ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 396/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 26
tháng 9 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ TIÊU HUỶ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ
THỰC VẬT SAU SỬ DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2024-2030
Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch
thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25/11/2013;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường
số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020;
Căn cứ Nghị định số
08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14;
Căn cứ Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và môi trường Quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc Hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển
và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
Căn cứ Quyết định số
16/2023/QĐ-UBND ngày 19/5/2023 của UBND tỉnh Lào Cai Quyết định Ban hành Quy định
một số nội dung về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
Căn cứ Quyết định số
894/QĐ-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh Lào Cai Quyết định ban hành Bộ tiêu
chí về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Lào
Cai giai đoạn 2022-2025;
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai
Ban hành Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực
vật (BVTV) sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2024-2030, với những
nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Nâng cao nhận thức, ý thức,
trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cũng như
việc thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đảm
bảo theo đúng quy định; tạo tiền đề để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng
hóa, nông nghiệp hữu cơ, hướng tới nền sản xuất trồng trọt xanh, sạch, bảo vệ
môi trường và sức khỏe cộng đồng; thực hiện tốt tiêu chí về môi trường trong
xây dựng nông thôn mới;
- Nâng cao hiệu quả quản lý đối
với cơ quan Nhà nước tại các địa phương trong công tác thu gom, vận chuyển và xử
lý tiêu huỷ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh trên địa bàn tỉnh;
- Huy động được các nguồn lực
trong xã hội để thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử
dụng phát sinh trong quá trình sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo
kịp thời, có hiệu quả.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện Kế
hoạch phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự điều
hành triển khai cụ thể của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan,
đơn vị, đoàn thể, địa phương. Đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ gia đình,
cá nhân trong việc thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ phải được thực hiện thường
xuyên, liên tục, tập trung. Sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải quyết liệt,
kiên trì và đồng bộ;
- Xác định việc thu gom, vận
chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh là
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, doanh nghiệp và người sử
dụng thuốc BVTV;
- Tăng cường sự phối hợp chặt
chẽ giữa các sở, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và
cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của
Trung ương, của tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo công tác thu gom, vận chuyển, xử lý
tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đến các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần
nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp;
thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng;
- Xác định rõ vai trò, trách
nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động thu gom, xử lý tiêu hủy bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng trong sản xuất nông lâm nghiệp của chính quyền và
các cơ quan chuyên môn các cấp.
II. THỰC TRẠNG
CÔNG TÁC THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ TIÊU HỦY BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
SAU SỬ DỤNG
1. Tình hình phát sinh vỏ
bao gói thuốc BVTV sau sử dụng
Theo báo cáo thống kê của ngành
nông nghiệp với diện tích cây trồng hàng năm hiện nay tỉnh Lào Cai sử dụng khoảng
160 tấn thuốc BVTV gồm các loại: Thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ, trừ ốc, thuốc
kích thích sinh trưởng...; trong đó thuốc trừ cỏ chiếm tỉ lệ lớn nhất khoảng
75% (120 tấn), sử dụng chủ yếu trên các vùng sản xuất lớn như: Lúa, ngô, chè,
chuối, dứa, sắn... Số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh phải thu
gom khoảng 10-16 tấn/năm.
2. Thực trạng công tác thu
gom
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, với
diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 103.682 ha; trong đó 75.891 ha diện tích
đất trồng cây hàng năm và 27.790 ha diện tích trồng cây lâu năm; Theo báo cáo từ
các huyện, thị xã, thành phố, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 2.337 bể chứa bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được xây dựng, lắp đặt; tuy nhiên qua kiểm tra tại
một số nơi bể chứa bao gói thuốc BVTV được xây dựng chưa đảm bảo về chất lượng,
số lượng bể chứa mới đáp ứng được khoảng 8,3% lượng bể chứa cần xây dựng theo
quy định (Thông tư Liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT).
Việc thu gom bao gói thuốc BVTV
sau sử dụng tại nhiều địa phương thực hiện chưa tốt, người dân còn vứt bỏ bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng ngay tại nơi gần nguồn nước để pha chế thuốc như: Cạnh
mương, bờ suối, rìa nương đồi gây mất mỹ quan, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng xấu
đến môi trường.
Lượng bao gói thuốc BVTV sau sử
dụng của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh thu gom, vận chuyển bàn giao từ
năm 2020 đến hết năm 2023 là 8.592 kg và đã được UBND tỉnh cấp kinh phí xử lý
tiêu hủy theo quy định, tuy nhiên số lượng vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng
này mới đạt khoảng 30% khối lượng cần thu gom. Lượng bao gói thuốc BVTV còn lại
tại các bể chứa và nhiều địa phương bà con nông dân đã gom đốt cùng với phụ phẩm
nông nghiệp gây ô nhiễm trực tiếp môi trường không khí. Trong 6 tháng đầu năm
2024 các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thu gom, vận chuyển và bàn giao về Sở
Nông nghiệp và PTNT qua (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật là 3.519kg) mới
đạt khoảng 35% khối lượng cần thu gom. Tại các vùng sản xuất vẫn còn lượng lớn
vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tồn lưu tại các bể chứa của các huyện, thị
xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chưa được thu gom, vận chuyển, bàn giao để xử
lý tiêu huỷ theo quy định.
III. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Nâng cao ý thức trách nhiệm của
người sử dụng thuốc BVTV, vai trò của các tổ chức, cá nhân liên quan trong thực
hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; giảm thiểu nguồn rác thải nguy hại
từ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đối với môi trường sinh thái và sức khỏe cộng
đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống
bể chứa, khu vực lưu chứa, điểm thu gom, đầu mối thực hiện xử lý, tiêu hủy bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2030, xây dựng, lắp đặt
bổ sung 25.923 bể chứa và 139 khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng;
cải tạo sửa chữa, xây dựng mở rộng 01 kho chứa thuốc BVTV để chứa vỏ bao gói
thuốc sau sử dụng trên địa bàn tỉnh tại xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai;
- Xây dựng mô hình điểm về sử dụng
thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa
bàn các huyện, thị xã, thành phố (mỗi huyện, thị xã, thành phố 1-2 mô hình);
- Ít nhất 90% bao gói thuốc
BVTV sau sử dụng phát sinh từ hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp được thu gom
vào các bể chứa;
- 100% bao gói thuốc BVTV sau sử
dụng đã thu gom vào bể chứa, khu vực lưu chứa được vận chuyển, xử lý tiêu hủy
theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
- 100% các xã, phường, thị trấn,
các khu sản xuất trồng trọt tập trung trên địa bàn tỉnh được xây dựng bể chứa,
khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và thường xuyên tổ chức các hoạt
động thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy một cách hiệu quả;
- 90 % cán bộ quản lý, công chức,
viên chức phụ trách lĩnh vực môi trường, trồng trọt, bảo vệ thực vật, các tổ chức,
doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và ít nhất 70% đội ngũ trưởng
thôn, bản, tổ dân phố được tuyên truyền về quản lý, sử dụng thuốc BVTV và tác hại
của chất thải từ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, được tập huấn hướng dẫn thu
gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để chỉ đạo, hướng dẫn Nhân dân thực hiện;
- 90% số hộ sản xuất trồng trọt
được tập huấn, hướng dẫn về sử dụng thuốc BVTV, thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói
thuốc BVTV sau sử dụng đảm bảo an toàn, hiệu quả và theo nguyên tắc "4
đúng", “5 quy tắc vàng”.
IV. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Về giảm
thiểu, hạn chế nguồn chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp
- Tuyên truyền, vận động người
dân hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon để chứa đựng hạt giống, phân bón, thuốc
BVTV khi đưa ra đồng ruộng; khuyến khích các hộ gia đình cùng nhau mua loại
bao, gói, chai thuốc loại lớn thay cho việc mua bao gói loại nhỏ để sử dụng;
- Khuyến khích sử dụng thiết bị
bay không người lái trong việc phun thuốc BVTV đối với những nơi có đủ điều kiện,
nhằm hạn chế bao gói được thải ra môi trường một cách vô thức;
- Sử dụng đúng kỹ thuật với những
vật liệu nhựa dùng che phủ đất, che chắn mạ, che rau, lưới cước ... để tăng số
lần tái sử dụng, hạn chế mua sắm mới;
- Sử dụng các vật liệu như rơm,
rạ, cỏ khô, lá cây...trong che phủ đất vừa hạn chế việc sử dụng chất thải nhựa,
tạo độ mùn cho đất;
- Thực hiện xã hội hóa, nâng
cao vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong hoạt động thu gom, vận chuyển và
xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
2. Tập huấn,
tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, người sản xuất sử dụng thuốc
BVTV an toàn, hiệu quả và thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng
- Cấp tỉnh tổ chức 63 lớp tập
huấn tại mỗi huyện 01 lớp/năm cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức phụ
trách lĩnh vực môi trường, trồng trọt, bảo vệ thực vật; các tổ chức, cá nhân
buôn bán thuốc BVTV nắm vững kiến thức và các quy định liên quan đến thuốc BVTV
để hướng dẫn cho người dân về sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Cấp huyện tổ chức 270 lớp tập
huấn, mỗi năm tổ chức 05 lớp/huyện về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu
quả theo nguyên tắc “4 đúng”, “5 quy tắc vàng” và hướng dẫn thu gom, vận chuyển
để xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định nhằm nâng
cao kiến thức cho tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh
doanh, buôn bán và người sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn các huyện, thị xã,
thành phố;
- Xây dựng tài liệu, sổ tay, in
ấn phát hành tờ rơi, pano, áp phích, tập huấn hướng dẫn các biện pháp, quy
trình kỹ thuật cần áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế đến mức thấp
nhất về sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực
phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường (197.000 tờ rơi, 3000 tờ
postes, áp phích);
- Lồng ghép các chương trình, đề
tài, dự án, tập huấn mùa vụ của khuyến nông để tập huấn cho nông dân về sử dụng
thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và hướng dẫn thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng;
- Xây dựng và phát sóng các
tin, bài, phóng sự với các nội dung về hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an
toàn, hiệu quả; khuyến khích sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, thảo mộc...;
hướng dẫn kỹ thuật thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; ảnh hưởng của
việc xả thải bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng
để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh (05 tin bài, phóng sự/năm); cấp huyện năm 2024 là 01 tin bài,
từ năm 2025-2030 là 03 tin bài/huyện, thị xã, thành phố/năm do các Trung tâm
Văn hóa, Thể thao - Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố thực hiện;
- Phát huy vai trò của các tổ
chức đoàn thể, các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tuyên truyền cho hội viên,
đoàn viên, thành viên của tổ chức mình hiểu và hướng dẫn nông dân chấp hành các
quy định trong việc sử dụng thuốc BVTV và thu gom, bàn giao bao gói thuốc BVTV
sau sử dụng. Hàng năm tổ chức phát động các phong trào thu gom bao gói thuốc
BVTV sau sử dụng tại những nơi phát sinh nguồn thải góp phần bảo vệ môi trường;
- Tuyên truyền, vận động, kêu gọi
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí để xây dựng bể chứa,
khu vực lưu chứa và thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu huỷ bao gói thuốc BVTV sau
sử dụng.
3. Xây dựng
mô hình điểm về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom, vận chuyển, xử
lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng
- Xây dựng các mô hình điểm về
sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom, vận chuyển bao gói thuốc BVTV sau sử dụng
trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện
mô hình làm căn cứ để các địa phương nhân rộng trên địa bàn quản lý đảm bảo
theo đúng quy định.
- Xây dựng mô hình câu lạc bộ
IPM, IPHM với sự tham gia của các hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để
trao đổi những bài học kinh nghiệm trong sản xuất, tuyên truyền và phổ biến các
tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt là nguyên tắc “4 đúng”, “5 quy tắc vàng”
trong sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm
cây trồng.
4. Rà soát,
xây dựng, lắp đặt bể chứa, khu vực lưu chứa vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng
- Kiểm tra, rà soát, cải tạo, sửa
chữa, thay thế các bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng bị vỡ, hỏng hoặc
không đảm bảo theo quy định;
- Hàng năm tổ chức khảo sát,
xây dựng và lắp đặt, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện đủ 100% số lượng bể chứa
phải xây dựng theo quy định, xây dựng các khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV
sau sử dụng tại các khu vực sản xuất nông nghiệp của các xã, phường, thị trấn
trên địa bàn tỉnh đảm bảo đủ số lượng, tiêu chí bảo vệ môi trường theo quy định,
thuận lợi cho công tác thu gom, lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, lồng
ghép với quy hoạch nông thôn mới, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa
phương;
- Số lượng, chất lượng, vị trí
lắp đặt bể chứa phải đảm bảo theo quy định tại khoản a,b,c,d; điểm 2, Điều 3
Thông tư Liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT- BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn việc thu
gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
5. Thu gom,
vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh
- Hàng năm, UBND các huyện, thị
xã, thành phố xây dựng dự toán kinh phí thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng
theo điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND ngày 05/7/2024 của Hội
đồng nhân dân tỉnh Lào Cai Quy định về nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của ngân
sách cấp huyện và trách nhiệm UBND cấp huyện quy định tại Khoản 2, Điều 7 Thông
tư Liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn - Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn việc thu gom, vận
chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng;
- Hỗ trợ vật tư, dụng cụ thu
gom (bao tải dứa, bao nilon, dây buộc), nhân công để thực hiện công tác
thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các mô hình thu gom bao gói thuốc
BVTV sau sử dụng, tại khu vực lưu chứa được đóng gói trong bao gói chuyên dụng
có khả năng chịu được va chạm, chống được sự ăn mòn, không bị han gỉ, không phản
ứng hóa học với thuốc BVTV chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu,
rò rỉ ra ngoài.
6. Phát động
phong trào toàn dân giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt
và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
- Hàng năm phát động các phong
trào thi đua, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có
thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến trong công tác thu gom, vận chuyển,
xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp;
- Phát động phong trào toàn dân
giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt, phong trào thu gom
bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tập trung tại các khu vực đầu nguồn nước, vùng sản
xuất nông nghiệp thường xuyên sử dụng thuốc BVTV.
7. Quản lý,
kiểm tra, hướng dẫn triển khai công tác thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc
BVTV sau sử dụng
- Hàng năm cơ quan chuyên môn
kiểm tra, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về công tác triển khai thực
hiện xây dựng, lắp đặt, quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV
sau sử dụng và công tác thu gom, vận chuyển bàn giao bao gói thuốc BVTV sau sử
dụng trên địa bàn để xử lý tiêu huỷ theo quy định;
- Tăng cường công tác tự kiểm
tra, giám sát của cộng đồng; công tác kiểm tra của chính quyền địa phương; Tổ
chức hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành nhằm phát hiện
và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thuốc
BVTV, phân bón; vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố xác định và giao nhiệm vụ cụ thể, phân rõ trách nhiệm cho UBND cấp
xã và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương để quản lý bể chứa, khu vực lưu
chứa bao gói thuốc BVTV trên địa bàn để quản lý, sử dụng có hiệu quả đúng quy định.
8. Về khoa
học công nghệ
- Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ
khoa học kỹ thuật như chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức
khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), 3 giảm 3 tăng, SRI ... khuyến khích thực hiện
áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, hỗ trợ việc sử dụng các loại thuốc BVTV
sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc thế hệ mới trong sản xuất nông nghiệp để giảm
thiểu nguồn rác thải, đặc biệt là bao gói thuốc BVTV trong sản xuất trồng trọt;
- Ứng dụng công nghệ thông tin
trong việc quản lý dữ liệu về bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa
trong sản xuất trồng trọt;
- Phát hiện, phổ biến và trao
giải thưởng môi trường, sáng tạo kỹ thuật đối với các mô hình, giải pháp, sáng
kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; đưa tiêu
chí giảm thiểu, phân loại, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải
nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các địa
phương.
9. Vốn và
cơ chế chính sách
- Vận dụng tốt các chính sách
tín dụng, chính sách về thuế, chính sách hỗ trợ trong ứng dụng, chuyển giao
công nghệ đối với nhà đầu tư trong hoạt động xử lý môi trường;
- Xây dựng cơ chế, chính sách
thu hút, khuyến khích, xã hội hóa về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải
nguy hại khu vực nông thôn, tạo động lực để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài
tỉnh đầu tư vào xử lý chất thải nguy hại;
- Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở
sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc thu hồi,
xử lý thuốc BVTV quá hạn sử dụng; vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV
sau sử dụng;
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác
xây dựng, lắp đặt bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên
địa bàn các huyện, thị xã, thành phố từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản
xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, phân bón...
(Nội dung thực hiện có biểu
chi tiết kèm theo)
V. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
Tăng cường huy động và sử dụng
có hiệu quả các nguồn kinh phí để triển khai thực hiện kế hoạch. Hàng năm, bố
trí phân bổ kinh phí để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch theo nguyên tắc:
- Đối với các nhiệm vụ do cơ
quan cấp tỉnh thực hiện: Căn cứ các nội dung của Kế hoạch, hàng năm Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán kinh phí theo quy định của Luật ngân
sách nhà nước gửi Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh phê duyệt,
quyết định từ nguồn Ngân sách Quỹ bảo vệ môi trường; nguồn tài trợ của các tổ
chức, cá nhân; nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định;
- Đối với nhiệm vụ do cơ quan cấp
huyện thực hiện: Căn cứ các nội dung của Kế hoạch, hàng năm các đơn vị liên
quan thuộc cấp huyện lập dự toán kinh phí cùng với dự toán ngân sách hàng năm
theo quy định của Luật ngân sách nhà nước gửi phòng Tài chính - Kế hoạch cấp
huyện thẩm định, tổng hợp báo cáo UBND cấp huyện bố trí từ nguồn ngân sách địa
phương.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Là cơ quan chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan
triển khai thực hiện Kế hoạch này;
- Hàng năm tổng hợp xây dựng dự
toán kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch: Kinh
phí tuyên truyền, tập huấn, in ấn tài liệu, tờ rơi, poster, áp phích..., xây
dựng mô hình điểm, xây dựng bể chứa, khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử
dụng trên địa bàn tỉnh gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét theo
quy định;
- Tổ chức tuyên truyền, vận động
nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân trong thực hiện vệ sinh môi
trường, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về thu gom, vận chuyển,
xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất
trồng trọt;
- Tổ chức các lớp tập huấn,
tuyên truyền về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom bao gói thuốc
BVTV sau sử dụng cho cán bộ quản lý, công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực
môi trường, trồng trọt, bảo vệ thực vật; các tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc
BVTV trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố;
- Biên soạn tài liệu tuyên truyền,
in ấn phát hành tờ rơi, poster, áp phích hướng dẫn về sử dụng thuốc BVTV an
toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”, “5 quy tắc vàng” và hướng dẫn thu gom,
vận chuyển xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định;
- Xây dựng mô hình điểm về sử dụng
thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa
bàn các huyện, thị xã, thành phố;
- Kiểm tra, hướng dẫn các địa
phương và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc lựa chọn địa điểm để lắp đặt bể
chứa và xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn
các huyện, thị xã, thành phố;
- Tham mưu tổ chức phát động phong
trào thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cấp tỉnh;
- Tăng cường thanh tra, kiểm
tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp nói chung và thuốc
BVTV nói riêng trên địa bàn tỉnh; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi
phạm theo quy định của pháp luật;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường hướng dẫn việc vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử
dụng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định về quản lý chất thải nguy hại;
- Vận động các tổ chức, cá nhân
sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV tham gia xã hội hoá trong xây dựng bể chứa bao
gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt;
- Định kỳ hàng năm tổng kết,
đánh giá kết quả thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc
BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu UBND tỉnh thu hút,
kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho công tác thu gom, xử lý tiêu hủy
bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp, thống nhất với Sở
Tài chính và UBND cấp huyện cân đối kinh phí để đảm bảo thực hiện hiệu quả các
nội dung Kế hoạch.
3. Sở Tài chính
- Hàng năm, chủ trì phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường,
UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan căn cứ vào khả năng
ngân sách của địa phương, tham mưu trình UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để triển
khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra theo quy định về phân cấp
quản lý ngân sách nhà nước hiện hành;
- Hướng dẫn các huyện, thị xã,
thành phố đơn vị liên quan về kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện kế hoạch
này.
- Thẩm định, hướng dẫn Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung chi, mức chi, số lượng, nguồn vốn thực
hiện và thanh quyết toán kinh phí đúng quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện
chức năng quản lý Nhà nước về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy
chất thải nguy hại, chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với UBND
các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các
quy định về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường về quản lý chất thải
nguy hại và các quy định liên quan trong quá trình hoạt động của các cơ sở, khu
xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc vận chuyển, bàn giao và xử lý
tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định về
quản lý chất thải nguy hại.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì phối hợp với các sở,
ban, ngành, địa phương tổng hợp, tham mưu phê duyệt và hỗ trợ kinh phí triển
khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến ứng dụng khoa học và công
nghệ tiên tiến, hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp;
- Ưu tiên đề xuất, triển khai
các nhiệm vụ liên quan đến thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng;
nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện
với môi trường, công nghệ tái chế và xử lý chất thải nhựa.
6. Sở Thông tin và Truyền
thông
- Phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan, cơ quan thông tin đại chúng và UBND các huyện, thị xã thành phố
thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức chấp hành
pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và tuyên truyền về phân loại bao gói
thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp;
- Định hướng các cơ quan thông
tấn, báo chí phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện,
thị xã, thành phố thực hiện tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, các
trang mạng xã hội (facebook, zalo...) và các phương tiện thông tin đại chúng về
công tác thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khu
vực sản xuất tập trung trọng điểm, khu vực đầu nguồn nước... để nâng cao nhận
thức của cộng đồng về công tác vệ sinh môi trường nông thôn.
7. Hiệp hội Doanh nghiệp,
Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn
bán và người sử dụng thuốc BVTV
Phối hợp tuyên truyền, vận động
các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực BVTV cùng
chung tay giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, góp phần đẩy lùi ô nhiễm do sử dụng
thuốc BVTV bằng các giải pháp, sáng kiến cụ thể, thiết thực ngay trong công việc,
sinh hoạt hàng ngày và trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình; hạn
chế sử dụng thuốc BVTV, tự giác phân loại rác thải; tích cực hưởng ứng và tham
gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh”, phong trào“Lào Cai chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”;
chuyển sang phân phối, kinh doanh các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học,
thảo mộc...; tham gia đóng góp xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý
tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
8. Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Báo Lào Cai
- Xây dựng chuyên trang, chương
trình, bài viết, phóng sự chuyên sâu, tăng thời lượng thông tin trên các ấn phẩm
báo chí, tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ thuốc BVTV để từng bước
thay đổi tư duy, thói quen lệ thuộc vào thuốc BVTV hoá học, tuyên truyền về các
giải pháp giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, tăng cường sử dụng thuốc BVTV
sinh học, thuốc thảo mộc thân thiện với môi trường; những mô hình sản xuất áp dụng
các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến hạn chế về sử dụng thuốc BVTV, không sử
dụng thuốc BVTV trong sản xuất; tuyên truyền mô hình hay, tấm gương tiêu biểu
trong sản xuất và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để phát huy sự tham
gia, chung tay của cộng đồng trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường;
- Xây dựng phóng sự tuyên truyền,
ghi hình, đưa tin về các hoạt động thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV
sau sử dụng trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Truyền
thông các huyện, thị xã, thành phố dành thời lượng để tuyên truyền tại địa
phương.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ
quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Thực hiện vai trò giám sát của
Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thu gom, xử lý
tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; kịp thời phát hiện và đấu tranh với
các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa
bàn;
- Phối hợp với chính quyền,
ngành chức năng liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn
viên, hội viên và Nhân dân về bảo vệ môi trường, gắn với phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào“Lào
Cai chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”;
- Tổ chức phát động phong trào
gắn với các hoạt động của Hội, đoàn thể tổ chức các ngày vì môi trường để thu
gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp
trên địa bàn tỉnh;
- Hàng năm tổ chức phát động
phong trào toàn dân giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa trong sinh hoạt và trong
sản xuất nông nghiệp cấp tỉnh.
10. UBND các huyện, thị xã,
thành phố
- Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh
về chất lượng vệ sinh môi trường và kết quả triển khai các chương trình, kế hoạch,
phong trào bảo vệ môi trường và các nội dung, nhiệm vụ được giao trong kế hoạch
này tại địa phương;
- Giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND
cấp xã để quản lý bể chứa, khu vực lưu chứa ở từng xã, phường, thị trấn (theo
khoản 3, Điều 7 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT); phối
hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan của tỉnh trong thực hiện kế hoạch
này;
- Căn cứ vào tình hình thực tế
tại địa phương để xây dựng kế hoạch tập huấn, tuyên truyền cụ thể hoặc lồng
ghép với các lớp tập huấn khác để đảm bảo sự phù hợp, tính hiệu quả. Tổ chức
tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn, hiệu quả
và phân loại, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để xử lý tiêu huỷ đảm bảo
theo đúng quy định;
- Rà soát, thống kê các bể chứa
bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng cần thay thế và các xã chưa có bể chứa,
khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để xây dựng, lắp đặt, sửa chữa
đảm bảo yêu cầu quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số
07/2024/NQ-HĐND ngày 05/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai và (tại
khoản 2, khoản 4 điều 3, Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT- BNNPTNT-BTNMT). Bố
trí, phê duyệt địa điểm, quỹ đất xây dựng khu vực lưu chứa bao gói thuốc BVTV
sau sử dụng cho các xã, phường, thị trấn;
- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp
xã thực hiện việc tuyên truyền, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; quản lý
việc thu gom, vận chuyển, bàn giao bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn;
- Tổ chức phát động phong trào
thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; phong trào toàn dân giảm thiểu sử dụng
chất thải nhựa trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn;
- Tuyên truyền, vận động các tổ
chức, cá nhân tham gia xây dựng, lắp đặt bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng;
huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và Nhân dân để khuyến khích sự tham
gia của cộng đồng;
- Thường xuyên kiểm tra, hướng
dẫn việc thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo quy định của pháp luật;
- Hàng năm xây dựng dự toán
kinh phí thực hiện thu gom, vận chuyển bao gói thuốc BVTV sau sử dụng gửi Sở
Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt để tổ chức thực hiện.
11. Chế độ thông tin, báo
cáo
- Định kỳ, hàng năm UBND các
huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo kết quả triển khai thực hiện kế hoạch
trước ngày 10/12; Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ
quan, đơn vị liên quan theo nhiệm vụ phân công tổng hợp báo báo kết quả triển
khai thực hiện kế hoạch về UBND tỉnh qua (Sở Nông nghiệp và PTNT) để tổng
hợp báo cáo;
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT tổng
hợp kết quả triển khai thực hiện kế hoạch, tình hình phát sinh, thu gom, xử lý
tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh, Bộ
Nông nghiệp và PTNT theo quy định.
Yêu cầu các sở, ngành, cơ quan,
đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực
hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng
mắc, vượt thẩm quyền giải quyết, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời
phản ánh bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp,
báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (bc);
- CT, PCT1;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, KH và CN; Tài
nguyên và Môi trường; Tư pháp;
- UBMTTQ và các tổ chức CTXH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh; Báo Lào Cai;
- CVP và các Phó CVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, TH, NLN1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Quốc Khánh
|