ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 133/KH-UBND
|
Kiên Giang, ngày
10 tháng 9 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN PHONG TRÀO “CHỐNG RÁC THẢI NHỰA” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay hành động giải quyết
vấn đề rác thải nhựa của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thư số
161/LĐCP ngày 25/4/2019 về giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa
gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện phong trào
“Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang với các nội dung cụ thể như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm
rác thải nhựa; vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng
sản phẩm nhựa, túi ni lông dùng một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường,
bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, làm thay đổi từ nhận thức thành hành
động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và ni-lông thay thế
bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa trong các
hoạt động của cơ quan đơn vị, thay thế bằng các sản phẩm phù hợp thân thiện môi
trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các sản phẩm từ
nhựa và ni- lông. Giảm thiểu ô nhiễm nhựa và ni-lông, phát huy mọi nguồn lực thực
hiện có hiệu quả việc ngăn chặn ô nhiễm từ nhựa và ni-lông.
Phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các
sáng kiến, kinh nghiệm hay, các mô hình, cách làm sáng tạo trong thực hiện
phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tuyên truyền, phổ biến đến công chức, viên chức,
người lao động trong các cơ quan đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể,
cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”,
tác hại của các sản phẩm nhựa đến sức khỏe, tác hại của rác thải nhựa tới môi
trường sống. Khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến
khích áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông
khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại địa phương.
2. Lồng ghép phát động các chủ đề về: Tác hại của
các sản phẩm nhựa, túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường và sức khỏe; hạn
chế sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni-lông; thu gom rác thải nhựa, túi ni-lông
khó phân hủy vào các chiến dịch ra quân tuyên truyền vào các ngày kỷ niệm về
môi trường như: Ngày Môi trường thế giới 05/6, Ngày Đất ngập nước, Chiến dịch
làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5, Tuần lễ Quốc gia
nước sạch và vệ sinh môi trường.
3. Không sử dụng các loại nước uống đóng chai nhựa,
các ly, cốc, ống hút bằng nhựa dùng một lần tại các cuộc họp, cuộc làm việc tại
cơ quan, đơn vị. Thay vào đó, sử dụng các dụng cụ đựng nước uống, đồ ăn bằng
các vật liệu có thể sử dụng nhiều lần như: inox, thủy tinh, gốm sứ hoặc những vật
liệu khác thân thiện môi trường. Hạn chế và tiến tới lộ trình không sử dụng các
sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động và việc mua sắm văn phòng phẩm tại
cơ quan, đơn vị.
4. Giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái sử dụng,
tái chế các sản phẩm từ nhựa nhằm giảm thải chất thải nhựa ra môi trường. Kêu gọi
công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị toàn tỉnh gương mẫu
sử dụng các sản phẩm dùng nhiều lần, sản phẩm thân thiện môi trường thay cho sản
phẩm nhựa dùng một lần để làm lực lượng nòng cốt cho phong trào “Chống rác thải
nhựa” trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
5. Thúc đẩy cộng đồng khoa học, cộng đồng doanh
nghiệp trong và ngoài tỉnh nghiên cứu tìm những vật liệu có sẵn tại địa phương,
phát triển sản xuất và cung cấp cho thị trường những sản phẩm thay thế các sản
phẩm từ nhựa hiện nay bằng các vật liệu dễ phân hủy trong môi trường, thân thiện
với môi trường.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Phối hợp với các sở, ban, ngành và đoàn thể, các
cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại
của chất thải từ các sản phẩm nhựa, túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường
và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập “Liên
minh chống rác thải nhựa tỉnh Kiên Giang” trên cơ sở kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ
từ phía cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, cộng đồng các
tôn giáo, cộng đồng dân cư ở các địa phương cùng chính quyền và đoàn thể các cấp
phối hợp, tham gia, đồng tổ chức các hoạt động, sự kiện, phong trào “Chống rác
thải nhựa”.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tuyên dương, khen
thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào “Chống rác thải nhựa” trên
địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng
dẫn, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”
ở các địa phương, đơn vị; định kỳ trước ngày 20/12 hàng năm tổng hợp kết quả thực
hiện của các cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Phát động phong trào học sinh, sinh viên “Nói
không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các
cuộc thi tìm hiểu trong học sinh, sinh viên về tác hại của việc sử dụng túi
ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các giải pháp về chống
rác thải nhựa.
- Chỉ đạo các đơn vị, trường học trực thuộc Sở Giáo
dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động thiết thực, cụ thể theo nội dung của Kế hoạch.
3. Sở Y tế:
Tổ chức tuyên truyền, vận động đăng ký tham gia thực
hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” tại các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh
doanh thực phẩm theo lĩnh vực được phân công quản lý; tổ chức, cá nhân kinh
doanh dịch vụ ăn uống, giải khát (các nhà hàng, quán bia, giải khát, quán cà
phê, đồ ăn nhanh...), gắn với các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm.
4. Sở Văn hóa và Thể thao:
Chỉ đạo Ban Quản lý các khu di tích, các đền, chùa
treo các biển hiệu tuyên truyền “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm
nhựa sử dụng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy” ở những khu vực
thích hợp nhằm tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy và
các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
5. Sở Du lịch:
Chỉ đạo Ban Quản lý các khu, điểm du lịch tổ chức
thực hiện tốt công tác quản lý vệ sinh môi trường tại khu, điểm du lịch thuộc
phạm vi quản lý; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh, dịch vụ
thuộc phạm vi quản lý của mình về các chủ đề như: “Chống rác thải nhựa”, “Nói
không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, “Hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân
hủy” bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể, trực quan, sinh động.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền các tổ chức, cá
nhân về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa từ bao gói thuốc bảo vệ
thực vật, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y sau sử dụng theo Thông tư
liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 19/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom,
vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
7. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên hỗ trợ
kinh phí sự nghiệp khoa học để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và
công nghệ ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với
môi trường thay thế túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần. Nghiên cứu thực hiện
các đề tài, nhiệm vụ khoa học, ứng dụng công nghệ sản xuất các loại vật liệu
thân thiện môi trường.
- Trong công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu
tư: Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ có nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện
với môi trường; đối với các dự án tái chế chất thải là đồ nhựa và túi ni-lông
khó phân hủy bắt buộc phải sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng
xấu đến môi trường.
8. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường
công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp, mở các chuyên trang,
chuyên mục tuyên truyền về phong trào “Chống rác thải nhựa” trên các phương tiện
thông tin đại chúng.
9. Sở Công Thương:
- Tăng cường hỗ trợ vốn khuyến công cho các doanh
nghiệp trong sản xuất đồ dùng thay thế đồ nhựa dùng một lần; hỗ trợ doanh nghiệp
giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, đồ dùng thân thiện môi trường.
- Phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền,
vận động, khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị,
chợ,...hạn chế sử dụng túi nhựa, giảm thiểu đóng bao bì sản phẩm bằng nhựa,
ni-lông, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện môi trường thay
thế túi ni-lông.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Báo
Kiên Giang và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh:
Kịp thời phản ánh, đưa tin tình hình triển khai thực
hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh; phát hiện các tổ chức,
cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng.
11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể
cấp tỉnh:
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban,
ngành, chính quyền các cấp thực hiện công tác tuyên truyền; vận động hội viên, đoàn
viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng túi ni-lông và
các sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia tích cực các phong trào vì môi trường
và các đợt tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phân loại rác
thải nhựa và túi ni lông tại các khu dân cư và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa
bàn; vận động, kêu gọi và phối hợp hỗ trợ cộng đồng các tổ chức tôn giáo trên địa
bàn tỉnh tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”.
12. Các sở, ban, ngành tỉnh:
- Tăng cường quán triệt, phổ biến các văn bản thuộc
lĩnh vực môi trường, các tài liệu về tác hại của chất thải nhựa và nội dung Kế
hoạch này đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động, hội viên bằng
các hoạt động thiết thực, hiệu quả.
- Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế
hoạch phù hợp gắn với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của
cơ quan đơn vị.
- Huy động nguồn lực cho việc hạn chế sử dụng các sản
phẩm từ nhựa, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường
theo yêu cầu.
13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp cho địa phương
mình nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”.
- Lựa chọn hình thức ra quân và hưởng ứng phong
trào phù hợp để tổ chức thực hiện.
- Phân rõ trách nhiệm cho các phòng, đơn vị, cá
nhân chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện
phong trào “Chống rác thải nhựa”.
14. Cộng đồng các doanh nghiệp đang hoạt động trên
địa bàn tỉnh:
- Tăng cường tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”
bằng những hoạt động, chính sách, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; tham
gia, hỗ trợ kinh phí hoặc đồng tổ chức các sự kiện truyền thông về “Chống rác
thải nhựa” tại địa phương nơi doanh nghiệp đang hoạt động.
- Tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân viên,
người lao động làm việc trong doanh nghiệp cùng tham gia bảo vệ môi trường, giảm
sử dụng túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống
rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên
quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Định kỳ báo cáo kết quả
thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp).
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị
kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT&TH KG;
- Báo Kiên Giang;
- Website Kiên Giang;
- LĐVP, P.KTCN, P.VHXH, PTH;
- Lưu: VT, dtnha.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Anh Nhịn
|