Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 91/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Nghiêm Xuân Cường
Ngày ban hành: 04/04/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 04 tháng 4 năm 2024

KẾ HOẠCH

TUẦN HOÀN CHẤT THẢI RẮN HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2030

Thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải rắn hữu cơ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo ra động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho tỉnh Quảng Ninh; góp phần thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, các chiến lược, chương trình, đề án phát triển có liên quan đến quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.

b) Chuyển đổi toàn diện từ tư duy đến hành động trong việc tiết kiệm, giảm thiểu chất thải rắn hữu cơ thông qua việc áp dụng các giải pháp nhằm tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải thực phẩm thông qua việc áp dụng các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

c) Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý chất thải rắn hữu cơ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hữu cơ hiện nay, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó ưu tiên thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý.

2. Yêu cầu

a) Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ là trách nhiệm và được thực hiện ở các quy mô từ cấp độ hộ gia đình đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

b) Phân công nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự đồng bộ, chặt chẽ trong phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch, gắn liền với đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

c) Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tiếp nhận tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ dựa trên nền tảng chuyển đổi số toàn diện.

d) Các sản phẩm của quá trình tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo chất lượng, được cộng đồng dân cư, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng, góp phần triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Chất thải rắn hữu cơ phải được xem là nguồn tài nguyên và phải được phân loại, thu gom, quản lý, tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn để giảm phát sinh, giảm tác động xấu đến môi trường trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và thải bỏ.

b) Từng bước nâng cao nhận thức, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguyên liệu, vật liệu và sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, giảm thiểu việc thải bỏ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải rắn hữu cơ.

c) Thực hiện tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ là quyền lợi và trách nhiệm của toàn xã hội. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động phát huy trách nhiệm xã hội, đổi mới kỹ thuật, giảm phát thải vả liên kết, thiết lập các vòng tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ. Cộng đồng dân cư tích cực tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn, hướng tới tiêu dùng bền vững, phong cách sống thân thiện môi trường, sẵn sàng chi trả các sản phẩm thân thiện môi trường.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trở thành cách tiếp cận, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phải được đưa vào từ giai đoạn xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển thực hành tốt về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ, nông trại được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 25.000 tấn/năm.

- Tỷ lệ phụ phẩm trồng trọt được thu gom và tuần hoàn đạt 80%.

- Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại đô thị được tuần hoàn đạt 50%.

- Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại nông thôn được tuần hoàn đạt 30%.

- Tỷ lệ phụ phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm được thu gom và tuần hoàn đạt 50%.

- Mỗi địa phương có ít nhất 01 điểm, vùng liên kết tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

2.3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ, nông trại được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 50.000 tấn/năm.

- Tỷ lệ phụ phẩm trồng trọt được thu gom và tuần hoàn đạt 90%.

- Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại đô thị được tuần hoàn đạt 100%.

- Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại nông thôn được tuần hoàn đạt 70%.

- Tỷ lệ phụ phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm được thu gom và tuần hoàn đạt 90%.

- Mỗi xã có ít nhất 01 điểm, vùng liên kết tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

(Chi tiết các chỉ tiêu cụ thể tại Phụ lục I ban hành kèm theo Kế hoạch này).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

- Tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại chất thải rắn tại nguồn và tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

- Tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu cho cá nhân, hộ gia đình, cán bộ quản lý môi trường các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, ban quản lý các chợ, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, hợp tác xã, nông trại, nông trường,...) về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ, xây dựng mạng lưới điểm, vùng, tạo sự kết nối giữa nơi cung cấp và nơi nhận tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

- Lồng ghép các nội dung giáo dục về kinh tế tuần hoàn nói chung và tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ nói riêng vào chương trình giáo dục tại các cấp học, bậc học.

- Tích hợp nội dung tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ vào các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền về tiêu dùng xanh, phong cách sống thân thiện môi trường.

2. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

- Xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp có sử dụng chất thải hữu cơ làm nguyên liệu đầu vào nhằm tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp; ưu đãi, hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức tham gia vào mạng lưới tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ của tỉnh.

- Triển khai các quy định, hướng dẫn về phát triển thị trường, thương hiệu, thúc đẩy tiêu dùng xanh cho các sản phẩm thân thiện môi trường[1].

- Lồng ghép tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ vào các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành trong thời gian tới.

3. Nhân rộng, phát triển các thực hành tốt và xây dựng kinh tế tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

- Hình thành 02 vùng không gian trọng tâm để thực hiện các hoạt động tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ gồm: (1) Khu vực phía Tây gồm: Thành phố Hạ Long, thị xã Đông Triều, thị xã Quảng Yên; (2) Khu vực phía Đông gồm: Thành phố Móng Cái, các huyện: Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên.

- Phát triển các điểm, vùng liên kết cung cấp và tiếp nhận, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

- Xây dựng và nhân rộng các sáng kiến, mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại chỗ và liên vùng từ tất cả các nguồn phát sinh như nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, trong đó:

+ Hỗ trợ nguồn lực (đất đai, kinh phí, kỹ thuật...) nhằm duy trì, phát triển, nhân rộng 02 mô hình kinh tế tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ hiện có tại xã Bình Khê, thị xã Đông Triều và xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

+ Ưu tiên tuần hoàn tại chỗ đối với các nguồn thải là phế phụ phẩm nông nghiệp; chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; chất thải rắn hữu cơ của các khu du lịch cộng đồng.

+ Thực hiện tuần hoàn liên vùng theo thứ tự ưu tiên trong xã, trong huyện, trong 02 vùng không gian, trong tỉnh đối với các nguồn thải là chất thải chăn nuôi, chất thải rắn hữu cơ sinh hoạt khu vực đô thị, chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, hoạt động du lịch, trường học, chất thải rắn hữu cơ của công nghiệp chế biến thực phẩm, nông, lâm, thủy sản.

4. Phát triển hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

- Cân đối bố trí ngân sách nhà nước kết hợp nguồn xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn huy động hợp pháp khác để đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phân loại chất thải rắn tại nguồn.

- Tiếp tục duy trì, đưa vào sử dụng có hiệu quả các phân khu xử lý chất thải rắn hữu cơ hiện có trên địa bàn tỉnh[2].

- Huy động chủ đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung của các địa phương hoặc khuyến khích, kêu gọi đơn vị có nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ quan tâm, nghiên cứu liên kết đầu tư, xây dựng phân khu tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện có trên địa bàn.

5. Phát triển khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế thực hiện tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

- Nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thân thiện môi trường để thực hiện các giải pháp tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ từ chất thải của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như sản xuất chất tẩy rửa, chế biến thức ăn chăn nuôi và chế tạo các sản phẩm hữu ích khác.

- Đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác khu vực và quốc tế nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến về khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, tuần hoàn chất thải hữu cơ.

6. Đa dạng hóa nguồn vốn cho thực hiện tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh

- Sử dụng ngân sách địa phương; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương; vốn vay từ các tổ chức tín dụng, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh, hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Huy động các nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

(Danh sách các dự án, nhiệm vụ trọng tâm và phân công đơn vị chủ trì thực hiện được theo Phụ lục II ban hành kèm theo Kế hoạch này)

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này bao gồm: (i) Từ nguồn ngân sách nhà nước được cơ quan có thẩm quyền bố trí giao trong dự toán hàng năm cho các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; (ii) Từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và các nguồn huy động hợp pháp khác.

2. Các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án, nhiệm vụ trong Kế hoạch này có trách nhiệm lập và trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phân bổ kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đồng chí thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được phân công phụ trách, theo dõi.

2. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý được giao thực hiện:

a) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp vào Chương trình, kế hoạch công tác năm của ngành, địa phương.

b) Nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt (theo văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường) để ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của đĩa phương; tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

c) UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phân loại chất thải rắn tại nguồn, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Kế hoạch này đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn.

d) Theo dõi, tính toán các chỉ tiêu được phân công tại Phụ lục I của Kế hoạch này và tổ chức công bố kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể lần đầu trước năm 2025; lần 2 trước năm 2030 và báo cáo đột xuất (khi có yêu cầu).

đ) Chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục II ban hành kèm theo Kế hoạch này.

e) Định kỳ hàng năm (trước 05/12) rà soát tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, hoạt động được giao tại Kế hoạch này, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

f) Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực đóng góp và có thành tích trong việc triển khai Kế hoạch tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn quản lý.

3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai các các nhiệm vụ, giải pháp, dự án trọng tâm tại Kế hoạch; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát tình hình thực hiện; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND Tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch này.

4. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ vào các hoạt động, dự án của Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng năm 2030 và các đề án, dự án khác của ngành; Nghiên cứu xây dựng và tổ chức phát triển ngành sản xuất phân bón hữu cơ thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

5. Giao Trung tâm Truyền thông tỉnh, các cơ quan truyền thông tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về nội dung Kế hoạch này tới các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạo tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Kế hoạch. Tham gia hỗ trợ hoặc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể chi tiết tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Kế hoạch này và theo chức năng, nhiệm vụ được giao, quy chế, điều lệ hoạt động của tổ chức (nếu có).

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh (b/c);
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức
chính trị - xã hội tỉnh, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
trên địa bàn tỉnh (p/h);
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh (p/h);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (p/h);
- Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh
(p/h đưa tin);
- V0, V1, V2, V3, MT;
- Lưu: VT, MT;
08 bản, M-KH03

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nghiêm Xuân Cường

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC MỤC TIÊU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TUẦN HOÀN CHẤT THẢI RẮN HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Tên chỉ tiêu

ĐVT

Mục tiêu

Cơ quan chủ trì

Đến 2025

Đến 2030

A

Mức độ tuần hoàn phụ phẩm nông nghiệp và chất thải chăn nuôi

1

Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ, nông trại được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Tấn/ năm

≥ 25.000[3]

≥ 50.000

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

2

Tỷ lệ phụ phẩm trồng trọt được thu gom và tuần hoàn.

%

80[4]

90

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

B

Mức độ tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ phát sinh do sinh hoạt

3

Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại đô thị được tuần hoàn.

%

50

100[5]

Ủy ban nhân dân cấp huyện

4

Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại nông thôn được tuần hoàn.

%

30

70[6]

Ủy ban nhân dân cấp huyện

C

Mức độ tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trong hoạt động công nghiệp chế biến thực phẩm, nông, lâm, thủy sản

5

Tỷ lệ phụ phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm được thu gom và tuần hoàn.

%

50

90

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

D

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững

6

Phát triển các điểm, vùng liên kết tiếp nhận và tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ[7].

Số lượng

01 điểm, vùng/huyện

01 điểm, vùng/xã

UBND các địa phương

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Dự án, nhiệm vụ trọng tâm

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian/Tiến độ thực hiện

I

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

1

Tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phân loại chất thải rắn tại nguồn và tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Trung tâm truyền thông tỉnh, UBND các địa phương, Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội

Hàng năm

2

Lồng ghép các nội dung giáo dục về kinh tế tuần hoàn nói chung và tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ nói riêng vào chương trình giáo dục các cấp học, bậc học.

Sở Giáo dục và Đào tạo

Các trường học

Hàng năm

3

Tích hợp nội dung tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ vào các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trung tâm khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư ở các cấp

Hàng năm

4

Tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu cho cá nhân, hộ gia đình, cán bộ quản lý môi trường các cấp, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, ban quản lý các chợ, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, hợp tác xã, nông trại, nông trường,...) về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các địa phương và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh

Hàng năm

5

Tuyên truyền về tiêu dùng xanh, phong cách sống thân thiện môi trường.

Trung tâm truyền thông tỉnh, Tỉnh đoàn

Trung tâm truyền thông tỉnh, UBND các địa phương, Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội

Hàng năm

II

Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

6

Xây dựng và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh; tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý CTRSH đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung.

Sở Tài nguyên và môi trường

Sở Tài chính

UBND các địa phương

Đến năm 2025

7

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp có sử dụng chất thải hữu cơ làm nguyên liệu đầu vào; cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cá nhân, tổ chức tham gia vào mạng lưới tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ của tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đến năm 2025

8

Triển khai các quy định, hướng dẫn về phát triển thị trường, thương hiệu, thúc đẩy tiêu dùng xanh cho các sản phẩm thân thiện môi trường.

Sở Công Thương

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ

Đến năm 2030

9

Lồng ghép tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ vào các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành trong thời gian tới.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

UBND các địa phương

Đến năm 2030

III

Nhân rộng, phát triển các thực hành tốt và xây dựng kinh tế tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

3.1

Phát triển các điểm, vùng liên kết cung cấp và tiếp nhận, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

2023 - 2030

10

Xây dựng mạng lưới điểm, vùng, tạo sự kết nối giữa nơi cung cấp và nơi nhận tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

UBND các địa phương

Các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn

Hàng năm

11

Phát triển các điểm, vùng liên kết cung cấp chất thải rắn hữu cơ.

UBND các địa phương

Hội Phụ nữ

2024 - 2030

12

Phát triển các điểm, vùng liên kết tiếp nhận, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ:

+ Điểm, vùng liên kết các nông hộ, nông trại sử dụng thức ăn thừa thành thức ăn chăn nuôi.

+ Điểm, khu vực, vùng liên kết các nông hộ, nông trại sử dụng chất thải rắn hữu cơ thành phân bón, phân trùn quế, nuôi ruồi lính đen và các sản phẩm hữu ích khác...

Hội nông dân tỉnh

Hội nông dân các cấp

2024 - 2030

3.2

Xây dựng và nhân rộng các sáng kiến, mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại chỗ và liên vùng

13

Phong trào các cán bộ công chức, viên chức hoạt động trong các cơ quan, đơn vị nhà nước thực hiện phân loại và tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại hộ gia đình.

Liên đoàn lao động tỉnh

Tỉnh đoàn, UBND các địa phương

2024 - 2030

14

Phong trào phân loại và tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại hộ gia đình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Hội Phụ nữ các cấp

2024 - 2030

15

Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trong hoạt động du lịch.

Mô hình liên kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh du lịch với nông dân trong tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên các huyện, xã đảo phát triển du lịch (gọi tắt là “nhà hàng - nhà nông”).

Hội Phụ nữ các cấp; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Hội nông dân các cấp

- Đến năm 2025, mỗi loại mô hình có ít nhất 01 sản phẩm.

Mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại tuyến phố du lịch và ẩm thực (gọi tắt là “Tuyến phố du lịch thân thiện môi trường”). Thực hiện thí điểm trên một số tuyến chính như: Tuyến đường Bãi Cháy - Sun World, tuyến đường Hạ Long, tuyến đường Hoàng Quốc Việt, tuyến đường Trần Quốc Nghiễn, tuyến đường Trần Thái Tông Yết Kiêu, tuyến du lịch giải trí Tuần Châu tại thành phố Hạ Long, tuyến đường Tràng Vỹ Trà Cổ tại thành phố Móng Cái, tuyến đường du lịch Yên Tử tại thành phố Uông Bí.

Hội Phụ nữ các cấp; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh

Hội nông dân các cấp

- Đến năm 2030, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.

Mô hình tuần hoàn tại chỗ chất thải rắn hữu cơ trong khu du lịch cộng đồng.

Chủ đầu tư các khu du lịch cộng đồng

Hội nông dân các cấp

Mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trong các hoạt động du lịch trên biển.

Công ty Cảng quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Hội nông dân thành phố Hạ Long

16

Mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp[8] (gọi tắt là “Khu công nghiệp tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ”, “Cụm công nghiệp tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ”).

Đơn vị quản lý Khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Ban Quản lý khu kinh tế, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương, các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN, CCN

- Đến năm 2025, có ít nhất 01 KCN, 01 CNN triển khai mô hình.

- Đến năm 2030, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.

17

Mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại doanh nghiệp chế biến thực phẩm, doanh nghiệp có lượng công nhân lớn và bếp ăn tập thể.

Các doanh nghiệp

Hội nông dân các địa phương [9]

- Đến năm 2025 có ít nhất 01 mô hình.

- Đến năm 2030, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.

18

Mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại các trường học[10].

Sở Giáo dục và Đào tạo

Các trường học

- Đến năm 2025 có ít nhất 01 mô hình.

- Đến năm 2030, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.

19

Mô hình phân loại chất thải rắn hữu cơ tại nguồn, thu gom và tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ của các chợ, Trung tâm thương mại (Vincom, Go Hạ Long...).

Ban quản lý các chợ, TTTM

UBND các địa phương; Sở Công thương và Hội Nông dân các địa phương

- Đến năm 2025 mỗi huyện có ít nhất 01 mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ của chợ hạng 1.

- Đến năm 2030, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh

20

Triển khai các Mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc

-

- Đến năm 2025: TKV và Tổng Công ty Đông Bắc nghiên cứu, thử nghiệm tối thiểu 01 mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại đơn vị có phát sinh lượng chất thải rắn hữu cơ lớn.

- Đến năm 2030: Áp dụng và nhân rộng mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ đối với các đơn vị có phát sinh lượng chất thải rắn hữu cơ lớn trong toàn ngành than.

21

Nhân rộng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp.

Hỗ trợ nguồn lực (đất đai, kinh phí, kỹ thuật...) nhằm duy trì, phát triển, nhân rộng 02 mô hình kinh tế tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ hiện có tại xã Bình Khê, thị xã Đông Triều và xã Húc Động, huyện Bình Liêu.

UBND xã Bình Khê, UBND xã Húc Động

UBND thị xã Đông Triều, UBND huyện Bình Liêu

Hàng năm

Mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ bằng công nghệ sản xuất phân trùn quế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hội Nông dân các cấp

- Đến năm 2025 có ít nhất 01 mô hình.

- Đến năm 2030, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh.

Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hội Nông dân

- Đến năm 2025 có ít nhất 01 mô hình.

- Đến năm 2030, nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh.

IV

Phát triển hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

22

Đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phân loại chất thải rắn tại nguồn.

UBND các địa phương

Các sở, ban, ngành

Đến năm 2025

23

Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ hoặc đầu tư phân khu tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ, cải tiến tại các khu xử lý chất thải tập trung của địa phương.

Chủ đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung hoặc các nhà đầu tư

UBND các địa phương

Đến năm 2030

V

Phát triển khoa học và công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế thực hiện tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ

24

Hướng dẫn, tổng hợp các đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thân thiện môi trường để thực hiện các giải pháp tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ từ chất thải của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm.

Sở Khoa học và Công nghệ

Các sở, ban, ngành, UBND các địa phương

Hàng năm



[1] Gồm: Sản phẩm được sản xuất từ quá trình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ (như phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi chế biến bằng công nghệ sinh học,...); Sản phẩm có sử dụng nguyên liệu đầu vào là sản phẩm được sản xuất từ quá trình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ (như rau xanh sử dụng phân bón hữu cơ, thịt gia súc gia cầm được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi chế biến bằng công nghệ sinh học,...).

[2] Gồm: Khu xử lý chất thải rắn Km 26, xã Quảng Nghĩa (thành phố Móng Cái), Khu xử lý chất thải rắn Trường Xuân, xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô), Khu xử lý rác thải xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ), Khu xử lý chất thải rắn tại xã Thượng Yên Công (thành phố Uông Bí).

[3] Theo số liệu thống kê của Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ, nông trại là 17.520 tấn/năm.

[4] Quyết định số 491/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

[5] Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

[6] Nghị quyết 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đề ra tái chế chất thải rắn hữu cơ (năm 2030) là 70%.

[7] Điểm tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ gồm: Hộ gia đình, nông hộ, nông trại, nhà máy, xí nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu xử lý chất thải có phân khu xử lý chất thải rắn hữu cơ theo hướng tuần hoàn... Vùng tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ là khu vực gắn với không gian địa lý cự thể như cộng đồng dân cư, xã, huyện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tuyến phố ẩm thực, địa phương có hoạt động kinh tế, sinh hoạt phát sinh phế phụ phẩm, chất thải rắn hữu cơ.

[8] Có thể chia ra mô hình đối với chất thải thực phẩm và mô hình với chất thải rắn hữu cơ còn lại.

[9] Hội nông dân hỗ trợ đề xuất điểm tiếp nhận tuần hoàn chất thải rắn.

[10] Có thể chia ra mô hình đối với chất thải thực phẩm và mô hình với lá cây.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 91/KH-UBND ngày 04/04/2024 về Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng năm 2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


335

DMCA.com Protection Status
IP: 3.141.30.147
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!