Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 594/KH-UBND 2017 thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW An Giang

Số hiệu: 594/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lâm Quang Thi
Ngày ban hành: 20/10/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 594/KH-UBND

An Giang, ngày 20 tháng 10 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 71/NQ-CP NGÀY 08/8/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 31-KH/TU NGÀY 04/7/2017 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 04 tháng 7 năm 2017 của BTV Tỉnh ủy An Giang về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 31- KH/TU ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (sau đây viết tắt là Kế hoạch), với các nội dung chính như sau:

I. Mục đích yêu cầu:

1. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Duy trì ổn định độ che phủ của rừng trồng tập trung và cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là 22,40%.

3. Bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

4. Đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 phải sử dụng và trồng hết diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng có khả năng trồng rừng, phát triển trồng cây phân tán, vườn rừng.

5. Bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có; chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng, thực hiện xã hội hóa nghề rừng trên cơ sở tổ chức, quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng; giao đất, giao rừng nhằm giải quyết tốt mục tiêu phòng hộ, an ninh môi trường.

6. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua việc cải thiện một cách hợp lý cơ cấu cây trồng lâm nghiệp. Phát triển các loài cây trồng có tác dụng tốt về phủ xanh, bảo vệ môi trường và có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội. Xây dựng ngành lâm nghiệp của tỉnh phát triển bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng.

7. Đưa các dịch vụ từ rừng là nguồn thu cơ bản của ngành lâm nghiệp; nâng tỷ trọng lâm nghiệp trong giá trị sản xuất nông nghiệp.

8. Góp phần quan trọng ổn định an ninh chính trị - xã hội ở tỉnh An Giang, đặc biệt khu vực biên giới với nước bạn Campuchia. Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; cung cấp các dịch vụ môi trường; giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn.

II. Nhiệm vụ, giải pháp:

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục:

a) Tổ chức tuyên truyền thường xuyên về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng:

- Đối với Báo, Đài Phát thanh và truyền hình trong - ngoài tỉnh, cơ quan Thông tấn, thực hiện công tác tuyên truyền thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và tăng thời lượng tin, bài trong thời gian cao điểm mùa khô (từ tháng 01 dương lịch đến tháng 5 dương lịch hàng năm): bình quân mỗi năm thực hiện từ 01 đến 02 phóng sự về công tác cảnh báo cháy rừng và công tác phát triển rừng; mỗi tháng tổ chức đăng tin, bài (khoảng 20 tin) trên báo, trên các trang web của Chi cục Kiểm lâm gồm nhiều thể loại: tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ cây rừng, bảo tồn động vật rừng, bảo tồn cây dược liệu, bảo tồn lâm sản ngoài gỗ, các chủ trương, chính sách về trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng của đảng và nhà nước, nêu gương người tốt việc tốt, những mô hình nông lâm kết hợp có hiệu quả cần nhân rộng…

- Hàng năm, cấp phát tập học sinh cho trẻ em nghèo tại các xã có rừng; Xây dựng những giải thưởng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại các xã có rừng có phong trào bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng nổi bật. Đồng thời, phối hợp cùng Công an xã và các đơn vị có liên quan của xã tổ chức phát động “Tháng an toàn, Quý an toàn phòng cháy chữa cháy rừng”.

- Đưa thông tin dự báo cấp cháy rừng lên mạng Internet để thông tin thường xuyên đến các thành viên Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, đến văn phòng Ban Chỉ huy về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, cấp xã.

- Biển báo cấp dự báo cháy rừng: Đây là hình thức thông báo ngắn gọn bằng màu sắc phản ánh mức cấp dự báo cháy được đặt tại những khu vực đông dân cư gần rừng để nhân dân, cơ quan, trường học, đơn vị quân đội đóng trong và ven rừng biết được mức độ về khả năng xuất hiện cháy rừng theo từng cấp để luôn coi trọng việc phòng cháy và cùng có trách nhiệm.

- Hàng năm, thực hiện rà soát, bổ sung các loại biển báo: “cấm vào rừng”, “cấm lửa”, các loại pa-nô, áp phích đặt tại những nơi dễ chú ý và xung quanh diện tích của từng chủ rừng để cảnh báo cháy rừng; với số lượng đề xuất bổ sung trong giai đoạn 05 năm như sau:

+ Bảng cấm lửa (hình tam giác): 200 bảng; mỗi năm thực hiện bình quân 40 bảng. Các bảng được cắm tại các vùng trọng điểm, các vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng trong mùa khô hàng năm.

+ Tờ rơi tuyên truyền: 2.000 tờ; mỗi năm bình quân thực hiện 400 tờ rơi để tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng (nội dung tờ rơi được in bằng 02 ngôn ngữ: Kinh và Khmer), các tờ rơi được dán tại các quán nước, tại các chùa Khmer ven và trong rừng.

+ Sơn vẽ mới Pano cố định: 22 bảng (đã được bố trí trong năm 2010 trên địa bàn 03 huyện, thành phố: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc).

+ Xây dựng bộ ảnh nhận dạng động vật rừng, thực vật rừng tại An Giang từ 250 - 300 hình ảnh đưa lên trang web của Chi cục Kiểm lâm; để tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận biết cùng tham gia bảo vệ các loài động vật rừng và thực vật rừng.

- Lồng vào các cuộc sinh hoạt, hội nghị, họp dân của Chính quyền và đoàn thể, nhắc nhở công tác phòng cháy chữa cháy rừng, sử dụng lửa trong mùa khô…chú ý đối tượng khách hành hương, khách du lịch để có biện pháp tuyên truyền thích hợp.

b) Tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật:

- Tuyên truyền Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư; Chỉ thị số 13/2014/CT- UBND của UBND tỉnh An Giang về việc đẩy mạnh công tác trồng rừng tập trung và trồng cây lâm nghiệp phân tán trong nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang; Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 10 tháng 07 năm 2014 của UBND tỉnh An Giang về việc tăng cường ngăn chặn tình trạng săn bắt, nuôi nhốt, mua bán, quảng cáo, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã và sản phẩm của chúng có nguồn gốc từ tự nhiên trên địa bàn tỉnh An Giang và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

- Xây dựng các phóng sự, bài viết, tin, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hàng năm; về công tác trồng rừng, trồng cây phân tán. Hàng năm, phối hợp Đài Phát thanh truyền hình An Giang và các Đài Phát thanh truyền hình trong nước thực hiện từ 01 đến 03 phóng sự về công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Tuyên truyền việc thực thi pháp luật về đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật. Phê phán, lên án các hành vi vi phạm, xâm hại tài nguyên rừng; khuyến khích, động viên nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật trên địa bàn.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

a) Công tác quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng:

Thực hiện theo Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ (thực hiện theo văn bản số 5395/BNN-TCLN ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh An Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2020 trên cơ sở Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn từ nay đến năm 2020.

- Thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình đặt tại Chi cục Kiểm lâm, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh An Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2020; Chánh Văn phòng là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, thành viên là các cán bộ Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh biên chế của cơ quan.

- Thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tỉnh để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

- Thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

b) Tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, công chức Kiểm lâm theo Chỉ thị số 3714/CT-BNN-TCLN ngày 15/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cụ thể như sau:

- Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị hàng năm trong lực lượng Kiểm lâm theo đúng quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, quy định về tiêu chuẩn, chức danh kiểm lâm.

- Tổ chức rà soát, đánh giá, sắp xếp cán bộ công chức phù hợp với yêu cầu công tác của mỗi đơn vị kiểm lâm gắn với xác định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ rừng và đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Tiếp tục kiện toàn, tăng cường kiểm lâm địa bàn xã để tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng “tại gốc”; đảm bảo đủ lực lượng kiểm tra giám sát nguồn gốc lâm sản tại các tụ điểm tập kết, chế biến, tiêu thụ gỗ, phát hiện, ngăn ngừa hành vi gian lận, quay vòng hồ sơ để hợp thức hóa gỗ, lâm sản bất hợp pháp.

- Duy trì thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ trong các đơn vị kiểm lâm; đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất về hoạt động và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các đơn vị, cán bộ, công chức kiểm lâm.

- Chấn chỉnh tác phong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm; hoạt động kiểm tra phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.

- Tất cả các đơn vị kiểm lâm phải tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định; thiết lập và công khai thông tin đường dây nóng, hòm thư góp ý để quần chúng nhân dân biết, giám sát và góp ý đối với hoạt động của Kiểm lâm.

c) Thực hiện phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương có liên quan và cộng đồng dân cư trong công tác giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Dân tộc, UBND cấp huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc; thực hiện các công việc sau:

+ Trong năm 2017, xây dựng và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020.

+ Sau khi Đề án được phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020.

- Đến năm 2020, hoàn thành về cơ bản việc giao, cho thuê 17.073 ha rừng và đất rừng đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng và định hướng phát triển ổn định đến năm 2025; trong đó:

+ Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng và đất có rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành cho 3.298 ha rừng sản xuất đã giao cho các chủ rừng; gồm: hộ gia đình và cá nhân tại rừng tràm Bình Minh (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn), Công ty SD, Công ty Hoàng Vĩnh Gia (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn), các tổ chức: Lâm trường Tỉnh đội, Chi cục Kiểm lâm, UBND thành phố Châu Đốc, Công ty cổ phần xây dựng trang trí nội thất Thành Đô (hợp đồng với văn phòng Tỉnh ủy An Giang) để quản lý, sử dụng rừng.

+ Giao rừng, cho thuê rừng đồng thời với giao đất, cho thuê đất đối với 11.526 ha rừng và đất rừng phòng hộ đồi núi; 2.249 ha rừng đặc dụng đồi núi và đồng bằng cho BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tỉnh quản lý. Để BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tỉnh (trong thời gian chưa có BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tỉnh thì giao Chi cục Kiểm lâm tạm quản lý) phối hợp với UBND cấp huyện (Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn) thực hiện giao khoán đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng; ưu tiên giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân là người địa phương.

d) Hàng năm, giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng Kế hoạch hiệp đồng phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập công trình trên địa bàn tỉnh, với thành phần là các lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh.

đ) Gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc để mất rừng theo quy định; thực hiện nghiêm công tác trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng chuyển đổi sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã theo quy định của pháp luật.

e) Xây dựng chính sách hoặc lồng ghép các Chương trình hỗ trợ cho các hộ làm nghề rừng trên núi được hưởng chế độ đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nhằm nâng cao đời sống cho các hộ làm nghề rừng.

3. Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng:

a) Rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng:

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2020; tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh trên cơ sở Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả Kiểm kê rừng tỉnh An Giang năm 2016 và Quyết định số 2774/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, kết quả chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất (khu vực Sóc Rè - Vĩnh Thượng, xã An Cư, huyện Tịnh Biên và rừng tràm Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc), kết quả chuyển rừng sản xuất sang rừng đặc dụng (khu bảo vệ cảnh quan) tại Lâm trường Tỉnh đội và Rừng tràm Bưu điện cũ; để ổn định diện tích quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Cụ thể như sau:

* Nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp:

- Theo Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả Kiểm kê rừng tỉnh An Giang năm 2016 thì tổng diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh là 16.868 ha; chia ra:

+ Rừng và đất rừng phòng hộ: 11.956 ha.

+ Rừng và đất rừng đặc dụng: 1.544 ha.

+ Rừng và đất rừng sản xuất: 3.368 ha.

- Theo Quyết định số 2774/QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 thì diện tích đất cần sử dụng tại rừng tràm Trà Sư là 1.050 ha; nhu cầu diện tích đất tăng thêm là 205 ha.

Như vậy, diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng ổn định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là 17.073 ha.

* Điều chỉnh cơ cấu 03 loại rừng đến năm 2020:

- Chuyển rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất: 430 ha; gồm:

+ Khu vực Sóc rè, Vĩnh Thượng (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) và khu vực Chà Và (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên): 323 ha.

+ Rừng tràm Vĩnh Châu (xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc): 107 ha.

- Chuyển rừng sản xuất sang rừng đặc dụng: 500 ha; gồm:

+ Lâm trường Tỉnh đội: 250 ha.

+ Lâm trường Bưu điện cũ (UBND huyện Tri Tôn): 250 ha.

* Đề xuất:

- Số liệu diện tích rừng và đất rừng đề xuất để rà soát, điều chỉnh như sau:

Tổng diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 17.073 ha; chia ra:

+ Rừng và đất rừng phòng hộ: 11.526 ha.

+ Rừng và đất rừng đặc dụng: 2.249 ha.

+ Rừng và đất rừng sản xuất: 3.298 ha.

b) Về trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển đổi sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp:

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, đôn đốc việc trồng rừng thay thế của các dự án chuyển đổi rừng sang mục đích khác không phải là lâm nghiệp; thu hồi giấy phép và chấm dứt các dự án không chấp hành việc trồng lại rừng hoặc đóng góp tài chính theo quy định.

c) Xây dựng các mô hình Nông - Lâm kết hợp:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ giao Chi cục Kiểm lâm, BQL rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh nghiên cứu đề xuất và áp dụng ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất lâm nghiệp, trước mắt là ứng dụng công nghệ giâm hom, nuôi cấy mô trong sản xuất giống cây trồng có năng suất cao. Từng bước đưa các loài cây bản địa, cây nhập ngoại có giá trị kinh tế cao về trồng thử nghiệm để chọn ra giống cây lâm nghiệp thích hợp nhằm bổ sung loài mới vào các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

- Các mô hình ứng dụng vào thực tiễn sản xuất lâm nghiệp như sau:

+ Rừng kết hợp trồng cây ăn trái (Xoài bưởi, Hồng quân, Bơ, Chanh, Bưởi, Quít, Mãng cầu ta).

+ Rừng kết hợp trồng cây dược liệu (Dó bầu, cây Huyền, Đinh Lăng, Sa nhân tím …).

+ Rừng kết hợp với chăn nuôi (Gà, Dê, Nai).

- Đẩy mạnh việc trồng, chế biến lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu trồng dưới tán rừng để tạo việc làm, phát triển nghề rừng, nâng cao thu nhập của người dân làm nghề rừng.

- Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân gây nuôi một số loài động vật hoang dã theo quy định của pháp luật.

d) Thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây lâm nghiệp phân tán, phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2017 - 2020:

* Triển khai thực hiện các Dự án đã phê duyệt:

- Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng đồi núi tỉnh An Giang; quy mô: 1.169 ha (Quyết định số 1696/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020). Trong đó:

+ Phát triển rừng: 315,42 ha; chia ra: Trồng rừng mới: 300 ha; Trồng rừng thay thế: 15,42 ha.

+ Chăm sóc rừng trồng: 854,31 lượt ha.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng: Đường ranh cản lửa, biển báo, chòi cảnh lửa, trạm bảo vệ rừng.

+ Khoa học công nghệ; Khuyến lâm.

- Dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán tỉnh An Giang; Quy mô: 7.178 ha tương đương 10,767 triệu cây các loài (Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020).

* Đề xuất một số dự án, đề án, phương án mới:

- Dự án bảo vệ và phát triển rừng sản xuất tại rừng tràm Bình Minh, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, giai đoạn 2018 - 2020; quy mô: 660 ha.

- Dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020; quy mô: 17.073 ha.

- Dự án thành lập bản đồ số hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp trên đồi núi tỉnh An Giang, giai đoạn 2017 - 2020; quy mô: 13.775 ha.

- Dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, tỉnh An Giang, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025; quy mô: 17.073 ha.

- Đề án xây dựng mạng lưới chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh An Giang, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

- Đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020; quy mô: 17.073 ha.

- Đề án thành lập khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; quy mô: 500 ha.

- Phương án rà soát, chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất tại khu vực Sóc Rè, Vĩnh Thượng (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) và rừng tràm Vĩnh Châu (thành phố Châu Đốc), giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025; quy mô: 430 ha.

Đối với các dự án/đề án/phương án mới chưa được phê duyệt: Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách và tình hình thực tế của tỉnh, trên cơ sở được sự thống nhất của các Sở, ngành có liên quan, UBND tỉnh An Giang sẽ xem xét, quyết định, bố trí kinh phí thực hiện.

* Tiếp tục thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy mô: 3.000 ha.

4. Thực hiện điều tra, đo đạc, xây dựng hồ sơ quản lý rừng, xác định mốc ranh giới 03 loại rừng đến đơn vị hành chính cấp xã:

a) Xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ số hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp theo đơn vị hành chính xã, huyện và tỉnh nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở kế thừa kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng theo Quyết định số 594/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, với các nội dung như sau:

- Lập và trình phê duyệt Dự án thành lập bản đồ số hiện trạng rừng và đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vùng đồi núi tỉnh An Giang; quy mô: 13.775 ha. Tổ chức, triển khai thực hiện Dự án khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm xác định mốc, ranh giới 03 loại rừng.

- Xây dựng hồ sơ quản lý rừng theo kết quả Kiểm kê rừng năm 2016 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 05/10/2016.

b) Tổ chức thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng, thu hồi rừng trên địa bàn tỉnh, quy mô: 17.073 ha; trong giai đoạn 2017 -2020, định hướng ổn định đến năm 2025.

5. Xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Chính quyền nơi có rừng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch.

- Người đứng đầu chính quyền địa phương nơi có rừng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện (Tịnh Biên - Châu Đốc; Tri Tôn - Thoại Sơn) là người phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Chính quyền địa phương các cấp, cơ quan Kiểm lâm quán triệt, triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

- Chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình) tổ chức bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

6. Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng:

- Vận động, thu hút và sử dụng đúng mục tiêu nguồn vốn quốc tế (Tổ chức ICMP - Dự án GIZ của quốc gia Đức và các tổ chức phi Chính phủ khác) phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

- Tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho công tác đầu tư phát triển rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ (cây dược liệu, các nguyên liệu phục vụ thủ công mỹ nghệ...) và chế biến lâm sản từ rừng.

- Huy động và lồng ghép các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đảm bảo có sự tham gia của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào công tác phát triển lâm nghiệp.

- Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, hộ gia đình, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển lâm nghiệp.

III. Dự kiến vốn đầu tư thực hiện các Dự án, Đề án, Phương án từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025:

Tổng vốn đầu tư thực hiện các Dự án, Đề án, Phương án từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là 109.576 triệu đồng; chia ra theo nguồn vốn:

1. Ngân sách Trung ương: 16.588 triệu đồng.

2. Ngân sách địa phương: 41.636 triệu đồng.

3. Vốn hợp pháp khác: 51.352 triệu đồng.

IV. Định hướng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng bền vững đến năm 2025:

Xây dựng và triển khai thực hiện các Dự án sau:

1. Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2030.

2. Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng đồi núi tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025.

3. Dự án trồng cây lâm nghiệp phân tán tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025.

4. Dự án bảo vệ và phát triển Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

5. Dự án nâng cao năng lực PCCCR tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025.

6. Đề án xây dựng mạng lưới chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2020 - 2025.

7. Dự án bảo vệ và phát triển rừng sản xuất tại khu vực Sóc Rè, Vĩnh Thượng (xã An Cư, huyện Tịnh Biên), Chà Và (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên và rừng tràm Vĩnh Châu (xã Vĩnh Châu, thành phố Châu Đốc), giai đoạn 2020 - 2025.

8. Dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang, giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

V. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Định kỳ 6 tháng và năm thực hiện công tác báo cáo sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch này.

- Là cơ quan đầu mối có nhiệm vụ chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này, đưa các nội dung của dự án trong Kế hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Giao Chi cục Kiểm lâm là đơn vị thường trực, có trách nhiệm phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện kế hoạch; phối hợp với cơ quan thông tin tuyên truyền, phổ biến các chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Giao cho các chủ rừng chịu trách nhiệm lập kế hoạch chi tiết hàng năm, lập phương án quản lý rừng bền vững nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông - lâm nghiệp; xây dựng và thực hiện kế hoạch các hình thức kinh tế hợp tác gắn với liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong Lâm nghiệp.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh quyết định giao danh mục dự án, kế hoạch vốn cho Chi cục Kiểm lâm tổ chức triển khai thực hiện hàng năm từ ngân sách nhà nước.

3. Sở Tài chính:

Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp kinh phí theo Quyết định giao kế hoạch vốn của UBND tỉnh.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan, địa phương có rừng để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh An Giang giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030 với diện tích 17.073 ha đất sử dụng vào mục đích lâm nghiệp.

- Quản lý chặt chẽ việc tổ chức thực hiện và công khai thông tin đánh giá tác động môi trường, xã hội đối với các dự án sử dụng đất Lâm nghiệp để phát triển kinh tế với sự tham gia đầy đủ, hiệu quả của các bên liên quan.

- Hỗ trợ tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát tuân thủ thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường của dự án sử dụng đất Lâm nghiệp theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

5. Sở Tư pháp:

Chủ trì và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban dân tộc, UBND cấp huyện: Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn thực hiện tư vấn và hỗ trợ pháp lý cần thiết để nâng cao nhận thức cho người dân về nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp và cơ chế giải quyết thắc mắc, khiếu nại trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

6. Các Sở, ban, ngành có liên quan:

- Tổ chức quán triệt Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

- Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các Sở, ban, ngành tiến hành thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 31-KH/TU ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư một cách hiệu quả nhất, xem nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi ngành.

7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

- Chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn có rừng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, Chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan trên địa bàn tham gia công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chấp hành nghiêm những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng nơi đơn vị đóng quân.

- Chủ trì xây dựng Kế hoạch hiệp đồng phòng chống cháy nổ, cháy rừng, cứu sập công trình trên địa bàn tỉnh, với thành phần là các lực lượng Công an, Quân sự, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh; nếu có xảy ra sự cố cháy rừng thì triển khai kế hoạch hiệp đồng một cách cơ động, điều động lực lượng tiếp ứng tham gia chữa cháy có hiệu quả.

- Chỉ đạo phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa phòng Tham mưu với phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (Công an tỉnh) và Chi cục Kiểm lâm theo Nghị định số 74/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 và Nghị định số 133/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ.

8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Biên phòng và nhân dân vùng biên giới, cửa khẩu chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo các đồn, đơn vị Biên phòng tăng cường kiểm tra việc mua bán trái phép lâm sản và động vật hoang dã khu vực biên giới.

- Thực hiện kế hoạch phối hợp số 279/KHPH-BĐBP-CCKL, ngày 03 tháng 3 năm 2017 giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Chi cục Kiểm lâm tỉnh trong việc quản lý, bảo vệ rừng khu vực biên giới; đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép lâm sản qua biên giới.

9. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và các lực lượng có liên quan, địa phương nơi có rừng tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi phá rừng, gây cháy rừng, vận chuyển, mua bán, kinh doanh lâm sản trái phép, săn bắt, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã.

- Phối hợp với cơ quan Kiểm lâm:

+ Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ cho lực lượng Kiểm lâm.

+ Tham mưu UBND các cấp xây dựng và hướng dẫn thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức diễn tập chữa cháy rừng; xây dựng lực lượng phòng cháy rừng trong dân tại những địa phương có rừng; hướng dẫn việc mua sắm trang thiết bị, các phương tiện chuyên dùng về phòng cháy, chữa cháy rừng.

+ Điều tra nguyên nhân các vụ cháy rừng, xử lý vi phạm các vụ cháy rừng và khởi tố hình sự các vi phạm về quản lý, bảo vệ theo quy định pháp luật.

- Kiểm tra hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị có rừng; tham gia chữa cháy rừng và chỉ huy chữa cháy rừng,

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quản lý.

- Đưa chương trình trồng cây lâm nghiệp phân tán vào chỉ tiêu kế hoạch thực hiện chính thức cho các xã; xem đây là nhiệm vụ hoạt động thường xuyên hàng năm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, có xây dựng kế hoạch cụ thể để công tác hỗ trợ cây giống đến người dân thực hiện trồng cây được thuận lợi.

- Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tư vấn và hỗ trợ pháp lý cần thiết để nâng cao nhận thức cho người dân về nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp và cơ chế giải quyết thắc mắc, khiếu nại trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Đối với các địa phương có rừng (Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn):

+ Chủ trì và phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện đã giao cho các cá nhân, hộ gia đình; điều chỉnh cho phù hợp và thực hiện công tác giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng trên địa bàn tỉnh.

+ Chủ động huy động thêm nguồn lực và lồng ghép với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình, dự án liên quan trên địa bàn huyện để đạt mục tiêu trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

+ Giao Hạt Kiểm lâm liên huyện phối hợp các ban, ngành huyện, các lực lượng có liên quan xây dựng các kế hoạch, phương án bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức truy quét các tụ điểm săn bắt, mua bán động vật hoang dã trái phép; tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện các chỉ tiêu trồng rừng, trồng cây lâm nghiệp phân tán theo kế hoạch.

+ Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quản lý về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

+ Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có thông tin phản hồi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung và tháo gỡ; nhằm tạo điều kiện thực hiện Kế hoạch này đạt kết quả tốt./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT.HĐND, TT.UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lãnh đạo VP.UBND;
- Chi cục Kiểm lâm;
- P.KTN, P.TH, P.HCTC

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 594/KH-UBND ngày 20/10/2017 về thực hiện Nghị quyết 71/NQ-CP và Kế hoạch 31-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW do tỉnh An Giang ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.891

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.217.85
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!