ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 169/KH-UBND
|
Hưng
Yên, ngày 14 tháng 10
năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TỔNG RÀ SOÁT, KIỂM TRA AN TOÀN VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU
HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07
ngày 07/10/2022 của Bộ Công an về việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên phạm vi toàn quốc; để
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH. Ủy ban nhân dân tỉnh
Hưng Yên ban hành Kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH trên
địa bàn tỉnh Hưng Yên, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng
cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH nhằm ngăn chặn, đẩy lùi,
tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người
do nguyên nhân chủ quan. Chấm dứt ngay tình trạng cơ sở không đủ điều kiện an
toàn về PCCC và CNCH, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn
hoạt động, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự (ANTT) hoặc cơ sở
không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.
2. Đánh
giá đúng thực trạng về PCCC và CNCH đối với cơ sở theo địa bàn; kiểm tra, xử lý
100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo
đúng quy định tại Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi bổ sung một số
điều của Luật PCCC (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP). Bắt buộc các cơ sở phải khắc
phục tất cả những tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH theo quy định tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động, kiên quyết không để các cơ sở vi phạm về
PCCC và CNCH, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động.
3. Làm tốt
công tác tham mưu, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp,
cơ quan quản lý, cơ quan, tổ chức, cơ sở và người dân trong công tác PCCC và
CNCH tại địa bàn tỉnh; kết hợp tổng kiểm tra, rà soát với tăng cường tuyên truyền
nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân về PCCC và CNCH; kiện toàn, củng cố lực
lượng dân phòng, lực lượng PCCC chuyên ngành và cơ sở đáp ứng phương châm “4 tại
chỗ” bảo đảm thực chất, hiệu quả.
4. Công
tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và CNCH phải được triển khai quyết
liệt, toàn diện, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật. Hạn
chế ảnh hưởng tối đa đến hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp và
cơ sở kinh doanh.
II. ĐỐI TƯỢNG, THỜI
GIAN, NỘI DUNG KIỂM TRA
1. Đối tượng kiểm tra
- Công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra các
cơ sở thuộc Phụ lục III Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ; trong đó có các trụ sở cơ
quan nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện.
- UBND cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn
UBND cấp xã kiểm tra các cơ sở thuộc Phụ lục IV Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và
khu dân cư tại địa phương.
2. Thời gian kiểm tra: Từ ngày 15/10/2022 đến ngày 15/12/2022
3. Nội dung kiểm tra
- Trách nhiệm về PCCC và CNCH của người
đứng đầu cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 5 Luật
PCCC năm 2001 và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP .
- Điều kiện an toàn PCCC và CNCH đối
với cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Điều 12 Nghị
định số 83/2017/NĐ-CP , tập trung kiểm tra về: (1)Hồ sơ theo dõi quản lý về PCCC và CNCH của cơ sở; (2)duy
trì các yêu cầu đường giao thông, bãi đỗ xe dành cho xe chữa cháy, khoảng cách
PCCC và nguồn nước chữa cháy; mặt bằng, công năng sử dụng; giải pháp ngăn cháy,
giải pháp thoát nạn; trang bị và duy trì hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC
và CNCH, các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan... theo quy định của tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt động (hoạt động
trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực thi
hành; trong thời gian tiêu chuẩn TCVN 2622-1995,
QCVN 06:2010/BXD, QCVN 06:2021/BXD có hiệu lực thi
hành và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khác có liên quan); (3)quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết
bị sinh lửa sinh nhiệt, hóa chất dễ cháy nổ; (4)hoạt động của
lực lượng PCCC chuyên ngành, cơ sở; các biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn...
Đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar cần tập
trung kiểm tra về đường, lối thoát nạn; chống tụ khói, ngăn cháy lan, nhất là
việc sử dụng vật liệu trang trí nội thất, cách âm bảo đảm tính chịu lửa theo
quy định; trang bị hệ thống chữa cháy, báo cháy tự động và kết nối liên động để
tự động ngắt hệ thống điện của dàn âm thanh tại các phòng hát khi có tín hiệu
báo cháy.
- Rà soát, kiến nghị khắc phục các tồn
tại, vi phạm về PCCC và CNCH, trong đó cụ thể, làm rõ các tồn tại, vi phạm
trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, công trình, hoạt động của cơ sở.
III. PHƯƠNG PHÁP
THỰC HIỆN
1. Xác định
rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương
trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH trong phạm vi quản
lý. Thực hiện triệt để các giải pháp, biện pháp về PCCC và CNCH và phải chịu
trách nhiệm về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý.
2. Tổ chức
rà soát, lập danh sách 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo địa bàn
khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
3. Tổng
kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước
về PCCC, tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, cơ sở
có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao như:
Khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư,
nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất... (cơ sở
đã được Cơ quan Công an, UBND cấp xã kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH định kỳ
theo quy định, cơ sở đang tạm ngừng hoạt động phải tổ chức kiểm tra, nắm tình
hình và báo cáo theo Kế hoạch này). Kiến nghị thời hạn khắc phục và xử phạt
vi phạm hành chính về PCCC và CNCH theo quy định của Nghị định 144/2021/NĐ-CP ,
tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP ,
trong đó:
- Đối với cơ sở đang hoạt động nhưng
còn tồn tại, vi phạm về PCCC trong giai đoạn đầu tư xây dựng (bao gồm các cơ
sở đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC) và trong quá trình hoạt động: Có văn bản yêu cầu ngừng hoạt động đối với
các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, không đảm bảo an toàn, không bảo đảm yêu cầu
về ngăn cháy lan, thoát nạn, trang bị hệ thống báo cháy,
chữa cháy và bắt buộc khắc phục theo đúng các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC tương ứng với thời điểm cơ sở đưa vào hoạt
động; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý nghiêm các trường hợp
không chấp hành kiến nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đối với các cơ sở đang bị tạm đình
chỉ hoạt động, đình chỉ hoạt động, tự ngừng hoạt động:
+ Cơ sở, hộ kinh doanh thuộc diện phải
có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT: Công an tỉnh thực hiện kiểm tra, thu hồi
giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với trường hợp không bảo đảm điều kiện
an toàn về PCCC và CNCH; chỉ cấp lại khi đủ điều kiện an toàn PCCC và CNCH;
+ Cơ sở, hộ kinh doanh không thuộc diện
phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT: Công an tỉnh phối hợp các sở,
ban, ngành và UBND các cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh đối với
trường hợp không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và CNCH theo quy định của pháp
luật; chỉ cấp lại khi đủ điều kiện an toàn PCCC và CNCH.
- Yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ
kinh doanh sau khi khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH phải có báo
cáo kết quả thực hiện. Cơ quan Công an trực tiếp quản lý cơ sở tổ chức kiểm tra
bảo đảm chỉ những cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH mới
được hoạt động trở lại.
4. Trên
cơ sở kết quả rà soát, kiểm tra:
- Hoàn thành việc lập hồ sơ quản lý
cơ sở về PCCC và CNCH, phương án chữa cháy của cơ quan Công an, phương án CNCH
của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo quy định (rà soát, kiểm tra đến
đâu, hoàn thiện đến đó); đảm bảo công tác quản lý nhà nước về PCCC, kiểm
tra an toàn về PCCC và CNCH được thực hiện đúng quy định, kiên quyết không để
trống, lọt cơ sở; tham nhũng, tiêu cực trong công tác này.
- Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận
thức của người đứng đầu cơ sở, người dân trong thực hiện các quy định về PCCC
và CNCH; tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình an toàn về PCCC tại địa bàn,
cơ sở đáp ứng yêu cầu trong công tác PCCC và CNCH.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM
VỤ
1. Các sở, ban,
ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố
- Tiếp tục triển khai, thực hiện
nghiêm túc Công điện số 2412/CĐ-UBND ngày 14/9/2022 của UBND tỉnh về tăng cường
công tác PCCC trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 2958/KH-UBND ngày 07/10/2022 về kiểm
tra các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh; Công văn số
1882/UBND-NC ngày 21/7/2022 về thực hiện một số giải pháp đảm bảo an toàn PCCC
tại trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn
thể tỉnh phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện nghiêm các quy định, điều kiện an toàn
PCCC tại cơ quan, đơn vị và cơ sở theo đúng quy định tại Điều 5 Nghị định
136/2020/NĐ-CP. Hàng năm, chủ động lập dự trù và bố trí kinh phí lắp đặt, bảo
dưỡng, thay thế, bổ sung và duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống, trang thiết
bị PCCC và CNCH theo quy định; thành lập Đội PCCC cơ sở, tổ chức huấn luyện
nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở hoạt động
thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, đối phó; xây dựng phương án chữa cháy,
phương án cứu nạn, cứu hộ cơ sở và tổ chức thực tập phương án tại trụ sở đúng
quy định (trong đó, từ nay đến hết năm 2022, yêu cầu trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh
và tất cả các sở, ban, ngành tỉnh phải tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và
CNCH, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy. Nếu trụ sở nào không thực hiện, Thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh). Tổ chức tốt
công tác thường trực, bảo vệ cơ quan, tổ chức, nhất là vào thời gian ngoài giờ
làm việc, ngày nghỉ, ngày lễ.
- Các sở, ngành tổ chức rà soát, cung
cấp danh sách, số liệu cơ sở theo lĩnh vực quản lý trên địa
bàn tỉnh, cụ thể: (1) Sở Công Thương cung cấp số liệu cơ sở Chợ,
TTTM, siêu thị; Xăng dầu, Gas; hóa chất; điện; (2) Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch cung cấp số liệu cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí (karaoke, vũ
trường, quán bar...); cơ sở thể thao (sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm thể dục, thể thao...); cơ sở lưu trú: Khách sạn, nhà khách, nhà
nghỉ...; (3) Sở Giáo dục và đào tạo cung cấp số liệu cơ sở giáo dục;
(4) Sở Y tế phối hợp rà soát, cung cấp số liệu cơ sở y tế (Bệnh
viện, phòng khám, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, trung tâm y tế ...); (5)
Ban Quản lý Khu công nghiệp cung cấp số liệu các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa
trong KCN. Danh sách báo cáo về UBND tỉnh (qua Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công
an tỉnh) trước ngày 15/10/2022.
2. Sở Xây dựng,
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố
Thực hiện thẩm định, phê duyệt và cấp
giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy mô, tính chất công trình theo văn bản
thẩm duyệt về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH, nhất là đối với các công
trình khi thay đổi tính chất sử dụng, cải tạo nhà ở hộ gia đình thành cơ sở sản
xuất, kinh doanh; xử lý, rút giấy phép xây dựng, cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng
mục công trình xây dựng trái phép, không đúng giấy phép... Phối hợp với Công an
tỉnh có phương án xử lý dứt điểm các cơ sở hiện chưa được thẩm duyệt thiết kế,
nghiệm thu về PCCC đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Công
Thương, Công ty điện lực Hưng Yên
- Thực hiện quản lý, kiểm tra đối với
việc lắp đặt, sử dụng điện sau công tơ của các cơ sở, hộ gia đình; phối hợp kiểm
tra, phát hiện các vi phạm trong lắp đặt, sử dụng điện để kịp thời xử lý theo
quy định.
- Sở Công Thương tham gia góp ý, bổ
sung đối với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
trong đó có nội dung ngừng, giảm cung cấp điện trong trường hợp có văn bản
thông báo cơ sở vi phạm, không đảm bảo an toàn PCCC của Cơ quan nhà nước có thẩm
quyền.
4. Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch
Thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép
kinh doanh; kiểm tra, giám sát việc chấp hành đối với các cơ sở kinh doanh có
điều kiện...; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đối với cơ sở không đảm bảo
an toàn PCCC nhất là với các loại hình cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, tập
trung đông người như: Karaoke, quán bar, vũ trường, cơ sở massage.
5. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành và UBND cấp huyện thực hiện việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và
CNCH đối với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC và khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh, triệt để,
không để trống, lọt cơ sở; cơ sở có vi phạm quy định về PCCC và CNCH mà không tạm
đình chỉ, đình chỉ hoặc hoạt động mà không được giám sát;
không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chống tiêu cực trong giám sát, kiểm
tra. Đối với các cơ sở có vi phạm trong công tác PCCC và CNCH cần kiến nghị thời
hạn khắc phục và xử phạt vi phạm hành chính về PCCC và CNCH theo quy định của
Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ; tạm đình chỉ, đình chỉ
hoạt động theo quy định tại Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP .
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính
và các sở, ban, ngành liên quan tổng rà soát, đánh giá thực trạng việc: lắp đặt,
bảo dưỡng, thay thế, bổ sung và duy trì hoạt động của hệ thống, trang thiết bị
PCCC và CNCH theo quy định; công tác thành lập Đội PCCC cơ sở, tổ chức huấn luyện
nghiệp vụ PCCC và CNCH và việc xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ
sở và tổ chức thực tập phương án tại các trụ sở cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp
huyện. Tổng hợp báo cáo kết quả và tham mưu UBND tỉnh xem
xét bổ sung kinh phí, chỉ đạo tổ chức khắc phục những tồn tại, thiếu sót về
công tác PCCC và CNCH tại các trụ sở cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo
đúng quy định pháp luật hiện hành.
- Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc
việc thực hiện các quy định an toàn về PCCC tại các sở, ban, ngành; phối hợp tổ
chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH, thực tập phương
án chữa cháy, CNCH tại các trụ sở sở, ban, ngành khi được đề nghị.
- Trong quá trình tổng rà soát, kiểm
tra an toàn PCCC và CNCH những cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động,
cơ sở ngừng hoạt động, cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH phải có văn
bản thông báo cho UBND cấp huyện, cấp xã; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên công khai danh sách
trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông để chính quyền địa
phương, người dân giám sát; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khắc phục, hoạt
động của các cơ sở trên địa bàn, kịp thời báo cáo khi phát hiện hành vi vi phạm
cho đến khi được hoạt động trở lại.
- Siết chặt công tác quản lý nhà nước
về PCCC trong đầu tư xây dựng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý xây dựng,
văn hóa, UBND các cấp khi xem xét thẩm duyệt thiết kế về PCCC, cấp giấy phép
xây dựng, nghiệm thu về PCCC và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, cấp giấy
chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, giấy phép kinh doanh phải bảo đảm các cơ sở
đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, ANTT. Siết chặt kỷ luật,
kỷ cương, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát; tổ chức thực hiện nghiêm túc,
hiệu quả trong công tác quản lý PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở, kiểm điểm,
xử lý đối với đơn vị, cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý, kiểm
tra an toàn về PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ
biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH tới các cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình
để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, người lao động
trong khu dân cư, thực hiện tốt phương châm “04 tại chỗ”. Việc tuyên truyền, huấn
luyện tập trung vào những cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, cơ sở có quy
mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao như: Khách sạn,
nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng,
chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất...với hình thức đa dạng,
phong phú, phương pháp huấn luyện đi sâu vào thực hành để đảm bảo cho lực lượng
dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành sử dụng thành thạo các phương tiện
chữa cháy và CNCH đã được trang bị, có khả năng tự tổ chức chữa cháy và CNCH, xử
lý hiệu quả các vụ cháy ngay từ ban đầu.
6. Ủy ban nhân
dân huyện, thị xã, thành phố
- Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo, lãnh
đạo của cấp Ủy các cấp, chính quyền địa phương đối với công tác PCCC và CNCH; đẩy
mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; đề cao ý thức,
kỹ năng của người dân trong việc đảm bảo an toàn PCCC và CNCH; kiên quyết thu hồi
giấy phép kinh doanh, rút giấy phép xây dựng... theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo tổng rà soát, kiểm tra cơ sở
thuộc diện quản lý về PCCC, khu dân cư trong phạm vi quản lý của mình.
- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn:
+ Thực hiện nghiêm Kế hoạch tổng rà
soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC,
khu dân cư trên địa bàn; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC và
CNCH đối với khu dân cư, cơ sở theo quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo
Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2022 của Chính phủ.
+ Thành lập, kiện toàn, củng cố lực
lượng dân phòng, ban hành quy chế hoạt động, đảm bảo kinh phí và trang bị
phương tiện PCCC và CNCH, phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức huấn
luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng; chuẩn bị sẵn phương án chữa
cháy, cứu người, cứu tài sản khi có cháy xảy ra.
+ Chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh
công tác tuyên truyền trong khu dân cư, cụm dân cư, hộ gia đình qua hệ thống
loa phát thanh tại địa phương vào các khung giờ cao điểm.
7. Sở Thông tin
và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên, Báo Hưng Yên
Tích cực tuyên truyền sâu rộng mục
đích, yêu cầu, nội dung của Kế hoạch này tới toàn thể cơ quan, tổ chức, doanh
nghiệp và người dân biết; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, đăng phát
tin bài, phóng sự tuyên truyền kiến thức, kết quả kiểm tra công tác PCCC và
CNCH trên địa bàn toàn tỉnh.
Kịp thời đưa tin, phản ánh những
gương người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi sai phạm, thiếu trách nhiệm
nhất là các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về PCCC, công khai các trường hợp bị
tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động để giáo dục, phòng ngừa chung.
8. Sở Tài chính
Phối hợp Công an tỉnh và đơn vị liên
quan tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí để lắp đặt, bảo dưỡng, thay thế, bổ sung
và duy trì hoạt động của hệ thống, trang thiết bị và đảm bảo các điều kiện cần
thiết về PCCC và CNCH tại các trụ sở cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện theo
quy định pháp luật hiện hành.
Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh phân bổ
kinh phí cho các sở, ban ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã để bảo dưỡng, duy
trì và bổ sung hệ thống, thiết bị PCCC và CNCH và công tác tổ chức huấn luyện,
thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các cơ quan nhà nước được hoạt
động thực chất, hiệu quả.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ
trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ chức năng,
nhiệm vụ được giao và nội dung kế hoạch này, xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện (hoàn thành xong trước ngày 15/10/2022). Định kỳ 15 ngày tổng
hợp kết quả báo cáo về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH).
2. Giao
Công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã,
thành phố chủ động làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tổ chức hướng dẫn, kiểm
tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện; tổng hợp
báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương định kỳ báo cáo Bộ Công an, Ủy ban
nhân dân tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Công an (qua Cục Cảnh
sát PCCC và CNCH);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thành phố, thị xã;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Báo Hưng Yên;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Hưng Yên;
- Lưu: VT, CVNCHào.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Văn
|