ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 119/KH-UBND
|
Lào Cai, ngày 22
tháng 02 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
CÔNG
TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ; PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO “TOÀN DÂN
PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2024
Thực hiện các văn bản pháp luật, quan điểm, chủ
trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và của tỉnh về công tác phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai
ban hành Kế hoạch công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và
CNCH) và phát động phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy” trên địa bàn tỉnh
Lào Cai năm 2024 với nội dung cụ thể sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc,
có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
về công tác PCCC và CNCH; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị
và toàn dân tham gia PCCC và CNCH.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng
phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, duy trì, nhân rộng các mô hình
điển hình tiên tiến về phòng cháy và chữa cháy gắn với trách nhiệm cụ thể của mỗi
địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, tạo chuyển biến mạnh mẽ
trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà
nước về PCCC và CNCH; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành
chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH; xây dựng và tổ chức diễn tập phương án chữa
cháy, phương án cứu nạn cứu hộ quy mô cấp tỉnh; sẵn sàng về lực lượng, phương
tiện, phương án để tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ kịp thời, hiệu quả, giảm
thiểu tai nạn, sự cố cháy, nổ; không để xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng,
góp phần phục vụ tích cực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an
ninh, an toàn địa phương.
II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN
1. Công tác tham mưu, chỉ đạo
thực hiện
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể;
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm,
hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy,
UBND tỉnh về công tác PCCC và CNCH. Trọng tâm: (1) Chỉ thị số
47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác PCCC; (2) Kết luận số 02-KL/TW ngày
18/5/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số
47-CT/TW; (3) Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng
Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; (4)
Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng
cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; (5) Công
điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực
hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về tăng cường công tác
PCCC; Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ
khó khăn vướng mắc trong công tác PCCC; (6) Kế hoạch số
273/KH-BCA-C07 ngày 01/6/2022 của Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC và
CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; (7)
Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 24/7/2023 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường
sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (8)
Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 31/01/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số
01/CT -TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ; (9) Kế hoạch
số 342/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU... Việc chấp
hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH là một tiêu chí đánh giá chất
lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức, đoàn thể, hộ gia đình và cán bộ, công chức,
viên chức, hội viên, người lao động. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nào
do buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc để xảy ra cháy, nổ gia tăng, phức
tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì người đứng đầu cơ quan,
đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
- Công an tỉnh chủ động xây dựng, triển khai
các phương án, kế hoạch bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh góp phần
đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian mùa hanh khô, bảo vệ an toàn các sự kiện
chính trị của đất nước, của tỉnh; các mục tiêu, công trình trọng điểm, hoạt động
của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế tại địa phương; đề xuất
nhân rộng và khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến trong công tác PCCC
và CNCH; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác
PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh.
- Yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phải nắm vững
quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật và phát huy vai trò ,
trách nhiệm của mình để lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
thực hiện công tác PCCC và CNCH tại cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn quản lý;
tập trung rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC và CNCH, đội Phòng cháy, chữa
cháy cơ sở; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian để triển
khai thực hiện nghiêm, quyết liệt, hiệu quả; chỉ đạo, kiểm tra ngay các
điều kiện đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại cơ quan, đơn vị mình, kịp thời khắc
phục, loại bỏ các nguy cơ gây ra cháy, nổ. Quán triệt toàn thể cán bộ, đảng
viên gương mẫu trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC tại cơ
quan, gia đình và nơi cư trú.
2. Công tác tuyên truyền, phổ
biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; xây dựng phong trào “Toàn dân phòng
cháy và chữa cháy”
2.1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp
nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây
dựng phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, tạo sự chuyển biến tích cực
trong công tác PCCC và CNCH, hướng đến các cơ quan, đơn vị, cơ sở, hộ gia đình,
từng cá nhân với mục tiêu: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh
nghiệp an toàn - Từng cơ quan, đơn vị an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã,
phường, thị trấn an toàn.
- Mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh
thần, trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định, biện pháp cơ bản
về PCCC và CNCH để tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, người dân chấp
hành nghiêm các quy định pháp luật về PCCC; hướng dẫn tự thực hiện các biện
pháp phòng cháy tại nơi ở, nơi làm việc, vì sự an toàn tính mạng, sức khỏe và
tài sản của mọi người; đặc biệt chú ý các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống,
thiết bị điện và phòng, chống cháy lan (thực hiện ngay và duy trì thường
xuyên).
- Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong
công tác PCCC và CNCH năm 2024: (1) Tập trung phòng ngừa cháy, nổ
do hệ thống, thiết bị điện; (2) Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành
của người dân trong PCCC và CNCH.
2.2. Chỉ tiêu phát động trong phong trào
“Toàn dân phòng cháy và chữa cháy” năm 2024:
- 100% các cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc diện
quản lý nhà nước về PCCC xây dựng kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân phòng
cháy và chữa cháy”; có 20% cơ quan, đơn vị, cơ sở đăng ký xây dựng điển
hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy” năm 2024,
trong đó trên 80% cơ quan, đơn vị, cơ sở đăng ký được xét, công nhận đơn
vị điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy”.
- 100% các trường học trên địa bàn tỉnh tổ
chức tuyên truyền kiến thức, pháp luật về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên
bằng các hình thức, phù hợp với từng cấp học, ngành học.
- Tiếp tục củng cố, duy trì các mô hình, điển hình
tiên tiến trong phong trào “Toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, trong đó 100%
các hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, nổ
liên kết tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 100% hộ gia đình để ở, hộ
gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC và mỗi hộ
gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, có ít nhất 01 người được
tuyên truyền, học tập kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH.
- 100% các huyện, thị xã, thành phố, cơ
quan, đơn vị, địa phương, cơ sở tổ chức tốt các hoạt động thiết thực hưởng ứng
ngày toàn dân PCCC (04/10/2024). Tổ chức hội thi, Tổ liên gia an toàn PCCC, Hội
thao PCCC và CNCH phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương.
- 100% các cơ quan, đơn vị, cơ sở, thôn, tổ
dân phố thành lập, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả Đội dân
phòng, Đội PCCC cơ sở, Đội PCCC chuyên ngành theo quy định pháp luật, trong đó 75%
đội PCCC cơ sở, dân phòng được phân loại khá trở lên.
- Kiềm chế, không để gia tăng số vụ cháy, nổ so
với năm 2023, không để xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trở
lên.
2.3. Công an tỉnh: (1) Phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở, người dân
phòng ngừa cháy, nổ trong sử dụng điện, gas, hóa chất, sử dụng lửa (chú ý hoạt
động sưởi ấm mùa đông, sấy hàng hóa, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, đốt
nương…), sắp xếp lưu trữ hàng hóa gọn gàng, an toàn, trang bị phương tiện
PCCC, thoát nạn, thoát hiểm theo phương châm “4 tại chỗ”. (2)
Hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng ngừa cháy tại các cơ sở nguy cơ cao,
như: nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, các chợ trung tâm,
siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư, nhà ở tập thể, nhà trọ nơi tập trung
đông người, kho chứa hàng hóa, nơi trông giữ phương tiện, các khu di tích văn
hóa diễn ra các hoạt động lễ hội trong dịp Tết… (3) Tổ chức tập
huấn, hướng dẫn kỹ năng PCCC và CNCH cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và
người dân, gắn với tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vận động
toàn dân giao nộp vũ khí, VLN, CCCH... (thực hiện ngay và duy trì thường
xuyên ); (4) Tham mưu Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh Lào Cai
kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh
sát PCCC và CNCH (04/10/1961 - 04/10/2024), 23 năm ngày Toàn dân phòng cháy, chữa
cháy (04/10/2001 - 04/10/2024), trong đó tập trung vào các nội dung sau: UBND
các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu
hộ năm 2024 của lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở; Hội thi chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” toàn quốc năm 2024 (theo Kế hoạch
số 58/KH-BCA-C07 ngày 02/02/2024 của Bộ Công an về tổ chức Hội thi nghiệp vụ chữa
cháy và CNCH “Tổ liên gia an toàn PCCC” toàn quốc năm 2024); tổ chức diễn tập
phương án PCCC và CNCH quy mô cấp tỉnh có sự tham gia của nhiều lực lượng.
2.4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai, Sở Văn hóa và Thể thao: Chỉ đạo,
định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp lực lượng Công an, các đơn vị
liên quan xây dựng phóng sự, tin, bài về PCCC tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng, trên nền tảng mạng xã hội (chú trọng phát vào các khung
giờ vàng để thu hút đông đảo người dân theo dõi)…
2.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành
phố và các đơn vị liên quan tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện
sớm cháy rừng, nâng cao chất lượng, hiệu quả PCCC rừng, giảm thiểu đến mức thấp
nhất thiệt hại các vụ cháy rừng (thực hiện thường xuyên).
2.6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo,
phối hợp với các đơn vị liên quan phổ biến, tuyên truyền PCCC cho toàn thể đội
ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh biết và thực hiện các quy
định pháp luật về PCCC và CNCH; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt
ngoại khoá trang bị kiến thức về PCCC; kiểm tra đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ
sở giáo dục, đặc biệt các trường nội trú, bán trú trên địa bàn toàn tỉnh
phòng ngừa cháy, nổ xảy ra (thực hiện thường xuyên).
2.7. Đề nghị UBMT Tổ quốc và các tổ chức
chính trị xã hội tỉnh: (1) tổ chức tuyên truyền, vận động
Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực, tự giác, gương mẫu chấp hành các
quy định của pháp luật về PCCC và CNCH bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng
với nội dung phù hợp; tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia PCCC và
CNCH, gắn với phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị
văn minh”; (2) tổ chức đăng ký thi đua xây dựng khu dân
cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn, điển hình tiên tiến về
PCCC; xây dựng và củng cố lực lượng nòng cốt trong phong trào PCCC và CNCH ở cơ
sở theo phương châm “4 tại chỗ”; (3) phát huy vai trò giám sát
việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH (quy định tại Điều
7, Luật PCCC), (thực hiện thường xuyên).
2.8. UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND
cấp xã: Chỉ đạo thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
về PCCC và CNCH để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng
viên và người dân trên địa bàn, cụ thể: (1) Tổ chức tuyên
truyền trực tiếp tại các cơ quan, trường học, khu kinh tế, khu công nghiệp,
khu vực tập trung các cơ sở kinh doanh, khu dân cư; tuyên truyền trên các
trang mạng xã hội...; (2) vận động cán bộ, đảng viên, nhân
dân gương mẫu thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2 (đối với 100% nhà ở
hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2
phải mở lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…);
(3) vận động tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC tại khu dân cư; mỗi
hộ gia đình tự trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, công cụ phá dỡ thồ sơ;
tuyên truyền cài đặt, sử dụng thành thạo app “Báo cháy 114; (4) Đặc
biệt, HÀNG NGÀY tổ chức tuyên truyền tình hình cháy nổ, cảnh báo và hướng dẫn
biện pháp PCCC trên ĐÀI PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH CỦA ĐỊA PHƯƠNG, QUA HỆ THỐNG
LOA PHÁT THANH CỦA XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN, THÔN, TỔ DÂN PHỐ (phát vào
buổi sáng và cuối chiều, bằng tiếng Việt và tiếng địa phương đối với vùng đồng
bào dân tộc thiểu số); giao Công an tỉnh chỉ đạo tổ chức ĐỘT XUẤT KIỂM TRA việc
thực hiện tuyên truyền trên hệ thống phát thanh cơ sở của UBND cấp huyện, cấp
xã; tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN tập trung phổ
biến, giáo dục kiến thức pháp luật PCCC, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp an
toàn về PCCC, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy tại các cơ sở, nhà dân, các địa
điểm diễn ra các lễ hội trong dịp Tết, các khu di tích, hướng dẫn việc sử dụng
thiết bị điện, lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, các biện
pháp phòng, chống cháy lan, như: sắp xếp, bố trí hàng hóa, đồ vật, vật
liệu dễ cháy (như: vật liệu xốp, vải, gỗ công nghiệp, cao su, chăn, ga, gối,
đệm ...) gọn gàng, có khoảng cách an toàn với các nguồn nhiệt, nơi đấu nối,
ổ cắm, thiết bị điện, thiết bị phát nhiệt… ; các chế tài xử lý với hành vi
vi phạm quy định của pháp luật về PCCC; kết quả xử lý của các lực lượng chức
năng, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác PCCC và CNCH…
3. Tăng cường và nâng cao hiệu
lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg
về tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác PCCC; Công điện số 825/CĐ-TTg
ngày 15/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng về tăng cường công tác PCCC; Thông báo số 475/TB-VPCP ngày
18/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại
Hội nghị sơ kết 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của
Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới. Trong đó:
3.1. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp
các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra kỹ điều kiện an toàn về PCCC đối với các
cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; cơ sở có quy mô lớn, tập
trung đông người, cơ sở nguy hiểm cháy nổ cao như chợ, trung tâm thương mại,
nhà hàng, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, khách sạn, nhà trọ, chung cư, nhà
cao tầng, nhà kho, xưởng sản xuất, các khu công nghiệp, khu vực tập kết hàng
hóa lớn, nơi trông giữ xe, cửa hàng và kho chứa xăng dầu…; Xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm về PCCC, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định
của pháp luật; yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm; phối hợp các
sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khắc
phục các tồn tại, vi phạm về PCCC (thực hiện thường xuyên).
3.2. Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng rà soát các công trình xây dựng, trụ sở
làm việc các cơ quan còn các tồn tại, thiếu sót về PCCC (như: chưa đảm bảo
điều kiện thoát nạn; ngăn cháy lan; hệ thống báo cháy; hệ thống chữa cháy...).
Đặc biệt, liên quan đến đảm bảo điều kiện về thoát nạn, ngăn chặn
cháy lan, cháy lớn, phương tiện chữa cháy, báo cáo UBND tỉnh về lộ trình khắc
phục (hoàn thành trước ngày 31/3/2024).
3.3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiến
hành rà soát các cơ sở giáo dục, trường học chưa đảm bảo yêu cầu về PCCC (như:
chưa đảm bảo điều kiện thoát nạn; ngăn cháy lan; hệ thống báo cháy; hệ thống chữa
cháy...). Chủ động phối hợp với Công an tỉnh và UBND cấp huyện đề ra lộ
trình khắc phục báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để chỉ đạo (hoàn
thành trước ngày 31/3/2024).
3.4. Sở Y tế: Tiến hành rà soát các
cơ sở y tế, bệnh viện còn tồn tại, thiếu sót về PCCC (như: chưa đảm bảo điều
kiện thoát nạn; ngăn cháy lan; hệ thống báo cháy; hệ thống chữa cháy...).
Chủ động phối hợp với Công an tỉnh và UBND cấp huyện đề ra lộ trình khắc phục
báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để chỉ đạo (hoàn thành trước
ngày 31/3/2024).
3.5. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp
với Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra an toàn
PCCC đối với các cơ sở thuộc phạm vi quản lý; đặc biệt chú ý với các cơ sở san
chiết nạp LPG, bảo quản và sử dụng hoá chất, kho bãi xuất nhập khẩu… đảm bảo
các điều kiện an toàn sản xuất, an toàn PCCC; kiểm tra xử nghiêm các trường hợp
vi phạm, đồng thời tổ chức thu hồi hoặc thông báo cho các cơ quan liên quan thu
hồi giấy phép theo đúng quy định.
3.6. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh: Chỉ
đạo khu kinh tế tỉnh, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ
trung tâm, các cơ sở sản xuất, kho hàng... tự kiểm tra, đảm bảo an toàn PCCC;
phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị kiểm tra an toàn PCCC và CNCH theo kế
hoạch; rà soát, báo cáo UBND tỉnh về các tồn tại, thiếu sót, vướng mắc về PCCC (giao
thông, nguồn nước, trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC chuyên ngành,...)
để chỉ đạo khắc phục (hoàn thành trước ngày 31/3/2024).
3.7. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC và CNCH theo thẩm
quyền; chỉ đạo, phối hợp các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức rà
soát cơ sở chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện về PCCC và đưa ra lộ trình, giải
pháp khắc phục, báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để chỉ đạo (hoàn
thành trước ngày 31/3/2024 ).
4. Tổ chức quản lý chặt chẽ hoạt
động đầu tư, xây dựng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các dự án công trình
vi phạm
- Sở Xây dựng: Quản lý chặt chẽ, tổ chức
kiểm tra hoạt động đầu tư, xây dựng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các dự
án công trình vi phạm quy định trong hoạt động đầu tư, xây dựng; đặc biệt
lưu ý công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC, chỉ nghiệm thu công trình khi
có văn bản chấp thuận nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo
quy định (thực hiện thường xuyên).
- UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Chỉ đạo chủ động kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng theo thẩm quyền;
đặc biệt chú ý việc tự chuyển đổi công năng của các công trình, chuyển đổi nhà ở
riêng lẻ sang kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, nhà hàng, khách sạn, kho bảo
quản hàng hóa, cơ sở sản xuất… tại các địa phương; trường hợp không đảm bảo an
toàn xây dựng, an toàn PCCC phải cương quyết xử lý, rút giấy phép xây dựng,
cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép; đồng thời
thông báo cho các cơ quan liên quan thu hồi giấy phép; kiên quyết không để
công trình xây dựng trái phép, không đúng công năng, không đảm bảo an toàn PCCC
hoạt động; phối hợp chỉ đạo giải phóng phần diện tích đất dành cho thoát hiểm
đã được quy hoạch trong các khu dân cư (thực hiện thường xuyên).
5. Tập trung rà soát, đề xuất,
kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn,
quy chuẩn về PCCC và CNCH
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp,
Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan
liên quan thường xuyên rà soát, làm rõ những bất cập, hạn chế liên quan đến các
quy định về PCCC và CNCH để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung
cho phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt tham mưu, đề xuất áp dụng
các, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC trong lĩnh vực xây dựng, PCCC rừng...
theo đúng quy định, phù hợp với thực tế tại địa phương (hoàn thành trước
tháng 6/2024).
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối
hợp Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sớm hoàn
thành việc tích hợp nội dung quy hoạch hạ tầng về PCCC theo Quyết định số
819/QĐ-TTg ngày 07/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hạ
tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch
chung của tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trước
tháng 6/2024).
6. Tập trung chỉ đạo thực hiện
các giải pháp phòng ngừa cháy, nổ do sự cố hệ thống, thiết bị điện
- Sở Công Thương, Công ty Điện lực Lào Cai:
(1) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban
hành Quy định về quản lý, sử dụng hệ thống điện sau công tơ trên địa bàn
tỉnh Lào Cai theo hướng: Cụ thể hoá quy định lắp đặt điện an toàn tại cơ sở
sản xuất, hộ gia đình; đội ngũ thi công, lắp đặt các hệ thống điện phải được tập
huấn, cấp chứng nhận nghiệp vụ về PCCC (thực hiện hoàn thành trong
quý II/2024); (2) chỉ đạo thường xuyên kiểm tra an toàn hệ
thống mạng lưới điện, chỉ rõ các địa điểm, vị trí có nguy cơ xảy ra chập, cháy,
nổ, chú ý hệ thống đường dây điện đã cũ, xuống cấp, bảng điện, vị trí sử dụng
nhiều thiết bị điện, quá tải, các vị trí đấu nối, câu móc điện... để khắc phục,
sửa chữa, thay thế ngay, làm giảm các vụ cháy, nổ do hệ thống, thiết bị điện
gây ra (duy trì thực hiện thường xuyên); (3) thường
xuyên tuyên truyền, khuyến cáo, kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo
an toàn trong sử dụng điện tại các hộ gia đình, các chợ trung tâm, các loại
hình nguy hiểm cháy nổ, các khu dân cư. Chú ý kết hợp tuyên truyền, hướng
dẫn các biện pháp an toàn sử dụng điện trong quá trình ghi số công tơ điện, thu
tiền sử dụng điện và thông báo số tiền điện qua tin nhắn điện thoại.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ trì,
phối hợp Công an tỉnh, ngành Điện lực xây dựng phóng sự tuyên truyền,
cảnh báo, hướng dẫn cụ thể các biện pháp bảo đảm an toàn trong sử dụng hệ
thống, thiết bị điện; các biện pháp phòng, chống cháy lan để tuyên truyền rộng
rãi đến cán bộ, nhân dân; thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo, các biện
pháp đảm bảo an toàn trong sử dụng điện tại các hộ gia đình, các chợ trung
tâm, các loại hình nguy hiểm cháy nổ, các khu dân cư (duy trì thực hiện
thường xuyên).
- Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Cảnh
sát PCCC và CNCH, Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp với ngành Điện lực, chính
quyền cơ sở tuyên truyền, khuyến cáo an toàn trong sử dụng điện và đảm bảo an
toàn PCCC, đặc biệt đối với hệ thống điện sau công tơ của cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; chủ động kiểm tra tổng
thể hệ thống điện trong gia đình, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh; chú
ý có các giải pháp nâng cấp, thay thế, xử lý khắc phục những nơi có nguy cơ xảy
ra chập điện, cháy, nổ như hệ thống đường dây dẫn, cầu giao, bảng điện, mối nối,
ổ cắm… khuyến cáo người dân trang bị thiết bị điện rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo
đảm tiêu chuẩn an toàn, hạn chế chập, cháy do điện (duy trì thực hiện thường
xuyên).
- UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên
phối hợp ngành Điện lực tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, người dân thực hiện
các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện, cụ thể:
(1) Thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống
điện bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật;
(2) Lựa chọn dây dẫn điện có tiết diện
phù hợp, an toàn với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện;
(3) Lựa chọn dây dẫn điện bảo đảm chất lượng
cao khi đi ngầm trong tường;
(4) Lựa chọn dây dẫn, thiết bị điện có
nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn;
(5) Các mối nối dây dẫn điện phải đảm bảo
đúng kỹ thuật (nối so le và được quấn băng cách điện);
(6) Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện;
(7) Không luồn dây điện qua mái lá, mái
tôn, nơi để nhiều hàng hóa, vật liệu, đồ dùng dễ cháy;
(8) Không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ cắm;
(9) Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa
chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng;
(10) Không sử dụng nhiều thiết bị điện
có công suất lớn vào cùng một ổ cắm;
(11) Không sạc điện thoại, máy tính, xe
đạp điện, xe máy điện qua đêm;
(12) Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà
phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện và tắt các thiết bị điện không cần thiết
(các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người thời gian qua chủ yếu do hệ
thống điện và diễn ra ban đêm khi người dân đang ngủ);
(13) Không để các vật liệu dễ cháy phủ
lên các mối nối trên dây dẫn điện hoặc phủ lên ổ cắm điện, cầu dao điện;
(14) Không phơi, sấy quần áo trực tiếp
lên đèn, quạt sưởi;
(15) Khi dùng thiết bị đốt nóng như bếp
điện, ấm điện... phải có người trông coi.
7. Nâng cao hiệu quả công tác
chữa cháy và CNCH
7.1. Tổ chức rà soát, xây dựng và thực tập
phương án chữa cháy, CNCH
- Công an tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn xây
dựng, phê duyệt PACC, có tình huống CNCH trong phương án đối với 100%
cơ sở, khu dân cư, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo
đảm an toàn PCCC mới hình thành hoặc có sự thay đổi theo quy định tại điểm d,
khoản 2, Điều 19, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thuộc phạm vi quản lý; hướng dẫn
tổ chức thực tập PACC đối với 100% cơ sở, khu dân cư, phương tiện giao
thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC thuộc phạm vi quản lý
(thực hiện thường xuyên).
- UBND cấp xã chỉ đạo (Trưởng thôn, Tổ
trưởng dân phố, Đội trưởng dân phòng, Tổ trưởng tổ liên gia an toàn PCCC)
rà soát, xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu
hộ đối với 100% khu dân cư trên địa bàn, 100% cơ sở thuộc diện quản
lý về PCCC, các Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng. Chỉ đạo Công
an cấp xã phải mở hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động của Tổ liên gia an toàn
PCCC, Điểm chữa cháy công cộng; phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, hướng
dẫn, đánh giá hoạt động 01 lần/tháng và tham gia sinh hoạt cùng các Tổ
liên gia an toàn PCCC (thực hiện thường xuyên).
- Công an tỉnh chỉ đạo, xây dựng, phê
duyệt PACC, PACNCH và quản lý theo quy định đối với 100% cơ sở có nguy hiểm về
cháy, nổ và khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao thuộc phạm vi quản lý mới hình
thành hoặc có sự thay đổi theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 19, Nghị định
số 136/2020/NĐ-CP thuộc phạm vi quản lý (thực hiện thường xuyên).
- Công an tỉnh tham mưu, đề xuất UBND tỉnh:
(1) tham mưu, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức thực tập ít nhất
01 PACC có huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của nhiều cơ quan, tổ chức
tại địa phương tham gia (thực hiện hoàn thành trước tháng 6/2024); (2)
tổ chức thực tập ít nhất 01 PACC cấp tỉnh do lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt
có huy động lực lượng, phương tiện và tài sản của nhiều cơ quan, tổ chức tại địa
phương và Công an các địa phương lân cận tham gia (thực hiện hoàn thành
trước 31/12/2024).
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ
trì, phối hợp Công an tỉnh, BCH Quân sự tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố
xây dựng phương án, kế hoạch huy động các đơn vị trong công tác PCCC rừng, đồng
thời thực hiện tốt công tác nắm tình hình diễn biến thời tiết, xác định, phân
vùng những khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xuyên chịu ảnh hưởng, tác động
của thiên tai để chủ động phối hợp trong công tác ứng phó với các tình huống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (thực hiện thường xuyên).
7.2. Công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy
và CNCH
- Công an tỉnh tăng cường công tác huấn
luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH trong Công an nhân dân; lực lượng Dân phòng,
lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu PCCC và
CNCH. Tăng cường hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra việc tổ chức hoạt động
của các đội chữa cháy cơ sở, lực lượng chữa cháy chuyên ngành… trên địa bàn (thực
hiện thường xuyên).
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị
liên quan tham mưu cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, tổ chức củng cố,
kiện toàn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chữa cháy cho các lực lượng
dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu
PCCC và CNCH. Xây dựng cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng
trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH (thực hiện thường xuyên).
7.3. Thực hiện nghiêm chế độ thường trực sẵn
sàng chữa cháy, CNCH: Lực lượng Công an, dân phòng, PCCC cơ sở, chuyên
ngành phải duy trì, kiểm tra việc tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực
sẵn sàng chữa cháy và CNCH và tiếp nhận, xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn
đảm bảo nhanh chóng, chính xác, hiệu quả cao trong quá trình chữa cháy, CNCH.
8. Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,
khu kinh tế, các khu công nghiệp
- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức
chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH cho công nhân viên, người
lao động; phối hợp tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống
cháy, nổ cho Đội PCCC cơ sở; các hộ gia đình sinh sống tại các chung cư, nhà trọ
đông người..., mục tiêu từng cơ sở, từng hộ gia đình, cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp tự phòng ngừa , triển khai hiệu quả
các biện pháp an toàn PCCC và CNCH (thực hiện thường xuyên).
- Tổ chức kiểm tra an toàn PCCC; bảo trì, bảo dưỡng
các trang thiết bị, hệ thống kỹ thuật, thiết bị điện, phương tiện PCCC tại cơ sở,
đơn vị, đảm bảo luôn trong tình trạng hoạt động bình thường, đáp ứng yêu cầu
theo phương châm “4 tại chỗ”; lối đi, hành lang thoát hiểm phải đảm bảo
thông thoáng phục vụ thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra (thực hiện thường
xuyên).
- Tổ chức thống kê, báo cáo theo định kỳ về tình
hình PCCC; thông báo kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH trực tiếp quản
lý những thay đổi có liên quan đến bảo đảm an toàn về PCCC của cơ quan, đơn vị,
doanh nghiệp; tham gia các hoạt động PCCC khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền.
9. Chủ tịch UBND cấp xã
- Nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng trách nhiệm
của cá nhân và chỉ đạo thực hiện trách nhiệm của UBND xã về PCCC và CNCH theo
quy định tại Điều 58 Luật PCCC; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
PCCC; Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, ngày 24/11/2020 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC; Điều 42 Nghị
định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu
nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên
quan.
- Chỉ đạo tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục
pháp luật về PCCC và CNCH trên địa bàn quản lý: 100% nhà ở hộ gia đình
và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở lối thoát nạn thứ 2 (qua
ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…); mỗi hộ gia đình phải có
ít nhất 01 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH; vận động mỗi hộ
gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy; 100% các cơ sở thuộc diện
quản lý về PCCC phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và chuẩn bị
các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, CNCH tại chỗ; chỉ đạo giải
phóng phần diện tích đất thoát hiểm đã được quy hoạch trong các khu dân cư;
tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng Báo
cháy 114... (thực hiện thường xuyên).
- Xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập phương
án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, cơ sở theo phân
cấp quản lý; củng cố, xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân
phòng, lực lượng PCCC cơ sở… Hàng năm, 100% khu dân cư phải tự tổ chức
thực tập phương án chữa cháy, CNCH đề ra (thực hiện thường xuyên).
- Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn PCCC
đối với các cơ sở, nhà dân thuộc trách nhiệm quản lý theo đúng quy định
pháp luật. Khi đến cơ sở kiểm tra (nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh,
cửa hàng...), PHẢI XÁC ĐỊNH RÕ VỊ TRÍ CÓ NGUY CƠ CAO GÂY CHÁY, NỔ VÀ
CHÁY LAN (như: các thiết bị tiêu thụ điện, bếp, bình gas, các vật liệu bằng
xốp, gỗ, nhựa, xăng dầu...dễ cháy lan.) để hướng dẫn giải pháp phòng ngừa
cháy, nổ, ngăn chặn cháy lan (khắc phục các nguy cơ cháy từ thiết bị điện, bếp,
gas, chuyển các vật liệu dễ gây cháy lan đến vị trí an toàn, cách xa nguồn nhiệt,
nguồn điện...).
- Duy trì và đảm bảo hoạt động thường xuyên của lực
lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở (theo quy định tại Điều 30, Điều
31 Nghị định 136/2020/NĐ-CP; Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 07/12/2022 của
HĐND tỉnh Lào Cai ).
10. Kinh phí thực hiện
- Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bố trí
nguồn vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của
pháp luật liên quan bảo đảm cho công tác PCCC và CNCH. Trong đó, ưu tiên kinh
phí phục vụ sửa chữa, khắc phục những tồn tại đối với các công trình nhà nước;
nghiên cứu huy động nguồn lực để từng bước tăng cường trang thiết bị, phương tiện
đáp ứng yêu cầu cho lực lượng tham gia thực hiện công tác PCCC và CNCH, nhất là
tại các khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số.
- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền về mức chi ngân sách cho hoạt động
PCCC và CNCH; kinh phí phục vụ sửa chữa, khắc phục những tồn tại đối với các
công trình nhà nước; bảo đảm kinh phí phục vụ diễn tập hàng năm, kinh phí tổ chức
Hội thao cho lực lượng Dân phòng; kinh phí tổ chức hội thi chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC”, các phương án PCCC và CNCH c ấp tỉnh có nhiều
lực lượng tham gia; huy động, đề xuất bố trí kinh phí để trang bị các phương tiện,
trang thiết bị bảo hộ đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát
PCCC và CNCH Công an tỉnh; lực lượng dân phòng đảm bảo trong thực hiện nhiệm vụ.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý
và ưu tiên bố trí kinh phí bảo đảm điều kiện cho các lực lượng Cảnh sát PCCC và
CNCH, lực lượng Dân phòng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần ngăn
chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng,
làm chết người; kinh phí phục vụ các hoạt động tuyên truyền, Hội thao, Hội thi
nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng và Tổ liên gia
an toàn PCCC; ưu tiên bố trí ngân sách cho các dự án, công trình có vốn đầu tư
công để khắc phục những tồn tại về an toàn PCCC (thực hiện trong năm 2024
và các năm tiếp theo).
11. Xử lý nghiêm trách nhiệm
các tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác PCCC và CNCH
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo siết
chặt kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, chấn chỉnh
toàn diện từ cấp tỉnh đến cấp cấp xã, thôn, tổ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong
công tác PCCC và CNCH.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá,
chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý Nhà
nước về PCCC và CNCH; đảm bảo các hành vi vi phạm về PCCC đều phải được xử lý
nghiêm minh theo quy định với quan điểm “không có vùng cấm , không có ngoại
lệ”; kiên quyết đình chỉ, rút giấy phép hoạt động theo quy định để đảm
bảo ANTT, an toàn PCCC; tổ chức phúc tra, kiểm tra việc khắc phục tồn tại, vi
phạm, đảm bảo khắc phục triệt để các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH theo quy
định (Công an tỉnh chủ trì, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan
phối hợp thực hiện thường xuyên).
- Công an tỉnh chỉ đạo nhanh chóng điều tra làm rõ
nguyên nhân các vụ cháy theo quy định của pháp luật; tất cả các vụ cháy phải
được tổ chức thẩm tra, đối chiếu việc thực hiện các quy định của pháp luật
về PCCC và CNCH của các cơ quan, đơn vị liên quan để chấn chỉnh, rút kinh
nghiệm trong công tác phòng ngừa và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập
thể, cá nhân liên quan do không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ,
không đúng theo quy định của pháp luật về PCCC theo quy định của Đảng, của
pháp luật và của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
- Sở, ngành, địa phương nào để xảy ra các vụ cháy
gây hậu quả nghiêm trọng do không chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoặc để các cơ sở
không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và CNCH hoạt động, thủ trưởng đơn vị, địa
phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, triển khai, thực hiện
nghiêm, hiệu quả, kế hoạch triển khai, thực hiện các đơn vị gửi về UBND tỉnh (qua
Công an tỉnh để tổng hợp, theo dõi) trước ngày 05/3/2024 để theo
dõi, chỉ đạo.
2. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Văn
phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện của
các đơn vị, địa phương; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo UBND tỉnh (qua Công an
tỉnh) kết quả thực hiện công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Công an (qua Cục C07);
- TT. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các TC chính trị XH tỉnh;
- Các cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Văn phòng: TU, Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Báo Lào Cai, Đài PTTH tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các DNNN thuộc tỉnh, Hiệp hội DN tỉnh;
- Công ty Điện lực Lào Cai;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu: VT, BBT, NC1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trịnh Xuân Trường
|