HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ ****** |
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 64-CP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1961 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG LỤT, CHỐNG LỤT, PHÒNG BÃO CHỐNG BÃO TRONG NĂM 1961
Năm 1961 là năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiệm vụ phòng chống thiên tai: lũ, lụt, bão, nhằm bảo vệ công cuộc xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của hợp tác xã và của Nhà nước, có một ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế cũng như về chính trị.
Nhận rõ nhiệm vụ quan trọng trên đây, từ đầu năm, nhân dân ta đã có nhiều cố gắng trong việc củng cố đê, kè, cống; một số ngành ở trung ương như Thủy lợi, Khí tượng, Bưu điện, v.v… đã chú ý kiện toàn các phương tiện dự báo và chế độ truyền tin cho công tác chống lụt bão. Thực tế khả năng phòng chống lụt, bão đã được tăng cường thêm một bước.
Tuy nhiên, nhìn chung các triền đê sông và độ cao cũng như độ dày, chưa hoàn toàn đủ sức để chống đỡ những trận lụt to nhất đã xảy ra, như năm 1945 ở Bắc bộ, và năm 1954 ở Liên khu 4 cũ. Trong thân đê, ở các kè và cống chưa thể phát hiện được hết những chỗ yếu có thể gây ra nguy hiểm. Nhất là đê bể, và phần lớn nhà cửa của nhân dân, thuyền bè của ngư dân, kho tàng của Nhà nước, v.v…, còn chưa thực chắc chắn để chịu đựng nổi những cơn bão mạnh. Việc trồng cây chống sóng, chắn gió ở các tỉnh mới làm được rất ít. Mặt khác việc trị thủy ở nguồn sông mới bắt đầu làm, còn lâu mới có tác dụng; khả năng khoa học hiện nay chưa thể báo trước được sớm thời gian và cường độ lũ, lụt bão có thể xảy ra. Do đó công tác phòng chống lụt bão trong mùa mưa không thể xem nhẹ, nhất thiết không được chủ quan; ngược lại phải đề cao cảnh giác, ra sức khắc phục khó khăn, tích cực chuẩn bị đề phòng, chủ động, sẵn sàng đối phó với những trường hợp bất lợi nhất có thể xảy ra. Đó là một việc quan trọng không thể nào thiếu được, hàng năm khi mùa lũ lụt bão sắp đến.
Kinh nghiệm những trận lũ lớn: năm 1959 ở Thái Nguyên và Bắc Giang; năm 1960 ở Hà Tĩnh và Quảng Bình, nhờ có tổ chức chuẩn bị phòng lụt trước, chỉ huy khẩn trương mạnh mẽ và dựa vào lực lượng hợp tác xã lúc lụt xảy đến, nên đã chống đỡ được và hạn chế được nhiều thiệt hại. Kinh nghiệm ở nhiều nơi khác cũng chứng tỏ rằng mặc dù nước còn thấp, một hư hỏng nhỏ của đê, cống có thể gây tai hại lớn, nếu không canh phòng chu đáo, không được phát hiện và sửa chữa kịp thời.
Để bảo đảm yêu cầu phát triển công, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, nhằm hoàn thành kế hoạch năm 1961 làm đà cho những năm sau của kế hoạch 5 năm lần thứ hất, để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, phát huy thắng lợi của hợp tác hóa nông nghiệp, Hội đồng Chính phủ quyết định lấy việc phòng lụt chống lụt, phòng bão chống bão làm một công tác cực kỳ quan trọng trong suốt mùa mưa, kết hợp chặt chẽ với công tác trung tâm thường xuyên là hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp ở nông thôn và thực hiện kế hoạch năm 1961 của mỗi ngành: đến khi có xảy ra nước lớn trên báo động 2 và có báo thì phải coi công tác phòng lụt, chống lụt, phòng bão chống bão là công tác trung tâm đột suất. Hội đồng Chính phủ chỉ thị cho các ngành các cấp phải tích cực thực hiện những điểm sau đây:
1. Phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo tư tưởng, và giáo dục làm cho toàn thể cán bộ và nhân dân nhận rõ tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đề cao cảnh giác không ngừng với thiên tai mà cả với âm mưu phá hoại của địch. Phải thực hiện phương châm phòng là chính, để có thể chủ động đối phó kịp thời trước mọi tình thế. Phải hết sức coi trọng và kiểm tra chu đáo về mặt tổ chức phòng chống lũ, lụt, bão vì ngay trong nhiều nơi khi tập dượt, chúng ta thấy nhược điểm lớn nhất là việc tổ chức chuẩn bị không chu đáo.
2. Các tỉnh Bắc Giang, HưngYên, Ninh Bình, Hà Đông, Thái Nguyên phải xúc tiến gấp việc hoàn thành kế hoạch đắp đê trước ngày 30-05. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Vĩnh Linh phải hoàn thành trước ngày 10-06. Đặc biệt tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên phải cố gắng hoàn thành để bảo vệ khu công nghiệp Việt Trì và khu gang thép Thái Nguyên trước mùa mưa lũ.
Tất cả các tỉnh có nhiệm vụ trồng cây chắn sóng phải phấn đấu thực hiện cho được theo chỉ tiêu kế hoạch của Bộ Thủy lợi và điện lực đã giao.
Các tỉnh miền núi cần có kế hoạch phòng chống lũ.
3. Tiến hành ngay việc kiểm tra đê, kè, cống, các công trình thủy nông mới xây dựng, đánh giá đúng tình hình và có kế hoạch sửa chữa kịp thời và theo dõi những chỗ yếu đã phát hiện. Việc kiểm tra không những tiến hành lúc này mà cần tiến hành một cách thường xuyên trong suốt mùa mưa lụt, sau những trận mưa to, mỗi khi nước lên cao và mỗi khi nước rút.
4. Kiện toàn và khôi phục hoạt động các Ban chỉ huy chống lụt bão từ tỉnh xuống xã, từ các ngành đến các cơ sở xí nghiệp hợp tác xã. Dựa vào tổ chức dân quân, thanh niên và hợp tác xã để tổ chức các lực lượng hộ đê, phòng chống lụt bão và chuẩn bị các dụng cụ vật liệu cần thiết, tiến hành tập dượt, sẵn sàng mọi việc cho công tác phòng chống lụt, bão trước đầu tháng 6 ở Bắc bộ và 15 – 6 ở liên khu 4 cũ.
5. Các ngành có nhiệm vụ phục vụ nhiều cho công tác chống lụt, chống bão như Thủy lợi, Khí tượng, Giao thông, Bưu điện, v.v… và các ngành có nhiều cơ sở, xí nghiệp, kho tàng, công trường, vật liệu như Nội thương, Lâm nghiệp, Thủy sản, Công nghiệp, v.v… cần phải kiểm tra việc chuẩn bị phục vụ và phòng chống lụt bão từ trên xuống dưới, có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với địa phương để chỉ đạo thống nhất, được sát và kịp thời.
Lực lượng quân đội đóng ở các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giúp đỡ thiết thực trong việc phòng chống lụt, bão. Mặt khác các địa phương cần quán triệt phương châm tự lực cánh sinh là chính, lực lương, phương tiện, vật liệu của nhân dân địa phương là chính, tránh ỷ lại vào bộ đội.
6. Ban Chỉ huy chống lụt chống bão các cấp, các ngành phải có kế hoạch cụ thể, có sinh hoạt thường xuyên, các thành viên phải được phân công cụ thể và chịu trách nhiệm về những phần đê hoặc trong phạm vi từng vùng nhất định ngoài trách nhiệm chung, và phải đặt thường trực có người phụ trách đủ thẩm quyền giải quyết kịp thời mọi công việc, đặc biệt chú trọng những điểm sau đây:
a) Nắm vững tình hình biến diễn của đê điều, nhất là các nơi xung yếu.
b) Nắm vững tình hình lực lượng đội ngũ chống lụt bão, tình hình chuẩn bị vật liệu, dụng cụ, phương tiện chống lụt chống bão đã tập trung dành sẵn, và có thể huy động được như bao tải, rọ sắt, đá, phương tiện giao thông vận tải, v.v…
c) Nắm vững tình hình mưa, bão, lũ, tình hình mức nước; hệ thống giao thông liên lạc và truyền tin tức được nhanh chóng và kịp thời nhất.
d) Trước mắt hiện nay cần chỉ đạo chặt chẽ việc phòng chóng úng ở những nơi đồng trũng, phòng chống hạn ở ruộng cao để đảm bảo thu hoạch tốt vụ đông xuân về việc trồng cấy vụ thu kịp thời vụ.
7. Ban Chỉ huy chống lụt chống bão trung ương, khu, tỉnh, thành phải tổ chức những đoàn kiểm tra đi xem xét những nơi đê kè cống quan trọng trong tháng 5 này.
Trên đây là những quyết định chung, mỗi ngành, mỗi địa phương phải căn cứ và điều kiện cụ thể của ngành mình, địa phương mình, dựa và kinh nghiệm phòng chống lụt, bão trong các năm trước mà đặt kế hoạch cụ thể và thực hiện đúng theo tinh thần chỉ thị này.
Yêu cầu gửi bản kế hoạch cụ thể nói trên về Phủ Thủ tướng và thường trực Ban Chỉ huy chống lụt chống bão trung ương đặt tại Bộ Thủy lợi và Điện lực trước cuối tháng 5 này.
|
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng |