ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 178/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 13
tháng 12 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG
NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Để chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó
sự cố môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự
cố môi trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI THỰC
HIỆN
1. Mục đích
- Tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động thực hiện
công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do xả chất thải từ các hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của
các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về công tác bảo vệ môi trường; thống
nhất quy trình, các bước tiến hành khi sự cố môi trường xảy ra nhằm hạn chế thấp
nhất thiệt hại.
2. Yêu cầu
- Phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng
bộ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tăng cường công tác phòng
ngừa, ứng phó sự cố môi trường do xả chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, địa
phương, các tổ chức, cá nhân nhằm triển khai thực hiện tốt công tác phòng ngừa,
ứng phó sự cố môi trường; bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động chuẩn bị các nguồn lực, phương án,
phương tiện, thiết bị để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố môi trường.
3. Phạm vi, đối tượng
Kế hoạch này áp dụng đối với sự cố phát sinh do hoạt
động xả chất thải gây ra của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; không áp
dụng đối với sự cố khác như sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ phóng xạ,
hạt nhân, thiên tai, cháy rừng gây ô nhiễm môi trường...
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác phòng ngừa sự cố
môi trường
1.1. Chủ cơ sở có nguy cơ gây ra sự cố môi
trường
- Phải chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo
vệ môi trường trong quá trình hoạt động.
- Đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị,
phương tiện, cơ sở hạ tầng cần thiết bảo đảm việc phòng ngừa, ứng phó và khắc
phục sự cố phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ sở mình; tiến hành bảo dưỡng định
kỳ, bổ sung và thay thế các thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng để bảo đảm khả
năng sử dụng tốt trang thiết bị, phương tiện trong mọi tình huống. Thực hiện chế
độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng biện pháp an toàn theo quy định của pháp luật.
- Có biện pháp loại trừ nguyên nhân gây ra sự cố
môi trường khi phát hiện có dấu hiệu sự cố môi trường xảy ra.
1.2. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thành phố
- Chủ động lồng ghép công tác tuyên truyền, nâng
cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về nguy cơ, hậu
quả của các sự cố môi trường và biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố
môi trường.
- Thường xuyên rà soát nắm bắt thông tin về tình
hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đặc biệt là các cơ
sở có loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Phụ
lục IIa, Mục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày
13/5/2019 của Chính phủ.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở
có nguy cơ cao gây ra sự cố môi trường thuộc quyền quản lý thực hiện các biện
pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
- Lực lượng Công an các cấp, Cảnh sát phòng cháy,
chữa cháy chủ động, bảo đảm cho cán bộ, nhân viên được đào tạo, huấn luyện về
chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng khả năng sẵn sàng triển khai các hoạt động ứng
phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố môi trường.
2. Công tác ứng phó sự cố môi
trường
2.1. Trách nhiệm ứng phó
- Việc ứng phó phải đảm bảo nguyên tắc kịp thời và
hiệu quả trên cơ sở phối hợp của các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó; chuẩn bị
sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường trên cơ sở phối hợp, đồng bộ với việc chuẩn bị
ứng phó loại hình sự cố khác.
- Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường phải thực
hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu
người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan
chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố.
- Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào
thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực,
vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.
- Sự cố môi trường xảy ra trong phạm vi nhiều cơ sở,
địa phương thì người đứng đầu cơ sở, địa phương nơi có sự cố có trách nhiệm phối
hợp thực hiện các biện pháp ứng phó.
- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của cơ
sở, địa phương thì người đứng đầu phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực
tiếp để kịp thời huy động các cơ sở, địa phương khác tham gia ứng phó sự cố môi
trường; cơ sở, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện biện pháp ứng
phó sự cố môi trường trong phạm vi khả năng của mình.
2.2. Ứng phó các tình huống sự cố môi trường
cơ bản
- Trường hợp 1: Sự cố môi trường nằm trong khả năng
ứng phó của cơ sở
Bước 1: Người phát hiện sự cố ngay lập tức báo cáo
cho chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở ủy quyền.
Bước 2: Chủ cơ sở phải bố trí nhân lực, vật lực,
phương tiện và chỉ đạo lực lượng ứng phó tại chỗ thực hiện ngay các biện pháp
khắc phục sự cố, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại về người và môi trường; tổng
hợp, đánh giá tình hình sự cố để báo cáo ngay các cơ quan có thẩm quyền theo
quy định của pháp luật.
- Trường hợp 2: Sự cố môi trường vượt quá khả năng ứng
phó của cơ sở
Bước 1: Chủ cơ sở phải thông báo ngay đồng thời
cung cấp chi tiết các thông tin liên quan đến sự cố môi trường cho chính quyền
địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố.
Bước 2: Chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên
môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố khi tiếp nhận thông tin về sự cố môi
trường phải xuống ngay hiện trường, làm công tác tham mưu, tư vấn về chuyên môn
để giảm thiểu các thiệt hại về môi trường do sự cố gây ra.
Bước 3: Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ huy, điều động
các lực lượng tham gia ứng phó sự cố; bổ nhiệm người chỉ huy tại hiện trường
phù hợp với từng tình huống cụ thể; tổng hợp, đánh giá tình hình sự cố để báo
cáo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Trường hợp 3: Sự cố môi trường vượt quá khả năng ứng
phó của UBND các huyện, thành phố
Bước 1: Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải báo cáo
khẩn cấp UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để đề nghị hỗ trợ.
Bước 2: UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường khi
tiếp nhận thông tin có trách nhiệm phân công đơn vị chủ trì, chỉ huy ứng phó sự
cố môi trường, các Sở, ngành, địa phương liên quan tham gia và huy động nguồn lực
ứng phó sự cố môi trường (Lãnh đạo các đơn vị và các phòng, ban chuyên môn liên
quan) xuống ngay hiện trường, tham mưu, tư vấn về chuyên môn để giảm thiểu các
thiệt hại về môi trường do sự cố gây ra. Trong trường hợp cần thiết, thành lập
Ban chỉ huy ứng phó sự cố môi trường tại hiện trường, phân công cán bộ tham gia
và bố trí nguồn lực đảm bảo đúng thẩm quyền, trách nhiệm và sẵn sàng cho công
tác ứng phó sự số môi trường. Tổng hợp, đánh giá tình hình sự cố để báo cáo các
cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp 4: Sự cố môi trường vượt quá khả năng ứng
phó của tỉnh
Trong trường hợp sự cố vượt quá khả năng ứng phó của
tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo khẩn cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường,
các cơ quan Trung ương liên quan để đề nghị hỗ trợ, xử lý kịp thời.
2.3. Xây dựng năng lực ứng phó sự cố môi trường
- Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy
cơ gây ra sự cố môi trường phải đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm thiết bị
phương tiện phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đơn
vị để đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với các sự cố có thể xảy
ra trong quá trình hoạt động và tác động ảnh hưởng đến sức khỏe của con người
xung quanh cơ sở.
- Các Sở, ngành liên quan: Chủ động xây dựng năng lực
ứng phó sự cố môi trường và hệ thống thiết bị cảnh báo theo ngành, lĩnh vực quản
lý.
- Khuyến khích xã hội hóa đầu tư công trình bảo vệ
môi trường, tham gia dịch vụ công ích để thực hiện ứng phó sự cố môi trường, khắc
phục, hạn chế ô nhiễm môi trường.
3. Khắc phục sự cố môi trường
Là giai đoạn sự cố đã hoàn toàn được kiểm soát,
trong giai đoạn này, các tổ chức, cá nhân tham gia ứng phó sự cố có vai trò,
trách nhiệm như sau:
- Cơ sở xảy ra sự cố môi trường: Chuyển từ giai đoạn
ứng phó khẩn cấp sang giai đoạn phục hồi môi trường; tiến hành quan trắc, giám
sát môi trường sau sự cố; phương án bồi thường thiệt hại, chi phí cho việc ứng
phó sự cố và khắc phục hậu quả tại cơ sở và đưa hoạt động kinh tế trở lại trạng
thái bình thường.
- Cơ quan quản lý môi trường: Kiểm tra đánh giá lại
hiện trạng và mức độ ô nhiễm, xem xét thực hiện các hành động can thiệp cần thiết
hoặc phục hồi môi trường trên cơ sở thực tế.
- Trường hợp thiệt hại do sự cố môi trường gây ra
liên quan đến nhiều tỉnh lân cận hoặc trường hợp xảy ra sự cố môi trường trên
01 địa bàn nhưng phạm vi ảnh hưởng lớn, rủi ro, ô nhiễm, thiệt hại cao, Sở Tài
nguyên và Môi trường cần kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tài nguyên
và Môi trường để tham gia tổ chức điều tra, xác định phạm vi ô nhiễm, thiệt hại
do sự cố môi trường theo Điều 111 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
4. Công tác phối hợp công bố
thông tin giữa các cơ quan liên quan
- Khi sự cố môi trường xảy ra, nhu cầu về truyền
thông, thông tin trong xã hội sẽ tăng cao. Các thông tin, nội dung trả lời truyền
thông liên quan đến sự cố môi trường có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc ứng phó,
giải quyết sự cố môi trường và nếu không thực hiện tốt thì có thể phát sinh các
vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh, chính trị, an toàn xã hội và có thể dẫn
đến tình trạng mất kiểm soát. Vì vậy, trong quá trình ứng phó, khắc phục sự cố
môi trường, Ủy ban nhân dân các cấp cần chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể
cung cấp các thông tin chính thống và đầu mối phát ngôn với truyền thông đại
chúng.
- Trong trường hợp sự cố môi trường xảy ra liên tỉnh
hoặc các sự cố môi trường gây rủi ro cao đến cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi
trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các đơn vị liên
quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng phương án để công bố thông tin
đảm bảo tính chính xác, liên thông, đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.
- Trong trường hợp có các đơn vị tại địa phương và
Trung ương cùng tham gia lấy mẫu, phân tích và xử lý các thông tin về sự cố môi
trường cần phải trao đổi, thống nhất kết quả và phương án cung cấp các thông
tin trước khi công bố.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của của các Sở,
ban, ngành, UBND các huyện, thành phố
1. 1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì cùng với các Sở, ngành có liên quan,
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận
thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và các quy định của pháp luật, chế
tài xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến doanh nghiệp và người dân.
- Tiếp tục hướng dẫn các cơ sở thực hiện các công
trình phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường và kiểm tra, xác nhận công trình bảo
vệ môi trường cho các đơn vị theo quy định.
- Xây dựng năng lực cảnh báo về môi trường tại các
khu vực tập trung nguồn thải, các khu vực nhạy cảm về môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ việc chấp hành các quy định của pháp luật
về bảo vệ môi trường; công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
do xả chất thải.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị quan trắc lấy mẫu
theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
- Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng
dẫn, giám sát việc triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn
toàn tỉnh. Tổng hợp việc thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
hàng năm trên địa bàn tỉnh và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài
nguyên và Môi trường lồng ghép vào nội dung báo cáo công tác bảo vệ môi trường
hàng năm theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BTNMT ngày 24/8/2016 của của
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về báo cáo công tác bảo vệ môi trường.
1.2. Sở Công Thương
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thanh
tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân về sử dụng, quản lý hóa chất,
có nguy cơ gây ra sự cố môi trường thuộc lĩnh vực.
- Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở trong
lĩnh vực quản lý xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường được quy
định tại Điều 13 Thông tư số 35/2015/TT-BCT ngày 27/10/2015 của Bộ trưởng Bộ
Công Thương quy định về bảo vệ môi trường ngành Công thương. Thực hiện công tác
thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định.
1.3. Sở Xây dựng
Kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, cấp
giấy phép xây dựng để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trong quá trình triển
khai thực hiện, cần quan tâm đến phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
tại khu vực.
1.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tổ chức tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức
trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng phó
sự cố môi trường trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông
nghiệp. Hướng dẫn tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
đến các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào công trình thủy lợi và các hoạt động
xả chất thải vào nguồn nước. Có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về
bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp và người dân.
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ
chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi
trường của các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi.
1.5. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ
chức thẩm định công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao; tham
mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ,
hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực
xử lý môi trường, áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường.
1.6. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng định hướng tuyên truyền, cung cấp tài
liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và
Truyền thông, Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn tuyên truyền phổ biến, giáo
dục pháp luật bảo vệ môi trường để nâng cao nhận thức của Nhân dân và các tổ chức
cá nhân trong nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục sự cố môi trường.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn
tỉnh đảm bảo mạng thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp
nhận, xử lý thông tin trong việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường
do hoạt động xả thải gây ra.
1.7. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan đề xuất
Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư cho các dự án cải thiện môi trường, nâng
cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường trên địa
bàn tỉnh. Phối hợp với các ngành đề xuất các dự án đầu tư có công nghệ mới thân
thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh.
1.8. Sở Tài chính
- Tham mưu đảm bảo kinh phí cho công tác phòng ngừa,
ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường gây ra để các Sở,
ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện kịp thời.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện,
thành phố bố trí ngân sách phù hợp để chủ động thực hiện tốt công tác bảo vệ
môi trường và nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
trên địa bàn huyện, thành phố.
1.9. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp điều tra nguyên nhân gây ra sự
cố môi trường, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm
về môi trường tăng cường kiểm tra, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các
hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các cơ sở sản
xuất có nguy cơ gây ra sự cố môi trường.
- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện,
thành phố phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành thanh tra, kiểm tra, xử
lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, vận tải có nguy cơ
gây ra sự cố môi trường.
1.10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Chuẩn bị phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia
công tác cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố môi trường và khắc phục hậu quả do sự cố
môi trường gây ra.
1.11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Lạng
Sơn
- Tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch ứng phó sự cố môi
trường đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng
phó sự cố môi trường phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để làm căn
cứ chỉ đạo thực hiện.
- Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở có loại hình
sản xuất công nghiệp có nguy cơ cơ gây ô nhiễm môi trường theo Phụ lục IIa, Mục
I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính
phủ.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường
để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
- Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả chất thải ra môi
trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra công tác phòng
ngừa, ứng phó và khắc phục vụ việc, sự cố môi trường; phát hiện, cảnh báo các tổ
chức, cá nhân nguy cơ gây ô nhiễm và sự cố môi trường trên địa bàn.
- Tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các Sở,
ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác bảo vệ môi
trường.
- Trường hợp xảy ra sự cố môi trường, yêu cầu cơ sở
để xảy ra sự cố ngừng hoạt động, thực hiện các biện pháp hạn chế phạm vi, mức độ
ảnh hưởng. Huy động các lực lượng thực hiện công tác ứng phó, khắc phục sự cố
môi trường trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở và thực hiện
báo cáo ngay với Ủy Ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường khi sự cố
môi trường vượt quá khả năng giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện công
tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn lồng ghép vào báo cáo
công tác bảo vệ môi trường hàng năm theo quy định tại Thông tư số
19/2016/TT-BTNMT ngày 24/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về
báo cáo công tác bảo vệ môi trường.
1.12. Các Sở, ban, ngành liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp tổ chức
thực hiện các nhiệm vụ có liên quan theo nội dung của Kế hoạch này.
1.13. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ
- Chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ
môi trường trong quá trình hoạt động.
- Lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự số môi trường
tại cơ sở.
- Lắp đặt thiết bị, dụng cụ, phương tiện ứng phó sự
cố môi trường để đảm bảo sẵn sàng, ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố môi
trường xảy ra.
- Xây dựng lực lượng tại chỗ ứng phó sự cố môi trường.
Đào tạo, huấn luyện nhân lực tại chỗ nhằm ứng phó sự cố môi trường.
- Thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi
môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi
trường việc ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
2. Nguồn lực chủ yếu ứng phó
sự cố môi trường
2.1. Kinh phí
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo bố trí ngân sách nhà
nước để triển khai Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, bảo đảm sẵn
sàng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; đồng thời kêu gọi các hình thức xã
hội hóa để tăng cường nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng
phó sự cố môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân triển khai sản xuất
xanh, sạch, thân thiện môi trường, hướng tới phát triển bền vững để hạn chế
nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.
2.2. Nhân lực
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy
cơ xảy ra sự cố môi trường phải bố trí nhân lực sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó,
khắc phục sự cố môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo
các cơ quan chuyên môn, bộ phận tham mưu bố trí nguồn nhân lực để phòng ngừa, sẵn
sàng ứng phó với các sự cố có nguy cơ xảy ra trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi
trường trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn,
vướng mắc, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên
và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo giải
quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn;
- C, PCVP UBND tỉnh, các phòng: KTN, KTTH, KGVX, TT TH-CB;
- Lưu: VT, KTN (NNT)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Tiến Thiệu
|