BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1315/KH-BYT
|
Hà Nội, ngày 19
tháng 11 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
GIẢM THIỂU CHẤT THẢI
NHỰA TRONG NGÀNH Y TẾ
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi
cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường
năm 2014. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa
lớn trên thế giới. Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp
kiểm soát hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa.
Nhằm chung tay cùng các cấp, các ban, ngành, đoàn
thể, chính quyền địa phương giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải
nhựa, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế với
những nội dung như sau:
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 được Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23
tháng 6 năm 2014;
Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải
rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử
dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020;
Văn bản số 161/LĐCP ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên
toàn quốc;
Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 của Bộ trưởng Bộ
Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
- Giảm dần, tiến tới không sử dụng túi ni lông khó
phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sinh hoạt thường ngày tại
các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế.
- Giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động
chuyên môn y tế thông qua việc đổi mới quy trình kỹ thuật, quy chế chuyên môn
trong hoạt động y tế; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực trang
thiết bị y tế; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các trang thiết bị y tế và thay thế
bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc làm từ các vật liệu thân thiện với
môi trường (nếu có thể).
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Đến năm 2022
- 80% các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế không sử
dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sinh
hoạt thường ngày tại cơ quan, đơn vị.
- 80% các cơ sở y tế không sử dụng bao bì, túi ni
lông khó phân hủy để chứa đựng chất thải y tế.
- 100% các cơ sở y tế thực hiện phân loại chất thải
nhựa để thu gom tái chế, xử lý theo quy định.
- 80% cơ sở y tế có áp dụng các biện pháp giảm thiểu
phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế.
b) Đến năm 2025
- 100% các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế không sử
dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động sinh
hoạt thường ngày tại cơ quan, đơn vị.
- 100% các cơ sở y tế không sử dụng bao bì, túi ni
lông khó phân hủy để chứa, đựng chất thải y tế.
- 100% cơ sở y tế có áp dụng các biện pháp giảm thiểu
phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Hoàn thiện cơ chế chính sách về giảm thiểu chất
thải nhựa
- Sửa đổi Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15/7/2016
và Quyết định số 6573/QĐBYT ngày 03/11/2016 của Bộ Y tế về thực hiện cơ sở y tế
xanh-sạch-đẹp, bổ sung các tiêu chí về giảm thiểu chất thải nhựa.
- Sửa đổi Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18 tháng
11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt
Nam, bổ sung tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào Bộ tiêu chí chất lượng bệnh
viện.
- Xây dựng cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ
các cơ quan, đơn vị y tế thay thế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần,
túi ni lông khó phân hủy bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng, sản phẩm thân
thiện với môi trường.
2. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ
trong giảm thiểu chất thải nhựa
- Nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy
trình kỹ thuật, quy chế chuyên môn để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa;
Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực trang thiết bị y
tế; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các trang thiết bị y tế và thay thế bằng các sản
phẩm có thể tái sử dụng hoặc làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường (nếu
có thể).
- Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp giảm thiểu chất
thải nhựa trong sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm và trong nuôi trồng, chế biến,
sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu hành dược liệu và thuốc cổ truyền.
- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung tiêu chí điểm kỹ thuật
trong quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với quy định
của Luật đấu thầu để khuyến khích việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y
tế sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp về quản lý chất thải
y tế nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
3. Thống kê nguồn, số lượng chất thải nhựa, túi ni
lông khó phân hủy phát sinh trong ngành y tế và xác định các biện pháp giảm thiểu
hoặc thay thế phù hợp.
4. Tổ chức hội thảo, tập huấn, truyền thông, hướng
dẫn thực hiện.
- Tăng cường tập huấn, truyền thông nâng cao nhận
thức về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế và cho cộng đồng, người bệnh,
người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế.
- Xây dựng tài liệu và đưa nội dung giảm thiểu chất
thải nhựa trong ngành y tế vào chương trình, nội dung giảng dạy cho sinh viên
ngành y, dược tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học y, dược trên toàn quốc.
5. Phát động các phong trào thi đua, biểu dương,
tôn vinh, khen thưởng chuyên đề đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc,
có giải pháp, sáng kiến giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong ngành y tế
6. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện giảm thiểu chất
thải nhựa.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ các nguồn sau:
1. Nguồn ngân sách Nhà nước.
2. Nguồn kinh phí của đơn vị.
3. Nguồn kinh phí từ các tổ chức quốc tế.
4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Quản lý môi trường y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng
sửa đổi Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 15/7/2016 và Quyết định số 6573/QĐBYT
ngày 03/11/2016 của Bộ Y tế về thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp, trong đó bổ
sung các tiêu chí về giảm thiểu chất thải nhựa.
- Tổ chức thực hiện thống kê nguồn, số lượng chất
thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong ngành y tế và xác định các
biện pháp giảm thiểu hoặc thay thế phù hợp.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, truyền thông về giảm
thiểu chất thải nhựa tới các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các Sở Y tế và các đơn
vị có liên quan.
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp về quản lý chất thải
y tế nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
- Đầu mối hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc
thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
- Phát hiện, đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế và các cơ
quan có thẩm quyền biểu dương, tôn vinh, khen thưởng chuyên đề đối với tập thể,
cá nhân có thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến giảm thiểu phát sinh chất
thải nhựa trong ngành y tế.
2. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng:
- Đầu mối phối hợp với các đơn vị thuộc, trực thuộc
Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường truyền thông,
phổ biến kiến thức về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thuộc,
trực thuộc Bộ và các đơn vị truyền thông giáo dục sức khỏe trong ngành y tế xây
dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa
trong ngành y tế.
- Phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế phát hiện,
đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền biểu dương, tôn vinh,
khen thưởng chuyên đề đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có giải
pháp, sáng kiến giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong ngành y tế.
3. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sửa đổi
Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban
hành Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam, trong đó bổ sung tiêu chí giảm
thiểu chất thải nhựa vào Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện.
- Nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy
trình kỹ thuật, quy chế chuyên môn để giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
4. Cục Quản lý Dược; Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan Nghiên
cứu, xây dựng các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong sản xuất, kinh
doanh dược, mỹ phẩm và trong nuôi trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh, nhập
khẩu, lưu hành dược liệu và thuốc cổ truyền.
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn các
cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, dược liệu xây dựng kế hoạch và lộ
trình giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của
đơn vị.
5. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế
- Đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên
cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực trang thiết bị y tế;
hướng dẫn sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các trang thiết bị y tế và thay thế bằng
các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường
(nếu có thể).
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn các
cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế xây dựng kế hoạch và lộ trình giảm
thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
6. Vụ Kế hoạch - Tài chính
- Đề xuất cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ các
cơ quan, đơn vị y tế thay thế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi
ni lông khó phân hủy bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc làm từ các vật
liệu thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu, đề xuất bổ sung tiêu chí điểm kỹ thuật
trong quy định về đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với quy định
của Luật đấu thầu để khuyến khích việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y
tế sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
7. Các Viện chuyên ngành gồm: Viện Sức khỏe nghề
nghiệp và môi trường. Viện Pasteur Nha Trang. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên,
Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh:
- Phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế tập huấn,
hướng dẫn, truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa tới các đơn vị trực thuộc
Bộ Y tế, các Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.
- Nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải
nhựa trong ngành y tế.
- Tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực
hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại các đơn vị y tế.
8. Các Trường đại học, cao đẳng, trung cấp y, dược
Xây dựng tài liệu và đưa nội dung giảm thiểu chất
thải nhựa trong ngành y tế vào chương trình, nội dung giảng dạy cho sinh viên
ngành y, dược tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học y, dược trên toàn quốc.
9. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Xây dựng kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa ngành
y tế của tỉnh, thành phố nhằm thực hiện đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra.
- Tập huấn, hướng dẫn, truyền thông về giảm thiểu
chất thải nhựa tới các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn và
các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong lĩnh vực y, dược, các hiệu thuốc,
nhà thuốc đóng trên địa bàn.
- Đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cơ chế chính
sách về tài chính hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý đế thực
hiện kế hoạch thay thế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông
khó phân hủy bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc làm từ các vật liệu thân
thiện với môi trường.
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại các đơn vị y tế trên địa bàn.
- Phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện,
tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm
thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại địa phương.
10. Các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập
- Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức thực
hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải
nhựa trong hoạt động của đơn vị nhằm đạt mục tiêu chung của Kế hoạch giảm thiểu
chất thải nhựa ngành y tế.
- Tổ chức phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền
thông, tới cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ, người bệnh, người
nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế về giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn
vị.
- Thực hiện ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa giữa
Thủ trưởng đơn vị với Lãnh đạo các khoa, phòng, bộ phận, đơn vị cung cấp dịch vụ
tại cơ sở y tế; ký cam kết giữa lãnh đạo các khoa, phòng, bộ phận với từng cá
nhân thuộc khoa, phòng, bộ phận.
- Tích cực nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải
pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế và bảo đảm an
toàn cho người bệnh, cộng đồng và môi trường.
- Phát động phong trào thi đua và chủ động phát hiện,
tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm
thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.
- Định kỳ hàng năm, rà soát, đánh giá kết quả thực
hiện và chỉnh sửa, bổ sung kế hoạch cho phù hợp.
Trên đây là Kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa
ngành y tế. Đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Cục QLMTYT (để theo dõi, thực hiện);
- Các Vụ/Cục/Tổng Cục/Thanh tra Bộ/Văn phòng Bộ (để phối hợp thực hiện);
- Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc BYT;
- Các Sở Y tế tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Lưu; VT, MT.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|