứ phương án quản lý về địa chất, khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này;

d) Việc khai thác khoáng sản nhóm IV để phục vụ cho các dự án, công trình, hạng mục công trình, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này, không phải thực hiện thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, nhưng phải lập phương án khai thác khoáng sản nhóm IV, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này.

3. Quyền của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhóm IV bao gồm:

a) Khai thác khoáng sản theo nội dung quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ và các quyền sở hữu khác đối với khoáng sản đã khai thác theo quy định của pháp luật;

c) Đề nghị gia hạn, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản;

d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

đ) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

4. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhóm IV bao gồm:

a) Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

b) Ưu tiên sử dụng lao động địa phương để thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản và dịch vụ có liên quan;

c) Khai thác tối đa khoáng sản theo đúng nội dung quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản;

d) Bảo đảm tiến độ khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp bất khả kháng;

đ) Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và kỹ thuật an toàn trong khai thác khoáng sản; thực hiện quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; có nhân sự điều hành mỏ theo quy định tại Điều 62 của Luật này;

e) Chấp hành các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật này, pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan;

g) Kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế trước khi vận chuyển ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản;

h) Báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo;

i) Thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định của Luật này và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

k) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản nhóm IV; quy định việc xử lý đối với phần khoáng sản dôi dư quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.

6. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết điểm a khoản 1, điểm d khoản 2 và điểm h khoản 4 Điều này.

Điều 74. Cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV

1. Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị khai thác khoáng sản nhóm IV và gửi về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 108 của Luật này để được xem xét, cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV.

2. Chính phủ quy định cơ quan thẩm định; quy định thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV, việc gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, điều chỉnh, trả lại, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV, mẫu văn bản của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV.

Mục 5. THU HỒI KHOÁNG SẢN

Điều 75. Quy định chung về thu hồi khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân được xem xét cấp giấy xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 và điểm c khoản 1 Điều 70 của Luật này;

b) Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư kết hợp thu hồi khoáng sản ở khu vực thi công các hạng mục công trình của dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép thực hiện, kể cả khoáng sản nằm trong khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia;

c) Chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư thực hiện hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm là khoáng sản trong vùng nước cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước đường thủy nội địa, lòng sông, lòng hồ hoặc tại các vùng nước, đất ngập nước khác theo dự án, kế hoạch được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

d) Người sử dụng đất thực hiện cải tạo, xây dựng công trình trên đất ở, đất nông nghiệp được phép thu hồi khoáng sản nhóm III, nhóm IV từ hoạt động cải tạo, xây dựng công trình trên đất ở, đất nông nghiệp;

đ) Tổ chức, cá nhân thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản được phép thu hồi khoáng sản.

2. Việc thu hồi khoáng sản tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên và phải bảo đảm nguyên tắc sau đây:

a) Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này, chỉ được phép thu hồi khoáng sản khi bắt buộc phải san gạt, đào đắp bề mặt địa hình tạo mặt bằng xây dựng, nạo vét để thực hiện theo đúng thiết kế của dự án; đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, phương án đóng cửa mỏ khoáng sản được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận;

b) Đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này, người sử dụng đất chỉ được thu hồi khoáng sản khi bắt buộc phải san gạt, đào đắp bề mặt địa hình tạo mặt bằng xây dựng các hạng mục của công trình đó.

3. Trường hợp thu hồi khoáng sản nhóm I quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, chủ đầu tư hoặc nhà đầu tư phải đánh giá hiệu quả kinh tế khi thu hồi khoáng sản và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, quyết định.

4. Trường hợp thu hồi khoáng sản nhóm II, nhóm III hoặc nhóm IV quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Được sử dụng khoáng sản để phục vụ cho xây dựng công trình hoặc các hạng mục công trình của dự án, đề án, phương án đó;

b) Được cung cấp cho công trình, dự án khác.

5. Tổ chức, cá nhân thu hồi khoáng sản phải đăng ký hoạt động thu hồi khoáng sản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định việc xử lý khoáng sản trong trường hợp không thu hồi; quy định thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản.

Điều 76. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thu hồi khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân thu hồi khoáng sản có quyền sau đây:

a) Thu hồi khoáng sản theo giấy xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Cất giữ, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu và các quyền sở hữu khác đối với khoáng sản đã thu hồi theo quy định của pháp luật;

c) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân thu hồi khoáng sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 98 của Luật này;

b) Thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

c) Báo cáo kết quả hoạt động thu hồi khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo;

d) Bồi thường thiệt hại do hoạt động thu hồi khoáng sản gây ra;

đ) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mục 6. CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN

Điều 77. Tổ chức, cá nhân chế biến khoáng sản

Tổ chức, cá nhân chế biến khoáng sản bao gồm tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản và thực hiện hoạt động chế biến khoáng sản theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

Điều 78. Quy định chung về chế biến khoáng sản

1. Chế biến khoáng sản phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II hoặc quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh;

b) Việc chế biến khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Khoáng sản đưa vào chế biến có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân chế biến khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VII

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN; ĐÓNG CỬA MỎ KHOÁNG SẢN

Mục 1. BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 79. Yêu cầu chung về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường; thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thực hiện các giải pháp và chịu mọi chi phí bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường.

Điều 80. Nội dung bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

1. Nội dung bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Thực hiện yêu cầu về quản lý rủi ro theo quy định tại Điều 60 của Luật này.

Mục 2. ĐÓNG CỬA MỎ KHOÁNG SẢN

Điều 81. Yêu cầu chung về hoạt động đóng cửa mỏ khoáng sản

Việc đóng cửa mỏ khoáng sản phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Thống kê đầy đủ trữ lượng, khối lượng khoáng sản đã khai thác; kiểm kê trữ lượng, khối lượng khoáng sản còn lại;

2. Đưa môi trường tự nhiên gồm đất, nước, thảm thực vật, cảnh quan của toàn bộ hay từng phần khu vực mỏ sau khai thác đạt các yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

3. Bảo đảm sự ổn định và an toàn của khu vực sau khi đóng cửa mỏ khoáng sản;

4. Tối ưu hiệu quả sử dụng đất sau khai thác khoáng sản.

Điều 82. Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, phương án đóng cửa mỏ khoáng sản

1. Trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, khai thác tận thu khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đối với toàn bộ hoặc một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản trong các trường hợp sau đây:

a) Đã khai thác hết toàn bộ trữ lượng khoáng sản trong phạm vi diện tích, ranh giới theo chiều sâu khu vực khai thác khoáng sản;

b) Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại các điểm a, b, đ, e, g và h khoản 2 Điều 66 của Luật này;

c) Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản chấm dứt hiệu lực theo quy định tại các điểm a, b, đ, e, g và h khoản 2 Điều 71 của Luật này;

d) Thời hạn khai thác quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã hết nhưng không đủ điều kiện để gia hạn, cấp lại;

đ) Khi tổ chức, cá nhân có đề nghị trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.

2. Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, trường hợp không phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải lập phương án đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm:

a) Giấy phép khai thác khoáng sản nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, khoáng sản ở lòng sông, lòng hồ, khu vực biển;

b) Trả lại một phần diện tích đã khai thác.

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, việc đóng cửa mỏ khoáng sản đối với khai thác khoáng sản nhóm IV được thực hiện như sau:

a) Thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều 81 của Luật này;

b) Không phải thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, chấp thuận phương án đóng cửa mỏ khoáng sản.

4. Các trường hợp không phải thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm:

a) Giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản chấm dứt hiệu lực nhưng chưa tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản;

b) Giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã hết thời hạn khai thác và đang được xem xét để điều chỉnh, gia hạn, cấp lại;

c) Tổ chức, cá nhân có đề nghị trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhưng chưa tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định nội dung đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, phương án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Điều 83. Thẩm định, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, chấp thuận phương án đóng cửa mỏ khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 82 của Luật này phải gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này để được thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện hoạt động đóng cửa mỏ khoáng sản.

2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ khoáng sản theo thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này.

3. Việc thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản.

4. Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản là căn cứ để thực hiện hoạt động sau đây:

a) Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các hoạt động đóng cửa mỏ khoáng sản của tổ chức, cá nhân;

b) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 85 của Luật này.

5. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 82 của Luật này có nghĩa vụ lập hồ sơ đề nghị phê duyệt điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ khoáng sản khi có nhu cầu thay đổi về thời gian, khối lượng các hạng mục công việc, kinh phí thực hiện trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã được phê duyệt.

6. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập phương án đóng cửa mỏ khoáng sản gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này xem xét, chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản.

7. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2, 3, 5 và 6 Điều này; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, chấp thuận phương án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Điều 84. Thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 82 của Luật này phải thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản hoặc chấp thuận phương án đóng cửa mỏ khoáng sản.

Đối với trường hợp khai thác khoáng sản nhóm IV, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản và báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này.

2. Trường hợp giấy phép chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 66, điểm d khoản 2 Điều 71 của Luật này hoặc trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không có khả năng thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản, việc lập, tổ chức thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản được thực hiện bởi đơn vị có đủ năng lực và được lựa chọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Thẩm quyền lựa chọn đơn vị thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản được thực hiện như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định đối với giấy phép khai thác khoáng sản hoặc văn bản tương đương với giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan trung ương cấp;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với trường hợp không thuộc quy định tại điểm a khoản này.

3. Kinh phí thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Sử dụng từ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản;

b) Sử dụng kinh phí xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phát sinh sau khi quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể hoặc phá sản (nếu có) theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về hợp tác xã và pháp luật về phá sản;

c) Trường hợp số tiền quy định tại điểm a và điểm b khoản này không đủ để thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản, kinh phí còn thiếu được bổ sung từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định đối tượng, hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định đóng cửa mỏ.

Điều 85. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản

1. Quyền của tổ chức, cá nhân thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm:

a) Được hoàn trả từng phần hoặc toàn bộ tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường khi tổ chức, cá nhân hoàn thành công tác đóng cửa mỏ khoáng sản một phần diện tích hoặc toàn bộ diện tích khu vực khai thác khoáng sản theo đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được phê duyệt hoặc phương án đóng cửa mỏ khoáng sản được chấp thuận;

b) Điều chỉnh về thời gian, khối lượng của các hạng mục công việc trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản hoặc phương án đóng cửa mỏ khoáng sản sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép;

c) Được thuê đất, giao khu vực biển theo quy định của pháp luật phù hợp với thời gian thi công đề án đóng cửa mỏ khoáng sản hoặc phương án đóng cửa mỏ khoáng sản;

d) Thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản;

đ) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản bao gồm:

a) Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi ranh giới khu vực thực hiện đề án đóng cửa mỏ khoáng sản hoặc phương án đóng cửa mỏ khoáng sản đến thời điểm bàn giao khu vực đã đóng cửa mỏ khoáng sản cho địa phương quản lý;

b) Thực hiện giải pháp bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Thực hiện đầy đủ khối lượng các hạng mục công việc theo tiến độ nêu trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản hoặc phương án đóng cửa mỏ khoáng sản;

d) Bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản;

đ) Báo cáo kết quả thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

e) Thực hiện các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản;

g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung đề án đóng cửa mỏ khoáng sản hoặc phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; thông tin, số liệu, hồ sơ, tài liệu và khối lượng thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản;

h) Bồi thường thiệt hại do hoạt động đóng cửa mỏ khoáng sản gây ra;

i) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương VIII

QUẢN LÝ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG, LÒNG HỒ VÀ KHU VỰC BIỂN

Điều 86. Nguyên tắc hoạt động thăm dò, khai thác, thu hồi cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển

1. Hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển phải tuân thủ quy định đối với khoáng sản nhóm II hoặc nhóm III quy định tại Luật này và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Hoạt động khai thác phải được kiểm soát và giám sát bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để bảo đảm kiểm soát được sự biến động trữ lượng khoáng sản; nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường; nguy cơ sạt lở, mất ổn định lòng sông, bờ sông, bãi sông, bờ biển;

b) Hoạt động khai thác phải được đánh giá tác động theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hoạt động nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm là khoáng sản trong vùng nước cảng biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, vùng nước đường thủy nội địa, lòng sông, lòng hồ thủy điện, lòng hồ thủy lợi phải thực hiện theo quy định của Luật này và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, thủy lợi, hàng hải, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đê điều, phòng, chống thiên tai và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Không lợi dụng hoạt động nạo vét để khai thác, thu hồi cát, sỏi trái phép;

c) Phải đăng ký thu hồi khoáng sản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp đã khai thác đủ trữ lượng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản phải dừng khai thác và thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ khoáng sản.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 87. Nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển

Việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển phải thực hiện các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 55 của Luật này và bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi cấp giấy phép;

2. Trường hợp khu vực thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển giáp ranh từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, trước khi cấp giấy phép, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giáp ranh;

3. Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ có thời hạn tối đa không quá 10 năm. Trường hợp thời hạn của giấy phép khai thác ít hơn 10 năm và chưa khai thác hết trữ lượng khoáng sản quy định trong giấy phép khai thác thì được xem xét gia hạn, cấp lại nhưng tổng thời gian cấp, gia hạn, cấp lại không quá 10 năm;

4. Giấy phép khai thác phải quy định thời gian được phép khai thác trong ngày, thời gian khai thác trong năm;

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 88. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển

1. Thực hiện các quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 59 của Luật này.

2. Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m và o khoản 2 Điều 59 của Luật này và các yêu cầu sau đây:

a) Đăng ký bến bãi, vị trí tập kết, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏikết nối với hệ thống thông tin, dữ liệu về hoạt động khoáng sản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Ký hợp đồng vận chuyển với các chủ phương tiện đủ điều kiện vận chuyển theo quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác không trực tiếp vận chuyển cát, sỏi;

d) Lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin về giấy phép khai thác, dự án khai thác;

đ) Thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm về phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật;

e) Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.

Chương IX

THÔNG TIN, DỮ LIỆU VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

Điều 89. Thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản

1. Thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản bao gồm:

a) Dữ liệu điều tra cơ bản địa chất;

b) Dữ liệu điều tra địa chất về khoáng sản;

c) Dữ liệu quan trắc, cảnh báo trong điều tra cơ bản địa chất, địa chất môi trường, tai biến địa chất;

d) Dữ liệu về khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất, khoáng sản;

đ) Kết quả của các chương trình, đề án, đề tài, dự án, nhiệm vụ trong quản lý, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về điều tra địa chất, khoáng sản;

e) Kết quả thống kê, kiểm kê tài nguyên địa chất, khoáng sản;

g) Dữ liệu khác liên quan đến điều tra địa chất, tài nguyên địa chất, khoáng sản trong nước và quốc tế;

h) Thông tin, dữ liệu về giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản;

i) Thông tin, dữ liệu báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản; kết quả thanh tra, kiểm tra;

k) Thông tin, dữ liệu về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản;

l) Thông tin, dữ liệu khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

m) Thông tin, dữ liệu về kết quả thăm dò khoáng sản;

n) Mẫu vật địa chất, khoáng sản, mẫu vật bảo tàng.

2. Thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản được thiết kế tổng thể và xây dựng thành hệ thống thống nhất trong cả nước, phục vụ đa mục tiêu, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam; phục vụ xây dựng, quản lý, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản, bao gồm:

a) Cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản;

b) Hạ tầng kỹ thuật số, hệ thống phần mềm, an toàn thông tin.

3. Cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản là tập hợp thống nhất toàn bộ kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, tài nguyên địa chất, khoáng sản; hoạt động khoáng sản trong phạm vi cả nước được xây dựng, cập nhật, lưu trữ và quản lý đáp ứng yêu cầu truy nhập, cung cấp, sử dụng thống nhất từ trung ương đến địa phương, phục vụ công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các mẫu biểu thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản.

5. Chính phủ quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản.

Điều 90. Giao nộp, thu nhận thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản

1. Tổ chức thực hiện điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản có trách nhiệm giao nộp báo cáo, tài liệu, mẫu vật sau đây:

a) Báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản;

b) Tài liệu nguyên thủy thu thập trong quá trình thực hiện đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, đề án thăm dò khoáng sản;

c) Mẫu vật địa chất, khoáng sản, mẫu vật bảo tàng thu thập được trong quá trình thực hiện đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.

2. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản có trách nhiệm cung cấp định kỳ hoặc đột xuất thông tin về hoạt động khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản thông qua hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan lưu trữ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản; Bảo tàng địa chất và khoáng sản quy định tại Điều 93 của Luật này có trách nhiệm thu nhận, lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản tại khoản 1 và khoản 2 Điều này theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về lưu trữ, bảo tàng.

4. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu tài liệu, báo cáo; quy định danh mục, quy cách mẫu vật địa chất, khoáng sản, mẫu vật bảo tàng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 91. Lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản

1. Thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều 89 của Luật này phải được lưu trữ, bảo quản, bảo mật theo quy định của Luật này và pháp luật về lưu trữ, bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Thời hạn lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu được xác lập đối với từng loại thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

3. Các loại thông tin, dữ liệu, mẫu vật địa chất, khoáng sản bị hư hỏng không thể phục chế hoặc hết giá trị sử dụng chỉ được tiêu hủy khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Điều 92. Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản

1. Hình thức khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản bao gồm:

a) Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu qua trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử hoặc kết nối, truy nhập, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường của cơ quan chủ quản, cung cấp thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường;

b) Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;

c) Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu bằng hình thức hợp đồng giữa đơn vị quản lý thông tin, dữ liệu và bên khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng được khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản bao gồm:

a) Tổ chức, cá nhân có mục đích khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu phù hợp theo quy định của pháp luật;

b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 93. Trách nhiệm của cơ quan lưu trữ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản; Bảo tàng địa chất và khoáng sản

1. Trách nhiệm của cơ quan lưu trữ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản bao gồm:

a) Kiểm tra, thu nhận các thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản theo quy định;

b) Lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật về lưu trữ, quy định bảo quản dữ liệu về tài nguyên và môi trường bảo đảm đầy đủ, nguyên trạng, an toàn, dễ tra cứu sử dụng và đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ; 

c) Quản lý, bảo vệ an toàn kho lưu trữ tài liệu địa chất; cung cấp thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật về lưu trữ, an toàn thông tin mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan; vận hành cơ sở dữ liệu về địa chất, khoáng sản.

2. Bảo tàng địa chất và khoáng sản nằm trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, thuộc cơ quan quản lý về địa chất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có trách nhiệm sau đây:

a) Lưu trữ, bảo quản các mẫu vật địa chất, khoáng sản được giao nộp;

b) Giới thiệu di chỉ địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất, bằng chứng quá trình phát sinh, phát triển vỏ trái đất và lịch sử hình thành, phát triển ngành địa chất Việt Nam;

c) Trưng bày, giới thiệu các mẫu vật địa chất, khoáng sản để phục vụ công tác quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Điều 94. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản 

1. Sử dụng đúng mục đích thông tin, dữ liệu được cung cấp.

2. Khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật.

3. Không được chuyển thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản trái phép cho bên thứ ba.

4. Không được làm sai lệch thông tin, dữ liệu đã được cung cấp.

5. Trả phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Luật này và pháp luật về phí, lệ phí.

6. Thông báo kịp thời cho cơ quan quản lý thông tin, dữ liệu về những sai sót của thông tin, dữ liệu đã cung cấp.

7. Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều này.

Chương X

TÀI CHÍNH VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Mục 1. TÀI CHÍNH VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

Điều 95. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, hoạt động khoáng sản và thu hồi khoáng sản

1. Thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí.

2. Tiền hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư theo quy định của Luật này. 

3. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này.

Điều 96. Nguyên tắc xác định hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, bao gồm:

a) Các trường hợp do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản;

b) Các trường hợp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đầu tư đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản phục vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

c) Các trường hợp khai thác nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên.

2. Các trường hợp không phải hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đầu tư bao gồm:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này có diện tích, ranh giới theo chiều sâu khu vực khai thác khoáng sản thuộc báo cáo đánh giá tiềm năng khoáng sản chỉ xác định tài nguyên dự báo hoặc tương đương tài nguyên dự báo;

b) Trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản quy định tại khoản 2 Điều 108 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này;

c) Trường hợp quy định tại Điều 75 của Luật này.

3. Chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản được phê duyệt bổ sung khi tăng trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, trừ trường hợp khoáng sản ở thể lỏng, thể khí.

4. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, phương thức hoàn trả, chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả.

5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp xác định, các mẫu trong hồ sơ xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả.

Điều 97. Hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản giữa các tổ chức, cá nhân

1. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân đã đầu tư thăm dò khoáng sản theo nguyên tắc sau đây:

a) Trong thời hạn ưu tiên quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này, việc hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản cho tổ chức, cá nhân đã đầu tư theo nguyên tắc tự thỏa thuận;

b) Sau thời hạn ưu tiên theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này quyết định chi phí phải hoàn trả.

2. Tổ chức, cá nhân đã đầu tư thăm dò khoáng sản bị công bố phá sản, giải thể mà quyền sử dụng thông tin, kết quả thăm dò khoáng sản không chuyển giao hợp pháp cho tổ chức, cá nhân khác thì việc xử lý quyền sử dụng thông tin, kết quả thăm dò khoáng sản thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.

3. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản có nghĩa vụ chi trả kinh phí xác định chi phí phải hoàn trả cho đơn vị được giao nhiệm vụ xác định chi phí thăm dò khoáng sản.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định việc hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã đầu tư thăm dò khoáng sản không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký hoặc không nhận tiền hoàn trả chi phí thăm dò khoáng sản theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc quyền sử dụng thông tin, kết quả thăm dò khoáng sản đang có tranh chấp.

Điều 98. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

1. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá hoặc không đấu giá.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, thu hồi khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Các trường hợp không phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bao gồm:

a) Thu hồi khoáng sản trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà khoáng sản thu hồi chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó;

b) Khối lượng khoáng sản nhóm III (trừ bùn khoáng, nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên và than bùn), khoáng sản nhóm IV được khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản sử dụng cho các hạng mục công trình của dự án khai thác đó hoặc chỉ được sử dụng cho các hạng mục công trình của đề án, phương án đóng cửa mỏ của mỏ khoáng sản đó;

c) Thu hồi khoáng sản trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng đất của cá nhân hoặc nhóm người có chung quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình trong diện tích đó.

Điều 99. Phương pháp xác định, phương thức thu, quyết toán tiền cấp quyền khai thác khoáng sản

1. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định theo các căn cứ sau đây:

a) Trữ lượng, khối lượng khoáng sản được phép khai thác (lưu lượng khai thác đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên thiên) quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi;

b) Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

c) Tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

2. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại khoản 1 Điều này được thu theo năm.

3. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế.

4. Việc quản lý tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 2. ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 100. Khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện ở các khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản, khai thác tận thu khoáng sản, khai thác khoáng sản nhóm IV trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 72, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

2. Khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được khoanh định để bảo đảm an ninh năng lượng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, sử dụng hiệu quả khoáng sản chiến lược, quan trọng; bảo đảm nguyên liệu, vật liệu cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Chính phủ quy định tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Điều 101. Nguyên tắc đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo các nguyên tắc quy định của Luật Đấu giá tài sản và các nguyên tắc sau đây:

a) Chỉ tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 của Luật này phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

b) Cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản chỉ được tiến hành khi có ít nhất 02 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực đã được phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền cấp giấy phép của mình.

3. Chính phủ quy định chi tiết việc lập, phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Điều 102. Giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, tiền đặt cọc

1. Giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản được xác định bằng tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của khoáng sản cùng loại ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

2. Bước giá được xác định tối thiểu là 1% và tối đa là 10% giá khởi điểm.

3. Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được nhận lại tiền đặt cọc trong các trường hợp sau đây:

a) Đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản, trừ trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV;

b) Đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV;

c) Không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản mà không phải do lỗi của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV;

d) Không được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV mà không phải do lỗi của tổ chức, cá nhân;

đ) Phải hoàn trả tiền đặt cọc do xử lý hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

4. Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 104 của Luật này, tiền đặt cọc không được hoàn lại và được nộp vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 3 Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết phương pháp xác định tiền đặt trước.

Điều 103. Điều kiện của tổ chức, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân được lựa chọn tham gia cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Có hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 37 của Luật này đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản hoặc quy định tại Điều 53 của Luật này đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản. Trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực tận thu khoáng sản, khai thác khoáng sản nhóm IV phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 53 của Luật này;

c) Đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên đối với khoáng sản, tiền ký quỹ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản theo quy định đối với giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản được cấp;

d) Không thuộc trường hợp bị cấm tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

2. Tổ chức, cá nhân được tham gia cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản khi đủ các điều kiện sau đây:

a) Được lựa chọn đủ điều kiện tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

b) Đã nộp tiền đặt trước theo quy định.

3. Chính phủ quy định hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quy định chi tiết và lộ trình thực hiện điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 104. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản có các quyền sau đây:

a) Được sử dụng thông tin về khoáng sản liên quan đến khu vực trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản;

b) Được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản sau khi hoàn thành thủ tục đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản theo quy định của Luật này;

c) Quyền khác theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản có nghĩa vụ sau đây:

a) Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận, trừ trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV;

b) Trường hợp trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản hoặc trúng đấu giá ở khu vực tận thu khoáng sản, khu vực khoáng sản nhóm IV, trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận; trường hợp bất khả kháng hoặc khi có thay đổi về chính sách của Nhà nước dẫn đến không thể thực hiện thì được kéo dài nhưng không quá 12 tháng;

c) Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 105. Phương pháp xác định, phương thức thu, nộp, quản lý tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Phương pháp xác định, phương thức thu, nộp, quản lý tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản thực hiện như đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

2. Tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản đi kèm phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản sau khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác, thu hồi được xác định bằng tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản cùng loại ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

3. Tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với loại khoáng sản đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản được áp dụng ổn định trong suốt thời gian khai thác khoáng sản, bao gồm cả thời gian điều chỉnh, gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản.

4. Trường hợp khu vực khoáng sản khi đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã xác định được có từ 02 loại khoáng sản trở lên, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 108 của Luật này lựa chọn 01 loại khoáng sản để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các khoáng sản còn lại được xác định căn cứ theo tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 Điều này; quy định trình tự, thủ tục phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Điều 106. Hủy quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định hủy quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo thẩm quyền trong trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 104 của Luật này;

b) Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa có kết quả thăm dò khoáng sản mất quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Luật này; mất quyền đề nghị công nhận kết quả thăm dò khoáng sản theo quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật này.

2. Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực trong trường hợp sau đây:

a) Kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản bị hủy theo quy định của Luật Đấu giá tài sản;

b) Giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 52, chấm dứt hiệu lực theo quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều 52 của Luật này;

c) Các loại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản bị thu hồi, chấm dứt hiệu lực theo quy định của Luật này, trừ trường hợp giấy phép cấp không đúng thẩm quyền.

Chương XI

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN

Điều 107. Trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Tổng hợp kết quả điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; khai thác, sử dụng tài nguyên địa chất; hoạt động khoáng sản; quản lý thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản;

b) Khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ; khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng;

c) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản trong phạm vi cả nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo về địa chất, khoáng sản; xử lý vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật;

d) Đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản;

đ) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Luật này.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước về khoáng sản;

b) Thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất đối với đề án, dự án hoặc nhiệm vụ được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt;

c) Thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả đánh giá tiềm năng đối với khoáng sản nhóm III, nhóm IV và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt;

d) Tổ chức lưu trữ thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

đ) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản trên địa bàn; giải quyết khiếu nại, tố cáo về địa chất, khoáng sản và xử lý vi phạm pháp luật về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật; tổ chức việc kiểm soát, giám sát mọi hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản trên địa bàn;

e) Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên địa chất chưa khai thác, sử dụng, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quản lý, bảo vệ các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 66 và khoản 3 Điều 71 của Luật này;

g) Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản ở trung ương về tình hình hoạt động địa chất, khoáng sản trên địa bàn;

h) Thực hiện các trách nhiệm khác quy định tại Luật này.

5. Chính phủ quy định về kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản.

Điều 108. Thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép sau đây:

a) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm I, nhóm II;

b) Giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép sau đây:

a) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm III, giấy phép khai thác khoáng sản nhóm III; giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV;

b) Giấy phép thăm dò khoáng sản nhóm I, nhóm II và giấy phép khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II tại khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố;

c) Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nhóm I, nhóm II, nhóm III.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản nào thì có quyền cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi, chấp thuận chuyển nhượng, trả lại, cấp đổi giấy phép đó; trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này và điểm b khoản 2 Điều 111 của Luật này.

4. Chính phủ quy định thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp mà trong quá trình thăm dò, khai thác phát hiện khoáng sản đi kèm có trữ lượng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chương XII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 109. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 11/2022/QH15, Luật số 16/2023/QH15 và Luật số 18/2023/QH15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 30 như sau:

“2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường khi thuộc trường hợp sau đây:

a) Dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Dự án đầu tư hoặc phương án khai thác khoáng sản nhóm IV theo quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản của tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, lựa chọn là nhà thầu thi công để phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp về thiên tai, thi công các công trình phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.”;

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 39 như sau:

“3. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được miễn giấy phép môi trường khi thuộc trường hợp sau đây:

a) Dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Dự án đầu tư hoặc phương án khai thác khoáng sản nhóm IV theo quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản của tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, lựa chọn là nhà thầu thi công để phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp về thiên tai, thi công các công trình phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.”;

c) Bổ sung điểm b1 vào sau điểm b khoản 2 Điều 49 như sau:

“b1) Dự án đầu tư hoặc phương án khai thác khoáng sản nhóm IV theo quy định của pháp luật về địa chất, khoáng sản của tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, lựa chọn là nhà thầu thi công để phục vụ các dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp, công trình, hạng mục công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về đầu tư công, thực hiện các biện pháp huy động khẩn cấp để kịp thời ứng phó với tình huống khẩn cấp về thiên tai, thi công các công trình phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai;”.

2. Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 44 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14, Luật số 59/2020/QH14, Luật số 72/2020/QH14, Luật số 16/2023/QH15 và Luật số 28/2023/QH15.

3. Bãi bỏ Điều 14 của Luật Năng lượng nguyên tử số 18/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 18/2023/QH15.

Điều 110. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Điểm d khoản 1 Điều 6, Điều 72, Điều 73, Điều 74 và khoản 1 Điều 109 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2025.

3. Điểm b khoản 2 Điều 111 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2025 và thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật này.

4. Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2, các khoản 3, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 111 của Luật này.

Điều 111. Quy định chuyển tiếp

1. Tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ để giải quyết theo thủ tục hành chính về địa chất, khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa có kết quả giải quyết hồ sơ thì tổ chức, cá nhân được lựa chọn thực hiện trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật tại thời điểm tiếp nhận hồ sơ hoặc theo quy định của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, quyết định trong hoạt động khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được thực hiện như sau:

a) Tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép, quyết định trong hoạt động khoáng sản, trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;

b) Trường hợp gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại, chuyển nhượng giấy phép hoạt động khoáng sản; phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, chấp thuận phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; đóng cửa mỏ khoáng sản thì được thực hiện theo quy định của Luật này;

c) Đối với các giấy phép khai thác khoáng sản cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có nội dung không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật này, trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện thủ tục cấp đổi giấy phép khai thác. Sau thời hạn nêu trên, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải tạm dừng khai thác cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy phép khai thác khoáng sản. Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp đổi giấy phép khai thác đối với những trường hợp này.

3. Tổ chức, cá nhân được chấp thuận thu hồi khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong văn bản chấp thuận.

4. Trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày được phê duyệt trữ lượng, quyền ưu tiên đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định tại Điều 48 của Luật này, trừ các trường hợp sau đây:

a) Khu vực thăm dò đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản;

b) Khu vực thăm dò đã có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận;

c) Khu vực thăm dò khoáng sản đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

5. Quyết định phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả do Nhà nước đã đầu tư được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được xử lý như sau:

a) Trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì tiếp tục thực hiện theo quyết định đã được phê duyệt; trường hợp điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư đối với phần trữ lượng gia tăng (nếu có) được xác định theo quy định của Luật này;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đã thực hiện nghĩa vụ hoàn trả.

6. Quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; phê duyệt khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản được tiếp tục thực hiện đến khi có quyết định thay thế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

7. Quyết định về phê duyệt trữ lượng, tài nguyên khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện và là văn bản tương đương với quyết định công nhận kết quả thăm dò khoáng sản.

8. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản đối với khoáng sản than thuộc quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định điều chỉnh, bổ sung khoáng sản than vào quy hoạch khoáng sản nhóm I của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên căn cứ vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định thay thế.

9. Tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản, văn bản cho phép khai thác, thu hồi khoáng sản còn thời hạn khai thác, thu hồi hoặc đã hết thời hạn khai thác, thu hồi nhưng đủ điều kiện gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, văn bản cho phép khai thác, thu hồi khoáng sản được thực hiện như sau:

a) Quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được tiếp tục thực hiện đến khi có quyết định thay thế của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản được quyết toán lần đầu theo quy định của Luật này và được xác định theo trữ lượng, khối lượng khoáng sản đã khai thác, thu hồi tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2025;

c) Trữ lượng, khối lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác, thu hồi tại thời điểm ngày 01 tháng 7 năm 2025 được phê duyệt lại tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này.

10. Các giấy phép khai thác tận thu khoáng sản cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này đối với khối lượng khoáng sản còn lại chưa khai thác tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành.

11. Đối với các khu vực khoáng sản đã có quyết định phê duyệt kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trong quá trình thăm dò, khai thác sau khi đấu giá quyền khai thác khoáng sản phát hiện khoáng sản đi kèm và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép khai thác, thu hồi thì tỷ lệ thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các khoáng sản đi kèm được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 105 của Luật này.

12. Đối với các khu vực khoáng sản đang thực hiện quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa niêm yết, thông báo công khai, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy định của Luật này.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2024.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

 

 

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

Law No. 54/2024/QH15

Hanoi, November 29, 2024

 

LAW

GEOLOGY AND MINERALS

Pursuant to Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Geology and Minerals.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

1. This Law prescribes geological reconnaissance, geological survey for minerals; protection of unextracted geological resources and minerals; mining-related activities; mineral recovery; mineral processing; finance related to geology, mining and auction of mineral production right; governance relating to geology and minerals on land, islands, internal waters, contiguous zones, exclusive economic zones, and continental shelves of the Socialist Republic of Vietnam.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Petroleum; natural water that is not natural mineral water, geothermal spring;

b) Mineral processing operations that are not tied to mineral exploration and investment projects to benefit from mining license or mineral salvaging license.

Article 2. Definitions

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. Geology means materials constituting the Earth’s crust and natural processes throughout the Earth’s evolution, natural terrain, scenery, geological phenomena, and environment created as a result of said natural processes.

2. Geological resources mean materials formed via geological processes, existing inside or on the Earth’s crust, and available for human exploration and use, including: minerals, sites of geological interest (geosites), geological heritage, geothermal energy, strategic resources, geological reservoirs, and underground space.

3. Geothermal energy means heat energy created and stored in geological features, geological structures and available for exploration use.

4. Strategic resources mean geological resources whose geographic location yields strategic economic, national defense, security, or environment benefits.

5. Geological reservoir means a geological feature formed in the Earth’s crust capable of storing and retrieving materials.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



7. Geological heritage means a combination of geosites recognized and ranked.

8. Geopark means an area with defined perimeter containing culturally, ecologically, and archaeologically unique geological heritages; having adequate coverage area to accommodate management, preservation, education, research, sustainable socio-economic development, and environmental protection.

9. Geological accident means an irregular natural phenomenon that may cause damage to the environment, humans, property, living conditions, and socio-economic activities, including: earthquake, volcanic activities, faults, landslide, depression, fissures, riverbank erosion, pollution from minerals, toxic elements of a natural origin.

10. Subsurface space means underground location of geological features defined by national coordinate system, area, and depth on the basis of geological reconnaissance.

11. Geological reconnaissance means fundamental study and survey of structure, material composition, growth and development history of the Earth’s crust, geological conditions, geological processes, mineralogy rules in order to evaluate potential geological resources, effect of geological processes on socio-economic aspects and human and facilitate protection, management of geological resources.

12. Geological survey means identification of size, quantity, quality of individual mineral, mineral group based on potential geological structure identified via geological reconnaissance in order to facilitate mineral exploration.

13. Minerals mean useful deposits in solid, liquid, gaseous form naturally occurring underground and aboveground, including deposits in waste dump of mines.

14. Raw mineral means minerals produced and unprocessed.

15. Byproduct minerals mean minerals produced during the extraction of primary minerals and economically viable.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



17. Radioactive minerals mean natural deposits of uranium, thorium, and relevant radioisotopes.

18. Toxic minerals mean minerals containing either radioactive elements, mercury, arsenic, lead, or asbestos which emit radioactive or toxic substances at a quantity exceeding Vietnam’s technical regulations during production, use, or storage.

19. Geothermal spring means natural groundwater with exposed section with temperature measured at source compliant with Vietnam’s technical standards, technical regulations or foreign standards applicable in Vietnam.

20. Natural mineral water means natural groundwater with exposed section with composition, characteristics, and biologically active substances compliant with Vietnam’s technical standards, technical regulations or foreign standards applicable in Vietnam

21. Mining operations consist of mineral exploration, mineral production, and mine closure.

22. Mineral exploration means an operation for identifying quantity and quality of minerals, other information for mining purposes.

23. Mineral production means operation for removing minerals from their natural location, including: fundamental construction of mines, site preparation, pumping, filtration, segregation, classification, enrichment, and other relevant operations in mining investment projects or mining solutions. Products of mining operations are raw minerals.

24. Mineral processing means operation for preparing, processing extracted minerals within mining investment projects in order to improve the value of extracted raw minerals.

25. Mine closure means operation transforming mining investment project site, partially or entirely, to a safe state compliant with environmental protection requirements in order to maximize post-mining land use goals.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



27. Mineral production licensing fee means a fee paid to the Government by mining organizations and individuals in order to exercise the right to produce and retrieve minerals.

28. Production capacity means maximum mining capacity or maximum flow of natural mineral water, geothermal spring available for production in a predetermined period of time based on mining investment projects or mining solutions and specified under mining license, mineral salvaging license, and written approval of competent authorities.

29. Mineral resource means minerals identified via geological survey, mineral exploration and of a minimum quantity for partial or total production and use at the current time or in the future. Depending on geological study progress, feasibility study progress, and economic effectiveness, mineral resources are categorized into reserve levels with varying resource and reliability levels.

30. Mineral reserve means minerals that have been explored and expected to be mined under specific economic and technical conditions, and deemed economically viable at the time of evaluation.

Article 3. Policies of the Government on geology and minerals

1. The Government shall develop strategies, planning, plans pertaining to geology and minerals to ensure that geological and mineral resources are protected, produced, and used in a reasonable, economic, and effective manner so as to serve sustainable socio-economic development, national defense and security of Vietnam; promote adoption of circular economy and green economy in mining and mineral processing.

2. The Government shall invest in and commence geological reconnaissance, geological survey for minerals according to geological and mineral reconnaissance strategies, planning, and plans; provide training, human resource development, scientific research, technology development application in geological reconnaissance, mineral survey; encourage organizations and individuals to invest in geological reconnaissance and mineral survey.

3. The Government shall invest in and commence exploration of strategic, important minerals and other highly valuable minerals with high demand; decide against auctioning of mineral production rights in respect of areas with strategic, important minerals; permit exploration and production of strategic, important minerals in accordance with intergovernmental agreements.

4. The Government shall prioritize budget allocation, develop policies to attract investment in geological reconnaissance, mineral survey, and inspect, evaluate strategy, important minerals as per planning.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. Geology and mineral data shall be developed in a synchronous manner, under centralized management, and put into effective use.

7. The Government encourages international cooperation and aid in governance and human resource training in geology and mineral; shares and uses geology and mineral data; invests in mineral survey and mineral production; encourages organizations and individuals to invest in research, transfer, application of advanced science and technology in management, protection, exploration, production, and recovery of minerals.

8. The Government shall ensure harmony in benefits of the Government, organizations, individuals, and locals where geological sources, minerals are produced and used on the basis of regulating revenues generated by geological resource and mineral production and use.

Article 4. Principles in geological reconnaissance, mineral survey, and mining operations

1. Geological reconnaissance and mineral survey must meet the following principles:

a) Compliance with strategies, plans, and planning pertaining to geological reconnaissance and mineral survey is guaranteed;

b) Compliance with schemes, projects, and tasks approved by competent state authorities is respected;

c) Inspections are carried out in a comprehensive and continuous manner without repetition;

d) Technical solutions for geological reconnaissance and mineral survey must be appropriate to geological subjects, geological resources; proposed goals and tasks; and compliant with technical standards and technical regulations;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Mining operations must meet the following principles:

a) Compliance with relevant strategies, planning pertaining to mining operations is respected, except for Point c Clause 2 Article 67 and Point c Clause 2 Article 73 hereof; requirements pertaining to environmental, natural scenery, historical - cultural heritage, and natural resource protection are adequately adhered to; national defense and security, social order and security, natural disaster and preparedness and prevention are guaranteed;

b) Such operations are licensed or approved in writing by competent authorities in accordance with this Law;

c) Mineral exploration shall be so conducted to adequately evaluate the size of natural resources, reserve, quality of minerals according to exploration schemes;

d) Mineral production must prioritize socio-economic effectiveness and environmental protection as the basis for investment decision; adopt advanced production technology appropriate to the size and characteristics of each mine and type of mineral to maximize amount of minerals produced;

dd) Organizations and individuals currently conducting legitimate mineral exploration are prioritized for deep exploration and expansion without having to participate in auction for mineral production right in order to achieve adequate evaluation and total control of ore body in respect of mineral type that they have been licensed for production;

e) Benefits and risks of relevant parties are distributed reasonably.

3. The Government shall prescribe eligibility of areas for deep exploration and expansion under Point d Clause 2 of this Article.

Article 5. Principles of international integration and cooperation regarding geology and mineral

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. International disputes pertaining to geology and minerals shall be resolved via peaceful measures compliant with international practices, international laws, and regulations of the law of relevant parties.

Article 6. Mineral classification

1. Depending on usage and management, minerals are classified into:

a) Group I minerals consist of: metal minerals; energy minerals, precious stones, semi-precious stones; industrial minerals;

b) Group II minerals consist of: minerals used as materials in construction sector for cement production, tiles, sanitary ceramic, construction glasses, stone slabs, ornamental stones, industrial lime, refractory materials;

c) Group III minerals consist of: minerals used as conventional construction materials, other than cases detailed under Point b and Point d of this Clause; peat, mineral mud, natural mineral water, geothermal spring;

d) Group IV minerals consist of: minerals only appropriate for use as filling materials or structures foundation, construction materials of hydroelectricity structures, natural disaster preparedness and prevention, including: clay, hillside soil, soil in other name; soil mixed with rock, sand, gravel, gravel; sand (other than sand and gravel on river bed, lake bed, and sea waters).

2. The Government shall elaborate lists of minerals classified by groups and further classify minerals of multiple uses into sub-groups.

Article 7. Protection of unextracted, unused geological resources and unextracted minerals

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Agencies, organizations, residential community, households and individuals are responsible for protection of unextracted, unused geological resources and unextracted minerals in accordance with this Law.

3. Organizations and individuals engaging in mining operations have the responsibility to:

a) evaluate, consolidate, and report all information, data pertaining to the type of minerals discovered in exploration site to competent authorities issuing the license (hereinafter referred to as “licensing authorities”) during mineral exploration;

b) prioritize advanced technology appropriate to the size and characteristics of each mine, type of mineral in order to maximize minerals recovered; immediately report minerals for which they have not been licensed for mining to licensing authorities;

c) manage and protect extracted and unused minerals, byproduct minerals produced in the process;

d) request People’s Committees of provinces (hereinafter referred to as “Provincial People’s Committees”) to assist in mineral protection in respect of mining sites licensed for operation while land lease or handover or site preparation has not been conducted.

4. Land users, organizations, and individuals assigned to manage sea waters are responsible for protecting unextracted minerals in the area; must not commence mineral production and recovery at their discretion.

5. Organizations and individuals shall, upon discovering group I or group II or group III minerals during performance of investment projects or other activities, immediately reporting to competent authorities under Article 108 hereof and protect the discovered minerals; whether or not the minerals are recovered shall conform to Article 75 and Article 76 hereof.

6. Geology and mineral authorities are responsible for transferring list of areas with geological resources and minerals that require protection and have undergone or are undergoing geological reconnaissance or mineral survey to provincial People’s Committees.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 8. Rights and responsibilities of local governments, residential communities, households, and individuals at locations of extracted geological resources and minerals

1. Local governments, residential communities, households, and individuals have the following benefits:

a) Receive assistance via the Government’s regulating revenues generated by mineral production for socio-economic development in accordance with state budget laws;

b) Contribute recommendations pertaining to occupational safety, order and security, environmental and natural scenery protection measures;

c) Prioritize local workforce for mineral production and relevant services;

d) Request geological and mineral authorities to provide email address, phone number, or address for filing complaints, receiving feedback and recommendations in protection of geological resources and minerals, and sending propositions regarding development of geology and mineral laws;

dd) Enable People’s Councils of provinces to decide the promulgation of regulations pertaining to responsibility of organizations and individuals to contribute funding for upgrade, maintenance, and construction of technical infrastructures and environmental protection structures in the area depending on local mining operations.

2. Local governments, residential communities, households, and individuals have the responsibility to:

a) enable geological reconnaissance, mineral survey, and mining operations as per the law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) promptly request competent authorities to take actions against violations of organizations, individuals licensed to conduct geological exploration, mineral production.

3. The Government shall elaborate Point dd Clause 1 of this Article.

Article 9. Prohibited actions

1. Taking advantage of geological reconnaissance, mineral survey, or mining operations to violate benefits of the Government, legitimate rights and benefits of organizations, individuals, and residential communities.

2. Taking advantage of geological reconnaissance, mineral survey, or mineral exploration to conduct geological resource or mineral production.

3. Conducting geological reconnaissance, mineral survey, or mining operations without obtaining approval, license, or written approval from competent authorities.

4. Unlawfully obstructing geological reconnaissance, mineral survey, or mining operations.

5. Intentionally damaging or destroying valuable, rare geological or mineral specimens.

6. Trading minerals without legitimate origin.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



GEOLOGY AND MINERAL STRATEGIES, PLANNING

Article 10. Geology, mineral, and mining industry strategies

1. Preparation of geology, mineral, and mining industry strategies must:

a) Conform to natural and socio-economic conditions; socio-economic development strategy; national protection strategy; national environmental protection strategy; international market demand;

b) Ensure synchronous cooperation between geological reconnaissance and mineral survey operations on a nationwide scale; produce and use geological resources and minerals reasonably, economically, and efficiently;

c) Satisfy geology and mineral demands for sustainable socio-economic development;

d) Record results of geological reconnaissance and mineral survey; prelude and geological signs related to geological resources and minerals;

dd) Conform to resources of the Government from time to time.

2. Geology, mineral, and mining industry strategies must include:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Orientation of geological reconnaissance, mineral survey, and scientific research in geological reconnaissance, mineral survey from time to time; cooperation and integration of geological reconnaissance, mineral survey operations of ministries, central departments, and local governments;

c) Orientation of efficient, effective geological resource and mineral production, use associated with protection of unextracted geological resources and minerals;

d) Orientation of mineral exploration and production for individual mineral group, reasonable and efficient use of produced minerals during strategy period;

dd) Primary tasks and solutions in geological reconnaissance and mineral survey; mineral and geological resource production and use; protection of unextracted, unused minerals and geological resources; exploration and production of individual mineral groups, reasonable and efficient processing, use of produced minerals; national mineral reservation.

3. Geology, mineral, and mining industry strategies shall be prepared for 10-year periods with 30-year orientation in accordance with socio-economic development strategy period.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with Ministry of Industry and Trade Ministry of Construction, Ministry of Planning and Investment, ministries, ministerial agencies, and local governments in preparing and submitting geology, mineral, and mining industry strategies to Prime Minister for approval.

Article 11. Geological reconnaissance and mineral survey planning

1. Geological reconnaissance and mineral survey planning is a national industry planning and must provide adequate information and data on geology, minerals, and other geological resources for socio-economic development; satisfy national defense and security requirements; prevent geological accidents; adapt to climate change and rising sea level.

2. Basis for preparing geological reconnaissance and mineral survey planning consists of basis of planning laws and:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Demand for information and data pertaining to geological resources, minerals, and other geological conditions;

c) Geological precursors and signs pertaining to recently discovered geological resources and minerals.

3. Preparation, appraisal, approval, disclosure, and implementation of geological reconnaissance and mineral survey planning shall conform to planning laws.

Article 12. Group I mineral planning, group II mineral planning, geology and mineral management solutions

1. Group I mineral planning and group II mineral planning are national industry planning.

2. Geological and mineral management solutions are parts of environmental protection, resource and biodiversity production, use, protection, natural disaster preparedness and prevention, and climate change adaptation solutions and integrated with provincial planning.

3. Group I mineral planning, group II mineral planning, geological and mineral management solutions must minimize division of areas where minerals can be produced effectively in large scale into smaller areas.

4. Preparation, appraisal, approval, revision, adjustment under simplified procedures, declaration, and implementation of group I mineral planning and group II mineral planning must conform to planning laws.

5. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article; assign agencies and organizations to prepare and submit mineral reconnaissance, mineral survey planning, group I mineral planning, group II mineral planning.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Basis of group I mineral planning and group II mineral planning consist of the basis of planning laws and:

a) Mineral demand of economic sectors;

b) Mineral survey results;

c) Science and technology advancement in mineral exploration and production or new discoveries of deep-seated minerals during mineral exploration and production;

d) Implementation results of the previous planning; strategic environmental evaluation results according to environmental protection laws.

2. Contents of group I mineral planning and group II mineral plannings shall conform to planning laws.

Chapter III

GEOLOGICAL RECONNAISSANCE

Article 14. Details and Government’s responsibilities in geological reconnaissance

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Conducting inspection, determining distribution rules, estimating geologically potential structures in order to produce national geology maps of up to 1:50.000 scale, including maps of: geology; geophysics field; geochemistry; geomorphology; crust; geological accidents; geological heritage; geo-environment; geo-hydrograph; geotechnical engineering; urban geology;

b) Conducting inspection and producing field-specific maps of exceeding 1:50.000 scale depending on required fields of expertise and management demands;

c) Conducting inspection, zoning, and mapping geosites, geological heritage, strategic resources; conducting inspection of geo-environment and geological accidents; conducting inspection of geo-engineering and urban geology; conducting inspection of other geological conditions.

2. In respect of geological reconnaissance, the Government has the responsibility to:

a) ensure compliance of geological reconnaissance with approved planning;

b) guarantee funding for geological reconnaissance in annual state budget estimates;

c) assign the Ministry of Natural Resources and Environment to organize geological reconnaissance;

d) assign provincial People's Committees to conduct geological reconnaissance in accordance with schemes, projects, or tasks approved by competent authority.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate Clause 1 of this Article; regulate the preparation, appraisal, and approval of schemes, projects, tasks, reporting, and declaration of geological reconnaissance results.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Inspection of geosties and geological heritage includes:

a) Inspecting and evaluating scientific, educational value of geosites and geological heritage; especially location, distribution, geographic, geologic characteristics, geology diversity, and meaning of geological science, education;

b) Inspecting and evaluating aesthetic value of geosites and geological heritage;

c) Inspecting and evaluating economic value, potential for production and use of geosites and geological heritage;

d) Determining level of influence and reservation demand of geosites and geological heritage.

2. Inspection of strategic resources includes:

a) Inspecting and zoning areas with potential strategic resources on the basis of geological reconnaissance results;

b) Evaluating position, geologic characteristics, geologic conditions, formation history, potential value and benefits yielded by production of zoned geologic resources; orientation for management, protection, production, and use.

3. Zoning and mapping of areas with geosites, geological heritage, strategic resources shall conform to inspection results of geosites, geological resources, and strategic resources.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Inspection of geo-environment includes:

a) Inspecting geology, geochemistry, and geophysics characteristics of geological features; geological processes related to natural environment;

b) Identifying natural and artificial factors causing irregularities, irregularity spread affecting natural environment;

c) Mapping conditions and zoning of geo-environment;

d) Developing geo-environment database.

2. Inspection of geological accidents includes:

a) Geological, geo-engineering characteristics of geological features; relevant geological processes; symptoms and signs of geological accidents;

b) Natural, socio-economic factors affecting geological accidents;

c) Mapping of conditions, zoning of geological accident warning;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. In the process of geo-environment and geological accident inspection, monitoring and warning pertaining to geo-environment and geological accidents must be implemented.

Article 17. Inspection of geotechnical engineering, urban geology

1. Inspection of geotechnical engineering includes:

a) Inspecting, evaluating, identifying structure of geology, topography, geomorphology, geo-hydrograph, processes and phenomena of dynamic geology, physical properties of soil, rocks;

b) Identifying correlation and rules regarding displacement between geological features, topography, geomorphology, geo-hydrograph, processes and phenomena of dynamic geology, physical properties of soil, rocks;

c) Evaluating effect of geological conditions on infrastructures and socio-economic development;

d) Mapping geotechnical engineering zoning at appropriate scale while depicting geotechnical engineering region, area, and site;

dd) Developing geotechnical engineering database.

2. Inspection of urban geology includes:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Determining information pertaining to urban planning, geological resources in inspection area; evaluating pressure and interaction between people in urban geology environment;

c) Mapping urban geology space;

d) Developing urban geology database.

Article 18. Inspection of other geological conditions

1. Inspection of other geological conditions includes: mapping geology space, mapping subsurface space; inspection of geothermal resources according to Clauses 2, 3, and 4 of this Article.

2. Mapping geology space means to create 3-dimensional digital maps depicting entities, geological phenomena with adequate properties regarding composition, physical, chemical, mechanical characteristics and correlation between these geological entities, phenomena appropriate to inspection composition and the following provisions:

a) Collecting, consolidating, analyzing, and evaluating information, data pertaining to geology, geological resources, investigating missing data; simulating actual geological features; mapping geology space;

b) Updating geology space map on an annual or irregular basis. Irregular update shall be required in case of sudden changes to geological features caused by natural or artificial reasons.

3. Mapping subsurface space means to create 3-dimensional digital maps on top of geology space maps depicting subsurface spaces and:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Mapping distribution of deposit structures; evaluating geological characteristics, conditions, and deposit capability of geological structures to identify structures beneficial for use as storage units of substances without containers, waste landfills, carbon dioxide (CO2) capture, groundwater recharge, geothermal energy storage, among other uses.

4. Inspection of geothermal resources includes:

a) Inspecting, zoning, mapping areas with potential geothermal energy on the basis of geological reconnaissance results;

b) Evaluating geological characteristics, conditions, sources and recovery capacity of geothermal energy in zoned areas with geothermal energy potential; guiding management, protection, production , and use.

Article 19. Rights and obligations of organizations conducting geological reconnaissance

1. Organizations conducting geological reconnaissance have the right to:

a) conduct geological reconnaissance in accordance with schemes, projects, and tasks approved by geology authorities;

b) transfer specimens in adequate quantity and type depending on analysis and test demands under approved schemes, projects, and tasks out of geological reconnaissance sites, even to foreign countries;

c) exercise other rights related to geological reconnaissance as per the law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) apply for geological reconnaissance to competent geology authorities in accordance with Article 23 hereof;

b) adhere to approved schemes, projects, tasks, technical standards, technical regulations, norms, and unit price in geological reconnaissance;

c) maintain honesty and adequacy in collection and consolidation of geology documents, data, and information; protect geological reconnaissance information in accordance with state secret protection laws;

d) protect the environment, geological resources, and minerals during geological reconnaissance;

dd) request competent geology authorities to approve geological reconnaissance reports;

e) submit geological reconnaissance, geological specimen survey, mineral survey reports in accordance with this Law and storage laws;

g) exercise other obligations pertaining to geological reconnaissance as per the law.

Chapter IV

MINERAL SURVEY

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Mineral survey includes:

a) Inspecting geological features with potential mineral benefits on the basis of geological reconnaissance; zoning potential area for mineral evaluation;

b) Evaluating mineral potentials in order to identify sizes of mineral resources in evaluation area; zoning areas with mineral potentials.

2. In terms of mineral survey, the Government has the responsibility to:

a) ensure that mineral survey is conducted in accordance with approved planning;

b) allocate funding for mineral survey in annual state budget estimates; funding for organizations and individuals participating in mineral survey in accordance with Point b Clause 1 Article 22 hereof;

c) approve schemes for mineral survey submitted by the Ministry of Natural Resources and Environment to encourage organizations and individuals to participate in survey;

d) enable the Ministry of Natural Resources and Environment to conduct mineral survey;

dd) enable provincial People’s Committees to evaluate potentials of group III minerals and group IV minerals.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 21. Rights and obligations of organizations conducting mineral survey

1. Organizations conducting mineral survey have the right to:

a) carry out survey in accordance with schemes, projects, and tasks approved by competent geology authorities;

b) transfer specimens in adequate quantity and type depending on analysis and test demands under approved schemes, projects, and tasks out of mineral survey sites, even to foreign countries.

2. Organizations conducting mineral survey have the obligation to:

a) apply for mineral survey to competent geology authorities in accordance with Article 23 hereof;

b) adhere to approved schemes, projects, tasks, technical standards, technical regulations, norms, and unit price in mineral survey;

c) maintain honesty and adequacy in collection and consolidation of geology documents, data, and information; protect geological reconnaissance information in accordance with state secret protection laws;

d) protect the environment, geological resources, minerals during mineral survey;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



e) submit mineral survey, geological specimen survey, mineral specimen survey reports in accordance with this Law and storage laws.

Article 22. Regulations pertaining to mineral survey of organizations and individuals

1. Principles pertaining to mineral survey:

a) Mineral survey schemes must be included in geological reconnaissance and mineral survey planning and approved by the Prime Minister for execution via joined inspection;

b) Organizations and individuals may participate in mineral survey that is listed under schemes mentioned in Point c Clause 2 Article 20 hereof and shall secure funding for the entirety of each scheme; provide documentation of their financial capability;

c) Selection of organizations and individuals for participation in mineral survey shall be conducted on a competitive, transparent, and public manner;

d) Participation in mineral survey shall be depicted under contracts between organizations, individuals and competent geology authorities.

2. Organizations and individuals participating in mineral survey have the right to:

a) inspect, supervise implementation, and conduct commissioning of scheme implementation reports;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) be prioritized for mineral exploration license without having to auction mineral production right where areas under Point b of this Clause are included in group I mineral planning or group II mineral planning for 24 months from the date on which the areas under Point b of this Clause are exempted from mineral production right auction;

d) have access to information, data pertaining to mineral survey in relevant areas to document mineral survey;

dd) waive all investment expenditure if they are ineligible for mineral exploration license in selected areas in accordance with this Law or no longer wish to continue mineral exploration.

3. Organizations and individuals participating in mineral survey have the obligation to adhere to contracts signed with competent geology authorities.

4. The Government shall elaborate this Article; prescribe selection of organizations and individuals participating in mineral survey.

Article 23. Apply for geological reconnaissance and mineral survey

1. Organizations conducting geological reconnaissance and mineral survey schemes, projects must submit application.

2. Organizations conducting geological reconnaissance and mineral survey schemes, projects must submit additional application or application for revision in case of changes to goals, tasks, area, inspection solutions relative to approved schemes and projects.

3. Organizations selected for conducting mineral survey shall not be required to submit application in accordance with Clause 1 and Clause 2 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter V

MINERAL SITES; USE OF SOIL, WATER, SEA WATERS AND TECHNICAL INFRASTRUCTURES IN MINING OPERATIONS

Section 1. MINERAL SITES

Article 24. Classification of mineral sites

1. Sites of mining operations.

2. Sites of mining operation planning.

3. Sites where mining operations are prohibited.

4. Sites where mining operations are temporarily suspended.

5. Sites of scattered minerals.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 25. Sites of mining operations and sites of mining operation planning

1. Sites of mining operations are areas under valid mineral exploration license, mineral production licenses, mineral salvaging license; sites of closed mines.

2. Sites of mining operation planning mean areas that contain minerals, have undergone mineral survey, and are zoned by competent authorities for group I mineral planning, group II mineral planning, and provincial planning.

3. Depending on requirements pertaining to national defense and security, prevention and remediation of impact on environment, natural scenery, historical - cultural heritage, protection of natural production forest, protection of structures under Point e Clause 1 Article 26 hereof, all mineral exploration and production operations may suffer from any or some or all of restrictions below:

a) Organizations and individuals allowed to conduct mineral exploration and production;

b) Production capacity;

c) Production time;

d) Production area, depth and solutions for mineral exploration and production.

4. Depending on request of ministries and ministerial agencies, competent authorities under Article 108 hereof shall decide the restriction to mining operations under Clause 3 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Sites where mining operations are prohibited shall be zoned on the basis of:

a) Mineral survey results; or

b) Historical - cultural heritage, and scenery ranked or zoned for protection in accordance with cultural heritage, natural heritage protection and environmental laws; or

c) Special-use forest, protective forest; geological sanctuaries, marine sanctuaries as per the law; or

d) Land for national defense and security; or

dd) Land for religious activities; or

e) Separation distance of national defense structures and military zones; safety margin or separation distance of traffic, hydroelectricity, irrigation, embankment structures; water supply and drainage system, waste treatment system; energy and petroleum structures; post, telecommunication, information technology infrastructures.

2. Sites where mining operations are temporarily suspended shall be zoned on the basis of:

a) National defense and security requirements; or

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Preparedness and remediation of natural disasters; or

d) River basins or banks susceptible to collapse, erosion or prone to collapse, erosion; coastal areas susceptible to or prone to erosion.

3. Where mineral exploration and production is required in sites where mining operations are prohibited or temporarily suspended, competent authorities under Article 108 hereof shall take charge and cooperate with ministries, relevant ministerial agencies in requesting the Prime Minister to consider.

4. Provincial People’s Committees shall zone and request Prime Minister to approve sites where mining operations are prohibited or temporarily suspended after consulting the Ministry of Natural Resources and Environment and relevant ministries, ministerial agencies.

5. The Government shall elaborate application and procedures for zoning sites where mining operations are prohibited or temporarily suspended; Clause 3 of this Article.

Article 27. Sites of scattered minerals

1. Sites of scattered minerals are areas where group I minerals and group II minerals, only appropriate for small-scale production, and determined on the basis of:

a) Mineral potential evaluation results produced during mineral survey;

b) Mineral exploration results approved by competent authority;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Government shall prescribe the size of mineral reserve for definition of sites of scattered minerals; prescribe procedures for zoning and declaring sites of scattered mineral.

Article 28. Sites of national mineral reservation

Sites of national mineral reservation mean areas with unextracted group I minerals and group II minerals, are determined by mineral survey and mineral exploration results, and include:

1. Areas where minerals are necessary for sustainable socio-economic development;

2. Areas where minerals are located and which are prioritized for development of leading economic sector or significantly advantageous economic sector;

3. Areas where minerals are located and where mineral production cannot be carried out in an effective manner or where remedial measures have not been taken to rectify negative environmental impacts.

Section 2. MANAGEMENT OF MINERALS IN SITES OF NATIONAL MINERAL RESERVATION

Article 29. Zoning sites of national mineral reservation

1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall zone sites of national mineral reservation under Article 28 hereof and request the Prime Minister to approve.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Name of mineral reservation site;

b) Type of minerals and coordinates of corner markers, area, depth of mineral reservation;

c) Size of resources and mineral reserve;

d) Duration of mineral reserve;

dd) Responsibility for protection of minerals in the area;

e) Implementation plans.

3. The Government shall prescribe zoning and approval of sites of national mineral reservation.

Article 30. Revision to sites of national mineral reservation

1. Revision to sites of national mineral reservation shall be implemented in order to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Partially or entirely include areas zoned as sites of national mineral reservation in group I mineral planning and/or group II mineral planning in accordance with planning laws; serve national defense and security purposes; execute investment projects under the authority to decide or approve investment guidelines of the National Assembly and Prime Minister, except for cases detailed under Article 33 hereof.

2. The Government shall prescribe written request and procedures for revision of sites of national mineral reservation.

Article 31. Duration of reservation

1. Reservation duration shall be determined in accordance with geological, mineral, and mining industry strategy and range between 20 years and 70 years. Where reserved minerals are not included in group I mineral planning or group II mineral planning by the time reservation period expires, reservation period shall be extended.

2. The Prime Minister shall decide the reservation period and extension thereof for each site.

Article 32. Management and protection of minerals at sites of national mineral reservation

1. Minerals under reservation shall be placed under strict protection in accordance with this Law.

2. Developers of investment projects located in sites of national mineral reservation have the obligation to:

a) protect minerals in project perimeter;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Where project developer violates Point b Clause 2 of this Article, depending on the nature, severity of the violation, and amount of minerals unlawfully produced or recovered, the violation shall be met with:

a) Administrative penalties;

b) Revocation of written verification of mineral recovery application;

c) Revocation of mineral exploration license, mineral production license under Point c Clause 1 Article 33 hereof;

d) Revocation of investment registration certificate;

dd) Criminal prosecution.

4. Project developers committing violations under Clause 3 of this Article shall also be required to compensate for any damage caused.

Article 33. Execution of investment projects at sites of national mineral reservation

1. The following projects shall be executed at sites of national mineral reservation:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Construction projects for technical infrastructures that serve national or public interest in accordance with land laws with stable and extended land use term or operating period longer than remaining reservation duration and are approved by the Prime Minister to be executed at sites of national mineral reservation;

c) Exploration and production projects for minerals that are not under reservation with operating period shorter than the remaining reservation period;

d) Other investment projects that do not have stable and extended land use term or operating duration longer than remaining reservation duration.

2. Organizations and individuals executing investment projects at sites of national mineral reservation shall evaluate level of impact on minerals in reservation located in perimeter of projects in accordance with Clause 3 of this Article. Evaluation shall be conducted during pre-feasibility study or report proposing approval of project investment guidelines.

3. Evaluation of impact on reserved minerals consists of:

a) Overview of reserved minerals in project area, including level of mineral survey; current conditions of resources, reserve of resources, and progress of mineral exploration and production (if any);

b) Evaluation of impact of investment projects on resources, reserve, quality of reserved minerals; work items that directly affect reserved minerals;

c) Solutions for protecting reserved minerals located in project perimeter;

d) Commitment to protect unextracted minerals within the perimeter of investment projects.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Organizations and individuals executing investment projects at sites of national mineral reservation shall monitor, supervise, and promptly report to the Ministry of Natural Resources and Environment and provincial People’s Committees of provinces where sites of national mineral reservation are located where construction process or operation process directly affects the type reserved minerals for actions taken in accordance with Clauses 6, 7, 8, and 9 of this Article.

6. Where construction process at sites of national mineral reservation requires leveling or piling of surface layer which directly affects mineral reserve, organizations and individuals executing the investment projects must request the Ministry of Natural Resources and Environment and provincial People’s Committees of provinces where the projects are located to conduct inspection and decide whether or not mineral recovery is conducted.

7. Provincial People’s Committees of provinces where investment projects under Clause 2 of this Article are located shall consider issuance of verification of mineral recovery application. In respect of minerals under licensing authority of the Ministry of Natural Resources and Environment, provincial People’s Committees shall consider issuance of verification of mineral recovery application after obtaining written approval of the Ministry of Natural Resources and Environment.

8. Mineral recovery shall be conducted as follows:

a) Mineral recovery shall be conducted at the same time as project execution;

b) Project developers shall organize mineral recovery in accordance with Clause 9 of this Article. Where mineral recovery is not conducted, project developers shall request other organizations and entities to conduct recovery and request provincial People’s Committees to consider and decide.

9. Organizations and individuals executing investment projects at sites of national mineral reservation in accordance with Clause 2 of this Article permitted to conduct mineral recovery shall have rights and obligations detailed under Article 76 hereof.

10. The Government shall elaborate this Article.

Article 34. Compensation for terminated investment projects at sites of national mineral reservation

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Government shall not be responsible for compensating developers of projects at sites of national mineral reservation upon expiry of reservation duration according to decision of the Prime Minister.

Section 3. USE OF LAND, WATER, SEA WATERS, AND TECHNICAL INFRASTRUCTURE IN MINING OPERATIONS

Article 35. Use of land, sea waters, and technical infrastructures in mining operations

1. The use of land in mining operations shall conform to land laws.

2. The use of sea waters in mining operations shall conform to marine laws, marine resource and environment and island laws, and other relevant law provisions.

3. Organizations and individuals conducting mining operations may utilize traffic, communication, electrical, and other technical infrastructure system for the purpose of mining operations as per the law.

Article 36. Water usage and discharge into water sources in mining operations

1. Organizations and individuals conducting mining operations shall have the right to utilize water resources and the responsibility to protect water resources in accordance with water resource laws; use water efficiently and effectively, adopt solutions for securing livelihood and preventing conflicts in production and use of water resources.

2. Discharge of wastewater in mining operations shall conform to environmental protection laws and other relevant law provisions.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



MINING OPERATIONS, MINERAL RECOVERY, MINERAL PROCESSING

Section 1. GROUP I, GROUP II, AND GROUP III MINERAL EXPLORATION

Article 37. Organizations and individuals conducting mineral exploration

1. Organizations registered for business operation related to mining operation and eligible for mineral exploration license include:

a) Enterprises established in accordance with the Law on Enterprises;

b) Cooperatives and joint cooperatives established in accordance with the Law on Cooperatives;

c) Foreign enterprises placing representative offices or branch offices in Vietnam.

2. Individuals or household members shall, upon applying for household businesses engaging in businesses related to mining operations, be eligible for group III mineral exploration license.

3. Organizations and individuals under Clause 1 and Clause 2 of this Article must possess adequate financial capability to execute mineral exploration scheme.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Organizations licensed to conduct mineral exploration but not satisfactory to requirements under Clause 1 Article 38 hereof or household businesses licensed to conduct mineral exploration shall have the right to enter into contracts with mineral exploration service providers for mineral exploration in accordance with mineral exploration license.

5. The Government shall elaborate Clause 3 of this Article.

Article 38. Eligibility of mineral exploration service providers

1. Mineral exploration service providers must:

a) be established in a law-compliant manner;

b) employ personnel of at least university education or equivalent in geology with experience in mineral exploration and understanding of technical regulations and standards pertaining to mineral exploration for technician positions;

c) employ technician personnel specializing in geology and other relevant fields;

d) provide necessary equipment and instruments for construction of mineral exploration structures.

2. The Government shall elaborate this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Organizations and individuals under Article 37 hereof shall be selected for mineral exploration license in respect of areas where mineral production right is not auctioned in accordance with regulations of the Government.

Article 40. Field survey for mineral exploration scheme

1. During preparation of mineral exploration scheme, winners of mineral production right auction may conduct field survey and surface sampling.

2. In respect of areas where mineral production right is not auctioned, during preparation of mineral exploration scheme, organizations and individuals may conduct field survey and surface sampling to determine exploration area.

3. Prior to conducting field survey, organizations and individuals under Clause 1 and Clause 2 of this Article must inform provincial People’s Committees of provinces where mineral exploration sites are located.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 41. Area of mineral exploration site

1. Other than cases under Clause 3 of this Article, area of mineral exploration sites under each license for each mineral or mineral group shall be:

a) At most 100 square kilometer (km2) for coals and bauxite;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) At most 10 square kilometer (km2) for non-metal minerals on land, other than group III minerals;

d) At most 200 square kilometer (km2) for minerals in the ocean, other than group III minerals. Where a greater area is required, the Prime Minister shall decide.

dd) At most 2 square kilometer (km2) on land or 30 square kilometer (km2) in the ocean in respect of group III minerals, other than natural mineral water and geothermal spring;

e) Compliant with exploration scheme in respect of natural mineral water and geothermal spring.

2. Exploration depth must be sufficient to cover mineral body and geological structures potential for type of minerals to be explored, other than minerals used as construction materials and minerals used as regular construction materials.

3. In respect of exploration of strategic, important minerals according to intergovernmental agreements, area of exploration sites shall conform to said agreements.

Article 42. Mineral exploration scheme

1. Mineral exploration schemes must contain:

a) Appropriate exploration methods for determining reserve, quality, production conditions, processing and use capabilities of minerals present in exploration area;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Environmental protection, occupational safety and hygiene solutions during exploration process;

d) Methods for determining mineral reserve;

dd) Construction process, schedule of mineral exploration schemes;

e) Mineral exploration expenditure estimates based on unit price tariff of geological structures and other relevant unit price tariff prescribed by competent authorities;

g) Duration of mineral exploration scheme.

2. Mineral exploration issuing authorities are responsible for appraising mineral exploration schemes prior to issuing the license.

3. The Government shall elaborate application and procedures for appraisal of mineral exploration schemes.

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe form and details of mineral exploration schemes; methods and workload of mineral exploration operation for individual mineral type and unit price tariff of geological structures.

Article 43. Issuance principles of mineral exploration license

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Mineral exploration license shall only be issued for areas where no organizations and individuals are conducting lawful mineral exploration and production except for cases detailed in Point g of this Clause;

b) Mineral exploration license issued by Ministry of Natural Resources and Environment shall be applicable in areas appropriate to group I mineral planning and group II mineral planning;

c) Mineral exploration license issued by provincial People’s Committees shall be applicable in areas appropriate to provincial planning;

d) Mining operations are not restricted or temporarily suspended in mineral exploration sites, except for cases detailed under Clause 2 of this Article;

dd) Mineral exploration sites are not classified as sites of national mineral reservation or undergoing ecological reconnaissance, mineral survey corresponding to the type of minerals of which exploration license is applied for, except for cases detailed under Point c Clause 1 Article 33 hereof;

e) Area of mineral exploration sites must not exceed area defined under group I mineral planning, group II mineral planning, and provincial planning;

g) Area covered by a mineral exploration license may partially or entirely overlap surface area of mining operations conducted by the same organizations for the purposes of exploring minerals at different depths depending on mineral exploration schemes;

h) Each organization and individual shall hold at most 5 mineral exploration licenses for each type of mineral, excluding expired mineral exploration license. Where more than 5 licenses are issued to the same organizations, written approval issued by the Prime Minister shall be required.

2. Mineral exploration at sites where mining operations are prohibited or temporarily suspended shall be conducted if exploration methods and technology do not negatively affect protected subjects in these sites and in a manner compliant with Clause 3 Article 26 hereof.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The Government shall elaborate this Article and prescribe organizations permitted to conduct mineral exploration of strategic, important minerals.

Article 44. Mineral exploration license

1. Mineral exploration license must contain information on organizations and individuals conducting mineral exploration, proper name of the area, contents of the license, and requirements of organizations and individuals to which mineral exploration license is issued.

2. Mineral exploration license includes:

a) Type of minerals; location and area of mineral exploration sites;

b) Mineral exploration method and quantity;

c) Mineral exploration period.

3. Requirements for organizations and individuals to which mineral exploration license is issued:

a) Financial obligations and other relevant obligations as per the laws;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Mineral exploration period in mineral exploration license includes execution period of mineral exploration schemes and reporting period of exploration results and shall be:

a) At most 48 months and can be extended at most twice for up to 24 months total except for cases detailed under Point b of this Clause;

b) Where organizations and individuals have not finished workload under exploration scheme due to force majeure by the end of exploration period under Point a of this Clause, the organizations and individuals shall be eligible for re-issuance in accordance with this Law as long as time limits under Point a of this Clause are not exceeded;

c) Where organizations and individuals have fulfilled exploration workload according to exploration scheme and where additional exploration workload is required by competent authorities after expiry of mineral exploration license, the organizations and individuals must report to issuing authorities for approval in advance;

d) In respect of exploration of strategic, important minerals under intergovernmental agreement, exploration period shall conform to the agreement.

5. The Government shall elaborate Point c Clause 4 of this Article.

6. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe mineral exploration license.

Article 45. Issuance, re-issuance, revision, and relinquishment of mineral exploration license

1. Issuance of mineral exploration license, including cases detailed under Point dd Clause 2 Article 4 hereof shall conform to principles under Article 43 hereof and the following provisions:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Purpose and demand of mineral exploration in application for mineral exploration license

2. The Government shall elaborate Clause 1 of this Article; regulate cases of extension, re-issuance, revision, and relinquishment of mineral exploration license; application and procedures for issuance, re-issuance, extension, revision, and relinquishment of mineral exploration license.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe form of reports and documents under this Article.

Article 46. Transfer of mineral exploration right

1. Organizations and individuals licensed to conduct mineral exploration may only transfer mineral exploration right after fulfilling at least 50% of the estimates of mineral exploration scheme.

2. Organizations and individuals receiving the transferred mineral exploration right must be eligible for mineral exploration license in accordance with this Law.

3. For the transfer of mineral exploration right, competent authorities under Article 108 hereof shall issue mineral exploration license to organizations and individuals receiving the transfer. Mineral exploration period means the remaining duration of previously issued mineral exploration license.

4. The Government shall elaborate the transfer of mineral exploration right; designate inspecting authorities; regulate application and procedures for transferring mineral exploration right.

Article 47. Rights and obligations of organizations and individuals to which mineral exploration license is issued

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) access information on minerals related to exploration purposes and exploration sites, transfer and inherit the information as per the law;

b) conduct exploration in accordance with mineral exploration license;

c) add extra workload and work items in exploration sites in accordance with practical development in exploration process to improve reliability of exploration results;

d) transfer specimens in appropriate quantity and type depending on analysis and test characteristics, demands under approved exploration schemes outside of exploration sites or foreign countries;

dd) be prioritized for issuance of mineral production license at sites where exploration has been conducted in accordance with Clause 1 Article 48 hereof;

e) apply for extension, re-issuance, revision or relinquishment of mineral exploration license;

g) transfer mineral exploration right in accordance with this Law;

h) file complaints or lawsuits in as per the law;

i) exercise other rights as per the law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) fulfill financial obligations as per the law;

b) fulfill with mineral exploration license. Where permissible exploration depth is exceeded, technology sample is added, test production pit is added, exploration solution is revised, or exploration workload is reduced, organizations and individuals must report to and obtain written approval from competent authorities in advance;

c) compensate for damage caused by exploration operations;

d) inform provincial People's Committees of provinces where mineral exploration takes place in advance;

dd) collect, store information on minerals, and report mineral exploration results to mineral authorities; report other operations to competent authorities; comply with regulations on inspection, examination of mineral exploration in accordance with this Law, inspection laws, and other relevant law provisions;

e) carry out tasks upon expiry of mineral exploration license in accordance with Clause 3 Article 52 hereof;

g) perform other obligations as per the law.

3. For the purpose of exploration of toxic minerals, in addition to obligations under Clause 2 of this Article, organizations and individuals conducting exploration of toxic minerals must also take actions to prevent environmental pollution, harmful effects on human health; where environmental pollution already occurs, take actions to rectify or minimize the pollution.

4. For the purpose of exploration of radioactive minerals or minerals containing radioactive substances, in addition to fulfilling Clause 2 and Clause 3 of this Article, organizations and individuals conducting mineral exploration must conform to the Law on Atomic Energy and other relevant law provisions.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



6. The Minister of Natural Resources and Environment shall regulate forms of reports and documents under Point d and Point dd Clause 2 of this Article.

Article 48. Privilege for organizations and individuals conducting mineral exploration

1. Organizations and individuals conducting mineral exploration shall be granted privilege upon applying for mineral production license for resources and reserve recognized by competent authorities for 36 months from the date on which recognition is awarded.

2. Where organizations and individuals that have conducted mineral exploration fail to submit adequate application for mineral production license before expiry of the time limit under Clause 1 of this Article, the organizations and individuals shall lose their privilege in application for mineral production license except for force majeure or changes to Government policies that cause the application to be not feasible. Where competent authorities issue mineral production license to other organizations and individuals in accordance with this Law, licensed organizations and individuals shall refund organizations and individuals that previously conduct mineral exploration mineral exploration costs in accordance with this Law.

3. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

Article 49. Mineral exploration funded by state budget

1. The Government shall fund exploration of the following minerals using budget capital:

a) Strategic, important minerals;

b) Minerals of high economic value and/or high demand.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Provincial People’s Committees shall decide list of mineral exploration sites under Clause 1 of this Article where they have licensing authority.

4. Mineral exploration license shall not be required in respect of mineral exploration funded by state budget. Competent authorities under Article 108 hereof shall choose organizations executing mineral exploration schemes in accordance with bidding laws.

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 50. Recognition of mineral exploration results

1. Organizations and individuals licensed to conduct mineral exploration and organizations executing mineral exploration schemes under Clause 4 Article 49 hereof shall submit application for mineral exploration result recognition to competent authorities under Article 51 hereof.

2. Competent authorities under Article 15 hereof are responsible for recognition of mineral exploration results in accordance with regulations of the Government.

3. Within 6 months from the date on which mineral exploration license expires, organizations and individuals shall submit application for recognition of mineral exploration results.

4. Where organizations and individuals licensed to conduct mineral exploration fail to submit application for recognition of mineral exploration results to receiving authorities in accordance with this Law after the time limit defined under Clause 3 of this Article, they shall be no longer eligible to apply for recognition of mineral exploration results except for force majeure. Where competent authorities issue mineral exploration license to other organizations and individuals, previously licensed organizations and individuals shall not be eligible for refund of mineral exploration expenditure.

5. The Government shall elaborate Clauses 1, 2, and 4 of this Article; applications and procedures for recognizing mineral exploration results; procedures for submitting mineral exploration reports.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 51. Entitlement to recognition of mineral exploration results

1. National council for mineral reserve evaluation shall recognize mineral exploration results and additional exploration results under licensing authority of the Ministry of Natural Resources and Environment.

2. Provincial People’s Committees shall recognize mineral exploration results and additional exploration results under their own licensing authority.

3. The Government shall prescribe organization, operation, tasks, powers, and responsibilities of the National council for mineral reserve evaluation.

Article 52. Revocation and termination of mineral exploration license

1. Mineral exploration license shall be revoked where:

a) The license is issued in a manner that does not respect issuing authority or violates regulations of the law;

b) License holders fail to conduct exploration within 6 months from the date on which the license enters into force except force majeure;

c) Sites where mineral exploration is licensed is placed under mining operation prohibition or temporary suspension;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Mineral exploration license shall be terminated where:

a) The license is revoked; or

b) The license expires; or

c) The license relinquished; or

d) Organization licensed to conduct mineral exploration is dissolved or goes bankrupt; or

dd) License holder has their establishment decision, business registration certificate, cooperative registration certificate, joint cooperative registration certificate, or household business certificate revoked in accordance with corporate, cooperative laws;

e) Such termination is determined via judgments or decisions of the Court or arbitration awards.

3. Within 6 months from the date on which mineral exploration license is terminated in accordance with Clause 2 of this Article, previous license holders must relocate the entirety of their property and property of relevant parties out of exploration sites; level exploration sites, protect minerals, restore the environment and land as per the law; submit collected specimens and information on minerals to compete geology and mineral authorities. This provision does not apply to organizations and individuals conducting mineral exploration that are applying for extension or re-issuance of mineral exploration license or applying for mineral production license.

4. Where mineral exploration sites are placed under mining operation prohibition or temporary suspension, valid license holders operating in the sites shall be compensated as per the law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 2. PRODUCTION OF GROUP I MINERALS, GROUP II MINERALS, AND GROUP III MINERALS

Article 53. Eligibility of organizations, individuals to which mineral exploration license is issued

1. Organizations registered in mineral production business that are considered for mineral production license include:

a) Enterprises established in accordance with the Law on Enterprises;

b) Cooperatives and joint cooperatives established in accordance with the Law on Cooperatives.

2. Individuals or household members registering for household businesses and engaging in mineral production business shall be eligible for group III mineral production license.

3. Organizations and individuals under Clause 1 and Clause 2 of this Article must possess sufficient financial capacities to execute mineral production investment projects.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 54. Mineral production sites, area of mineral production investment project sites

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Area and depth of mineral production sites shall be considered and identified on the basis of mineral production investment projects, compliant with mineral reserve in mineral exploration reports recognized by competent authorities.

3. Area of mineral production investment project sites consists of: area of mineral production sites; area of structures serving mineral production attached to mineral production sites; area of safe separation distance in mine production.

4. In respect of production sites of natural mineral water or geothermal spring, location and area of production sites shall be determined by coordinates of wells or well groups.

5. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

Article 55. Principles of mineral production license issuance

1. Issuance of mineral production license shall adhere to principles below:

a) Mineral production license shall only be issued for areas where no organizations and individuals are conducting lawful mineral exploration and production except for cases detailed in Point e of this Clause;

b) Mineral production license issued by Ministry of Natural Resources and Environment shall be applicable in areas appropriate to group I mineral planning and group II mineral planning;

c) Mineral exploration license issued by provincial People’s Committees shall be applicable in areas appropriate to provincial planning;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) Mineral production shall not be permitted at sites where mining production is prohibited or temporarily suspended, except for cases detailed under Clause 2 of this Article;

e) Surface area of mining operation sites covered by mineral production licenses may overlap in part or in whole if the licenses are issued to the same organization conducting mineral production at different depths according to mineral production investment projects.

2. Mineral production at sites where mining operations are prohibited or temporarily suspended shall be conducted if production methods and technology do not negatively affect protected subjects in these sites and in a manner compliant with Clause 3 Article 26 hereof.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 56. Mineral production license

1. Mineral production license must contain information on organizations and individuals conducting mineral production, licensing details, and requirements for organizations and individuals to which mineral production license is issued.

2. Licensing details consist of:

a) Location and area of mineral production sites; production depth;

b) Primary minerals and byproduct minerals (if any);

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Mineral production capacity and methods;

dd) Mineral production period.

3. Requirements for organizations and individuals to which mineral production license is issued include:

a) Financial obligations and other relevant obligations as per the laws;

b) Responsibilities of licensed organizations and individuals and other requirements (if any) as per the law.

4. Term of mineral production license:

a) Production term consists of fundamental construction period, production period determined in accordance with mineral production investment projects to a maximum of 30 years and can be extended multiple times at request of license holders to a maximum of 20 years; except for cases detailed under Point a Clause 2 Article 68 and Clause 3 Article 87 hereof;

b) Where mineral production term, including extension thereof, has expired before mineral reserve in the sites has not been depleted, license holders may apply for re-issuance of mineral production license.

5. Effective period of re-issued mineral production license shall conform to Point a Clause 4 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Issuance of mineral production license shall conform to principles detailed in Article 55 hereof and:

a) Appraisal results of application for mineral production license;

b) Mineral production and use demand depicted in application for license issuance.

2. The Government shall elaborate Clause 1 of this Article; regulate cases of extension, re-issuance, revision, and relinquishment of mineral production license; application and procedures for issuance, re-issuance, extension, revision, and relinquishment of mineral production license.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe form of reports and documents under this Article.

Article 58. Transfer of mineral production right

1. License holders may only transfer mineral production right after finishing fundamental construction and commencing operation of the mines.

2. Organizations and individuals receiving the transferred mineral production right must be eligible for mineral production license.

3. For the purpose of transfer of mineral production right, competent authorities under Article 108 hereof shall issue mineral production license to organizations and individuals receiving the transfer. Mineral production term means the remaining effective period of issued mineral production license.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 59. Rights and obligations of organizations and individuals conducting mineral production

1. Organizations and individuals conducting mineral production have the right to:

a) access mineral information related to production purposes and sites where mineral production is permitted;

b) conduct mineral production in accordance with mineral production license and this Law;

c) conduct additional exploration work to serve mineral production within licensed sites;

d) recover minerals within mineral production investment sites during fundamental construction of mines or other operations serving mineral production after reporting to competent authorities for consideration and decision;

dd) store, transport, sell, export, and execute other rights in respect of extracted minerals as per the law;

e) apply for extension, re-issuance, revision, and relinquishment of mineral production license;

g) transfer mineral production rights in accordance with this Law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



i) use waste soil and rocks from mines for renovation and restoration of the environment, project structures, and other purposes;

k) Exercise other rights as per the law.

2. Organizations and individuals conducting mineral production have the obligation to:

a) incur mineral production licensing fees; incur mineral potential evaluation cots, mineral exploration costs; pay taxes, fees, and charges as per the law;

b) prioritize local labor in mineral production investment projects and relevant services;

c) cooperate with local governments in providing training, facilitating career change, and finding jobs for households and individuals in case the Government expropriates the land for mineral production investment projects in accordance with land laws;

d) maintain schedule of fundamental mine construction and other operations defined under feasibility study or equivalent documents of mineral production investment projects, approved mine design as per the law; except for force majeure;

dd) register commencement date of fundamental mine construction and commencement date of mineral production to issuing authorities; inform People’s Committees of all levels before starting fundamental construction and mineral production;

e) develop and send additional exploration scheme to licensing authority for consideration and approval in advance and request competent authority to recognize additional exploration results in case additional exploration is conducted to better evaluate mineral resources and reserve or accurately determine reserve of byproduct minerals (if any);

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) store, update, and provide information on mineral exploration and production results; monitor quantities of minerals produced in practice before transporting extracted minerals out of mineral production investment projects; invest, install, and operate information and data system on mining operations connected to information and data system on mining operations of competent licensing authorities under Article 108 hereof’

i) submit reports on mineral production to competent authorities and be hold responsible for accuracy of reporting information and data;

k) compensate for damage caused by mineral production as per the law;

l) enable other organizations and individuals to conduct scientific research in mineral production sites in accordance with science and technology laws;

m) close mines; improve and restore the environment in accordance with this Law and environmental protection laws;

n) consolidate and submit reports to competent mineral authorities to revise license in accordance with Article 57 hereof in case mineral quantities defined under mineral production license has been met without depleting the mineral reserve and where mineral production license has not expired; except for production of river bed, lake bed, sea waters sand, gravel, gravel under Chapter VIII hereof;

o) perform other obligations as per the law.

3. The Government shall elaborate Point d and Point i Clause 1, Point e and Point g Clause 2 of this Article; prescribe the roadmap for implementing connection to information and data system on mining operations detailed under Point h Clause 2 of this Article.

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate Point dd, h, i, and n Clause 2 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Organizations and individuals engaging in mineral production, individuals working at mines shall adequately adhere to regulations on occupational safety and hygiene, and safety techniques under this Law, occupational safety and hygiene laws, and other relevant provisions of the law.

2. Other than cases detailed in Clause 4 Article 62 hereof, organizations and individuals engaging in mineral production must guarantee technical safety conditions below:

a) Managerial and operating personnel in mineral production must have sufficient qualifications and receive training in technical safety in mineral production;

b) Equipment and system used in mineral production must be suitable with geological conditions of production sites. In respect of underground mineral production, equipment and system must also meet safety requirements corresponding to combustible gas;

c) Risk management plans must be developed, approved, and sent to competent authorities. In case of underground mineral production, risk management plans must be developed and submitted to the Ministry of Industry and Trade for approval in accordance with Clause 3 of this Article;

d) Employ semi-specialized emergency response team to take actions in case of emergencies.

3. Risk management plans of underground mineral production projects shall be approved as follows:

a) In respect of new projects, risk management plans must be approved prior to construction and before operation of mine structures;

b) In respect of projects during fundamental mine construction, risk management plans must be approved before operation of the structures;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Where potential technical issues may violate occupational safety and hygiene, mine directors must take all necessary actions to eliminate causes of issues.

5. Where technical issues cause loss of occupational safety or hygiene, mine directors or mine coordinators must:

a) immediately adopt emergency measures to rectify the issues; provide emergency medical care, evacuate people from dangerous areas;

b) protect property and scenes of the accidents unless activities under Point a of this Clause are taking place.

6. Agencies, organizations, and individuals are responsible for providing assistance in emergency medical care and rectification of technical issues.

7. Organizations and individuals engaging in mineral production must report occupational incidents, violation of occupational safety and hygiene in mineral production; promptly report to competent authorities in case accidents causing loss of occupational safety.

8. The Minister of Industry and Trade shall elaborate Point c Clause 2 and Clause 3 of this Article.

9. The Government shall elaborate Point a, b, and d Clause 2 and Clause 7 of this Article.

Article 61. Fundamental design of mineral production projects, mine design

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Mine design shall serve mineral production and be compliant with fundamental design. Procedures for developing, appraising, and approving mine design in a one-step or multi-step process in accordance with construction laws and:

a) In case of one-step or two-step design, mine design shall be construction drawing design;

b) In case of three-step design, mine design shall consist of technical design and construction drawing design.

3. Organizations and individuals conducting mineral production shall only be permitted to commence fundamental mine construction and mineral production after obtaining and sending approved mine design to competent authorities.

4. The Minister of Industry and Trade shall prescribe fundamental design of mineral production investment projects and mine design.

5. The Government shall elaborate Clause 3 of this Article; entities from which fundamental design of mineral production investment projects and mine design are required.

Article 62. Mine directors and coordinators

1. Mine directors shall be required for the purpose of mineral production, except for cases detailed under Clause 4 of this Article.

2. In respect of mineral production in underground mines, a mine director shall be required for each mineral production license. In respect of open-pit mining, a mine director shall be required for up to 3 mineral production licenses held by the same organization or individual where each mine is no more than 10 km away from one another.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Mine directors shall not be required in the following cases as long as mine coordinators responsible for technical affairs in mineral production, occupational safety and hygiene, and environmental protection are appointed:

a) Producing group II and group III minerals without using industrial explosive materials;

b) Producing minerals at sites of scattered minerals according to Article 27 hereof unless the production process involves the use of industrial explosive materials or underground mineral production.

5. Mineral production license holders have the responsibility to:

a) enable mine directors and coordinators to exercise their duty;

b) inform licensing authorities in writing about qualifications and managerial capabilities of mine directors before commencement date of mineral production or in case of replacement of mine directors. Where mine directors do not meet the standards, competent mineral authorities are responsible for informing organizations and individuals in writing.

6. The Government shall elaborate this Article.

Article 63. Mining status maps and cross-section maps of mineral production sites

1. Organizations and individuals conducting mineral production shall produce, update, manage, and store mining status maps and cross-section maps of mineral production sites from fundamental construction stage to end of mineral production stage according to mineral production license.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 64. Inventory and examination of mineral quantities

1. Organizations and individuals conducting mineral production are responsible for inventory of extracted mineral quantities on an annual basis; examination of remaining mineral quantities at the time in which application for extension, revision, transfer, and relinquishment of mineral production license and mine closure is submitted; shall be held legally responsible for accuracy and veracity of information and data of inventory, examination.

2. Inventory of mineral quantities extracted annually and total mineral quantities extracted from the beginning to the inventory date includes:

a) Information on mineral and resource reserve recognized by competent authorities; topographic maps of mineral and resource reserve calculation and cross-section maps of mineral and resource reserve calculation;

b) Weighed or measured quantities or load of extracted minerals; results of severance tax and environmental protection fee declaration and payment in mineral production;

c) Information and data produced by analysis and evaluation of quality or concentration of minerals; results of verification and delivery of quantities or load of extracted minerals; amount of soil and rocks produced during each production stage;

d) Actual measurement results pertaining to production conditions during development of mining status maps and cross-section status maps of mineral production sites in case of solid minerals.

3. Examination of remaining mineral reserve from the beginning to the examination date consists of consolidation of information from the following documents:

a) Information on mineral reserve in mineral production license;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Data pertaining to reserve of other resources and minerals in vicinity of mineral production sites.

4. Inventory and examination of mineral quantities under Point d Clause 1 Article 59 hereof shall conform to Clauses 1, 2, and 3 of this Article.

5. The Government shall elaborate Clauses 1, 2, 3, and 4 of this Article.

6. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe forms of reports and documents under this Article.

Article 65. Production of strategic, important minerals, toxic and radioactive minerals

1. Organizations and individuals conducting production of strategic, important minerals shall:

a) exercise obligations under Clause 2 Article 59 hereof;

b) meet regulations on market access in accordance with investment laws and other relevant law provisions in case of foreign investors;

c) operate under management of competent authorities and adhere to socio-economic development strategy from time to time.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The Government shall prescribe organizations permitted to produce strategic, important, toxic, radioactive minerals.

Article 66. Revocation and termination of mineral production license

1. Mineral production license shall be revoked if:

a) The license is issued in a manner that does not respect issuing authority or violates regulations of the law;

c) Mining operations are prohibited or temporarily suspended at licensed mineral production sites;

c) Competent authorities issue decision to expropriate the entire area of land or sea waters where mineral production was previously licensed for use in other purposes in accordance with land, sea, resource, marine environment, island laws, and other relevant provisions of the law;

d) Organizations and individuals licensed to conduct mineral production infringe their obligations in mineral production to a serious extent.

2. Mineral production license shall be terminated if:

a) The license is revoked; or

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) The license relinquished; or

d) Organization licensed to conduct mineral production is dissolved or go bankrupt; or

dd) License holder has their business registration certificate, cooperative registration certificate, joint cooperative registration certificate, or household business certificate revoked in accordance with corporate, cooperative laws; or

e) Investment project of license holder is terminated by competent authorities in accordance with investment laws; or

g) Land or sea waters for mineral production of license holder is revoked in accordance with land laws and other relevant laws where investment project violates land laws or other relevant laws; or

h) Such termination is determined via judgments or decisions of the Court or arbitration awards.

3. Where mineral production license is terminated in accordance with Points a, b, dd, e, g, and h Clause 2 of this Article, holder of the terminated license has the obligation to:

a) close mines in accordance with Section 2 Chapter VII hereof;

b) relocate their property and property of relevant parties out of mineral production sites within 6 months from the date on which mineral production license is terminated, except for structures and equipment under Point c of this Clause; property remaining at mineral production sites after the aforementioned time limit shall be handled in a law-compliant manner;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Where mineral reserve is not depleted at expiry of mineral production license and previous license holder is not eligible for extension or re-issuance of mineral production license, other organizations and individuals shall be licensed to conduct mineral production in accordance with this Law.

5. Organization and individuals conducting mineral production and having their mineral production license revoked under Point b and Point c Clause 1 of this Article shall be compensated as per the law.

6. The Government shall elaborate Point d Clause 1, Point c Clause 3, Clause 4, and Clause 5 of this Article, elaborate documents and procedures for revocation of mineral production license.

Section 3. MINERAL SALVAGING

Article 67. General provisions pertaining to mineral salvaging

1. Mineral salvaging includes:

a) Selectively producing remaining minerals at waste dump of mines of which closure decision has been issued;

b) Producing all minerals at waste dump of mines, including waste soil and rocks of mines of which closure decision has been issued.

2. Principles of issuance of mineral salvaging license:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) In respect of waste dumps with great height or complex terrain, mine design must adhere to Article 61 hereof;

c) Compliance with geology and mineral management plans under Clause 2 Article 12 hereof is not required;

d) Mineral salvaging license is considered and issued to organizations, individuals that meet eligibility under Article 53 hereof.

3. The Government shall elaborate Point b Clause 2 of this Article.

Article 68. Mineral salvaging license

1. Information and contents of mineral salvaging license include:

a) Information and details under Clause 1, Points a, b, and dd Clause 2, Clause 3 Article 56 hereof;

b) Quantities of minerals permitted for production.

2. Term of mineral salvaging license:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Where right to mineral salvaging is transferred to other organizations and individuals, the term of mineral salvaging shall be the remaining term of previously issued mineral salvaging license.

Article 69. Issuance, extension, revision, and relinquishment of mineral salvaging license, transfer of right to mineral salvaging

1. Issuance of mineral salvaging license shall conform to principles detailed under Clause 2 Article 67 hereof and the following basis:

a) Appraisal results of application for mineral salvaging license;

b) Mineral production and use demand depicted in application for license issuance.

2. The Government shall elaborate Clause 1 of this Article; prescribe extension, revision, relinquishment of mineral salvaging license, transfer of right to mineral salvaging; regulate appraising authorities; regulate applications and procedures for issuance, extension, revision, relinquishment of mineral salvaging license, and transfer of right to mineral salvaging.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe form of reports and documents under this Article.

Article 70. Rights and obligations of organizations and individuals licensed to conduct mineral salvaging

1. Organizations and individuals licensed to conduct mineral salvaging have the right to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) conduct mineral salvaging in accordance with mineral salvaging license and this Law;

c) recover minerals within mineral production investment sites during fundamental mine construction or other operations serving mineral production after reporting to competent authorities for consideration and decision;

d) store, transport, sell, export, and execute other ownership rights in respect of extracted minerals as per the law;

dd) apply for extension, revision, relinquishment of mineral salvaging license;

e) transfer right to mineral salvaging in accordance with this Law;

g) file complaints or lawsuits in as per the law;

h) use waste soil and rocks for renovating, remediating the environment, structures serving mineral production projects, and other purposes;

i) exercise other rights as per the law.

2. Organizations and individuals licensed to conduct mineral salvaging have the obligation to:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) prioritize local labor in mineral production investment projects and relevant services;

c) cooperate with local governments in providing training, facilitating career change, and finding jobs for households and individuals in case the Government expropriates the land for mineral production investment projects in accordance with land laws;

d) maintain schedule of fundamental mine construction and other operations defined under feasibility study or equivalent documents of mineral production investment projects, approved mine design as per the law; except for force majeure;

dd) register commencement date of fundamental mine construction and commencement date of mineral salvaging to issuing authorities; inform People’s Committees of all levels before starting fundamental construction and mineral production;

e) maximize production of primary minerals and byproduct minerals in accordance with mineral salvaging license; protect minerals in areas where mineral production is licensed; maintain occupational safety and hygiene, practice safety techniques in mineral production; exercise regulations on management and protection of technical infrastructures, exercise environmental protective measures as per the law; adhere to regulations pertaining to inspection and examination of mining operations under this Law, inspection laws, and other relevant provisions of the law;

g) keep, update, and provide information on mineral salvaging results; control quantities of mineral extracted before transporting such quantities out of mineral production investment projects; invest, install, and operate information and data system pertaining to mining operations, connect with information and data system on mining operations of provincial People’s Committees and Ministry of Natural Resources and Environment;

h) conduct inventory and examination of quantities of extracted minerals;

i) produce reports on mineral salvaging to competent authorities and be hold responsible for accuracy of reporting information and data;

k) compensate for damage caused by mineral production as per the law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



m) close mines; improve and restore the environment in accordance with this Law and environmental protection laws;

n) produce and submit reports on revision to mineral salvaging license in accordance with this Law to competent mineral authorities where quantities of minerals in unexpired mineral salvaging license have been met without depleting the mineral reserve;

o) perform other obligations as per the law.

3. The Government shall elaborate Point c and Point h Clause 1, Point e and Point h Clause 2 of this Article; prescribe the roadmap for implementing connection to information and data system on mining operations detailed under Point g Clause 2 of this Article.

4. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate Point dd, g, i, and n Clause 2 of this Article.

Article 71. Revocation of mineral salvaging license

1. Mineral salvaging license shall be revoked if:

a) The license is issued in a manner that does not respect issuing authority or violates regulations of the law;

b) Mining operations are prohibited or temporarily suspended at mineral salvaging sites;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) Organizations and individuals licensed to conduct mineral salvaging infringe their obligations in mineral production to a serious extent.

2. Mineral salvaging license shall be terminated if:

a) The license is revoked; or

b) Term of mineral salvaging license expires and license extension is not eligible;

c) The license relinquished; or

d) Organization licensed to conduct mineral salvaging is dissolved or go bankrupt; or

dd) License holder has their business registration certificate, cooperative registration certificate, joint cooperative registration certificate, or household business certificate revoked in accordance with corporate, cooperative laws; or

e) Investment project of license holder is terminated by competent authorities in accordance with investment laws; or

g) Land of mineral production projects where license holder conducts mineral salvaging is expropriated by competent authorities due to violation of land laws; or

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Where mineral salvaging license is terminated in accordance with Point a, b, dd, e, g, and h Clause 2 Article, organizations and individuals conducting mineral salvaging have the obligation to exercise Clause 3 Article 66 hereof.

4. Organization and individuals conducting mineral salvaging and having their mineral salvaging license revoked under Point b and Point c Clause 1 of this Article shall be compensated as per the law.

5. The Government shall elaborate Point d Clause 1 and Clause 4 of this Article; procedures for revocation of mineral salvaging license.

Section 4. GROUP IV MINERAL PRODUCTION

Article 72. Organizations and individuals conducting group IV mineral production

Organizations and individuals eligible for group IV mineral production license include:

1. Organizations and individuals under Article 53 hereof;

2. Organizations approved or selected by competent authorities as construction contractors for:

a) Construction of projects of national importance, emergency public investment projects, structures and work items under national target programs in accordance with public investment laws;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 73. General provisions pertaining to group IV mineral production

1. Group IV mineral production shall be implemented as follows:

a) Application for mineral exploration license is not required; survey and general evaluation pertaining to minerals to be produced are required;

b) Issuance of mineral production license shall conform to Clause 2 of this Article and Article 74 hereof except for mineral salvaging.

2. Group IV mineral production principles include:

a) Mineral production shall only be permitted where no other organizations and individuals are conducting lawful mineral exploration or production;

b) Group IV mineral production at sites of national mineral reservation must not affect resource, reserve, quality of reserved minerals. Term of group IV mineral production at sites of national mineral reservation must not be longer than reservation duration;

c) Issuance of mineral production license is not based on geological and mineral management solutions under Clause 2 Article 12 hereof;

d) Where group IV mineral production serves projects, structures, work items, emergency mobilization under Clause 2 Article 72 hereof, submission of investment guidelines to competent authorities for approval, submission of investment projects to competent authorities for approval, and submission of appraisal results of environmental impact report to competent authorities for approval, environment license issuance, environment registration are not required; group IV mineral production plans must be developed and submitted to competent authority for consideration and issuance of mineral production license in accordance with this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) conduct mineral production in accordance with mineral production license issued by competent authorities;

b) store, transport, sell, and exercise other ownership rights in respect of extracted minerals as per the law;

c) apply for extension, re-issuance, revision, and relinquishment of mineral production license;

d) file complaints or lawsuits in as per the law;

dd) exercise other rights as per the law.

4. Organizations and individuals conducting group IV mineral production have the obligation to:

a) pay mineral production licensing fee, taxes, fees, and charges as per the law;

b) prioritize local labor for mineral production and relevant services;

c) maximize mineral production in accordance with mineral production license;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



dd) guarantee occupational safety, hygiene, and technical safety in mineral production; exercise regulations on management and protection of technical infrastructures and environment protective measures as per the law; assign mine coordinators in accordance Article 62 hereof;

e) comply with regulations on inspection, examination, and control of mining operations in accordance with this Law, inspection laws, and other relevant law provisions;

g) control quantities of minerals extracted before transporting out of mineral production sites;

h) submit reports on mineral production to competent authorities and be hold responsible for accuracy of reporting information and data;

i) close mines in accordance with this Law and renovate, remediate the environment in accordance with environmental protection laws;

k) perform other obligations as per the law.

5. The Government shall elaborate protection, renovation, and remediation of the environment in group IV mineral production; prescribe handling of residual minerals under Point d Clause 2 of this Article.

6. The Minister of Natural Resources and Environment shall elaborate Point a Clause 1, Point d Clause 2, and Point h Clause 4 of this Article.

Article 74. Issuance of group IV mineral production license

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. The Government shall prescribe appraising authority; term of group IV mineral production license, extension, revision, relinquishment, revocation, and termination of group IV mineral production license; prescribe application and procedures for issuance, extension, revision, relinquishment, and revocation of group IV mineral production license.

3. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe form of group IV mineral production license and application for group IV mineral production license.

Section 5. MINERAL RECOVERY

Article 75. General provisions pertaining to mineral recovery

1. Organizations and individuals shall be eligible for issuance of mineral recovery verification when:

a) Cases detailed under Point d Clause 1 Article 59 and Point c Clause 1 Article 70 hereof apply;

b) Project developers or investors incorporate mineral recovery in construction sites of work items of investment projects under approval or permission of competent authorities, including minerals in sites of prohibited or temporarily suspended mining operations and minerals in sites of national mineral reservation;

c) Project developers or investors conduct dredging operations in combination with product recovery in form of minerals in seaport waters, fish port waters, asylum harbors, inland waterway, rivers, lakes, or other waters, inundated land according to projects and plans approved by competent authorities;

d) Land users who carry out structural renovation and construction work on homestead land or agricultural land may recover group III and group IV minerals found via the aforementioned renovation and construction work;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Mineral recovery under Clause 1 of this Article does not apply to natural mineral water, geothermal spring but must adhere to principles below:

a) In respect of Points a, b, c and dd Clause 1 of this Article, mineral recovery is only allowed if surface leveling or earthwork is required to accommodate construction process or dredging is required according to project design; mine closure schemes, mine closure plans approved or accepted by competent authorities;

b) In respect of Point d Clause 1 of this Article, land users shall only recover minerals if surface leveling or earthwork is required to accommodate construction of work items.

3. In case of group I mineral recovery under Point b and Point c Clause 1 of this Article, project developers or investors must evaluate economic effectiveness of mineral recovery and report to competent authorities.

4. In respect of group II, group III, or group IV mineral recovery in accordance with Clause 1 of this Article:

a) Minerals can be used for the purpose of construction under these projects, schemes, and plans;

b) Minerals can be provided for other structures and projects.

5. Organizations and individuals conducting mineral recovery must register recovery operation with competent mineral authorities except for cases detailed under Point a Clause 1 and Point a Clause 4 of this Article.

6. The Government shall elaborate this Article; handling of minerals in case recovery is not conducted; entitlement, documents, and procedures for verification of mineral recovery registration.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Organizations and individuals conducting mineral recovery have the right to:

a) conduct mineral recovery in accordance with written verification of mineral recovery registration issued by competent authority;

b) store, transport, sell, export, and execute other ownership rights in respect of recovered minerals as per the law;

c) exercise other rights as per the law.

2. Organizations and individuals conducting mineral recovery have the obligation to:

a) pay mineral production licensing fee, taxes, fees, and charges as per the law, except for cases detailed under Clause 3 Article 98 hereof;

b) exercise regulations on management and protection of technical infrastructures and environmental protective measures as per the law;

c) submit reports on mineral recovery results to competent authorities in accordance with regulations of the Minister of Natural Resources and Environment and assume responsibility for accuracy of reporting information and data;

d) compensate for damage caused by mineral recovery;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Section 6. MINERAL PROCESSING

Article 77. Organizations and individuals processing minerals

Organizations and individuals processing minerals (hereinafter referred to as “mineral processors”) include organizations, individuals licensed to conduct mineral production, mineral salvaging and processing minerals in accordance with mineral production investment projects.

Article 78. General provisions pertaining to mineral processing

1. Mineral processing must adhere to principles below:

a) Compliance with group I mineral planning, group II mineral planning, or national industry planning and provincial planning is satisfied;

b) Mineral processing conforms to mineral laws, investment laws, and other relevant provisions of the law;

c) Minerals to be processed must be of lawful origin as per the law.

2. Mineral processors must adopt advanced technology, modern equipment, save resources, energy, water, and protect the environment.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Chapter VII

ENVIRONMENTAL PROTECTION IN MINERAL PRODUCTION; MINE CLOSURE

Section 1. ENVIRONMENTAL PROTECTION IN MINERAL PRODUCTION

Article 79. General provisions pertaining to environmental protection in mineral production

1. Organizations and individuals conducting mineral production shall prioritize environmentally friendly technology, equipment, and materials; adopt measures for preventing, minimizing environmental impact, renovating, remediating the environment in accordance with environment laws and other relevant provisions of the law.

2. Organizations and individuals conducting mining operations shall take actions to protect, renovate, and remediate the environment and incur relevant costs.

Article 80. Details of environmental protection in mineral production

1. Environmental protection in mineral production shall conform to environmental protection laws.

2. Requirements pertaining to risk management under Article 60 hereof shall be adhered to.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 81. General requirements pertaining to mine closure

The following requirements must be met for the purpose of mine closure:

1. Adequate inventory of mineral reserve and extracted mineral quantities and examination of remaining mineral reserve are implemented;

2. Natural environment including soil, water, vegetation, scenery of mining sites after production are renovated and remediated in accordance with environmental protection laws in part or in whole;

3. Stability and safety of the mining site are guaranteed after mine closure;

4. Land use efficiency following mineral production is optimized.

Article 82. Mine closure schemes, mine closure plans

1. Other than cases detailed under Clauses 2, 3, and 4 of this Article, organizations and individuals conducting mineral production and/or mineral salvaging must develop mine closure schemes for the entirety or part of mining sites where:

a) Mineral reserve within mineral production area and depth has been depleted; or

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Mineral salvaging license is terminated in accordance with Points a, b, dd, e, g, and h Clause 2 Article 71 hereof; or

d) Mineral production term under mineral production license, mineral salvaging license has expired and extension, re-issuance is not feasible; or

dd) License holder applies for relinquishment of mineral production license or mineral salvaging license.

2. Other than cases detailed in Clause 3 and Clause 4 of this Article, only mine closure plans shall be required in respect of:

a) License to produce natural mineral water, geothermal spring, minerals in river bed, lake bed, or in the middle of sea waters;

b) Partial relinquishment of area where mineral production has completed.

3. Other than cases detailed in Clause 4 of this Article, mine closure in respect of group IV mineral shall be implemented as follows:

a) Requirements under Article 81 hereof are met;

b) Appraisal and approval of mine closure schemes and approval of mine closure plans are not required.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



a) Mineral production license or mineral salvaging license is terminated before mining operations begin; or

b) Mineral production license or mineral salvaging license expires and amendment, extension, re-issuance is under consideration;

c) License holder applies for relinquishment of mineral production license or mineral salvaging license before conducting mineral production.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall regulate details of mine closure schemes and mine closure plans.

Article 83. Appraisal and approval of mine closure schemes, approval of mine closure plans

1. Organizations and individuals conducting mineral production and mentioned under Clause 1 Article 82 hereof shall submit request for appraisal and approval of mine closure schemes, approval of mine closure plans to competent authorities under Article 108 hereof before closing mines.

2. Competent authorities shall approve and/or revise mine closure schemes in accordance with Article 108 hereof.

3. Appraisal of mine closure schemes shall be conducted by Council for appraisal of mine closure schemes.

4. Decision approving mine closure scheme shall serve as the basis for:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Implementation of rights and obligations of organizations and individuals under Article 85 hereof.

5. Organizations and individuals under Clause 1 Article 82 hereof have the obligation to prepare written request for revision of mine closure schemes in case of changes to time, quantities of work items, expenses in approved closure schemes.

6. In respect of cases detailed under Clause 2 Article 82 hereof, organizations and individuals have the responsibility to develop and submit mine closure plans to competent authorities under Article 108 for consideration and approval in writing before closing mines.

7. The Government shall elaborate Clauses 1, 2, 3, 5, and 6 of this Article; prescribe documents and procedures for appraisal, approval, revision of mine closure schemes, approval of mine closure plans.

Article 84. Mine closure

1. Organizations and individuals conducting mineral production and mentioned under Clause 1 and Clause 2 Article 82 hereof shall implement mine closure after competent authorities under Article 108 hereof approve mine closure schemes or mine closure plans.

Organizations and individuals conducting group IV mineral production shall close mines and submit reports on mine closure results to competent authorities under Article 108 hereof.

2. Where license is terminated in accordance with Point d Clause 2 Article 66 or Point d Clause 2 Article 71 hereof or where organizations and individuals conducting mineral production are incapable of carrying out mine closure, development and implementation of mine closure schemes shall be carried out by competent entities selected in accordance with bidding laws. Entitlement to selection entities carrying out mine closure:

a) The Ministry of Natural Resources and Environment shall decide in case of mineral production license or equivalent documents issued by central authorities;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Expenditure on mine closure under Clause 2 of this Article is sourced from:

a) Deposit for environmental renovation and remediation of organizations and individuals licensed to conduct mineral production or mineral salvaging;

b) Expenditure on handling of assets of enterprises, cooperatives that arise after decision declaring dissolution or bankruptcy of enterprises and cooperatives (if any) is issued in accordance with enterprise laws, cooperative laws, bankruptcy laws;

c) Where amounts under Point a and Point b of this Clause are not sufficient for mine closure, the remaining expenditure shall be sourced from state budget in accordance with state budget laws.

4. The Government shall elaborate this Article; prescribe entities, documents, and procedures for deciding mine closure.

Article 85. Rights and obligations of organizations and individuals implementing mine closure

1. Organizations and individuals implementing mine closure have the right to:

a) receive partial or total environmental renovation and remediation deposit refund after closing mines of a part or the entire mineral production sites in accordance with approved mine closure schemes or approved mine closure plans;

b) adjust schedule and quantities of work items in mine closure schemes or mine closure plans after obtaining permission of competent authorities;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) recover minerals during mine closure process;

dd) exercise other rights as per the law.

2. Organizations and individuals implementing mine closure have the obligation to:

a) protect unextracted minerals within sites of mine closure schemes or mine closure plans until the sites are handed over to local government;

b) adopt environmental protection, renovation, and remediation measures in accordance with environmental protection laws;

c) implement work items in accordance with schedule provided in mine closure schemes or mine closure plans;

d) maintain occupational safety and environmental protection during mine closure process;

dd) submit reports on mine closure results to competent authorities;

e) fulfill financial obligations that arise during mine closure process;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



h) compensate for damage caused by mine closure;

i) perform other obligations as per the law.

Chapter VIII

MANAGEMENT OF RIVER BED, LAKE BED, AND SEA WATERS SAND AND GRAVEL

Article 86. Principles of exploration, production, and recovery of river bed, lake bed, sea waters sand and gravel

1. Exploration and production of river bed, lake bed, sea waters sand and gravel shall adhere to regulations applicable to group II or group III minerals under this Law and satisfy requirements below:

a) Production shall be controlled and supervised via modern equipment and technology so as to control changes to mineral reserve; safety risks and serious effect on the environment; risks of landslide, erosion, instability of river bed, lake bed, coasts;

b) Production must undergo impact assessment in accordance with water resource laws, marine resource and environment laws, environmental protection laws, and other relevant law provisions.

2. Dredging combined with recovery of minerals in seaport waters, fish port waters, asylum harbors, inland waterway, rivers, lakes of hydroelectricity infrastructures, lakes of irrigation infrastructures shall conform to this Law and satisfy requirements below:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Dredging operations must not be taken advantage of for unlawful production of sand or gravel;

c) Register mineral recovery with competent authorities as per the law.

3. Where mineral quantities for production under mineral production license have been met, production must be ceased and procedures for mine closure shall be adopted.

4. The Government shall elaborate this Article.

Article 87. Principles of issuance of river bed, lake bed, sea waters sand, gravel production license

Issuance of river bed, lake bed, sea waters sand, gravel production license shall adhere to principles defined under Clause 1 Article 43, Clause 1 Article 55 hereof and the following requirements:

1. Competent authorities that issue mineral production license, river bed, lake bed, sea waters sand, gravel production license are responsible for consulting relevant agencies and organizations before issuing the license;

2. Where sites of river bed, lake bed, sea waters sand, gravel production adjoin at least 2 province-level administrative division levels, provincial People’s Committees of provinces where applicants submit application must consult provincial People’s Committees of provinces that contain the sites in writing;

3. Effective period of river bed, lake bed, sea waters sand, gravel production license shall be at most 10 years. Where effective period of production license is below 10 years and quantities of minerals in production license have not been met, the license shall be eligible for extension or re-issuance as long as the total effective period after extension, re-issuance does not exceed 10 years;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. The Government shall elaborate this Article.

Article 88. Rights and obligations of organizations and individuals conducting river bed, lake bed, sea waters sand, gravel production

1. Exercise rights under Clause 1 Article 59 hereof.

2. Fulfill obligations under Points a, b, c, d, dd, e, g, h, i, k, l, m, and o Clause 2 Article 59 hereof and requirements below:

a) Register docks, consolidation yards, types of instrument and equipment used for production and transport of sand and gravel in accordance with inland waterway traffic and other relevant law provisions;

b) Install devices for monitoring GPS location, storing data and information on location and trips of vehicles and equipment for production and transport of sand and gravel which are connected to mineral information and data system of provincial People's Committees and Ministry of Natural Resources and Environment;

c) Sign transport service agreements with eligible vehicle operators as per the law if organizations and individuals conducting production are not directly in charge of transport;

d) Install public notice regarding production license and production projects;

dd) Exercise obligations and responsibilities pertaining to natural disaster preparedness and prevention as per the law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article.

Chapter IX

GEOLOGY AND MINERAL INFORMATION, DATA

Article 89. Geology and mineral information, data

1. Geology and mineral information, data include:

a) Geological reconnaissance data;

b) Mineral survey data;

c) Monitoring and warning data in geological reconnaissance, geo-environment, geological accidents;

d) Geology, mineral production and use data;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



e) Results of geology, mineral inventory and examination;

g) Other data related to geological survey, geological resource survey, mineral survey of Vietnam and other countries;

h) Information and data pertaining to mineral exploration and production license;

i) Information and data in periodic reports on mining operations and mine closure; inspection results;

k) Information and data pertaining to sites where mining operations are prohibited or temporarily suspended;

l) Information and data of areas where mineral production right is auctioned, areas where mineral production right is not auctioned;

m) Information and data on mineral exploration results;

n) Geological, mineral, museum specimens.

2. Geological and mineral information, data shall be consistent, developed into unified system across the country, serve multiple purposes, conform to national and international technical regulations and standards recognized in Vietnam, serve development, management, operation, and use of geology and mineral database, including:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Digital infrastructures, software system, information safety system.

3. Geology and mineral database is a unified information hub of all geological reconnaissance, mineral survey, geological resource survey results; mining operation results in Vietnam developed, updated, kept, and managed in a manner that satisfies access, search, and use demands from central government to local government and accommodate state management demand in geology and minerals.

4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge and cooperate with ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, provincial People’s Committees in developing geology and mineral database. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe forms of information and data pertaining to geology and mineral.

5. The Government shall elaborate development of geology and mineral database.

Article 90. Submission and reception of geology and mineral information, data

1. Organizations conducting geological reconnaissance, mineral survey, and mineral exploration have the responsibility to submit:

a) Reports on geological reconnaissance, mineral survey, mineral exploration results;

b) Documents collected in execution of schemes, projects, tasks pertaining to geological reconnaissance, mineral survey, mineral exploration;

c) Geological, mineral specimens, museum specimens collected in execution of schemes, projects, and tasks pertaining to geological reconnaissance, mineral survey, mineral exploration.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Agencies storing geology, mineral information and data; Geology and Mineral Museum under Article 93 hereof are responsible for collecting, storing, preserving geology and mineral information, data under Clause 1 and Clause 2 of this Article in accordance with this Law and regulations of the law on storage, museum.

4. The Government shall elaborate Clauses 1, 2, and 3 of this Article.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall prescribe forms of documents, reports; list and form of geological, mineral, museum specimens under Clause 1 of this Article.

Article 91. Storage and preservation of geology and mineral information, data

1. Geology and mineral information, data under Clause 1 Article 89 hereof shall be stored, preserved, and protected in accordance with this Law and regulations of the law on storage and protection of state secrets.

2. Duration of storage shall be determined for individual type of information and data as per the laws.

3. Geology and mineral information data, specimens that have been damaged beyond restoration or have been exhausted shall only be destroyed after obtaining permission from competent authorities as per the law.

Article 92. Provision, access, and use of geology and mineral information, data

1. Methods for accessing and using geology and mineral information, data include:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Accessing and using information, data via written request;

c) Accessing and using information, data via contracts between entities managing information, data and entities accessing and using information, data as per the law.

2. Entities eligible for accessing, using geology and mineral information, data include:

a) Organizations and individuals that wish to access and use information, data as per the law;

b) Competent state authorities.

3. The Government shall elaborate this Article.

Article 93. Responsibilities of agencies storing geology and mineral information, data; Geology and Mineral Museum

1. Agencies geology and mineral information, data have the responsibility to:

a) examine and receive geology and mineral information, data as per the law;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) manage and protect storage of geological documents; provide geology and mineral information, data in accordance with regulations of the law on cyberinformation storage and safety and other relevant law provisions; operate geology and mineral database.

2. Geology and Mineral Museum affiliated to Vietnam National Museum of Nature, geology authorities of the Ministry of Natural Resources and Environment has the responsibility to:

a) store and preserve geology and mineral specimens submitted;

d) introduce to geological sites, heritages, geo-parks, proof of creation and development of the Earth’s crust and history of Vietnam’s geology;

c) exhibit and provide geology, mineral specimens for state management of geology and minerals and satisfy research, study, visitation, and appreciation of the general public.

Article 94. Responsibilities of organizations and individuals accessing, using geology and mineral information, data

1. Use provided information and data for the right purposes.

2. Access and use information, data in a law-compliant manner.

3. Avoid unlawfully transferring geology and mineral information, data to a third party.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



5. Pay fees, charges and fulfill other financial obligations in accordance with this Law and fee, charge laws.

6. Promptly inform information, data authorities about errors in provided information and data.

7. The Government shall elaborate Clause 3 of this Article.

Chapter X

GEOLOGY AND MINERAL FINANCE AND MINERAL PRODUCTION AUCTION

Section 1. GEOLOGY AND MINERAL FINANCE

Article 95. State budget revenues generated by geological reconnaissance, mineral survey, mining operations, and mineral recovery

1. Taxes, fees, and charges in accordance with tax, fee, charge laws.

2. Refunded costs for mineral potential evaluation and mineral exploration funded by the Government in accordance with this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



Article 96. Principles of determining refund of mineral potential evaluation and mineral exploration funded by the Government

1. Organizations and individuals conducting mineral production must refund costs for mineral potential evaluation and mineral exploration funded by the Government, except for cases detailed in Clause 2 of this Article, including:

a) Cases where the Ministry of Natural Resources and Environment issues mineral production license;

b) Cases where provincial People’s Committees invest in evaluation of mineral potential, mineral exploration for the purpose of mineral production right auction;

c) Cases where natural mineral water or geothermal spring is produced.

2. Cases where costs for mineral potential evaluation and mineral exploration funded by the Government are not refunded include:

a) Cases detailed under Point a Clause 1 of this Article where mineral potential evaluation reports covering area and depth of mineral production sites only identify estimated resources or estimated resource equivalent;

b) Cases where mineral production licensing authority complies with Clause 2 Article 108 hereof, except for cases detailed in Point b and Point c Clause 1 of this Article;

c) Cases under Article 75 hereof.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. The government shall elaborate procedures and methods for refunding, collection, management, and use of costs for evaluation of mineral potential and mineral exploration to be refunded.

5. The Minister of Natural Resources and Environment shall provide guidelines for determination, forms in documents on determining costs for mineral potential evaluation and mineral exploration for refund.

Article 97. Refund of mineral exploration costs between organizations and individuals

1. Organizations and individuals conducting mineral exploration must refund mineral exploration costs to organizations and individuals that have made investments in mineral exploration as follows:

a) Within time limit defined under Clause 1 Article 48 hereof, refund of mineral exploration costs shall be determined via negotiation;

b) After the time limit defined under Clause 1 Article 48 hereof, refund of mineral exploration costs shall be determined by competent authorities under Article 108 hereof.

2. Where organizations and individuals that make investments in mineral exploration are declared bankrupt or dissolved at which point right to access of mineral exploration information and results are not legally transferred to other organizations and individuals, mineral exploration information and results shall be handled in accordance with civil laws.

3. Organizations and individuals applying for mineral production license shall have obligation to incur costs for determining refund for entities tasked with determining mineral exploration costs.

4. The Government shall elaborate this Article; prescribe refund of mineral exploration costs in case organizations and individuals that have made investment in mineral exploration no longer operate at registered business address or do not receive refund for mineral exploration costs according to decision of competent authorities or right to access of mineral exploration information and results in respect of minerals subject to disputes.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. The Government shall collect mineral production licensing fee regardless of whether or not mineral production right is auctioned.

2. Organizations and individuals conducting mineral production and mineral recovery must pay mineral production licensing fee, except for cases detailed under Clause 3 of this Article.

3. Cases where mineral production licensing fee is not required include:

a) Recovery of minerals in construction projects approved or permitted by competent authorities where recovered minerals are used for the construction process;

b) Quantities of group III minerals (other than mineral mud, natural mineral water, geothermal spring, and peat), group IV minerals that are produced under mineral production license applicable to minerals used in work items of the production projects or work items of relevant mine closure schemes and mine closure plans;

c) Mineral recovery on land under use right of individual or individuals for construction works in the land area.

Article 99. Methods for determining, collecting, finalizing mineral production licensing fee

1. Mineral production licensing fee shall be determined on the basis:

a) Mineral quantities and reserve permitted for production (production quantities in case of natural mineral water, geothermal spring) in mineral production license, mineral salvaging license or quantities of minerals permitted for production, recovery;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Rate of mineral production licensing fee payment.

2. Mineral production licensing fee under Clause 1 of this Article shall be collected on an annual basis.

3. Mineral production licensing fee shall be finalized in accordance with actual produced quantities.

4. Management of mineral production licensing fee shall conform to tax administration laws.

5. The Government shall elaborate this Article.

Section 2. MINERAL PRODUCTION RIGHT AUCTION

Article 100. Sites where mineral production right is auctioned, sites where mineral production right is not auctioned

1. Mineral production right shall be auctioned in sites of mineral production, mineral salvaging, group IV mineral production except for cases detailed under Clause 2 Article 72, Clause 3 and Clause 4 of this Article.

2. Mineral production right may not be auctioned so as to maintain energy security; serve national defense and security, effectively use strategic, important minerals; secure materials and resources for projects of national importance, emergency projects, structures and work items under national target programs.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



4. Provincial People’s Committees shall identify, approve, adjust sites where mineral production right is not auctioned under licensing authority of provincial People’s Committees.

5. The Government shall prescribe eligibility of sites where mineral production right is not auctioned.

Article 101. Principles of mineral production right auction

1. Auction of mineral production right shall conform to principles defined under the Law on Auction and principles below:

a) Mineral production right shall only be auctioned in respect of sites where competent authorities under Article 108 hereof approve mineral production right;

b) Auction of mineral production right shall only be commenced in the presence of at least 2 eligible organizations, individuals.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment and provincial People’s Committees shall organize auction of mineral production right for sites where mineral production right auction plans are approved under their licensing authority.

3. The Government shall elaborate development and approval of mineral production right auction plans.

Article 102. Starting price, increment, deposit

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Price increment shall be at least 1% and at most 10% of starting price.

3. Organizations and individuals awarded with mineral production right shall receive their deposit where:

a) They have obtained mineral exploration license where mineral exploration results at sites of auctioned mineral production right are not available except for auction of mineral production right at sites of mineral salvaging, group IV mineral sites;

b) They have obtained mineral production license where mineral exploration results at sites of auctioned mineral production right are available, sites of mineral salvaging, group IV mineral sites;

c) They are denied mineral exploration license by competent authorities in respect of auction of mineral production right at sites where mineral exploration results are not available through no fault of their own except for auction of mineral production right at sites of mineral salvaging, group IV mineral sites;

d) They are denied mineral exploration license by competent authorities in respect of auction of mineral production right at sites where mineral exploration results are available, sites of mineral salvaging, group IV mineral site through no fault of their own;

dd) Results of mineral production right auction are cancelled in accordance with auction laws.

4. Where organizations and individuals awarded with mineral production right fail to fulfill obligations under Point a and Point b Clause 2 Article 104 hereof, their deposit shall not be refunded but submitted to state budget except for cases under Point c and Point d Clause 3 of this Article.

5. The Government shall elaborate methods for determining deposits.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Organizations and individuals shall be eligible for auction of mineral production right if:

a) They have adequate documents on auction of mineral production right as per the law; and

b) They meet requirements under Article 37 hereof in case of auction of mineral production right at sites where mineral exploration results are not available or Article 53 hereof in case of auction of mineral production right at sites where mineral exploration results are available. In respect of auction of mineral production right at mineral salvaging sites or group IV mineral production sites, they meet requirements under Article 53 hereof; and

c) They have obtained mineral production license, mineral salvaging license at the time in which they apply for auction of mineral production right and have fulfilled financial obligations pertaining to mineral production licensing fee, environmental protection fee in mineral production, severance tax for minerals, environmental protection deposit in mineral production as per the law in case of mineral production license and mineral salvaging license; and

d) They are not prohibited from participating in auction of mineral production right in accordance with auction laws.

2. Organizations and individuals may participate in auction of mineral production right if:

a) They are eligible for auction of mineral production right; and

b) They have submitted deposit.

3. The Government shall prescribe application for auction of mineral production right, specific provisions and roadmap for implementation of Point c Clause 1 of this Article.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. Organizations and individuals awarded mineral production right have the right to:

a) access mineral information related to sites at which they are awarded mineral production right;

b) obtain mineral exploration license, mineral production license, mineral salvaging license after completing application for mineral exploration license, mineral production license, mineral salvaging license in accordance with this Law;

c) exercise other rights in accordance with the Law on Auction and other relevant law provisions.

2. Organizations and individuals awarded mineral production right have the obligation to:

a) Where awarded mineral production right is applicable at sites where mineral exploration results are not available, within 12 months from the date on which auction of mineral production ends, the organizations and individuals must submit application for mineral exploration license to competent authorities, except for mineral production right for mineral salvaging sites, group IV mineral sites;

b) Where the organizations and individuals are awarded mineral production right for sites where mineral exploration results are available, mineral salvaging sites, or group IV mineral sites, within 36 months from the date on which auction of mineral production right is held, the organizations and individuals must submit application for mineral production license, mineral salvaging license to competent authorities; a maximum 12-month extension of this time limit is permitted in case of force majeure or changes in Government’s policies;

c) exercise other rights in accordance with the Law on Auction and other relevant law provisions.

Article 105. Methods for determining mineral production licensing fee, collection, payment, and management of mineral production licensing fee in sites of awarded mineral production right

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



2. Percentage of mineral production licensing fee payment for byproduct minerals discovered during mineral exploration and production following auction of mineral production right and permitted for production and recovery by competent authority shall be determined by percentage of mineral production licensing fee applicable to minerals of the same types in sites where mineral production right is not auctioned.

3. Percentage of mineral production licensing fee payment for minerals put up for auction of mineral production right shall be applied and unchanged throughout mineral production term, including period of amendment, extension, re-issuance of mineral production license.

4. Where a minimum of 2 mineral types have been determined at sites of minerals put up for auction of mineral production right, competent licensing authorities under Article 108 hereof shall choose a mineral type to put up for auction of mineral production right. Percentage of mineral production licensing fee payment for remaining minerals shall be determined by percentage of mineral production licensing fee payment for minerals of which production right is awarded.

5. The Government shall elaborate Clause 4 of this Article; prescribe procedures for approving results of mineral production right auction.

Article 106. Cancellation of decision approving results of mineral production right auction

1. The Ministry of Natural Resources and Environment and provincial People’s Committees shall promulgate decision on cancellation of decision approving results of mineral production right auction within their powers when:

a) Organizations and individuals awarded mineral production right fail to fulfill obligations under Point a or Point b Clause 2 Article 104 hereof;

b) Organizations and individuals awarded mineral production right in sites where mineral exploration results are not available lose their privilege for the purpose of applying for mineral production license in accordance with Clause 2 Article 48 hereof; lose the right to request recognition of mineral exploration results in accordance with Clause 4 Article 50 hereof.

2. Decision approving results of mineral production right auction shall be terminated where:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Mineral production license is revoked in accordance with Points b, c, and d Clause 1 Article 52 or terminated in accordance with Points c, d, dd, and e Clause 2 Article 52 hereof;

c) Mineral production license, mineral salvaging license is revoked or terminated in accordance with this Law unless the license is issued in a manner that does not respect licensing power.

Chapter XI

STATE MANAGEMENT RESPONSIBILITY FOR GEOLOGY AND MINERAL

Article 107. State management responsibility for geology and mineral

1. The Government shall implement unified state management for geology and mineral.

2. The Ministry of Natural Resources and Environment shall act as liaison for the purpose of assisting the Government in implementing state management for geology and mineral and, within their tasks and powers, have responsibility to:

a) consolidate geological reconnaissance, mineral survey results; access and use geological resources; conduct mining operations; manage geology and mineral information, data;

b) zone and announce sites of scattered minerals; zone and request Prime Minister to approve sites of national mineral reservation and list of strategic, important minerals;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



d) act as liaison to consolidate international cooperation in conducting geological reconnaissance and study, mineral survey, and management of mining operations;

dd) exercise other responsibilities under this Law.

3. Ministries and ministerial agencies shall exercise state management responsibilities within their tasks and powers and cooperate with the Ministry of Natural Resources and Environment in exercising state management responsibilities for geology and mineral in accordance with this Law and other relevant law provisions.

4. Provincial People’s Committees, within their tasks and powers, have responsibility to:

a) promulgate regulation on cooperation between local governments or between local governments and ministries, central departments in state management for minerals;

b) appraise and approve schemes, reports on geological reconnaissance results in respect of schemes, projects, and tasks approved or accepted by competent authorities and funded by local government budget according to approved planning;

c) appraise and approve schemes, reports on potential evaluation results in respect of group III minerals, group IV minerals funded by local government budget in accordance with approved planning;

d) store geology and mineral information, data in their provinces;

dd) organize and coordinate inspection, examination regarding geology and minerals in their provinces; handle complaints and denunciations pertaining to geology and minerals, take actions against violation of the law in geology and mineral; control and supervise mining operations and mineral recovery in their provinces;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



g) submit reports on local geological and mining operations to central geology and mineral authorities;

h) exercise other responsibilities under this Law.

5. The Government shall elaborate geological and mineral inspection.

Article 108. Entitlement to issuance of mineral exploration license, mineral production license

1. Other than cases detailed under Clause 2 of this Article, the Ministry of Natural Resources and Environment shall issue:

a) Group I, group II mineral exploration license;

b) Group I, group II mineral production license.

2. Provincial People’s Committees shall issue:

a) Group III mineral exploration license, group III mineral production license; group IV mineral production license;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



c) Group I, group II, and group III mineral salvaging license.

3. Licensing authority of mineral exploration license, mineral production license, and mineral salvaging license of a mineral type have the power to re-issue, extend, amend, revoke, approve transfer, relinquishment, issuance of corresponding license; except for cases detailed under Clause 4 of this Article and Point b Clause 2 Article 111 hereof.

4. The Government shall prescribe entitlement to issuance and amendment to mineral production license issued by provincial People’s Committees in case reserve of byproduct minerals is within licensing power of the Ministry of Natural Resources and Environment.

Chapter XII

IMPLEMENTATION

Article 109. Amendments to articles of relevant laws

1. Amendments to the Law on Environmental Protection No. 72/2020/QH14 amended by Law No. 11/2022/QH15, No. 16/2023/QH15, and Law on No. 18/2023/QH15:

a) Amend Clause 2 Article 30:

“2. Entities under Clause 1 of this Article shall not be required to conduct environmental impact assessment in respect of:

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



b) Investment projects or production plans for group IV minerals in accordance with geology, mineral laws of organizations approved, selected by competent authorities as construction contractors to serve projects of national importance, emergency public investment projects, structures and work items under national target programs in accordance with public investment laws, exercise emergency mobilization to promptly respond to natural disasters, build natural disaster preparedness and prevention structures in accordance with natural disaster preparedness and prevention laws.”;

b) Amend Clause 3 Article 39:

“3. Entities under Clause 1 of this Article shall be exempted from submitting environmental license in case of:

a) Emergency investment projects in accordance with public investment laws;

b) Investment projects or production plans for group IV minerals in accordance with geology, mineral laws of organizations approved, selected by competent authorities as construction contractors to serve projects of national importance, emergency public investment projects, structures and work items under national target programs in accordance with public investment laws, exercise emergency mobilization to promptly respond to natural disasters, build natural disaster preparedness and prevention structures in accordance with natural disaster preparedness and prevention laws.”;

c) Insert Point b1 after Point b Clause 2 Article 49:

“b1) Investment projects or production plans for group IV minerals in accordance with geology, mineral laws of organizations approved, selected by competent authorities as construction contractors to serve projects of national importance, emergency public investment projects, structures and work items under national target programs in accordance with public investment laws, exercise emergency mobilization to promptly respond to natural disasters, build natural disaster preparedness and prevention structures in accordance with natural disaster preparedness and prevention laws;”.

2. Annul Point c Clause 1 Article 44 of the Law on Irrigation No. 08/2017/QH14 amended by the Law No. 35/2018/QH14, Law No. 59/2020/QH14, Law No. 72/2020/QH14, Law No. 16/2023/QH15, and Law No. 28/2023/QH15.

3. Annul Article 14 of the Law on Atomic Energy No. 18/2008/QH12 amended by the Law No. 35/2018/QH14 and the Law No. 18/2023/QH15.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



1. This Law comes into force from July 1, 2025, except Clause 2 and Clause 3 of this Article.

2. Pint d Clause 1 Article 6, Article 72, Article 73, Article 74, and Clause 1 Article 109 hereof come into force from January 15, 2025.

3. Point b Clause 2 Article 111 hereof comes into force from January 15, 2025 and conforms to Clause 1 Article 111 hereof.

4. The Law on Mineral No. 60/2010/QH12 amended by the Law No. 35/2018/QH14 expire from the effective date hereof except for cases detailed under Clause 1, Point a Clause 2, Clauses 3, 5, 6, 7, 8, and 9 Article 111 hereof.

Article 111. Transition clauses

1. Where organizations and individuals have submitted applications to competent authorities for processing in accordance with geology and mineral administrative procedures before the effective date hereof and processing results are not available, the applicants may choose to have procedures and entitlement applicable at the time of application adopted or procedures and entitlement applicable in accordance with this Law adopted.

2. In respect of licensed organizations engaging in mining operations before the effective date hereof:

a) Licensed organizations and individuals shall continue to conform to remaining effective period of license and decision regarding mining operations except for Point b and Point c of this Clause;

b) Licensed organizations and individuals may conform to this Law in case of extension, re-issuance, amendment, relinquishment, transfer of mining operation license; approval of mine closure schemes or mine closure plans; mine closure;

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



3. Organizations and individuals approved for mineral recovery before the effective date hereof shall continue may continue until expiry of time limit defined under written approval.

4. Where competent authority has approved mineral reserve before the effective date hereof, within 36 months from the date on which the approval is granted, privilege for the purpose of applying for mineral production license shall conform to Article 48 hereof except for:

a) Mineral production license has been issued for exploration sites;

b) Application for mineral production license has been submitted to competent authorities in respect of exploration sites;

c) Auction plans for mineral production right has been approved by competent authorities in respect of mineral exploration sites.

5. Decision approving estimation results of mineral potential evaluation costs, mineral exploration costs for refund funded by the Government promulgated before the effective date hereof shall be processed as follows:

a) Where licensed organizations and individuals conduct mineral production, they shall comply with approved decisions; where mineral production license is amended after the effective date hereof, mineral potential evaluation costs and mineral exploration costs funded by the Government for additional mineral reserve (if any) shall be determined in accordance with this Law;

b) Where unlicensed organizations and individuals conduct mineral production, provisions hereunder shall apply unless they have fulfilled relinquishment obligation.

6. Decision of competent authority pertaining to mineral planning, sites of national mineral reservation; approval of sites where mining operations are prohibited, sites where mining operations are temporarily suspended, and sites of scattered minerals; approval of sites where mineral production right is not auctioned shall remain effective until decision on replacement is issued by competent authorities.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



8. Competent authority shall issue mineral exploration license and mineral production license for coal minerals under general national energy planning approved before the effective date hereof until decision adding coal minerals to group I mineral planning is issued by competent authority.

Provincial People’s Committees shall issue mineral exploration license and mineral production license for natural mineral water, geothermal spring depending on mineral exploration, production, processing, and use planning for mineral types approved before the effective date hereof until superseding decision is issued.

9. Upon effective date hereof, mineral production licensing fee and winning bid of mineral production right for mineral production license, written permission for mineral production and recovery of which production and recovery term has not expired or has expired and which are eligible for extension and re-issuance shall be handled as follows:

a) Decision approving mineral production licensing fee, winning bid of mineral production right shall remain effective until superseding decision is issued by competent authorities;

b) Mineral production licensing fee and winning bid of mineral production right shall be recorded for the first time in accordance with this Law and determined in accordance with reserves, quantities of minerals produced and recovered as of June 20, 2025;

c) Mineral production licensing fee for the remaining reserve and quantities of minerals that have not been extracted and recovered as of July 1, 2025 shall be re-approved in accordance with this Law.

10. Holders of mineral salvaging license issued before the effective date hereof shall pay mineral production licensing fee in accordance with this Law for unextracted mineral quantities as of the effective date hereof.

11. In respect of mineral sites where decision approving results of mineral production right auction is issued before the effective date hereof, where byproduct minerals are discovered during exploration or production stage after auction of mineral production right and permitted for production and recovery by competent authority, percentage of mineral production licensing payment for byproduct minerals shall be determined in accordance with Clause 2 Article 105 hereof.

12. In respect of mineral sites where production right auction procedures are ongoing but has not been publicly posted or announced, auction of mineral production right shall conform to this Law.

...

...

...

Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Thành viên Pro tại đây để xem toàn bộ văn bản tiếng Anh.



 

 

CHAIRPERSON OF NATIONAL ASSEMBLY




Tran Thanh Man

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Law No. 54/2024/QH15 dated November 29, 2024 on Geology and Minerals

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1

DMCA.com Protection Status
IP: 3.89.170.186
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!