BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
12CĐ/BNN-TT
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 2 năm 2008
|
CÔNG ĐIỆN KHẨN
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Điện:
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW từ Quảng Bình trở ra
Thời tiết trong tuần qua tiếp tục
có rét đậm, rét hại làm cho diện tích mạ và lúa chết tăng nhanh. Theo báo cáo của
các địa phương và kết quả kiểm tra thực tế của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến nay
toàn miền Bắc có trên 140 ngàn ha lúa đã cấy và gần 9,5 ngàn ha mạ bị chết,
ngoài ra có trên 15 ngàn ha ngô, lạc, đậu tương đã gieo bị ảnh hưởng nặng,
trong đó khoảng 10 ngàn ha phải gieo trồng lại. Theo dự báo của Trung tâm Dự
báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ 20/2 thời tiết ấm dần nhưng khoảng cuối
tháng 2, đầu tháng 3 tiếp tục có đợt không khí lạnh bổ sung gây rét đậm, có
ngày rét hại sẽ gây khó khăn mới cho sản xuất trong khi thời vụ gieo cấy rất gấp.
Trước tình hình trên, nhiệm vụ cấp
bách hiện nay là tập trung mọi nỗ lực chỉ đạo khắc phục khó khăn do thời tiết,
đảm bảo sản xuất Đông Xuân kịp thời vụ, có hiệu quả cao, kiên quyết không để ruộng
hoang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị các địa phương tiếp tục
quán triệt và thực hiện tốt các nội dung Công điện số 05/CĐ- BNN – TT ngày
13/02/2008, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện ngay một số biện pháp sau
đây:
1. Về kỹ thuật
a. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc để
cứu và tận dụng tối đa những diện tích mạ và lúa còn khả năng phục hồi, tránh
tư tưởng cực đoan muốn phá bỏ gieo cấy lại toàn bộ sẽ dẫn đến lãng phí và không
kịp thời vụ. Từng địa phương phải tổ chức thăm đồng, thống kê phân loại cụ thể
để hướng dẫn biện pháp xử lý cụ thể theo hướng sau:
- Đối với mạ đã gieo:
+ Những diện tích gieo trước
20/1 (thời gian có rét đậm rét hại) được che phủ và chăm sóc đúng kỹ thuật, mạ
hiện vẫn sinh trưởng bình thường hoặc chỉ bị táp, chết rải rác cần tiếp tục che
phủ nilon và giữ ẩm đất trong thời gian rét đậm; khi trời ấm trên 15ºC, bỏ dần
nilon tạo độ thoáng cho mạ cứng cây, hạn chế nấm bệnh. Khi mạ ra rễ trắng và trời
ấm mới tiến hành cấy. Ưu tiên mạ tốt cấy trên chân đất trũng, ruộng làm cây vụ
đông, cấy nhỏ dảnh để tiết kiệm mạ.
+ Những diện tích mạ gieo vào đợt
rét đậm, rét hại (sau 20/1) bị hư hại nặng, cần xem xét kỹ, tiếp tục giữ lại
chăm sóc để tận dụng tối đa những dảnh mạ còn sống, mở nilon ở 2 đầu luống vào
lúc thời tiết ấm để tạo thoáng và hạn chế nấm bệnh, che kín ngay khi trời lạnh;bón
thêm tro bếp hoặc đất bột trộn phân lân, gĩư ẩm vừa phải không để mạ bị ngập nước
hoặc khô hạn, không để chuột, gia cầm phá hoại mạ; Đối với mạ sân mới gieo cần
thắp bóng điện, tưới nước ấm để mạ sinh trưởng tốt. Khi mạ có trên 2 lá tiến
hành xúc cấy.
- Đối với lúa đã cấy
+ Những ruộng có tỷ lệ lúa chết
dưới 20% thì không cần dặm tỉa, khi thời tiết ấm tăng cường làm cỏ sục bùn, bón
phân lân, phân vi sinh để lúa nhanh phục hồi ra rễ mới. Tuyệt đối không cấy hoặc
dặm tỉa lúa trong những ngày nhiệt độ không khí thấp dưới 15ºC.
+ Ruộng lúa chết từ 20-50% tiếp
tục theo dõi, khi trời ấm trên 20 độ C, lúa ra rễ và lá mới cần khẩn trương dặm
tỉa và bón phân thúc để lúa đẻ sớm, đảm bảo mật độ cây.
+ Ruộng lúa chết trên 50 đến 70%
số khóm, trong khi chưa có mạ cấy bổ sung cần tiếp tục giữ lại chăm sóc. Khi trời
ấm, cây hồi xanh sẽ nhổ cấy dồn lại, phần đất trống sẽ cấy bằng mạ gieo sau.
Giữ mức nước nông 3-5 cm trong
ruộng, không để hở mặt ruộng hoặc nước quá sâu làm lúa sinh trưởng, đẻ nhánh
kém.
+ Ruộng chết trên 70% số khóm
thì phải cấy lại, trong khi chờ mạ cần bảo vệ những dảnh còn lại để tận dụng dặm
cho diện tích mất khoảng cùng giống.
b. Khẩn trương huy động các nguồn
giống lúa ngắn ngày ứng cho nông dân trước để gieo bổ sung ngay cho diện tích mạ,
lúa bị chết. Đối với lúa lai dùng các giống chủ lực là Nhị ưu 838, Bồi tạp sơn
thanh, Nhị ưu số 7. Đối với lúa thuần dùng các giống ngắn ngày như KD18, Q5,
TBR1, ĐB5, ĐB6, HT1, N87, DT122....
- Về thời vụ: Thời vụ cho phép
gieo cấy lúa ĐX còn rất ngắn, do vậy cần chỉ đạo gieo mạ càng sớm càng tốt và cấy
nhanh khi thời tiết ấm. Trên cơ sở giới hạn khung thời vụ tối đa dưới đây, từng
địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để chỉ đạo lịch gieo cấy cụ thể:
+ Vùng BTB gieo mạ xong trước
23/2. Vùng đồng bằng, chân ruộng gieo cấy vụ Hè thu và làm vụ đông kết thúc cấy
trong tháng 2. Vùng miền núi và chân ruộng làm vụ mùa có thể cấy đến 5/3.
+ Vùng đồng bằng và trung du Bắc
Bộ: gieo mạ chậm nhất đến 25/2. Chân ruộng trũng và đất làm vụ đông sớm cấy chậm
nhất đến 5/3, ruộng khác thời vụ cấy đến 10/3. Nếu gieo thẳng cần kết thúc
trong tháng 2.
+ Vùng miền núi phía Bắc: khu vực
Tây bắc gieo mạ đến 5/3 và cấy đến 15/3; khu vực Đông bắc có thể gieo đến cuối
tháng 3 và cấy đến trung tuần tháng 4. Ưu tiên mạ gieo trước cấy cho đất trũng
và đất làm cây vụ đông sớm.
c. Kỹ thuật làm mạ, cấy lúa
- Khẩn trương ngâm ủ giống và
gieo mạ sân, mạ khay càng sớm càng tốt. Gieo ở nơi khuất gió và thực hiện che
phủ nilon 100% diện tích, đúng kỹ thuật. Áp dụng các biện pháp tưới nước ấm cho
mạ, nơi có điều kiện thắp điện sưởi ấm cho mạ với khoảng cách 5-6m luống thắp 1
bóng điện, buổi trưa khi trời ấm hơn cần mở nilon ở 2 đầu luống 1-2 giờ cho
thông thoáng, che kín lại khi thời tiết lạnh, tuyệt đối không bón phân đạm,
phân NPK, chỉ bón lân và tro bếp cho mạ.
- Năm nay là năm rét ẩm nên cần
giữ đủ ẩm cho mạ, tránh ngập nước. Sử dụng phân bón lá, các chế phẩm sinh học
phun cho mạ để tăng cường khả năng phục hồi và khả năng chống chịu của mạ.
- Khi mạ đạt trên 2 lá thật và
thời tiết ấm tiến hành cấy, chú ý cấy đảm bảo mật độ phù hợp với từng giống. Ruộng
cấy cần bón lót phân chuống hoai, phân lân, nếu thời tiết ấm có thể bón lót
phân NPK, ruộng chua, ruộng phải cấy lại cần bón thêm vôi, phân lân để tránh
lúa bị ngẹt rễ, duy trì mức nước nông để lúa sinh trưởng thuận lợi và đẻ nhánh
sớm, không để ruộng lúa mới cấy bị hạn.
- Những chân đất chủ động nước
áp dụng biện pháp gieo thẳng, cần chú ý san phẳng mặt ruộng, rút nước và phun
thuốc trừ cỏ trước khi gieo, đặc biệt chú ý gieo chìm mộng. Sau khi gieo đưa nước
từ từ để cây lúa không bị ngập sâu, dặm tỉa kịp thời nơi mất khoảng.
d. Diện tích ruộng cao, vàn khó
khăn nước tưới hoặc không đủ mạ để cấy kịp thời vụ cần khẩn trương chuyển sang
trồng ngô, đậu tương trong khung thời vụ cho phép; vùng ven đô thị chuyển trồng
rau đậu; vùng trung du miền núi trồng ngô dày, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi.
2. Về chỉ đạo:
- Tạm hoãn các cuộc họp chưa cần
thiết, tập trung lực lượng và thành lập các tổ công tác về cơ sở trực tiếp chỉ
đạo nông dân khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Lực lượng khuyến nông các
cấp cần bám sát từng địa bàn thôn, bản để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho nông
dân. Những nơi thiếu cán bộ khuyến nông cần huy động lực lượng sinh viên của
các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học nông nghiệp đóng trên địa bàn tăng cường
về cơ sở giúp nông dân sản xuất.
- Từng tỉnh, từng huyện có cơ chế
huy động nhanh lượng giống lúa, màu ngắn ngày hiện có của các đơn vị ở địa
phương, nếu thiếu tổ chức nhập gấp giống lúa lai và đưa ngay về cơ sở ứng trước
cho nông dân gieo trồng kịp thời. Đối với giống huy động từ các nông hộ, cán bộ
kỹ thuật cần kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng. Tăng cường công tác kiểm
tra, thanh tra để ngăn chặn tình trạng lợi dụng tình hình khó khăn để nâng giá
hoặc kinh doanh giống chất lượng kém.
- Theo dõi sát tình hình thời tiết
và tiến độ sản xuất, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương thường
xuyên thông báo tình hình thời tiết và hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp,
có hiệu quả cao cho nông dân.
3. Về cơ chế
chính sách
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã có văn bản đề nghị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trích ngân
sách Trung ương hỗ trợ để các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân
mua giống lúa gieo bổ sung cho diện tích lúa và mạ bị chết rét.
Trong khi chờ thông báo mức hỗ
trợ cụ thể, từng tỉnh, thành phố cần chủ động huy động nguồn kinh phí địa
phương để mua giống ứng trước cho dân gieo trồng kịp thời vụ; vùng khó khăn, hộ
nghèo, hộ chính sách, đồng bào dân tộc ít người, vùng thiệt hại nặng cần được hỗ
trợ cao hơn. Ngoài phần hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương cần có cơ chế hỗ
trợ bổ sung để giúp nông dân khắc phục sản xuất đạt hiệu quả, không để tình trạng
vì thiếu giống, thiếu vốn phải bỏ ruộng hoang.
Thời tiết trong những ngày tới
còn diễn biến phức tạp, yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất
để có phương án xử lý kịp thời và thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và
PTNT qua Cục Trồng trọt (ĐT: 04.8237.033; Fax: 04.7344.967).
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- PTT Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Ban Bí thư TW Đảng (để b/c);
- VP TW Đảng, VP Quốc hội, VPCP;
- Các Bộ: Công thương, TNMT, Tài Chính; TW Hội nông dân VN;
- Báo Nhân dân, TTXVN, NNVN, Đài THVN, Đài TNVN, VietNamNet;
- Cục TL, BVTV, TT KNQG, THTK;
- Lưu VP, Cục TT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Cao Đức Phát
|