Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 01/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk Người ký: Nguyễn Thiên Văn
Ngày ban hành: 03/01/2025 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 03 tháng 01 năm 2025

 

KẾ HOẠCH

BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017; Luật Phòng cháy và Chữa cháy ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy ngày 22/11/2013; Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 159/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (có hiệu lực từ ngày 02/02/2025);

Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật;

Căn cứ Quyết định số 2879/QĐ-BNN-TCLN ngày 29/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTG ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 8203/KH-BNN-TCLN ngày 06/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phòng cháy, chữa cháy rừng triển khai thực hiện Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy;

Căn cứ Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 18/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Công văn số 8907/BNN-KL ngày 06/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng;

Căn cứ Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk quy định phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk;

Tiếp tục thực hiện Kết luận số 520-KL/TU ngày 26/4/2022 và Báo cáo số 231-BC/TU ngày 24/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật, không để phát sinh những “điểm nóng” vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

- Chủ động thực hiện công tác PCCCR để hạn chế thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra, huy động lực lượng đủ mạnh nhằm chữa cháy kịp thời, không để cháy lớn, kéo dài gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

2. Yêu cầu

- UBND các huyện, thị xã, thành phố Buôn Ma Thuột (sau đây viết tắt là UBND cấp huyện) phải đặt nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, tổ chức huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội để thực nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR trên địa bàn quản lý.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn cấp huyện; xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện đủ mạnh để kịp thời xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp, kịp thời tổ chức chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.

- Các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quân đội và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các Vườn quốc gia, các Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty TNHH MTV HTV Lâm nghiệp, các tổ chức, cá nhân được giao rừng, thuê rừng phải tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy chế phối hợp lực lượng đã ký kết trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, duy trì công tác phối hợp theo Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ về quy định về hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng khác trong bảo vệ chủ quyền, vùng trời và an ninh quốc gia.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG (PCCCR)

1. Đối với cấp tỉnh

a) Tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định về bảo vệ rừng, PCCCR theo Luật Lâm nghiệp năm 2017; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW; Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2024, Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 27/4/2024; Công điện số 43/CĐ-TTg ngày 01/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi toàn quốc; Thông báo số 475/TB-VPCP ngày 18/11/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT- TTg ngày 03/01/2023 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Chỉ thị số 1299/CT-BNN-TCLN ngày 21/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, PCCCR.

- Chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp được quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 2 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

- Chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện và chủ rừng tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 520-KL/TU ngày 26/4/2022 và Báo cáo số 231-BC/TU ngày 24/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sơ kết 07 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 19/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 3419/QĐ-UBND ngày 13/11/2019 của UBND tỉnh về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 3824/UBND-NNMT ngày 06/5/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về Lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp 2017 và quy định pháp luật có liên quan.

- Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tổ chức kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, tiếp tay, buông lỏng quản lý, không kịp thời phát hiện để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng và che giấu số liệu diện tích rừng bị mất.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng phá rừng, xâm hại rừng, các đối tượng mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ, không để các vụ án tồn đọng, kéo dài; sớm đưa ra truy tố, xét xử các vụ án điển hình tại một số địa phương trọng điểm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

- Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh; dự án cấp thiết, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; kiên quyết đình chỉ đối với các dự án có sai phạm, đồng thời xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương.

- Bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, giải quyết đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân sống gần rừng và các vấn đề phát triển kinh tế xã hội khác liên quan đến rừng, đất rừng; trong đó, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, giải quyết căn bản tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh trước năm 2025; Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21/12/2023 về Hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 590/QĐ- TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1237/QĐ-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh nhằm đạt được mục tiêu của Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững.

- Triển khai thực hiện Dự án “Giảm thiểu khí thải tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động quốc gia REDD+ tại tỉnh Đắk Lắk”.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025.

- Triển khai Quyết định số 1826/QĐ-BNN-KL ngày 20/6/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên; Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh về điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh.

b) Xác định khu vực trọng điểm xảy ra phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và lấn chiếm đất rừng.

Các khu vực trọng điểm xảy ra phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và lấn chiếm đất rừng chủ yếu tại các huyện Cư M'gar, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Kar, M’Drắk; đặc biệt tại các tiểu khu 541, 542, 543 thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing và tiểu khu 540, 546, 547a, 550, 551 thuộc lâm phần Công ty TNHH Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm quản lý, huyện Cư M'gar; tiểu khu 1223 xã Yang Mao và tại Công ty TNHH MTVLN Krông Bông, huyện Krông Bông; tiểu khu 440, 453 và 436 thuộc lâm phần Trung tâm bảo tồn Voi, cứu hộ động vật và QLBVR, huyện Buôn Đôn; tại các khu vực có Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột như xã Cư San, huyện M'Drắk; xã Cư Pui, xã Cư Drăm huyện Krông Bông; xã Cư Bông, huyện Ea Kar; tại các khu vực có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án.

c) Về phòng cháy, chữa cháy rừng

Nội dung 1: Xác định cấp dự báo cháy rừng

Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng đặt tại trụ sở các đơn vị, đầu mối giao thông khu gần các khu vực dễ có khả năng xảy ra cháy rừng theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; Quyết định số 04/2022/QĐ-UBND ngày 07/01/2022 của UBND tỉnh quy định phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cụ thể:

- Cấp dự báo cháy rừng gồm 5 cấp, từ cấp I đến cấp V; ký hiệu biển báo cấp cháy rừng là 1/2 hình tròn có đường kính vành ngoài 2,5m; vành trong 1,8m nền trắng, xung quanh viền màu đỏ và có mũi tên (quay được) chỉ cấp dự báo từ cấp I đến cấp V. Chi tiết quy định về cấp dự báo cháy rừng tại Mẫu số 04, Phụ lục III, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

- Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, đặc trưng cấp dự báo cháy rừng và biện pháp phòng cháy rừng theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục III kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

- Căn cứ tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm cấp huyện phối hợp với các Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk và các cơ quan thông tin, truyền thông cấp huyện thông tin cấp dự báo cháy rừng liên tục hàng ngày trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng khi cấp dự báo đến cấp IV và cấp V.

Nội dung 2: Xác định khu vực trọng điểm cháy rừng

- Khu vực 1: Nguy cơ cháy rừng rất cao gồm các huyện: M’Drắk, Krông Bông, Ea Kar, Lắk, Krông Năng, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ; trong đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy cao là khoảng 62.487 ha. Các khu vực cần phải được chú trọng trong công tác PCCCR gồm:

+ Huyện M’Drắk khoảng 38.824 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của các đơn vị: Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Vọng Phu, Công ty cổ phần tập đoàn giấy Tân Mai, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp M’Drắk và rừng trồng của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

+ Huyện Ea Kar khoảng 5.535 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar và rừng trồng của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

+ Huyện Krông Bông khoảng 3.822 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông, rừng lá kim tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và rừng trồng của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

+ Huyện Krông Năng khoảng 6.595 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của các đơn vị: Công ty TNHH Tín Phát, Công ty CP trồng rừng Trường Thành, Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Năng và rừng trồng của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

+ Huyện Lắk khoảng 4.418 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của các đơn vị: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk, Công ty TNHH Lan Chi, Công ty cổ phần giấy Tân Mai và rừng trồng của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

+ Huyện Krông Búk khoảng 2.550 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

+ Thị xã Buôn Hồ khoảng 743 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

- Khu vực 2: Có nguy cơ cháy rừng cao gồm các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo; trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao vào khoảng 194.779 ha, bao gồm diện tích rừng tự nhiên có trạng thái là rừng rụng lá (RLN, RLK, RLP, RLB, RLG) và diện tích rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng). Các khu vực cần phải được chú trọng đặc biệt trong công tác phòng cháy, chữa cháy gồm:

+ Tại huyện Ea Súp khoảng 67.453 ha rừng tự nhiên và rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của các đơn vị: Bộ đội biên phòng tỉnh, Binh đoàn 16, Công ty cổ phần Tân Đại Thắng, Công ty TNHH cao su và lâm nghiệp Phước Hòa, Công ty cổ phần TMXNK Hoàng Gia Phát, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk, DNTN Phan Hồng, DNTN Phan Thuấn, Công ty TNHH TM&DV Vĩnh Tiến và rừng trồng của tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn huyện.

+ Tại huyện Buôn Đôn khoảng 97.002 ha rừng tự nhiên và rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của VQG Yok Don, Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng và rừng trồng của tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn huyện.

+ Tại huyện Ea H’leo khoảng 30.323 ha rừng tự nhiên và rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của các đơn vị: Công ty cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk, Công ty TNHH Kim Huỳnh, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Thuần Mẫn, Công ty TNHH Rừng Xanh, Nông trường Hồ Lâm, Công ty TNHH Đức Hải và rừng trồng của tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn huyện.

- Khu vực 3: Có nguy cơ cháy rừng, gồm các huyện: Cư M’gar, thành phố Buôn Ma Thuột, Krông Pắc và Krông Ana, Cư Kuin; trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy là khoảng 15.929 ha. Các khu vực cần phải được chú trọng trong công tác PCCCR gồm:

+ Tại Huyện Cư M’gar khoảng 5.620 ha rừng tự nhiên có trạng thái là rừng rụng lá (RLN, RLG, RLK, RLP, RLB) trên địa bàn huyện và trừng trồng của các đơn vị: Công ty TNHH HTV lâm nghiệp Buôn Ja Wằm, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Wing và rừng trồng của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn huyện.

+ Tại Huyện Krông Pắc khoảng 3.464 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của Công ty TNHH lâm nghiệp Phước An và rừng trồng của tổ chức, cá nhân khác trên địa bàn huyện.

+ Tại Huyện Krông Ana khoảng 2.718 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của UBND các xã, cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình, trên địa bàn huyện.

+ Tại Huyện Cư Kuin khoảng 1.963 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) của UBND các xã, cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình, trên địa bàn huyện.

+ Tại Thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2.163 ha rừng trồng (bao gồm cả diện tích mới trồng) và diện tích rừng tự nhiên (lá rộng rụng lá) của UBND các xã, cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thành phố.

Nội dung 3: Công tác thường trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng

Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Khi dự báo cấp nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm), Chi cục Kiểm lâm phân công thường trực 24/24 giờ trong ngày, đảm bảo tiếp nhận thông tin kịp thời về tình hình diễn biến cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh, hàng tuần có lịch phân công trực, gồm có:

- Trực chỉ huy: 01 lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm

- Trực thông tin liên lạc: 01 công chức thuộc Chi cục Kiểm lâm

- Trực lái xe: 01 nhân viên lái xe.

- Số điện thoại thường trực cháy rừng: 02623.856.445; 0903.536.336; 0905. 051.125; 091.114.79.79.

- Hộp thư điện tử báo cáo: [email protected]

- Văn phòng thường trực bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng: Số 49 Hùng Vương, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Nội dung 4: Tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về PCCCR

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của các đơn vị chủ rừng: Vườn quốc gia, Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, các Công ty TNHH MTV, HTV Lâm nghiệp, các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để trồng rừng, trồng cao su, cải tạo rừng và triển khai các dự án nông, lâm nghiệp khác.

d) Hỗ trợ, tăng cường truy quét các điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong trường hợp có đề nghị của UBND cấp huyện, chủ rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh:

- Tăng cường hỗ trợ lực lượng cho UBND cấp huyện ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật tại các địa bàn trọng điểm, chú trọng tại các huyện Cư M'gar, M’Drắk, Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Bông…

- Kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các khu vực thường xuyên xảy ra khai thác gỗ trái pháp luật trên lâm phần quản lý của các chủ rừng vùng trọng điểm như: vùng giáp ranh với tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa và tại địa bàn các huyện: Cư M'gar, Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Bông, Ea Kar, M’Drắk v.v...

- Tổ chức rà soát, kiểm tra quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, cơ sở nuôi động vật hoang dã, thực hiện truy xuất nguồn gốc lâm sản tại các cơ sở chế biến để quản lý nguồn nguyên liệu hợp pháp; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, xóa bỏ những tụ điểm kinh doanh, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật.

đ) Công an tỉnh chỉ đạo công an các cấp thực hiện đấu tranh, truy quét các “đầu nậu” mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản khác trái pháp luật để xử lý nghiêm theo quy định. Tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra các chuyên án, xử lý các vụ án trọng điểm về phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã được lực lượng chức năng phát hiện và các cơ quan truyền thông phản ánh.

e) Về lực lượng tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của tỉnh.

Lực lượng hỗ trợ về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho chủ rừng, UBND cấp huyện khi có yêu cầu là lực lượng Kiểm lâm thuộc Chi cục Kiểm lâm và lực lượng của các đơn vị gồm: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (địa bàn biên giới) hỗ trợ và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị tổ chức trực ban, bố trí lực lượng quân số sẵn sàng kịp thời hỗ trợ khi có yêu cầu của UBND tỉnh để hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh.

f) Về công tác theo dõi, diễn biến rừng; chuyển mục đích sử dụng rừng

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra kết quả rà soát, cập nhật diễn biến rừng tại các huyện, thị xã, thành phố theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TTBNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng. Thời gian thực hiện từ quý II/2025.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị các liên quan kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các Công trình/Dự án cấp thiết, trọng điểm, các Công trình/Dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thời gian thực hiện từ quý II/2025.

g) Về tổ chức điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh.

2. Đối UBND cấp huyện

a) Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và các văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện có liên quan.

b) Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 520-KL/TU ngày 26/4/2022 và Báo cáo số 231-BC/TU ngày 24/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sơ kết 07 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 19/01/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 05 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

c) Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp được quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017; Điều 2 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát, phối hợp với các đơn vị chủ rừng thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017; Công văn số 3824/UBND- NNMT ngày 06/5/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp 2017 và quy định pháp luật có liên quan. Chủ động tập trung thực hiện một số nội dung chính sau:

- Xây dựng phương án cụ thể triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn cấp huyện cho phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương; Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và chính quyền cấp xã, thường xuyên giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

- Chủ động huy động lực lượng của cấp huyện (Kiểm lâm, chủ rừng, UBND các xã, Công an, Quân đội, các ban, ngành liên quan của huyện và các lực lượng chức năng trên địa bàn) để thực hiện bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và chống người thi hành công vụ và các chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh về bảo vệ rừng và PCCCR.

- Kiểm tra, giám sát các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện; Rà soát các dự án nông, lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp chậm triển khai thực hiện, kéo dài nhiều năm và các dự án có diện tích rừng bị giảm phải bồi thường rừng báo cáo cho Tổ công tác theo Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 20/02/2024 của UBND tỉnh để đưa vào kế hoạch kiểm tra, xem xét xử lý theo quy định.

- Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn, buôn theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23/11/2005 và Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và đất đai; kiên quyết thu hồi diện tích giao có vi phạm theo quy định hiện hành.

- Chỉ đạo kiểm tra, xác minh các biến động về rừng, các nguyên nhân suy giảm rừng tự nhiên để xử lý vi phạm theo quy định; cập nhật diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TTBNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.

- Chỉ đạo tổ chức các nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng quy định tại Điều 45 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018; xây dựng, rà soát bổ sung và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các phương án PCCCR ở cơ sở theo phương châm bốn tại chỗ và phòng cháy là chính, song phải kiên quyết xử lý khi đám cháy mới phát sinh, đồng thời báo cáo kịp thời tình hình phòng cháy, chữa cháy rừng lên cấp trên để chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật tại các khu vực thường xuyên xảy ra khai thác gỗ trái pháp luật địa bàn huyện; trong đó, chú trọng các khu vực trọng điểm vùng giáp ranh với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa và tại địa bàn các huyện: Cư M'gar, Ea Súp, Krông Bông, M’Drắk, Ea Kar v.v...

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường, động vật rừng nguy cấp quý hiếm; các nhà hàng ăn uống, điểm kinh doanh đồ trang sức, đồ lưu niệm, các chợ buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

- Trách nhiệm lập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng:

+ Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư lập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng theo Mẫu số 01, Phụ lục III, Nghị định số 156/2018/NĐ- CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp.

+ Chủ rừng là tổ chức lập phương án phòng cháy và chữa cháy rừng theo Mẫu số 02, Phụ lục III, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê lập, triển khai phương án để bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng theo Mẫu số 03, Phụ lục III, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp.

+ Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng do tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo quy định phải gửi đến cơ quan Kiểm lâm, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp huyện tham gia ý kiến.

Thời hạn thực hiện: Trước ngày 31/01/2025.

d) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xác định các điểm nóng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn cấp huyện, bố trí lực lượng thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở để kịp thời xử lý, ngăn chặn, nhất là tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật tại các vùng rừng giáp ranh với các huyện, vùng rừng giáp ranh các tỉnh lân cận; thành lập các chốt liên ngành cấp huyện gồm: lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, chủ rừng ngăn chặn, hoạt động có hiệu quả và chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm xảy ra trên tuyến, vùng quản lý. Báo cáo kịp thời UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời giải quyết đối với những trường hợp phức tạp, vượt quá thẩm quyền.

đ) Chỉ đạo các đơn vị: Kiểm lâm, Công an, Ban Chỉ huy quân sự huyện, chủ rừng và các đơn vị có liên quan phải tổ chức trực ban, bố trí lực lượng quân số sẵn sàng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn cấp huyện.

e) Triển khai phát động phong trào trồng cây xanh; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng của từng địa phương ở từng thời điểm, địa điểm cụ thể; các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

f) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện điều tra, kiểm kê rừng tại địa phương theo Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh.

3. Đối với UBND cấp xã

a) Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chủ rừng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng trên địa bàn quản lý; xây dựng phương án triển khai kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn cấp xã cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Chủ động chỉ đạo, huy động các lực lượng: Công an xã, xã đội, dân quân tự vệ phối hợp, thường xuyên tuần tra, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã mình quản lý; tùy tình hình cụ thể tại từng địa phương mà bố trí ít nhất 01 tháng/một đợt truy quét, xử lý các điểm phá rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp.

b) Chỉ đạo các chính quyền thôn, buôn, tổ dân phố và bộ phận chức năng cấp xã nắm bắt, thống kê, phân loại, lập danh sách các đối tượng “đầu nậu” thường xuyên khai thác, vận chuyển, mua bán trái pháp luật lâm sản và động vật rừng ở địa phương để có biện pháp theo dõi đấu tranh và ngăn chặn kịp thời; tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý theo quy định các loại vũ khí, vật liệu nổ trái phép, kể cả loại súng tự chế, súng săn và các loại vũ khí quân dụng khác.

c) Củng cố các tổ đội phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở, hỗ trợ các chủ rừng để tuần tra, kịp thời phát hiện, dập tắt những đám cháy rừng mới phát sinh; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương, rẫy không để cháy lan sang các vùng rừng lân cận.

d) Tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR; duy trì công tác thông tin báo cáo công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng kịp thời, chính xác về UBND cấp huyện để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời. Chủ động thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong công tác PCCCR.

đ) Thực hiện rà soát các biến động về rừng, các nguyên nhân suy giảm rừng tự nhiên để xử lý vi phạm theo quy định; cập nhật diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TTBNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.

4. Đối với đơn vị chủ rừng

Các Công ty Lâm nghiệp (một thành viên, hai thành viên), Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, các tổ chức, cá nhân được thuê đất, thuê rừng thực hiện các dự án và các chủ rừng khác phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với diện tích quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng được giao, được thuê, chủ động triển khai thực hiện các nội dung sau:

a) Triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc theo quy định Luật Lâm nghiệp năm 2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; các thông tư hướng dẫn và các văn bản pháp luật có liên quan; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

b) Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Chương VIII Luật Lâm nghiệp năm 2017; trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân theo quy định tại Điều 43 Chương IV Luật Lâm nghiệp năm 2017; Công văn số 3824/UBND-NNMT ngày 06/5/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo Luật Lâm nghiệp 2017 và quy định pháp luật có liên quan.

c) Huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện của đơn vị phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn phải bảo vệ được diện tích rừng, đất rừng hiện có.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhất là những diện tích rừng ở những vị trí, tuyến đường xung yếu để kịp thời phát hiện, tổ chức các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm; lập biên bản và báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng để xử lý. Mọi trường hợp vi phạm phải được phát hiện, kiểm tra, lập hồ sơ kịp thời và có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, nếu để xảy ra vi phạm mà không có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra mất rừng thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

d) Tiếp tục củng cố, hoàn thiện lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Nghị định 159/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo vệ rừng, PCCCR cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; xây dựng quy chế hoạt động, các giải pháp bảo vệ rừng của đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng trạm quản lý bảo vệ rừng để tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tại gốc, đồng thời tổ chức các đợt truy quét xóa bỏ, triệt phá các điểm nóng về khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, săn bắn động vật hoang dã trái pháp luật trên lâm phần quản lý.

đ) Xây dựng phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng gửi các đơn vị chức năng có ý kiến theo quy định để triển khai thực hiện; thành lập, quản lý hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy rừng; bảo đảm kinh phí, trang bị phương tiện và các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy rừng để duy trì hoạt động.

e) Các đơn vị chủ rừng chưa hoàn thành xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững; Thông tư số 13/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý rừng bền vững phải khẩn trương xây dựng, trình cấp thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện các nội dung về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo phương án sử dụng rừng và thực hiện nghiêm túc việc lập các thủ tục về thuê rừng gắn với thuê đất theo các phương án sử dụng rừng của các đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và văn bản hướng dẫn thực hiện của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

f) Thực hiện trách nhiệm theo dõi, báo cáo biến động tài nguyên rừng được quy định tại khoản 1 Điều 35 và khoản 2 Điều 74 Luật Lâm nghiệp; điểm a khoản 1 Điều 33 Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; chủ động rà soát, tổ chức kiểm tra các diện tích rừng và đất rừng có biến động trên lâm phần giao, thuê, các nguyên nhân suy giảm rừng tự nhiên để kịp thời báo cáo cập nhật diễn biến tài nguyên rừng theo quy định.

g) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên lâm phần đơn vị quản lý theo Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 09/7/2024 của UBND tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung trên; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, hàng năm) và đột xuất về UBND tỉnh (thông qua cơ quan thường trực tại Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện kế hoạch để tham mưu đề xuất kịp thời UBND tỉnh chỉ đạo; định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo kết quả thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

3. Về kinh phí hoạt động bảo vệ rừng, PCCCR

- Kinh phí hoạt động của cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Kinh phí của các chủ rừng do chủ rừng tự chịu trách nhiệm.

Trên đây là Kế hoạch Bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện. Nếu có vướng mắc, vượt thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất kịp thời để UBND tỉnh biết, theo dõi chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (thay b/c);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (thay b/c);
- Viện Kiểm sát ND tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy; Các Ban trực thuộc Tỉnh ủy;
- UB Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh;
- Các Sở, ngành: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, TC, NV, CT, XD, TT&TT, VHTT&DL;
- Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bội đội biên phòng tỉnh;
- Tỉnh đoàn Đắk Lắk; Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Đắk Lắk;
- TT Công báo & CTTĐT tỉnh;
- Các phòng: TH, KT, NNMT;
- Lưu: VT, NNMT (Q-15b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thiên Văn

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 01/KH-UBND về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng ngày 03/01/2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


87

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.90.203
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!