BỘ
LÂM NGHIỆP
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
7-LS/CNR
|
Hà
Nội, ngày 14 tháng 5 năm 1993
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG THIẾT KẾ KHAI THÁC ĐỂ ĐẠT
YÊU CẦU MỚI CỦA CHÍNH PHỦ TRONG VIỆC BẢO VỆ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUYÊN LIỆU GỖ,
LÂM SẢN
Thực hiện chủ trương lập lại trật
tự trong khai thác rừng, mấy năm qua chúng ta đã đạt được một số tiến bộ đáng kể.
Tình trạng chủ rừng khai thác tuỳ tiện, dễ làm khó bỏ, không đúng đối tượng rừng,
chặt đi chặt lại... trong khu vực Quốc doanh giảm đi nhiều.
Tuy nhiên, Bộ đánh giá việc chuyển
biến trên vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu mới và cấp thiết của Nhà nước, nhất
là trong việc quản lý, bảo vệ gỗ quý hiếm.
Ngoài ra, việc quản lý về mặt
Nhà nước đối với khu vực ngoài Quốc doanh còn buông lỏng và chưa kiên quyết đưa
vào quỹ đạo quản lý như đối với khu vực Quốc doanh. Chính nguyên nhân này đã
gây ra sự hỗn loạn trong quản lý và bảo vệ rừng, mà một biểu hiện cụ thể là
tình trạng gỗ trôi nổi vẫn còn xảy ra phổ biến đã dẫn đến không kiểm soát được
tận gốc việc khai thác, sử dụng nguyên liệu gỗ, lâm sản của các doanh nghiệp,
nhất là các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng
và lập lại trật tự trong khai thác rừng đúng như Luật Bảo vệ và phát triển rừng
quy định, trong các năm tới Bộ sẽ thực hiện chủ trương mọi thành phần kinh tế
(các loại doanh nghiệp) đều phải có trách nhiệm như nhau trong việc thực hiện
nghĩa vụ Bảo vệ, Quản lý và Phát triển rừng - Không có sự phân biệt giữa quốc
doanh với ngoài quốc doanh - Trong đó: Các tổ chức quốc doanh phải thực sự là
nòng cốt của việc thi hành Luật.
Trước mắt, Bộ yêu cầu các đơn vị
kinh doanh, sử dụng rừng, sử dụng nguyên liệu gỗ, lâm sản phải nghiêm chỉnh thực
hiện Nghị định 18-HĐBT ngày 17-1-1992 về gỗ quý hiếm. Chỉ thị 90-CT ngày
19-3-1992 về các biện pháp cấp bách để chặn đứng nạn phá rừng, và gần đây là điện
hoả tốc số 69 ngày 18-3-1993 của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung việc chuẩn bị cho khai
thác năm 1994 được thực hiện như sau:
I. VỀ HỒ SƠ
THIẾT KẾ TRÌNH DUYỆT
1. Đối với quốc doanh: Vẫn tiếp
tục thực hiện những việc đã làm như năm trước. Cụ thể theo đúng hướng dẫn tại
các văn bản sau:
+ Văn bản số: 1331/LS- CNR ngày
21-5-1987.
+ Chỉ thị số: 02/LS-CNR ngày
14-5-1991.
+ Chỉ thị số: 05/LS-CNR ngày
23-7-1991.
+ Văn bản số: 1138/LS-CNR ngày
15-6-1992.
Đặc biệt lưu ý:
* Trước đây mới chỉ chú ý tới rừng
tự nhiên, rừng trồng quốc doanh, thì từ nay phải chú ý đến cả gỗ rừng trồng của
dân, cây trồng phân tán, rừng đã giao hợp tác xã, rừng tre nứa lồ ô...
* Trước đây mới chỉ chú trọng
khai thác chính thì từ nay phải chú ý đến cả chặt tỉa thưa, chặt nuôi dưỡng
v.v...
* Nghiêm cấm việc thiết kế vào
các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và cả rừng trên núi đá.
2. Đối với ngoài quốc doanh: hồ
sơ thiết kế cũng phải thực hiện đầy đủ các bước công việc như đối với khu vực
quốc doanh; nhưng tuỳ tình hình cụ thể từng đơn vị, từng trường hợp có thể giảm
bớt yêu cầu về số lượng bảng biểu, bản đồ, thuyết minh... Nhưng bắt buộc phải
tuân thủ đúng nguyên tắc: "Muốn lấy gỗ, củi... ra khỏi rừng đều phải có hồ
sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền đã quy định phê duyệt".
Và hồ sơ trình duyệt bắt buộc phải
có tối thiểu các tài liệu sau:
+ Tờ trình và có thuyết minh tóm
tắt.
+ Các biểu chi tiết về địa danh,
diện tích, sản lượng.
+ Có bản đồ tỷ lệ 1/5000 hoặc
1/10000.
Năm nay, Bộ cương quyết không
xét duyệt các hồ sơ thiết kế sai với quy định, hoặc thiếu các văn bản đã hướng
dẫn.
Một hồ sơ thiết kế đạt yêu cầu
là phải đáp ứng được tất cả các quy định của một phương án sản xuất kinh doanh
hàng năm như đã hướng dẫn tại Chỉ thị số 02-LS/CNR ngày 14-5-1991 và văn bản số
1138-LS/CNR ngày 15-6-1992 bao gồm đồng bộ các kế hoạch: Khai thác - Lâm sinh -
Xây dựng cơ bản khu khai thác - Chế biến - và Tiêu thụ xuất khẩu.
II. VIỆC CHỌN
ĐỐI TƯỢNG CÂY BÀI CHẶT
Phải đúng cấp kính, cây bài chặt
phải phân bố đều trên toàn diện tích, phải đúng cường độ chặt cho phép, đúng
luân kỳ quy định, đúng quy phạm, quy trình... Nghiêm cấm việc chỉ chặt chọn các
cây ở nhóm gỗ có giá trị cao. Vì vậy, trong việc xuất khẩu các đơn vị phải chủ
động yêu cầu khách hàng mua cả các loại gỗ nhóm thấp. Bộ sẽ hạn chế khối lượng
xuất khẩu đối với các hợp đồng chỉ sử dụng gỗ nhóm cao.
Trước mắt, trong năm 1994 tiếp tục
đình chỉ khai thác 13 loại gỗ quý hiếm thuộc nhóm II.A đã ghi tại Nghị định
18-HĐBT ngày 17-01-1992.
Đồng thời, do tình hình chặt phá
rừng vẫn chưa ngăn chặn được đáng kể, một số địa phương còn cho phép khai thác,
buông lỏng quản lý để các đơn vị, cá nhân, kẻ xấu lợi dụng khai thác, vận chuyển
và xuất khẩu lậu gỗ quý hiếm (nhất là gỗ Pơ-mu), để dân phát rừng làm rẫy, tàn
phá cả rừng trên núi đá... Nên trong năm 1994, Bộ Lâm nghiệp vẫn quyết định tạm
thời đình chỉ việc khai thác các loại gỗ nhóm I và nhóm II theo bảng phân loại
gỗ hiện hành. Riêng đối với gỗ núi đá thì đình chỉ lâu dài cho đến khi nào có
văn bản mới.
Trường hợp các doanh nghiệp (đã
cấp và đang xét cấp giấy phép hành nghề chế biến) có nhu cầu cần phải sử dụng gỗ
nhóm I, nhóm II (thông dụng) và gỗ quý hiếm thuộc nhóm II.A thì các địa phương,
đơn vị phải thống kê riêng để Bộ Lâm nghiệp tổng hợp trình xin phép Thủ tướng
Chính phủ, Bộ Lâm nghiệp sẽ có văn bản hướng dẫn sau khi được Chính phủ cho
phép.
III. VỀ SẢN
LƯỢNG KHAI THÁC NĂM 1994
Để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng
Chính phủ về việc chặn đứng nạn phá rừng. Năm 1994, Tổng sản lượng gỗ khai thác
toàn quốc sẽ giữ mức như năm 1993 - Vào khoảng 620.000m3 gỗ lớn và
220.000m3 gỗ nhỏ từ rừng trồng - (và sẽ điều chỉnh lại một số tỉnh,
đơn vị cho hợp lý nhưng không vượt quá mức sản lượng của năm 1993).
Gỗ thuộc nhóm I, nhóm II và gỗ
quý hiếm thuộc nhóm II.A sẽ được ghi nhận nếu có địa chỉ tiêu thụ, nhưng phải
thống kê riêng và không tính trong tổng số gỗ lớn được phép khai thác.
IV. TRƯỜNG HỢP
XIN ĐIỀU CHỈNH HIỆN TRƯỜNG KHAI THÁC
Rút kinh nghiệm năm qua có một số
đơn vị chưa thực hiện hồ sơ vừa phê duyệt đã xin điều chỉnh lại hiện trường. Vì
vậy, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc xét duyệt hồ
sơ thiết kế của các cơ sở trước khi trình duyệt cấp trên. Bộ sẽ chỉ giải quyết
điều chỉnh vào cuối quý II (trừ trường hợp đặc biệt).
Trường hợp không khai thác hết sản
lượng, diện tích đã phê duyệt, muốn chuyển sang năm sau, phải thống kê riêng
thành một phụ biểu và có thuyết minh chi tiết như đã hướng dẫn - Và nhất thiết
phải có xác nhận của đơn vị kiểm lâm sở tại.
V. VỀ VIỆC THỰC
HIỆN CHỦ TRƯƠNG ĐẤU THẦU LÔ CÚP VÀ THỰC HIỆN GIÁ BÁN CÂY ĐỨNG
Bộ đã có Chỉ thị 02-LS/CNR ngày
14-5-1991 về việc đấu thầu lô cúp và Thông tư số 02-KTTC ngày 18-01-1992 quy định
tạm thời về giá bán cây đứng. Và gần đây có Chỉ thị số 03-KTTC ngày 17-3-1993 về
việc triển khai thi hành chính sách giá bán cây đứng.
Để thực hiện được chủ trương
trên, các đơn vị phải thực hiện việc tính toán đủ các chi phí sản xuất tính
theo đầu một đơn vị sản phẩm (m3 - Ste - Tấn,...) ra đến bãi giao, để
làm cơ sở cho việc thực hiện dần việc đấu thầu lô cúp và xác định giá bán cây đứng.
Gỗ và lâm sản chỉ được coi là hợp pháp sau khi đã có biên lai thu thuế tài
nguyên, riêng đối với gỗ phải có dấu búa kiểm lâm được đóng trên các cây gỗ có
dấu búa bài cây như đã quy định tại Thông tư số 08-LN/KL ngày 25-4-1992 và
Thông tư số 13-LN/KL ngày 12-10-1992 của Bộ Lâm nghiệp.
*
* *
Đính kèm theo đây là lịch duyệt
thiết kế khai thác và công tác chuẩn bị rừng cho năm 1994.
Yêu cầu các đơn vị về đúng lịch
quy định để Bộ kịp tổng hợp trình Chính phủ và các ngành hữu quan vào cuối
tháng 10-1993. Nếu có sự chậm trễ là thuộc trách nhiệm của các địa phương, đơn
vị.