Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 359/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Trần Sỹ Thanh
Ngày ban hành: 10/12/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 359/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2024

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA SÁNG - XANH - SẠCH - ĐẸP CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm, thúc đẩy phong trào chung tay hành động để xây dựng Thủ đô Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, phát triển bền vững, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng, mang tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, từ kiểm soát rác thải, nước thải đến cải thiện chất lượng không khí, nhằm xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo Thành phố.

- Huy động toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia hành động làm sáng, xanh, sạch, đẹp Thành phố, với sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp, ngành, tổ chức và người dân trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tạo ra phong trào rộng khắp, mạnh mẽ, thực hiện đồng bộ trên mọi mặt của đời sống xã hội.

- Nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử đối với môi trường Thủ đô, khuyến khích mỗi cá nhân, gia đình, cơ quan và đơn vị chủ động bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh và có trách nhiệm, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

2. Chỉ tiêu

- 100% các quận, huyện, thị xã, khu dân cư tổ chức phong trào tự quản về môi trường.

- 100% quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; chủ động lựa chọn đối tượng và địa bàn ưu tiên triển khai mô hình phân loại, giảm phát thải chất thải rắn sinh hoạt theo lộ trình và đánh giá, nhân rộng các mô hình tốt.

- Từ 50% nước thải sinh hoạt đô thị trở lên được xử lý trước khi xả ra môi trường.

- Phấn đấu 75% - 80% số ngày trong năm (theo số liệu các trạm quan trắc chuẩn của quốc gia và Thành phố) có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình; kiểm soát nồng độ PM2.5 trung bình năm đến năm 2030 ở phần lớn các trạm chuẩn trong khu vực nội đô dưới mức 40 µg/Nm3 và dưới mức 35 µg/Nm3 đối với các khu vực ngoại thành.

- 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% khí thải từ các nhà máy công nghiệp được xử lý đạt QCVN; 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; giảm việc đốt vàng mã.

3. Yêu cầu:

- Công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện phải toàn diện, đồng bộ và có chiều sâu với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn Thành phố. Tạo thay đổi tích cực rõ rệt trong công tác quản lý chất lượng môi trường, có các hoạt động hiệu quả, thiết thực nhằm phát huy nội lực, trí tuệ của toàn hệ thống chính trị.

- Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, phát huy tính năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực và sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hình thức thực hiện thiết thực, có sự tham gia của toàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, lan toả, trở thành thói quen, nếp sống văn hoá trong đời sống nhân dân Thủ đô.

- Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc, có sức lan tỏa trong hoạt động phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố; công tác khen thưởng đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời.

- Các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chậm tiến độ hoặc triển khai không hiệu quả các nội dung theo Kế hoạch chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung phong trào thi đua

- Phát động và tổ chức phong trào thi đua thúc đẩy xây dựng đô thị, khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, như: phong trào toàn dân phân loại rác tại nguồn, cùng hành động bảo vệ không khí sạch, bầu trời xanh cho thành phố Hà Nội, chung tay làm sạch sông, hồ, mỗi nhà trồng một cây xanh. UBND các quận, huyện và thị xã, các sở, ban, ngành chủ động xây dựng kế hoạch phát động phong trào và tổ chức thực hiện.

- Thực hiện hiệu quả các Đề án, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ quản lý và kiểm soát chất lượng môi trường (không khí, chất thải rắn, nước thải), xây dựng cảnh quan đô thị, tạo không gian xanh, thân thiện với môi trường.

- Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng Thành phố “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

2. Đối tượng thi đua

Các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

3. Phạm vi và thời gian

- Phạm vi thực hiện phong trào: trên toàn địa bàn Thành phố.

- Thời gian thực hiện: Tổ chức phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp đều đặn, thường xuyên hằng năm.

4. Tiêu chí thi đua

Các tiêu chí thi đua sẽ được quy định cụ thể theo các nhóm nhiệm vụ, gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh và nâng cao chất lượng sống cho người dân.

TT

TIÊU CHÍ

Cơ QUAN QUẢN LÝ CHUYÊN NGÀNH

CƠ QUAN THỰC HIỆN

A

Tiêu chí chung

1

Vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải

a) Thu gom rác thải sinh hoạt

● Đánh giá: Tỷ lệ thu gom rác thải phát sinh trong ngày đúng giờ, đúng quy định, sạch rác tại các khu dân cư, đường phố.

● Điểm: Các quận, huyện, thị xã Sơn Tây đạt 100%.

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các quận, huyện và thị xã

b) Quản lý tình trạng đốt rác thải, đổ trộm CTR sinh hoạt, CTR xây dựng

● Đánh giá: Quản lý chất thải rắn, việc đốt rác thải, đổ trộm CTR sinh hoạt, CTR xây dựng không đúng quy định.

● Điểm: Không còn tình trạng đốt rác thải, đổ trộm CTR sinh hoạt, CTR xây dựng không đúng quy định.

c) Phương tiện vận chuyển CTRSH

• Đánh giá: Bố trí phương tiện vận chuyển CTRSH đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Điểm: 100% các phương tiện vận chuyển CTR sinh hoạt được lắp đặt camera, GPS, xe sạch và thùng xe kín khít không rò rỉ nước rác; thu gom và vận chuyển rác thải đúng lộ trình quy định.

2

Quản lý và xử lý nước thải hiệu quả

● Đánh giá: Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt chuẩn, bao gồm việc xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại các khu dân cư, khu đô thị.

● Điểm: Đạt tỷ lệ xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường từ 50% trở lên.

(Theo Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025”).

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các quận, huyện và thị xã

3

Cải thiện chất lượng không khí

● Đánh giá: Triển khai các hành động thiết thực giảm ô nhiễm từ các nguồn phát thải chính: giao thông, xây dựng, công nghiệp, dân sinh.

● Điểm: có các giải pháp điều tiết giao thông, giảm bụi đường; 100% các công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% khí thải từ các nhà máy công nghiệp được xử lý đạt QCVN; 100% các hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp; 100% không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; Giảm việc đốt vàng mã;

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các quận, huyện và thị xã

4

Phát triển và duy trì không gian xanh

● Đánh giá: Diện tích tối thiểu đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị (không bao gồm đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở)

● Điểm: Đạt tiêu chuẩn 7m2/người.

Sở Xây dựng

UBND các quận, huyện và thị xã

B

Tiêu chí cụ thể theo khu vực

1

Khu dân cư và các tổ tự quản môi trường

● Đánh giá: Mức độ tham gia của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn, làm sạch khu phố.

● Điểm: Tỷ lệ phân loại rác tại hộ gia đình đạt 100%, tỷ lệ tham gia các hoạt động làm sạch đường phố, khu phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các quận, huyện và thị xã

2

- Kế hoạch trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây xanh tại địa phương hàng năm được ban hành: Số lượng cây xanh được trồng mới; các biện pháp chăm sóc như tưới tiêu, cắt tỉa, xử lý kịp thời các vấn đề như sâu bệnh, nấm mốc hay các yếu tố gây hại khác.

Điểm: Đạt yêu cầu nếu có Kế hoạch trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh của các cấp được ban hành.

- Có đơn vị chức năng thực hiện Kế hoạch trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây xanh

Điểm: Đạt yêu cầu nếu có Đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch.

Sở Xây dựng

UBND các quận, huyện và thị xã

C

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng

1

Đánh giá: Mức độ tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường, bao gồm các chiến dịch tuyên truyền, hội thảo, lớp học về phân loại rác và bảo vệ môi trường.

Điểm: Tổ chức ít nhất 2 chiến dịch tuyên truyền quy mô mỗi năm, 100% các hộ gia đình tham gia các chương trình phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường tại địa phương

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các quận, huyện và thị xã

D

Tiêu chí về sáng tạo, đổi mới

1

Đánh giá: Mức độ áp dụng công nghệ trong việc quản lý rác thải, xử lý nước thải, theo dõi chất lượng không khí (ví dụ như sử dụng ứng dụng di động để báo cáo vi phạm môi trường).

Điểm: Ứng dụng ít nhất 2 công nghệ mới hoặc sáng kiến, sáng tạo trong bảo vệ môi trường tại khu vực.

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các quận, huyện và thị xã

E

Tiêu chí về kết quả hoạt động

1

Kết quả đạt được về môi trường sạch

Đánh giá: Tổng hợp kết quả cải thiện chất lượng môi trường sau khi triển khai phong trào, bao gồm giảm tỷ lệ rác thải, cải thiện chất lượng nước và không khí, tạo ra không gian sống xanh, sạch.

Điểm: Đạt mức cải thiện tổng thể về môi trường ít nhất 20% so với mức ban đầu.

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các quận, huyện và thị xã

5. Nguyên tắc đánh giá

a) Việc thi đua do UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai, thực hiện đánh giá theo các tiêu chí nêu trên và thực hiện khen thưởng theo thẩm quyền.

b) UBND các quận, huyện, thị xã xem xét, khen thưởng thuộc thẩm quyền và trình khen thưởng cấp Thành phố thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan thường trực).

c) Các Sở, ngành phụ trách các tiêu chí có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã để tham gia đánh giá, thẩm định nội dung trình khen thưởng cho tập thể, cá nhân cấp Thành phố.

d) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Thành phố căn cứ đề nghị của các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thẩm định, xem xét báo cáo UBND Thành phố khen thưởng theo quy định.

III. KHEN THƯỞNG

1. Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

- Xét tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố trên cơ sở đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (Cơ quan thường trực).

- Các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tặng giấy khen cho các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

2. Đối tượng khen thưởng.

- Tập thể: Các Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị - xã hội Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã; các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Cá nhân: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân.

3. Nguyên tắc khen thưởng

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của thành phố Hà Nội, đảm bảo tiêu chuẩn theo khoản 1 và khoản 3 Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

4. Tiêu chuẩn khen thưởng.

Đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương và Thành phố và các tiêu chuẩn cụ thể sau:

a) Đối với tập thể.

- Có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong số các tập thể thực hiện đợt thi đua như: tham gia tích cực, có giải pháp triển khai thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm tốt kế hoạch đã đề ra trong quá trình thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị, địa phương và của Thành phố; được địa phương, đơn vị đánh giá là tập thể đi đầu trong thực hiện phong trào thi đua;

- Có cá nhân tiêu biểu được xét, đề nghị Thành phố khen thưởng trong thực hiện đợt thi đua;

- Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

b) Đối với cá nhân.

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức tốt, đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Có thành tích tiêu biểu trong số các cá nhân thực hiện tốt đợt thi đua như: Đề xuất sáng kiến, giải pháp thực hiện các nội dung chuyên đề thi đua đạt hiệu quả, được tập thể đánh giá, ghi nhận, góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác của đơn vị, địa phương và Thành phố.

IV. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tổ chức rộng khắp, liên tục, thường xuyên các phong trào:

1.1. Chương trình “Cuối tuần xanh”

- Quy định mỗi tháng có ít nhất một ngày cuối tuần, tất cả các cơ quan, doanh nghiệp và tổ dân phố đồng loạt tổ chức hoạt động làm sạch môi trường: dọn dẹp rác thải tại khu vực gần nơi ở hoặc nơi làm việc, như bãi đất trống, cống rãnh, kênh mương; tham gia cùng các tổ chức cộng đồng làm sạch công viên, hồ nước hoặc khu vực công cộng.

1.2. Mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn”

- Tuyên truyền, hướng dẫn và đầu tư hạ tầng thực hiện phân loại rác tại nguồn tại các hộ gia đình, khu dân cư, cơ quan, trường học, công sở, khu công cộng... Thí điểm các mô hình thu gom rác thải đã phân loại tại một số khu đô thị, sau đó nhân rộng.

- Thu gom rác thải tái chế, rác thải cồng kềnh định kỳ và hỗ trợ các cơ sở xử lý.

1.3. Tổ chức chiến dịch “Hồi sinh sông hồ Hà Nội”, “Ven hồ không rác”, “Ngày hội quanh hồ”

- Tổ chức phong trào, chiến dịch làm sạch và cải tạo cảnh quan quanh các con sông và hồ tại Hà Nội; tổ chức “Ngày làm sạch sông hồ” tại phường/xã, huy động cư dân cùng thực hiện.

- Lắp đặt hệ thống camera và cảm biến đo chất lượng nước tại các con sông lớn, công bố dữ liệu công khai để tăng tính minh bạch; Đặt bảng tin “Dòng sông hôm nay” cập nhật tình trạng sạch/ô nhiễm hằng tuần, thúc đẩy ý thức giữ gìn vệ sinh. Thành lập các đội tại các tổ dân phố để giám sát, phát hiện tình trạng vi phạm đổ rác, xả nước thải vào sông hồ.

- Công khai các vi phạm như đổ rác, xả thải trái phép thông qua ứng dụng hoặc đường dây nóng.

1.4. Tái sinh không gian công cộng ven sông hồ

- Xây dựng các công viên, không gian công cộng ven hồ với cảnh quan xanh sạch, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ.

- Huy động cộng đồng tham gia đóng góp ý tưởng và hỗ trợ trồng cây xanh, làm đẹp khu vực ven hồ, sông.

1.5. Cùng Hành động vì bầu không khí sạch, thành phố xanh

- Thiết lập các vùng phát thải thấp nhằm hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí; cải tạo thêm các công viên, vườn hoa ven sông...

- Tổ chức chiến dịch “Cây xanh - Hơi thở Hà Nội”.

- Kịp thời phát hiện, xử phạt nghiêm cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không khí...

2. Áp dụng chính sách hỗ trợ người dân

- Hỗ trợ kết nối hệ thống nước thải: Thực hiện các chính sách khuyến khích, trợ giá lắp đặt hệ thống thoát nước cho các hộ gia đình khó khăn, khu vực khó tiếp cận.

- Chính sách khuyến khích xử lý nước thải tại nguồn: Cung cấp, hướng dẫn phương thức hỗ trợ kỹ thuật, như: sử dụng chế phẩm, bể lắng để người dân xử lý sơ bộ nước thải sinh hoạt trước khi xả vào hệ thống.

3. Huy động người dân tham gia giám sát

- Ứng dụng công nghệ số: phát triển ứng dụng hoặc cổng thông tin để người dân báo cáo nhanh các điểm xả thải trái phép, tắc nghẽn cống rãnh, hoặc ô nhiễm nước mặt.

- Hệ thống thưởng cho phát hiện vi phạm: Xây dựng cơ chế thưởng cho người dân cung cấp thông tin hữu ích về các vi phạm liên quan đến xả thải.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan thường trực phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố và các Sở, ngành có liên quan theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả; đồng thời đề xuất UBND Thành phố khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch tại địa phương. Kiểm tra, đánh giá các kế hoạch của các quận, huyện, thị xã; Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất UBND Thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời xem xét trách nhiệm, phê bình đối với các đơn vị, tổ chức, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành không triển khai thực hiện, thực hiện không hiệu quả.

- Tăng cường giám sát công tác duy trì vệ sinh môi trường trên các tuyến đường Thành phố quản lý theo phân cấp; thường xuyên kiểm tra, đảm bảo Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn duy trì tiếp nhận, xử lý rác thải ổn định, liên tục. Tiếp tục kêu gọi, thúc đẩy phát triển các dự án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, cải tạo môi trường các khu xử lý chất thải tập trung của Thành phố.

- Phối hợp với cơ quan truyền thông đưa tin tuyên truyền, phổ biến thông tin về phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố để vận động người dân và các cơ quan, tổ chức hưởng ứng, tích cực tham gia, tăng cường thu dọn, làm sạch rác thải tại tại vỉa hè, lòng đường, đường làng, ngõ xóm, các khu vực công cộng và các khu dân cư.

- Tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện của các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan; đề xuất việc tổ chức tổng kết và tuyên dương, khen thưởng theo quy định.

- Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 của Thành phố.

2. Công an Thành phố

- Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, tham gia đánh giá tiêu chí được phân công; hướng dẫn tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 của Thành phố.

- Phối hợp tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình xây dựng,...).

3. Sở Xây dựng

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/03/2021 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

- Tăng cường công tác duy trì, vận hành hệ thống thoát nước, cây xanh, vệ sinh môi trường tại các công viên, đảm bảo xanh, sạch, đẹp.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện vận chuyển phế thải xây dựng tại các công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố. Đảm bảo các phương tiện chuyên chở vật liệu, phế thải ra khỏi công trường phải được vệ sinh, che phủ, không để vật liệu, phế thải rơi vãi trong quá trình vận chuyển.

- Kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh (che chắn công trình, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng, phun nước, rửa đường, rửa xe ra vào công trình xây dựng,...)

- Đôn đốc xây dựng, hoàn thành các dự án xử lý nước thải tập trung và đề xuất các dự án xử lý nước thải mới của Thành phố theo quy hoạch.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động người dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, tiêu hủy phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; chuyển đổi phương thức chăn nuôi để giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường.

- Ứng dụng các công nghệ mới giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.

5. Sở Giao thông Vận tải

- Rà soát các dự án, hạng mục cải tạo, sửa chữa liên quan đến các tuyến đường, phố đảm bảo được che chắn gọn gàng, an toàn, thông thoáng, có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, các phương tiện vận chuyển không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường theo quy định khi vận chuyển rác thải, phế thải.

- Kiểm tra các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình giao thông thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh;

- Tiếp tục tập trung nguồn lực mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gắn với duy tu, đảm bảo an toàn giao thông và khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng giao thông;

- Tổ chức phân luồng, hạn chế tối đa tình trạng tắc nghẽn giao thông; giảm thời gian dừng đỗ và tăng tốc độ trung bình trong quá trình tham gia giao thông; Thiết kế hạ tầng cho các làn đường dành riêng cho xe đạp;

- Tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện chạy bằng nhiên liệu điện, nhiên liệu tái tạo, ít phát thải.

6. Sở Công thương

- Nghiên cứu chính sách về thuế, phí để khuyến khích, giảm giá xăng sinh học; Sớm đưa xăng sinh học E10 lưu thông trên thị trường theo lộ trình tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng về việc “Ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống”.

- Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 06/11/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng điện để phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên địa bàn Thành phố, cập nhật vào Phương án phát triển mạng lưới điện trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển năng lượng năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao

- Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức để góp phần thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố; tuyên truyền, lan tỏa để nhân rộng các hoạt động có ý nghĩa thiết thực, các gương điển hình, tiên tiến.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của Nhân dân Thủ đô về mục đích, ý nghĩa, nội dung Kế hoạch.

- Chỉ đạo phòng Văn hóa của UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền về các hoạt động phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố trên hệ thống phát thanh quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn.

8. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu bố trí nguồn vốn, hướng dẫn các thủ tục thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch, đảm bảo thời gian thực hiện.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phát động phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố đến các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.

- Xây dựng và lồng ghép nội dung kế hoạch này vào các chương trình giáo dục, khuyến khích các hoạt động ngoại khóa, giáo dục môi trường.

- Tăng cường nội dung môi trường trong các chương trình ngoại khóa, hoạt động giáo dục kỹ năng sống.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội.

- Phối hợp tuyên truyền, vận động các đoàn thể, Nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng tham gia Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố.

- Triển khai Kế hoạch thực hiện Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

- Tăng cường tổ chức, giám sát, phản biện việc triển khai thực hiện Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố.

- Phối hợp tuyên truyền, vận động các đoàn thể, tầng lớp Nhân dân Thủ đô tích cực hưởng ứng tham gia phong trào thi đua, đặc biệt phong trào tổng vệ sinh môi trường, giữ gìn đường phố, ngõ xóm luôn sạch đẹp.

- Kêu gọi toàn thể người dân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức quốc tế cùng chung tay đóng góp các sáng kiến, đề xuất các ý tưởng bảo vệ môi trường cho Thành phố thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

11. UBND các quận, huyện, thị xã

- Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch, đảm bảo sâu rộng, đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, nước thải, cải thiện chất lượng không khí và cảnh quan đô thị trên địa bàn. Huy động sự tham gia tích cực, thường xuyên của Nhân dân và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để làm sạch rác thải, vệ sinh môi trường. Chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về việc tổ chức thực hiện Kế hoạch.

- Chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng và UBND các phường, xã, thị trấn tuyên truyền đến các tổ dân phố, thôn, xóm về ý nghĩa của Phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố, xây dựng lối sống xanh thân thiện với môi trường thông qua các hệ thống phát thanh, truyền thông hằng ngày của các phường, xã, thị trấn.

- Kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn, trật tự đô thị, trật tự xây dựng, đảm bảo cảnh quan đô thị. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra việc đổ trộm, tập kết, đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp và các loại chất thải khác không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường; xử lý các công trình xây dựng đang thi công tập kết vật liệu gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường, đào hè, đào đường sai quy định, che chắn công trình không đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị; xử lý các hoạt động lấn chiếm không gian công cộng, sử dụng ô, bạt, lều lán, mái che, mái vẩy gây mất cảnh quan đô thị...

- Giám sát đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, đảm bảo đúng chất lượng, đủ nhân lực và phương tiện. Tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải về đúng nơi quy định, đảm bảo không có rác thải tồn đọng, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định đối với các đơn vị vi phạm.

- Rà soát quy hoạch, phân cấp; xây dựng các điểm xử lý chất thải rắn (trạm trung chuyển, cơ sở phân loại tái chế, điểm tập kết và cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng, rác thải cồng kềnh,...) đáp ứng nhu cầu tái chế, xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn; Tổ chức nghiên cứu, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn nhằm nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

- Triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

- Rà soát, cải tạo môi trường các khu xử lý, trạm trung chuyển rác thải trên địa bàn; đổi mới phương thức thu gom hiệu quả và có giải pháp để loại bỏ các điểm chân rác, điểm cẩu thùng rác, tập kết xe gom mất vệ sinh môi trường và cản trở giao thông.

- Nghiên cứu xây dựng các vùng phát thải thấp theo quy định tại Luật Thủ đô.

- Đề xuất UBND Thành phố xem xét việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

- Báo cáo kết quả thực hiện Phong trào thi đua gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp trước ngày 20/12 hằng năm.

12. Ban thi đua Khen thưởng Thành phố.

Hướng dẫn Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy trình, hồ sơ đề nghị khen thưởng đảm bảo đúng quy định; tham mưu đề xuất UBND Thành phố hình thức khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện xuất sắc phong trào thi đua./.


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- Các Tổ chức Chính trị - Xã hội Thành phố;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc Thành phố;
- Công an Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUBTP: CVP, các P.CVP, các phòng: ĐT, KGVX, KTTH, NC, TH;
- Lưu: VT, TNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Sỹ Thanh

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 359/KH-UBND ngày 10/12/2024 thực hiện phong trào thi đua Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp của Thành phố Hà Nội

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


686

DMCA.com Protection Status
IP: 18.220.226.147
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!