ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 108/KH-UBND
|
Yên Bái, ngày 26
tháng 4 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
ỨNG
PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU TỈNH YÊN BÁI
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đảm bảo sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả
khi có sự cố tràn dầu xảy ra. Nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động
phát sinh từ sự cố tràn dầu đến môi trường sinh thái, các ngành kinh tế và đời
sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Hoàn chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách,
lực lượng cho hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.
- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm
trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết, bảo đảm cho hoạt động ứng phó các sự
cố xảy ra.
- Phân định trách nhiệm, xây dựng lực lượng chuyên
trách làm nòng cốt trong hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh, cung cấp
thông tin cần thiết để các cá nhân, tổ chức và đơn vị liên quan có thông tin,
hướng dẫn đảm bảo công tác ứng phó nhanh chóng, an toàn và hiệu quả khi có sự cố
tràn dầu xảy ra.
- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn
diễn tập nâng cao năng lực cho các cấp và các lực lượng, sẵn sàng thực hiện ứng
phó sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.
- Thiết lập được quy trình phản ứng kịp thời, cơ chế
phối hợp kịp thời, hiệu quả khi có sự cố xảy ra.
2. Yêu cầu
- Xây dựng Kế hoạch theo khung hướng dẫn của Phụ lục
I Quyết định 12/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24 tháng 03 năm 2021
ban hành về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
- Bảo đảm sẵn sàng ứng phó hiệu quả tại các khu vực
dự kiến có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.
- Dự kiến được các tình huống tràn dầu xảy ra trên
đất liền, trên sông và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp với thực tế và đặc thù của
địa phương.
- Phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng của từng
cơ quan, đơn vị trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu.
- Bảo đảm thông tin liên lạc, trang thiết bị ứng
phó, công tác hậu cần, y tế... cho các lực lượng tham gia ứng phó.
- Tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ các quy
định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng lấy công tác phòng ngừa là
chính, ứng phó nhanh, kịp thời sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn tỉnh.
II. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH
1. Đặc điểm địa lý, địa hình, địa
chất, khí hậu, thủy văn
1.1. Đặc điểm địa lý, địa hình, địa chất
1.1.1. Địa lý
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Bộ có diện
tích tự nhiên là 688.745ha, có tọa độ địa lý: 21°41'35'' vĩ độ Bắc và
104°52'22'' kinh độ Đông; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 7 huyện, 1
thành phố, 1 thị xã); 173 đơn vị hành chính cấp xã (150 xã và 23 phường, thị trấn),
dân số 842.700 người (thống kê năm 2021), mật độ dân số 122 người/km2.
Vị trí địa lý của tỉnh:
- Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai và Lai Châu.
- Phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ.
- Phía Đông giáp tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.
- Phía Tây giáp tỉnh Sơn La.
1.1.2. Địa hình
Địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến
tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc-Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng
Liên Sơn-Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con
Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa
sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn:
vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56%
diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản,
khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có
độ cao dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm
32,44 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
1.1.3. Địa chất thủy văn
Qua khảo sát sơ bộ cho thấy trữ nước dưới đất ở địa
bàn Yên Bái khá phong phú, kết quả điều tra khảo sát ban đầu toàn tỉnh có trữ
lượng khai thác nước cấp công nghiệp từ 71.000 - 87.600 m3/ngày đêm.
Độ khoáng hóa của nước ở cả 3 mức độ siêu nhạt (0,1 g/Iít), nhạt (0,1 - 1g/lít)
và lợ( 1 - 3 g/l). Đây là nguồn nước có thể dùng bổ sung cho nơi thiếu các nguồn
nước mặt, tuy nhiên hiện còn gặp khó khăn về giải pháp và kinh phí đầu tư khi
khai thác nguồn nước này.
1.1.4. Điều kiện thổ nhưỡng
Nhóm đất phù sa: Chiếm 1,33% diện tích toàn tỉnh,
phân bố chủ yếu ở khu vực sông, ngòi, suối lớn. Loại đất này thích hợp cho sự
phát triển của các cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp hàng năm.
Nhóm đất Glây: Chiếm 0,61% diện tích toàn tỉnh,
phân bố trên các địa hình trũng thấp, thung lũng thích hợp với việc trồng lúa
nước.
Nhóm đất đen: Chiếm 0,13% diện tích toàn tỉnh, phân
bố trên các thung lũng và ven chân núi đá vôi, thích hợp với trồng các loại cây
màu và cây công nghiệp hàng năm.
Nhóm đất xám: Chiếm 82,37% diện tích toàn tỉnh,
phân bố ở độ cao dưới 1.800 m, tập trung nhiều nhất ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù
Cang Chải. Ở độ dốc dưới 25° rất thích hợp với trồng cây công nghiệp lâu năm và
cây ăn quả, nơi có độ dốc trên 25° thích hợp với việc trồng rừng nguyên liệu.
Nhóm đất mùn Alít: Chiếm 8% diện tích toàn tỉnh,
phân bố ở vùng cao trên 1.800 m thuộc các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn,
thích hợp cho việc trồng rừng.
Nhóm đất tầng mỏng: Chiếm 0,2% diện tích toàn tỉnh,
phân bố ở vùng đá lộ đầu thuộc các huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, chỉ thích
hợp với một số cây chống xói mòn như muồng, keo.
Các loại đất khác như sông, suối, núi đá chiếm
5,54% diện tích toàn tỉnh. Loại đất này ít khai thác vào phát triển kinh tế, chủ
yếu là phải bảo vệ để đảm bảo môi trường sinh thái.
1.2. Đặc điểm khí hậu
Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa,
hàng năm hình thành 2 mùa rõ rệt:
- Mùa mưa (Nóng ẩm) từ tháng 4 tới tháng 10: Nhiệt
độ trung bình: 25°C, tháng nóng nhất là tháng 7 có ngày nhiệt độ lên tới 37°C -
38°C. Lượng mưa mùa này chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm, số ngày mưa nhiều, cường
độ lớn, đặc biệt trong các tháng 6, 7, 8 thường có mưa lớn kèm theo gió xoáy,
mưa đá, gây lũ quét, ngập lụt ở các triền sông, suối, làm hư hỏng các công
trình thủy lợi, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống.
- Mùa khô (Lạnh) từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau:
Nhiệt độ trung bình: 18°C, tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ thấp nhất 1°C.
Lượng mưa mùa này quá ít không đủ cung cấp nước cho sản xuất, đời sống nên hay
xảy ra hạn hán, có năm vụ Đông Xuân có tới hàng nghìn ha bị thiếu nước. Bên cạnh
đó tình trạng sương muối, sương mù, ít ánh sáng mặt trời cũng gây ảnh hưởng lớn
đến thâm canh tăng năng suất của cây trồng, đặc biệt là ở 2 huyện vùng cao: Trạm
Tấu, Mù Cang Chải.
Lượng mưa ở Yên Bái tương đối lớn, bình quân nhiều
năm biến đổi từ 1.500 mm đến 2.200 mm, tùy theo từng vùng khác nhau. Những tâm
mưa có lượng mưa lớn hơn 2.000 mm nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh, vùng thượng lưu
sông Chảy và khu vực phía Đông Nam lưu vực sông Thao. Khu vực có lượng mưa nhỏ
là vùng nằm khuất gió như vùng trung lưu ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn với lượng
mưa hàng năm trung bình dưới 1.600 mm; khu vực dọc theo thung lũng dòng chính
sông Thao từ ngòi Hút trở lên cũng có lượng mưa hàng năm dưới 1.600 mm. Mưa
cũng phân bố theo mùa, mùa mưa trên các lưu vực sông của Yên Bái thường kéo dài
từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trong mùa mưa chiếm tới 80-85% lượng mưa của
cả năm. Đặc biệt 3 tháng có cường độ mưa cũng như lượng mưa lớn nhất là các
tháng 6,7,8 chiếm từ 45-55% lượng mưa cả năm. Trong mùa mưa lũ, với những trận
mưa kéo dài và cường độ mưa lớn kèm theo gió xoáy và đôi khi có cả mưa đá, gây
lũ lụt, úng ngập, nhiều khi gây lũ cuốn, lũ ống phá hại mùa màng, tính mạng,
tài sản của nhân dân ở các vùng ven sông suối. Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 3
năm sau), lượng mưa chỉ chiếm 15-20% lượng mưa cả năm. Các tháng 12,1,2 là những
tháng khô hạn nhất, các loại cây trồng thường thiếu nước trong thời gian này.
Độ ẩm: Yên Bái nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió
mùa nên độ ẩm bình quân toàn tỉnh tương đối cao, do điều kiện địa hình phức tạp,
đặc trưng khí hậu được chia làm nhiều vùng khác nhau vì vậy độ ẩm cũng có sự
khác nhau giữa các vùng. Qua số liệu thực đo ở một số trạm điển hình cho thấy độ
ẩm lớn nhất là 94% vào tháng 3 ở vùng Yên Bái, độ ẩm nhỏ nhất là 79% vào tháng
7 ở vùng Thác Bà, độ ẩm bình quân toàn tỉnh 86 - 88%.
Chế độ gió, bão: Vị trí địa lý và cấu trúc địa hình
của tỉnh có nhiều ảnh hưởng đến chế độ gió trong tỉnh Yên Bái. Về mùa đông gió
mùa Đông Bắc thổi theo hướng Đông Bắc xuống Tây Nam gặp các núi thuộc vòng cung
Lô - Gâm bị chuyển hướng về đồng bằng rồi thổi ngược trở lại Yên Bái theo các
thung lũng sông Thao và sông Chảy nên tốc độ gió bị giảm và bứt lạnh. Về mùa hè
gió Đông Nam nóng ẩm thổi theo hướng Đông Nam - Tây Bắc dọc theo các thung lũng
sông Thao và sông Chảy lên phía Bắc tỉnh gặp những dãy núi cao chắn lại gây mưa
lớn ở những vùng trước núi. Đối với vùng phía tây dãy Hoàng Liên Sơn có gió Tây
Nam (gió lào) khô và nóng thổi tới làm cho khí hậu vùng này có sự khác biệt với
vùng phía Đông. Điều đáng lưu ý là gió trong địa bàn tỉnh Yên Bái thịnh hành hướng
gió Đông nam - Tây Bắc với tốc độ trung bình là 3,6 m/s và lớn nhất là 6 m/s.
Những thung lũng thường hay xuất hiện gió xoáy là Văn Chấn và Lục Yên. Các cơn
bão từ Biển Đông rất ít ảnh hưởng tới Yên Bái.
1.3. Đặc điểm thủy văn
Hệ thống sông ở Yên Bái: Gồm 2 sông lớn
- Sông Thao là dòng chảy chính của sông Hồng, bắt
nguồn từ Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam/Trung Quốc vào Việt Nam chảy theo hướng Tây Bắc
- Đông Nam, sông Thao chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái với chiều dài 100 km, bắt
đầu từ Văn Yên đến Trấn Yên, diện tích lưu vực là 2.700 km2, có 48
ngòi và các phụ lưu trong đó có 4 phụ lưu lớn là: Ngòi Thia, ngòi hút, ngòi Lao
và ngòi Lâu. Sông Thao chảy qua Yên Bái đến ngã ba Bạch Hạc, Việt Trì, tỉnh Phú
Thọ thì hợp lưu với sông Lô.
- Sông Chảy bắt nguồn từ Tây Nam đỉnh Tây Côn Lĩnh,
tỉnh Hà Giang, cao 2.419 m, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, dài 95 km, bắt
đầu từ xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên đến xã Hán Đà, huyện Yên Bình rồi nhập vào
sông Lô. Các chi lưu chính nằm ở phía tả ngạn như: Ngòi Biệc, ngòi Đại Cại. Diện
tích lưu vực là 2.200 km2, uốn khúc quanh co, lòng sông hẹp, sâu, chảy
xiết Phụ lưu của sông Chảy có 32 con suối, vùng hạ lưu là hồ Thủy điện Thác Bà.
- Hệ thống ao, hồ lớn chủ yếu tập trung ở các huyện
Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên; các đầm lớn phân bố ở các xã Giới Phiên, Hợp Minh
(TP Yên Bái), Minh Quân (huyện Trấn Yên). Bên cạnh đó còn có các hồ nhân tạo
hình thành thủy điện Thác Bà do ngăn dòng sông Chảy lại, hồ có diện tích 23.400
ha, chiều dài 80 km, chỗ rộng nhất 15 km, độ sâu 15-34 m, tổng lượng nước trong
hồ lên tới 2,9 tỷ m3.
Ngoài ra, trên địa
bàn tỉnh còn có hàng trăm suối nhỏ khác hình thành tại đây một hệ sinh thái
lòng hồ vô cùng đa dạng; đặc điểm hệ thống sông và suối của tỉnh Yên Bái là chảy
quanh co, chia cắt theo địa hình, có chiều dài nhưng chiều rộng rất nhỏ, độ dốc
lớn, mùa khô thường ít nước, hoặc không có nước, do đó giao thông đường thủy
không phát triển. Nhưng khi mùa mưa đến nước dâng cao và nhanh, tạo thành các
dòng nước lớn, gây ra lũ lụt, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá, đây là những
nguyên nhân gây mất an toàn cho các kho, trạm và cửa hàng kinh doanh xăng dầu
trên địa bàn tỉnh, gây ra sự cố tràn dầu.
1.4. Hệ thống đường giao thông
- Yên Bái có mạng lưới giao thông đường bộ với tổng
chiều dài trên 8.914 km được hình thành và phân bổ tương đối hợp lý so với địa
hình, gồm có 01 tuyến đường cao tốc, 05 tuyến Quốc lộ, 11 tuyến đường tỉnh lộ
và các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, bản:
+ Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai kết nối
liên vùng đi qua 05 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào
Cai) với tổng chiều dài 264km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái có chiều
dài 80,5km.
+ Quốc lộ 37, dài 470 km là tuyến đường nối 8 tỉnh:
Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái,
Sơn La, đoạn qua tỉnh Yên Bái có chiều dài 94,1km.
+ Quốc lộ 70: Dài 185 km là tuyến đường giao thông
đường bộ cấp quốc gia nối các tỉnh Tây Bắc là: Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai; đoạn
qua tỉnh Yên Bái có chiều dài 85km.
+ Quốc lộ 32: Dài khoảng 384 km là tuyến đường nối
7 tỉnh: Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái và Lai Châu; đoạn qua tỉnh Yên Bái có chiều
dài 175km.
+ Quốc lộ 32 C: Dài 97 km, đi từ điểm giao với quốc
lộ 2, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái,
tỉnh Yên Bái; đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái chiều dài 17,5km.
+ Tuyến Quốc lộ 2D: Điểm đầu giao với QL.2, thành
phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; điểm cuối giao với QL.2, thuộc địa phận xã Đội Cấn,
thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái có chiều
dài 27,61km.
Ngoài ra còn có 11 tuyến đường tỉnh lộ với tổng chiều
dài 434,4km và trên 8.000 km đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, bản
tạo thành hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã.
- Yên Bái có 02 tuyến đường thủy: Tuyến sông Hồng
dài 115 km (trong đó có 10 km đoạn Văn Phú - Yên Bái do Trung ương quản lý, còn
lại 105 km chưa được khai thông luồng lạch và xây dựng bến cảng, kho, bãi); tuyến
hồ Thác Bà dài 83 km, hiện đã có hệ thống biển báo hiệu đường thủy trên một số
tuyến chính, các phương tiện đi lại dễ dàng, quanh năm và các bến tàu khách bảo
đảm vận chuyển hành khách đi lại và tham quan du lịch.
- Yên Bái có 01 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.
Đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái có chiều dài 88,2 km.
Trong những năm qua các tuyến đường trên địa bàn tỉnh
đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa và mở rộng. Nhưng do điều kiện địa
hình hiểm trở, độ dốc lớn, tầm nhìn bị hạn chế nên các phương tiện tham gia
giao thông trên các tuyến đường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho
người và phương tiện, đặc biệt phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu. Đây
cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.
2. Hoạt động tàng trữ, vận chuyển,
chế biến và kinh doanh xăng dầu
- Trên địa bàn tỉnh không có hoạt động khai thác dầu
khí, nhà máy, kho chứa xăng, dầu, đường ống dẫn dầu.
- Các hoạt động kinh doanh xăng dầu chủ yếu do các
phương tiện tham gia vận chuyển xăng dầu bằng đường bộ từ kho, cảng xăng dầu ở
các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang....
về cửa hàng để phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh và phục vụ dân sinh.
- Theo kết quả điều tra khảo sát đối với các cơ sở
kinh doanh xăng dầu, trên địa bàn tỉnh Yên Bái, hiện có 122 cửa hàng; 13 công
ty, đơn vị kinh doanh, vận chuyển xăng dầu; 02 kho xăng dầu (Bộ chỉ huy quân sự
tỉnh 01 kho với trữ lượng 50 m3; 01 kho thuộc Quân khu 2 với trữ lượng
975m3). Các cửa hàng, công ty, đơn vị kinh doanh, vận chuyển xăng, dầu
và các kho trạm xăng, dầu đều có nguy cơ gây sự cố tràn dầu (Chi tiết tại phụ lục
02, 03 kèm theo).
3. Thực trạng lực lượng, phương
tiện ứng phó tràn dầu
3.1. Lực lượng, phương tiện chuyên trách
Tỉnh Yên Bái không có lực lượng chuyên trách, để chủ
động trong công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả khi sự cố tràn dầu xảy ra. Ban Chỉ
huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động ký kết hợp đồng với
đơn vị có năng lực trong công tác ứng phó sự cố tràn dầu, như: Trung tâm Ứng
phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS), phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội;
các Đội Ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở hoạt động kinh doanh xăng dầu trên
địa bàn tỉnh như: Công ty xăng dầu Yên Bái, Công ty TNHH xăng dầu Đắc Thiên...
hoặc báo cáo Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn huy động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực
miền Bắc tham gia ứng phó theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn ban hành tại
Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để xử lý
tình huống vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh.
(Phụ lục 01 kèm
theo)
3.2. Lực lượng, phương tiện kiêm nhiệm
3.2.1. Lực lượng
- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Sở Y tế;
- Sở Giao thông vận tải;
- Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT);
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NN&PTNT);
- Sở Công Thương;
- Sở Thông tin và Truyền thông;
- Sở Tài chính;
- 09 Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm
cứu nạn của các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.
3.2.2. Phương tiện, trang thiết bị
- Khi sự cố tràn dầu xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh
huy động các trang, thiết bị, phương tiện, vật tư ứng phó sự cố của các đơn vị,
như: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy
Quân sự, Công an tỉnh....để tham gia ứng phó khi có sự cố tràn dầu.
- Ngoài ra Ủy ban nhân dân tỉnh còn có thể huy động
các trang, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu
của các đơn vị hợp đồng với tỉnh, lực lượng chuyên trách ở các tỉnh lân cận vả
các kho xăng dầu, cửa hàng xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
(Phụ lục 02, 03
kèm theo)
3.3. Lực lượng, phương tiện tăng cường, phối
hợp
3.3.1. Lực lượng, phương tiện phối hợp (trên huy động):
Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc.
(Phụ lục 04 kèm
theo)
3.3.2. Lực lượng, phương tiện tăng cường: Các cơ
quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh (Quân khu 2 là lực lượng nòng cốt).
(Phụ lục 05 kèm
theo)
* Kết luận: Trên cơ sở lực lượng, phương tiện, vật
tư tại chỗ của tỉnh; lực lượng, phương tiện hợp đồng của tỉnh; lực lượng,
phương tiện tăng cường, phối hợp của cấp trên. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái có
khả năng ứng phó và khắc phục sự cố tràn dầu có quy mô cấp trung bình.
4. Dự kiến các khu vực có nguy
cơ cao
4.1. Trên đất liền
- Cửa hàng xăng dầu Petrolimex Cửa hàng 12, Công ty
xăng dầu Yên Bái, xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, trữ lượng 100 m3.
- Cửa hàng xăng dầu Petrolimex Cửa hàng 32, Công ty
xăng dầu Yên Bái, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, trữ lượng 100 m3.
- Cửa hàng xăng dầu số 7, Trung tâm xăng dầu Chiến
Thắng, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, trữ lượng 200 m3.
- Cửa hàng xăng dầu Cương Anh, Chi nhánh Công ty
TNHH TMTH Cương Anh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, trữ lượng 100 m3.
- Cửa hàng xăng dầu số 52, Công ty xăng dầu Phú Thọ,
xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, trữ lượng 100 m3.
4.2. Trên sông
- Phương tiện hoạt động trên tuyến Hồng (sông Thao)
dài 115 km.
- Phương tiện hoạt động trên tuyến hồ Thác Bà dài
83 km.
III. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG PHƯƠNG
TIỆN ỨNG PHÓ
1. Tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng ngừa, ứng
phó kịp thời, hiệu quả.
2. Nguyên tắc ứng phó
- Tiếp nhận thông tin nhanh, đánh giá đúng tình
hình, kết luận cụ thể, rõ ràng, xác định phương án ứng phó kịp thời, vận dụng tốt
phương châm “4 tại chỗ”.
- Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường để điều hành
toàn bộ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả.
- Phối hợp, huy động mọi nguồn lực để ứng phó, khắc
phục hậu quả kịp thời (ưu tiên cứu người, ngăn chặn nguồn tràn dầu, hạn chế tối
đa ảnh hưởng đến môi trường).
- Đảm bảo an toàn cho người và trang bị, phương tiện
ứng phó, khắc phục hậu quả.
- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ
giữa các lực lượng tham gia ứng phó.
3. Biện pháp ứng phó
Khi nhận được thông tin về sự cố tràn dầu xảy ra
trên địa bàn tỉnh. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh huy động lực lượng, phương tiện
tại chỗ; lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu sự cố tràn dầu xảy ra với số lượng dầu
tràn ra lớn vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề
nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy
động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc
cùng tham gia ứng phó, theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, ban hành
tại Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ); các lực
lượng tham gia ứng phó được tổ chức thành các bộ phận sau:
3.1. Ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn, dập
cháy
Ngay sau khi nhận được thông báo về sự cố tràn dầu
xảy ra. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh lệnh
cho chủ cơ sở, sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ nhanh chóng ngăn chặn nguồn
dầu tràn (đóng van, khắc phục các vết dò, thủng của bể, téc, các phương tiện chứa
dầu) và dập cháy (nếu có).
3.2. Khoanh vùng khu vực dầu tràn
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn tỉnh chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh; lực lượng hợp đồng của
tỉnh sử dụng phương tiện (máy xúc, máy ủi...), vật tư kết hợp với nhân lực đắp
bờ đất, đào rãnh khoanh vùng, bể chứa... triển khai phao quây chặn dầu, tấm thấm
dầu... để ngăn chặn không cho dầu tràn ra môi trường; phối hợp với các cơ quan
chức năng thông báo, cảnh báo, sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
3.3. Thu hồi dầu tràn
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn tỉnh chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ, lực lượng hợp đồng của tỉnh, sử
dụng thiết bị bơm hút dầu, phao quây dầu, gối thấm dầu, tầm thấm dầu....để thu
hồi dầu. Căn cứ tình hình thực tế có thể sử dụng chất phân hủy sinh học để xử
lý lượng dầu tràn; thu gom rác nhiễm dầu đưa vào các vật chứa chuyên dụng, lưu
giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định (Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng
dẫn việc thu gom dầu ô nhiễm, rác nhiễm dầu và quy định nơi tập kết để xử lý
theo quy định).
3.4. Tổ chức khắc phục hậu quả và môi trường
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị
liên quan, chủ cơ sở và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, đánh giá mức độ
ảnh hưởng, xác định biện pháp và tổ chức khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo đảm
an toàn, sức khỏe, đời sống an sinh cho nhân dân, an toàn vệ sinh cho cộng đồng
và môi trường khu vực sự cố.
4. Tổ chức sử dụng lực lượng
4.1. Ứng phó trên đất liền
Khi nhận được thông tin về sự cố tràn dầu xảy ra
trên đất liền. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo
cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời huy động lực lượng, phương tiện tại
chỗ của tỉnh, gồm: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; các sở, ban ngành của
tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh cơ động đến hiện trường xảy ra sự cố để tham
gia ứng phó (nếu sự cố tràn dầu xảy ra với số lượng dầu tràn lớn vượt quá khả
năng ứng phó của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc
gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện
của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc cùng tham gia ứng phó), lực
lượng tham gia ứng phó được tổ chức thành các bộ phận sau:
- Bộ phận thông báo, báo động: Khi phát hiện
sự cố tràn dầu xảy ra, cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo lên cấp
trên của mình và các cơ quan chức năng của tỉnh. Các cơ quan tiếp nhận thông
tin về sự cố tràn dầu gồm:
+ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn tỉnh.
+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
+ Công an tỉnh.
+ Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Sở Công Thương.
+ Sở Giao thông vận tải.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
+ Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất.
+ Kênh thông tin Đài phát thanh và Truyền hình.
Trong đó Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên
tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh là cơ quan chủ trì về tiếp nhận thông tin, các cơ
quan tiếp nhận thông tin khác, khi nhận được thông tin về sự cố tràn dầu phải
báo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để
Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tham mưu cho lãnh
đạo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phương án tổ chức ứng phó có hiệu quả.
- Bộ phận chốt chặn, tuần tra bảo vệ hiện trường:
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo cơ sở gây
ra sự cố tràn dầu quyết liệt ngăn chặn dầu tràn, đồng thời chỉ đạo Bộ Chỉ huy
Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, tổ chức tuần tra, bảo vệ an ninh, an toàn tại hiện
trường xảy ra sự cố, không cho người dân và các phương tiện ra vào khu vực xảy
ra sự cố.
- Bộ phận tuyên truyền: Ban Chỉ huy Phòng,
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo cơ sở có sự cố tràn dầu phối hợp
với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và chính quyền địa phương nơi xảy ra
sự cố, tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố,
ổn định tinh thần, có trách nhiệm tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo
tuyệt đối an ninh, an toàn về người, phương tiện trong khu vực xảy ra sự cố.
- Bộ phận sơ tán phương tiện và nhân dân:
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy
Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính
quyền địa phương và nhân dân, nơi xảy ra sự cố nhanh chóng sơ tán nhân dân và
phương tiện ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.
- Lực lượng tăng cường: Khi sự cố tràn dầu xảy
ra với số lượng dầu tràn lớn, vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh báo cáo Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và
Tìm kiếm cứu nạn, đề nghị tăng cường lực lượng, phương tiện của trên, lực lượng,
phương tiện của các đơn vị quân đội và lực lượng, phương tiện của các tỉnh lân
cận cùng tham gia ứng phó.
- Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu
Nhận được thông tin về sự cố tràn dầu. Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, thông báo cho các đơn vị thuộc quyền, nhanh chóng đóng các công
trình thủy lợi của các khu vực bị ảnh hưởng, thông báo cho các hộ sản xuất nông
nghiệp và nuôi trồng thủy sản (trên sông, trong các ao, hồ) trong khu vực bị ảnh
hưởng, để có biện pháp ứng phó và khắc phục sự cố, hạn chế thấp nhất thiệt hại
về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn tỉnh chỉ đạo lực lượng phương tiện tại chỗ của tỉnh; lực lượng hợp đồng của
tỉnh sử dụng phương tiện (máy xúc, máy ủi....), vật tư kết hợp với nhân lực,
triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa... để ngăn chặn, khống chế, không để
dầu lan rộng ra môi trường; sử dụng phao quây chặn dầu, thiết bị bơm hút dầu, tấm
thấm dầu... để khoanh vùng nguồn dầu tràn, không để lan rộng ảnh hưởng đến môi
trường; sử dụng thiết bị bơm hút dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu..., để thu hồi
dầu hoặc chuyển hướng di chuyển của dầu về bể chứa, rãnh ngăn...
- Bộ phận thu gom rác thải nhiễm dầu: Ban Chỉ
huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo lực lượng, phương
tiện tại chỗ của tỉnh; lực lượng hợp đồng của tỉnh, phối hợp với chính quyền địa
phương nơi xảy ra sự cố, vận động học sinh, sinh viên tình nguyện và nhân dân
trong khu vực, cùng các phương tiện chuyên dụng, tiến hành thu gom dầu ô nhiễm,
rác thải nhiễm dầu, đưa về nơi tập kết để tiến hành xử lý theo quy định (Sở Tài
nguyên và Môi trường chủ trì, hướng dẫn việc thu gom dầu ô nhiễm, rác nhiễm dầu
và quy định nơi tập kết rác thải nhiễm dầu để xử lý theo quy định).
- Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động:
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Công
Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ cơ sở gây ra sự cố và
chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham
gia ứng phó và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố; các lực lượng tham gia ứng
phó sự cố tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của mình trong quá trình
ứng phó.
- Lực lượng khắc phục hậu quả: Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi
trường; các cơ quan chức năng, chủ cơ sở gây ra sự cố phối hợp với chính quyền
địa phương nơi xảy ra sự cố, tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý dầu ô nhiễm,
rác nhiễm dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị có năng lực về xử lý rác nhiễm dầu,
để xử lý theo quy định, bảo đảm sức khỏe, đời sống, an toàn vệ sinh cho cộng đồng
và môi trường.
- Công tác bảo đảm an ninh: Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì,
phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo
an ninh, an toàn và trật tự xã hội khu vực xảy ra sự cố.
- Công tác phòng cháy, chữa cháy: Ban Chỉ
huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ
trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan,
chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố thực hiện công tác phòng cháy, chữa
cháy, quản lý các nguồn nhiệt, nguồn lửa kể cả các nguồn nhiệt, nguồn lửa của
các thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó, hướng dẫn kỹ thuật cho lực lượng
phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy.
- Công tác y tế: Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh
viện trên địa bàn, lực lượng quân y của các đơn vị tham gia ứng phó, thiết lập
Bệnh viện dã chiến tại nơi xảy ra sự cố (nếu cần); cử cán bộ, y bác sỹ, nhân
viên cùng trang thiết bị, vật tư, cơ số thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho
nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu
quả.
- Vệ sinh khu vực xảy ra sự cố: Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi
trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, chủ cơ sở gây ra sự
cố và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, huy động lực lượng, phương tiện
của các tổ chức, cá nhân, học sinh, sinh viên tình nguyện, tổ chức vệ sinh và xử
lý ô nhiễm môi trường theo quy định, bảo đảm sức khỏe, an toàn vệ sinh cho người
dân và môi trường khu vực xảy ra sự cố.
4.2. Ứng phó trên sông
Khi phát hiện vệt dầu trôi dạt trên sông, hồ hoặc sự
cố đâm va tàu, thuyền, phương tiện tai nạn trên sông, hồ gây ra sự cố tràn dầu
thuộc địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các lực lượng, gồm:
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh để tham gia ứng
phó, đồng thời đề nghị Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm
kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu
khu vực miền Bắc cùng tham gia ứng phó, theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố
tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ
tướng Chính phủ; các lực lượng tham gia ứng phó tổ chức thành các bộ phận sau:
- Bộ phận thông báo, báo động: Khi phát hiện
có dấu hiệu của sự cố tràn dầu hoặc sự cố tràn dầu xảy ra, cơ sở có sự cố tràn
dầu có trách nhiệm báo cáo lên cấp trên của mình và các cơ quan chức năng của tỉnh.
Cơ quan tiếp nhận thông tin, gồm:
+ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và
Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
+ Công an tỉnh.
+ Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Sở Công Thương.
+ Sở Giao thông vận tải.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
+ Kênh thông tin Đài phát thanh và truyền hình.
+ Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất.
- Bộ phận chốt chặn, tuần tra bảo vệ hiện trường:
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo cơ sở gây
ra sự cố tràn dầu, quyết liệt ngăn chặn dầu tràn, đồng thời chỉ đạo lực lượng,
gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tỉnh tổ chức tuần tra, bảo vệ an
ninh, an toàn tại hiện trường xảy ra sự cố, không cho người dân, các phương tiện
ra vào khu vực sự cố và thiết lập hành lang bảo đảm an ninh, an toàn giao thông
đường thủy khu vực xảy ra sự cố.
- Bộ phận tuyên truyền: Ban Chỉ huy Phòng,
chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo cơ sở gây ra sự cố tràn dầu phối
hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, tổ chức tuyên truyền cho chủ tàu,
thuyền và người dân trong khu vực xảy ra sự cố, ổn định tinh thần, có trách nhiệm
tham gia ứng phó, khắc phục sự cố, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn về người,
phương tiện trong khu vực xảy ra sự cố.
- Bộ phận sơ tán tàu thuyền và người dân: Ban
Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo lực lượng, gồm:
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các tàu, thuyền hoạt động xung quanh khu
vực sự cố, nhanh chóng sơ tán tàu, thuyền và người dân ra khỏi khu vực xảy ra sự
cố.
- Bộ phận tăng cường: Khi sự cố tràn dầu xảy
ra với khối lượng dầu tràn ra lớn, vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh. Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai
và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị tăng cường lực lượng, phương tiện của trên; lực lượng,
phương tiện của các đơn vị quân đội và các tỉnh lân cận cùng tham gia ứng phó.
- Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu
Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành trưng dụng các
phương tiện, trang thiết bị của các lực lượng, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
Công an tỉnh; lực lượng hợp đồng của tỉnh; lực lượng, phương tiện của Trung tâm
Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc (do trên huy động); cơ động đến hiện
trường tham gia ứng phó (trong khoảng thời gian Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu
khu vực miền Bắc, các lực lượng hợp đồng của tỉnh cơ động đến hiện trường, khoảng
06 - 08 giờ). Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức
lực lượng, phương tiện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu
nạn tỉnh chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó nhanh chóng sử dụng phao quây
chặn dầu, thiết bị bơm hút dầu, gối hút dầu, tấm thấm dầu để ngăn chặn, khống
chế, khoanh vùng nguồn dầu tràn, thu hồi dầu tràn, không để lan rộng, ảnh hưởng
đến môi trường; đồng thời xác định và dự đoán hướng dầu tràn, có phương án di
chuyển vệt dầu tràn vào vùng có độ nhạy cảm thấp, hạn chế dầu vào khu vực cần
ưu tiên bảo vệ như vùng nuôi trồng thủy sản (trên sông hoặc trong các ao, hồ
lân cận), vùng sinh thái tự nhiên, rừng phòng hộ... để giảm thiệt hại về nông
nghiệp, hộ sinh thái và môi trường.
- Bộ phận thu gom rác thải nhiễm dầu: Ban Chỉ
huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sử dụng lực lượng, phương
tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh, phối hợp với Trung tâm Ứng
phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, kết hợp với các tàu thuyền hoạt động trong
khu vực, cùng các phương tiện chuyên dụng, tiến hành thu gom dầu ô nhiễm, rác
thải nhiễm dầu đưa về nơi tập kết để tiến hành xử lý (Sở Tài nguyên và Môi trường
tỉnh hướng dẫn việc thu gom dầu ô nhiễm, rác nhiễm dầu và quy định nơi tập kết
để xử lý theo quy định).
- Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động:
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Công
Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ cơ sở gây ra sự cố và chính
quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng
phó; các lực lượng tham gia ứng phó tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng
của mình.
- Lực lượng khắc phục hậu quả môi trường:
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Tài
nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ
cơ sở gây ra sự cố và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố, tổ chức khắc phục
hậu quả và xử lý dầu ô nhiễm, rác nhiễm dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị có
năng lực về xử lý rác nhiễm dầu, xử lý theo quy định, bảo đảm sức khỏe, đời sống
an toàn, vệ sinh cho cộng đồng và môi trường.
- Công tác bảo đảm an ninh: Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì,
phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các cơ quan, đơn vị
liên quan, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội và thiết lập hành lang bảo
đảm an toàn giao thông trên sông.
- Công tác phòng cháy chữa cháy: Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì,
phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan, thực hiện
công tác phòng cháy, chữa cháy, quản lý các nguồn nhiệt, nguồn lửa kể cả các
nguồn nhiệt, nguồn lửa của các thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó, hướng dẫn
kỹ thuật cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy,
chữa cháy.
- Công tác y tế: Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh
viện trên địa bàn của tỉnh, lực lượng y tế của các đơn vị tham gia ứng phó, cử
y, bác sỹ, nhân viên y tế cùng trang thiết bị, vật tư, cơ số thuốc để sơ, cấp cứu,
điều trị cho người dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường,
kịp thời, hiệu quả.
- Vệ sinh khu vực xảy ra sự cố: Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi
trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh, chủ cơ sở
gây ra sự cố, chính quyền địa phương và các tổ chức cá nhân, nhân dân trong khu
vực tổ chức vệ sinh và xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định tại Thông tư số
02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại.
IV. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG TRÀN DẦU,
BIỆN PHÁP XỬ LÝ
1. Trên đất liền
1.1. Tình huống: Do ảnh hưởng của cơn
bão số 3, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa lớn kéo dài gây ngập lụt và sạt lở đất
đá ở nhiều nơi. Tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 1 thuộc Công ty xăng dầu
Yên Bái, tổ 11, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Nhân viên cửa
hàng xăng dầu Petrolimex, phát hiện phía sau bể chứa xăng dầu số 2 và số 3 bị sạt
lở đất đá, làm vỡ ống dẫn dầu vào 2 bể chứa, làm tràn dầu ra ngoài, trữ lượng
khoảng 60 m3 dầu DO, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ xảy ra cháy
nổ, sự cố vượt quá khả năng ứng phó của Công ty. Lãnh đạo Công ty báo cáo Sở
Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức ứng phó sự cố.
1.2. Biện pháp xử lý
1.2.1. Tiếp nhận thông tin: Văn phòng Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin, lệnh
cho Công ty xăng dầu Yên Bái quyết liệt ứng phó, ngăn chặn dầu tràn, đồng thời
tổ chức lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp quan sát, cảnh
báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy ra sự cố. Đồng thời
báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
1.2.2. Vận hành cơ chế: Nhận được thông tin từ Văn
phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh tổ chức vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên
tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đồng thời thông báo cho các lực lượng của tỉnh (kể
cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) chuẩn bị lực lượng phương tiện sẵn sàng tham
gia ứng phó.
1.2.3. Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần
gồm:
- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo;
- Phó Chỉ huy trưởng: Do Chỉ huy trưởng chỉ định,
giúp chỉ huy trưởng chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng
phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.
- Các thành viên gồm: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền
thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái.
1.2.4. Tổ chức ứng phó sự cố: Chỉ huy trưởng Sở chỉ
huy tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng tổ chức đồng thời thực hiện công tác ứng
phó sự cố tràn dầu, cụ thể như sau:
- Bộ phận thông báo, báo động
Sau khi nhận được báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh thông báo cho lực lượng tại chỗ của tỉnh (kể cả lực lượng theo hợp đồng với
tỉnh), chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó.
Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo đến cơ quan chức
năng của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các cơ
quan chức năng các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan về tình hình sự cố để theo
dõi và chỉ đạo.
Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, tổ chức báo động đến toàn bộ đơn vị mình và cơ động lực lượng,
phương tiện đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó. Các lực lượng làm
công tác an ninh, triển khai các phương án khẩn cấp, để bảo vệ an ninh, an toàn
hiện trường sự cố.
- Bộ phận chốt chặn, tuần tra bảo vệ hiện trường:
Nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy
tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tại chỗ của Công ty xăng dầu Yên Bái phối hợp
với lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, tổ chức lực lượng tuần
tra, bảo vệ an ninh, an toàn tại hiện trường xảy ra sự cố không cho người và
phương tiện ra vào khu vực hiện trường.
- Bộ phận sơ tán đơn vị và nhân dân: Chỉ huy
trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tại chỗ, lực lượng Công ty
xăng dầu Yên Bái nhanh chóng sơ tán nhân dân, phương tiện, cơ sở vật chất ra khỏi
khu vực xảy ra sự cố.
- Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu
Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo cho các đơn vị thuộc quyền đóng
các công trình thủy lợi trong khu vực bị ảnh hưởng và thông báo cho các tổ chức,
các hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (trên sông, trong các ao, hồ)
trong khu vực bị ảnh hưởng để có phương án bảo vệ, ứng phó và khắc phục.
Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực
lượng, phương tiện tại chỗ của tỉnh, lực lượng hợp đồng của tỉnh (nếu sự cố
tràn dầu với lượng dầu tràn lớn vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh thì đề nghị
Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huy động
lực lượng, phương tiện của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc
cùng tham gia ứng phó, theo Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, ban hành
tại Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ), các lực
lượng tham gia ứng phó nhanh chóng triển khai các nội dung sau:
+ Ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn: Chỉ huy trưởng
Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng của Công ty xăng dầu Yên Bái nhanh
chóng đóng khóa van, khắc phục vị trí bục vỡ của ống dẫn dầu từ bể chứa dầu,
không cho hoặc hạn chế dầu tràn ra ngoài.
+ Khoanh vùng khu vực dầu tràn: Chỉ huy trưởng Sở
chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng phương tiện
(máy xúc, máy ủi...) kết hợp với nhân lực đào rãnh, đắp bờ.... để ngăn chặn, khống
chế, khoanh vùng nguồn dầu tràn hoặc di chuyển dầu vào rãnh ngăn, bể chứa,
không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường.
+ Thu hồi dầu tràn: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại
hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó sử dụng thiết bị bơm hút dầu, gối
thấm dầu, tấm thấm dầu để thu hồi dầu tràn hoặc chuyển hướng di chuyển của dầu
về bể chứa, rãnh ngăn.... không để lan rộng ảnh hưởng đến môi trường.
- Bộ phận thu gom rác thải nhiễm dầu: Chỉ
huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng tham gia ứng phó phối hợp
với Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái huy động học sinh, sinh viên tình nguyện
và nhân dân địa phương cùng các phương tiện chuyên dụng, tiến hành thu gom dầu
ô nhiễm, rác thải nhiễm dầu đưa về nơi tập kết để tiến hành xử lý theo quy định.
- Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động:
Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, Công ty xăng dầu Yên Bái và Ủy ban nhân
dân thành phố Yên Bái bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó; các lực
lượng tham gia ứng phó sự cố, tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của
mình trong quá trình ứng phó.
- Bộ phận khắc phục hậu quả môi trường: Chỉ
huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố
Yên Bái tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý dầu, rác nhiễm dầu thu gom được hoặc
thuê đơn vị chuyên môn xử lý theo quy định. Tổ chức làm sạch môi trường vệ sinh
sạch sẽ khu vực nhiễm dầu, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của nhân dân khu
vực xảy ra sự cố. Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả xử lý ô nhiễm để
làm căn cứ ra quyết định kết thúc việc xử lý sự cố.
- Bộ phận bảo đảm an ninh: Chỉ huy trưởng Sở
chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn
vị liên quan đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội và thành lập hành lang
an toàn giao thông.
- Bộ phận phòng cháy chữa cháy: Chỉ huy trưởng
Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan, đơn
vị liên quan thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý các nguồn nhiệt,
nguồn lửa kể cả các nguồn nhiệt, nguồn lửa của các thiết bị, phương tiện tham
gia ứng phó, hướng dẫn kỹ thuật cho đội phòng cháy chữa cháy của các cơ sở tham
gia phòng cháy chữa cháy.
- Bộ phận y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại
hiện trường chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn, lực
lượng y tế của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập Bệnh viện dã chiến tại
Trung tâm thành phố Yên Bái (nếu cần); cử cán bộ, y bác sỹ, nhân viên cùng trang,
thiết bị, vật chất, cơ số thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và
cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.
1.2.5. Tổng hợp báo cáo theo quy định.
2. Trên sông
2.1. Tình huống
Xe chở dầu của Công ty xăng dầu Yên Bái vận chuyển
dầu từ Hà Nội lên thành phố Yên Bái đến địa phận thành phố Yên Bái, tỉnh Yên
Bái va chạm với xe chở dầu của Công ty TNHHTM tổng hợp Cương Anh, hậu quả cả 02
xe bị rơi xuống sông Thao, làm dầu tràn ra sông Thao, trữ lượng dầu tràn khoảng
40 m3 dầu DO, gây ô nhiễm môi trường và có nguy cơ cháy nổ cao, sự cố
vượt quá khả năng ứng phó của Công ty. Lãnh đạo Công ty báo cáo Sở Công Thương
đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức ứng phó sự cố.
2.2. Biện pháp ứng phó
2.2.1. Tiếp nhận thông tin: Văn phòng Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin, lệnh
cho Công ty xăng dầu Yên Bái và Công ty TNHH TM tổng hợp Cương Anh quyết liệt ứng
phó, ngăn chặn dầu tràn, đồng thời thông báo với các tàu thuyền hoạt động xung
quanh khu vực đến hỗ trợ và tổ chức bảo vệ hiện trường, triển khai các biện
pháp quan sát, cảnh báo không cho người, phương tiện di chuyển vào khu vực xảy
ra sự cố. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh
báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2.2.2. Vận hành cơ chế: Nhận được thông tin từ Văn
phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh tổ chức vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; đồng thời thông báo cho Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh, Công an tỉnh cơ động lực lượng, phương tiện ra ứng cứu và thông báo cho
các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng phương tiện sẵn sàng tham gia ứng
phó khi có lệnh.
2.2.3. Thiết lập Sở chỉ huy tại hiện trường: Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành
phần gồm:
- Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.
- Phó Chỉ huy trưởng: Do Chỉ huy trưởng chỉ định;
giúp chỉ huy trưởng chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng
phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.
- Các thành viên gồm: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền
thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái.
2.2.4. Tổ chức ứng phó: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại
hiện trường chỉ đạo đồng thời các lực lượng tổ chức thực hiện công tác ứng phó
sự cố tràn dầu thành các bộ phận sau sau:
- Bộ phận thông báo, báo động
Sau khi nhận được báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh cơ động lực lượng, phương tiện
nhanh chóng ra hiện trường ứng cứu, đồng thời thông báo cho lực lượng tại chỗ của
tỉnh (kể cả lực lượng hợp đồng với tỉnh) cơ động lực lượng, phương tiện tới hiện
tham gia ứng phó.
Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo cho các cơ quan chức
năng của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các cơ
quan chức năng các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan về tình hình sự cố để theo
dõi và chỉ đạo.
Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, tổ chức báo động đến toàn bộ lực lượng đơn vị mình và cơ động
đến hiện trường xảy ra sự cố để tham gia ứng phó. Các lực lượng làm công tác an
ninh triển khai các phương án khẩn cấp để bảo vệ an ninh, an toàn hiện trường.
- Bộ phận chốt chặn, tuần tra bảo vệ hiện trường:
Nhận được chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy
tại hiện trường chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp với lực
lượng Công ty xăng dầu Yên Bái và Công ty TNHH TMTH Cương Anh tổ chức tuần tra,
bảo vệ an ninh, an toàn tại hiện trường không cho người, phương tiện đi vào khu
vực xảy ra sự cố tràn dầu.
- Bộ phận sơ tán tàu thuyền và người dân: Chỉ
huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an
tỉnh, Công ty xăng dầu Yên Bái và Công ty TNHH TMTH Cương Anh phối hợp với các
tàu, thuyền hoạt động xung quanh nhanh chóng sơ tán người dân và phương tiện ra
khỏi khu vực xảy ra sự cố.
- Bộ phận ứng phó sự cố tràn dầu
Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo cho các đơn vị thuộc quyền đóng
các công trình thủy lợi, các khu vực bị ảnh hưởng và thông báo cho các tổ chức,
hộ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (tại các sông, trong các ao, hồ)
trong khu vực bị ảnh hưởng có biện pháp phòng ngừa, khắc phục.
Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực
lượng, phương tiện tham gia ứng phó của tỉnh phối hợp với Trung tâm Ứng phó sự
cố tràn dầu khu vực miền Bắc (nếu cần trên huy động), trong thời gian Trung tâm
Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc cơ động đến hiện trường (khoảng 6-8 giờ).
Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường tổ chức lực lượng ứng phó theo phương
châm “4 tại chỗ”; các lực lượng, nhanh chóng triển khai các nội dung sau.
+ Ngăn chặn nguồn phát ra dầu tràn: Chỉ huy trưởng
Sở chỉ huy tại hiện trường lệnh cho lực lượng tại chỗ nhanh chóng đóng khóa
van, nắp téc bồn chứa xăng dầu, khắc phục các vết rò, thủng của bồn chứa nhiên
liệu không cho hoặc hạn chế dầu tràn ra ngoài.
+ Khoanh vùng khu vực dầu tràn: Chỉ huy trưởng Sở
chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sử dụng
phao quây chặn dầu, tấm thấm dầu, gối thấm dầu... để ngăn chặn, khống chế,
khoanh vùng nguồn dầu tràn hoặc chuyển hướng di chuyển của vệt dầu... hạn chế tối
đa việc lan rộng ảnh hưởng đến môi trường.
+ Thu hồi dầu tràn: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại
hiện trường chỉ đạo lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sử dụng thiết bị
bơm hút dầu, gối thấm dầu, tấm thấm dầu... để thu hồi dầu tràn hoặc chuyển hướng
di chuyển của vệt dầu... hạn chế tối đa việc lan rộng ảnh hưởng đến môi trường.
- Bộ phận thu gom rác thải nhiễm dầu: Chỉ
huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với lực lượng tham gia ứng phó, lực lượng của Công ty xăng dầu
Yên Bái, Công ty TNHH TMTH Cương Anh và Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái cùng
các phương tiện chuyên dụng tiến hành thu gom rác thải nhiễm dầu đưa về nơi tập
kết để xử lý theo quy định.
- Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động:
Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với cơ quan, đơn vị liên quan, Công ty xăng dầu Yên Bái, Công ty TNHH TMTH
Cương Anh và Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái bảo đảm hậu cần cho các lực lượng
tham gia ứng phó; các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tự bảo đảm phương tiện
cơ động cho lực lượng của mình.
- Bộ phận khắc phục hậu quả môi trường: Chỉ
huy trưởng Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái, Công ty xăng dầu Yên Bái
và Công ty TNHH TMTH Cương Anh tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý dầu, rác nhiễm
dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị chuyên môn xử lý theo quy định. Xử lý triệt để
dầu nhiễm vào bờ, ngấm vào đất. Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá kết quả xử
lý ô nhiễm để làm căn cứ ra quyết định kết thúc việc xử lý sự cố.
- Bộ phận bảo đảm an ninh: Chỉ huy trưởng Sở
chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy
Quân sự tỉnh, Sở Giao thông vận tải, các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo an
ninh, an toàn và trật tự xã hội khu vực xảy ra sự cố và thiết lập hành lang bảo
đảm an toàn giao thông trên sông.
- Bộ phận phòng cháy chữa cháy: Chỉ huy trưởng
Sở chỉ huy tại hiện trường chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ
huy Quân sự tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện công tác phòng cháy,
chữa cháy, quản lý các nguồn nhiệt, nguồn lửa kể cả các nguồn nhiệt, nguồn lửa
của các thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó, hướng dẫn kỹ thuật cho đội
phòng cháy chữa cháy của các cơ sở tham gia phòng cháy, chữa cháy.
- Bộ phận y tế: Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy tại
hiện trường chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn, lực
lượng y tế các đơn vị tham gia ứng phó, cử cán bộ, y bác sỹ, nhân viên cùng
trang thiết bị, vật chất, cơ số thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho người
dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.
2.3. Triển khai các hoạt động thu gom ven
sông
- Tổ chức lực lượng tại địa phương (Bộ Chỉ huy Quân
sự tỉnh, huyện, lực lượng dân quân tự vệ, người dân...), lực lượng Công ty xăng
dầu Yên Bái và Công ty TNHH TMTH Cương Anh tổ chức thành các đội, nhóm nhỏ, sử
dụng những dụng cụ thô sơ (cuốc, xẻng, xô...) thu gom dầu trên bờ, không cho
lan rộng; Dùng các vật liệu có khả năng thấm hút như: Tấm thấm hút dầu, xơ dừa,
rơm rạ thấm hút tại các bẫy dầu..., thu gom bằng phương pháp cuốn chiếu từ
ngoài mép nước vào trong bờ, tập kết lên những vị trí có địa hình cao, sau đó
gom lại chứa vào các thiết bị, vật dụng chứa chất thải nguy hại để đem đi xử lý
theo quy định.
- Tổ chức phun rửa các bờ kè, đường bờ bị dầu bám
dính.
- Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giao
thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Yên Bái huy động phương tiện vận chuyển
dầu ô nhiễm thu gom được về các vị trí tập kết dầu gần nhất và tiến hành xử lý
dầu, rác nhiễm dầu thu gom được hoặc thuê đơn vị chuyên môn xử lý theo quy định
tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất
thải nguy hại.
2.4. Tổng hợp báo cáo theo quy định.
V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN
VỊ
1. Nhiệm vụ chung
1.1. Xây dựng kế hoạch ứng phó thảm họa tràn dầu của
đơn vị mình. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn
tập nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu.
1.2. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong phòng ngừa,
ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu.
1.3. Duy trì nghiêm chế độ ứng trực 24/24, kịp thời
ứng phó các tình huống sự cố tràn dầu xảy ra.
1.4. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia theo
Kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố tràn.
2. Nhiệm vụ cụ thể
2.1. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn tỉnh
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn tỉnh là đơn vị chủ trì chỉ đạo ứng phó sự cố tràn dầu theo kế hoạch khẩn cấp
ứng phó của tỉnh để huy động lực lượng, phương tiện của địa phương và của các bộ,
ngành đóng quân trên địa bàn tỉnh tham gia ứng phó.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ sở, dự
án xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt
theo quy định.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch
ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở và dự án trên địa bàn quản lý.
- Hàng năm, tổ chức tập huấn, huấn luyện về phòng
ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu tại tỉnh và tổ chức diễn tập ứng
phó sự cố tràn dầu; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo
vệ môi trường, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó sự cố tại địa phương.
- Hàng năm sơ, tổng kết đánh giá công tác ứng phó sự
cố tràn dầu, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Chấp hành nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ;
chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, nhân dân, các tổ chức, cá nhân phối hợp
triển khai thực hiện công tác ứng phó sự cố tràn dầu đạt kết quả.
- Tổ chức Sở Chỉ huy hiện trường với thành phần gồm:
Thành viên Ban chỉ huy cấp tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đóng trên
địa bàn. Chỉ huy trực tiếp công tác ứng phó và tham gia đề xuất các biện pháp ứng
phó sự cố tràn dầu.
- Chỉ đạo chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị gây ra sự cố
tràn dầu liên hệ với các sở, ban, ngành và các đơn vị có năng lực ứng phó sự cố
tràn dầu nhanh chóng triển khai lực lượng và phương tiện, trang bị, dùng mọi biện
pháp ngăn chặn và thu dầu không cho tràn dầu ra ngoài môi trường, đồng thời triển
khai xây dựng phương án ứng phó sự cố tràn dầu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt và triển khai thực hiện.
- Huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị
chuyên nghiệp, nhân dân phối hợp với các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn ở
khu vực xảy ra sự cố đồng thời tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
- Triển khai lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Công an tỉnh và các đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức chốt chặn bảo vệ hiện trường
không cho người và phương tiện vào khu vực xảy ra sự cố, phối hợp với các lực
lượng triển khai các biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu, phòng chống cháy nổ, bảo
vệ an toàn khu vực sơ tán, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
trên địa bàn; điều tiết giao thông thông suốt không để bị ùn tắc; chỉ đạo các
đơn vị phối hợp với cảnh sát giao thông đường thủy phân luồng hàng hải bảo đảm
an toàn.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng bảo đảm thông tin liên
lạc cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tham gia ứng phó sự cố để phục vụ lãnh đạo
và chỉ đạo kịp thời.
- Tổ chức và triển khai tổ y tế cơ động đến hiện
trường để sơ cấp cứu cho những người bị nạn và chuyển những bệnh nhân nặng lên
tuyến trên.
- Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu xét
nghiệm đánh giá ô nhiễm đất và nguồn nước, không khí xung quanh khu vực xảy ra
sự cố; khuyến cáo người dân ở xung quanh có các biện pháp ứng phó kịp thời bảo
đảm sức khỏe của người dân, tài sản và lực lượng tham gia ứng phó sự cố có hiệu
quả; triển khai thu gom rác thải nhiễm dầu vào khu vực tập kết và xử lý theo
quy định hiện hành.
- Phối hợp Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực
Miền Bắc, Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tham gia ứng phó sự cố
tràn dầu trên đất liền, trên sông, trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo cơ sở, chủ tàu phối hợp với các lực lượng
trục vớt tàu, di chuyển hàng hóa, giải phóng giao thông, luồng lạch cho các
phương tiện qua lại bảo đảm an toàn; bảo đảm kinh phí chi trả, bồi thường thiệt
hại do ô nhiễm tràn dầu gây ra theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng điều
tra, đánh giá xác định thiệt hại và lập hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại
về môi trường; phối hợp với Sở Công Thương để truy tìm, xác minh nguyên nhân
tràn dầu không rõ nguồn gốc, tổ chức ứng phó kịp thời giảm thiểu thiệt hại về
môi trường.
- Tổng hợp kết quả ứng phó sự cố báo cáo về Ủy ban
Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các bộ, cơ quan ngang
bộ theo chức năng.
2.2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái là cơ quan thường
trực ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh.
- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, nâng cao
trình độ tổ chức, chỉ huy điều hành của chỉ huy các cấp và hành động phối hợp,
hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố tràn dầu
gây ra.
- Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ
chức tập huấn cho các lực lượng tuần tra, xung kích, ứng cứu khi có sự cố tràn
dầu xảy ra.
- Tham mưu điều động lực lượng tham gia ứng phó, khắc
phục hậu quả.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan
thành lập Sở Chỉ huy hiện trường để Ban chỉ huy cấp tỉnh chỉ đạo, điều hành trực
tiếp công tác ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh.
- Phối hợp hiệp đồng với các đơn vị của Bộ, Quân
khu đứng chân trên địa bàn và triển khai lực lượng, phương tiện tham gia công
tác cứu nạn, cứu hộ và ứng phó khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên đất liền.
- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các thành phố, huyện,
thị xã triển khai lực lượng Dân quân phối hợp với Công an tỉnh chốt chặn bảo vệ
hiện trường, bảo đảm an ninh trật tự.
2.3. Công an tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương,
đơn vị có liên quan triển khai lực lượng, phương tiện kịp thời dập tắt đám cháy
hoặc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
- Tổ chức lực lượng ngăn chặn bảo vệ hiện trường
không cho người và các phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực sự cố; phối hợp
địa phương tổ chức di tản người và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền nắm chắc tình
hình, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, hướng dẫn phân luồng giao thông
đường bộ, đường thủy nội địa tại khu vực xảy ra sự cố tràn dầu, cháy nổ.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm
rõ nguyên nhân tràn dầu và cháy nổ; xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy
định của pháp luật.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi
trường yêu cầu bắt buộc hoặc cưỡng chế (nếu cần thiết) bên gây ra sự cố tràn dầu
hoàn thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2.4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các thành phố, huyện, thị xã
trên địa bàn tỉnh Yên Bái và cơ sở, dự án, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên
quan rà soát, đôn đốc các cơ sở hoạt động, kinh doanh xăng dầu, cơ sở có nguy
cơ gây ra sự cố tràn dầu trên địa bàn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu
của cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc
triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, các quy định liên quan về
công các phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở, dự án trên địa bàn.
- Tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo cho lực lượng
chuyên trách, bán chuyên trách, kiêm nhiệm ở cấp tỉnh, cấp huyện và các cơ sở
tham gia công tác ứng phó, khắc phục giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu và triển
khai lực lượng, phương tiện tham gia diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu; tuyên
truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố
tràn dầu để chủ động phòng tránh, ứng phó.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan tham mưu, hướng dẫn các hoạt động bảo vệ môi trường trong khắc phục và làm
sạch đường bờ, quản lý chất thải sau thu gom; điều tra, đánh giá thiệt hại về
môi trường và xây dựng các chương trình phục hồi môi trường sau tràn dầu. Phối
hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh yêu cầu bắt buộc hoặc cưỡng chế (nếu cần thiết)
bên gây ra sự cố tràn dầu bồi hoàn thành trách nhiệm thường thiệt hại.
- Tổ chức đánh giá ô nhiễm đất và nguồn nước, không
khí xung quanh khu vực xảy ra sự cố; khuyến cáo người dân ở xung quanh có các
biện pháp ứng phó kịp thời bảo đảm sức khỏe của người dân, tải sản và lực lượng
tham gia ứng phó sự cố có hiệu quả; triển khai thu gom rác thải nhiễm dầu vào
khu vực tập kết và xử lý theo quy định hiện hành.
- Hướng dẫn các cơ quan, địa phương, đơn vị sử dụng
danh mục chất phân tán được phép sử dụng để ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định.
2.5. Sở Công Thương
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham
mưu Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức thực hiện
Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu.
- Phụ trách công tác điều động vật tư, nhiên liệu,
hàng hóa, nhu yếu phẩm để ứng cứu cho địa phương nơi xảy ra sự cố tràn dầu.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tại tỉnh chỉ đạo
các đơn vị hoạt động kinh doanh, vận chuyển, chuyển tải, lưu chứa và sử dụng
xăng dầu thuộc quyền có biện pháp ứng phó sự cố tràn dầu và bảo vệ môi trường.
- Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền huy động lực lượng,
phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu khi có tình huống xảy ra.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc
thực hiện các quy định đối với cơ sở, dự án để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả
năng xảy ra sự cố tràn dầu.
2.6. Sở Giao thông vận tải
- Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tham
mưu phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong quá trình huy động
tàu, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu trong khu vực.
- Phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng chuyên nghiệp,
các tàu vận chuyển dầu... tham gia bơm hút, quây chặn thu gom dầu và khắc phục
môi trường.
- Phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan
tổ chức phân luồng giao thông, chống va trôi, va đập của các phương tiện khi
lưu thông qua khu vực xảy ra sự cố nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình cứu hộ,
cứu nạn.
- Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam điều
tiết giao thông đường thủy qua khu vực xảy ra sự cố. Thiết lập các biển cảnh
báo, thông báo hàng hải không cho các đối tượng khác xâm nhập vào khu vực sự cố.
Khẩn trương điều động tàu, phương tiện do đơn vị mình quản lý tham gia cứu hộ,
cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan
giám sát hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu trên sông, hồ.
2.7. Sở Tài chính
- Đảm bảo kinh phí, ngân sách cho mua sắm vật tư,
trang thiết bị phục vụ hoạt động ứng phó (thực hiện tạm ứng các khoản chi phục
vụ cho công tác ứng phó được thực hiện nhanh chóng và đúng quy định) phòng
ngừa và khắc phục hậu quả tràn dầu.
- Tham gia quản lý tài chính trong quá trình mua sắm
vật tư, thiết bị ứng cứu; quyết toán các khoản chi phí và nguồn lực tiêu hao
cho hoạt động ứng phó, phòng ngừa và khắc phục hậu quả tràn dầu từ nguồn ngân
sách nhà nước.
- Phối hợp giải quyết các vấn đề tài chính liên
quan đến quá trình ứng cứu sự cố và công tác bồi thường thiệt hại. Phối hợp với
Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ pháp lý, yêu cầu bắt buộc
hoặc cưỡng chế (nếu cần thiết) bên gây ra sự cố tràn dầu hoàn thành trách nhiệm
thường bồi thiệt hại.
2.8. Sở Y tế
- Chỉ đạo các cơ sở y tế tham gia cấp cứu, vận chuyển,
điều trị người bị nạn.
- Cử cán bộ chuyên môn túc trực tại hiện trường xảy
ra sự cố tràn dầu để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng tham gia ứng phó và các nạn
nhân sự cố (nếu có).
- Tư vấn cho các cơ quan, đơn vị liên quan về những
ảnh hưởng của dầu đối với sức khỏe con người, các phương án đảm bảo sức khỏe
cho lực lượng tham gia ứng cứu.
2.9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách
nhiệm cho người dân trong công tác phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu.
- Truyền đạt kịp thời mọi Mệnh lệnh, Công điện của Ủy
ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
đảm bảo đầy đủ, chính xác để các sở, ngành, địa phương và người dân biết để
phòng ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan để lập hệ thống
vô tuyến dự phòng đảm bảo thông tin liên lạc khi cần thiết ở những vùng thường
hay mất liên lạc (vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt...).
- Chuẩn bị phương án thông tin liên lạc lưu động để
phục vụ cho Ban chỉ huy cấp tỉnh và các cấp chỉ huy, chỉ đạo ứng phó sự cố tràn
dầu.
- Chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình và cơ
quan thông tấn báo chí liên tục thông báo, cập nhật tình hình khi có sự cố xảy
ra.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo
thông tin, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình ứng phó, khắc phục
sự cố.
2.10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Rà soát, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở thực hiện
các quy định về ứng phó sự cố tràn dầu như: xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố
tràn dầu; đảm bảo nguồn lực về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư phục
vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu tại cơ sở... Chỉ đạo, kiểm tra tình hình triển
khai thực hiện kế hoạch.
- Phối hợp chính quyền, địa phương thông báo cho
người dân di dời lồng bè và tránh đánh bắt tại các khu vực có vệt dầu loang để
không ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản.
- Tư vấn cho các đơn vị liên quan về các khu vực có
hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và khu vực nhạy cảm cần được bảo vệ.
- Hỗ trợ các cơ quan liên quan thực hiện công tác
giám sát môi trường và đánh giá thiệt hại (khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy hải
sản ...) sau sự cố.
2.11. Các sở, ngành liên quan khác
- Phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị triển
khai lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố tràn dầu ngay sau khi nhận
được thông báo bằng công văn hoặc điện thoại trực tiếp của Ban Chỉ huy cấp tỉnh.
- Thực hiện và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác
do Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy cấp tỉnh giao.
2.12. Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ
biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường, chủ
động phòng tránh và kịp thời ứng phó tại địa phương.
- Tổ chức xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu
cho địa phương theo hướng dẫn tại Phụ lục II, Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg. Triển
khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp huyện đã được phê duyệt.
- Chủ động rà soát, đôn đốc các cơ sở hoạt động,
kinh doanh xăng dầu, cơ sở có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu trên địa bàn xây dựng
Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ
chức thẩm định, phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở kinh
doanh xăng, dầu chỉ có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền,
trên sông, (dưới 20 tấn) trên địa bàn huyện; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực
hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở tại địa phương.
- Đối với các sự cố tràn dầu xảy ra trên đất liền
trên địa bàn huyện, khi sự cố vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở, sự cố không
rõ nguyên nhân hoặc chưa xác định được đối tượng gây ra sự cố, Ủy ban nhân dân
tỉnh ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có sự cố xảy ra chủ trì, chủ động
huy động nguồn lực trên địa bàn ứng phó sự cố với sự hỗ trợ chuyên môn từ các
cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, cảnh sát PCCC, Bộ CHQS tỉnh,
Công an tỉnh.... Lúc này, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm cụ thể như
sau:
+ Chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện tại địa
phương từ các đơn vị trực thuộc như Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, Cảnh
sát PCCC cấp huyện...; các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn; các cơ sở có
khả năng tham gia ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn huyện; các đơn vị chuyên
nghiệp tham gia ứng phó. Đồng thời, Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm
đảm bảo chi trả các chi phí liên quan phục vụ quá trình ứng phó sự cố cho các
đơn vị được huy động bằng chi phí từ ngân sách cấp huyện hoặc chi phí bồi thường
thiệt hại từ bên gây ra sự cố theo quy định, trong vòng 45 ngày kể từ ngày đơn
vị được huy động kết thúc các hoạt động ứng phó và hoàn thiện hồ sơ thanh toán.
+ Chủ trì đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh
hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra tràn dầu tại địa phương bồi thường thiệt
hại.
+ Trường hợp nhận thấy, sự cố tràn dầu xảy ra vượt
quá khả năng ứng phó của địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra sự
cố kịp thời báo cáo để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, huy động các
cơ quan liên quan tổ chức ứng phó.
- Đối với các sự cố tràn dầu xảy ra trên sông, suối,
hồ chứa: Khi sự cố tràn dầu xảy ra chưa rõ nguyên nhân, chưa xác định được đối
tượng gây ra sự cố hoặc vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở thì Ủy ban nhân dân
tỉnh trực tiếp chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó. Lúc này, Ủy ban
nhân dân cấp huyện phối hợp, tham gia ứng phó, giám sát việc ứng phó theo chỉ đạo
của cơ quan có thẩm quyền.
2.13. Các cơ sở, dự án có hoạt động xăng dầu
- Các cơ sở, dự án có hoạt động xăng dầu (Phụ lục
số 06 kèm theo), có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu bao gồm: (1) Các kho, cửa
hàng kinh doanh xăng dầu (bao gồm cả phương tiện vận chuyển dầu và cửa hàng
kinh doanh xăng dầu trên cạn), khu chuyển tải xăng dầu; (2) Các doanh nghiệp/tổ
chức có liên quan đến xăng dầu khác như chủ sở hữu/quản lý: cảng thủy nội địa,
bến thủy nội địa, cảng chuyên dụng, cảng tổng hợp; khu chuyển tải hàng hóa trên
mặt nước, khu neo đậu tàu thuyền; sân bay, nhà máy thủy điện, xi măng, sản xuất
thuốc nổ, dệt may, giầy da, sản xuất lốp xe; cơ sở sản xuất/sửa chữa/lưu chứa/vận
hành máy biến áp, thiết bị điện; các dự án nạo vét, xây dựng công trình thủy,
đê, xây dựng công trình có sử dụng thiết bị thi công hạng nặng; doanh nghiệp,
cơ sở, tổ chức khác có lưu chứa, sử dụng xăng dầu... phải xây dựng, trình cấp
có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức
triển khai thực hiện hiệu quả sau khi được phê duyệt.
- Sẵn sàng tham gia vào hoạt động chung ứng phó sự
cố tràn dầu theo sự điều động, chỉ huy thống nhất của cơ quan có thẩm quyền.
- Hàng năm phải xây dựng Kế hoạch, tổ chức tập huấn
hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ
năng ứng phó. Định kỳ tối thiểu 06 (sáu) tháng một lần phải triển khai thực
hành huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu tại hiện trường.
- Có phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư để từng
bước nâng cao năng lực tự ứng phó của cơ sở theo quy định; trong trường hợp cơ
sở chưa đủ khả năng tự ứng phó phải ký kết thỏa thuận, hợp đồng sẵn sàng ứng
phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị có trang thiết bị, nhân lực ứng phó
để triển khai xử lý khi có tình huống.
- Chủ động triển khai các hoạt động ứng phó, huy động
nguồn lực ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố tràn dầu.
- Thông báo, báo cáo đến Văn phòng thường trực Ban
Chỉ huy cấp tỉnh, các cơ quan chức năng có liên quan biết để giám sát hoặc phối
hợp thực hiện.
- Hiệp đồng với các đơn vị có năng lực ứng phó sự cố
tràn dầu phối hợp xử lý kịp thời bảo đảm an toàn.
- Bảo đảm kinh phí chi trả cho lực lượng tham gia ứng
phó sự cố tràn dầu, đồng thời bồi thường thiệt hại về môi trường, tài sản của
Nhà nước và nhân dân do cơ sở, dự án, chủ tàu gây ra theo quy định của pháp luật.
VI. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM
1. Bảo đảm thông tin liên lạc
- Bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy, chỉ đạo:
Sử dụng hệ thống thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, mạng thông tin vệ
tinh VSAT truyền hình trực tiếp và mạng thông tin di động, thành lập Trung tâm
thông tin ngay tại hiện trường để tiếp nhận và xử lý thông tin.
- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó,
khắc phục hậu quả:
+ Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị
liên quan sử dụng hệ thống thông tin hiện hành, kết hợp với các phương tiện
thông tin đại chúng như: Truyền thanh, truyền tin, hệ thống thông báo, báo động
để nắm và truyền tin kịp thời đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng
phó sự cố. Công bố số điện thoại liên lạc của cơ quan thường trực, đơn vị trực
để tất cả các cơ sở, phương tiện vận tải được biết.
+ Trang bị máy bộ đàm cho đơn vị ứng phó sự cố tại
hiện trường và người chỉ huy hiện trường để đảm bảo thông tin liên lạc.
2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố tràn dầu
Sử dụng trang thiết bị chuyên dụng, trang thiết bị
hiện có của các cơ quan, đơn vị tham gia ứng phó và đầu tư mua sắm trang thiết
bị để bảo đảm cho dự phòng.
Khi sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh đề nghị
Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tăng cường nguồn lực,
cấp bổ sung trang thiết bị để tham gia ứng phó có hiệu quả.
3. Bộ phận bảo đảm hậu cần, phương tiện cơ động
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và
chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham
gia ứng phó và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố; các lực lượng tham gia ứng
phó sự cố tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của mình.
4. Bảo đảm y tế
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh,
lực lượng y tế của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập Bệnh viện dã chiến (nếu
cần); cử cán bộ, y bác sỹ, nhân viên cùng trang thiết bị, cơ số thuốc để sơ, cấp
cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện
trường, kịp thời, hiệu quả.
5. Bảo đảm an ninh - trật tự an toàn xã hội
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải và cơ quan, đơn
vị liên quan đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội và bảo đảm an toàn giao
thông cho các phương tiện tham gia giao thông trong khu vực xảy ra sự cố.
6. Bảo đảm tài chính
- Chủ cơ sở hoặc chủ tàu gây sự cố tràn dầu phải chịu
trách nhiệm bồi thường, chi phí ứng phó và các thiệt hại về kinh tế, tổn thất về
môi trường. Bên chịu trách nhiệm bồi thường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có
thẩm quyền và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố để giải quyết việc chi
phí, bồi thường thiệt hại cho con người và môi trường do sự cố tràn dầu gây ra.
- Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm thanh toán
toàn bộ chi phí tham gia ứng phó sự cố tràn dầu cho các tổ chức, cá nhân được
huy động, đồng thời yêu cầu bên chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường lại
các chi phí đã thanh toán.
- Trường hợp chưa xác định được đối tượng gây ra sự
cố tràn dầu thì ngân sách thanh toán cho các hoạt động ứng phó được thực hiện theo
quy định tại Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/03/2021 của Thủ tướng Chính
phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.
VII. TỔ CHỨC CHỈ HUY
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định thành lập
Sở Chỉ huy, gồm:
1. Sở Chỉ huy thường xuyên
- Trụ sở: Tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh do Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
- Thành phần
+ Trưởng ban: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp
chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
+ Phó Trưởng ban: do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
quy định.
+ Các thành viên: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Y
tế, Sở Tài chính, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh.
- Nhiệm vụ
+ Chỉ huy, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả
lãnh đạo trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng
phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về kết quả công tác ứng phó, khắc phục
hậu quả sự cố tràn dầu.
+ Đánh giá, nhận định tình hình, khả năng diễn biến
sự cố xảy ra, đề ra phương án, biện pháp ứng phó, điều động bổ sung nguồn lực nếu
cần thiết. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên
tai và Tìm kiếm cứu nạn cơ quan chức năng của các Bộ, ngành để theo dõi, tổng hợp.
+ Theo dõi, tổ chức việc ứng phó, khắc phục sự cố
theo phương án đã được xác định.
+ Bổ sung lực lượng, phương tiện cho lực lượng tham
gia ứng phó.
2. Sở Chỉ huy tại hiện trường
- Trụ sở: Tại khu vực xảy ra sự cố, do Phó Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng
phó.
- Thành phần
+ Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.
+ Phó Chỉ huy hiện trường: Do Chỉ huy trưởng chỉ định;
giúp chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện
tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.
+ Các thành viên: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh,
Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Y
tế, Sở Tài chính; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh.
- Nhiệm vụ
+ Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan, các tổ chức, cá nhân huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật
tư nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.
+ Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng, phương tiện tham
gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu có hiệu quả, bảo đảm an toàn cho
người và phương tiện tham gia ứng phó.
+ Chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với
chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô
nhiễm môi trường sau sự cố theo quy định.
+ Thường xuyên báo cáo kết quả ứng phó, khắc phục hậu
quả sự cố hoặc sự cố phát sinh về Sở chỉ huy thường xuyên.
Trên đây là Kế hoạch Ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh
Yên Bái, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị
liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở hoạt động
liên quan đến xăng dầu tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- UBQG Ứng phó SC, TT&TKCN;
- Trung tâm ƯPSCTD khu vực miền Bắc;
- TT. Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, Phó CVP (NLN) UBND tỉnh;
- Báo Yên Bái; Đài PTTH tỉnh.
- Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh;
- Các đơn vị, cơ sở KD xăng, dầu trong tỉnh;
- Lưu: VT, NLN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Phước
|
PHỤ LỤC 01
DANH SÁCH LIÊN LẠC
(Các đơn vị có
thể tham gia ứng phó sự cố tràn dầu tại Yên Bái)
TT
|
Tên cơ quan
|
Địa chỉ
|
Số điện thoại
|
1
|
Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái
|
Tổ 01, phường Đồng Tâm, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái
|
02163852708
|
2
|
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn
|
Số 6, đường Sân Gôn, tổ 15, phường Phúc Đồng, quận
Long Biên, Tp. Hà Nội
|
02437333664
|
3
|
Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc
- Trạm ứng trực tại Hải Phòng
|
Đường đi Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An,
Tp. Hải Phòng
|
02253614178
|
4
|
Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam
|
P203 tòa nhà A5, làng Quốc tế Thăng Long, đường
Trần Đăng Ninh, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội
|
02473000239
Hotline 18006558
|
5
|
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái
|
Phường Nguyễn Thái Học, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái
|
02613867858
|
6
|
Công an tỉnh Yên Bái
|
Đường Điện Biên, phường Yên Ninh, Tp. Yên Bái
|
0692506112
|
7
|
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Yên Bái
|
165, Lý Thường Kiệt, phường Yên Ninh, Tp. Yên Bái
|
02163817146
|
8
|
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái
|
Đường Nguyễn Văn Cừ, phường Đồng Tâm, Tp. Yên
Bái, tỉnh Yên Bái
|
0888734898
|
PHỤ LỤC 02
THỰC TRẠNG TRANG THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN
STT
|
Tên Phương tiện
|
Đơn vị tính
|
Thực trạng
|
Tổng số
|
Tốt
|
Trung bình
|
Xấu
|
I
|
Phương tiện do công an tỉnh quản lý
|
|
|
|
|
1
|
Xe chữa cháy
|
Chiếc
|
12
|
2
|
10
|
|
2
|
Xe cứu nạn, cứu hộ
|
Chiếc
|
1
|
|
1
|
|
3
|
Xe thang
|
Chiếc
|
1
|
|
|
|
4
|
Vòi chữa cháy Φ51
|
Cuộn
|
141
|
100
|
17
|
24
|
5
|
Vòi chữa cháy Φ66
|
Cuộn
|
135
|
92
|
18
|
25
|
6
|
Vòi chữa cháy Φ77
|
Cuộn
|
85
|
68
|
17
|
|
7
|
Lăng A
|
Cái
|
27
|
22
|
5
|
|
8
|
Lăng B
|
Cái
|
60
|
52
|
6
|
2
|
9
|
Lăng giá di động
|
Cái
|
1
|
1
|
|
|
10
|
Chất tạo bọt chữa cháy
|
Lít
|
1800
|
1400
|
400
|
|
11
|
Mặt nạ phòng độc cách ly
|
Cái
|
26
|
20
|
2
|
4
|
12
|
Thiết bị phá dỡ thủy lực, búa, rìu...
|
Bộ
|
9
|
6
|
3
|
|
13
|
Quạt thổi khói
|
Chiếc
|
1
|
1
|
|
|
14
|
Máy nén khí sạch
|
Chiếc
|
3
|
2
|
|
1
|
15
|
Quần áo chữa cháy
|
Bộ
|
91
|
41
|
42
|
8
|
16
|
Ủng chữa cháy
|
Đôi
|
78
|
25
|
38
|
15
|
17
|
Găng tay chữa cháy
|
Đôi
|
18
|
18
|
|
|
18
|
Mũ chữa cháy
|
Chiếc
|
110
|
10
|
42
|
58
|
19
|
Quần áo amiăng cách nhiệt
|
Bộ
|
24
|
24
|
|
|
II
|
Phương tiện do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh quản lý
|
|
|
|
|
1
|
Xe vận tải
|
Chiếc
|
6
|
6
|
|
|
2
|
Xe 29 chỗ
|
Chiếc
|
2
|
2
|
|
|
3
|
Xe cứu thương
|
Chiếc
|
1
|
1
|
|
|
4
|
Xuồng các loại
|
Chiếc
|
23
|
23
|
|
|
5
|
Thuyền các loại
|
Chiếc
|
2
|
2
|
|
|
6
|
Bộ vượt sông nhẹ
|
Bộ
|
1
|
1
|
|
|
7
|
Quần áo phòng da, phòng độc
|
Bộ
|
160
|
160
|
|
|
8
|
Bình cứu hỏa
|
Chiếc
|
88
|
88
|
|
|
PHỤ LỤC 03
PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ DỰ KIẾN HUY ĐỘNG
Số
|
Đơn vị
|
Xe
|
Tàu, xuồng các loại (chiếc)
|
Trang bị khác (chiếc)
|
Ô tô các loại
|
Xe cứu thương
|
Máy xúc, ủi
|
VSN-1500
|
Xuồng E15 AMH- 15 CV
|
ST-750
|
ST-660
|
ST-450
|
Thuyền máy
|
Thuyền tôn
|
Bè phao cứu sinh
|
Loại khác
|
Nhà bạt các loại
|
Máy phát điện
|
Máy bơm các loại
|
Máy bộ đàm
|
Cưa máy các loại
|
Phao tròn cứu sinh
|
Áo phao
|
Đèn chiếu sáng HT88
|
Loa cầm tay
|
Cuốc, xẻng, xà beng
|
Ky, cảng, bao tải
|
Dụng cụ đo mưa
|
Trạm đo mưa tự động
|
Bản đồ theo dõi áp thấp
|
Hệ thống máy Ecom
|
|
Tổng cộng
|
1.204
|
21
|
275
|
1
|
3
|
1
|
8
|
18
|
134
|
161
|
15
|
270
|
296
|
145
|
81
|
13
|
374
|
4.315
|
3.010
|
84
|
471
|
15.434
|
47.056
|
87
|
22
|
12
|
|
1
|
Bộ chỉ huy quân sự
tỉnh
|
6
|
1
|
|
1
|
|
1
|
4
|
11
|
2
|
|
5
|
23
|
67
|
3
|
5
|
1
|
|
489
|
289
|
|
|
46
|
|
|
|
1
|
|
2
|
TP Yên Bái
|
4
|
3
|
|
|
|
|
|
4
|
6
|
12
|
|
12
|
11
|
17
|
2
|
|
3
|
1350
|
877
|
|
30
|
700
|
426
|
3
|
1
|
1
|
|
3
|
Trấn Yên
|
160
|
3
|
52
|
|
|
|
|
|
16
|
73
|
|
144
|
61
|
90
|
52
|
5
|
267
|
764
|
527
|
1
|
170
|
2.050
|
13.000
|
12
|
3
|
7
|
|
4
|
Trạm Tấu
|
42
|
2
|
28
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
60
|
|
|
|
|
|
90
|
|
14
|
1.050
|
1.500
|
13
|
5
|
|
|
5
|
Văn Yên
|
70
|
3
|
30
|
|
3
|
|
|
|
15
|
|
10
|
91
|
26
|
25
|
|
|
30
|
219
|
325
|
|
75
|
520
|
|
4
|
|
|
|
6
|
Lục Yên
|
224
|
2
|
35
|
|
|
|
|
3
|
44
|
77
|
|
|
21
|
1
|
10
|
4
|
1
|
88
|
112
|
82
|
2
|
4.000
|
4.000
|
0
|
2
|
|
|
7
|
Yên Bình
|
390
|
1
|
51
|
|
|
|
4
|
|
51
|
|
|
|
6
|
1
|
2
|
1
|
73
|
995
|
470
|
1
|
27
|
530
|
12.350
|
|
3
|
1
|
|
8
|
Mù Cang Chải
|
62
|
2
|
38
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4
|
|
|
1
|
|
30
|
|
|
100
|
2.240
|
|
24
|
3
|
|
|
9
|
Văn Chấn
|
232
|
1
|
31
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
18
|
1
|
3
|
1
|
|
190
|
180
|
|
25
|
2.300
|
12.500
|
21
|
3
|
2
|
10
|
10
|
TX Nghĩa Lộ
|
14
|
3
|
10
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
22
|
7
|
7
|
|
|
190
|
140
|
|
28
|
2.000
|
3.280
|
10
|
2
|
|
|
PHỤ LỤC 04
LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN TRUNG TÂM ỨNG PHÓ TRÀN DẦU KHU VỰC
MIỀN BẮC
TT
|
TRANG THIẾT BỊ
|
ĐVT
|
SỐ LƯỢNG
|
Tổng cộng
|
Cơ sở Hải Phòng
|
Cơ sở Nghệ An
|
I
|
Quân số
|
Người
|
87
|
77
|
10
|
II
|
Trang thiết bị
|
|
|
|
|
1
|
Tàu đa năng ứng phó SCTD
|
Chiếc
|
1
|
1
|
|
2
|
Ca nô
|
Chiếc
|
6
|
5
|
1
|
3
|
Tàu ƯPSCTD trên sông
|
Chiếc
|
1
|
1
|
|
4
|
Tàu hỗ trợ ứng phó
|
Chiếc
|
3
|
3
|
|
5
|
Phao quây dầu trên biển
|
m
|
2.500
|
2.000
|
500
|
6
|
Phao quây dầu trên sông
|
m
|
1.000
|
800
|
200
|
7
|
Phao quây dầu chịu lửa
|
m
|
150
|
150
|
|
8
|
Phao thấm dầu
|
m
|
1.000
|
|
|
9
|
Tấm thấm dầu
|
Kiện
|
920
|
620
|
300
|
10
|
Máy hút dầu Skimer CS nhỏ
|
Bộ
|
3
|
3
|
|
11
|
Máy hút dầu Skimer CS lớn
|
Bộ
|
2
|
2
|
|
12
|
Máy bơm chìm
|
Bộ
|
4
|
4
|
|
13
|
Máy phân ly dầu nước
|
Chiếc
|
2
|
2
|
|
14
|
Bồn chứa dầu tạm thời
|
Chiếc
|
5
|
5
|
|
15
|
Hệ thống làm sạch dầu bằng thủy lực
|
Bộ
|
4
|
4
|
|
16
|
Hệ thống phun chất phân tán
|
Bộ
|
1
|
1
|
|
17
|
Chất phân tán
|
Lít
|
4.000
|
4.000
|
|
18
|
Chất hấp thụ dầu
|
Kg
|
4.500
|
4.500
|
|
19
|
Chất phân hủy sinh học dầu
|
Kg
|
5.900
|
5.900
|
|
19
|
Máy nén khí
|
Chiếc
|
1
|
1
|
|
20
|
Xe cẩu
|
Chiếc
|
2
|
1
|
1
|
21
|
Xe nâng
|
Chiếc
|
2
|
2
|
|
22
|
Xe tải
|
Chiếc
|
2
|
1
|
1
|
23
|
Lò đốt rác thải
|
Chiếc
|
1
|
1
|
|
PHỤ LỤC 05
LỰC LƯỢNG DỰ KIẾN HUY ĐỘNG
STT
|
Lực lượng
|
Huyện
|
Xã, phường, thị
trấn
|
Tổng cộng
|
|
TỔNG CÁC LỰC LƯỢNG
|
5.120
|
44.106
|
49.226
|
I
|
THÀNH PHỐ YÊN
BÁI
|
560
|
2.187
|
2.747
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
409
|
465
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
235
|
38
|
273
|
5
|
Cơ động
|
150
|
|
150
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
819
|
819
|
7
|
Phụ nữ
|
|
25
|
25
|
8
|
Đoàn thành niên
|
|
186
|
186
|
9
|
Y tế
|
|
57
|
57
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
|
20
|
20
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
|
32
|
32
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
|
325
|
325
|
13
|
Các trường học
|
|
276
|
276
|
II
|
HUYỆN TRẤN YÊN
|
429
|
2.945
|
3.374
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
592
|
648
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
158
|
190
|
348
|
5
|
Cơ động
|
30
|
|
30
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
1.806
|
1.806
|
7
|
Phụ nữ
|
2
|
42
|
44
|
8
|
Đoàn thành niên
|
2
|
210
|
212
|
9
|
Y tế
|
5
|
42
|
47
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
|
21
|
21
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
2
|
42
|
44
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
5
|
|
5
|
13
|
Các trường học
|
50
|
|
50
|
III
|
HUYỆN TRẠM TẤU
|
636
|
4.289
|
4.925
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
171
|
227
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
95
|
57
|
152
|
5
|
Cơ động
|
5
|
372
|
377
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
884
|
884
|
7
|
Phụ nữ
|
2
|
200
|
202
|
8
|
Đoàn thành niên
|
100
|
1.404
|
1.504
|
9
|
Y tế
|
5
|
36
|
41
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
1
|
12
|
13
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
3
|
793
|
796
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
150
|
|
150
|
13
|
Các trường học
|
100
|
300
|
400
|
14
|
Lực lượng khác (nếu có)
|
|
60
|
60
|
IV
|
HUYỆN MÙ CANG
CHẢI
|
297
|
4.386
|
4.683
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
294
|
350
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
112
|
98
|
210
|
5
|
Cơ động
|
|
|
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
786
|
786
|
7
|
Phụ nữ
|
|
224
|
224
|
8
|
Đoàn thành niên
|
|
956
|
956
|
9
|
Y tế
|
6
|
56
|
62
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
1
|
14
|
15
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
3
|
28
|
31
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
|
30
|
30
|
13
|
Các trường học
|
|
|
|
14
|
Lực lượng khác (nếu có)
|
|
1.900
|
1.900
|
V
|
THỊ XÃ NGHĨA LỘ
|
301
|
12.879
|
13.180
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
415
|
471
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
126
|
87
|
213
|
5
|
Cơ động
|
|
|
0
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
1.322
|
1.322
|
7
|
Phụ nữ
|
|
6.640
|
6.640
|
8
|
Đoàn thành niên
|
|
1.499
|
1.499
|
9
|
Y tế
|
|
285
|
285
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
|
2.041
|
2.041
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
|
|
0
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
|
80
|
80
|
13
|
Các trường học
|
|
|
0
|
14
|
Lực lượng khác (nếu có)
|
|
510
|
510
|
VI
|
HUYỆN YÊN BÌNH
|
780
|
4.470
|
5.250
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
559
|
615
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
175
|
176
|
351
|
5
|
Cơ động
|
62
|
|
62
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
2.019
|
2.019
|
7
|
Phụ nữ
|
2
|
48
|
50
|
8
|
Đoàn thành niên
|
2
|
48
|
50
|
9
|
Y tế
|
10
|
48
|
58
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
1
|
24
|
25
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
3
|
48
|
51
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
|
|
0
|
13
|
Các trường học
|
|
1.500
|
1.500
|
14
|
Lực lượng khác (nếu có)
|
350
|
|
350
|
VII
|
HUYỆN LỤC YÊN
|
721
|
5.305
|
6.026
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
585
|
641
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
169
|
195
|
364
|
5
|
Cơ động
|
|
|
0
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
2.710
|
2.710
|
7
|
Phụ nữ
|
3
|
278
|
281
|
8
|
Đoàn thành niên
|
3
|
285
|
288
|
9
|
Y tế
|
15
|
80
|
95
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
1
|
24
|
25
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
5
|
48
|
53
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
250
|
600
|
850
|
13
|
Các trường học
|
100
|
500
|
600
|
VIII
|
HUYỆN VĂN YÊN
|
394
|
4.077
|
4.471
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
516
|
572
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
178
|
172
|
350
|
5
|
Cơ động
|
|
|
0
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
2.150
|
2.150
|
7
|
Phụ nữ
|
2
|
250
|
252
|
8
|
Đoàn thành niên
|
2
|
250
|
252
|
9
|
Y tế
|
15
|
100
|
115
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
1
|
25
|
26
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
3
|
50
|
53
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
18
|
500
|
518
|
13
|
Các trường học
|
|
64
|
64
|
IX
|
HUYỆN VĂN CHẤN
|
1.002
|
3.568
|
4.570
|
1
|
Quân đội
|
9
|
|
9
|
2
|
Dân quân tự vệ
|
56
|
667
|
723
|
3
|
Dự bị động viên
|
110
|
|
110
|
4
|
Công an
|
170
|
211
|
381
|
5
|
Cơ động
|
|
|
0
|
6
|
Đội xung kích PCTT
|
|
1.729
|
1.729
|
7
|
Phụ nữ
|
|
|
0
|
8
|
Đoàn thành niên
|
100
|
200
|
300
|
9
|
Y tế
|
5
|
80
|
85
|
10
|
Hội chữ thập đỏ
|
2
|
31
|
33
|
11
|
Mặt trận tổ quốc
|
|
|
0
|
12
|
Các doanh nghiệp trên địa bàn
|
150
|
|
150
|
13
|
Các trường học
|
|
|
0
|
14
|
Lực lượng khác (nếu có)
|
400
|
650
|
1.050
|
PHỤ LỤC 06
DANH SÁCH CÁC CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN
BÁI
STT
|
Tên doanh nghiệp
|
Địa chỉ
|
Số bể
|
Dung tích (m3)
|
Tổng số dung
tích (m3)
|
Diện tích CH (m2)
|
Cấp cửa hàng
|
I
|
TP Yên Bái: 22
CH
|
|
|
|
|
|
|
1
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 04 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ dân phố Hồng Tiến, phường Hồng Hà
|
3 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
540,2
|
Cấp III
|
2
|
CHXD Thủy Bộ - Công ty Cổ phần Vận tải Thủy Bộ
Yên Bái
|
Tổ 7, đại lộ Nguyễn Thái Học
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể; 10m3/01 bể x 01 bể
|
85
|
7.593,7
|
Cấp III
|
3
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 03 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 5, phường Nguyễn Thái Học
|
3 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
487,2
|
Cấp III
|
4
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 02 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 4, phường Yên Ninh
|
3 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
1.353,5
|
Cấp III
|
5
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 19 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 8, phường Yên Ninh
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
480,7
|
Cấp III
|
6
|
CHXD Hải Bình Phát - Công ty TNHH Thương mại Hải
Bình Phát
|
Tổ 14, phường Yên Ninh
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
668,6
|
Cấp III
|
7
|
CHXD số 1 - Công ty TNHH MTV XD Chiến Thắng
|
Tổ 7, phường Minh Tân
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 01 bể; 15m3/01 bể x 02 bể
|
55
|
280
|
Cấp III
|
8
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 01 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 11, phường Đồng Tâm
|
05 bể
|
25m3/01
bể x 05 bể
|
125
|
1.095,3
|
Cấp III
|
9
|
CHXD số 3 - Công ty TNHH MTV XD Chiến Thắng Yên
Bái
|
Thôn Đông Thịnh, xã Giới Phiên
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 10m3/01 bể x 02 bể
|
70
|
413
|
Cấp III
|
10
|
CHXD Thái Bình Dương - Công ty TNHH Thái Bình
Dương
|
Thôn 5 xã Giới Phiên
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
431
|
Cấp III
|
11
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 28 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 1, phường Hợp Minh
|
3 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
409,5
|
Cấp III
|
12
|
CHXD Hợp Minh - CN Công ty cổ phần xăng dầu dầu
khí Hà Nội tại Yên Bái
|
Thôn 9, phường Hợp Minh
|
03 bể
|
10m3/01
bể x 03 bể
|
30
|
400,8
|
Cấp III
|
13
|
CHXD Hồng Yên - DNTN Hồng Yên
|
Thôn Nước Mát, xã Âu lâu
|
04 bể
|
10m3/01
bể x 04 bể
|
40
|
400
|
Cấp III
|
14
|
CHXD số 4 Âu Lâu - Công ty TNHH Tự Đức
|
Thôn Nước Mát, xã Âu Lâu
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
1000
|
Cấp III
|
15
|
CHXD Yên Bái - Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại
Hiền Nga
|
Thôn 1, Lương Thịnh, xã Tân Thịnh
|
04 bể
|
25 m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 02 bể
|
80
|
1.350
|
Cấp III
|
16
|
CHXD số 8-Công ty TNHH Hải Linh Yên Bái
|
Tổ 34, phường Yên Thịnh
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
300
|
Cấp III
|
17
|
CHXD Ngọc Khánh QĐ - Công ty TNHH xăng dầu Ngọc
Khánh QĐ
|
Thôn Bình Lục, xã Văn Tiến
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
1020
|
Cấp III
|
18
|
CHXD số 7 - Công ty TNHH thương mại xăng dầu
Thiên Lộc
|
Thôn 5, xã Văn Phú
|
03 bể
|
23,3m3/01
bể x 03 bể
|
70
|
1760
|
Cấp III
|
06 bể
|
23,3m3/01
bể x 06 bể (HD kho XD Chiến Thắng)
|
140
|
Cấp II
|
19
|
CHXD số 6 - Công ty TNHH MTV XD Chiến Thắng Yên
Bái
|
Thôn Tuy Lộc, xã Văn Phú
|
05 bể
|
30m3/1
bể x 02 bể; 25m3/01 bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
125
|
2563
|
Cấp II
|
20
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 33 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 2, phường Yên Ninh
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
100
|
1,456
|
Cấp III
|
21
|
CHXD Thiên Lộc - Công ty TNHHTM Thiên Lộc
|
Thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc
|
02 bể
|
30m3/01
bể x 02 bể
|
60
|
522,5
|
Cấp III
|
22
|
CHXD 1194 Yên Ninh - Chi nhánh cửa hàng xăng dầu
số 3 Cát Thịnh - Công ty TNHH Tự Đức
|
Tổ 13, phường Yên Ninh
|
03 bể
|
20m3/01
bể x 03 bể
|
60
|
949,8
|
Cấp III
|
II
|
Huyện Trấn Yên:
15 CH
|
|
|
|
|
|
|
23
|
CHXD số 2 - Công ty TNHH MTV XD Chiến Thắng Yên
Bái
|
Thôn Ninh Phúc, Xã Nga Quán
|
03 bể
|
10m3/01
bể x 03 bể
|
30
|
460
|
Cấp III
|
24
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 07 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 8, thị trấn Cổ Phúc
|
3 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
461,0
|
Cấp III
|
25
|
CHXD Sơn Tươi - DNTN Sơn Tươi
|
Thôn phố Hóp, xã Báo Đáp
|
03 bể
|
10m3/01
bể x 03 bể
|
30
|
230
|
Cấp III
|
26
|
CHXD Báo Đáp - HTX dịch vụ tổng hợp xã Báo Đáp
|
Thôn 3, xã Báo Đáp
|
02 bể
|
15m3/01
bể x 02 bể
|
30
|
1.500
|
Cấp III
|
27
|
CHXD Điền Oanh - DNTN Điền Oanh
|
Thôn Yên Định, Xã Hưng Thịnh
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
177,5
|
Cấp III
|
28
|
CHXD Quý Trọng - DNTN Quý Trọng
|
Thôn 8, xã Hưng Khánh
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
330
|
Cấp III
|
29
|
CHXD Thái Lửng - DNTN Thái Lửng
|
Thôn 4, xã Hưng Khánh
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
322
|
Cấp III
|
30
|
CHXD số 52 - Công ty xăng dầu Phú Thọ
|
Thôn Đồng Quýt, xã Bảo Hưng
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
100
|
1650
|
Cấp III
|
31
|
CHXD số 54 - Công ty xăng dầu Phú Thọ
|
Thôn Chiến Thắng, xã Bảo Hưng
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
100
|
1650
|
Cấp III
|
32
|
CHXD Liêm Thúy - Công ty TNHH xăng dầu Liêm Thúy
|
Thôn Tân Việt, xã Quy Mông
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
1.102
|
Cấp III
|
33
|
CHXD Cương Anh - CN Công ty TNHHTM tổng hợp Cương
Anh
|
Thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
100
|
2.077
|
Cấp III
|
34
|
CHXD Minh Quân - Công ty cổ phần hệ sinh thái
Công nghệ YoYo
|
Thôn Tiền Phong, xã Minh Quân
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
1022
|
Cấp III
|
35
|
CHXD Petrolimex 37 - Công ty xăng dầu Yên Bái
|
Thôn Ngọc Đông, xã Hưng Khánh
|
04 bể
|
25m3/1
bể x 04 bể
|
100
|
1.108,2
|
Cấp III
|
36
|
CHXD Xuất Huệ-CTTNHH XD Trường Nam
|
Thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh
|
03 bể
|
25m3/1
bể x 03 bể
|
70
|
764,5
|
Cấp III
|
37
|
CHXD Khương Lắm-Cty TNHH TM Khương Lắm
|
Xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên
|
03 bể
|
15m3/1
bể x 03 bể
|
45
|
1.207,9
|
Cấp III
|
III
|
Thị xã Nghĩa Lộ:
7 CH
|
|
|
|
|
|
|
38
|
CHXD Nghĩa Hằng - DNTN Nghĩa Hằng
|
Tổ 19, phường Tân An
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
560
|
Cấp III
|
39
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 17 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Ả Thượng, xã Nghĩa Phúc
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
1.391,2
|
Cấp III
|
40
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 06 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ Cang Nà, phường Trung Tâm
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
100
|
1.417,0
|
Cấp III
|
41
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 32 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Bản Nà Làng, xã Nghĩa Lợi
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
100
|
1.196,3
|
Cấp III
|
42
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 13 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Cầu Thia, xã Phù Nham
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
566,5
|
Cấp III
|
43
|
CHXD Quân Đội - Cục Hậu Cần QK II
|
TTNT Nghĩa Lộ
|
03 bể
|
25 m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
2.500
|
Cấp III
|
44
|
CHXD Đắc Thiên 3 - Công ty TNHHXD Đắc Thiên
|
Bản Co Cọi, xã Sơn A
|
02 bể
|
25 m3/01
bể x 01 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
40
|
1.101
|
Cấp III
|
IV
|
Huyện Văn Yên:
25 CH
|
|
|
|
|
|
|
45
|
CHXD Đại Lâm - Cty cổ phần Đại Lâm
|
Khu 3, thị trấn Mậu A
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
530,2
|
Cấp III
|
46
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 11 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Khu phố 5, thị Trấn Mậu A
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
495,5
|
Cấp III
|
47
|
CHXD Xuân Hòa - DNTN Xuân Hòa
|
Thôn Đồng Bưởi, thị trấn Mậu A
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
1.167,7
|
Cấp III
|
48
|
CHXD Đại Phú An - Công ty TNHH Đại Phú An
|
Thôn Cổng Trào, xã An Thịnh
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
686
|
Cấp III
|
49
|
CHXD Khải Quốc Lâm - DNTN Khải Quốc Lâm
|
Thôn Trung Tâm, xã An Thịnh
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
1061,8
|
Cấp III
|
50
|
CHXD Trần Phương - DNTN xăng dầu Trần Phương
|
Thôn Tân Tiến 1, Xã Xuân Ái
|
02 bể
|
15m3/01
bể x 02 bể
|
30
|
382
|
Cấp III
|
51
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 20 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Gốc Đa, xã Đông Cuông
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
750
|
Cấp III
|
52
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 23 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Đức An, xã Đông An
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
960,3
|
Cấp III
|
53
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 27 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Gốc Đa, xã Đông An
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
660
|
Cấp III
|
54
|
CHXD Lê Khôi - DNTN Lê Khôi
|
Khu phố Trái Hút, xã An Bình
|
04 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể; 25m3/01 bể x 01 bể
|
70
|
400
|
Cấp III
|
55
|
CHXD Trường An - DNTN xăng dầu Trường An
|
Thôn 6, xã Lâm Giang
|
02 bể
|
15m3/01
bể x 02 bể
|
30
|
750
|
Cấp III
|
56
|
CHXD Đại Sơn - DNTN Thăng Bình
|
Thôn 2, xã Đại Sơn
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
325
|
Cấp III
|
57
|
CHXD Hồng Quân - DNTN Xăng dầu Hồng Quân
|
Thôn Lắc Mường, xã Phong Dụ Hạ
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
216
|
Cấp III
|
58
|
CHXD Số 2 - Công ty cổ phần Đại Lâm
|
Thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ
|
03 bể
|
10m3/01
bể x 03 bể
|
30
|
563,3
|
Cấp III
|
59
|
CHXD An Khang - Công ty TNHH vật tư chuyên dùng
xăng dầu An Khang
|
Thôn Liên Kết, xã Lang Thíp
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
922,8
|
Cấp III
|
60
|
CHXD - CN Công ty CPXD Tự Lực I tại Yên Bái
|
Thôn Pha, xã Châu Quế Hạ
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 2 bể; 15m3 x 1 bể
|
65
|
1.000
|
Cấp II
|
61
|
CHXD Tân Hợp - DNTN Trịnh Đức Huy
|
Thôn 7, xã Tân Hợp
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
1027
|
Cấp III
|
62
|
CHXD số 2 - DNTN Trịnh Đức Huy
|
Thôn 7, xã Mậu Đông
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
756
|
Cấp III
|
63
|
CHXD km171+500 - CN Công ty CPXD Tự Lực tại Yên
Bái
|
Thôn Pha, xã Châu Quế Hạ
|
05 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
125
|
1.000
|
Cấp II
|
64
|
CHXD Tuấn Khải số 1 - Hợp tác xã dịch vụ Tuấn Khải
|
Thôn Tân Thịnh, xã Yên Phú
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
750
|
Cấp III
|
65
|
CHXD số 01 Trần Anh - Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp
Trần Anh
|
Thôn 4, xã Yên Hưng
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
75
|
900
|
Cấp III
|
66
|
CHXD Tuấn Khải số 2 - Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp
Tuấn Khải
|
Thôn 4, xã Quế Thượng
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
593.3
|
Cấp III
|
67
|
CHXD Tuấn Khải số 4 - Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp
Tuấn Khải
|
Thôn 1, xã Phong Dụ Thượng
|
3 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
880
|
Cấp III
|
68
|
CHXD Tuấn Khải số 3 - Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp
Tuấn Khải
|
Thôn T\họ Lâm, xã Lâm Giang
|
3 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
437
|
Cấp III
|
69
|
CHXD Yên Hợp - Công ty TNHH xăng dầu Yên Hợp
|
Thôn Yên Thành, xã Yên Hợp
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
644
|
Cấp III
|
V
|
Huyện Yên Bình:
18 CH
|
|
|
|
|
|
|
70
|
CHXD số 16 - Công ty TNHH Hải Linh YB
|
Thôn Liên Hiệp, xã Thịnh Hưng
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
1.025,4
|
Cấp III
|
71
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 10 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn 7, xã Thịnh Hưng
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
1.482,4
|
Cấp III
|
72
|
CHXD số 5 - Công ty TNHH MTV XD Chiến Thắng Yên
Bái
|
Tổ 10, thị trấn Yên Bình
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
296
|
Cấp III
|
73
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 30 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 8, thị Trấn Yên Bình
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
509
|
Cấp III
|
74
|
CHXD Km11 - Công ty CPTMDL&ĐT Yên Bái
|
Tổ 7, thị Trấn Yên Bình
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 01 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
40
|
2,775
|
Cấp III
|
75
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 05 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 2, thị trấn Yên Bình
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
517,4
|
Cấp III
|
76
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 22 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Ngòi Cát, xã Cảm Ân
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
750
|
Cấp III
|
77
|
CHXD Hoàng Lâm - DNTN Hoàng Lâm
|
Thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái
|
02 bể
|
16,5m3/01
bể x 02 bể
|
33
|
291,1
|
Cấp III
|
78
|
CHXD Tân Nguyên - Công ty TNHH HCM Yên Ninh
|
Thôn Tân Phong, xã Tân Nguyên
|
03 bể
|
25m/01 bể x 01 bể;
15m3/01 bể x 01 bể; 10m3/01 bể x 01 bể
|
50
|
720
|
Cấp III
|
79
|
CHXD số 2 - Công ty TNHH xăng dầu Ngọc Khánh QĐ
|
Thôn Lem, xã Phú Thịnh
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
307,5
|
Cấp III
|
80
|
CHXD Tân Mai - DNTN Tân Mai
|
Khu 1, thị trấn Thác Bà
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 02 bể; 10m3/01 bể x 01 bể
|
40
|
700
|
Cấp III
|
81
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 18 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Làng Cạn, xã Mông Sơn
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
900
|
Cấp III
|
82
|
CHXD Yên Thư - DNTN Yên Thư
|
Thôn Trung Tâm, xã Xuân Lai
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
510
|
Cấp III
|
83
|
CHXD số 3 - Công ty TNHH Vật tư TM Thiên Thảo
|
Thôn Làng Ngần, xã Vũ Linh
|
02 bể
|
15 m3/01
bể x 02 bể
|
30
|
300
|
Cấp III
|
84
|
CHXD số 2 - Công ty TNHH Vật tư TM Thiên Thảo
|
Thôn Làng Lạnh 2, xã Cẩm Nhân
|
02 bể
|
25 m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
350
|
Cấp III
|
85
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 35 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Tân Lập 7, xã Hán Đà
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
930,3
|
Cấp III
|
86
|
CHXD Hoàng Anh - Công ty TNHH TM xăng dầu Hoàng
Anh
|
Thôn Ngòi Cát, xã Cảm Ân
|
03 bể
|
14,5m3/01
bể x 02 bể; 25m3/01 bể x 01 bể
|
54
|
384,3
|
Cấp III
|
87
|
CHXD Vĩnh Kiên - Chi nhánh Yên Bái - Công ty cổ
phần dầu khí Sơn Hải
|
Thôn Ba Chãng, xã Vĩnh Kiên
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 02 bể; 25m3/01 bể x 01 bể
|
55
|
704,4
|
Cấp III
|
VI
|
Huyện Lục Yên:
13
|
|
|
|
|
|
|
88
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 16 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Làng Thiu, xã Trung Tâm
|
03 bể
|
25 m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
556,8
|
Cấp III
|
89
|
CHXD Động Quan - Công ty TNHH HCM Yên Ninh
|
Thôn 2, xã Động Quan
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
1.065
|
Cấp III
|
90
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 08 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Tát Riêu, xã Khánh Hòa
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
600
|
Cấp III
|
91
|
CHXD Việt Hùng - Công ty TNHH TM Việt Hùng
|
Thôn Trung Tâm, xã Tân Lĩnh
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
417
|
Cấp III
|
92
|
CHXD Tân Lĩnh - Cty CP thương mại Long Thịnh YB
|
Thôn Trung Tâm, xã Tân Lĩnh
|
03 bế
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
660
|
Cấp III
|
93
|
CHXD Yên Thắng - Cty TNHH Thái Thịnh
|
Thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
90
|
466
|
Cấp III
|
94
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 09 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Khu phố 3, thị trấn Yên Thế
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
640,6
|
Cấp III
|
95
|
CHXD Yên Thế - Công ty CPTMDL&ĐT Yên Bái
|
Tổ 4, thị trấn Yên Thế
|
02 bể
|
12m3/01
bể x 02 bể
|
24
|
195
|
Cấp III
|
96
|
CHXD Thái Thịnh - Cty TNHH Thái Thịnh
|
Thôn Trần Phú, xã Minh Xuân
|
05 bể
|
15m3/01
bể x 04 bể; 10m3/01 bể x 01 bể
|
70
|
654
|
Cấp III
|
97
|
CHXD Mai Sơn - Cty CPTM Trung Hòa
|
Thôn Sơn Trung, xã Mai Sơn
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 20m3/01 bể x 01 bể
|
70
|
482
|
Cấp III
|
98
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 21 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
100
|
903,5
|
Cấp III
|
99
|
CHXD Kiên Lâm - Công ty TNHH dịch vụ và thương mại
Kiên Lâm
|
Thôn Nè Bè, xã Lâm Thượng
|
03 bể
|
20m3/01
bể x 03 bể
|
60
|
851
|
Cấp III
|
100
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng số 34 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Khuân Pục, xã Minh Tiến
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
429,5
|
Cấp III
|
VII
|
Huyện Văn Chấn:
21 CH
|
|
|
|
|
|
|
101
|
CHXD Hùng Anh - DNTN Hùng Anh
|
Thôn Trung Tâm, xã Tân Thịnh
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
400
|
Cấp III
|
102
|
CHXD Đỗ Nhuận - DNTN Đỗ Nhuận
|
Thôn 13, xã Tân Thịnh
|
03 bể
|
10m3/01
bể x 03 bể
|
30
|
228
|
Cấp III
|
103
|
CHXD Kiên Tuyết - Công ty TNHH xăng dầu Kiên Tuyết
|
Thôn Chùa, xã Chấn Thịnh
|
02 bể
|
10m3/01
bể x 02 bể
|
20
|
460
|
Cấp III
|
104
|
CHXD Đắc Thiên - Công ty TNHH XD Đắc Thiên
|
Thôn Trung Tâm, xã Bình Thuận
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
306
|
Cấp III
|
105
|
CHXD Trường Thoan - DNTN Trường Thoan
|
Thôn 11B, xã Nghĩa Tâm
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 02 bể; 10m3/01 bể x 01 bể
|
40
|
524
|
Cấp III
|
106
|
CHXD Phúc Thịnh - DNTN Phúc Thịnh
|
Khu I, thị tứ Ngã Ba, xã Cát Thịnh
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
225
|
Cấp III
|
107
|
CHXD số 3 Cát Thịnh - Công ty TNHH Tự Đức
|
Thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
850
|
Cấp III
|
108
|
CHXD Xuân Phương - DNTN Xuân Phương
|
Thôn Trung Tâm, xã Thượng Bằng La
|
03 bể
|
10m3/1
bể x 03 bể
|
30
|
367
|
Cấp III
|
109
|
CHXD Thanh Tâm - Công ty TNHH Thanh Tâm
|
Thôn Cườm, xã Thượng Bằng La
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
450
|
Cấp III
|
110
|
CHXD Trung Hiếu - Công ty TNHH vận tải xăng dầu
Trung Hiếu
|
Khu 10B, TTNT Trần Phú
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 01 bể; 10m3/01 bể x 02 bể
|
45
|
350
|
Cấp III
|
111
|
CHXD Minh Phương - Công ty TNHH Minh Phương
|
Khu 9, TTNT Trần Phú
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 02 bể; 10m3/01 bể x 01 bể
|
40
|
791
|
Cấp III
|
112
|
CHXD Dũng Nhung - DNTN XD Phú Quân
|
Tổ dân phố trung tâm, TTNT Trần Phú
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 01 bể; 10m3/01 bể x 02 bể
|
35
|
403,7
|
Cấp III
|
113
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 12 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Nà Trạm, xã Đồng Khê
|
04 bể
|
25m3/01
bể x 04 bể
|
100
|
625,0
|
Cấp III
|
114
|
CHXD Sơn Thịnh - Công ty TNHH TM Sơn Thịnh
|
Bản Phiên 1, xã Sơn Thịnh
|
03 bể
|
03 bể 25m3/01
bể x 02 bể; 15 m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
569,7
|
Cấp III
|
115
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 15 - Công ty Xăng dầu
Yên Bái
|
Thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh
|
03 bể
|
25 m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
420,8
|
Cấp III
|
116
|
CHXD Liên Sơn - DNTN TM Tấn Dung
|
Khu 8, TTNT Liên Sơn
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
65
|
902,6
|
Cấp III
|
117
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 25 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 10, TTNT Liên Sơn
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
594
|
Cấp III
|
118
|
CHXD Nậm Búng - Công ty TNHH Trường Thành
|
Thôn Nậm Cưởm, xã Nậm Búng
|
03 bể
|
28m3/01
bể x 02 bể
|
84
|
5.574
|
Cấp III
|
119
|
CHXD Tú Lệ - HTX Đoàn Kết
|
Thôn Bản Mạ, xã Tú Lệ
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
1.000
|
Cấp III
|
120
|
CHXD Sử Duyến - DNTN Sử Duyến
|
Thôn Thanh Bồng, xã Đại Lịch
|
03 bể
|
30m3/01
bể x 01 bể; 15m3/01 bể x 01 bể
|
45
|
700
|
Cấp III
|
121
|
CHXD Đắc Thiên 2 - Cty TNHH XD Đắc Thiên
|
Thôn Bản Van, xã Gia Hội
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
458,3
|
Cấp III
|
VIII
|
Huyện Trạm Tấu:
1 CH
|
|
|
|
|
|
|
122
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 31 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 1, thị trấn Trạm Tấu
|
02 bể
|
25m3/01
bể x 02 bể
|
50
|
781
|
Cấp III
|
IX
|
Huyện MCC: 5 CH
|
|
|
|
|
|
|
123
|
CHXD La Pán Tẩn - Cty TNHH Hồng Hoan
|
Bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn
|
03 bể
|
10m3/01
bể x 03 bể
|
30
|
700
|
Cấp III
|
124
|
CHXD Petrolimex - CH 36- Công ty xăng dầu Yên Bái
|
Tổ 4, thị trấn Mù Cang Chải
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
1.106
|
Cấp III
|
125
|
CHXD Petrolimex - Cửa hàng 24 - Công ty xăng dầu
Yên Bái
|
Tổ 1, Thị trấn Mù Cang Chải
|
03 bể
|
25m3/01
bể x 03 bể
|
75
|
700
|
Cấp III
|
126
|
CHXD Tinh Minh cơ sở 2 - Công ty TNHH Tinh Minh
|
Xã Nậm Khắt
|
03 bể
|
15m3/01
bể x 03 bể
|
45
|
1.700
|
Cấp III
|
127
|
CHXD Tinh Minh - Cty TNHH Tinh Minh
|
Thị tứ Khao Mang, xã Khao Mang
|
02 bể
|
15m3/01
bể x 02 bể
|
30
|
467
|
Cấp III
|
|
TỔNG CỘNG
|
|
|
|
8.035
|
|
|