ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 5825/KH-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 16
tháng 8 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỀN, TÀI SẢN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ
GIA ĐÌNH VÀ CÁ NHÂN ĐỂ XỬ LÝ TÌNH HUỐNG CHÁY, SỰ CỐ, TAI NẠN CÓ QUY MÔ LỚN, DIỄN
BIẾN PHỨC TẠP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
Thực hiện Luật Phòng cháy và chữa
cháy ngày 29/6/2001, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa
cháy ngày 22/11/2013, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản ngày 03/6/2008; Nghị định
số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản quy phạm pháp luật hướng
dẫn thi hành; Hướng dẫn số 07/HD-BCA-C07 ngày 31/3/2021 của Bộ Công an về việc
huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để xử lý các tình huống cháy, sự cố,
tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi vượt quá khả năng ứng phó của lực
lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình
và cá nhân để xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn, diễn biến phức
tạp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU
CẦU
1. Nhằm
chủ động trong việc huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức, hộ
gia đình và cá nhân để kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống cháy, sự cố, tai
nạn có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh; kiềm chế và làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do
cháy, sự cố, tai nạn gây ra.
2. Thống
nhất các trường hợp cần huy động, thẩm quyền huy động, trình tự, thủ tục huy động;
phân công trách nhiệm cụ thể đối với các lực lượng liên quan; xây dựng cơ chế
phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn
vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn,
diễn biến phức tạp.
3. Các cơ
quan, tổ chức chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án, kế hoạch huy động lực
lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ, xử lý hiệu quả các tình huống cháy, sự cố, tai nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp khi được
cấp có thẩm quyền huy động.
II. NGUYÊN TẮC,
PHƯƠNG CHÂM CHỈ ĐẠO, LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN
1. Nguyên tắc huy động:
a) Việc huy động lực lượng, phương tiện
tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải thực hiện theo quy định hiện hành của
pháp luật.
b) Khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố ở
các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức,
đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm điều hành, chỉ huy công tác chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ ban đầu; được quyền huy động lực lượng, phương tiện của cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của
mình để tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
c) Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,
hộ gia đình và cá nhân khi nhận được lệnh huy động của cấp có thẩm quyền phải
nhanh chóng huy động người, phương tiện và tài sản đến nơi xảy ra cháy, tai nạn,
sự cố để phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời
khi tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải chấp hành mệnh lệnh của người chỉ
huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường.
d) Đảm bảo sự chỉ đạo, chỉ huy, điều
hành tập trung, thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng được điều động
trong suốt quá trình tổ chức thực hiện chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ; trong đó xác định rõ lực lượng chủ trì, lực lượng phối hợp trong từng
hoạt động của quá trình triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
đ) Khi tiến hành công tác chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo an toàn đối với người, phương tiện, tài sản
tham gia thực hiện nhiệm vụ và người bị nạn, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất
thiệt hại về tài sản.
e) Lực lượng, phương tiện, tài sản của
các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được điều động vào hoạt động trong
công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy
định của pháp luật.
2. Phương châm chỉ đạo:
a) Huy động tối đa các lực lượng,
phương tiện, tài sản của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương, cơ sở và
cá nhân tham gia xử lý vụ cháy, sự cố, tai nạn có quy mô lớn,
diễn biến phức tạp; sử dụng đồng bộ các biện pháp, phương pháp chữa cháy, cứu nạn,
cứu hộ tiến hành tấn công, ngăn chặn triệt để đám cháy, sự
cố, tai nạn xảy ra. Phân công nhiệm vụ cụ thể, đúng người,
đúng việc và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng lực lượng.
b) Thực hiện hiệu quả phương châm “4
tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ);
trong công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, ưu tiên công tác cứu người trước
và quá trình triển khai phải đảm bảo tuyệt đối an toàn lực
lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
3. Lực lượng, phương tiện:
a) Lực lượng:
- Chủ trì: Công an tỉnh (trong đó
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ làm nòng cốt).
- Phối hợp:
+ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các đơn vị
quân đội đóng quân trên địa bàn.
+ Lực lượng Y tế.
+ Lực lượng thuộc các sở, ban, ngành;
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc (lực lượng dân phòng, bảo vệ dân
phố và dân quân tự vệ) nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn.
+ Các lực lượng thuộc Công ty Điện lực
Lâm Đồng, các doanh nghiệp cấp thoát nước; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất,
kinh doanh, xây dựng... có lực lượng, phương tiện thiết yếu liên quan và quần
chúng nhân dân tại địa bàn xảy ra cháy, sự cố, tai nạn.
+ Các lực lượng làm nhiệm vụ phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở (đội phòng cháy,
chữa cháy cơ sở; đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành).
b) Phương tiện: Xe chữa cháy; xe chở
nước; xe cứu nạn, cứu hộ; xe cứu thương; xe thang; tàu; thuyền; xà lan; ca nô;
xe cẩu; xe múc; xe ủi; xe phá dỡ; ống thoát hiểm; dây tự cứu; máy bơm nước; máy
thổi gió đeo vai và các phương tiện, thiết bị, tài sản khác của các cơ quan,
đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và cá nhân trên địa bàn tỉnh có thể huy động để
tham gia xử lý các vụ cháy, sự cố, tai nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
III. QUY TRÌNH HUY
ĐỘNG
1. Trường hợp huy động: Khi xảy ra tình huống cháy, sự cố, tai nạn vượt quá khả năng ứng phó của
lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Công an địa phương nơi xảy ra
cháy, sự cố, tai nạn, cần phải huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn,
cứu hộ, các phương tiện chuyên dùng khác và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ
gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh để tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2. Thẩm quyền huy động:
a) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (hoặc người được ủy quyền) được quyền huy động
lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân
trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện
và tài sản ngoài phạm vi quản lý phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết
định.
b) Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy,
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện (hoặc người
được ủy quyền) được quyền huy động lực lượng, phương tiện
và tài sản của lực lượng phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý. Trường
hợp cần huy động lực lượng, phương tiện và tài sản ngoài
phạm vi quản lý phải đề nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
(hoặc người được ủy quyền) được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản
của cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương tiện, tài sản ngoài phạm vi quản lý phải đề
nghị người có thẩm quyền huy động quyết định.
d) Giám đốc Công an tỉnh (hoặc người
được ủy quyền) được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của cơ
quan, tổ chức trong phạm vi quản lý. Trường hợp cần huy động lực lượng, phương
tiện và tài sản ngoài phạm vi quản lý phải đề nghị người có thẩm quyền huy động
quyết định.
đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (hoặc
người được ủy quyền) được quyền huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của
cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phạm vi quản lý của mình và lực
lượng quân đội đóng quân ở địa phương. Sau khi huy động, kịp thời thông báo cho
người có thẩm quyền quản lý lực lượng, phương tiện, tài sản đó biết.
3. Trình tự, thủ tục huy động:
a) Khi xác định tình huống cháy, sự cố,
tai nạn vượt quá khả năng xử lý của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an cấp
huyện đóng quân tại khu vực xảy ra cháy, cần phải huy động ngay lực lượng,
phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa
bàn cấp xã, cấp huyện nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn tham gia chữa cháy, cứu nạn,
cứu hộ, người Chỉ huy chữa cháy (lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hoặc
Lãnh đạo Công an cấp huyện) phải nhanh chóng huy động các lực lượng phòng
cháy và chữa cháy tại địa phương (lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở, PCCC
chuyên ngành...) hoặc đề nghị người có thẩm quyền huy động các lực lượng,
phương tiện và tài sản trong phạm vi quản lý tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Sau khi huy động, kịp thời thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng,
phương tiện và tài sản đó biết.
b) Khi cần huy động lực lượng, phương
tiện và tài sản của Công an các địa phương lân cận hoặc các đơn vị thuộc Công
an tỉnh tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, người Chỉ huy chữa cháy (lãnh đạo
Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH hoặc Lãnh đạo Công an cấp huyện) báo cáo tình
hình và đề nghị Lãnh đạo Công an tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tham gia,
đồng thời thành lập Ban chỉ huy, Ban tham mưu chữa cháy để tiếp nhận, điều hành
các lực lượng tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bảo đảm đồng bộ, thống nhất,
hiệu quả.
c) Khi xác định tình huống cháy, sự cố,
tai nạn vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản
lý của Công an tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh báo cáo tình hình và đề nghị Chủ tịch
UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của các cơ quan, tổ chức,
hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
d) Trường hợp vượt quá khả năng về lực
lượng, phương tiện của tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ
Công an (hoặc Cục C07) huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ của Công an các tỉnh lân cận hỗ trợ.
đ) Việc huy động lực lượng, phương tiện
và tài sản để chữa cháy phải được thể hiện bằng văn bản (theo Mẫu
PC20, phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định số
136/2020/NĐ-CP), trường hợp khẩn cấp có thể bằng lời
nói nhưng chậm nhất không quá 03 ngày làm việc phải thể hiện
lệnh đó bằng văn bản. Người chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp với
các đơn vị liên quan tham mưu người có thẩm quyền ban hành quyết định huy động,
đề xuất hoàn thiện các thủ tục và tổ chức hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại
về tài sản do việc trưng dụng, huy động để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy
định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM
VỤ
1. Công an tỉnh:
a) Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên
quan tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng về nguồn nước, lực lượng, phương tiện
chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các cơ quan, đơn vị, cơ sở ngoài lực lượng
Công an đê chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án huy động lực lượng,
phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi cần thiết. Đề xuất cấp có
thẩm quyền đầu tư, trang bị bổ sung các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế nhiệm vụ xử lý các vụ cháy, sự cố, tai nạn có quy
mô lớn, diễn biến phức tạp.
b) Tổ chức triển khai huy động tối đa
lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh
trật tự khi có cháy, sự cố, tai nạn lớn xảy ra, không để tội phạm, phần tử xấu
lợi dụng phá hoại, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và nhân dân; tạo điều kiện
thuận lợi đê các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thực
thi nhiệm vụ.
c) Chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn
vị liên quan tổ chức trinh sát nắm chắc tình hình đám cháy; tham mưu thành lập
Ban chỉ huy, Ban tham mưu chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi tình huống cháy, sự
cố, tai nạn diễn biến phức tạp có nguy cơ lan rộng, kéo dài (trong đó
thực hiện các nhiệm vụ, gồm: đề
ra và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chiến thuật
chữa cháy, phân công nhiệm vụ, khu vực, vị trí chiến đấu đối với các lực lượng,
phương tiện tham gia); huy động và đề nghị người có thẩm
quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản, nguồn nước và vật liệu để chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ.
d) Đảm bảo công tác thông tin liên lạc
phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cung cấp thông tin cho cơ quan truyền
thông, cập nhật tình hình và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định. Phối hợp với
các đơn vị chức năng của địa phương và trung ương tuyên truyền, khuyến cáo và tổ
chức cho người dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm nếu cần thiết (trường hợp
có nguy cơ phát no, phát tán chất khí, hóa chất độc; sạt lở đất đá, ngập lụt...); thông tin, phổ biến các mối nguy
hiểm do cháy, sự cố, tai nạn tác động và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh, đặc
biệt đối với trường hợp nguy cơ bị nhiễm độc qua đường hô hấp, qua da, nhiễm độc nguồn nước...
đ) Tham mưu, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh
các điều kiện về hậu cần phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (bổ
sung nhiên liệu, hóa chất chữa cháy, phương tiện chiếu sáng, nước uống, thực phẩm
và thuốc y tế...) trong trường hợp thời gian chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kéo
dài để đảm bảo thuận lợi cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được liên tục
và đạt hiệu quả cao nhất.
e) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
có liên quan tham mưu người có thẩm quyền ban hành quyết định huy động, đề xuất
hoàn thiện các thủ tục và tổ chức hoàn trả tài sản, bồi thường thiệt hại về tài
sản do việc trưng dụng, huy động để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại
Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
g) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị,
cơ quan chức năng bảo vệ, khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ
cháy, tai nạn, sự cố để xử lý nghiêm theo quy định của
pháp luật.
h) Phối hợp với các đơn vị liên quan
đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích
trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
k) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành và UBND các huyện, thành phố, các cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án và tổ
chức diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có sự phối hợp nhiều lực
lượng, phương tiện tại những cơ sở, khu vực có nguy cơ xảy ra cháy, sự cố, tai
nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp.
2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các
đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh:
a) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn
bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng phối hợp với các lực lượng khác tham gia chữa
cháy, cứu nạn, cứu hộ và giải tỏa đám đông tại nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn
quy mô lớn, diễn biến phức tạp. Phân công các đơn vị nghiệp vụ xử lý chất nổ, cấu
kiện xây dựng có thể sụp đổ, xác định người bị nạn, thực hiện các biện pháp xử
lý chất độc hại và thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban chỉ huy chữa
cháy.
- Phối hợp Công an tỉnh xây dựng các
phương án chữa cháy huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Tổ chức huấn
luyện, diễn tập các tình huống, phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán
bộ, chiến sỹ và lực lượng Dân quân tự vệ, đảm bảo nắm chắc quy trình thực hiện, sử dụng thành thạo các loại phương tiện, trang thiết
bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được trang cấp.
b) Các đơn vị Quân đội đóng quân ở địa
phương: Thực hiện lệnh huy động lực lượng, phương tiện và tài sản để chữa cháy
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 23
Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Sau khi huy động thì Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo cho người có thẩm quyền quản lý lực lượng,
phương tiện, tài sản đó biết.
3. Sở Giao thông vận tải: Huy động lực lượng, phương tiện trong phạm vi quản lý của ngành tham
gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; vận chuyển phương tiện,
trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và tài sản cứu được theo yêu cầu của
Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Điều động lực lượng Thanh tra Giao
thông phối hợp các lực lượng Công an, Quân đội hướng dẫn, điều tiết, phân luồng
giao thông và xử lý chướng ngại vật trên các tuyến đường đến khu vực xảy ra
cháy, tai nạn, sự cố.
4. Sở Xây dựng: Điều động các chuyên viên kỹ thuật để phối hợp
xác định tình trạng của các cấu kiện của công trình xây dựng dưới tác động của
các ngoại lực, nhiệt độ khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố để phục vụ cho công tác
chữa cháy, cứu người, cứu tài sản. Huy động lực lượng, phương tiện trong phạm
vi quản lý tham gia thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo yêu cầu
của Ban Chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
a) Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng xây dựng,
thực tập và triển khai thực hiện phương án PCCC rừng đối với từng khu vực rừng
có khả năng xảy ra cháy; phối hợp với UBND cấp xã (có rừng dễ cháy) thành lập
hoặc củng cố, ban hành quy chế hoạt động, bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện
và các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động của các đội PCCC rừng; tổ chức
lực lượng thường trực tại các khu rừng có khả năng xảy ra cháy.
b) Huy động lực lượng, phương tiện
trong phạm vi quản lý của ngành tham gia chỉ huy và tổ chức chữa cháy rừng; phối
hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh trong tham mưu, đề xuất cấp có thẩm
quyền huy động lực lượng, phương tiện kịp thời ứng phó với các tình huống cháy
rừng vượt quá khả năng chữa cháy của cấp huyện.
6. Sở Y tế:
a) Huy động y, bác sỹ và phương tiện,
dụng cụ cấp cứu, cơ số thuốc, tổ chức cấp cứu, chữa trị kịp thời cho nạn nhân
do cháy, sự cố, tai nạn gây ra. Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện việc
giám định mẫu ADN khi có các nạn nhân chưa xác định được danh tính, bảo quản
thi thể nạn nhân bị thiệt mạng theo đúng quy định để phục vụ khám nghiệm và bàn
giao cho gia đình nạn nhân.
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan
và chính quyền địa phương xây dựng phương án và giải pháp vệ sinh, làm sạch môi
trường, phòng chống dịch bệnh sau khi cháy, sự cố, tai nạn
xảy ra.
7. Sở Tài chính:
a) Phối hợp với Công an tỉnh và các
cơ quan chức năng tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để chi trả chế độ, chính
sách đối với lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy, phục vụ chữa cháy theo quy
định.
b) Hoàn thiện các thủ tục trưng dụng
và bồi thường thiệt hại nếu trong quá trình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có xảy
ra hư hỏng đối với các phương tiện được huy động đảm bảo
theo quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
8. Sở Lao động, Thương binh và Xã
hội: Phối hợp các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan
lập hồ sơ, tiến hành các thủ tục thực hiện các chế độ đối với
người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy theo quy
định hiện hành.
9. Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tham
gia sơ cấp cứu, cứu trợ xã hội khẩn cấp khi có cháy, sự cố, tai nạn lớn xảy ra
trên địa bàn tỉnh.
10. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
nắm tình hình, đưa tin về vụ cháy, sự cố, tai nạn và hoạt động của các lực lượng
chức năng trực tiếp tại hiện trường; phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị chức
năng khác tổ chức khuyến cáo những thông tin cần thiết nhằm
chủ động phòng ngừa và ứng phó trước các tác động nguy hiểm do cháy, sự cố, tai
nạn gây ra.
11. Đơn vị, doanh nghiệp cung cấp nước
nơi xảy ra cháy: Đóng các van chặn, tập trung đưa nước
tới các trụ nước ở khu vực xảy ra cháy; đảm bảo lưu lượng và áp lực liên tục
trên đường ống phân phối chính tại khu vực xảy ra cháy lớn.
12. Công ty Điện lực Lâm Đồng: Nắm tình hình, thông báo các đơn vị Điện lực, Đội quản lý vận hành lưới
điện cao thế nơi xảy ra cháy, sự cố,
tai nạn kịp thời cắt điện để đảm bảo an toàn cho việc chữa cháy, cứu người, cứu
tài sản; tổ chức kiểm tra, xác định mạng lưới điện ở khu vực xảy ra cháy, sự cố, tai nạn.
13. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:
a) Huy động lực lượng, phương tiện
trong phạm vi quản lý tham gia chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Bố
trí địa điểm tạm thời để cấp cứu nạn nhân,
nơi cho nhân dân sơ tán, để tài sản; đồng thời giúp nhân
dân sớm ổn định cuộc sống và khắc phục hậu quả sau khi xảy ra cháy, sự cố, tai
nạn.
b) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo
chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
14. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị,
tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác trên địa bàn tỉnh: Thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu
hộ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ
trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc;
người đứng đầu các cơ quan, tổ chức theo chức năng nhiệm vụ được phân công, xây
dựng kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Định kỳ hàng năm
báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.
2. Giao
Công an tỉnh là cơ quan thường trực về công tác PCCC và CNCH tỉnh theo dõi, hướng
dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp tình
hình, kết quả và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Công an (C07);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Công ty Điện lực Lâm Đồng;
- Công ty CP Cấp thoát nước Lâm
Đồng;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Lâm Đồng;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Văn Hiệp
|