ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 112/KH-UBND
|
Thái
Nguyên, ngày 27 tháng 7 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
VỀ ỨNG PHÓ THẢM HỌA ĐỘNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
Thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg
ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm
họa động đất, sóng thần; sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tại
Tờ trình số 2608/TTr-BCH ngày 04/7/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch
về ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung
Huy động hợp lý các nguồn lực, triển
khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa và ứng phó thảm họa động đất,
nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường; góp
phần thực hiện tốt Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần trên
địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Tạo sự thống nhất trong nhận thức
và hành động của cơ quan, mọi người dân, bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các Sở,
ban, ngành và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các giải pháp ứng
phó, khắc phục hậu quả động đất; góp phần hoàn thiện hệ thống kế hoạch của tỉnh
ứng phó các loại hình sự cố, thiên tai, thảm họa cơ bản, làm cơ sở cho các Sở,
ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện.
- Nâng cao năng lực giám sát, dự báo,
cảnh báo thiên tai; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập
kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt
hại khi xảy ra động đất trên địa bàn tỉnh.
2. Dự báo tình
hình có thể xảy ra
Cấp độ rủi ro thiên tai do động đất
có thể xảy ra (hoặc ảnh hưởng) đến địa bàn tỉnh Thái Nguyên được xác định theo
kịch bản động đất cực đại, cụ thể như sau:
* Khu vực Tây Bắc
- Kịch bản động đất có độ lớn M = 7.2
xảy ra trên đứt gãy Sơn La tại tọa độ (Kinh độ 103.44, Vĩ
độ 21.64) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một
số khu vực tỉnh Điện Biên, Sơn La; cấp 3 - 4 tại một số khu vực tỉnh Lai Châu,
Yên Bái, Lào Cai và cấp 1 - 3 tại khu vực tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Phú Thọ.
- Phạm vi tác động: Phạm vi tác động
của dư chấn động đất có thể xảy ra ở các huyện Định Hóa, Đại Từ, một phần huyện
Phú Lương, Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên.
* Khu vực Đông Bắc
- Kịch bản động đất có độ lớn M = 5.5
xảy ra trên đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên tại tọa độ (Kinh độ 106.54, Vĩ độ
22.16) gây ra cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại một số khu vực tỉnh Lạng
Sơn, cấp 3 tại một số khu vực tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn và cấp 1 tại một số khu vực
tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang.
- Phạm vi tác động: Phạm vi tác động,
ảnh hưởng của động đất (dư chấn động đất) có thể xảy ra ở các huyện Phú Lương,
Định Hóa, Võ Nhai, một phần huyện Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên.
* Khu vực đồng bằng sông Hồng
- Kịch bản động đất có độ lớn M = 6.3
xảy ra trên đứt gãy sông Chảy tại tọa độ (Kinh độ 106.07, Vĩ độ 20.65) gây ra cấp
độ rủi ro thiên tai cấp 4 - 5 tại khu vực tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái
Bình và Hà Nội. Cấp 1 - 2 tại khu vực tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Hải
Phòng và Vĩnh Phúc.
- Phạm vi tác động: Phạm vi tác động
của dư chấn động đất có thể xảy ra ở thành phố Phổ Yên, một phần thành phố Thái
Nguyên, thành phố Sông Công và huyện Phú Bình.
Khu vực có thể bị ảnh hưởng, thiệt hại:
Toàn bộ địa bàn các huyện, thành phố đã được xác định theo các kịch bản; tuy
nhiên, thiệt hại lớn tập trung vào các khu đô thị, khu dân cư, khu chung cư,
nhà cao tầng; trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa; các khu công nghiệp, nhà
máy, xí nghiệp trên địa bàn của các huyện, thành phố của tỉnh.
3. Nội dung, nhiệm
vụ
3.1. Công
tác phòng ngừa
3.1.1. Tăng cường sự lãnh đạo của các
tổ chức Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các Sở, ban,
ngành địa phương; phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các lực lượng và
nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức của tỉnh; phân công,
phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác ứng phó,
khắc phục hậu quả thảm họa động đất.
- Bồi dưỡng nâng cao kiến thức và
năng lực thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng theo phạm vi trách nhiệm, quyền hạn
của từng cấp, từng ngành.
- Nâng cao hiệu quả công tác trao đổi
thông tin, phối hợp hoạt động giữa các Sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa
phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện
nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức của tỉnh.
3.1.2. Làm tốt công tác thông tin
tuyên truyền, giáo dục, hoàn thiện cơ chế, quy chế hoạt động phù hợp, hiệu quả
với tình hình thực tế của địa phương.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền,
giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định của
pháp luật; chú trọng phổ biến kinh nghiệm, xây dựng năng lực, kỹ năng phòng
tránh thảm họa động đất, tạo sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền địa phương,
người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn thiện cơ chế, quy chế hoạt động
của lực lượng thực hiện nhiệm vụ ở các cấp; hoàn thiện cơ chế, quy chế trao đổi
thông tin, phối hợp hoạt động giữa các Sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa
phương liên quan trong chỉ đạo, điều hành, đào tạo, huấn luyện, luyện tập, diễn
tập. Tiếp tục hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành của tỉnh và
các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ứng phó động đất.
- Thường xuyên rà soát, cập nhật tài
liệu, tư liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền. Có kế hoạch lồng ghép,
tích hợp kiến thức, kỹ năng phòng tránh động đất đưa vào chương trình giáo dục ở
các cấp, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục
trên địa bàn tỉnh; phù hợp với đặc điểm, tình hình thiên tai từng huyện, thành
phố.
3.1.3. Gắn phát triển kinh tế - xã hội
của từng địa phương với nâng cao khả năng thích ứng, chống chịu của hạ tầng cơ
sở, công trình xây dựng và khu dân cư trên địa bàn.
- Gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của từng địa phương, quy hoạch phát triển của từng ngành với
công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng ngành,
từng địa phương; bảo đảm phát triển bền vững.
- Nâng cao khả năng thích ứng chống
chịu của cơ sở hạ tầng và khu dân cư công cộng trên địa bàn các huyện, thành phố
của tỉnh; đủ khả năng phòng chống thảm họa,... Quy hoạch và xây dựng các địa điểm
sơ tán nhân dân, các điểm an toàn, hệ thống y tế, mạng lưới giao thông vận tải,
thông tin liên lạc trọng yếu, các công trình lưỡng dụng theo quy định; có kế hoạch
dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật và các cơ sở vật chất thiết yếu khác đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ với từng địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Đầu tư, xây dựng các công trình bảo
đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; có chế tài, quy định mọi cơ quan,
đơn vị, tổ chức và cá nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt thiết kế xây dựng công
trình ở các vùng có nguy cơ động đất (hoặc chịu ảnh hưởng của động đất). Có giải
pháp phù hợp để đảm bảo an toàn; đặc biệt đối với hồ chứa nước lớn, nhà máy hoá
chất độc hại, nhà cao tầng và các công trình cơ sở hạ tầng khác.
3.1.4. Từng bước nâng cao năng lực
công tác tiếp nhận thông tin, dự báo, cảnh báo, đầu tư mua sắm trang thiết bị ứng
phó.
- Duy trì lực lượng, phương tiện trực
dự báo, cảnh báo, xử lý, tiếp nhận và ban hành bản tin động đất theo quy định;
phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp trên đánh giá toàn diện các nguy cơ, sự
cố do thảm họa động đất gây ra trên địa bàn tỉnh; làm cơ sở xây dựng các phương
án ứng phó phù hợp, hiệu quả với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội từng địa
phương trên địa bàn tỉnh.
- Đầu tư, xây dựng, quản lý mạng lưới
quan trắc phục vụ tiếp nhận, dự báo, cảnh báo, báo tin động đất; phối hợp với
các cơ quan chuyên môn cấp trên xây dựng tập bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai
động đất trên địa bàn tỉnh.
- Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị
phù hợp cho các lực lượng của tỉnh sẵn sàng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả
động đất, thiên tai; từng bước nâng cao năng lực ứng phó và trình độ thực hiện
nhiệm vụ cho các lực lượng của tỉnh.
- Nghiên cứu, đề xuất các phương
pháp, giải pháp khoa học công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo, tiếp nhận,
báo tin động đất và ứng phó với thảm họa.
3.1.5. Xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch,
phương án ứng phó ở các cấp, các ngành của tỉnh; tổ chức tập huấn, huấn luyện, luyện
tập, diễn tập theo các phương án ứng phó đã được xây dựng
- Xây dựng, rà soát, điều chỉnh, bổ
sung kế hoạch, phương án, kịch bản, các tài liệu hướng dẫn và cơ sở dữ liệu để
phục vụ công tác ứng phó thảm họa động đất sát, phù hợp với thực tiễn của từng
địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ
năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, lực lượng ứng phó, khắc phục thảm họa động
đất của tỉnh và huấn luyện phổ cập cho các đối tượng khác để nâng cao năng lực ứng phó khi xảy ra thảm họa động đất. Lồng ghép nội
dung huấn luyện ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong chương trình bồi dưỡng
kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng và trong chương trình giáo dục
quốc phòng, an ninh chính khóa cho học sinh, sinh viên theo quy định của Chính
phủ.
- Tổ chức luyện tập, diễn tập theo
các phương án, tập trung vào các phương án phức tạp, có nhiều khả năng xảy ra.
Vận dụng và phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”; chủ động huy động, điều phối
các lực lượng để sơ tán, phòng, tránh thảm họa và cứu hộ, cứu nạn. Chuẩn bị tốt
trang thiết bị, cơ sở vật chất cho tập huấn, huấn luyện, luyện tập, diễn tập ở
các cấp, các ngành của tỉnh; từng bước nâng cao năng lực ứng phó, cứu hộ, cứu nạn
cho các lực lượng ứng phó, khắc phục thảm họa, thiên tai và các lực lượng khác
của tỉnh.
- Có phương án khai thác, vận hành, bảo
vệ an toàn các công trình lớn: Hồ thủy lợi, hệ thống lưới điện, hệ thống giao
thông...., bảo đảm khi xảy sự cố do động đất gây ra mức độ thiệt hại thấp nhất
và khắc phục nhanh nhất, phục vụ công tác khôi phục các hoạt động sản xuất phát
triển kinh tế, xã hội.
3.2. Tổ chức
ứng phó
3.2.1. Tổ chức thông báo, báo động và
cảnh báo kịp thời đến các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân
dân địa phương các tin động đất theo quy định.
- Tiếp nhận, truyền tin cảnh báo, báo
động trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống thông tin mạng viễn
thông...
- Tăng cường kết nối thông tin để nắm
bắt kịp thời các diễn biến, hậu quả của động đất.
- Đánh giá kịp thời quy mô, diễn biến
sự cố do thảm họa động đất, xác định nhanh kịch bản ứng phó hiệu quả.
- Triển khai các lực lượng, phương tiện
quan sát, giám sát; các lực lượng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu
quả...
3.2.2. Tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm
an toàn cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức và tài sản ra khu vực an toàn.
Động đất không thể dự báo trước, song
có một số biện pháp có thể làm trong lúc động đất để tránh hoặc giảm thương
tích và thiệt hại do động đất gây ra:
- Đang ở trong nhà nên chui xuống gầm
bàn, lựa góc phòng để đứng, tránh cửa kính, những vật có thể rơi xuống. Che mặt
và đầu để khỏi bị các mảnh vụn rơi trúng. Nếu mất điện,
dùng đèn pin, không dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây
hỏa hoạn; nắm chắc tin tức khẩn cấp để ứng phó.
- Trong các tòa nhà cao tầng: Tuyệt đối
không được dùng thang máy, ở trong nhà, di chuyển tới góc phòng, tránh xa các
khu vực có cửa kính, đèn điện treo. Khóa gas, mở cửa sổ hoặc cửa ra vào. Nếu đang ở trong thang máy nằm xuống sàn bảo vệ đầu, khi thang máy làm việc
trở lại ra khỏi thang máy ở tầng kế tiếp và sử dụng cầu thang bộ.
- Đang đi đường: Tránh xa các tòa nhà
và dây điện, tìm chỗ trống để đứng; trong lúc lái xe, dừng xe ở lề đường, nên
tránh các cột điện, dây điện, công trình phía trên xe và không chui xuống gầm
xe.
- Khi bị kẹt trong đống đổ nát: Không
la hét, lấy tay, khăn che mũi miệng; dùng vật cứng gõ vào vật cứng khác báo vị
trí của mình để thực hiện cứu nạn.
- Sau động đất: Kiểm tra người bị
thương, sơ cứu và gọi cứu hộ; kiểm tra các thiệt hại, không sử dụng diêm, bật lửa; không chạm vào dây điện bị đứt; dập tắt đám cháy nhỏ (nếu
có); tránh xa các bức tường gạch, thận trọng với các chất lỏng đổ tràn và các vật
nặng trên trần, kệ có thể bị rơi.
- Cập nhật tin tức khẩn cấp của cơ
quan chức năng.
- Chuẩn bị ứng phó các trận dư chấn,
những trận động đất gây ra bởi trận động đất vừa xảy ra; tuy chúng nhỏ hơn,
chúng vẫn có thể gây ra thương tích.
3.2.3. Huy động, điều phối các lực lượng,
phương tiện, trang thiết bị khẩn trương tổ chức tìm kiếm, cứu nạn trong các khu
vực xảy ra thảm họa.
Huy động lực lượng, phương tiện của
các đơn vị Quân đội, Công an, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh
nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, y tế, viễn thông, xây dựng,
vận tải, khai thác mỏ,... và lực lượng, phương tiện của các Sở, ban, ngành và cấp
huyện, cấp xã; đặc biệt của các địa phương nằm trong khu vực xảy ra (hoặc chịu ảnh
hưởng) của động đất.
3.2.4. Duy trì hệ thống thông tin
liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành.
- Sử dụng các mạng viễn thông phục vụ
công tác chỉ đạo, điều hành: Hệ thống viễn thông cố định, di động vệ tinh; hệ
thống viễn thông vô tuyến điện; hệ thống truyền hình hội nghị; các xe ô tô
chuyên dùng phục vụ thông tin và các hình thức thông tin, liên lạc khác.
- Sử dụng tần số ưu tiên cho các
phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra thảm họa động đất, bảo đảm
thông suốt, không gián đoạn.
- Tận dụng mọi phương thức thông tin
liên lạc để nắm tình hình và truyền tin trong khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất.
3.3. Công
tác khắc phục hậu quả
- Huy động nhân lực, phương tiện,
trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương;
nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp.
+ Tiếp tục huy động các lực lượng,
phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
+ Huy động lực lượng, phương tiện
ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận
chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân. Làm tốt công tác phân loại, giám định người
tử nạn, an táng theo quy định.
+ Đánh giá cụ thể thiệt hại về người,
tài sản, các công trình, hạ tầng, mức độ ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh,
nhu cầu cứu trợ khẩn cấp.
- Bố trí nơi ở tạm cho những người bị
mất nhà cửa, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, bảo đảm hậu cần, vật tư y tế cho lực
lượng ứng phó và nhân dân vùng bị nạn.
- Thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường,
tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống
dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống.
- Đánh giá tổng hợp tình hình, thực
hiện công tác chính sách, xây dựng kế hoạch, tiến hành các biện pháp hỗ trợ,
khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng; ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.
3.4. Lực lượng,
phương tiện
3.4.1. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:
- Các đơn vị trong lực lượng vũ trang
tỉnh; các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh theo hiệp đồng lực lượng,
phương tiện hằng năm tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn.
- Các tàu, xuồng, ca nô, các phương
tiện thủy khác, các loại vật chất, trang thiết bị cầm tay có trong biên chế các
cơ quan, đơn vị.
3.4.2. Công an tỉnh: Cảnh sát Phòng
cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh
sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát môi trường và Công an các
đơn vị, địa phương.
3.4.3. Sở Giao thông vận tải: Một số
doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải có thể cung cấp các dịch vụ về phương tiện,
trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, cơ động, tìm
kiếm cứu nạn. Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn,
xây dựng, vận tải (đường không, đường bộ, đường sắt, thủy nội địa), thông tin,
viễn thông, y tế...
3.4.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh
vực phòng, chống thiên tai, thủy sản, nông lâm nghiệp, thủy lợi,...
3.4.5. Sở Công Thương: Các cơ quan,
đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản
(trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng).
3.4.6. Sở Y tế: Các đội y tế cơ động,
hệ thống bệnh viện và các cơ sở khám, điều trị bệnh, trung tâm y tế dự phòng.
3.4.7. Các huyện, thành phố trực thuộc
tỉnh: Lực lượng, phương tiện của các sở, ban, ngành và cấp huyện, cấp xã trực
thuộc; các cơ quan, đơn vị của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cứu hộ,
cứu nạn, xây dựng, vận tải, tài nguyên môi trường, thông tin, viễn thông,... đứng
chân trên địa bàn. Các đội xung kích phòng chống thiên tai, các đơn vị dân quân
tự vệ ở các địa phương.
3.5. Nhiệm vụ
của các Sở, ban, ngành và địa phương
3.5.1. Ban Chỉ huy phòng chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp:
- Tham mưu Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ
đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chỉ đạo cơ quan thường trực, các Sở,
ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng các phương
án ứng phó; kiểm tra luyện tập, diễn tập theo kế hoạch. Đề xuất đầu tư, mua sắm
trang thiết bị phù hợp từng bước nâng cao năng lực cho các lực lượng thực hiện
nhiệm vụ.
- Chỉ đạo và huy động lực lượng,
phương tiện của các Sở, ban, ngành và địa phương tổ chức sơ tán nhân dân đến
nơi an toàn, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.
- Trường hợp vượt quá khả năng ứng
phó của các lực lượng có trong biên chế phải tham mưu, đề xuất phối hợp với các
Sở, ban, ngành cấp trên; các bộ, cơ quan ngang bộ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh,
Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc yêu cầu trợ giúp.
3.5.2. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch; tổ
chức thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc
quyền phối hợp với các Ban, ngành, chính quyền địa phương xây dựng phương án sử
dụng lực lượng, phương tiện của các đơn vị trong Quân đội trong thực hiện nhiệm
vụ của Quân khu, Bộ Quốc phòng gắn với việc trực và ứng phó, tìm kiếm cứu nạn
khi xảy ra thảm họa động đất xảy ra trên địa bàn.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc
quyền phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng kiêm
nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả; phối hợp thực hiện công tác tuyên
truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó thảm họa động đất.
- Phối hợp với Sở, ban, ngành, cơ
quan có liên quan tham mưu, đề xuất, đầu tư mua sắm trang thiết bị từng bước
nâng cao năng lực ứng phó cho lực lượng vũ trang tỉnh.
- Khi xảy ra thảm họa kịp thời chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị thuộc quyền trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng động đất tổ chức
sơ tán người, vũ khí trang bị ra khỏi khu vực nguy hiểm; điều động lực lượng,
phương tiện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sơ tán người và tài sản
đến nơi an toàn. Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố nơi xảy ra thảm
họa chủ trì, phối hợp với địa phương thiết lập Sở Chỉ huy hiện trường (hoặc Sở
Chỉ huy tiền phương), triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn. Sẵn sàng phối hợp
triển khai bệnh viện dã chiến cứu chữa, vận chuyển người và trang bị, vật tư,
nhu yếu phẩm, khắc phục hậu quả.
- Phối hợp với các lực lượng Công an
tỉnh, chính quyền các địa phương bảo vệ an toàn các cơ quan Đảng, Nhà nước và
các khu vực trọng điểm khác; phối hợp với các Sở, ban, ngành địa phương tham
mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định việc đề nghị trợ giúp
của Chính phủ.
3.5.3. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với
Ban, ngành địa phương xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức tập huấn, huấn
luyện, diễn tập nhằm phối hợp với các lực lượng sẵn sàng ứng phó, tìm kiếm cứu
nạn khi xảy ra thảm họa.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền phối hợp với các đơn vị Quân đội, chính quyền địa phương
triển khai các biện pháp công tác nắm tình hình liên quan đến an ninh địa bàn,
an ninh chính trị nội bộ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ an
toàn các cơ quan Đảng, Nhà nước và các mục tiêu, công trình trọng điểm theo chức
năng, nhiệm vụ. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại
tội phạm lợi dụng thảm họa động đất để hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội.
- Điều động lực lượng, phương tiện phối
hợp với các lực lượng khác giúp chính quyền, nhân dân địa phương trong vùng ảnh
hưởng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn; phối hợp tổ chức ứng phó, tìm kiếm
cứu nạn, khắc phục hậu quả; tổ chức giám định, nhận dạng, phân loại nạn nhân
theo chức năng, nhiệm vụ.
3.5.4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực
thuộc phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan làm tốt công tác
thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ phòng chống
thiên tai, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra, đảm bảo thực hiện tốt
phương châm “4 tại chỗ”.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành và
địa phương triển khai thực hiện các biện pháp giảm nhẹ hậu quả do thảm họa động
đất gây ra theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành và
địa phương liên quan chỉ đạo tổ chức di dời nhân dân đến nơi an toàn; điều tra,
thống kê thiệt hại và xác định nhu cầu cấp bách, khắc phục hậu quả đối với các
lĩnh vực được phân công. Đồng thời, có kế hoạch khôi phục sản xuất nông, lâm,
ngư nghiệp..., bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác
theo thẩm quyền quản lý cho nhân dân vùng bị nạn.
3.5.5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phối hợp
với Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tổ chức điều tra, đánh giá thiệt hại
và xử lý các sự cố về môi trường; xây dựng kế hoạch phục hồi môi trường bị ô
nhiễm.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn các địa
phương xây dựng, cập nhật bản đồ ngập lụt theo địa bàn quản lý và định kỳ cập
nhật hệ thống bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh để
phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả.
3.5.6. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thẩm định
nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ sở, sản xuất,
mua sắm trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
theo quy định của Luật Đầu tư công.
3.5.7. Sở Tài chính: Thẩm định, tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện hoạt động ứng phó sự cố, thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, quy định về
phân cấp ngân sách và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
3.5.8. Sở Giao thông vận tải:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc
quyền phối hợp với Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương có liên quan xây dựng
kế hoạch, phương án ứng phó đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Phối hợp tổ
chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập từng bước nâng cao năng lực cho lực lượng ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa theo chức năng, nhiệm vụ.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc
quyền phối hợp với các lực lượng của các Sở, ban, ngành và địa phương bảo đảm
phương tiện sơ tán, vận chuyển hàng hóa; chỉ dẫn, phân luồng giao thông đi qua
các khu vực xảy ra sự cố, thảm họa. Phối hợp với các lực lượng tham gia tìm kiếm
cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả; phối hợp với cơ quan các cấp sẵn sàng thiết
lập cầu hàng không, vận chuyển người, trang bị, phương tiện, vật chất nhu yếu
phẩm khi có yêu cầu.
- Rà soát trang thiết bị, kịp thời phối
hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung theo hướng đầu tư, mua sắm các trang thiết
bị tìm kiếm cứu nạn chuyên dùng. Thường xuyên cập nhật năng lực trang thiết bị
cứu hộ, cứu nạn thuộc phạm vi quản lý để tham mưu, đề xuất, sẵn sàng sử dụng lực
lượng, phương tiện khi có tình huống.
3.5.9. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành và chính quyền địa phương rà soát, bổ sung các tiêu
chuẩn, quy chuẩn xây dựng các công trình phù hợp theo quy định của pháp luật.
- Huy động các lực lượng, trang thiết
bị thuộc quyền phối hợp với các lực lượng khác khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.
3.5.10. Sở Y tế:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành và địa phương huy động lực lượng ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị
nạn nhân theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các
đơn vị trực thuộc, các địa phương triển khai xây dựng, đầu tư trang thiết bị
cho các tổ, đội huy động ngành y tế hỗ trợ khẩn cấp; phối hợp tổ chức tập huấn,
huấn luyện về y tế, kỹ thuật cấp cứu, vận chuyển cho các lực lượng liên quan;
chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tham gia diễn tập ứng phó thảm họa ở các
cấp; sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp.
- Xây dựng kế hoạch, phương án đáp ứng
y tế cho nhiệm vụ ứng phó thảm họa. Bảo đảm thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật
tư y tế đáp ứng các tình huống khẩn cấp về y tế. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị
thuộc quyền phối hợp với các lực lượng xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh
trong và sau thảm họa; phối hợp với Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương có
liên quan sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến, tiếp nhận vật tư y tế của các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi có yêu cầu.
3.5.11. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị
trực thuộc, các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông phối hợp với các Sở, ban,
ngành, địa phương có liên quan, các đơn vị Thông tin liên lạc của các đơn vị
Quân đội đóng quân trên địa bàn, Viettel Thái Nguyên, các đơn vị của Tập đoàn
Bưu chính Viễn thông Việt Nam trên địa bàn tỉnh tổ chức đảm bảo thông tin liên
lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn
theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; tham mưu UBND tỉnh và cơ quan cấp trên cấp
phép sử dụng tần số cho các phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi xảy
ra thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh theo quy định.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên
truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho nhân dân về phòng, ứng phó
thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh.
3.5.12. Sở Công Thương:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc
quyền phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương kiểm tra việc thực hiện các
quy định an toàn đối với các cơ sở, các công trình, các dự án... thuộc thẩm quyền,
để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố phát
sinh.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc
quyền phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự
cố, hậu quả môi trường và xử lý các vấn đề liên quan theo thẩm quyền. Phối hợp
với Sở, ban, ngành và địa phương có kế hoạch chuẩn bị và cung cấp kịp thời các
mặt hàng thiết yếu cho nhân dân vùng bị thiệt hại khi có yêu cầu.
- Tham gia nghiên cứu, ứng dụng, phối
hợp, chuyển giao công nghệ, đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị ứng phó
sự cố: Hầm lò khai thác khoáng sản, hồ chứa quặng đuôi, hệ thống điện, các kho
chứa hóa chất, kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp... trên
địa bàn tỉnh và triển khai các đơn vị thuộc quyền đầu tư mua sắm phương tiện,
trang thiết bị theo nhiệm vụ được giao.
- Phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện,
diễn tập, đào tạo lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả các
sự cố theo thẩm quyền.
3.5.13. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội:
Phối hợp, tham mưu thực hiện các
chính sách đối với người tham gia làm nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn khi bị ốm đau, tai nạn,
bị thương hoặc chết; đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị nạn
theo quy định của luật pháp.
3.5.14. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các
doanh nghiệp thuộc quyền phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương xây dựng
kế hoạch, phương án ứng phó trong các lễ, hội, tổ chức sự kiện, các khu du lịch,
các trung tâm văn hóa, thể thao... Lồng ghép vào các thiết
chế văn hóa, thể thao và du lịch hướng tới mục tiêu phát triển ngành an toàn và
bền vững.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp
với lực lượng của các Sở, ban, ngành và địa phương tổ chức sơ tán khách du lịch
tham gia lễ, hội, sự kiện và người lao động trong các khu du lịch, các trung
tâm văn hóa, thể thao, lễ, hội... có nguy cơ cao xảy ra sự cố đến nơi an toàn.
Khôi phục các cơ sở, các hoạt động du lịch, các thiết chế văn hóa và xử lý các
vấn đề phát sinh thuộc các lĩnh vực theo thẩm quyền.
3.5.15. Sở Ngoại vụ:
- Chủ trì liên hệ với các địa phương
để phối hợp hỗ trợ cho người, phương tiện của tỉnh gặp sự cố khi xảy ra thảm họa
động đất. Phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương liên quan làm các thủ tục
ngoại giao để hỗ trợ cho người và phương tiện nước ngoài gặp sự cố khi xảy ra
thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành và
địa phương có liên quan tăng cường hợp tác ứng phó thảm họa động đất. Phối hợp
trong việc tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tiếp đón, hướng dẫn,
điều phối lực lượng tìm kiếm, cứu nạn trong nước, nước ngoài vào thực hiện tìm
kiếm, cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
3.5.16. Các Sở, ban, ngành có liên
quan:
Theo thẩm quyền phối hợp Ban Chỉ huy
phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các Sở, ban, ngành và địa
phương tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ban hành các văn bản hướng dẫn
thực hiện, có kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả.
3.5.17. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố:
- Xây dựng, chỉ đạo xây dựng Kế hoạch
ứng phó thảm họa động đất ở các cấp trên địa bàn (tích hợp với Kế hoạch phòng
thủ dân sự) được Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt theo phân cấp; thường
xuyên kiểm tra, rà soát, điều chỉnh bổ sung kế hoạch phù hợp với thực tiễn; duy
trì chế độ canh, trực, thông báo, cảnh báo; tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn
tập nâng cao năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả động đất, thiên tai cho lực lượng
Dân quân Tự vệ, đội xung kích phòng, chống thiên tai và các lực lượng khác, bảo
đảm khả năng ứng phó tại chỗ và ban đầu kịp thời, hiệu quả.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho toàn dân, trách nhiệm của các cấp,
các ngành, của cả hệ thống chính trị trong ứng phó các sự cố, thiên tai, thảm họa.
- Gắn phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương với nâng cao khả năng thích ứng chống chịu của hạ tầng và khu dân cư
công cộng đủ khả năng phòng chống thảm họa và xây dựng địa điểm sơ tán nhân
dân, điểm an toàn, hệ thống y tế, mạng lưới giao thông, vận chuyển và thông tin
liên lạc trọng yếu các công trình lưỡng dụng ở địa phương có thể sử dụng khi xảy
ra thảm họa.
- Bố trí ngân sách đầu tư mua sắm
trang thiết bị, vật tư nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sàng ứng phó; đồng thời chỉ đạo
các cơ quan, đơn vị thuộc quyền vận động các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp...
trên địa bàn mua sắm trang thiết bị phù hợp theo quy định sẵn sàng ứng phó, khắc
phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo yêu cầu.
- Khi xảy ra thảm họa, huy động lực
lượng, phương tiện của các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp, nhân dân phối hợp
với lực lượng các cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an của Bộ, Quân khu đóng quân
trên địa bàn, lực lượng chi viện khác, tổ chức sơ tán nhân dân, tìm kiếm, cứu nạn,
khắc phục hậu quả; tổ chức bảo vệ an toàn khu vực sơ tán, giữ gìn an ninh chính
trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
- Triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm
về y tế, vật tư, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu sơ tán, các khu vực dân
cư bị nạn; có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông; điều tra, xác định thiệt hại,
xây dựng và triển khai kế hoạch khắc phục ô nhiễm, phục hồi do các sự cố môi
trường gây ra.
- Tổ chức khôi phục tái thiết các cơ
sở giáo dục, đào tạo, du lịch, các thiết chế văn hóa, các hoạt động sản xuất,
kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng bị nạn.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh,
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (qua Văn phòng Thường
trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh), Bộ Chỉ huy
quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các Sở, ban, ngành liên quan theo quy định.
4. Công tác đảm bảo
Bảo đảm trang thiết bị và ngân sách
cho hoạt động ứng phó thảm họa động đất từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách
địa phương, các nguồn hợp pháp khác.
5. Tổ chức thực
hiện
5.1. Lãnh đạo, chỉ đạo triển
khai thực hiện công tác ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh
- Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn các cấp chỉ huy công tác ứng phó thảm họa động đất trên địa
bàn cấp mình phụ trách.
- Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh là cơ quan
thường trực ứng phó thảm họa động đất cấp tỉnh.
- Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện là cơ
quan thường trực ứng phó thảm họa động đất cấp huyện.
5.2. Xây dựng và cập nhật Kế hoạch
ứng phó thảm họa động đất các cấp
- Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất
được tích hợp với Kế hoạch Phòng thủ dân sự của các Sở, ban, ngành và các cấp của
địa phương.
Hằng năm Ban Chỉ huy phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, gửi
báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ
huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
(cơ quan Thường trực Tìm kiếm cứu nạn - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn tỉnh)./.
Nơi nhận:
- VP BCĐ phòng thủ dân sự
quốc gia (b/c);
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (b/c);
- BCĐ quốc gia về phòng chống thiên tai (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CNN&XD, TH, NC.
|
CHỦ
TỊCH
Trịnh Việt Hùng
|