Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 128/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Lương Trọng Quỳnh
Ngày ban hành: 04/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 04 tháng 6 năm 2024

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN, GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch Ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2024 - 2030 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Triển khai kịp thời Kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 nhằm hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, sự cố môi trường do chất thải gây ra.

- Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng các cấp trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải.

- Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường.

- Tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế về cảnh báo sớm, phòng ngừa, phối hợp xử lý và khắc phục hậu quả các sự cố chất thải xuyên biên giới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tăng cường năng lực giám sát nguy cơ sự cố chất thải tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; trong các hoạt động chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, sơ chế công nghiệp, xử lý nước thải...

- Chủ động nghiên cứu, đánh giá, xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải phù hợp với từng địa bàn; tổ chức huấn luyện, diễn tập định kỳ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra. Đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả.

II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải

1.1. Đặc điểm địa hình

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam với diện tích tự nhiên là 831.018 ha. Ranh giới tọa độ địa lý từ 20°27’ đến 22°19’ vĩ Bắc và từ 106°06’ đến 107°21’ kinh Đông, cách thủ đô Hà Nội 154 km. Lạng Sơn có một vị thế chiến lược quan trọng của vùng Đông Bắc Tổ quốc Việt Nam, có vị trí địa lý, giao lưu văn hóa, giáo dục và kinh tế, là khu kết nối các vùng kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 10 huyện và 01 thành phố thuộc tỉnh), có 200 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn, dân số trung bình sơ bộ năm 2023 toàn tỉnh là 807.315 người. Tỉnh Lạng Sơn có vị trí địa lý tiếp giáp như sau:

- Phía Bắc giáp với tỉnh Cao Bằng.

- Phía Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.

- Phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang.

- Phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh.

- Phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn.

- Phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên.

Địa hình tỉnh Lạng Sơn phổ biến là núi thấp và đồi, không có núi cao. Độ cao trung bình 252 m so với mực nước biển, nơi cao nhất là đỉnh Phia Mè thuộc khối núi Mẫu Sơn có độ cao 1.541 m.

1.2. Thời tiết, khí hậu

Khí hậu Lạng Sơn chia thành 2 mùa rõ rệt; mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa tập trung từ tháng 6 đến tháng 9, lượng mưa trung bình trong năm từ 1.200 - 1.600 mm (nơi có lượng mưa cao nhất là vùng núi Mẫu Sơn 2.589 mm). Nhiệt độ trung bình 25°C - 34°C và độ ẩm không khí trung bình là 80-90%, mùa khô giá rét thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình mùa khô là 20 - 40mm; Nhiệt độ trung bình mùa khô là 12 - 24°C và độ ẩm trung bình là 70% - 80%.

1.3. Thủy văn

Lạng Sơn có mật độ lưới sông trung bình từ 0,6 ÷ 1,2 km/km², có ba lưu vực sông lớn, gồm sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Lục Nam (hệ thống sông Thái Bình), cụ thể:

- Hệ thống sông Kỳ Cùng: là sông lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn, chảy trên Việt Nam dài khoảng 243 km, bắt nguồn từ vùng núi xã Bắc Xa cao 1.166 m thuộc huyện Đình Lập. Sông Kỳ Cùng có 78 phụ lưu, trong đó có 26 phụ lưu cấp I, 34 phụ lưu cấp II và 16 phụ lưu cấp III, 01 phụ lưu cấp IV.

- Hệ thống sông Thương: là sông lớn thứ hai của tỉnh Lạng Sơn. Phần thượng lưu và trung lưu của sông Thương nằm trong địa phận tỉnh Lạng Sơn và phần hạ lưu chảy trên địa phận tỉnh Bắc Giang. Sông Thương bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, cao 600 m gần Ba Thín thuộc huyện Chi Lăng. Sông Thương chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam rồi chảy vào tỉnh Bắc Giang tại xã Hoà Thắng, huyện Hữu Lũng. Sông Thương có chiều dài 157 km, phần dòng chảy ở Lạng Sơn dài 70 km.

- Hệ thống sông Lục Nam: thượng nguồn của sông Lục Nam và cửa sông Cẩm Đàn (phụ lưu sông Lục Nam) chảy trên địa phận Lạng Sơn. Sông Lục Nam với tên Lục Ngạn ở thượng nguồn, bắt nguồn từ vùng núi Kham Sau Chôm, cao 700 m tại huyện Đình Lập, phía Đông Nam tỉnh Lạng Sơn. Từ Đình Lập, sông chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam qua vùng đồi núi thấp chảy vào tỉnh Bắc Giang tại xã Hữu Sản. Chiều dài sông trên địa phận Lạng Sơn là 28 km, phần thượng nguồn lòng sông hẹp, uốn khúc, độ dốc lớn.

Ngoài ra Lạng Sơn còn có rất nhiều sông, suối nhỏ, hồ đập tạo nên mạng lưới sông suối dày đặc, như: sông Phố Cũ, sông Đồng Quy, sông Tiên Yên,..., hồ Cấm Sơn, hồ Pắc Mỏ...

1.4. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh

- Đường bộ: Lạng Sơn nằm trong khu vực có hệ thống đường giao thông quan trọng, phân bố tương đối đều, với tổng chiều dài 12.835,9 km (bao gồm các tuyến đường cao tốc; đường Quốc lộ; đường tỉnh, đường tuần tra biên giới; đường huyện, đường đô thị; đường xã, đường chuyên dùng; đường thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng).

- Đường thủy nội địa: Lạng Sơn có 03 con sông chính (sông Kỳ Cùng, sông Thương và sông Lục Nam) và 3.170 công trình thủy lợi, trong đó có 34 công trình hồ đập nước lớn từ 100 ha trở lên, có khả năng tưới tiêu cho 38.838 ha, giao thông đường thủy còn hạn chế, lượng vận chuyển hàng hóa còn nhỏ.

- Giao thông đường sắt có tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc dài 165 km.

2. Tính chất, quy mô, đặc điểm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh

Thực trạng quy hoạch, phát triển các cơ sở: tỉnh Lạng Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ổn định và tăng trưởng qua các năm, tuy vậy việc phát triển công nghiệp còn có những hạn chế, bất cập như: nguồn lực cho phát triển công nghiệp còn hạn chế, chưa tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ, việc tái cơ cấu ngành còn chậm, chưa rõ nét; còn nhiều sản phẩm thô bán thành phẩm; giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp, dẫn đến kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chưa đạt so với mục tiêu đề ra. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chậm được đầu tư xây dựng hoàn thiện, thiếu mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, một số dự án lớn còn triển khai chậm tiến độ...

Theo danh mục 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đối chiếu theo các đối tượng thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 23 cơ sở[1] đang hoạt động thuộc danh mục (trong các ngành, lĩnh vực: 04 cơ sở Luyện kim, 01 cơ sở sản xuất hóa chất vô cơ cơ bản, 02 cơ sở thuộc da, 01 Nhà máy nhiệt điện than, 06 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, 02 cơ sở sản xuất xi măng và 07 cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung quy mô công nghiệp), phần đa các cơ sở này đều có quy mô trung bình. Trong đó, có 03/23 cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc phát thải tự động, liên tục, đến nay có 02 cơ sở (Công ty cổ phần Xi măng Đồng Bành, Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV) đã thực hiện lắp đặt xong và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, 01 cơ sở tiếp tục đôn đốc thực hiện (Công ty cổ phần Xi măng Hồng Phong). Đánh giá chung công tác bảo vệ môi trường đã được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu, xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho cơ sở; trong thời gian qua không xảy ra sự cố môi trường do chất thải.

3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố chất thải của tỉnh 3.1. Lực lượng, phương tiện chuyên trách

Trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có đơn vị chuyên trách về ứng phó sự cố chất thải. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 06/11/2023 về Ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, để thống nhất trong công tác quản lý, khi xảy ra sự cố chất thải, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (sau đây viết tắt là Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) đã báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, đề xuất chủ động hợp đồng với các đơn vị có năng lực trong ứng phó sự cố tràn dầu để hỗ trợ cho việc ứng phó sự cố chất thải như: Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt nam (Trung tâm SOS Môi trường) có địa chỉ tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; Đội ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần hoá dầu Lạng Sơn; Công ty TNHH MTV Thương mại Việt Quốc... hoặc đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân khu vực miền Bắc; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và các cơ quan, đơn vị liên quan theo Mục 3, phần III Kế hoạch Quốc gia Ứng phó sự cố chất thải ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

3.2. Lực lượng, phương tiện kiêm nhiệm

3.2.1. Lực lượng

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Các Sở, ban, ngành: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Xây dựng; Giao thông vận tải; Khoa học Công nghệ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Ngoại vụ; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.

- Cơ quan quản lý Khu, Cụm công nghiệp.

- Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố.

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố.

- Các đơn vị hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn các huyện, thành phố Lạng Sơn.

3.2.2. Phương tiện, trang thiết bị

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh huy động các trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải của các đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh. Huy động các trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác Ứng phó sự cố chất thải của các đơn vị hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh (như: các xe chở chất thải chuyên dụng, vật liệu như bạt, cát, xẻng, thùng chuyên dụng,...).

(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này).

3.3. Lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp

- Lực lượng, phương tiện phối hợp (trên huy động): Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân khu vực miền Bắc; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và các cơ quan, đơn vị liên quan. Trên cơ sở thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan chức năng trên theo khả năng thực tế để triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó phù hợp với từng loại hình sự cố.

- Lực lượng, phương tiện tăng cường: các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh trong đó Quân khu 1 là lực lượng nòng cốt (gồm khoảng 10.000 người dự kiến huy động ứng phó trong các tình huống khẩn cấp trên địa bàn 11 huyện, thành phố, thuộc các lực lượng: Bộ đội, dân quân tự vệ, Đoàn thanh niên, Y tế, các Doanh nghiệp, trường học).

4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao

4.1. Chất thải rắn

- Khu vực thị trấn Na Dương và xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình (bãi thải Nà Đươi của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV và bãi thải mỏ than Na Dương của Công ty than Na Dương - VVMI).

- Khu vực xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng (bãi rác Tân Lang).

- Khu vực thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan (bãi rác Văn Quan).

- Khu vực xã Bình Chương, huyện Đình Lập (bãi rác Đình Lập).

- Khu vực xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình (bãi rác Lộc Bình).

- Khu vực xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn (bãi rác Lân Tắng).

4.2. Chất thải lỏng

- Khu vực các sông, suối gần các cơ sở trang trại chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi (HTX chăn nuôi Lùng Khoang, Hộ kinh doanh Vũ Viết Sơn, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng Bình Gia, Công ty CP đầu tư phát triển Đại Quang, Hộ kinh doanh Triệu Văn Thân, Công ty CP tư vấn đầu tư phát triển Cửa Đông).

- Khu vực sông, suối gần các cơ sở trên địa bàn xã Bắc Việt và xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng tiếp nhận nước thải sau xử lý của các cơ sở thuộc da, sản xuất gelatin và Nhà máy xử lý nước rỉ rác bãi rác thuộc xã Bắc Việt do Công ty cổ phần Thương mại sản xuất da Nguyên Hồng quản lý và Công ty TNHH Huy Hoàng vận hành.

- Khu vực suối gần cơ sở Trạm xử lý nước thải mỏ than Na Dương do Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV quản lý, vận hành.

- Khu vực sông Kỳ Cùng gần cơ sở Nhà máy xử lý nước thải tập trung thành phố Lạng Sơn do Công ty cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn vận hành.

4.3. Chất thải khí

Khu vực trong phạm vi bán kính chịu ảnh hưởng của các dự án, cơ sở:

- Dự án sản xuất công nghiệp có phát sinh khí thải ra môi trường (Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ, Công ty cổ phần đá mài Hải Dương, Công ty cổ phần Kim Đạt, Công ty TNHH công nghệ luyện kim Vicmet Việt Nam; Công ty TNHH Vôi công nghiệp Lạng Sơn; Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV; Công ty cổ phần xi măng Hồng Phong, Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành).

- Các dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt (Công ty TNHH xây dựng Thành Linh, Công ty TNHH MTV Áo Xanh, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Tân Minh).

- Lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh.

5. Kết luận: Trên cơ sở lực lượng, phương tiện, vật tư lực lượng tại chỗ của tỉnh; lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp của cấp trên. UBND tỉnh Lạng Sơn có khả năng ứng phó và khắc phục sự cố chất thải có quy mô cấp trung bình.

III. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải.

- Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.

- Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố.

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải.

- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả

3.1. Biện pháp phòng ngừa

- Xây dựng và kiện toàn lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.

- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng của địa phương.

- Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố tại địa phương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, chế xuất, cụm công nghiệp, nhà máy,... vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.

3.2. Biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả

Khi nhận được thông tin về sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ; lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân khu vực miền Bắc; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và các cơ quan, đơn vị liên quan theo Mục 3, phần III Kế hoạch Quốc gia Ứng phó sự cố chất thải ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ); các biện pháp ứng phó, khắc phục gồm:

- Ngăn chặn nguồn phát sinh chất thải, dập cháy: ngay sau khi nhận

được thông báo về sự cố chất thải xảy ra, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh lệnh cho chủ cơ sở, sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ nhanh chóng ngăn chặn nguồn phát sinh chất thải và dập cháy (nếu có).

- Khoanh vùng khu vực phát tán chất thải: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ; lực lượng hợp đồng của tỉnh sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường (như: sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn chặn..., không cho chất thải lỏng phát tán ra môi trường; sử dụng phương tiện chuyên dụng, hệ thống bơm để thu chất thải về bể chứa, hồ chứa...); phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thông báo, cảnh báo, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.

- Hợp tác với nước giáp biên trong giải quyết ô nhiễm xuyên biên giới:

Khi xảy ra ô nhiễm do chất thải xuyên biên giới (vùng giáp biên với Trung Quốc, thuộc các địa bàn huyện: Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Tràng Định), Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ, lực lượng hợp đồng của tỉnh sử dụng lực lượng, phương tiện ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường; chỉ đạo Sở Ngoại vụ chủ trì, làm đầu mối trao đổi thông tin đối ngoại cấp tỉnh với các cơ quan cùng cấp nước láng giềng và báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và phía Trung Quốc phối hợp giải quyết sự cố chất thải xuyên biên giới theo quy định của pháp luật, Luật pháp quốc tế, cam kết của thoả thuận song phương Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết và điều ước quốc tế liên quan mà đã tham gia; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ huy lực lượng tham gia tuần tra, giám sát khu vực biên giới, tổ chức phối hợp với các lực lượng biên phòng nước láng giềng để thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định với Trung Quốc trong quan hệ biên giới.

- Xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng công nghệ: Công nghệ áp dụng tùy theo tình hình thực tế, có thể đề xuất cơ quan cấp trên chỉ đạo hỗ trợ trong trường hợp địa phương không có sẵn, như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac), xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại... ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường (đối với chất thải khí).

- Phục hồi môi trường sau sự cố: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tiến hành quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường, tổng hợp báo cáo và đưa thông tin cho nhân dân biết trở lại trạng thái bình thường.

4. Tổ chức sử dụng lực lượng

Khi nhận được thông tin về sự cố chất thải, UBND tỉnh chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ; lực lượng theo hiệp đồng của tỉnh và lực lượng được huy động, tăng cường cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó (nếu sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân khu vực miền Bắc; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc và các cơ quan, đơn vị liên quan theo Mục 3, phần III Kế hoạch Quốc gia Ứng phó sự cố chất thải ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ); lực lượng ứng phó được tổ chức thành các bộ phận sau:

4.1. Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động

Khi phát hiện có dấu hiệu hoặc sự cố chất thải đã xảy ra, cơ sở để xảy ra sự cố có trách nhiệm báo cáo với cấp trên và các cơ quan chức năng. Các cơ quan tiếp nhận thông tin về sự cố chất thải gồm:

- Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.

- Công an tỉnh.

- Sở Ngoại vụ (trường hợp xảy ra sự cố chất thải xuyên biên giới).

- Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

- Sở Công Thương.

- Kênh thông tin Đài Phát thanh và Truyền hình.

- Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Cơ quan quản lý Cụm công nghiệp (trường hợp sự cố chất thải xảy ra trong KCN, CCN thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý).

- Đài khí tượng thủy văn Đông Bắc chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (dự báo về điều kiện thời tiết để các cơ quan có cơ sở dự báo khả năng lan truyền của các chất thải).

- UBND huyện, thành phố nơi xảy ra sự cố.

Trong đó Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh là cơ quan chủ trì về tiếp nhận thông tin, các cơ quan tiếp nhận thông tin khác khi nhận được thông tin về sự cố chất thải phải báo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh quyết định phương án ứng phó có hiệu quả.

4.2. Lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo cơ sở có sự cố chất thải phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố, ổn định tinh thần, có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn về người, phương tiện trong khu vực xảy ra sự cố. Các lực lượng tham gia cụ thể như sau:

4.2.1. Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và Nhân dân, nơi xảy ra sự cố nhanh chóng sơ tán Nhân dân và phương tiện ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

4.2.2. Lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố chất thải

- Ứng phó, khắc phục khi xảy ra sự cố chất thải:

+ Đối với chất thải rắn: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của tỉnh sử dụng phương tiện kết hợp với nhân lực triển khai đắp bờ, đào rãnh, sử dụng máy xúc đào, san gạt,... để hạn chế không cho đất, đá thải, chất thải rắn khác phát tán ra ngoài môi trường; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo cho các đơn vị trực thuộc đóng các công trình thủy lợi của các khu vực bị ảnh hưởng, thông báo cho các hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong khu vực bị ảnh hưởng để có biện pháp ứng phó, khắc phục.

+ Đối với chất thải lỏng: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của tỉnh sử dụng phương tiện kết hợp với nhân lực triển khai đắp bờ bằng bao đất, bao cát hoặc vật liệu có sẵn tại hiện trường, đào rãnh ngăn, bể chứa... để bịt lấp thân đập, đê chắn, bờ ao, hồ, triển khai quây chặn bằng phao và các vật liệu hấp thụ các chất thải lỏng không tan trong nước trên mặt sông, suối, ao, hồ,... đồng thời sử dụng bơm hút toàn bộ chất thải lỏng thu về các khu vực, bể chứa tạm thời để hạn chế, dừng phát tán chất thải ra môi trường, xử lý bằng các biện pháp hóa lý, sinh học phù hợp với đặc thù nguồn gốc phát sinh.

+ Đối với chất thải khí: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của tỉnh chuẩn bị các phương tiện, thiết bị vật tư ứng phó theo từng tình huống cụ thể; trường hợp cần thiết xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, các cơ quan có chức năng để được hỗ trợ, sử dụng các công nghệ như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại... để ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường.

- Hợp tác với nước giáp biên trong giải quyết ô nhiễm xuyên biên giới:

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ, lực lượng hợp đồng của tỉnh sử dụng lực lượng, phương tiện ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường; chỉ đạo Sở Ngoại Vụ chủ trì, làm đầu mối trao đổi thông tin liên lạc với nước bạn để nắm thông tin xác minh nguồn gây ô nhiễm, phạm vi lan truyền ô nhiễm và các giải pháp hợp tác quốc tế để khắc phục, xử lý; báo cáo UBND tỉnh, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để xử lý các vấn đề xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ huy lực lượng tham gia tuần tra, giám sát khu vực biên giới, tổ chức phối hợp với các lực lượng biên phòng nước láng giềng để thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định với Trung Quốc trong quan hệ biên giới.

- Phục hồi môi trường sau sự cố: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp tỉnh trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày công bố kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường theo quy định tại Điều 126 và khoản 4, Điều 127 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố môi trường phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở, UBND cấp xã nơi xảy ra sự cố môi trường có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động phục hồi môi trường theo quy định tại khoản 1, Điều 126 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

4.2.3. Lực lượng tăng cường, phối hợp: khi sự cố chất thải xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đề nghị tăng cường lực lượng, phương tiện của đơn vị Quân đội, Công an, các cơ quan, đơn vị có chức năng ứng phó sự cố và lực lượng, phương tiện của các tỉnh lân cận (trường hợp sự cố xảy ra tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh) cùng tham gia ứng phó.

4.2.4. Lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực sự cố: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo cơ sở gây ra sự cố chất thải quyết liệt ngăn chặn phát tán chất thải, đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tổ chức tuần tra, bảo vệ an ninh, an toàn tại hiện trường xảy ra sự cố, không cho người dân và các phương tiện ra vào khu vực xảy ra sự cố.

4.2.5. Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế:

- Công tác phòng cháy, chữa cháy: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy, quản lý các nguồn nhiệt, nguồn lửa kể cả các nguồn nhiệt, nguồn lửa của các thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó, hướng dẫn kỹ thuật cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy.

- Công tác y tế: Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn, lực lượng y tế của tỉnh, lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó, thiết lập Bệnh viện dã chiến tại nơi xảy ra sự cố (nếu cần); cử cán bộ, y bác sỹ, nhân viên cùng trang thiết bị, vật tư, thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho Nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.

IV. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG, BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Sự cố chất thải rắn

1.1. Tình huống giả định: Do ảnh hưởng của Áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kéo dài gây sạt lở đất, đá ở nhiều khu vực. Tại khu vực bãi chôn lấp rác Tân Lang, xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng do mưa dài ngày, bờ đê chắn bị sụt lún và nứt vỡ, gây ra sạt lở làm khoảng hơn 1.000m3 chất thải và đất đá kéo theo trôi xuống vùi lấp một phần ruộng trồng hoa màu và mương tưới tiêu của người dân làm ảnh hưởng đến nguồn nước và 02 ha đất trồng ngô, đỗ tương. Sự cố vượt khả năng ứng phó của cơ sở. Chủ cơ sở đề nghị UBND tỉnh tổ chức ứng phó sự cố.

1.2. Biện pháp xử lý

Khi nhận được thông tin, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hiệp đồng (nếu có) cơ động đến hiện trường bãi rác Tân Lang nơi xảy ra sự cố, các lực lượng tham gia được tổ chức như sau:

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá sơ bộ tình hình: Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin, lệnh cho Khu xử lý rác quyết liệt ứng phó, ngăn chặn không để tiếp tục tràn đổ chất thải ra môi trường, đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố; đánh giá sơ bộ tình hình và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Vận hành cơ chế: nhận được thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, các lực lượng ứng phó trên địa bàn tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.

- Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

+ Chỉ huy trưởng: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

+ Phó chỉ huy trưởng hiện trường: do Chỉ huy trưởng chỉ định, giúp Chỉ huy trưởng chỉ huy điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố.

+ Thành viên gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giao thông vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng.

- Tổ chức ứng phó sự cố: Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải, cụ thể như sau:

+ Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: sau khi nhận được báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng của tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) nhanh chóng cơ động đến hiện trường tham gia ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh thông báo đến cơ quan chức năng của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan chức năng các bộ, ngành có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo. Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, tổ chức báo động đến toàn bộ đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó. Các lực lượng làm công tác an ninh, triển khai các phương án khẩn cấp, để bảo vệ an ninh, an toàn hiện trường sự cố.

+ Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn: Nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, lực lượng của Khu xử lý rác Tân Lang (Công ty TNHH Huy Hoàng) phối hợp với UBND huyện Văn Lãng huy động nhân lực, nhanh chóng sơ tán nhân dân, phương tiện, tài sản bị ảnh hưởng ra khỏi nơi xảy ra sự cố.

+ Tổ chức ứng phó, xử lý chất thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện tổ chức triển khai đắp bờ chắn, đào rãnh ngăn, bể chứa... bịt lấp vị trí bị nứt vỡ bằng bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường để ngăn chặn không cho chất thải rắn phát tán rộng. Tiến hành khoanh vùng sự cố, sử dụng các máy ủi, máy xúc để xúc gạt chất thải rắn đã bị trôi xuống khu vực ruộng, mương của người dân, thu gom lại vào bể chứa hoặc vị trí tập kết đã được bố trí sẵn; sử dụng công nghệ ép khô đất thải, sử dụng bơm hút để thu hồi nước thải hoặc chuyển hướng di chuyển của nước thải đến hồ chứa, ao sinh học hoặc vị trí khác phù hợp không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường. Chủ cơ sở (Công ty TNHH Huy Hoàng) sắp xếp sẵn các vật liệu, phương tiện nhằm thu hồi, phân tách riêng rác thải lẫn trong bùn đất để xử lý.

+ Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Văn Lãng và Công ty TNHH Huy Hoàng bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó, phương tiện tham gia ứng phó được huy động đầy đủ theo phân công lực lượng ứng phó đã được nêu tại Mục 3.1 và 3.2 của Kế hoạch này; chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn, lực lượng y tế của tỉnh, lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư, thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho Nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.

+ Lực lượng khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó sự cố phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kết quả xử lý môi trường để làm căn cứ ra văn bản thông báo kết thúc công tác xử lý sự cố; kết thúc quá trình xử lý sự cố, khắc phục ô nhiễm môi trường, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Sự cố chất thải lỏng

2.1. Tình huống giả định: Tại bể chứa nước thải của trang trại chăn nuôi lợn chất lượng cao của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển dự án Đại Quang (tại xã Lương Năng, huyện Văn Quan), do hệ thống bể chứa sử dụng lâu ngày xuống cấp, kết hợp với mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên khu vực bể chứa nước thải bị nứt vỡ và không đủ khả năng lưu chứa do lượng mưa lớn nên đã bị tràn bể, ngấm ra dòng suối gần khu vực dự án, làm đục dòng chảy và có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường do chưa được xử lý triệt để ô nhiễm. Tải lượng nước thải tràn ra môi trường khoảng 2.000m3, sự cố xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở. Chủ cơ sở đề nghị UBND tỉnh xử lý.

2.2. Biện pháp xử lý

Sau khi tiếp nhận được thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư phát triển dự án Đại Quang, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu có), cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó cụ thể:

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá sơ bộ tình hình: Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin, lệnh cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển dự án Đại Quang quyết liệt ứng phó, ngăn chặn không để nước thải chảy ra môi trường, đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố; đánh giá sơ bộ tình hình và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Vận hành cơ chế: nhận được thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, các lực lượng ứng phó trên địa bàn tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.

- Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

+ Chỉ huy trưởng: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo .

+ Phó chỉ huy trưởng hiện trường: do Chỉ huy trưởng chỉ định, giúp Chỉ huy trưởng chỉ huy điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố.

+ Thành viên gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giao thông vận tải; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND huyện Văn Quan.

- Tổ chức ứng phó: Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải, cụ thể như sau:

+ Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: Sau khi nhận được báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng của tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) nhanh chóng cơ động đến hiện trường tham gia ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh thông báo đến cơ quan chức năng của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan chức năng các bộ, ngành có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo. Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, tổ chức báo động đến toàn bộ đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó. Các lực lượng làm công tác an ninh, triển khai các phương án khẩn cấp, để bảo vệ an ninh, an toàn hiện trường sự cố.

+ Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn: Nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh; lực lượng tại chỗ của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển dự án Đại Quang phối hợp với UBND huyện Văn Quan huy động nhân lực, nhanh chóng sơ tán nhân dân, phương tiện, tài sản bị ảnh hưởng ra khỏi nơi xảy ra sự cố.

+ Tổ chức ứng phó, xử lý chất thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện tổ chức triển khai đắp bờ chắn, đào rãnh ngăn, bể chứa... bịt lấp vị trí bị nứt vỡ, tràn đổ chất thải lỏng ra dòng suối bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường) để ngăn chặn không cho chất thải phát tán rộng. Tiến hành khoanh vùng sự cố, sử dụng bơm hút để thu hồi toàn bộ chất thải lỏng về bể chứa, hồ chứa hoặc chuyển hướng di chuyển nước thải về các hồ chứa, bể chứa... Chủ cơ sở (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển dự án Đại Quang) sắp xếp sẵn các vật liệu, phương tiện, hóa chất để xử lý nước thải sau khi được thu hồi.

+ Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Văn Quan; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển dự án Đại Quang bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó, phương tiện tham gia ứng phó được huy động đầy đủ theo phân công lực lượng ứng phó đã được nêu tại Mục 3.1 và 3.2 của Kế hoạch này; chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn, lực lượng y tế của tỉnh, lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư, thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho Nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả, phòng chống dịch bệnh có thể xảy ra.

+ Lực lượng khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó sự cố phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kết quả xử lý môi trường để làm căn cứ ra văn bản thông báo kết thúc công tác xử lý sự cố; kết thúc quá trình xử lý sự cố, khắc phục ô nhiễm môi trường, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

3. Sự cố chất thải khí

3.1. Tình huống giả định: tại Nhà máy xi măng Đồng Bành thuộc Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành (địa chi tại thôn Cây Hồng, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng), do hệ thống điện lưới không ổn định và thiết bị lọc bụi tĩnh điện có trục trặc kỹ thuật dẫn đến sự cố ống khói xả khí thải chính của Nhà máy không còn đảm bảo hiệu suất xử lý, lượng bụi khói thoát ra môi trường qua ống khói lớn, diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn (hơn 01 giờ), gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư thôn Cây Hồng và thôn Chiến Thắng, thị trấn Chi Lăng. Sự cố vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở. Chủ cơ sở đề nghị UBND tỉnh xử lý.

3.2. Biện pháp xử lý

Sau khi tiếp nhận được thông tin từ Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu có), cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó cụ thể như sau:

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá sơ bộ tình hình: Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin, lệnh cho Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành quyết liệt ứng phó, tổ chức các biện pháp nhằm ngăn chặn khí thải không tiếp tục phát tán ra môi trường, đồng thời tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố; đánh giá sơ bộ tình hình và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Vận hành cơ chế: nhận được thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, các lực lượng ứng phó trên địa bàn tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.

- Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

+ Chỉ huy trưởng: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

+ Phó chỉ huy trưởng hiện trường: do Chỉ huy trưởng chỉ định, giúp Chỉ huy trưởng chỉ huy điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố.

+ Thành viên gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Giao thông vận tải; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng.

- Tổ chức ứng phó: Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải, cụ thể như sau:

+ Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: sau khi nhận được báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng của tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) nhanh chóng cơ động đến hiện trường tham gia ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh thông báo đến cơ quan chức năng của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan chức năng, các bộ, ngành có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo. Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, tổ chức báo động đến toàn bộ đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó. Các lực lượng làm công tác an ninh, triển khai các phương án khẩn cấp, để bảo vệ an ninh, an toàn hiện trường sự cố.

+ Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn: nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, lực lượng của Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành phối hợp với UBND huyện Chi Lăng huy động nhân lực, cảnh báo, thông báo không cho người và phương tiện vào khu vực xảy ra sự cố.

+ Tổ chức ứng phó, xử lý chất thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện ngăn chặn, khoanh vùng nơi có khí thải phát tán trong phạm vi ảnh hưởng, sử dụng các công nghệ như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại... để ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường. Trường hợp không có các hóa chất, vật liệu và phương tiện tại chỗ, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của chủ động Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, các cơ quan có chức năng để được hỗ trợ xử lý.

+ Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Chi Lăng và Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó, phương tiện tham gia ứng phó được huy động đầy đủ theo phân công lực lượng ứng phó đã được nêu tại Mục 3.1 và 3.2 của Kế hoạch này; chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn, lực lượng y tế của tỉnh, lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư, thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho Nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.

+ Lực lượng khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó sự cố phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kết quả xử lý môi trường để làm căn cứ ra văn bản thông báo kết thúc công tác xử lý sự cố; kết thúc quá trình xử lý sự cố, khắc phục ô nhiễm môi trường, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

4. Sự cố chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí xuyên biên giới

4.1. Sự cố chất thải lỏng xuyên biên giới

Đây là sự cố có khả năng xảy ra cao hơn so với sự cố chất thải rắn và chất thải khí do tính chất đặc thù vùng giáp biên giữa tỉnh Lạng Sơn và Trung Quốc có các dòng suối nhỏ qua khu vực cửa khẩu chính và phụ tại các địa bàn huyện: Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập và Tràng Định; lưu vực sông lớn là sông Kỳ Cùng có điểm cuối chảy vào địa phận Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Bình Nghi, xã Đào Viên, huyện Tràng Định.

(1) Tình huống giả định: Suối Co Luồng tại khu vực xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc có dòng chảy bắt nguồn từ phía bên Trung Quốc chảy sang Việt Nam gần cột mốc 1125, người dân phát hiện xảy ra hiện tượng bất thường: nước suối chuyển thành màu trắng sữa kèm theo nhiều bọt sủi, mùi hôi và có cá chết dọc bờ suối, dấu hiệu ô nhiễm suối nêu trên kéo dài khoảng 01 km từ đầu nguồn (tại địa phận Quảng Tây, Trung Quốc) qua xã Bảo Lâm và đến khu trung chuyển hàng hóa của Công ty cổ phần Hữu nghị Xuân Cương; sau khi sự việc diễn ra người dân báo tin cho chính quyền địa phương và khu vực đồn biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị. Nhận được tin báo, UBND huyện Cao Lộc đã phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét thực địa và đề nghị UBND tỉnh xử lý.

(2) Biện pháp xử lý

Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin từ người dân, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét tại thực địa, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu có), cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố. Các lực lượng tham gia ứng phó cụ thể:

- Tiếp nhận thông tin, đánh giá sơ bộ tình hình: Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin, thông tin cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, giám sát khu vực biên giới, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố, đánh giá sơ bộ tình hình và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh; Sở Ngoại Vụ tiếp nhận các thông tin sơ bộ để có hướng trao đổi thông tin với phía Trung Quốc, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh và phối hợp thông tin trao đổi với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

- Vận hành cơ chế: nhận được thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, các lực lượng ứng phó trên địa bàn tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.

- Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

+ Chỉ huy trưởng: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

+ Phó chỉ huy trưởng hiện trường: do Chỉ huy trưởng chỉ định, giúp Chỉ huy trưởng chỉ huy điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố.

+ Thành viên gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Xây dựng; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Ngoại vụ; Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc.

- Tổ chức ứng phó: Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng phó sự cố chất thải lỏng, cụ thể như sau:

+ Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: sau khi nhận được báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng của tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) nhanh chóng cơ động đến hiện trường tham gia ứng phó. Chủ tịch UBND tỉnh thông báo đến cơ quan chức năng của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan chức năng các bộ, ngành có liên quan về tình hình sự cố để theo dõi và chỉ đạo. Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, tổ chức báo động đến toàn bộ đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó. Các lực lượng làm công tác an ninh, triển khai các phương án khẩn cấp, để bảo vệ an ninh, an toàn hiện trường sự cố; cảnh báo cho nhân dân trên địa bàn tạm thời trước mắt không sử dụng nguồn nước suối cho sinh hoạt, tưới tiêu.

+ Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn: nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và UBND huyện Cao Lộc huy động lực lượng, triển khai sơ tán nhân dân, phương tiện, tài sản bị ảnh hưởng ra khỏi nơi xảy ra sự cố. Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn hỗ trợ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để phối hợp ứng phó theo phạm vi quản lý.

+ Tổ chức ứng phó, xử lý chất thải: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện tổ chức triển khai đắp bờ chắn không để tiếp tục rò rỉ ra đất canh tác, sử dụng phao quây hoặc dùng bao đất, bao cát, vật liệu tại chỗ khác nhằm chặn váng bọt và rác kéo theo tại các vị trí đang có dòng chảy theo tình hình thực tế. Tiến hành khoanh vùng sự cố, ngăn dòng chảy đang có dấu hiệu ô nhiễm, sử dụng bơm hút để thu hồi toàn bộ chất thải lỏng về bể chứa, hồ chứa để xử lý ở bước tiếp theo. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có chức năng tiến hành lấy mẫu phân tích chất lượng nước; sau khi có kết quả, báo cáo với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để thống nhất họp giữa các cơ quan, đơn vị đề xuất phương án xử lý phù hợp. Sở Ngoại vụ chủ động thông tin bằng điện đàm, văn bản tới phía Trung Quốc (đầu nguồn dòng chảy có dấu hiệu ô nhiễm) để xác định nguyên nhân, phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh trao đổi với phía Trung Quốc để làm rõ nguyên nhân ô nhiễm từ phía dòng chảy nước bạn, thỏa thuận và thống nhất những giải pháp xử lý phù hợp, thông tin báo cáo cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để giải quyết đảm bảo hài hòa, khách quan, giải quyết triệt để vụ việc gây ô nhiễm.

+ Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các Sở, ngành liên quan phối hợp với UBND huyện Cao Lộc, Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó, phương tiện tham gia ứng phó được huy động đầy đủ theo phân công lực lượng ứng phó đã được nêu tại Mục 3.1 và 3.2 của Kế hoạch này; chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn, lực lượng y tế của tỉnh, lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư, thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho Nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.

+ Lực lượng khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó sự cố phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kết quả xử lý môi trường để làm căn cứ ra văn bản thông báo kết thúc công tác xử lý sự cố; kết thúc quá trình xử lý sự cố, khắc phục ô nhiễm môi trường, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

4.2. Sự cố chất thải rắn và chất thải khí xuyên biên giới

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và vận dụng trên cơ sở phương án, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng phó như đối với trường hợp giả định sự cố chất thải lỏng xuyên biên giới nêu trên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các bước xử lý theo từng tình huống cụ thể xảy ra; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin với nước bạn để giải quyết các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới.

V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1. Nhiệm vụ chung

- Chỉ đạo tập trung, thống nhất trong phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực ứng phó, khắc phục kịp thời; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.

- Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực, giảm thiểu tối đa các tác động, thiệt hại về người, kinh tế, xã hội và môi trường.

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương).

- Ưu tiên đầu tư mua sắm các trang thiết bị, phương tiện, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố do chất thải.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Chủ trì, chỉ đạo các lực lượng ứng phó sự cố chất thải theo Kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện của địa phương và của các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tham gia ứng phó.

- Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục phương tiện, trang thiết bị ứng phó, nhằm kịp thời khắc phục những hỏng hóc bất thường để đảm bảo trong trạng thái sẵn sàng ứng phó, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân và nhân dân phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, chỉ đạo tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải tại tỉnh; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố chất thải để bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó sự cố tại địa phương.

- Tổ chức Sở chỉ huy tại hiện trường tham gia đề xuất các biện pháp ứng phó sự cố chất thải và chỉ huy trực tiếp công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả.

- Hàng năm sơ, tổng kết đánh giá công tác ứng phó sự cố chất thải, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo chức năng.

2.2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương hướng dẫn, tổ chức lực lượng ứng phó; đề xuất UBND tỉnh đầu tư các trang thiết bị, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm.

- Chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố tham mưu cho UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải khi có tình huống xảy ra. Điều động lực lượng, phương tiện, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị của Bộ, Quân khu đóng trên địa bàn và triển khai lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ và ứng phó khắc phục hậu quả sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Tham mưu cho UBND tỉnh ký hợp đồng ứng trực và tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố với đơn vị có chức năng, đủ năng lực để tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh khi có sự cố xảy ra; phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo, điều hành trực tiếp công tác ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh.

- Tổng hợp, báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo quy định.

2.3. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh

- Tham mưu đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về phương án ứng phó và điều động lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ và ứng phó khắc phục hậu quả sự cố chất thải tại khu vực biên giới, cửa khẩu.

- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy điều hành ở các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, ứng phó sự cố chất thải tại khu vực biên giới, cửa khẩu.

- Chủ trì và phối hợp với Công an tỉnh đảm bảo an ninh và thiết lập hành lang, bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực biên giới, cửa khẩu; phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để chỉ đạo, điều hành trực tiếp công tác ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra bằng phương tiện tuần tra để phát hiện kịp thời các sự cố phát tán chất thải tại khu vực biên giới, cửa khẩu, báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Tổng hợp, báo cáo về UBND tỉnh theo quy định.

2.4. Công an tỉnh

- Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trong ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan sẵn sàng, triển khai lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ và cứu hộ, cứu nạn. Phối hợp tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường khu vực sự cố, không cho người và các phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố; phối hợp địa phương tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố chất thải; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị liên quan yêu cầu bắt buộc hoặc cưỡng chế bên gây ra sự cố chất thải khắc phục, hoàn thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố chất thải gây ra theo thẩm quyền.

2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phục hồi môi trường sau sự cố môi trường (sự cố cấp tỉnh) trên địa bàn theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 126 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tổ chức kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu các chủ dự án, cơ sở thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống các nguy cơ xảy ra sự cố chất thải.

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các Sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố chất thải gây ra, xác định thiệt hại về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định pháp luật.

- Phối hợp với đơn vị có chức năng tổ chức đánh giá chất lượng môi trường khu vực xảy ra sự cố, báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

2.6. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải do rò rỉ, phát tán hóa chất; hướng dẫn các cơ sở thực hiện phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo thẩm quyền quản lý.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công Thương tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm về ứng phó sự cố chất thải, sự cố hóa chất; phối hợp làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực Công nghiệp.

- Hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại (khu vực sản xuất công nghiệp) sau sự cố.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao về Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo quy định.

2.7. Sở Giao thông vận tải

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn giao thông, phương án huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để phối hợp tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn theo yêu cầu.

- Phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng bảo đảm an toàn giao thông; thiết lập các biển cảnh báo, thông báo không cho các đối tượng khác xâm nhập vào khu vực sự cố.

- Hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại sau sự cố theo lĩnh vực, phạm vi quản lý.

2.8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh mua sắm các trang thiết bị, vật tư chuyên dụng đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố chất thải; phối hợp làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng phó sự cố chất thải trong lĩnh vực Nông nghiệp.

- Phối hợp với chính quyền, địa phương thông báo cho người dân nuôi trồng thủy sản trên sông, ao, hồ di chuyển lồng bè nuôi ra khỏi các khu vực có chất thải phát tán để không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đối với thủy sản nuôi, khai thác tại khu vực bị ô nhiễm do sự cố chất thải cần có kế hoạch giám sát, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường.

- Hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại (khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...) sau sự cố chất thải.

2.9. Sở Tài chính

- Căn cứ khả năng nguồn ngân sách, tham mưu trình cấp có thẩm quyền cân đối kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật, kiểm tra việc quản lý sử dụng kinh phí theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương,... lập hồ sơ pháp lý, yêu cầu bắt buộc hoặc cưỡng chế bên gây ra sự cố chất thải hoàn thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

2.10. Sở Y tế

- Chỉ đạo các bệnh viện công, phòng khám tư nhân chuẩn bị lực lượng, phương tiện và trang thiết bị y tế, vật tư sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn. Cử cán bộ, nhân viên chuyên môn trực tại hiện trường xảy ra sự cố chất thải để đảm bảo công tác sơ, cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân và lực lượng tham gia ứng phó sự cố.

- Tham mưu, tư vấn cho các cơ quan, đơn vị và tuyên truyền cho Nhân dân biết về những ảnh hưởng do chất thải đối với sức khoẻ con người, các phương án đảm bảo sức khoẻ cho lực lượng tham gia ứng cứu.

- Hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại sau sự cố theo lĩnh vực, phạm vi quản lý.

2.11. Sở Thông tin và Truyền thông

- Là cơ quan chủ trì, tham mưu UBND tỉnh truyền đạt kịp thời mọi mệnh lệnh, công điện của UBND tỉnh, của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đầy đủ, chính xác những thông tin về ứng phó sự cố chất thải đến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

- Tuyên truyền, phố biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người dân, tăng cường việc giám sát và xử lý thông tin xấu, sai sự thật trong công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố chất thải.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo thông tin, liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình ứng phó, khắc phục sự cố. Phương án thiết lập hệ thống liên lạc vô tuyến kịp thời khi cần thiết bảo đảm thông tin, liên lạc lưu động để phục vụ cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chỉ huy, chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải.

2.12. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, tham mưu cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức hoạt động, tham gia ứng phó sự cố liên quan đến chất thải phóng xạ cấp tỉnh do kinh doanh, vận chuyển, rò rỉ chất phóng xạ.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố liên quan đến chất thải phóng xạ do kinh doanh, vận chuyển, rò rỉ chất phóng xạ.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức nghiên cứu đề xuất ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải phóng xạ.

- Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải phóng xạ.

- Hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại sau sự cố theo lĩnh vực, phạm vi quản lý.

2.13. Sở Ngoại vụ

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện biên giới kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với phía Trung Quốc trong phối hợp giải quyết sự cố chất thải xuyên biên giới theo cam kết của thoả thuận song phương Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết và quy định, điều ước quốc tế liên quan.

- Chủ trì, làm đầu mối trao đổi thông tin đối ngoại cấp tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh và các cơ quan tương ứng của phía Quảng Tây, Trung Quốc trong giải quyết, ứng phó sự cố chất thải xuyên biên giới.

- Hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại sau sự cố theo lĩnh vực, phạm vi quản lý.

2.14. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp, cụm công nghiệp; quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn và triển khai thực hiện hiệu quả trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại sau sự cố theo lĩnh vực, phạm vi quản lý.

2.15. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện căn cứ kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công của Trung ương và địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho các dự án, công trình thuộc đối tượng đầu tư công theo quy định.

- Tăng cường giám sát các dự án đầu tư; hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại sau sự cố theo lĩnh vực, phạm vi quản lý.

2.16. UBND cấp huyện

- Chủ trì, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn xây dựng và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng để huy động ứng phó, kịp thời xử lý, chú trọng lực lượng tại cơ sở theo phương châm “Bốn tại chỗ”.

- Bố trí ngân sách bảo đảm cho hoạt động thường xuyên về công tác ứng phó sự cố chất thải và đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư ứng phó sự cố chất thải phù hợp với điều kiện thực tế.

- Tổ chức quản lý chất thải trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra đối với các công trình, dự án có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải; chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.

- Báo cáo định kỳ và đột xuất công tác ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn về UBND tỉnh theo quy định.

2.17. Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; Cơ quan quản lý Khu, Cụm công nghiệp

Chủ động rà soát, tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát các cơ sở theo ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong các Khu, Cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý, hướng dẫn các cơ sở xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở.

2.18. Các cơ sở

- Xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở theo hướng dẫn tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030, phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường.

- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư và chuẩn bị lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố chất thải.

- Chủ động và hợp tốt với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động ứng phó, huy động nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố chất thải; sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia ứng phó, khắc phục sự cố chất thải theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Bảo đảm kinh phí cho các hoạt động thường xuyên trong ứng phó sự cố chất thải và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.

VI. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Bảo đảm thông tin liên lạc

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy, chỉ đạo: sử dụng hệ thống thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, mạng thông tin vệ tinh VSAT truyền hình trực tiếp và mạng thông tin di động, thành lập Trung tâm thông tin ngay tại hiện trường để tiếp nhận và xử lý thông tin.

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả: Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng hệ thống thông tin hiện hành, kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng như: Truyền thanh, truyền tin, hệ thống thông báo, báo động để truyền tin kịp thời đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó sự cố. Công bố số điện thoại liên lạc của cơ quan thường trực, đơn vị trực để tất cả các cơ sở, chủ phương tiện vận tải được biết. Trang bị máy bộ đàm cho đơn vị tìm kiếm cứu nạn, tiếp cận hiện trường đầu tiên và người chỉ huy hiện trường để đảm bảo thông tin liên lạc.

2. Bảo đảm trang thiết bị, công tác hậu cần - y tế

Sử dụng trang thiết bị chuyên dụng, trang thiết bị hiện có của các cơ quan, đơn vị tham gia ứng phó và đầu tư mua sắm trang thiết bị để bảo đảm cho dự phòng. Khi sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tăng cường nguồn lực, cấp bổ sung trang, thiết bị, vật tư để tham gia ứng phó có hiệu quả.

Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn, lực lượng y tế của tỉnh thiết lập Bệnh viện dã chiến (nếu cần); cử bác sỹ, nhân viên y tế cùng đầy đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho Nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.

3. Bảo đảm an ninh - trật tự an toàn xã hội

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị liên quan đảm bảo giao thông, an ninh, an toàn, trật tự xã hội cho các phương tiện giao thông và trật tự an toàn xã hội khu vực xảy ra sự cố.

4. Bảo đảm tài chính

- Chủ cơ sở hoặc chủ phương tiện gây sự cố chất thải phải chịu trách nhiệm bồi thường, chi phí ứng phó và các thiệt hại về kinh tế, tổn thất về môi trường. Bên chịu trách nhiệm bồi thường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố để giải quyết việc chi phí, bồi thường thiệt hại cho con người và môi trường do sự cố chất thải gây ra.

- UBND tỉnh chỉ đạo thanh toán toàn bộ chi phí tham gia ứng phó sự cố chất thải cho các tổ chức, cá nhân được huy động, đồng thời yêu cầu bên chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường lại các chi phí đã thanh toán. Nguồn kinh phí cho công tác thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp chưa xác định được đối tượng gây ra sự cố chất thải, nguồn kinh phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

VII. TỔ CHỨC CHỈ HUY

1. Sở Chỉ huy thường xuyên

1.1. Địa điểm: tại trụ sở UBND tỉnh.

1.2. Thành phần

- Trưởng ban: Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.

- Các Phó Trưởng ban: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

- Các thành viên: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; Y tế; Tài chính.

1.3. Nhiệm vụ

- Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện trước UBND tỉnh và Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về kết quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

- Đánh giá, nhận định tình hình, khả năng diễn biến sự cố xảy ra, đề ra phương án, biện pháp ứng phó, điều động bổ sung nguồn lực nếu cần thiết. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành để theo dõi, tổng hợp.

- Theo dõi, tổ chức việc ứng phó, khắc phục sự cố tại hiện trường theo phương án đã được xác định.

- Bổ sung lực lượng, phương tiện cho lực lượng tham gia ứng phó khi cần.

2. Sở chỉ huy tại hiện trường

2.1. Địa điểm: tại khu vực xảy ra sự cố.

2.2. Thành phần

- Chỉ huy trưởng: Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

- Phó chỉ huy trưởng: do Chỉ huy trưởng chỉ định, giúp chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

- Các thành viên: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Lãnh đạo Công an tỉnh; Lãnh đạo Sở: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Tài chính; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Ngoại vụ (trường hợp sự cố có liên quan đến yếu tố phát thải xuyên biên giới); Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND cấp huyện nơi xảy ra sự cố.

2.3. Nhiệm vụ

- Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức, cá nhân để huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.

- Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải có hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng phó.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố theo quy định.

- Thường xuyên báo cáo kết quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hoặc sự cố phát sinh về Sở chỉ huy thường xuyên.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ sở, tổ chức và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện./.

Nơi nhận:
- UBQG Ứng phó sự cố TT&TKCN (B/c);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Lạng Sơn;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CM, Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT (NNT)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH





Lương Trọng Quỳnh

PHỤ LỤC

PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI
(Kèm theo Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 04/6/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn)

STT

Trag thiết bị

Đơn vị tính

Số lượng

I

Phương tiện, trang thiết bị do Công an tỉnh quản lý

1

Xe chữa cháy

Chiếc

6

2

Xuồng các loại

Chiếc

5

3

Chất chữa cháy bằng bọt

Lít

200

4

Máy bơm chữa cháy

Chiếc

7

5

Máy phát điện

Chiếc

3

6

Máy cưa cầm tay các loại

Chiếc

15

7

Búa tạ

Chiếc

5

8

Bình cứu hỏa

Chiếc

120

9

Bộ dụng cục phá dỡ chuyên dụng

Bộ

2

10

Bộ dụng cụ cắt bằng tay

Bộ

2

11

Cáng cứu thương

Chiếc

15

12

Đèn chiếu các loại

Chiếc

50

13

Dụng cụ banh cắt thủy lực

Chiếc

2

14

Dụng cụ khoan cắt chuyên dụng

Chiếc

10

15

Máy khoan đá, cắt bê tông

Chiếc

10

16

Thiết bị cắt sắt

Chiếc

2

17

Dây thừng to

Bộ

5

18

Khẩu trang lọc độc

Bộ

20

19

Bồn đựng nước dã chiến

Chiếc

1

20

Ống nhòm đêm và ngày

Chiếc

2

21

Thiết bị phá khóa

Chiếc

2

22

Xẻng đa năng

Chiếc

2

23

Đèn pin

Chiếc

20

24

Quần áo chữa cháy đồng bộ

Bộ

10

25

Bộ đàm

Chiếc

5

26

Bơm dầu chuyên dụng

Chiếc

5

27

Tấm thấm dầu

Kiện

100

28

Chất phân tán dầu

Lít

100

29

Gối thấm dầu

Cái

100

30

Bạt làm hố tập kết dầu tạm thời

cái

10

II

Phương tiện, trang thiết bị do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý

1

Xuồng các loại

Chiếc

6

2

Thuyền các loại

Chiếc

2

3

Bình cứu hỏa

Chiếc

50

4

Xe vận tải

Chiếc

5

5

Máy khoan đá, cắt bê tông

Chiếc

2

6

Nhà bạt

Cái

25

7

Búa tạ

Chiếc

20

8

Bộ dụng cục phá dỡ chuyên dụng

Bộ

2

9

Bộ dụng cụ cắt bằng tay

Bộ

10

10

Máy thổi gió

Chiếc

1

11

Máy cưa

Chiếc

5

12

Máy cắt thực bì

Chiếc

1

13

Bộ đàm

Bộ

4

III

Phương tiện, trang thiết bị do UBND các huyện, thành phố triển khai

1

Xe cứu thương (11 huyện, thành phố)

Chiếc

12

2

Xuồng các loại (11 huyện, thành phố)

Chiếc

8

3

Bình cứu hỏa (11 huyện, thành phố)

Chiếc

120

IV

Phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường được huy động, trưng dụng trong ứng phó sự cố

IV.1

Công ty TNHH Huy Hoàng

1

Cuốc, xẻng

Cái

10

2

Bình chữa cháy

Bình

7

3

Máy bơm nước

Cái

5

4

Bao tải cát

Bao

30

5

Máy xúc

Xe

3

6

Máy ủi

Xe

1

IV.2

Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ

Phúc Lộc

1

Xe chở chất thải chuyên dụng

Xe

2

2

Cuốc, xẻng

Cái

10

3

Thùng chuyên dụng (120L)

Cái

750

4

Bơm hút chuyên dụng

Bộ

1

IV.3

Công ty TNHH MTV Áo Xanh

1

Xe chở chất thải chuyên dụng

Xe

4

2

Bộ quần áo PCCC, phòng độc

Bộ

1

3

Cuốc, xẻng

Cái

7

4

Thùng chứa chất thải chuyên dụng (120L, 240L)

Cái

200

5

Bơm hút chuyên dụng

Bộ

1

6

Hóa chất xử lý nước thải

Kg

200

7

Bình chữa cháy

Bình

7

IV.4

Công ty TNHH xây dựng Thành Linh

1

Xe chở chất thải chuyên dụng

Xe

3

2

Bạt nilon, bạt HDPE

Tấm

10

3

Cuốc, xẻng

Cái

10

4

Thùng chứa chất thải chuyên dụng (120L)

Cái

550

5

Cái

5

6

Hóa chất xử lý nước thải

Kg (Lít)

25

7

Bình chữa cháy

Bình

8

8

Bộ quần áo bảo hộ

Bộ

1

IV.5

HTX Tiến Đạt Lộc Bình

1

Xe chở chất thải chuyên dụng

Xe

3

2

Cuốc, xẻng

Cái

60

3

Thùng chứa chất thải chuyên dụng (120L, 240L)

Cái

200

4

Hóa chất xử lý nước thải

Kg

20

IV.6

Công ty CP thương mại dịch vụ Tân Minh

1

Xe chở chất thải chuyên dụng

Xe

01

2

Bạt nilon, bạt HDPE

Tấm

02

3

Cuốc, xẻng

Cái

20

4

Thùng chứa chất thải chuyên dụng (120L)

Cái

500

5

Hóa chất xử lý nước thải PAC

Kg

200

6

Vôi bột

Kg

1.000

7

Thuốc diệt ruồi

Kg

50

8

Than hoạt tính

Kg

60

9

Máy xúc đào

Cái

02

10

Máy xúc lật

Cái

01



[1]23 cơ sở gồm: Công ty cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ, Công ty cổ phần đá mài Hải Dương, Công ty cổ phần Kim Đạt, Công ty TNHH công nghệ luyện kim Vicmet Việt Nam; Công ty TNHH Vôi công nghiệp Lạng Sơn; Công ty CP thương mại sản xuất da Nguyên Hồng (02 dự án); Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV; Công ty TNHH xây dựng Thành Linh, Công ty TNHH MTV Áo Xanh, Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Tân Minh, Công ty TNHH Huy Hoàng, HTX Tiến Đạt Lộc Bình, Công ty TNHH MTV DV&TM Phúc Lộc; Công ty cổ phần xi măng Hồng Phong, Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành; HTX chăn nuôi Lùng Khoang, Hộ kinh doanh Vũ Viết Sơn, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp An Hồng Bình Gia, Công ty CP đầu tư phát triển Đại Quang, Hộ kinh doanh Triệu Văn Thân, Công ty CP tư vấn đầu tư phát triển Cửa Đông.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 128/KH-UBND ngày 04/06/2024 ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2024-2030

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.98.147
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!