ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 149/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 06
tháng 7 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN TỈNH LẠNG SƠN
GIAI ĐOẠN 2024 - 2028
Thực hiện Thông tư số
23/2022/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực
nông thôn (viết tắt là Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT), UBND tỉnh ban hành thực
hiện như sau:
I. SỰ CẦN
THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẤP NƯỚC AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2024 -
2028
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi
biên giới, dân số trung bình của tỉnh năm 2022 ước tính đạt 802.090 người, dân
số khu vực nông thôn là 616.220 người, chiếm 76,83%. Để bảo đảm đạt mục tiêu
Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn trên địa bàn tỉnh đến
năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thực hiện quy định tại Điều 6 Thông tư số
23/2022/TT-BNNPTNT việc xây dựng, ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn khu vực
nông thôn cấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028 cần thiết, đúng quy định.
Nhằm duy trì hoạt động bền vững của các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn
đảm bảo, cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, giảm
tỷ lệ thất thoát nước, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo chất
lượng nước theo quy chuẩn quy định góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo
vệ sức khỏe con người, phòng ngừa dịch bệnh, giảm thiểu các bệnh lây truyền qua
đường nước. Phát hiện, phân tích, đánh giá và quản lý rủi ro trên toàn bộ hệ thống
cấp nước từ nguồn nước qua hệ thống thu nước, quá trình xử lý, dự trữ và phân
phối đến khách hàng. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, giải pháp thực hiện của
các cơ quan liên quan để tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả.
II. THỰC TRẠNG
CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Tính đến hết năm 2022, toàn
tỉnh có tổng số 414 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, trong
đó:
- Có 394 công trình hoạt động,
gồm: 65 công trình hoạt động bền vững, 222 công trình hoạt động tương đối bền vững;
107 công trình hoạt động kém bền vững.
- Có 20 công trình không hoạt động.
2. Công trình cấp nước tập trung
nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, manh mún được lấy nước từ các khe
núi, mạch lộ, hang ngầm. Công trình được xây dựng bằng nhiều loại hình khác
nhau gồm tự chảy, bơm điện, giếng khoan đường kính nhỏ, giếng đào bể chứa nước...
khai thác nước sinh hoạt của dân cư nông thôn tỉnh Lạng Sơn đa dạng, phù hợp điều
kiện cụ thể của từng vùng, từng cụm dân cư. Người dân sử dụng nước sinh hoạt
nông thôn có điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều công trình đã xuống cấp, hư
hỏng, một số công trình đã ngừng hoạt động, thu không đủ bù đắp chi phí do đó cần
phải có nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa để công trình phát huy hiệu quả, cấp
nước an toàn.
3. Các công trình cấp nước tập
trung sau khi thi công xong đều được giao cho UBND cấp xã quản lý; đa số các xã
chưa thành lập ban quản lý nước, chưa thu tiền sử dụng nước của người dân để phục
vụ quản lý vận hành, sửa chữa để đảm bảo công trình hoạt động có hiệu quả, bền
vững.
4. Đến hết năm 2022, tỷ lệ người
dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,2%, trong đó tỷ lệ dân nông thôn
sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành đạt 58,9%.
III. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Thực hiện đảm bảo cấp nước an
toàn khu vực nông thôn nhằm nâng cao tính bền vững các công trình cấp nước tập
trung nông thôn, giảm tỷ lệ thất thoát, tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường; nâng
cao hiệu quả quản lý Nhà nước và hoạt động quản lý, khai thác, vận hành các
công trình; tăng cường vai trò và sự tham gia của người dân; bảo đảm cung cấp
nước ổn định, liên tục, đủ lưu lượng, duy trì đủ áp lực, đảm bảo chất lượng nước
theo quy định của pháp luật góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức
khỏe người dân.
- Nâng cao tính bền vững của
các công trình cấp nước nông thôn; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình
hoạt động kém bền vững hoặc không hoạt động nhưng có khả năng cải tạo sửa chữa
để đảm bảo cấp nước an toàn.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2028
- Có 100% hộ dân nông thôn được
sử dụng nước hợp vệ sinh.
- Có 68% hộ dân nông thôn được
sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương.
- Tiêu chuẩn cấp nước tối thiểu
60 lít/người/ngày.
- 100% công trình cấp nước tập
trung nông thôn có công suất từ 100m3/ngày đêm trở lên được xây dựng
kế hoạch cấp nước an toàn. Các hạng mục công trình thu, xử lý, trữ, phân phối
nước sạch đến khách hàng được quản lý, vận hành, bảo dưỡng theo quy trình và
tiêu chuẩn kỹ thuật. Có phương án kiểm soát các nguy cơ, rủi ro, sự cố có thể xảy
ra trong quá trình vận hành công trình cấp nước đến khách hàng, có biện pháp cấp
nước dự phòng trường hợp xảy ra gián đoạn cấp nước trên 48 giờ. Có cơ chế tài
chính rõ ràng, thu đủ bù chi và có tích lũy phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng,
khắc phục sự cố.
- Việc thu, xử lý và trữ nước
an toàn hộ gia đình khu vực nông thôn được đảm bảo, thực hiện thường xuyên,
liên tục.
IV. NỘI DUNG
VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHỦ YẾU
1. Tổ chức thực hiện cắm mốc
hành lang bảo vệ nguồn nước, xây dựng các phương án bảo vệ nguồn nước cấp cho
sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về đảm bảo cấp nước an toàn; khoanh định các vùng bảo
hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.
2. Thường xuyên theo dõi, kiểm
soát các nguồn gây ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước; xây dựng hệ thống cảnh báo
gây ô nhiễm chất lượng nước.
3. Xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác sử dụng nguồn nước trái
phép.
4. Xây dựng và ban hành Quy chuẩn
kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo
quy định; kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt khu vực nông thôn theo
quy chuẩn quy định.
5. Kiểm tra, rà soát hiện trạng
các công trình cấp nước để có kế hoạch xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các
công trình cấp nước tập trung đảm bảo cấp nước an toàn. Hàng năm bố trí nguồn vốn
hoặc huy động, lồng ghép các nguồn lực, đầu tư cải tạo, sửa chữa công trình cấp
nước bị hư hỏng xuống cấp nhằm cung ứng đầy đủ, liên tục và bảo đảm chất lượng
nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân, nhất là khu vực khó
khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa.
6. Tăng cường công tác truyền
thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và
sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả như: đa dạng hóa các hình thức tổ chức
tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tích cực sử dụng các nguồn nước
sạch; nâng cao nhận thức về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, trách nhiệm
bảo vệ nguồn nước và bảo vệ công trình cấp nước. Thực hiện tốt công tác thu, xử
lý và trữ nước an toàn hộ gia đình khu vực nông thôn.
7. Các cấp chính quyền địa
phương tăng cường công tác quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung,
thành lập Ban quản lý công trình và hoạt động có hiệu quả. Tổ chức tập huấn cho
các cán bộ quản lý, vận hành khai thác công trình nhằm nâng cao hiệu quả trong
công tác quản lý công trình.
8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ,
thiết bị thông minh trong quản lý, vận hành hệ thống cấp nước. Nghiên cứu áp dụng
công nghệ và thiết bị xử lý nước hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm
năng lượng và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
V. DANH MỤC
CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT NÔNG THÔN TẬP TRUNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CẤP NƯỚC
AN TOÀN KHU VỰC NÔNG THÔN CẤP TỈNH
Xây dựng, thực hiện kế hoạch đảm
bảo cấp nước an toàn cho 11 công trình có công suất từ 100m3/ngày
đêm trở lên theo quy định. Chi tiết danh mục các công trình tại Phụ lục kèm
theo.
VI. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí: vốn
ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Tổng nhu cầu kinh phí thực
hiện
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện
cấp nước an toàn trong giai đoạn 2024-2028 là: 72.610 triệu đồng, trong đó:
- Kinh phí truyền thông nước sạch
và vệ sinh môi trường nông thôn; tập huấn, hướng dẫn quản lý vận hành công
trình cấp nước sạch nông thôn tập trung: 750 triệu đồng.
- Xét nghiệm đánh giá chất lượng
nước phục vụ cập nhật Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn trên địa
bàn tỉnh: 4.500 triệu đồng.
- Sửa chữa, cải tạo, xây mới
các công trình: 67.360 triệu đồng. (Chi tiết tại các Phụ lục kèm theo).
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Ban hành tài liệu hướng dẫn,
tổ chức tập huấn về xây dựng, phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn đối với công
trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia
đình.
- Tuyên truyền, hướng dẫn các
đơn vị cấp nước, các hộ gia đình theo dõi, giám sát và duy trì số lượng, chất
lượng nước.
- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc
và phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, các đơn vị cấp nước triển khai thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn
khu vực nông thôn nhằm nâng cao tính bền vững các công trình cấp nước tập trung
nông thôn. Định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát
số lượng, chất lượng nước nông thôn theo quy định của pháp luật.
- Trước ngày 30 tháng 3 của năm
xây dựng kế hoạch điều chỉnh “Kế hoạch cấp nước an toàn cấp tỉnh”, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn gửi văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện đề xuất nội dung kế
hoạch điều chỉnh, đăng ký thêm công trình thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
Trước ngày 30 tháng 5 của năm kế hoạch điều chỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chỉ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch điều
chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt trước 30 tháng 6 của năm xây dựng kế hoạch điều
chỉnh.
2. Sở Tài
nguyên và Môi trường
- Xác định vùng bảo hộ vệ sinh
khu vực lấy nước sinh hoạt trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định; đôn đốc, hướng
dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện việc xác định
ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa sau khi
được phê duyệt và công bố.
- Theo dõi, quản lý việc khai
thác sử dụng nguồn nước; việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài
nguyên nước.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan
chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý các vi phạm hành lang bảo
vệ nguồn nước, xả thải gây ô nhiễm nguồn nước và các quy định trong công tác quản
lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
3. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học
và Công nghệ và đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành
Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh
hoạt phù hợp quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng
cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT. Tổ chức kiểm tra, giám sát về chất
lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định của Bộ
Y tế và theo quy chuẩn địa phương được UBND tỉnh ban hành.
4. Sở Xây
dựng
- Tham mưu, kiện toàn Ban Chỉ đạo
cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch tỉnh Lạng Sơn.
- Thẩm định, tuyên truyền, hướng
dẫn, phổ biến pháp luật việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức
kinh tế - kỹ thuật về xây dựng công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa
bàn tỉnh.
5. Sở
Khoa học và Công nghệ
Phối hợp các cơ quan, đơn vị
liên quan đề xuất ứng dụng công nghệ, thiết bị thông minh trong quản lý, vận
hành hệ thống cấp nước; nghiên cứu áp dụng công nghệ và thiết bị xử lý nước hiện
đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với điều kiện biến
đổi khí hậu.
6. Sở Kế
hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn đầu tư công theo
khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh để hỗ trợ thực hiện kế hoạch.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế,
chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư các công trình cấp
nước sạch và vệ sinh nông thôn.
7. Sở Tài
chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư và các đơn vị liên quan căn cứ khả năng cân đối ngân sách tham mưu
trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện Kế
hoạch này theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước; hướng dẫn, kiểm tra việc
quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán nguồn vốn sự nghiệp theo quy định của
pháp luật hiện hành.
8. Sở
Giao thông vận tải
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan cấp giấy phép thi công tuyến ống cấp nước trong phạm vi bảo vệ kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản
lý đảm bảo phù hợp với quy hoạch hạ tầng giao thông trên địa bàn, phát huy hiệu
quả đầu tư.
9. Ban
Dân tộc
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
đề xuất các chính sách liên quan cấp nước và vệ sinh môi trường vùng đồng bào
dân tộc thiểu số; lồng ghép nhiệm vụ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi các
giai đoạn.
10. Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố
- Theo dõi, rà soát các quy hoạch
sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch các khu/cụm
công nghiệp để triển khai khắc phục hiện trạng xả thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến
nguồn nước cấp.
- Phối hợp với các sở, ngành,
cơ quan, đơn vị thực hiện việc kiểm tra, xử lý hoạt động vi phạm về môi trường
nhằm bảo vệ nguồn nước; xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước
và hành lang bảo vệ hệ thống ống cấp nước và các trường hợp phá hoại công trình
cấp nước trên địa bàn.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên
môn, UBND các phường, xã, thị trấn, phối hợp với các đơn vị, giám sát các cơ sở,
đơn vị cấp nước trong quá thực hiện cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất
thu nước sạch, phối hợp với đơn vị cấp nước trong việc việc khắc phục các sự cố
về cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch trên địa bàn, đảm bảo
phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch kịp thời.
- Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt mức
thu tiền sử dụng nước của các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn theo
quy định.
- Chỉ đạo đơn vị quản lý công
trình triển khai lập kế hoạch cấp nước an toàn theo quy định. Hàng năm, chỉ đạo
các phòng, ban chuyên môn, phối hợp với UBND các xã, trước ngày 30 tháng 4 của
năm điều chỉnh kế hoạch ‘‘Kế hoạch cấp nước an toàn cấp tỉnh’’ đề xuất nội dung
thực hiện cấp nước an toàn và danh mục công trình điều chỉnh đáp ứng yêu cầu tại
Điều 4 Thông tư 23/2022/TT-BNNPTNT gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng
hợp. Nội dung và danh mục công trình đề xuất điều chỉnh thực hiện theo Phụ lục
I Thông tư 23/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Báo
cáo kết quả thực hiện cấp nước an toàn về Sở Nông nghiệp và PTNT theo phụ lục
VI ban hành tại Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT .
- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện
một số nội dung như sau:
+ Chủ trì hướng dẫn theo dõi,
kiểm tra thực hiện thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình: theo dõi, giám
sát chất lượng nước hộ gia đình đảm bảo an toàn; tuyên truyền phổ biến kiến thức
và hướng dẫn hộ gia đình thực hiện thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình;
thông báo kịp thời cho các cá nhân, hộ gia đình sử dụng công trình cấp nước hộ
gia đình khi nhận được khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến chất
lượng nguồn nước mà cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng; thống kê danh sách hộ
gia đình thực hiện thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình trên địa bàn quản
lý.
+ Báo cáo kết quả thực hiện cấp
nước an toàn về UBND cấp huyện, thành phố theo phụ lục VI ban hành tại Thông tư
số 23/2022/TT-BNNPTNT .
+ Thực hiện nội dung được quy định
tại Điều 20 Thông tư số 23/2022/TT-BNNPTNT khi được giao nhiệm vụ là đơn vị cấp
nước.
+ Thành lập ban quản lý nước, vận
động các tổ chức và người dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước; sử dụng nước
tiết kiệm; lập kế hoạch cấp nước an toàn đối với các công trình cấp nước sạch
nông thôn trên địa bàn các xã. Tích cực tham gia giám sát cộng đồng về cấp nước
an toàn và hoạt động xả thải của các tổ chức, cá nhân; khi phát hiện hành vi vi
phạm, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn, khắc phục
và xử lý.
Yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm
vụ được giao chủ động phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch này.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc kịp thời gửi
văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ, các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các Sở, ngành: NNPTNT, KHĐT, TC, KHCN, GTVT, XD, YT, TNMT, BDT;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CM, Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT(PVĐ).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lương Trọng Quỳnh
|