ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2157/KH-UBND
|
Quảng Bình, ngày
23 tháng 11 năm 2020
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN ĐẾN NĂM 2030 PHÊ
DUYỆT TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 957/QĐ-TTG NGÀY 06/7/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở
nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang diễn biến phức tạp, uy hiếp
trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân ven sông, ven biển. Triển khai
thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm
2030; để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo
đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, công trình phòng chống thiên
tai, cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất, ổn định dân sinh; UBND tỉnh ban hành Kế
hoạch thực hiện Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 phê duyệt
tại Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa
bàn tỉnh Quảng Bình như sau:
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ,
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Cơ sở pháp lý
Căn cứ Luật Phòng, chống, thiên tai
năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP
ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày
18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg
ngày 04/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông,
bờ biển;
Căn cứ Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày
21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bố trí dân cư
các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng
đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày
28/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu tái cơ cấu
nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư;
Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính
phủ số 957/QĐ-TTg ngày 06/7/2020, phê duyệt Đề án phòng,
chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030;
Căn cứ Công văn số 4986/BNN-PCTT ngày
28/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện
Đề án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030.
2. Mục đích, yêu
cầu
2.1. Mục đích
Chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở
bờ sông, bờ biển tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực
ven sông, ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo,
giám sát sạt lở và quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển, giảm thiểu tác động làm
gia tăng nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2023 các khu dân cư ven sông, ven biển
ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đều được cảnh báo kịp thời và được hướng dẫn kỹ
năng ứng phó khi xảy ra sạt lở.
Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công
trình, nhà cửa tại khu vực ven sông, ven biển. Chủ động sắp xếp lại dân cư, di
dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở
tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập
trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển; đến
năm 2030 hoàn thành việc chỉnh trị ổn định dòng chảy tại các phân lưu, hợp lưu
trên các đoạn sông chính, nhất là khu vực các cửa sông, ven biển có diễn biến
xói, bồi phức tạp cần chỉnh trị.
2.2. Yêu cầu
Công tác phòng, chống và khắc phục
tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành chủ động
và thường xuyên nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt
lở bờ sông, bờ biển gây ra.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh
báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển đến
cộng đồng dân cư.
Nâng cao nhận thức cộng đồng để phát
huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của toàn dân
trên địa bàn tỉnh.
II. KHÁI QUÁT
CHUNG TÌNH HÌNH SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TỈNH QUẢNG BÌNH
1. Khái quát về đặc điểm địa hình,
hệ thống sông ngòi.
Quảng Bình có địa hình phức tạp, bị
chia cắt mạnh, hẹp bề ngang và dốc, nghiêng từ Tây sang
Đông. Đại bộ phận địa giới hành chính trên đất liền là vùng đồi núi (chiếm trên
85% diện tích tự nhiên), đồng bằng nhỏ hẹp, đất lúa ít, đất nông lâm xen kẽ và
bị chia cắt bởi nhiều sông suối dốc và chảy xiết.
Quảng Bình có 5 con sông đổ ra biển với
tổng chiều dài 343km và diện tích lưu vực 7.980km2, lưu lượng dòng chảy tương
đương 4 tỷ m3/năm. Trong đó có hai hệ thống sông lớn là hệ thống
sông Gianh và hệ thống sông Nhật Lệ. Ngoài ra còn có các sông: Sông Roòn, sông
Lý Hòa và sông Dinh.
- Sông Roòn dài 30km, chiều dài lưu vực
21km, diện tích lưu vực 261km2.
- Sông Gianh dài 158km, chiều dài lưu
vực 121 km, diện tích lưu vực 4.680km2.
- Sông Lý Hòa
dài 22km, chiều dài lưu vực 16km, diện tích lưu vực
177km2.
- Sông Dinh dài 37km, chiều dài lưu vực
25 km, diện tích lưu vực 212km2.
- Sông Nhật Lệ 96km, chiều dài lưu vực
59km, diện tích lưu vực 2.650km2.
2. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh
Các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh
Quảng Bình có đặc điểm ngắn và dốc, khi mưa xuống nước tập trung nhanh, chảy xiết
gây nên hiện tượng xói lở mạnh bờ sông, nhất là những đoạn sông cong, những bờ cấu
tạo bởi đất màu, các lớp đất cát, pha cát, đất bùn hữu cơ. Tình hình xói lở xảy
ra ở hầu hết hệ thống các sông trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu tập trung
trên 02 hệ thống sông chính là sông Nhật Lệ và sông Gianh. Quá trình xói lở
ngày càng mãnh liệt hơn do tác động đan xen của nhiều
nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp từ tự nhiên (bão, áp thấp nhiệt đới, mưa
lũ ...) và liên quan đến biến đổi khí hậu trên toàn cầu cũng như các hoạt động
kinh tế, xây dựng công trình trên các lưu vực sông chưa đảm bảo đầy đủ nguyên tắc
phát triển bền vững và phá vỡ trạng thái cân bằng vốn có của nó. Tốc độ xói lở
trung bình từ 1-3m/năm, đặc biệt có nơi từ 5-10m/năm ở các xã Quảng Hải, Quảng Minh thị xã Ba Đồn; các xã Tiến Hóa, Đồng
Hóa, Lê Hóa, Đức Hóa huyện Tuyên Hóa, xã Cảnh Hóa huyện Quảng Trạch thuộc lưu vực
sông Gianh; các xã Phúc Trạch, Sơn Trạch huyện Bố Trạch thuộc lưu vực nhánh
sông Son, sông Gianh.
Bờ biển Quảng Bình có chiều dài gần
116,04km trải dài từ Quảng Trạch cho đến Lệ Thủy, vùng cát ven biển có độ cao từ
2-50m so mực nước biển, độ dốc có những nơi đạt 60°. Dọc bờ
biển nhiều nơi là khu dân cư tập trung của Nhân dân đánh bắt và chế biến thủy sản, các khu nghỉ dưỡng, hàng
năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều đợt gió mùa Đông Bắc kết hợp triều cường,
nhiều đợt bão, áp thấp nhiệt đới gây xói lở bờ biển, lấn sâu vào đất liền uy hiếp
nhiều nhà cửa, khu dân cư, các công trình công cộng.
Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển một
phần do tác động của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, triều cường,
sóng biển, kết cấu và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven
biển.
Trong những năm gần đây, sạt lở bờ
sông, bờ biển gia tăng một phần do hậu quả từ các hoạt động nhân sinh như lấn
chiếm, vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch; khai thác cát, sỏi
quá mức trên sông làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu, cộng với tình hình biến
đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai gây sụt lún, xói lở,
bồi lấp.
III. KẾ HOẠCH NHIỆM
VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÒNG CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN
1. Xây dựng cơ chế chính sách nhằm
khuyến khích, hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thu
hút nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển
trên địa bàn.
2. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận
thức của các tổ chức và người dân về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đầu
tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và tổ chức quan trắc, giám sát, nghiên
cứu và cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, cập nhật cơ sở
dữ liệu về sạt lở trên địa bàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
3. Kiểm soát hoạt động khai thác cát,
sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai thác cát sỏi trái phép, nhất là
tại các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở; quản lý chặt chẽ vùng đất ven
sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven biển
làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở. Bảo vệ và phát triển
rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng,
gắn với ổn định sinh kế cho người dân.
4. Di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi các
khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; từng bước sắp xếp lại dân cư,
di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với tái định
cư, ổn định đời sống cho người dân.
5. Tổ chức nghiên cứu phương án chỉnh
trị, phòng, chống sạt lở đối với các tuyến sông, vùng bờ biển trên địa bàn làm
cơ sở cập nhật vào quy hoạch tỉnh.
6. Xây dựng công trình phòng, chống sạt
lở bờ sông, bờ biển, trong đó: tập trung xử lý khẩn cấp các khu vực sạt lở đặc
biệt nguy hiểm; xây dựng công trình chỉnh trị sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân
lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ sông, bờ biển tại các khu vực trọng
điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến bồi, xói phức tạp; xây dựng công
trình phòng, chống sạt lở bảo vệ khu đô thị, khu dân cư tập trung có nguy cơ sạt
lở.
7. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công
nghệ mới trong phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, phục hồi và phát triển rừng
ngập mặn ven biển.
IV. NGUỒN VỐN THỰC
HIỆN KẾ HOẠCH
Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn
vị liên quan tham mưu bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, quỹ phòng chống
thiên tai và các nguồn vốn hợp pháp khác.
V. PHÂN CÔNG TRÁCH
NHIỆM, TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức và người
dân về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
- Kiểm tra, đôn đốc các địa phương
tăng cường bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, đẩy mạnh
xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, gắn với ổn định sinh kế
cho người dân.
- Tổ chức nghiên cứu phương án chỉnh
trị, phòng, chống sạt lở đối với các tuyến sông, vùng bờ biển trên địa bàn làm
cơ sở cập nhật vào quy hoạch tỉnh.
- Nghiên cứu, đề xuất, tổ chức xây dựng
công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó: tập trung xử lý khẩn
cấp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; xây dựng công trình chỉnh trị sông
nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ sông, bờ
biển tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến bồi, xói
phức tạp; công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ khu đô thị, khu tập dân cư tập
trung có nguy cơ sạt lở.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học
và Công nghệ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới phù hợp với
điều kiện cụ thể để phòng chống sạt lở.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành liên quan kiểm soát hoạt động khai
thác cát, sỏi lòng sông, khu vực ven biển, ngăn chặn khai
thác cát, sỏi trái phép, nhất là tại các khu vực đã được cảnh
báo có nguy cơ sạt lở.
- Tổ chức, thực hiện đầu tư xây dựng
hệ thống quan trắc, giám sát và tổ chức quan trắc, giám sát, nghiên cứu và cảnh
báo các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển, cập nhật cơ sở dữ liệu về sạt
lở trên địa bàn.
- Tổ chức quản lý chặt chẽ vùng đất
ven sông, ven biển không để xây dựng, nâng cấp nhà ở, công trình ven sông, ven
biển làm tăng nguy cơ sạt lở, bị rủi ro do sạt lở.
- Phối hợp với các sở, ngành, địa
phương liên quan trong việc bảo vệ hành lang, bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh
Quảng Bình.
3. Sở Xây dựng: Tổ chức lập quy hoạch di dời, sắp xếp các khu dân cư, công trình kiến
trúc, kho tàng ra ngoài các khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng,
tài sản của nhân dân.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí, lồng ghép các nguồn vốn đầu
tư trung hạn và hàng năm, đồng thời huy động các nguồn vốn khác để tập trung xử
lý khẩn cấp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm; xây dựng công trình chỉnh trị
sông nhằm giữ ổn định tỷ lệ phân lưu, ổn định dòng chảy, hình thái sông, bờ
sông, bờ biển tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển có diễn biến
bồi, xói phức tạp; xây dựng công trình phòng, chống sạt lở
bảo vệ khu đô thị, khu tập dân cư tập trung có nguy cơ sạt lở.
5. Sở Tài chính: Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phân
bổ kinh phí hỗ trợ các địa phương trong công tác sắp xếp, di dời các hộ dân ra
khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; kinh phí xử lý các tình huống khẩn cấp
trong công tác phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; hỗ trợ
các hoạt động sự nghiệp liên quan đến công tác điều tra, xây dựng các đề án,
phương án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển từ nguồn kinh phí dự phòng và các
nguồn sự nghiệp khác theo quy định.
6. Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài
nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, các địa phương rà soát, nghiên cứu
lắp đặc hệ thống quan trắc lòng dẫn trên các sông, cửa sông thuộc phạm vi UBND
tỉnh quản lý.
7. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiên cứu
ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể để phòng
chống sạt lở.
8. Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành, cơ quan
liên quan, các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình khai thác cát, sỏi lòng
sông trên địa bàn toàn tỉnh.
9. UBND các huyện, thị xã, thành
phố
- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận
thức của các tổ chức và người dân về phòng chống sạt lở bờ
sông, bờ biển.
- Tổ chức kiểm tra, rà soát công
trình, nhà ở tại các khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở.
- Tổ chức di dời dân cư khẩn cấp ra
khỏi các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm; từng bước sắp xếp lại
dân cư, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, kết hợp với
tái định cư, ổn định đời sống cho người dân.
- Kiểm tra, khảo sát các khu vực ven
sông, ven biển có nguy cơ sạt lở để lập kế hoạch ứng phó,
xử lý. Thông báo, cảnh báo các vị trí bờ sông, bờ biển có nguy cơ sạt lở
để người dân biết, chủ động di dời, vận động, hỗ trợ người dân di
dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện
các trường hợp xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ bờ sông, bờ biển; phát
hiện công trình, kiến trúc xây dựng, xâm phạm trái phép kiên quyết xử lý hành
vi vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở
Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các
trường hợp không được cấp phép, khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông trên địa
bàn theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật hiện hành.
10. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động
liên quan đến bờ sông, bờ biển
- Ngay khi phát hiện khu vực ven
sông, biển có nguy cơ sạt lở nằm trong phạm vi quản lý của các tổ chức, cá nhân
có các hoạt động liên quan đến bờ sông, bờ biển phải có trách nhiệm báo cáo cho
chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để có các biện pháp xử lý. Đồng
thời, tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng sạt lở phải chủ động di dời an toàn người
và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở.
- Tuyệt đối không thực hiện các hoạt
động xâm phạm đến hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, bờ biển hoặc có các hoạt động
gây nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa
phương, đơn vị triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và
PTNT; (B/c)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, địa phương có tên tại mục V;
- VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, CVNN.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Phong
|
PHỤ LỤC:
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 957/QĐ-TTG
NGÀY 06/7/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÒNG CHỐNG SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TỈNH
QUẢNG BÌNH, GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Kèm theo Kế hoạch số 2157/KH-UBND
ngày 23 tháng 11 năm 2020 của UBND tỉnh)
STT
|
Nhiệm
vụ
|
Đơn
vị chủ trì
|
Đơn
vị phối hợp
|
Sản
phẩm
|
Thời
gian hoàn thành
|
Dự
kiến nguồn lực (triệu đồng)
|
Trung
ương
|
Địa
phương
|
I
|
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn,
điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu.
|
1
|
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật
Phòng, chống thiên tai; Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ
tướng Chính phủ về qui chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển;
tuyên truyền về thiên tai, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên
tai, sạt lở bờ sông, bờ biển.
|
UBND
các huyện, thành phố, thị xã
|
Ban
Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và
Truyền thông, Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh truyền hình Quảng Bình.
|
Các
lớp tập huấn, các hoạt động truyền thông
|
Hàng
năm
|
500
|
500
|
2
|
Hiện đại hóa công tác quan trắc, dự
báo kịp thời nguy cơ sạt lở bờ sông, bờ biển: Tổ chức xây dựng, lắp đặt hệ thống
và thực hiện quan trắc diễn biến lòng dẫn bờ sông, bờ biển kết nối trực tuyến
với Văn phòng thường trực BCH Phòng chống thiên tai và TKCN kiêm PTDS các cấp;
thiết lập hệ thống giám sát theo thời gian, kết hợp với giám sát lũ, xâm nhập
mặn kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có.
|
Sở
Tài nguyên và Môi trường
|
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải; UBND các huyện,
thành phố, thị xã.
|
Văn
bản báo cáo, hệ thống quan trắc
|
2021-2022
|
Theo
kế hoạch
|
Theo kế hoạch
|
3
|
Tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng
cơ sở dữ liệu, thiết kế quy hoạch. Lập bản đồ về hiện trạng sạt lở, công trình phòng chống sạt lở.
|
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Sở
Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố, thị xã.
|
Hồ
sơ dữ liệu; bản đồ sạt lở được duyệt
|
2022-2023
|
2.500
|
500
|
4
|
Tăng cường quản lý các hoạt động khai
thác cát, sỏi, xây dựng công trình, nhà ở, hoạt động giao thông thủy, khai
thác nước ngầm ở khu vực ven sông, ven biển gây ra sạt lở.
|
Sở
Tài nguyên và Môi trường
|
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Xây dựng; Sở Giao thông Vận tải; Sở
Công thương; UBND các huyện, thành phố, thị xã.
|
Các
đợt kiểm tra, văn bản báo cáo; hoạt động khai thác cát sỏi, xây dựng công
trình ven sông ven biển được quản lý chặt chẽ
|
Hàng
năm
|
|
200
|
5
|
Lập quy hoạch di dời, sắp xếp các
khu dân cư có nguy cơ sạt lở. Kiểm tra, rà soát, việc
xây dựng công trình, nhà ở tại các khu vực ven sông, ven biển.
|
Sở
Xây dựng
|
UBND
các huyện, thành phố, thị xã; Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
|
Báo
cáo tổng hợp, Quyết định
|
Hàng
năm
|
|
200
|
6
|
Tổ chức nghiên cứu phương án chỉnh
trị, phòng, chống sạt lở đối với các tuyến
sông, vùng bờ biển trên địa bàn làm cơ sở cập nhật vào quy hoạch tỉnh.
|
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
UBND
các huyện, thành phố, thị xã; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Giao thông Vận
tải
|
Báo
cáo kết quả nghiên cứu
|
Năm
2023
|
1.000
|
200.000
|
II
|
Xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển
|
1
|
Tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh bố
trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án xây dựng công trình
phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; các dự án chỉnh trị
ổn định dòng chảy trên các sông, cửa sông chính và ven biển có diễn biến xói
lở, bồi lấp phức tạp.
|
Sở Kế
hoạch Đầu tư
|
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã
|
Báo
cáo tổng hợp, dự án được phê duyệt
|
Hàng
năm
|
1.500.000
|
300.000
|
2
|
Sắp xếp di dời các hộ dân ra khỏi
khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.
|
Sở
Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã
|
Sở
Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Tài chính
|
Dân
cư được bố trí, di dời đến nơi an toàn
|
2022-2023
|
|
Theo
kế hoạch
|
3
|
Lập đề cương và cắm mốc phạm vi khu
vực sạt lở bờ sông, bờ biển.
|
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
UBND
các huyện, thành phố, thị xã
|
Hệ
thống mốc được cắm.
|
2023
|
|
900
|
III
|
Ứng dụng khoa học công nghệ
|
1
|
Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ,
vật liệu mới phù hợp với điều kiện cụ thể để phòng chống sạt lở.
|
Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|
Sở
Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Giao
thông Vận tải; UBND các huyện, thành phố, thị xã.
|
Đề
tài, vật liệu ứng dụng
|
2020-2025
|
|
Theo
kế hoạch
|