ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 211/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
22 tháng 11 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
ĐIỀU TRA XÁC ĐỊNH HIỆN TRẠNG RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH
BÌNH
Thực hiện quy định tại Điều 33
Luật Lâm nghiệp, Thông tư số 33/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo
dõi diễn biến rừng và được sửa đổi tại Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày
15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. ủy ban nhân
dân tỉnh Ninh Bình ban hành kế hoạch điều tra xác định hiện trạng rừng với nội
dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Xác định diện tích rừng; trữ lượng
rừng; trữ lượng các-bon rừng; cấu trúc, tăng trưởng, tái sinh, lâm sản ngoài gỗ,
lập địa, cây cá lẻ, đa dạng hệ sinh thái rừng, sâu và bệnh hại rừng để quản lý
bền vững và phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Tổ chức thực hiện điều tra
xác định hiện trạng rừng bảo đảm các nội dung theo quy định tại Điều 33 Luật
Lâm nghiệp năm 2017; Thông tư số 33/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018; Thông tư
số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và
phù hợp với hiện trạng rừng của tỉnh.
- Việc điều tra xác định hiện
trạng rừng phải được thực hiện nghiêm túc đầy đủ, chính xác, phản ánh đúng tiêu
chí rừng theo quy định; bảo đảm tính trung thực, phản ánh thực tế hiện trạng rừng;
đảm bảo kế thừa kết quả điều tra rừng đã có và cơ sở dữ liệu rừng của địa
phương theo quy định tại Điều 36 Luật Lâm nghiệp để đảm bảo tiết kiệm, tránh chồng
chéo, lãng phí.
- Kết quả điều tra xác định hiện
trạng rừng phải được công bố kịp thời và cập nhật dữ liệu kết quả điều tra rừng
vào hệ thống cập nhật theo dõi diễn biến rừng theo quy định.
II. PHẠM VI,
QUY MÔ, ĐỐI TƯỢNG ĐIỀU TRA
1. Phạm vi, quy mô
- Phạm vi: Trên toàn bộ diện
tích rừng, đất rừng thuộc 03 loại rừng và diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm
nghiệp (có nguồn gốc từ đất rừng, chưa thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng)
trên địa bàn tỉnh.
- Quy mô: 30.302 ha.
2. Đối tượng
Điều tra, xác định về diện tích
rừng, trữ lượng rừng, trữ lượng các bon rừng và các thông tin cấu trúc, tăng
trưởng, tái sinh, lâm sản ngoài gỗ, lập địa, cây cá lẻ, đa dạng hệ sinh thái rừng,
sâu và bệnh hại rừng trên toàn bộ diện tích rừng tỉnh Ninh Bình.
III. NỘI
DUNG
1. Điều tra
diện tích rừng
a. Nội dung điều tra
- Điều tra diện tích rừng tự
nhiên nguyên sinh, rừng tự nhiên thứ sinh;
- Điều tra diện tích rừng núi đất,
rừng núi đá, rừng trên đất ngập nước;
- Điều tra diện tích rừng trồng
theo loài cây, cấp tuổi;
- Điều tra diện tích khoanh
nuôi tái sinh, diện tích mới trồng chưa thành rừng và diện tích khác đang được
sử dụng để bảo vệ phát triển rừng;
- Điều tra diện tích các trạng
thái rừng theo chủ rừng và theo đơn vị hành chính. b. Phương pháp điều tra diện
tích rừng
- Điều tra diện tích rừng được
thực hiện theo lô trạng thái rừng;
- Giải đoán ảnh viễn thám; xây
dựng bản đồ giải đoán hiện trạng rừng bằng phần mềm chuyên dụng;
- Điều tra bổ sung hiện trạng
các lô trạng thái rừng ngoài thực địa;
- Biên tập, hoàn thiện bản đồ
hiện trạng rừng và tính toán diện tích các lô trạng thái rừng bằng các phần mềm
chuyên dụng.
c. Thành quả điều tra, đánh giá
diện tích rừng
- Bản đồ hiện trạng rừng theo
yêu cầu của nội dung điều tra đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đo
đạc và bản đồ;
- Hệ thống số liệu điều tra gốc,
số liệu tổng hợp theo các Biểu số 04, 05 và Biểu số 08 Phụ lục II kèm theo
Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
PTNT.
- Báo cáo chuyên đề kết quả điều
tra, đánh giá diện tích rừng.
2. Điều tra
trữ lượng rừng
a. Nội dung điều tra
- Điều tra trữ lượng gỗ rừng tự
nhiên và rừng trồng;
- Điều tra trữ lượng rừng tre nứa
của rừng tự nhiên và rừng trồng;
- Điều tra trữ lượng gỗ và trữ
lượng tre nứa của rừng hỗn giao gỗ và tre nứa. b. Phương pháp điều tra
- Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí
ngẫu nhiên hoặc hệ thống, diện tích 1.000 m2, đối với những trạng
thái rừng tự nhiên có diện tích lớn hơn 2.000 ha;
- Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí
điển hình, diện tích từ 500 m2 đến 1.000 m2, đối với những
trạng thái rừng tự nhiên có diện tích nhỏ hơn 2.000 ha; tỷ lệ diện tích rút mẫu
điều tra từ 0,01% đến 0,1%;
- Sử dụng ô tiêu chuẩn bố trí
điển hình theo từng trạng thái rừng (loài cây, cấp tuổi), diện tích từ 100 m2
đến 500 m2 đối với rừng trồng; tỷ lệ diện tích rút mẫu điều tra từ
0,01% đến 0,05%;
- Điều tra cây gỗ và cây tre nứa
bao gồm: xác định tên loài cây, phẩm chất cây, đo chiều cao vút ngọn, đường
kính thân tại vị trí 1,3 m; trường hợp cần tính toán trữ lượng rừng bị mất thì
đo đường kính tại vị trí 1,3 m đối với cây đã bị chặt hạ vẫn còn trên hiện trường,
đo đường kính gốc chặt đối với cây bị chặt chỉ còn gốc;
- Sử dụng các thiết bị điều tra
nhanh trữ lượng rừng;
- Sử dụng biểu trữ lượng, sản
lượng lập sẵn để tra cứu;
- Sử dụng các phần mềm chuyên dụng
để xử lý, phương pháp thống kê toán học tính toán trữ lượng rừng.
c. Thành quả điều tra trữ lượng
rừng
- Hệ thống số liệu điều tra gốc
và biểu tổng hợp trữ lượng rừng theo các Biểu số 01, 02, 03, 06, 07 và Biểu số
09 Phụ lục II kèm theo Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ
Nông nghiệp và PTNT.
- Báo cáo chuyên đề kết quả điều
tra, đánh giá trữ lượng rừng.
3. Điều tra
trữ lượng các-bon rừng
a. Nội dung điều tra
- Điều tra sinh khối thực vật sống,
bao gồm: các bộ phận của cây trên mặt đất và dưới đất;
- Điều tra trữ lượng các bon rừng,
bao gồm: các-bon trong sinh khối sống theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22
Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
các-bon trong gỗ chết, các-bon trong thảm mục; các-bon trong đất.
b. Phương pháp điều tra
- Thiết lập hệ thống ô tiêu chuẩn
theo quy định tại các điểm a và b khoản 2 Điều 11 của Thông tư số
33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để thu thập số liệu
tính toán sinh khối và quy đổi trữ lượng các-bon;
- Thu thập mẫu điều tra, bao gồm:
Cây gỗ, cây tái sinh, cây bụi, thảm tươi, dây leo, thảm mục, các bộ phận cây dưới
mặt đất để tính toán trực tiếp trữ lượng các-bon;
- Lấy mẫu đất và phân tích trữ
lượng các-bon trong đất;
- Tính toán trữ lượng các-bon rừng
bằng phương pháp trực tiếp từ mẫu điều tra được quy định tại điểm b khoản 2 Điều
22 hoặc quy đổi gián tiếp khác từ sinh khối theo quy định tại điểm a khoản 2
Điều 22 Thông tư số 33/2018/TT- BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
c. Thành quả điều tra
- Biểu tổng hợp trữ lượng
các-bon rừng theo mục đích sử dụng theo Biểu số 36 Phụ lục II kèm theo Thông tư
số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Báo cáo chuyên đề kết quả điều
tra, đánh giá sinh khối và trữ lượng Các-bon rừng.
- Bản đồ trữ lượng các bon rừng
tỉnh Ninh Bình (bản giấy và file số): 01 tờ bản đồ toàn tỉnh Ninh Bình tỷ lệ
1/100.000.
4. Điều tra
chuyên đề
a. Nội dung điều tra: Cấu trúc
rừng, tăng trưởng rừng, tái sinh rừng, lâm sản ngoài gỗ, lập địa, cây cá lẻ, đa
dạng hệ sinh thái rừng, đa dạng thực vật rừng, đa dạng động vật rừng có xương sống,
côn trùng rừng và sâu, bệnh hại rừng.
b. Phương pháp điều tra
- Kế thừa tài liệu;
- Thu thập số liệu bổ sung
trong các ô định vị sinh thái theo quy định của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT
ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
c. Thành quả điều tra
- Biểu tổng hợp các chỉ tiêu
theo nội dung nhiệm vụ bao gồm chỉ tiêu kế thừa và chỉ tiêu điều tra bổ sung.
- Báo cáo tổng hợp chuyên đề.
IV. THỜI
GIAN THỰC HIỆN: Năm 2024-2025.
V. NGUỒN
KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được
bố trí từ Kinh phí bảo vệ và phát triển rừng bền vững năm 2025 và các nguồn hợp
pháp khác (nếu có).
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Khẩn trương xây dựng Đề cương
kỹ thuật và dự toán điều tra xác định hiện trạng rừng theo Kế hoạch này, gửi lấy
ý kiến của Sở Tài chính về nguồn vốn thực hiện, trình UBND tỉnh xem xét, phê
duyệt trong năm 2024 để làm cơ sở tổ chức thực hiện hoàn thành trong năm 2025.
- Là cơ quan đầu mối, có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương tham mưu UBND tỉnh
chỉ đạo và trực tiếp tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc
và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
- Tham mưu trình UBND tỉnh phê
duyệt và công bố kết quả điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện chế độ báo cáo Bộ
Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh kết quả điều tra xác định hiện trạng rừng theo
quy định.
2. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân
sách, tham mưu cho cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí chi thường xuyên để thực
hiện Kế hoạch đảm bảo đúng quy định hiện hành.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Cung cấp đầy đủ, kịp thời các
tài liệu về kiểm kê đất đai; giao đất, cho thuê đất rừng và các bản đồ có liên
quan đối với việc giao đất, cho thuê đất rừng để trồng rừng làm cơ sở để Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trong hồ sơ điều tra xác định hiện
trạng rừng.
4. Sở Nội vụ
Cung cấp hồ sơ, bản đồ địa giới
hành chính cấp tỉnh và các tài liệu khác có liên quan thuộc Dự án 513 tỉnh Ninh
Bình được thực hiện theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa
giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”.
5. UBND các huyện, thành phố
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT, các đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến đến các chủ rừng, tổ chức,
cá nhân, hộ gia đình có liên quan về nội dung kế hoạch điều tra xác định hiện
trạng rừng.
- Cung cấp hồ sơ, bản đồ địa giới
hành chính cấp huyện, cấp xã và các tài liệu khác có liên quan thuộc Dự án 513
tỉnh Ninh Bình, được bàn giao để địa phương quản lý, sử dụng; Phối hợp với Sở
Nông nghiệp và PTNT thực hiện các nội dung có liên quan đến nhiệm vụ điều tra
xác định hiện trạng rừng tại địa phương.
6. Các sở, ngành, chủ rừng
và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với
Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện Kế hoạch này.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng
các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có diện tích đất lâm nghiệp,
các chủ rừng và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp & PTNT, TC, TNMT, NV;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP3.
LNT_VP3_KH12
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Song Tùng
|