ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1425/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 25
tháng 4 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG NẮNG NÓNG,
HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC THEO CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CHỈ THỊ SỐ
11/CT-TTG NGÀY 01 THÁNG 4 NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg
ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện
các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Công
văn số 2605/BNN-TL ngày 10 tháng 4 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm
2024 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước
trên địa bàn tỉnh với các nội dung chủ yếu như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Quán triệt và thực hiện
nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ
tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng
nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại
do thời tiết nắng nóng, hạn hán, thiếu nước gây ra đối với các hoạt động sản xuất,
đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
hướng dẫn người dân chủ động áp dụng các giải pháp cấp, trữ nước và sử dụng nước
tiết kiệm trong thời gian nắng nóng, hạn hán, thiếu nước do tác động của hiện
tượng El Nino.
2. Yêu cầu:
- Theo dõi chặt chẽ dự báo về
thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước để triển khai thực hiện các giải
pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước
theo quy định.
- Thực hiện tiết kiệm nước,
phân phối nước hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm nguồn nước cung cấp
đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng có giá trị
kinh tế cao, ...) và sản xuất nông nghiệp cho đến hết mùa khô năm 2024 trên
địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Tăng cường quản lý, khai thác
vận hành các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện đảm bảo theo đúng quy định, quy
trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt; phát huy cao tinh thần trách nhiệm
trong công tác phòng, chống hạn, chủ động thực hiện các giải pháp chống hạn phục
vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức rà soát, đánh giá thực
trạng hoạt động cấp nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi, công trình cấp
nước sạch nông thôn, nhất là các công trình cấp nước sạch sử dụng nguồn nước dưới
đất để có giải pháp cấp nguồn thay thế kịp thời khi xảy ra thiếu nước; bố trí
các điểm cấp nước tập trung, cấp nước lưu động, hỗ trợ thiết bị cấp, trữ nước hộ
gia đình cho những khu vực chịu ảnh hưởng.
II. GIẢI
PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC:
1. Diễn biến tình hình thời
tiết, thủy văn:
Thời tiết nắng nóng xuất hiện từ
tháng 2 cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra 04 đợt nắng nóng (ngày
05-08/3; 15-19/3; 25-28/3 và 31/3-15/4) với nhiệt độ cao nhất đạt từ 35,5 -
37,40; lượng dòng chảy trên sông suối rất thấp so với trung bình nhiều
năm đặc biệt dòng chảy trên sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và thành
phố Kon Tum đạt thấp hơn từ 45 - 65%, trên sông Đăk Tờ Kan và sông Pô Kô đạt thấp
hơn từ 5 - 15%;
2. Diễn biến tình hình hạn
hán, thiếu nước:
Thời gian qua, tình trạng khô hạn,
thiếu nước đã xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay diện tích sản
xuất bị khô hạn, thiếu nước có khả năng ảnh hưởng đến năng suất khoảng 73,3ha;
trong đó, thành phố Kon Tum là 19ha lúa(1); huyện
Đăk Hà là 54,3ha (gồm 2,9ha lúa(2) và
51,4 ha(3) cà phê bị khô hạn, thiếu nước
tưới đợt 4, đợt 5). Công trình cấp nước sinh hoạt đã xảy ra khô hạn khoảng:
117 giếng, tương ứng khoảng 116 hộ dân(4) và
01 điểm trường tiểu học (Trường học TH-THCS Trần Hưng Đạo) bị thiếu nước.
Theo số liệu quan trắc tính đến
ngày 19 tháng 4 năm 2024, mực nước các hồ thủy lợi rất thấp so với mực nước
dâng bình thường, cụ thể: Hồ Đăk Uy dung tích còn khoảng 13,34%; Hồ Đăk Yên
dung tích còn khoảng 19,65%; Hồ Ia Bang Thượng dung tích còn khoảng 5,32%; các
hồ chứa nhỏ chỉ còn lại phần dung tích chết (ngoài phần dung tích tính toán
thiết kế tưới): Hồ Cà Tiên, Hồ 6A, 6B, Hồ C2, C3, C4, Hồ C19... việc cung cấp
nước tưới cho cây lúa đến thời điểm hiện tại đã kết thúc mùa vụ (không ảnh
hưởng đến cung cấp nước phục vụ tưới cho cây lúa). Đối với cây Công nghiệp
cần tưới, theo cùng kỳ các diện tích cây Công nghiệp cần tưới chỉ tưới đến đợt
4. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã tưới xong đợt 4 nhưng thời tiết vẫn nắng
nóng kéo dài, chưa xuất hiện mưa nên các diện tích cây công nghiệp sẽ phải tiếp
tục tưới đợt 5, đợt 6. Với lượng nước còn lại ở một số hồ chứa nhỏ khả năng sẽ
không đủ lượng nước phục tưới cho diện tích cây trồng (đặc biệt là cây cà
phê) nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.
3. Giải pháp phòng, chống
hạn hán, thiếu nước:
Để chủ động ứng phó tình hình hạn
hán, thiếu nước có thể xảy ra, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu dùng nước cho
sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Nhân dân. Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm
túc Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và
Công văn số 2605/BNN-TL ngày 10 tháng 4 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về ứng phó tình hình
hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời, tập trung triển khai thực hiện
các giải pháp chống hạn như sau:
a) Đối với sản xuất nông
nghiệp:
- Rà soát, khoanh vùng cụ thể
các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; hướng dẫn, hỗ trợ người
dân giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là ở khu vực ngoài vùng công trình phụ
trách tưới; lưu ý thực hiện giải pháp tích trữ nước phân tán, trường hợp nguy
cơ bị thiếu nước nghiêm trọng, chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu
của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm,
hạn chế thất thoát nước do bốc hơi.
- Quản lý chặt chẽ cống lấy nước
đầu mối và các công trình tưới; thực hiện tưới luân phiên, tưới tiết kiệm nước,
khắc phục ngay các vị trí rò rỉ, thất thoát nước, không để nước chảy ra khỏi
công trình mà không phục vụ tưới; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông cống
rãnh, dòng chảy đảm bảo thuận lợi cho việc lấy nước phục vụ sản xuất;
- Tăng cường công tác quản lý,
điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối
hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước (các trạm quản lý thủy nông, hợp
tác xã...) với các hộ dùng nước (tổ chức, hộ gia đình...) và bám sát
nhu cầu dùng nước của cây trồng.
- Khi hạn xảy ra, các địa
phương, đơn vị liên quan kịp thời huy động nhân lực, phương tiện, máy móc, vật
tư (máy bơm nước, đường ống, xăng, dầu…) tổ chức bơm tưới bổ sung ngay
các vị trí bị hạn; tùy thuộc từng khu vực, tận dụng tối đa nguồn nước của các
khe suối, ao, hồ, để đặt máy bơm để tưới bổ sung cho những khu vực có thể chống
hạn, hoặc dùng các biện pháp đắp đập tạm ngăn suối, dùng máy bơm bơm nước để tưới;
- Các chủ đầu tư xây dựng công
trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện các hạng mục công trình sửa
chữa, nâng cấp, xây dựng mới (Đập Đăk Car, Đăk Sia II, Đăk Cấm, hồ Ia Hiur,
Đăk Pokei...) để sớm đưa vào khai thác sử dụng phục vụ chống hạn; xây dựng,
lắp đặt các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (rau,
hoa, quả, cây công nghiệp ...) đặc biệt là những vùng thường xuyên xảy ra hạn
hán, thiếu nước.
- Tăng cường tổ chức tuyên truyền
thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước trên các phương tiện
thông tin đại chúng và phương tiện truyền thông khác đến chính quyền địa
phương, người dân, tổ chức liên quan chủ động thực hiện giải pháp ứng phó với ảnh
hưởng của nắng nóng, hạn hán, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí
nguồn nước ngọt.
b) Đối với nước sinh hoạt:
- Tăng cường thực hiện công tác
thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện
pháp trữ nước, xử lý nước trong trường hợp không có nước sạch và sử dụng nước sạch
tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
- Tổ chức kiểm tra, xác định
các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để triển khai giải pháp bảo
đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để người dân thiếu nước sinh hoạt;
rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, đánh giá khả
năng nguồn nước cấp cho sinh hoạt (bao gồm cả nguồn dự phòng) để chủ động
tổ chức các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt;
- Các địa phương, đơn vị cấp nước
xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ
lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ
thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; thực
hiện công tác khắc phục hạn, hán, thiếu nước, theo phương châm 4 tại chỗ.
- Huy động trang thiết bị phục
vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, như thiết lập
các điểm cấp nước tập trung, bồn trữ nước, máy lọc nước, hóa chất xử lý nước,...trường
hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện
lưu động, như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân
cư.
III. NGUỒN LỰC
PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN:
Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố và đơn vị liên quan chủ động sử dụng nguồn lực của địa phương, đơn vị
(Nguồn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác) để
triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn
hán, thiếu nước trên địa bàn. Trường hợp vượt quá khả năng ngân sách của địa
phương, tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính)(5)
để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí theo
khả năng ngân sách tỉnh và theo đúng quy định hiện hành hoặc báo cáo Bộ, ngành
Trung ương xem xét hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 05
tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến
tình hình hạn hán, thiếu nước, thông tin dự báo, cảnh báo, nội dung chỉ đạo của
Trung ương và của tỉnh để hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan
triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán,
thiếu nước theo quy định.
- Phối hợp với các đơn vị liên
quan, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi,
cấp nước sinh hoạt nông thôn đang xây dựng để sớm đưa vào khai thác, phát huy
hiệu quả. Chỉ đạo vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi để điều phối nguồn nước,
đáp ứng tốt nhất nhu cầu nước cho các đối tượng sử dụng nước theo khả năng nguồn
nước; khai thác hiệu quả công trình thủy lợi, chống thất thoát, lãng phí nước.
- Thường xuyên kiểm tra, thống
kê, đánh giá thiệt hại do hạn hán, thiếu nước và tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp
có thẩm quyền xem xét theo quy định.
2. Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra và đề nghị các chủ hồ đập thủy điện
trên lưu vực sông Đăk Bla (Thượng Kon Tum, Đăk Bla 1, Hồ chứa cắt lũ kết hợp
phát Đăk Bla, Thủy điện Đăk Pô Ne, Đăk Pô Ne 2...) và các hồ chứa thủy điện
trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ chứa
thủy điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm nguồn nước phòng, chống
hạn hán cho hạ du, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và hài hòa giữa mục tiêu bảo
đảm an ninh năng lượng của đơn vị và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên
địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chỉ đạo, đôn đốc Đài Khí tượng
Thủy văn tỉnh Kon Tum theo dõi, dự báo sớm, đảm bảo độ tin cậy về tình hình thời
tiết, khí tượng thủy văn, nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; cung cấp kịp thời các
bản tin cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để chủ động thực hiện các biện
pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.
- Phối hợp với Sở Công Thương,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất
cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực
sông Sê San theo hướng linh hoạt nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên
ngước, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, phát điện.
4. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Kon Tum
- Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ
thông tin dự báo tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn; chủ động triển khai các
giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho phù hợp với tình hình diễn biến
thực tế tại địa phương và thực hiện nghiêm túc các nội dung theo chỉ đạo của Kế
hoạch này.
- Định kỳ trước 10h thứ tư hàng
tuần hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo tình hình hạn hán, thiếu nước (nếu có) gửi
về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định.
5. Các sở, ban ngành thành viên
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh
theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa
phương triển khai kịp thời công tác ứng phó hiệu quả với nguy cơ, hạn hán, thiếu
nước.
6. Đài Phát thanh và Truyền
hình tỉnh, Báo Kon Tum: theo chức năng, nhiệm vụ cập nhật, tuyên truyền, phổ biến,
đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình nguồn nước, nắng nóng, hạn hán, thiếu
nước tới người dân, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan để nâng cao nhận
thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động có giải pháp phù hợp.
7. Văn phòng thường trực Ban Chỉ
huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi
chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển
khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai;
kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền chỉ đạo triển khai thực hiện các biện
pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước theo quy định; tổng hợp, báo cáo định kỳ
hàng tuần về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ
dân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch triển khai
thực hiện các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa
bàn tỉnh Kon Tum. Đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố Kon Tum và đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện, bảo đảm ứng
phó kịp thời, có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán,
thiếu nước gây ra./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh (ph/h);
- Báo Kon Tum (ph/h);
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (ph/h);
- Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (th/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, NNTN.NVH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|
(1) Trong đó: Diện
tích lúa bị khô hạn: Phường Trần Hưng Đạo: 15ha; xã Đăk Năng: 04 ha (diện
tích khu tưới thuộc các khe, sông suối tự nhiên đã vận động Nhân dân
chuyển đổi cơ cấu cây trồng).
(2) Xã Đăk Ui: 2,2
ha, xã Đăk Hring: 0,7 ha.
(3) Xã Hà Mòn:
42,7 ha, xã Đăk Hring: 8,7 ha.
(4) Trong đó: Xã
Hòa Bình: 86 hộ; phường Trần Hưng Đạo 30 hộ và 01 điểm trường tiểu học (Trường
học TH-THCS Trần Hưng Đạo).
(5) Báo cáo cần
nêu cụ thể tình hình hạn hán, thiếu nước, các biện pháp, phương án triển khai
giải pháp ứng phó và kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu
nước và đề xuất, kiến nghị...