CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ,
KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, KINH DOANH, VẬN CHUYỂN, TIÊU
THỤ KHOÁNG SẢN CÁT LÒNG SÔNG TRÁI QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động khai
thác, kinh doanh khoáng sản nói chung, khoáng sản cát lòng sông nói riêng trên
địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến nhất định; hoạt động khoáng sản trên địa
bàn tỉnh đã đáp ứng cơ bản nhu cầu về vật liệu xây dựng phục vụ các công trình
kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trong và ngoài tỉnh, giải quyết một phần việc
làm cho người lao động ở địa phương;
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong hoạt động
khai thác, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản cát lòng sông trên địa
bàn vẫn còn diễn biến phức tạp: nhiều loại phương tiện có tải trọng lớn khai
thác trái phép gần bờ vào ban đêm, nhiều bãi vựa tàng trữ cát lòng sông trái
phép phát sinh; một số tổ chức được cấp phép khai thác cát lòng sông nhưng tổ
chức khai thác không đúng quy trình quy phạm, khai thác sai vị trí được cấp
phép, không đảm bảo an toàn giao thông; công tác đo, lập bản đồ hiện trạng mỏ,
báo cáo hoạt động khoáng sản định kỳ chưa nghiêm túc; ở một số địa phương, công
tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản chưa được chú
trọng; việc phối hợp kiểm tra giữa các cấp, ngành chưa chặt chẽ.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác
quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của một số địa phương còn buông lỏng;
sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa
kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai
thác tài nguyên, khoáng sản chưa sâu rộng trong nhân dân; chưa phát huy hết vai
trò giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong hoạt động khai thác tài
nguyên, khoáng sản; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kiên
quyết, chưa nghiêm minh; lực lượng cán bộ quản lý khoáng sản thiếu về số lượng,
còn yếu về chuyên môn, năng lực quản lý; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa
đồng bộ.
Để khắc phục những tồn tại trên, tiếp tục tăng
cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản, Ủy ban nhân dân tỉnh
chỉ thị:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị
xã, thành phố (UBND cấp huyện) chịu trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, thị
xã, thành phố (Đoàn kiểm tra liên ngành huyện), Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã,
phường, thị trấn (UBND cấp xã): tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai
thác, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản cát lòng sông (hoạt
động khai thác, kinh doanh cát sông); xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi
phạm; trường hợp vượt thẩm quyền thì chuyển vụ việc vi phạm đến cơ quan có thẩm
quyền để xử lý theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của
pháp luật về khoáng sản trong cán bộ, nhân dân địa phương.
b) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã nơi có hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản cát lòng
sông thực hiện ngay các công việc sau:
- Xây dựng Quy chế
phối hợp giữa chính quyền địa phương với nhân dân nhằm phát huy vai trò giám
sát địa bàn của nhân dân trong việc hỗ trợ chính quyền địa phương và các cơ
quan chức năng giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác, kinh doanh khoáng
sản cát lòng sông trái quy định của pháp luật; nếu người dân phát hiện vi phạm,
nhanh chóng cung cấp thông tin kịp thời cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hoặc
Trưởng khóm, ấp để kiểm tra xử lý; chính quyền địa phương có trách nhiệm thông
báo công khai kết quả đã kiểm tra xử lý. Quy chế này phải được tổ chức lấy ý
kiến rộng rãi trong nhân dân và phải được đa số người dân đồng thuận trước khi
tổ chức thực hiện.
-
Đối với những địa bàn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác cát lòng sông
trái phép, tập trung nhiều phương tiện khai thác trái phép vào ban đêm hoặc
giáp ranh địa giới hành chính nhiều xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch UBND cấp
xã đó phải có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện tại các chốt giám sát
24/24 để kịp thời phát hiện vi phạm. Trường hợp phát hiện phương tiện vi phạm
thì không phân biệt địa giới hành chính giữa các xã, phường, thị trấn hoặc
huyện, thị xã, thành phố có chung dòng sông mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã
phải hỗ trợ cho nhau khi có yêu cầu. Trường hợp cần được hỗ trợ thì Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Đoàn
kiểm tra liên ngành của huyện hỗ trợ cho cấp xã để giải quyết dứt điểm.
- Chủ trì, phối hợp
với các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản cát lòng sông tổ chức họp
dân nơi được cấp phép để thông báo đầy đủ nội dung giấy phép để nhân dân biết
và giám sát; đồng thời thông báo trên Đài truyền thanh của xã nội dung giấy
phép khái thác cát lòng sông trong thời hạn cấp phép khai thác.
- Tổ chức kiểm tra rà
soát, thống kê phân loại cụ thể các phương tiện vận chuyển, khai thác cát có
trên địa bàn (xác định số lượng phương tiện, trọng tải, tên và địa chỉ của chủ
phương tiện, giấy tờ đăng ký, đăng kiểm phương tiện); điều tra, thống kê cụ thể
số lượng các điểm bãi, vựa cát lòng sông, điểm kinh doanh vật liệu xây dựng cát
sông để xác định cụ thể số lượng, diện tích đất sử dụng, giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, tình trạng đăng ký kinh
doanh và kê khai nộp thuế, nguồn gốc cát đầu vào; báo cáo kết quả về Ủy ban
nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp) trước ngày
15/12/2011.
c) Chỉ đạo Phòng Tài
chính và Kế hoạch huyện cân đối ngân sách hàng năm để mua sắm trang thiết bị,
phương tiện cho Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và UBND cấp xã để phục vụ
công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản cát lòng sông trái quy
định của pháp luật;
d) Định kỳ 06 tháng và
hàng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố: Long Xuyên, Châu
Đốc, Tân Châu, An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú và Châu Thành báo cáo kết quả
thực hiện Chỉ thị số 12/2005/CT-UB ngày 05/4/2005 của UBND tỉnh về việc chấn
chỉnh và tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác
cát lòng sông và Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 04/8/2008 về Ban hành Quy
chế kiểm tra và hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong khai thác, vận chuyển,
kinh doanh và san lấp bằng vật liệu cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang trình
UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 10 tháng 5 đối với
báo cáo 06 tháng và trước ngày 10 tháng 11 đối với báo cáo năm.
2.
Các tổ chức, cá nhân
được cấp phép khai thác khoáng sản cát lòng sông:
a)
Trước khi tiến hành hoạt động khai thác, có trách nhiệm:
- Cung cấp cho UBND
cấp xã giấy phép khai thác khoáng sản cát lòng sông và hồ sơ kèm theo giấy phép
gồm: vị trí khu khai thác, phao giới hạn khu khai thác, danh sách phương tiện
khai thác và thông tin về người điều khiển phương tiện khai thác, giám đốc điều
hành khu mỏ;
- Tham dự buổi họp dân
do Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức và thông báo hoạt động khai thác cát lòng
sông theo giấy phép được cấp cho nhân dân biết để giám sát;
- Xuất trình đầy đủ,
kịp thời giấy phép khai thác khoáng sản và các loại hồ sơ kèm theo giấy phép
khi các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động khai thác, kinh doanh cát lòng
sông tại hiện trường.
b) Hoạt động khai
thác, kinh doanh khoáng sản cát sông đúng quy định pháp luật.
c) Khi phát hiện
phương tiện khác khai thác cát lòng sông trái quy định của pháp luật trong khu
vực được cấp phép hoặc gần khu vực được cấp phép thì phải thông báo kịp thời
cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng ấp (khóm) để kịp thời kiểm tra
xử lý.
3. Sở, ngành tỉnh: Cục Thuế, Tài chính, Công an, Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng,
Lao động - Thương binh và Xã hội; Đội Thanh tra giao thông đường thủy nội địa
số 7 có trách nhiệm:
a) Thực hiện chức
năng, nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phân công tại Chỉ thị số 12/2005/CT-UB ngày
05/4/2005; Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 04/8/2008; Quyết định số
56/2010/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý
hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang và Quyết định 2077/QĐ-UBND ngày
04/11/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử
dụng khoáng sản tỉnh An Giang giai đoạn 2008 - 2020;
b) Sở Tài chính: Cân
đối ngân sách hàng năm các khoản chi cho kế hoạch mua sắm trang thiết bị,
phương tiện cần thiết cho các Đoàn (Tổ) kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện và
xã để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khai khác cát lòng sông trái quy
định của pháp luật.
c) Cục thuế, Kho bạc
nhà nước tỉnh và Sở Tài chính: tăng cường các biện pháp quản lý thu thuế, phí
và lệ phí về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển tài nguyên khoáng sản;
kiên quyết xuất toán hoặc truy thu, hoàn thuế đối với các công trình tiêu thụ
cát trái phép trốn thuế.
d)
Định kỳ 06 tháng và hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao
về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 10 tháng 5 đối
với báo cáo 06 tháng và trước ngày 10 tháng 11 đối với báo cáo năm.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
a) Tăng cường
hoạt động giám sát, kiểm tra các địa bàn có đơn tố cáo vượt cấp hoặc có tin báo
của người dân về hoạt động khai thác khoáng sản cát lòng sông trái quy định của
pháp luật, qua đó thực hiện vai trò giám sát, nhắc nhở Ủy ban nhân nhân cấp huyện,
cấp xã trong việc thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm; trường
hợp cần thiết thì tiến hành kiểm tra trách nhiệm đối với Đoàn kiểm tra liên
ngành của huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện Chỉ thị số
12/2005/CT-UB ngày 05/4/2005 và Quyết
định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 04/8/2008 của
UBND tỉnh.
Đối với địa phương đã được nhắc nhở hoặc kiểm
tra trách nhiệm mà còn phát sinh đơn tố cáo vượt cấp hoặc tin báo qua điện
thoại về hoạt động khai thác khoáng sản cát lòng sông trái quy định của pháp
luật, nếu qua kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường xác định nội dung đơn tố cáo
hoặc tin báo đúng sự thật thì Sở báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý.
b) Định kỳ hàng năm,
Sở Tài nguyên và Môi trương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan
tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh
vực khoáng sản cho các Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và UBND cấp xã.
c) Hướng dẫn UBND cấp huyện và các Sở, ngành
tỉnh thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm về kết quả quản lý,
kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản cát lòng sông trái quy định pháp
luật; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
5. Đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:
a) Chỉ đạo các Đồn
Biên phòng trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát
hiện, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản cát lòng sông trái phép tại khu vực
biên giới, vành đai biên giới; thông báo kết quả xử lý cho Sở Tài nguyên và Môi
trường biết để cùng phối hợp thực hiện;
b) Chỉ đạo Đồn Biên
phòng cửa khẩu quốc tế sông Tiền phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế
Thường Phước (tỉnh Đồng Tháp) tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời
phát hiện, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản cát lòng sông trái phép tại khu
vực giáp ranh của khu vực Cửa khẩu khẩu quốc tế sông Tiền;
c) Chỉ đạo các Đồn
Biên phòng phối hợp, hỗ trợ các Đoàn (Tổ) kiểm tra liên ngành của tỉnh, của 05
huyện, thị xã biên giới và 18 xã, thị trấn biên giới trong thời gian tiến hành
kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển cát lòng sông trái quy
định của pháp luật tại khu biên giới do Đồn biên phòng quản lý.
6. Đề nghị Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV:
Trước khi cấp giấy
phép hoạt động bến thủy nội địa cho các tổ chức, cá nhân, cần lấy ý kiến Ủy ban
nhân dân cấp xã về việc sử dụng đất làm bãi, vựa kinh doanh cát lòng sông cho
phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và mục đích sử dụng đất theo giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất.
7. Kể từ nay, việc xử lý vi phạm hành
chính đối với các hành vi khai thác khoáng sản cát lòng sông trái pháp quy định
phải nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. Ngoài hình thức xử phạt tiền còn
phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng
quy định tại Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
khoáng sản như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm; tước quyền
sử dụng giấy phép; buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi
phạm hành chính gây ra…
8. Địa bàn huyện, thị xã, thành phố và
xã, phường, thị trấn nào còn để xảy ra tình trạng khai thác, kinh doanh khoáng
sản cát lòng sông trái quy định pháp luật và có đơn tố cáo hoặc có tin báo của
người dân vượt cấp về tỉnh, Trung ương, các phương tiện thông tin đại chúng thì
tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo kiểm điểm
phê bình, xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố và xã, phường, thị trấn đó.
9. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo An
Giang và các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở: thường xuyên tuyên truyền,
phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản và các quy định của tỉnh về quản
lý, khai thác khoáng sản cát lòng sông trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao
hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân;
tập trung viết bài đưa tin hoặc xây dựng chuyên mục, chuyên đề biểu dương những
điển hình tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động quản lý,
thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trên địa bàn tỉnh.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh An Giang, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể xã hội căn cứ các
quy định pháp luật về khoáng sản tổ chức giám sát chặt chẽ Ủy ban nhân dân các
cấp, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý
hoạt động khai thác, kinh doanh cát lòng sông trên địa bàn tỉnh.
11. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm theo
dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ báo cáo
kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực
hiện Chỉ thị này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản
ảnh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh xử lý kịp thời.
Chỉ thị này có hiệu
lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.